Trường Giang, Trường Thành, Hoành Sơn, Hoàng Hà đều tượng trưng cho dân tộc Trung Hoa, nhưng chỉ có Trường Thành là do bàn tay của tổ tiên chúng ta trước đây tạo nên, còn những công trình kia đều là do bàn tay của tạo hoá. Trong hơn 2000 năm, tổng cộng đã có 20 lần các vương triều, các nước chư hầu tu tạo Trường Thành, nhưng dù là về chiều dài hay chất lượng công trình, quy mô của các cuộc tu tạo này đều không thể vượt qua Trường Thành được xây dựng vào đời Tần. Đương thời, các bộ lạc Mông Cổ ở phía bắc của Trung Quốc thường xuyên quấy rối Trung Nguyên. Tầng lớp thống trị triều Minh rất coi trọng việc xây dựng Trường Thành, đã ba lần tu tạo Trường Thành đại quy mô. Khoảng năm 1500, toàn bộ Trường Thành đời Minh được hoàn thành, phía tây từ Gia Dụ Quan thuộc tỉnh Cam Túc, phía đông đến Sơn Hải Quan vùng đông bắc tỉnh Hà Bắc, qua các tỉnh Ninh Hạ, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Sơn Tây. Nó chủ yếu dựa theo các dãy núi, trải dài 6.300 cây số, hình thành một bức tường thành hùng vĩ trấn giữ phương bắc Trung Quốc. Đây chính là Vạn lý Trường Thành nổi tiếng, biểu hiện trình độ cao của trí tuệ và tài năng của dân tộc Trung Hoa, đồng thời cũng là minh chứng cho lịch sử lâu đời của Trung Quốc.
Tần Thuỷ Hoàng tu tạo Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành là kết tinh trí tuệ, tài năng và sức mạnh của nhân dân lao động Trung Quốc, là một công trình phòng ngự quân sự cổ đại hiếm thấy trong lịch sử kiến trúc của nhân loại. Rất nhiều người cho rằng Tần Thuỷ Hoàng là người đầu tiên xây dựng Trường Thành, nhưng thực ra sớm hơn, ngay từ thời Chiến Quốc, công trình to lớn này đã được xây dựng. Thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chia cắt, các chư hầu đều lựa chọn những nơi hiểm yếu để xây dựng các công trình phòng ngự và thiết lập các đài lửa để thông báo các tin tức quân sự, sau đó dần dần ở vùng biên giới hình thành bức tường thành, rồi đem nối tiếp các bức tường thành rời rạc này lại với nhau hình thành nên Trường Thành hoàn chỉnh chống lại sự quấy nhiễu của kẻ địch. Nước Sở từ khoảng thế kỷ thứ 7 trước công nguyên đã bắt đầu làm công việc này sớm nhất để phòng Hàn, Nguỵ, gọi là “Phương thành”, về sau, các nước đua nhau làm theo: Để phòng Sở, Việt nước Tề xây dựng Trường Thành ở khu vực núi Thái Nghi, nước Nguỵ để phòng nước Tần, xây dựng Trường Thành của mình men theo sông Lạc Thuỷ.
Nước Triệu để phòng kẻ địch là nước Tề, Nguỵ, đã xây dựng Trường Thành ở vùng Chương Thuỷ. Những thành này được gọi là Trường Thành Chiến Quốc. Ngoài ra, có một số nước chư hầu như Yên, Triệu, Nguỵ để phòng ngự trước các dân tộc du mục phương bắc (như Đông Hồ, Hung Nô) hay xuống phía nam quấy nhiễu đã xây dựng Trường Thành ở phía bắc. Khi 6 nước lần lượt bị tiêu diệt, các đoạn Trường Thành này cũng mất đi tác dụng vốn có của nó, chỉ còn tác dụng chủ yếu là phòng ngự trước sự quấy rối của Hung Nô.
Nước Tần từ rất sớm đã xây dựng Trường Thành. Khiếm Lạc được xây dựng từ năm Tần Giản Công thứ 7 (408 trước công nguyên) men theo Lạc Hà để phòng nước Nguỵ. Năm Tần Huệ Văn vương Canh Nguyên nguyên niên (324 trước công nguyên) nước Tần lại tu tạo Trường Thành ở trung du Lạc Hà, “Trúc thượng quận tắc” (xây bức chắn Thượng Quận), đây là để phòng ngự trước nước Triệu. Thời Tần Chiêu Tương vương, tại Long Tây, Bắc Địa, Thượng Quận xây dựng Trường Thành để phòng sự quấy nhiễu của Hung Nô. Đoạn Trường Thành này từ đông lên bắc, bắt đầu từ Lâm Đào đến vùng huyện An Tắc Thiểm Tây ngày nay thì chia làm hai nhánh: một nhánh dừng ở Thượng Quận trị sở của nước Tần gần Phu Thi; một nhánh đến huyện Thát Khắc Thát, Nội Mông Cổ nối liền 12 thành vùng phụ cận bờ sông Hoàng Hà.
Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu tiến hành nhiều cuộc cải cách ở trong nước, nhưng tập đoàn quý tộc Hung Nô ở phương bắc nhòm ngó của cải ở Trung Nguyên, thường xuyên xuống phía nam quấy rối, quý tộc Hung Nô nhân nước Triệu, nước Yên suy vong dần xâm phạm Trung Nguyên, chiếm lấy đoạn Hà Sáo của Hoàng Hà, làm cho nhân dân ở đây vô cùng khốn khổ, đồng thời cũng tạo nên sự uy hiếp với kinh đô Hàm Dương của Tần. Lúc đó, trong quần chúng lưu truyền một câu nói “Vong Tần giả Hồ dã” (kẻ làm mất nước Tần là do nước Hồ vậy) đã thể hiện tính nghiêm trọng của vấn đề này. Năm Tần Thuỷ Hoàng đế thứ 32 ( 215 trước công nguyên), đại tướng Mông Điềm được cử mang hơn 30 vạn quân đánh Hung Nô, giành lại khu vực phía nam Hà Sáo, sau đó giành lại vùng đất phía bắc của khúc sông này để thiết lập quận Cửu Nguyên. Tuy sự xâm phạm của Hung Nô đã bị ngăn cản nhưng thực lực của chúng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, vẫn uy hiếp nghiêm trọng nước Tần, đây chính là nguyên nhân phải lập tức chuẩn bị phòng bị trước sự tiến công của người Hung Nô. Vì thế, Tần Thuỷ Hoàng quyết định xây dựng một đoạn Trường Thành mới.
Vương triều Tần đã tập hợp được một số lớn nhân công, đồng thời lệnh cho đại tướng Mông Điềm đem binh sĩ xây dựng Trường Thành. Đoạn Trường Thành này dựa trên cơ sở Trường Thành cũ của các nước Tần, Triệu, Yên thời Lục Quốc, tu bổ, củng cố, lại thêm một ít đoạn Trường Thành mới, nối chúng lại với nhau, tạo thành một bức tường thành cao ngất ở phía bắc của nước Tần.
Trường Thành của Tần bắt đầu phía tây từ đông tỉnh Cam Túc ngày nay, qua các tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Sơn Tây, Nội Mông Cổ, Hà Bắc và Liêu Ninh, qua khu tự trị, thẳng đến sông Áp Lục, dài khoảng 5000 km. Trường Thành của nhà Hán dài hơn Trường Thành của Tần, dài đến hơn 10.000 km. Đến nay, rải rác ở các tỉnh Tân Cương, Hà Bắc, khu tự trị còn có thể thấy dấu vết của Trường Thành nhà Hán. Về sau, Bắc Nguỵ, triều Tuỳ đều có ghi chép lại việc tu tạo Trường Thành. Thế kỷ 5 đến thế kỷ 7, Bắc Nguỵ, Bắc Tề, Bắc Chu liên tiếp củng cố Trường Thành, lần lượt từng đời dài 650km, 1.000km, 1.500 km. Thế kỷ 12, đời Kim cũng tu tạo Trường Thành ở khu vực khu tự trị Nội Mông Cổ đến khu ngoài Bối Gia Nhĩ dài hơn 4.000 km. Để phòng thủ trước tàn dư của quân Nguyên xuống quấy nhiễu phía nam đời Minh cũng không ngừng tu tạo Trường Thành. Công trình tu tạo Trường Thành của triều Minh kéo dài hơn 200 năm, ban đầu công trình từ sông Áp Lục ở phía đông đến Kỳ Liên Sơn Lộc ở phía tây dài hơn 7300 km; lần này từ Sơn Hải Quan đến Gia Cốc Quan đã xây đựng được một đoạn Trường Thành tương đối hoàn hảo khiến cho mọi người coi đó là điểm đầu và điểm cuối của Trường Thành.
Trên thực tế, từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, nhiều nước chư hầu qua các triều đại đã xây dựng Trường Thành dài khoảng 50.000 km. Cho nên Trường Thành đã được coi là dấu tích của một công trình vĩ đại “Thượng hạ lưỡng thiên niên, Túng hoành thập vạn lý” (Trên dưới hai nghìn năm, ngang dọc chục nghìn dặm.) Công trình kiến trúc vĩ đại này thực sự đã làm cho người ta phải kinh ngạc. Chỉ tính riêng Trường Thành đời Minh đã phải dùng đến 50 triệu mét khối gạch đá,150 triệu mét khối đất. Nếu dùng số đất đá này trải thành con đường rộng 10 mét, dày 35 cm có thể vòng quanh trái đất hơn 2 lần. Các đời đã sử dụng một số lượng nhân công vô cùng lớn. Theo những ghi chép của lịch sử, đời Tần, ngoài việc huy động từ 30 đến 50 vạn binh lính còn trưng dụng 40 – 50 vạn người, nhiều khi đến 150 vạn người. Đời Bắc Tề, để tu tạo Trường Thành đã huy động đến 180 vạn nhân công. Lịch sử đời Tuỳ cũng ghi lại để tu tạo Trường Thành đã huy động hàng chục vạn đến hàng trăm vạn người.
Tần Thuỷ Hoàng đã tu tạo đại quy mô Trường Thành để bảo vệ khu vực canh tác nông nghiệp ở Trung Nguyên trước sự xâm nhập của các dân tộc du mục. Nhưng công trình vĩ đại này cũng đã làm tăng thêm phần đóng góp của nhân dân lao động khiến cho dân chúng vô cùng khốn khổ, tô thuế, lao dịch không ngừng tăng cuối cùng đến cuối triều Tần đã bùng nổ những cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân, dẫn tới đại đế quốc trung ương tập quyền lần đầu tiên thống nhất được Trung Quốc trải qua một thời gian ngắn ngủi chỉ mấy mươi năm đã diệt vong.
Công trình có một không hai
Sau Tần Thuỷ Hoàng, Hán Võ Đế cũng nhiều lần tu tạo Trường Thành để bảo vệ vùng Hà Sáo, Lũng Tây và việc giao thông qua lại giữa đông và tây.
Trường Thành được coi là một công trình phòng ngự, nó đã dời núi chuyển non, vượt sa mạc, qua thảo nguyên, băng qua dốc đứng, thắng sông chảy, đi qua biết bao nơi có địa hình phức tạp, sử dụng nhiều loại kết cấu đặc biệt, có thể được coi là một đại kỳ quan trong thế giới cổ đại. Ở những đoạn qua sa mạc, nơi chỉ có hàng nghìn dặm cát trắng, không có gạch đá, Trường Thành của triều Hán đã sử dụng đá vụn và liễu đỏ ở địa phương, phát huy tính chịu nén của đá và tính chịu uốn của liễu đỏ, kết hợp ưu điểm của hai loại vật liệu này, tạo nên những đoạn Trường Thành vô cùng kiên cố, trải qua hơn hai nghìn năm, bị gió, bão, mưa, tuyết tấn công, nhiều đoạn thành còn lại vẫn có chiều cao tới hàng mét ở khu vực cao nguyên hoàng thổ ở vùng tây bắc, nhiều đoạn Trường Thành dùng đất đầm chặt hoặc gạch mộc mà xây nên, mức độ kiên cố chẳng kém gì gạch đá. Như hệ thống Trường Thành qua Gia Cốc Quan thuộc tỉnh Cam Túc, khi xây đựng người ta phải vận chuyển đất hoàng thổ từ Quan Tây cách đó hơn 10 dặm, đất hoàng thổ có sức kết dính cùng với lực nén do đầm đã tạo nên tường thành chắc chắn khó có thể rạn nứt. Đời Minh khi tu tạo Trường Thành cũng dùng gạch, đá và hỗn hợp gạch đá. Tường thành nhiều đoạn dùng đá khối để xây, lại dùng vôi vữa để gắn kết, điều chỉnh cho cẩn thận, rễ cỏ, rễ cây khó có thể sống được, trên đỉnh thành lại có hệ thống ngăn cản sự phá hoại của nước mưa để bảo vệ tường thành.
Trên những đoạn xung yếu của thành qua đường giao thông, núi non, chỗ tiếp giáp giữa núi và biển, đã xây dựng những cửa thành để vừa đảm bảo giao thông, vừa để phòng thủ. Ở những chỗ vượt sông, Trường Thành có những cửa cống lớn để nước có thể chảy qua. Để đảm bảo nhu cầu phòng thủ, từng khoảng cách không xa các tường đài cao hẳn lên được xây dựng, khiến cho các cung thủ có điểm tựa, ở những khoảng cách nhất định, có các địch lâu, dùng để giữ gìn vũ khí, lương thảo và nơi ở cho binh sĩ, trong chiến đấu những nơi đó sẽ trở thành vật chướng ngại. Trên cả tuyến thành còn xây dựng những phong hoả đài độc lập, khi có địch dùng để đốt lửa hun khói truyền tin.
Trường Thành chứa đựng ý nghĩa văn hoá sâu sắc. Từ khi Trường Thành được xây dựng đến nay, ở trong ngoài Trường Thành đã diễn ra nhiều sự kiện vĩ đại. Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra ở đây, sự thay đổi nhiều triều đại cũng gắn với việc bảo vệ và tu tạo Trường Thành. Nhiều trận đánh nổi tiếng cũng đã từng diễn ra và qua đó, nhiều nhân vật kiệt xuất gồm các nhà chính trị, nhà quân sự đã xuất hiện. Trường Thành đã gắn với biết bao nội dung văn hoá vô cùng phong phú. Thời Chiến Quốc, Lý Mục người nước Triệu đã chủ trương xây dựng Trường Thành để phòng ngừa sự xâm nhập của người Hung Nô, lập được nhiều chiến công, mở ra những bài học sáng chói về chiến thuật phòng ngự, để kỷ niệm những chiến công của ông, người đời sau ở Nhạn Môn Quan đã xây dựng Phú Mục Động đến nay từ đường vẫn còn dấu tích.
Vạn Lý Trường Thành là kết tinh tài trí và khả năng to lớn của nhân dân lao động Trung Quốc thời cổ đại, qua mỗi triều đại, tầng lớp thống trị đã huy động hàng trăm nghìn vạn người qua nhiều năm lao động gian khổ, hy sinh biết bao tính mạng mới tu tạo thành công. Như thơ người xưa từng viết: “Doanh Chính ngự tứ hải, Bắc trúc Vạn lý thành, Dân mệnh bán vi thổ, Bạch cốt loạn túng hoành” (Vua Tần quyền bốn biển, Bắc xây đựng Trường Thành; Mạng người vùi trong đất; Xương trắng rải khắp nơi.) Trong việc xây dựng Trường Thành, phần lớn các đoạn thành đều dựa vào các dãy núi, dựa vào độ cao của thế núi để thành hình, có những đoạn thành xây trên độ cao khoảng 1300 mét. Bản thân độ cao của Trường Thành là từ 5 đến 10 mét. Ở những nơi vách núi dựng đứng, độ cao phải bớt đi, còn ở những nơi đất bằng phẳng, độ cao phải tăng thêm. Bên ngoài thành dùng gạch và đá xây nên, còn bên trong lèn chặt bằng đất hoàng thổ. Trên đỉnh thành còn xây dựng những thành nhỏ, từ đó có thể nhìn ra ngoài. Cứ cách 130 mét lại xây một tháp canh, có thể giám sát bên ngoài thành.
Ở những nơi hiểm yếu lại xây dựng những phong hoả đài, khi phát hiện kẻ địch, lập tức có thể phát tín hiệu cảnh báo, ban ngày thì đốt phân chó sói và cỏ khô để tạo nên những làn khói dày đặc bay lên trời; ban đêm thì đốt lửa bằng củi khô có có thêm diêm tiêu và lưu huỳnh để cho lửa cháy sáng, từ đó truyền đi tin tức quân sự cần thiết.
Trường Thành men theo địa thế hiểm trở, thi công cực kỳ khó khăn. Nhưng nhân dân lao động đã khắc phục vô vàn những khó khăn ấy, lợi dụng địa hình tự nhiên một cách tài tình. Ở những nơi có núi cao thì lợi dụng lấy thế núi làm cơ sở, khắc phục những nơi hiểm yếu để thi công; ở những nơi ven sông và vực sâu thì lợi dụng những dốc vực, vách núi vốn có, nhìn từ ngoài vào thật vô cùng hiểm trở. Đưa một khối lượng gạch, đất đá khổng lồ ấy lên núi thật là một việc khó khăn không thể kể xiết, vì thế, mỗi lần tu tạo Trường Thành là một lần phải động viên một khối lượng sức lao động khổng lồ. Thí dụ như năm 555, vương triều Bắc Tề tu tạo một đoạn Trường Thành dài khoảng 450 km từ Tư Dung Quan đến Đại Đồng đã phải điều đến 180 vạn dân phu.
Về việc xây dựng Trường Thành, từ xưa đến nay đã có biết bao những lời đánh giá. Có người phê phán Trường Thành là biểu hiện tính bảo thủ của người Trung Quốc, xây dựng và tu tạo Trường Thành là biểu hiện của tư thế phòng ngự, chỉ có kẻ yếu mới phải chủ động phòng ngự. Các triều đại Đường, Thanh do có sức mạnh nên không có nhu cầu tu tạo Trường Thành, ngược lại, phá Trường Thành, để cho các thế lực bên ngoài huỷ hoại Trường Thành. Nhưng có những học giả phản đối ý kiến này, họ cho rằng Trường Thành không phải chỉ phản ánh xu thế tiêu cực mà thể hiện một thái độ tích cực, như đời Hán tu tạo Trường Thành là để bảo vệ con đường tơ lụa được thông suốt không bị cản trở, đây chính là con đường chủ yếu để nối liền Trung Quốc thời cổ với thế giới phương Tây, đây chính là thể hiện một thái độ tích cực. Nhưng dù có nói thế nào đi nữa Trường Thành vẫn là một công trình vĩ đại độc nhất vô nhị trên thế giới.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét