XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Đại thủy chiến Thị Nại – ‘Trận Xích Bích’ bi tráng của người Việt

Trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn vào năm 1801 có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ.
Xét trên quy mô và tính chất quyết định, trận đánh diễn ra ngày 27/2/1801 ở đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn xứng đáng được ghi nhận như trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử các cuộc nội chiến ở Việt Nam.
Bức tranh vĩ đại của trận đánh lịch sử
Năm 1800, thế trận giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn rơi vào thế giằng co. Vào thời điểm này, thành Quy Nhơn – một địa điểm tối quan trọng về chiến lược do chúa Nguyễn kiểm soát đang bị quân Tây Sơn uy hiếp mạnh mẽ. Quân Nguyễn tại đây phải cố thủ trong tình cảnh ngặt nghèo. Quân tiếp viện cho thành không thể đến bằng đường thủy do phía Tây Sơn bố trí một đội thủy quân cực mạnh để bảo vệ cửa biển Thị Nại.
Quyết cứu thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Ánh đưa hạm đội hùng hậu chưa từng có tiến ra phá vòng vây của Tây Sơn ở đầm Thị Nại. Đầm nước này trở thành chìa khóa quyết định cục diện quân sự trong tương lai của cả hai bên.
Theo một số nguồn sử liệu, chúa Nguyễn đã huy động trên dưới 1.000 chiến hạm lớn nhỏ cho trận Thị Nại. Trong số đó có 5 chiếc mang được 46 khẩu đại bác, 18 chiếc khác mang được từ 20 đến 26 khẩu.
Hàng triệu người Việt Nam biết đến trận Xích Bích qua tác phẩm văn học kinh điển Tam Quốc chí.
Quân Tây Sơn cho án ngữ ở cửa biển Thị Nại 3 chiến hạm khổng lồ Định Quốc – loại chiến hạm “khủng khiếp” nhất của người Việt thời cận đại với trang bị hơn 60 hải pháo mỗi chiếc. Phía sau 3 chiến hạm Định Quốc là hạm đội đông đảo gồm gần 2.000 chiến thuyền lớn nhỏ, tập hợp gần như tất cả sức mạnh thủy binh của quân Tây Sơn. Lực lượng phỏng thủ được hỗ trợ bởi rất nhiều đại pháo đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai ở cửa ngõ vào Thị Nại.
Trong những cuộc giao chiến đầu tiên, thủy quân tiên phong của Nguyễn Ánh luôn bị nghiền nát ngay tại cửa đầm bởi hỏa lực phòng thủ khủng khiếp của Tây Sơn. Thành Quy Nhơn ngày càng nguy ngập. Chúa Nguyễn quyết định thu quân về để họp bàn các tướng bàn kế tiêu diệt hạm đội Tây Sơn. Nhận định mùa gió đang thuận lợi, họ thống nhất sẽ dùng hỏa công.
Đêm rằm tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, 1.200 quân nhà Nguyễn bí mật đổ bộ lên bờ, đánh úp các pháo đài của Tây Sơn nhằm hóa giải các cỗ đại pháo.
Trước đó, nhánh quân tiên phong của chúa Nguyễn đã bắt được thuyền tuần tra Tây Sơn và và thai thác để lấy mật lệnh. Một đội chiến thuyền cái trang thành thuyền Tây Sơn dùng mật lệnh vượt qua cửa phòng thủ tiến sâu vào bên trong bắn phá.
Hai cánh đột kích trên đã trở thành chìa khóa để nhà Nguyễn xoay chuyển cục diện trận chiến. Trước sự bối rối cuả quân Tây Sơn, toàn bộ hạm đội của nhà Nguyễn được lệnh tổng tấn công.
Sự yểm hộ của các cỗ đại pháo hai bên bờ giảm sút, 3 chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn bị trên 60 chiếc thuyền thuộc tiền đội thủy quân Nguyễn bao vây và đánh chìm. Toàn bộ hạm đội Nguyễn tràn vào dùng hỏa công đánh phá cạnh mẽ. Nhờ thuận hướng gió nên sức mạnh công phát huy tối đa, hạm đội Tây Sơn cháy phần phật từ chiếc này sang chiếc khác. Đêm ấy, một bức tranh khủng khiếp bao phủ lên toàn bộ đầm Thị Nại với lửa khói ngút trời.
Trận Thị Nại đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhà Nguyễn. Quân Nguyễn mất hơn 4.000 cho cuộc chiến. Về phía Tây Sơn, thiệt hại nặng nề hơn nhiều lần. Toàn bộ hạm đội ở Thị Nại – xương sống của hải quân Tây Sơn bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo thống kê, Tây Sơn mất hơn 20.000 quân, 1.800 chiến thuyền, hơn 600 đại pháo…
Thị Nại – Xích Bích của người Việt
Trận thủy chiến Thị Nại có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ. Đó là trận Xích Bích ở cuối thời Đông Hán bên Trung Quốc.
Xét về tính chất, cả hai trận đánh đều diễn ra trong các cuộc nội chiến giành quyền làm chủ đất nước. Nếu trận Xích Bích diễn ra là cuộc đối đầu giữa thế lực của Tào tháo nhân danh nghĩa triều đình và liên quân tôn quyền – Lưu Bị trong bối cảnh Trung Quốc đang bị chia rẽ bởi tình trạng cát cứ của các chư hầu thì trận Thị Nại là cuộc đọ sức giữa triều đại Tây Sơn và chúa Nguyễn, hai thế lực hùng mạnh còn tồn tại sau hàng thế kỷ nội chiến ở nước Việt.
Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định ngày nay. Đầm có diện tích khoảng 5.000 ha, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng khoảng 4 cây số. Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã, còn gọi là cửa Thị Nại. (Trong hình minh họa trên, màu vàng thể hiện những địa điểm tập trung lực lượng của chúa Nguyễn, màu đỏ là quân Tây Sơn).
Cả hai trận đánh đều diễn ra trên sông nước với quy mô rất lớn, quy tụ hầu như toàn bộ lực lượng của thủy quân của các bên tham chiến. Đây đều là những trận  quyết chiến chiến lược mà bên nào thua sẽ mất hoàn toàn quyền kiếm soát mặt trận đường thủy về lâu dài, kéo theo sự thay đổi toàn diện cuộc chiến.
Ở trận Xích Bích, sau trận thua thảm khốc trước liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị, Tào Tháo không còn bao giờ khôi phục được sức mạnh thủy binh để đánh bại đối thủ của mình. Kết quả của trận Xích Bích đã định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc của ba nước Tào Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô. Đây là một trận đánh có ý nghĩa lớn trong lịch sử Trung Quốc.
Với thật bại ở trận Thị Nại, thủy quân Tây Sơn hầu như đã sụp đổ hoàn toàn. Kể từ đó nhà Nguyễn nắm giữ quyền kiểm soát vùng biển, gần như tất cả tàu có thể tự do đi lại mà không chịu sự đe dọa của quân Tây Sơn. Trận Thị Nại đã làm xoay chuyển cục diện chiến sự, giúp cho việc kết thúc chiến tranh nhanh hơn. Sau trận đánh này, Nguyễn Ánh liên tiếp giành chiến thắng và nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Điều đặc biệt khiến cuộc chiến ở đầm Thị Nại giống trận Xích Bích là ở chiến thuật mà nhà Nguyễn đã sử dụng để giành chiến thắng. Đó chính là chiến thuật hỏa công dựa vào hướng gió được hiện với lối đánh tập kích thọc sâu bất ngờ làm đối phương không kịp trở tay.
Trong trận Xích Bích, phe liên quân đã dùng kế trá hàng để dẫn một đội thuyền chất đầy vật liệu dễ cháy cùng cùng ngòi nổ đột nhập sâu vào căn cứ quân địch. Khi đội “hàng binh” đến giữa sông thì các con thuyền được châm lửa và theo gió lao thẳng vào hạm đội của Tào Tháo. Do gió lớn và bị xích vào nhau, hạm đội khổng lồ này nhanh chóng bị thiêu ra tro.
Trong trận Thị Nại, đoàn thuyền ngụy trang của quân Nguyễn đã luồn sâu vào đội hình hạm đội Tây Sơn khiến hoạt động của hạm đội này bị rối loạn. Khi dính đòn hỏa công từ hạm đội chủ lực của chúa Nguyễn, các chiến thuyền Tây Sơn chỉ còn biết chống cự trong tuyệt vọng. Cũng như trận xích Bích, những làn gió “trời cho” đóng vai then chốt trong chiến thắng của chúa Nguyễn.
Q.L (BR)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét