XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Bẻ queo những chuẩn mực đạo lý nhân bản

Trích từ chuyên mục
 Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn



Lêu lổng qua ngày, mất hết tự trọng    
   Dân nghèo ra thân đi làm tá điền, nói tiếng làm ruộng, chớ kỳ trung đi kiếm ăn cho qua ngày tháng. Một năm mười hai tháng, làm ruộng thiệt sự có bốn năm tháng, dư linh (1) làm  gì ? Vì không có nghề trong tay, nên toàn rủ nhau đánh cờ chó hoặc đi coi đánh  bạc, chà lết mòn quần rách áo. Dốt đặc hơn cả cá tôm, vụng về hơn trùn dế. Dân nước khác tiếc tới giờ tới phút như tiếc bạc, dân nước mình phí ngày tháng như nước trôi.
    Uổng thay! từ già đến trẻ từ nam đến nữ đều luống những đêm ngày. Nghe ai cho vay thì mừng hớn hở, hỏi rồi nào lo trông trả? Vì vô nghề nghiệp nên mới sinh tệ trong xứ như thế. Làm người phải biết thương cái thể diện của mình !

(1) ngoài ra
Trần Chánh Chiếu
 Lục tỉnh tân văn 1908
Trông đợi quá nhiều ở sự may rủi
    Phương ngôn có câu rằng “may hơn khôn”, chẳng qua là nhân một việc gặp may thì hơn thật; có phải là sự gì cũng kiêu hãnh mà được đâu.
    Dân nước ta nhân truyền tập (1) câu ấy làm đầu lưỡi, mà không biết lẽ phải trái ra thế nào.
    Học tài thi phận, người học trò đỗ tại duyên trời;
    trông quả trồng cây, người làm ruộng chỉ nhờ hòn đất;
    người đi  buôn gặp phiên chợ đắt thì may rằng ra ngõ gặp trai;
    người làm thợ gặp buổi công cao thì may rằng áo vá gặp hội;
    cho đến làm việc gì tiện lợi thì mừng rằng buồn ngủ gặp chiếu manh;
   làm việc gì gian truân  thì than rằng chết đuối vớ phải cọc.
   Ai cũng lấy sự may làm chắc  mà không biết rộng trí khôn ra, một câu nói làm lầm cho người ta lắm.

(1) trao gửi cho nhau, tiếp nối đời này sang đời khác
                                                                                                 Đặng Vũ Kính 
                                                                                                                Đông dương tạp chí, 1916
Thiếu tận tâm, tránh khó tìm dễ   
   Hễ mỗi khi người khách (1) ở nội xứ mình mà họ lập điều chi, thứ nhất là xài tiền nhiều, thứ hai là kiệt lực tận tâm. Xem ra thì nước mình không sức mà làm đặng, dầu có sức về việc tiền bạc (2) thì thiếu tay làm, bởi vậy làm không đặng. 
    Sao mà người ta làm điều chi đặng hết, còn người mình mỗi điều nào đều là khó hết? Ví như hiểu là tại mình không tận tâm, tránh khó mà tìm dễ, thì xin một điều hãy trách và hờn lấy mình, sao mà đãi đoạ (3) lắm vậy?
     Theo ý mọn của tôi, hễ thấy người dị quốc (4) làm điều chi phải và giỏi thì muốn ráng sức, bắt chước mà làm theo cho hơn, nếu không hơn thì cho bằng; chớ để mà trầm trồ khen ngợi việc người còn mình bỏ luôn bỏ hoang đi, thậm hổ (5) lắm.

(1) chỉ các Hoa kiều
(2) có đủ vốn
(3) biếng nhác
(4) nước khác
(5)  cũng như xấu hổ
Lương Dũ Thúc
  Nông cổ mín đàm 1901.


Xấu làm tốt dốt làm thông
     Chúng ta thừa thụ cái cơ nghiệp của tiền nhân, sinh nở phồn thực ở đất nước này đã mấy nghìn năm đến nay lại gặp lúc ngọn triều tiến hoá tràn khắp mọi nơi, thế mà không làm sao bước tới theo người.
      Mà chỉ mê mẩn tối tăm, ngu hèn dốt nát đói nghèo khốn khổ, không dám ló đầu ra với mọi người.
     Nhất ghét là xấu làm tốt dốt làm thông, mượn cái văn minh của người mà trang sức bề ngoài, kỳ thực trăm việc chẳng ra gì, nhân cách một ngày một hư, phong tục một ngày một nát;
    ngọc vàng bề mặt, thối nát bề trong;
    văn minh chẳng thấy đâu mà càng ngày càng thêm man rợ.
     Nghĩ thấy Tổ quốc mình như thế thôi thì không có việc mà bàn không có chuyện mà chép mà cũng không bàn làm gì không chép làm gì.
 Ngô Đức Kế
  Hữu thanh, 1923

Không  biết tôn trọng cả lợi ích
 công cộng lẫn lợi ích cá nhân
    Sản nghiệp tài vật chung gọi là lợi ích công cộng. Có những kẻ chiếm đường quan, phá hoại cầu cống, phá trường học, công sở, đồ đạc trong thư viện, đèn điện trên hè phố, bẻ hoa ở công viên và vi phạm quy ước chung. Nơi du hí hội trường nhà hát họ cũng tranh giành nhau làm ồn ào náo động.
      Phàm những kẻ mưu tiện lợi cho mình mà bất tiện cho số đông đều không thể tha thứ được.                                                            
     Những người tìm ra được một phương pháp làm ăn truyền lại được một kỹ thuật khéo léo cũng phải lao tâm khổ tứ. Nếu không có pháp luật bảo vệ quyền lợi khác biệt ấy, những người có tài sẽ sinh ra chán nản  lười biếng và sẽ chẳng có sáng tạo mới nữa.
     Ở các nước, những sáng chế mới mẫu mã kiểu dạng mà sắc nhãn hiệu hàng hoá đều đăng ký ở các cơ quan hữu trách cho chuyên dùng.
    Người nước ta giỏi việc giả mạo, in ấn mô phỏng, luật pháp trong nước không định, các quan địa phương cũng cho là không cấp thiết, như thế mà mong xã hội tiến bộ được chăng?

Quốc dân độc bản, 1907                                                                                                                                                                     

Những ham muốn tầm thường
      Đau đớn thay cho những người nước ta, trước mắt không bao giờ thấy lợi chung, trong óc không bao giờ có tư tưởng cao thượng, túi những chất đầy tham mà tham không mực, chẳng qua là nghiện hơi đồng (1); hố vẫn lấp đầy dục (2) mà dục kỳ cùng, chẳng qua là hầu xác thịt; kết quả đến nỗi hy sinh hết lương tâm thiện lý, mà làm nô lệ cho những món tư tình (...) Vợ vì sẵn của mà hoá vợ hèn, con vì sẵn của mà hoá nên con dại, tiền bạc hoá ra của phá nhà, ruộng vườn hoá ra mồ chôn sống...

(1)   lấy ý từ câu Kiều: “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê “
(2)   lòng ham muốn
Phan Bội Châu
 Cao đẳng quốc dân, 1928
Giả dối thịnh hành,
không biết nhìn ra sự thật
      Một khối tình như tình cha con, mẹ con không lẽ lại có một giống người nào không có. Văn chương ta không nói đến cùng vì các nhà văn từ xưa đến nay chỉ chạy theo những điều giả dối, những điều bịa đặt, không chịu nhìn sự thật.
     Cái thói giả dối ấy thịnh hành đến nỗi ngày nay ở các trường, các bạn học sinh ta mỗi lần phải làm luận (1), như phải nhắc lại một điều ký ức hồi nhỏ chẳng hạn, thì ai nấy đều vội bịa ra một câu chuyện tưởng tượng. Người ta không nghĩ rằng cái rực rỡ, cái dồi dào của tưởng tượng, tài tình đến bậc nào mặc dầu, vẫn không sánh được với cái rực rỡ, cái dồi dào của sự thật, nếu ta biết nhìn sự thật.

(1) Nay gọi là môn tập làm văn
 Hoài Thanh
 Về văn học, xứ ta cũng còn là một đất hoang Sông Hương 1936
Giải thich sai các giá trị
     Danh dự là có tài có đức có công nghiệp (1) có khí tiết thật, còn kẻ chạy theo hư vinh chỉ lo đâm đầu đâm đuôi chạy xuôi chạy ngược để cầu cạnh chen chúc, làm sao cho có được cái mã ngoài ấy thì tất là lộn sòng với cái chân giá trị.
     Nào trong xã hội mấy ai là người biết cân nhắc so sánh cái chân giá trị của người ta, mà vẫn thường lầm cái hư vinh là cái danh dự thực!
      Hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai;
     hỏi quý ai, tất là ông cả bà lớn;
     hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc;
    hỏi cái gì là sướng, tất là ăn trên ngồi trốc, nhận lễ thu tiền.
     Rồi xu phụ khéo luồn lọt bợm để cầu vinh, ấy là người giỏi;
     giết người tợn tâng công khoẻ để cầu vinh, ấy là người tài;
     lắm quan thày tốt, thần thế lo gì cũng xong xin gì cũng được, ấy là anh hùng;
     nạt con em ức hiếp hàng xóm, anh làm ông nọ, em làm ông kia, ấy là nhà có phúc; khao phẩm hàm, vọng ngôi thứ (2), ấy là vẻ vang;
     cổ kim khánh, ngực mề đay ấy là danh giá.
     Một người như thế, trăm người đều như thế, đời trước như thế mà đời sau cũng như thế nốt!

 (1) cũng tức là sự nghiệp
 (2) nộp tiền hay lễ vật cho làng để có ngôi thứ

 Dương Bá Trạc
 Tiếng gọi đàn, 1925
Đạo lý ngược đời   
        Nước ta, đạo Khổng Mạnh dĩ đức báo oán là chữ nhân;
        dĩ tiểu sự đại là chữ trí;
        ai chết mặc ai không học chữ kiêm ái;
        dở khôn dở dại cứ giữ đạo trung dung (1);
         trải mấy ngàn năm vua tôi cha con quan dân thày trò từ trên chí dưới cứ ở trong phạm vi cái đạo đức ấy đã gây nên một nền văn hoá rất có đặc sắc cho đến ngày nay.
      Này anh thử xem,
       cúi đầu tận ngực phú quý không hay kiêu, đánh bạc phá nhà tiền tài không biết lận (2);
      thờ kẻ trên có lễ phép thì mồng năm ngày tết đưa miếng tới quan;
       đãi kẻ dưới có lòng thành thì chú bếp cậu bồi ngồi xe chung cùng vợ;
      cha mẹ nói ngang quan sang nói trái  con dân cũng cứ phụng tùng (3);
       ăn giỗ đi trước lội nước đi sau xã hội chỉ theo trật tự .
       Anh thử thắp đuốc văn minh mà soi khắp thế giới coi thử có nước nào như nước Việt Nam ta không ?
 (1) đoạn này có ý mỉa mai, cho rằng  người mình thường hiểu sai đạo lý Không Mạnh. Những chữ nhân chữ trí cũng như chữ kiêm ái chữ trung dung thật ra có nghĩa của nó trong tác phẩm kinh điển, đến ta lại bị hiểu sai lệch và lắm khi đảo ngược.
(2) ăn gian   
 (3) phụng ở đây có nghĩa là tin theo, tùng cũng là theo.
          
Võ Liêm Sơn 
                                                                                           Văn minh  nước Việt Nam, 1929

Trung dung theo nghĩa nửa vời,
trung dung cốt để ngu dân
     Trung dung thật là một cái thuyết lôi thôi, mà xã hội ta chịu lấy cái ảnh hưởng trung dung ấy mà hóa ra một cái xã hội ương ương dở dở, trắng không ra trắng đen không ra đen.
      Ở đời thì quý cái cách không khôn không dại; xử sự thì chuộng cái lối không mềm không cứng. Mua bán cũng trung dung, hát giá (1) một quan, mặc cả năm tiền, dứt giá bảy tiền rưỡi, gọi là “bỏ hom tranh” (2).
     Làm ăn cũng trung dung: vốn một ngàn, có thể làm ra ba ngàn, mới được hai ngàn cầm chừng không làm nữa,  gọi là “giữ tay thước “ (3).
      Vì giữ lẽ trung dung mà việc gì cũng không dám làm thẳng tay: vua Tự Đức đã hòa với Pháp rồi, thì cứ ciệc hòa đi, lại còn sai sứ đi cầu cứu bên Tàu.
      Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa thì cứ việc khởi nghĩa đi, nghe Trần Bá Lộc bắt mẹ lại đem thân về chịu chết.
        Té ra trung dung chẳng phải là cái gì cả, chỉ là cái thai đẻ ra khiếp nhược, và là cái ổ chứa gian tà mà thôi.
     Hiện nay ở nước Nam ta có nhiều cách làm cho dân ngu đi, song duy trì hay là xướng minh cái thuyết trung dung ra là cách diệu hơn thứ nhất.
      Vì theo như cái thuyết trung dung ở trên ba mươi sáu tầng trời của ông cháu thày trò họ Khổng thì chẳng ai theo được, rốt cuộc lại  rồi cũng chỉ “bẻ hom tranh, giữ tay thước “ mà thôi.
      Cái trung dung ấy, nói cho tận mặt nó, tức là cầm chừng, tức là ở cửa giữa, tức là thậm thà thậm thụt, tức là thủ cựu. Cho nên hễ ai đem cái thuyết trung dung ra mà nói thì tôi cho là người ấy có ý làm ngu dân.

(1) tức là ra giá, nêu giá
(2) cộng lại chia đôi
(3) ăn non 
                                                                                                           Phan Khôi
                                                  Cái ảnh  hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Thần Chung, 1929

An nhần lẫn với đê hèn nhục nhã
     Tinh thần thượng võ tuyệt nhiên không thấy trong lịch sử ta. Cái ước muốn cao nhất của người mình là sống một cuộc đời an nhàn, bình tĩnh, hưởng thú vị gió mát trăng thanh, cho dầu một đôi khi các thú vị đó không khỏi lẫn đê hèn, nhục nhã …
    Các văn sĩ ta xưa nay ngâm vịnh gì cũng ít khi ra khỏi những cảm giác những tình ý nhẹ nhàng, yếu đuối. Văn chương ta có thể nói là một thứ văn chương đàn bà.
    Các nhân vật trong tiểu thuyết trong thi ca ngày nay phần nhiều đều có vẻ ngây ngô. Những cử chỉ những ái tình của họ cũng có vẻ ngây ngô.
    Cái ưa thích này đã tỏ ra rằng dân tộc ta là một dân tộc già.

Hoài Thanh
Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn, Tiểu thuyết thứ bảy, 1935


Lười biếng và hay nói hão
    Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa; mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
    Thứ hai là tật “một tấc đến giời “. Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm. Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được.
    Một tật nữa là não huyền hoặc(1), não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.

(1)não ở đây là một lối suy nghĩ; nay hay thay bằng “óc “

 Xuân Diệu
 Sinh viên với quốc văn, 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét