Chữ Hán là một phần không thể thiếu của nền văn minh Trung Hoa, nó không những kế thừa lịch sử mấy nghìn năm mà còn là phương thức quan trọng nhất để nối liền quá khứ với hiện tại. Từ chữ Hán đã ra đời nghệ thuật thư pháp, một vốn quý của nền văn minh Trung Hoa. Nhưng chữ Hán đã ra đời như thế nào?
Nghiên cứu vấn đề nguồn gốc của chữ Hán ở Trung Quốc cũng đã có lịch sử hơn hai nghìn năm.
Đi tìm nguồn gốc của chữ Hán
Truyền thuyết từ đời Tiên Tần nói người sáng tạo ra chữ Hán là Thương Hiệt, “Tuân Tử. Giải Tế” viết: “Hảo thư giả chúng hĩ, nhi Thương Hiệt độc truyền giả nhất giã” ( Đám đông
thích sách ấy, Thương Hiệt là số một.) “Lã Thị Xuân Thu” viết: “Hề Trọng tác xa, Thương Hiệt tác thư” (Hề Trọng làm xe, Thương Hiệt làm sách.) Tương truyền Thương Hiệt là sử quan thời Hoàng Đế, là nhân vật tiêu biểu đã chỉnh lý văn tự thời cổ đại. “Thuyết văn giải tự” viết: “ Thương Hiệt là sử quan đã tạo chữ từ thời Hoàng Đế, được tôn là “thánh nhân tạo chữ”. Nhà sử học Từ Húc cho rằng, sự xuất hiện của văn tự có quan hệ với Thương Hiệt. Lúc này, nhu cầu chế định lịch pháp yêu cầu có văn tự để ghi chép, chế định thần dụ cũng yêu cầu phải hành văn, vì thế, Thương Hiệt là người thuộc bộ tộc Chuyên Húc, ông sống vào khoảng thế kỷ thứ 26 trước công nguyên đã làm việc này. Cứ theo suy đoán, thì từ 5, 6 nghìn năm trước, chữ viết của Trung Quốc đã tương đối hoàn chỉnh. Đến thời hiện đại, có người cho rằng để tạo ra chữ, cùng với Thương Hiệt còn phải có cả một đội ngũ. Giống như Lỗ Tấn đã cho rằng: “ … Trong xã hội, Thương Hiệt không phải chỉ là một người, từ một nét dao khắc, một nét vẽ trên cửa, mọi người đều tin theo, rồi truyền cho nhau, chữ viết đã hình thành như vậy, sử quan đã tập hợp lại để có thể dùng nó giãi bày được mọi việc. Nguồn gốc của văn tự Trung Quốc e rằng không chỉ ở một thí dụ này” ( “Lỗ Tấn. Môn ngoại văn đàm”), như vậy Lỗ Tấn cũng nói văn tự không phải do một mình Thương Hiệt có thể tạo nên, mà do rất nhiều người giống như Thương Hiệt ngày ngày khiến nó dần phong phú lên, Thương Hiệt chẳng qua chỉ là người có vai trò quan trọng nhất, có tác dụng lớn nhất. Chúng ta không chỉ coi trọng vai trò tạo nên chữ Hán của Thương Hiệt mà còn coi trọng ý nghĩa của bản thân sự kiện này. Sự xuất hiện của chữ Hán chứng tỏ lịch sử Trung Quốc đã chuyển sang thời kỳ có thể ghi chép được bằng văn tự, những sự kiện trong dòng sông của lịch sử sẽ có tác động quan trọng đối với hậu thế.
Thương Hiệt tạo chữ
Thương Hiệt, họ Hầu Cương, hiệu Sử Hoàng Thị, sử quan thời Hoàng Đế, người đầu tiên sáng tạo chữ Hán được tôn là “thánh nhân tạo chữ”. Nay ở thôn Ngô cách thành huyện Nam Lạc 35 dặm về phía tây bắc có lăng Thương Hiệt, miếu Thương Hiệt và đài tạo chữ, các nhà sử học cho rằng Thương Hiệt sinh và mất ở đây.
Tương truyền Thương Hiệt “ban đầu khắc chữ thay cho kết thừng”. Trước đó, người ta kết dây thừng để ghi chép sự việc, việc lớn kết mối lớn, việc nhỏ kết mối bé, các sự việc nối tiếp nhau thì kết các mối liền nhau, về sau lại thay bằng việc dùng dao khắc trên tre, gỗ để ghi lại sự việc. Cùng với sự phát triển của lịch sử, văn minh càng tiến bộ, sự việc càng phức tạp, tên sự vật càng nhiều lên, phương pháp kết thừng và khắc trên tre gỗ không thoả mãn được nhu cầu, yêu cầu bức thiết là phải tạo ra văn tự. Thời Hoàng Đế là thời kỳ đã sáng tạo rất nhiều trong lịch sử, lúc này không chỉ biết nuôi tằm, mà còn phát minh ra thuyền, xe, cung nỏ, kính, nồi thổi cơm, chõ đồ xôi, những phát minh này có ảnh hưởng rất lớn đến việc thúc đẩy các phát minh sáng tạo khác. Thương Hiệt cũng quyết tâm tạo chữ trong hoàn cảnh ấy.
Truyền thuyết nói mắt Thương Hiệt có 4 con ngươi, là người thông minh khác thường, khi đi tuần du ở phương nam, khi leo lên núi Dương Hư (nay ở huyện Tạc Nam tỉnh Thiểm Tây), gần suối nước Lạc Mang Huyền Hộ, bỗng ông thấy một con rùa, trên mai nó có rất nhiều những hoa văn đặc sắc. Thương Hiệt ngắm nhìn và phát hiện ra điều kỳ lạ nên đã nghiên cứu rất tỉ mỉ. Ông phát hiện những ký hiệu trên mai rùa có thể có những ý nghĩa nhất định. Ông thấy có thể hiểu được những ký hiệu ấy nếu xác định được một quy tắc, như thế, mọi người đều có thể dựa vào đó để truyền đạt ý nghĩa cho nhau, ghi lại các sự việc.
Thương Hiệt ngày đêm suy nghĩ, không ngừng quan sát và ông đã hiểu được mỗi ký hiệu tượng trưng cho một vật nhất định, có ý nghĩa nhất định. Ông lấy một số trạng thái tình cảm của mình, ký hiệu bằng một số nét vẽ, đưa cho mọi người xem, nhờ ông giải thích, mọi người đều có thể hiểu được. Thương Hiệt gọi những ký hiệu ấy là “tự” (chữ).
Thành công trong việc tạo chữ của Thương Hiệt thật là một việc kỳ lạ, ngày hôm ấy bỗng nhiên có một trận mưa kê, đêm đến lại nghe thấy quỷ khốc thần sầu. Vì sao lại có trận mưa kê? Vì Thương Hiệt tạo ra chữ viết, có thể dùng nó để truyền đạt ý nghĩa, ghi lại mọi việc, trời tự nhiên thấy cần phải chúc mừng. Nhưng vì sao quỷ lại phải khóc? Có người giải thích vì khi đã có chữ viết, dân trí ngày càng sáng, dân đức ngày càng lớn, có thể phân biệt được phải trái, từ trong cái chết tìm được cái sống, thiên hạ ngày càng thái bình, quỷ không còn chỗ mà sống nên phải khóc.
Còn có một thuyết khác:
Một lần, Thương Hiệt đem sử sách được kết bằng các nút thừng cho Hoàng Đế xem để so với sự thực lịch sử, khiến cho Hoàng Đế chịu nhiều thiệt thòi trong đàm phán về biên giới với Viêm Đế. Sau sự việc này, Thương Hiệt du ngoạn trong thiên hạ, tìm cách để ghi chép tốt nhất những việc xảy ra. Sau 3 năm, ông trở về quê hương ở thôn Dương Võ Bạch Thuỷ, ông ngồi một mình quan sát “xem những hình cong của sao Khuê, tìm hiểu hình vết tích móng vuốt của con thú” sửa chữa các tài liệu thu thập được, sáng tạo ra các ký hiệu tượng trưng cho vạn vật. Ông gọi những ký hiệu ấy là “tự”.
Chữ của Thương Hiệt phần lớn đều dựa vào trạng thái của muôn vật mà tạo nên. Thí dụ như: chữ “nhật” (mặt trời) dựa vào hình ảnh mặt trời giống hình tròn màu đỏ; chữ “nguyệt” (mặt trăng) dựa vào hình ảnh mặt trăng khuyết; chữ “nhân” (người) giống như hình vẽ con người. Sau khi biết việc Thương Hiệt đã sáng tạo nên chữ viết, Hoàng Đế rất cảm động, ban cho ông họ Thương. Sau trời lại biết, cho một trận mưa kê, trận mưa này nay vẫn xảy ra vào tiết cốc vũ hàng năm.
Đi từ huyện Bạch Thuỷ, men theo sông Vị, ô tô đi trên cao nguyên khoảng một giờ thì đến miếu Thương Hiệt ở thôn Sử Quan. Ngôi miếu này có từ hơn 1800 năm trước, đã được Quốc vụ viện xếp hạng là một di sản được bảo vệ. Lăng Thương Hiệt ở phía tây thôn Ngô, cùng với miếu Thương Hiệt cùng theo hướng đông tây, nằm trên một gò đất cao khoảng 5 mét. Phía dưới lăng mộ có di sản văn hoá cổ thời kỳ Long Sơn, trước lăng Ông Trọng, có sư tử đá, trên tấm bia đá có hai chữ “Thương
Hiệt”. Miếu Thương Hiệt có từ đời nào không rõ. Trong miếu hiện còn một tấm bia ghi lại : Từ đời Hán Đường đến nay, không hề xuy xuyển”. Kiến trúc của miếu hiện nay là từ thời Minh Thanh, trên một vùng đất khoảng 2.700 mét vuông, hướng về phía nam, có một cột trụ đá, trên có khắc chữ rất đẹp đẽ, tất cả đều được kiến trúc rất hoàn mỹ. Còn có câu đối khắc bằng chữ triện đời Minh cùng điêu khắc đá vợ chồng Thương Hiệt. Trong miếu còn có bia khắc rừng cây xanh tốt, dương liễu rậm rạp, lâu đài đình tạ chen nhau cài răng lược, toàn bộ đều hùng vĩ tráng lệ.
Cáo biệt thời ghi chép bằng kết thừng
Sách cổ Trung Quốc có lối ghi chép “kết thằng ký sự”, “khiết mộc vi văn” (ghi sự việc bằng kết thừng, khắc gỗ làm văn.) Đây là những phương pháp thường dùng từ rất sớm, đáng tiếc là những cách ghi chép này không thể bảo tồn, vì thế, những sự việc, hoàn cảnh lúc ấy đến nay không có cách nào để chúng ta hiểu được. Nhưng 15 vạn phiến giáp cốt phát hiện được ở An Dương Tiểu Đồn, trên những mai rùa và xương thú khắc những văn tự còn được bảo tồn hoàn hảo, số chữ tới khoảng 3500.
Những văn tự trên giáp cốt đã ứng dụng phương pháp tạo chữ phổ thông tượng hình, hình thanh, hội ý, giả tá. Có thể thấy văn tự đời Thương hơn 3000 năm trước đã đạt tới trình độ tương đối hoàn hảo, như vậy, trước đó chắc chắn chúng đã phải có quá trình phát triển lâu dài. Những phát hiện khảo cổ đã chứng minh người Trung Quốc từ bảy tám nghìn năm trước đã khắc những ký hiệu trên giáp cốt. Những phát hiện đồ gốm trong văn hoá Ngưỡng Thiều, văn hoá Đại Vấn Khẩu từ năm sáu nghìn năm trước trước cùng với những văn tự trên giáp cốt đã khiến có người cho rằng văn tự đã ra đời từ sớm hơn. Những sách đỏ phát hiện ở Đào Quán của văn hoá Long Sơn có thể khẳng định văn tự chữ Hán đã có lịch sử hơn bốn nghìn năm. Sự ra đời văn tự đã giúp cho con người không ngừng tích luỹ, không ngừng tổng kết cuộc sống xã hội lâu dài, Thương Hiệt rất có thể là người đã tổng kết và chỉnh lý văn tự, là con người tiêu biểu trong việc sáng tạo chữ Hán.
Người Dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét