XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Nguyễn Thiếp Nhà đạo học thế kỷ XVIII/ Lê Minh Quốc


Trong cõi anh hùng sinh lắm kẻ
Mỗi người một chí phải đâu chung
Người ra, đức cả, công lừng thế
Kẻ ẩn, danh cao, đạo thuận lòng
Mục Dã mảnh nhung gây đại nghiệp
Lô Sơn chồi liễu nối thanh phong
Tuỳ thời co duỗi âu là phải
Đạo ấy ta đây rắp gắng công
(Hoàng Xuân Hãn dịch)

Bài thơ Sĩ các hữu chí có thể cho thấy đôi điều về lẽ xuất xứ của một nhân vật lừng lẫy ở vùng đất “Ngàn Hống chon von. Biển Ngư bát ngát. Thịnh trị gặp thời. Nhân tài đua phát”. Đó là Nguyễn Thiếp. Khi vừa đầy tháng cha mẹ đặt tên huý là Minh, lớn lên đặt tự là Quang Thiếp, Khải Xuyên, Hạn Ham, rồi đặt hiệu là Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, Cuồng Ẩn, Điên Ẩn, Hạnh Am. Người đời kính trọng mà đặt hiệu là Hầu Lục Niên, Lục Niên tiên sinh, Hạnh Am tiên sinh, La Giang phu tử, La Sơn phu tử, La Sơn tiên sinh, Nguyệt Ao tiên sinh. Ông sinh vào giờ thìn, ngày 25 tháng 8 năm 1723 tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu đậm đến tài năng, nhân cách sau này của Nguyễn Thiếp. Cha ông là Quản lĩnh Nguyễn Quang Trạch, mẹ thuộc dòng họ Nguyễn Huy - một dòng họ lớn, có tiếng về văn học lúc bấy giờ. Cha mẹ ông đã dạy con rất nghiêm. Thuở nhỏ ông học với chú là tiến sĩ Nguyễn Hành. Năm 21 tuổi. Nguyễn Thiếp đi thi lần đầu đậu Hương giải. Đề thi của năm đó như sau: “Ông Thuấn làm anh tốt mà lại có em là Tượng ác, như thế hoá ra câu “Gốc nhà là ở mình” là sai chăng? Quản Trọng, Gia Cát trị một nước giỏi, thế mà không làm nên cơ nghiệp lớn, thế hoá ra câu “Gốc thiên hạ là ở xứ mình” là sai chăng?”, v.v.... Dù thi đậu nhưng bị chứng “cuồng dị” như trong Hạnh Am ký, Nguyễn Thiếp cho biết : “Ta tự bỏ mình, từ biệt việc đời mà ẩn náu trong núi rừng, kẻo sợ bệnh không thôi hẳn. Bởi vậy, ta bỏ hết học khoa cử, chuyên đọc các sách Tính lý, Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn. Vui cùng rừng hồ. Núi sông miền Nam Châu, dấu chân có gần khắp.

Thường hay chơi ở núi Thiên Nhận ở Nam Hà. Ở phía đông núi Lạp Đính, ở phía tây núi Bạch Tượng, khoảng giữa thấy một núi con, tên gọi Bùi Phong. Có suối ẩn kín, không hổ báo quấy nhiễu. Núi trồng cây được, đất hoang dễ cày, cỏ tốt dễ giữ. Ta mừng thay”. Trong năm tháng ở ẩn, Nguyễn Thiếp chuyên tâm nghiên cứu những sách Tính lý, Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn để thành người “khuyến giáo” của đạo Khổng. Mới ngoài 20, cuộc đời còn thênh thang rộng mở, do đó, nghe lời khuyên của thầy là Nguyễn Nghiễm, năm 1748 ông lại đi thi Hội và trúng Tam trường. Lúc này, tuy mới 26 tuổi, nhưng ông đã trở thành người đủ uy tín để khiến người khác nghe theo lời khuyên của mình. Đó là lần ông đi ra Bắc gặp hai cha con gia đình nọ ở ẩn trên núi Chung Sơn, cứ lục đục nhau mãi. Nguyễn Thiếp thay lời người con viết bài thơ tạ từ cha, nhờ vậy cha con họ lại hoà thuận. Lại có ông Huyền Võ say đắm vì rượu, ông đã làm bài thơ tặng và khuyên người này mỗi lần thèm rượu thì đọc bài thơ để tự răn : “Rượu uống làm chi. Rượu làm loạn tính. Mê tâm rượu nọc. Sáng trở nên mờ. Trong khiến nên đục.Cửa nhà tan hoang. Người thành thô tục...”. Nhờ vậy mà ông Huyền Võ bỏ được rượu. Dù không muốn thi đậu để làm quan, chỉ muốn ở ẩn, nhưng rồi vì nhà nghèo phải nuôi mẹ nuôi con nên ông đành “phải luỵ thân” vào chốn “hư danh”. Năm 1756, ông làm Huấn đạo Anh Đô (Nghệ An), rồi sau làm Tri huyện Thanh Giang. Làm quan chỉ là một kế sinh nhai đó thôi “Ai hay túng phải làm quan” như ông từng tự trào. Trong khi đó, tâm trí ông chỉ mơ ước:

Thế sự chi bằng học với cày
Lụt thì ta nghỉ, ráo ra tay
Học đừng vụn vặt nên suy rộng
Sách không cần nhiều, cốt tình hay

Do đó, năm 1768, ông xin từ quan và ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn. Trong Hạnh Am kí, ông cho biết : “Lúc ấy ta cùng hai ba học trò lớn bé, giảng dạy các việc cũ của thiên nho. Dạo xem cảnh núi, ngồi dãi bóng trăng. Tìm suối, xem trăng, thần tứ sảng khoái”. Ông tự xưng là Điên Ẩn hoặc Cuồng Ẩn, trong nhà thờ Chu Hi - một bậc Tống nho có công truyền bá Đạo Khổng. Mỗi sáng, ông đốt hương trầm, ngồi thẳng lưng, không tựa, khách đến thì mời cơm rau. Ngoài việc dạy học, ông còn để tâm nghiên cứu về lý số, phong thuỷ - mà thiên hạ đồn rằng ông đang tu tiên và gần đắc đạo! Tiếng tăm của ông vang lừng khắp nơi. Quan Hiệp trấn Bùi Huy Bích ca ngợi:

Ngẫm trông am núi cách vời
Núi cao rừng thẳm một trời mây xanh
Muốn lên thăm hỏi sự tình
Lại e một nỗi ông khinh người phàm

Năm 1780, chúa Trịnh Sâm viết tờ truyền “Đại đức chiếu đến Nguyễn Thiếp, rất có học hạnh, nay cho mời về kinh...”. Về để làm gì? Lúc bấy giờ, chính sự đang nhiễu nhương, các thế lực phong kiến tranh giành ngôi báu khiến nhân dân cơ cực trăm phần. Từ năm 1527 họ Mạc chiếm ngôi nhà Lê. Sau đó, họ Trịnh phá tan nhà Mạc, lập nghiệp chúa Trịnh về đánh nhau với họ Nguyễn. Vua Lê chỉ là hư vị. Các thế lực đang xâu xé đẫm máu như thế, làm sao một người chỉ muốn ở ẩn như Nguyễn Thiếp có thể yên tâm “phò vua giúp nước” ? Nhưng lệnh chúa đã triệu, bất đắc dĩ Nguyễn Thiếp phải về kinh. Tại đây ông đã khuyên chúa Trịnh không nên đoạt quyền vua Lê. Thái độ cứng cỏi này đã khiến các sĩ phu phải kính phục.

Tình hình lúc này đã báo hiệu có sự thay đổi. Và cuộc khởi nghĩa như bão táp của anh em Tây Sơn đã xảy ra. Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Thăng Long diệt Trịnh và tôn phò Vua Lê. Nghe tiếng tăm của Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ đã mời ông ra cộng tác. Vị anh hùng áo vải Tây Sơn đã sai người mang thư và lễ vật đến núi Thiên Nhận để đón ông về. Trong thư viết : “Đã lâu nghe tiếng Phu tử đức tuổi đều cao, kinh luân có sẵn. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thoả lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngoạ Long.

Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm) gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi, phu tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu, mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng sự nghiệp Y, Khương.
Không những riêng tôi may mắn mà dân mười hai Thừa tuyên ở Bắc cũng được may. Xin chớ làm tôi thất vọng, mong Phu tử lượng thứ cho”. Lúc này, Nguyễn Thiếp đã 60 xuân, ông từ chối lời mời của Nguyễn Huệ. Không nản lòng, Nguyễn Huệ tiếp tục khuẩn khoản mời ông ra cộng tác đến lần thứ ba. Tháng tư năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, lại viết thư mời ông. Hai người đã gặp nhau tại đại bản doanh của Nguyễn Huệ đóng tại núi Nghĩa Liệt, gần bến Phù Thạch. Theo Gia phổ mà học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết trong tác phẩm La Sơn phu tử (NXB Minh Tân, 1952) thì khi ông đến, Nguyễn Huệ đã trách:

- Đã lâu nghe đại danh. Ba lần cho tới mời. Tiên sinh không thèm ra. Ý tiên sinh cho quả nhân là thằng giặc nhỏ, không đủ làm kẻ anh hùng trong thiên hạ chăng?

Ông từ tốn đáp:
- Hơn hai trăm năm nay, quyền về tay họ Trịnh hung bạo. Vương mới đưa quân ra một lần mà dứt được, lập lại nhà Lê. Với danh nghĩa chính, thì anh hùng ai lại chẳng theo. Nếu giả tiếng nhân nghĩa, nói dối tôn vua để lấy tiếng, thì lại hoá ra một kẻ gian hùng.
Nghe lời nói này, Nguyễn Huệ đổi sắc mặt ngồi dịch ra mà tiếp đãi rất trọng. Từ đây, những việc hệ trọng, Nguyễn Huệ đều hỏi ý kiến của Nguyễn Thiếp. Khi chọn vị trí đóng đô ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường (nay là thành phố Vinh) và nhận thấy “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng”, Nguyễn Huệ đã xuống chiếu mời ông chọn đất. Do đó, Phượng Hoàng Trung Đô - nơi Nguyễn Huệ đóng quân - đã được xây dựng. Ngay cả trước khi dẫn quân đánh tan quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ cũng đến hỏi ý kiến của ông. Ông hiến kế “Quân quý thần tốc” và nói “Người Thanh từ xa tới, vào sâu trong đất lạ. Không biết tình hình chủ khách. Chỉ trong mười ngày bị phá tan”. Sự việc đã diễn ra đúng như tiên đoán của ông. Sau khi trừ được thù trong giặc ngoài, trong số những học giả được vua Quang Trung mời ra cộng sự, Nguyễn Thiếp là người được ngài trọng dụng và tin cậy nhất. Đặc biệt, nhà vua đã giao cho ông lo việc tổ chức nền giáo dục mới và ông đã giữ chức Viện trưởng Viện Sùng Chính chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Vua Quang Trung rất kính trọng ông, chỉ gọi Tiên sinh, chứ không gọi tên. Trong đặc chiếu viết năm 1791, nhà vua đã viết : “Tiên sinh tuổi đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông theo như trông núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu”.

Như chúng ta đã biết, ban đầu, Nguyễn Thiếp chần chừ không muốn cộng tác với nhà Tây Sơn, nhưng về sau đã cảm được sự tri ngộ và thấy chính nghĩa của Tây Sơn nên mới bằng lòng ra cộng tác. Chính những năm tháng này, ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc trị nước. Ông đã khuyên vua muốn trị nước thì trước hết vua phải là người có đức “ấy là gốc vạn sự” và “từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”. Vua có đức thì cảm hoá được dân “Việc thiên hạ muốn chuyển vần dễ như trở bàn tay vậy”. Về quan lại thì chủ trương không cần nhiều, “Quan càng nhiều dân càng bị quấy nhiễu. Tổ chức nhà nước không nên cồng kềnh, cần chọn những người có phẩm hạnh, có học vấn”. Về nhân tâm, ông khẳng định “Dân là gốc nước, gốc có vững nước mới yên”, Khi dân bị mất mùa thì phải cứu giúp, giảm thuế, khiến dân “mến kẻ có nhân” và có thế lòng dân mới quy phục. Riêng về học pháp ông nhấn mạnh : “Ngọc không chuốt, không thành đồ, người không học không biết đạo. Đạo là những lẽ thường theo để thành người. Kẻ đi học là học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua tập việc học từ chương, cầu công lợi và quên bẵng có cái giáo tam cương ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong, những tệ kia đều ở đó mà ra. Cúi xin từ rày, ban hạ chiếu thư cho trường, phủ, huyện, khiến thầy trò các trường tư, con cháu các nhà văn võ, thuộc lại ở các trấn cựu triều, đều tuỳ đâu tiện thì đi học”. Tư tưởng chính trị của Nguyễn Thiếp đến nay vẫn chưa lỗi thời. Trong thời gian cộng tác với nhà Tây Sơn, ông đã dịch các sách Tiểu học, Tứ thư và được vua Quang Trung xuống chiếu khen ngợi: “Vậy đặc ban thưởng cỗ tiền một trăm quan, do trấn quan chiểu theo mà cấp, lĩnh để chung hưởng ân tứ. Khi xong công việc bộn bề, trẫm nghỉ ngơi, vui ý đọc sách. Tiên sinh học vấn uyên bác, nên vì trẫm mà phát huy những ý thư, khiến cho bổ ích thêm”. Sau đó, ông còn tiếp tục dịch ba bộ Kinh Thi, Thư, Dịch... Việc Vua Quang Trung khuyến khích Nguyễn Thiếp dịch sách “Phàm một chữ, một nghĩa, phải gắng cho được mười phân không rõ, để xứng với thượng chỉ. Chớ có làm lảo thảo cho qua chuyện” đã được người đời sau- cụ thể là học giả Hoàng Xuân Hãn - ghi nhận: Đó là ông vua không phải chỉ thượng võ mà còn là người hiếu học. Ngược lại, với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, là người đã tập hợp được nhiều sĩ phu tài giỏi như Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch để dịch sách thì Nguyễn Thiếp đã góp phần không nhỏ cho chính sách giáo dục tiến bộ dưới triều Tây Sơn.
Công việc đang tiến hành với nhiều thuận lợi thì vào giờ Dạ Tí (tức khoảng từ 11 đến 12 giờ khuya) ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Tí (tức 16-9- 1792) vua Quang Trung băng hà. Điều này khiến Nguyễn Thiếp “thảm thiết khôn xiết”. Ông quyết định :“ Những lộc ban cho ngày trước, nay cúi đầu xin nộp lại, ngõ hầu tránh khỏi tội ăn không ngồi rồi” và xin quay về ở ẩn. Những tưởng từ đây được vui thú điền viên, mở trưởng dạy học, nhưng chẳng bao lâu vua Cảnh Thịnh lại mời ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Rồi nhà Tây Sơn mất vào tay chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh mời ông đến gặp tỏ ý trọng đãi nhưng ông từ chối. Khi Nguyễn Ánh hỏi:

- Tây Sơn đã mời Tiên sinh làm thầy, vậy thầy đã dạy ra sao?
Ông đáp:
- Có tám điều trong sách Đại học, có chín đường trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được.
Nguyễn Ánh nghe câu nói ấy lấy làm thích thú lắm, trọng đãi Nguyễn Thiếp nồng hậu. Tám điều ở sách Đại học là: Cách vật (xét vật) để trí tri (biết rõ), để thành ý (thật ý), để chính tâm (thẳng lòng), để tu thân (sửa mình), để tề gia (liệu nhà), để trị quốc (trị nước), để bình thiên hạ (yên thiên hạ). Còn chín đường ở sách Trung dung là tu thân (sửa mình), tôn hiền (trọng người hiền), thân thân (yêu bà con), kính đại thần (kính người giúp việc giỏi), thể quần thần (rộng rãi với kẻ giúp việc), tử thứ dân (coi dân như con), lai bách công (đến với thợ thuyền), nhu viễn nhân (tử tế với người xa tới), hoài chư hầu (yêu chư hầu). Câu nói của Nguyễn Thiếp đến nay vẫn là điều mà chúng ta vẫn còn suy ngẫm ...Sau khi từ chối cộng tác với Nguyễn Ánh, ông quay về quê nhà và qua đời vào giờ Hợi ngày 25 tháng chạp năm Quý Hợi (đầu năm 1804) thọ 81 xuân.

Sau khi mất, Nguyễn Thiếp còn để lại tập thơ Hạnh Am thi cảo gồm trên một trăm bài thơ bằng chữ Hán. Đó là những vần thơ chia sẻ sâu sắc với tình cảnh của dân nghèo, gắn bó với quê hương xứ sở và thể hiện một thái độ sống:

Biết tu sửa đức ấy là thánh hiền
Trái bỏ đức ấy là ma quỷ

Phan Huy Chú đã bình phẩm “Thơ ông thanh nhã, thung dung, lý thú, thật là lời của một người có đức”. Cái chết của Nguyễn Thiếp đã gây cho giới sĩ phu và những người hiếu học niềm thương tiếc khôn nguôi. Các học trò đã dựng trước cửa nhà thờ ông tấm hoành phi có chữ Bùi phong cao (Cao như đỉnh núi Bùi). Trong văn tế của tiến sĩ Trần Bá Lãm có những câu thống thiết: “Chí của Tiên sinh chưa kịp thi hành, Tây Sơn đã mất. Tiên sinh cũng mất theo. Thực là tiên sinh không thể không có điều hận, mà mọi người cũng không thể không tiếc cho Tiên sinh. Nếu không thế, với thực học ấy, với danh phong ấy, gặp thời đắc dụng, sự nghiệp há chỉ có thế thôi sao! Thật đáng hận thay!”. Hai mươi năm sau, Tri phủ Đức thọ là Nguyễn Đồ đã làm bài văn tế ca ngợi công đức Nguyễn Thiếp - dù Nguyễn Thiếp là người đã từng hợp tác với “nguỵ” Tây Sơn - lời lẽ chí tình, cảm động: “Ô hô! Từ ngàn xưa ai người không chết, chỉ có tinh thần khí tiết không nát mà thôi... Ai mà không có học, cái học của Tiên sinh, dò tới tận gốc nguồn, người đời theo đó làm khuôn. Ai mà chẳng làm thơ, thơ của tiên sinh vào ra phong nhã, người đời noi đó làm gương...Tài Tiên sinh chấn động trong nước đã lâu... Nghĩa chưa từng quên lãng, cương thường trọng tựa nghìn xưa. Chí chẳng làm quan, phú quý coi khinh như cỏ rác... Tiên sinh nay đã mất, nhưng danh thơm vẫn còn đây... Danh thơm ấy không bao giờ mục...”.

Có lẽ cũng nên đánh giá lại quan niệm xuất xứ của Nguyễn Thiếp mà trong bài thơ Sĩ các hữu chí ông từng quan niệm : “Tuỳ thời co duỗi âu là phải”. Đây là câu ông muốn giaỉ thích cho việc ra hợp tác với nhà Tây Sơn của mình mà dư luận đương thời có người khen kẻ chê. Nhưng ý kiến của Tạ Ngọc Liễn trong cuốn Những khuôn mặt trí thức Việt Nam – NXB Văn hoá thông tin 1997 đã nhìn nhận rất đúng về ông như sau: “Hơn nữa, Nguyễn Thiếp đã biết lựa chọn con đường đi đúng đắn nhất đối với một trí thức khi đứng trước thời cuộc. Đó là con đường gắn bó cùng dân tộc, nhân dân, con đường hợp tác với một lực lượng chính trị tiến bộ nhất ở thời đại để được cống hiến giúp đời”. Thật vậy, thái độ xuất - xử của Nguyễn Thiếp là bản lĩnh của bậc quân tử nên mới có thể tiến thoái thung dung như vậy. Khi dưới thời Lê – chúa Trịnh nhiễu nhương không thể thực hiện chủ trương “đức trị” và “nhân chính” thì ông lui về ở ẩn. Chỉ đến khi vua Quang Trung thật sự muốn cầu hiền và có chính sách đào tạo nhân tài theo đúng ý nguyện của mình thì ông mới ra hợp tác. Và chính sự hợp tác này đã tạo nên dấu ẩn của Nguyễn Thiếp trong nền giáo dục mới thời Tây Sơn.

Có một câu chuyện có thể thấy được bản chất của con người Nguyễn Thiếp. Lúc sinh thời, ông đã từng “thấy vàng không thèm ngoảnh cổ lại nhìn”, từ chối biết bao nhiêu báu vật của triều đình dâng tặng nên khi nằm xuống gia đình rất túng quẫn. Nhà thờ ông rất sơ sài, đến đời Duy Tân có sắc thần ban cho, nhưng tộc trưởng trong họ không có đủ hai đồng bạc để lãnh sắc! Bọn lính đem sắc thần về từ đường Nguyễn Thiếp, vì không được nhận tiền nên chúng ra ruộng xiết cả cái cày của ông tộc trưởng. Oái oăm thay, ông này phải đem cái chuông treo trong nhà thờ đem bán cho người đàn bà giàu có trong làng để chuộc cái cày về! Chi tiết nhỏ này đủ thấy thuở sinh thời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã sống liêm khiết như thế nào. Ôi! Bậc đại trí, đại nhân như ông không phải đời nào cũng có.

Lê Minh Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét