XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Bàn về viết và lách nhân ngày nhà báo Việt Nam 21/6

Từ xa xưa loài người đã có nhu cầu và có khả năng diễn tả ý tưởng của mình bằng cử chỉ, lời nói và chữ viết. Cử chỉ thì chỉ diễn tả được những ý tưởng đơn giản như những người câm thường làm. Lời nói tuy có thể diển tả hết các ý kiến của ta, cho những người đang có mặt, nhưng không lưu lại được để sau này nghiên cứu, phân tích. Riêng chữ viết có khả năng diễn đạt hết những tư tưởng, tình cảm của người viết mà còn có thể lưu lại mãi mãi về sau, có thể truyền đạt đến nhiều người ở xa mà không cần phải gặp mặt người đã phát tán ra những tư tưởng, tình cảm đó (Sau này người ta có thể ghi âm những lời nói để nghe lại, nhưng cũng không thuận tiện bằng chữ viết).
      Nhờ có chữ viết nên ngày nay chúng ta mới hiểu được một phần nào lịch sử nhân loại, những tiến hóa cũng như những suy đồi, những biến cố cùng những tư tưởng về mọi lãnh vực của mọi thời đại. Lịch sử của các dân tộc, kinh sách của các tôn giáo truyền lại từ hàng ngàn năm là nhờ chữ viết. Mặc dù truyền khẩu cũng là một nguồn thông tin đáng kể nhưng dễ bị biến dạng do niềm tin mỗi thời kỳ, nên mức độ khả tín không bằng chữ viết.
    Chữ viết như vậy là một dạng của ngôn ngữ có khả năng bảo tồn lâu dài. Bình dân Việt nam có câu: Cái lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo. Ngôn ngữ hay lời nói chỉ là biểu hiện của những tư duy từ cái đầu của mỗi người. Còn con người thì có người thật thà trung hậu, kẻ khác thì gian manh xảo quyệt, cho nên lời nói của họ cũng rất khác nhau, cũng trung thực thẳng thắn, cũng dối trá bịp bợm. Do đó cùng một sự việc, do hai người kể lại thế nào cũng có những khác biệt.
    Con người nhờ có ngôn ngữ và chữ viết nên có phương tiện diễn đạt, tường thuật lại những sự việc xảy ra đương thời, phát biểu những nhận xét của mình về những biến cố đó và biểu lộ những tình cảm, những cảm xúc, thái độ qua chữ viết.
    Ngày nay chữ viết của các dân tộc hầu như đã hoàn chỉnh, người ta từ mấy chục chữ cái đơn giản, đã xào nấu khéo léo biến nó thành những tác phẩm văn học làm say đắm hàng triệu triệu người, những tư tưởng độc đáo đảo lộn thế giới gây ra những hậu quả làm tàn sát hàng triệu sinh linh và những phát minh làm thay đổi cuộc sống của cả nhân loại.
    Chữ viết cũng đã tường thuật và ghi chép lại những biến cố chính trị, quân sự, xã hội ở các thời kỳ để người đời sau đánh giá công tội của những nhân vật lịch sử. Tuy nhiên chỉ những sự kiện mới xảy ra cách nay khoảng 50 năm mà những tác giả là người thời ấy, là nhân chứng, là nhân vật trong vụ việc lịch sử đó cũng kể lại khác nhau, chẳng ai biết đâu mà mò. Có phải vì ngày nay có quá nhiều thông tin nên chúng dẫm đạp lên nhau như một mớ bòng bong, người làm công việc phân tích và tổng hợp cũng không dễ giải mã các sự việc trên một mớ dữ kiện chồng chất lên nhau. Chẳng hạn đánh giá công và tội của các nhân vật lịch sử và những diễn biến về chính trị,  kinh tế, xã hội v.v... và khi đem ra tranh luận thì chẳng ai chịu ai. Có phải họ mặc cảm tội lỗi hoặc trốn tránh trách nhiệm, lừa dối bản thân và nhân dân cũng như lịch sử?
    Vẫn biết thời gian rồi cũng làm sáng tỏ mọi vấn đề, nhưng chữ viết có thể tin được đến mức độ nào? Tiếng Việt mình có những từ đôi như viết lách, ăn uống, chữa chạy, thuốc thang, học hành v.v... (còn rất nhiều không kể xiết) Như vậy phải chăng các cụ ta đã biết rằng từ một việc làm này thế nào cũng có một việc khác đi kèm. Trong phạm vi bài này thì VIẾT có LÁCH kèm theo. Đó là đầu mối mọi rắc rối cho việc nghiên cứu chữ nghĩa của chúng ta ngày nay.
    Vậy chứ đã viết rồi sao còn phải lách? Vì muốn lừa dối người khác? Vì sợ viết sự thật sẽ bị đàn áp, trừng phạt? Viết như vậy có lợi gì cho người viết và có hại gì cho người đọc?
   Tại sao lại viết để lừa dối người khác? Viết để lừa dối người khác có thể có những mục đích gì? Có phải muốn người khác tin theo mình để tất cả mau chóng đạt được một mục tiêu nào đó theo ý người viết hoặc theo ý người ra lệnh viết (mục tiêu đó có thể tốt hoặc xấu)? Có phải cố bào chữa cho những việc làm sai trái của mình để trốn tránh trách nhiệm và phủ định trách nhiệm? Có phải cố vu khống,chụp mũ trên đầu kẻ khác những lỗi lầm họ không có để tiêu diệt, hạ bệ họ? Có phải cố điểm phấn tô son cho phe mình trước quần chúng và trước lịch sử từ có tội thành có công? Hoặc là việc làm của mình là đúng mà bị đối phương vu cáo, xuyên tạc cần phải thanh minh?
    Người viết dưới những chế độ độc tài có lẽ chỉ thoải mái khi viết nhật ký, cất giữ riêng, để tự mình đọc vì không phổ biến nên không có tác hại đến chế độ. Nhưng con người nếu chỉ độc thoại với mình không thôi thì không phải là con người hoàn thiện vì còn phải được chia sẻ giao lưu với đồng loại để có sự thông cảm và đồng cảm, để giảm áp lực tâm lý. Chính vì vậy viết là bộc bạch cõi lòng mình ra với những người khác về những tình cảm, tư tưởng, quan điểm, thái độ, nhận xét, cảm xúc về thế giới chung quanh, cũng như được cởi bỏ nỗi lòng của ta với người thân yêu, là một nhu cầu thiết yếu của tâm lý con người.
     Nhưng có phải với ai ta cũng có thể tâm sự, kể lể nỗi lòng ra được đâu vì sợ bị chê cười, bị trách cứ, nhất là những ý kiến chê bai kẻ mạnh, kẻ độc tài thì bị đi vào nhà đá là cái chắc. Cho nên ta phải lách đi, mà lách đi là thiếu mất tính chân thực, khách quan rồi! Đấy là chưa kể có kẻ vì lợi ích, vì bị mua chuộc đã viết có thành không, viết không thành có cũng như những kẻ nói dối quen miệng mà ai ai cũng khinh bỉ. Những kẻ này thường được gọi là những tay bồi bút, văn nô (còn nhiều tên gọi khác mà bất chợt không nhớ ra) vì miếng cơm manh áo đành lòng bẻ cong ngòi bút, dẫn dắt người khác đến những cái nhìn sai lạc vào con người, sự việc không đúng như nó có.
    Lách là cái khôn khéo của người viết (cũng có thể là sự nhát gan), không nói thẳng, nói thật ngay vào sự việc mà vòng vo tam quốc, dẫn dắt người đọc đi loanh quanh rồi cuối cùng cũng cho họ hiểu rõ sự thật như thế nào; tránh cho kẻ thù có lý do để bắt lỗi. Người Việt Nam có cách giả chửi chó, mắng mèo, nói xiên nói xéo cũng là một cách lách. Đối với người viết được tuôn trào những tình cảm, những suy nghĩ của mình trên trang giấy (hay trên bàn phím máy tính) là như trút được một gánh nặng đè trên vai, rồi lại được những người khác chia sẻ, đón nhận thì khác nào niềm hạnh phúc như vừa được tâm sự với người bạn tâm giao những nỗi niềm u uẩn chất chứa trong lòng.
     Dù viết thật hay viết lách, cuối cùng cũng lộ ra cái liêm sỉ của người viết, dù người viết có tài ba, khéo léo biện luận cho những nhận xét quan điểm của mình với bút pháp thần sầu quỷ khốc như thế nào đi chăng nữa. Người đọc vẫn dễ dàng nhận ra nhân cách của người viết và đánh giá giá trị của tác phẩm.
    Trong truyện Tàu có kể lại việc mấy vua chúa đương thời vừa dốt nát vừa tàn bạo lại muốn có tiếng thơm trong thanh sử nên buộc các sử quan phải viết tốt về mình nhưng các vị sử quan này lại hết sức trung thực thà chịu chết chứ không chịu bẻ cong ngòi viết. Đây là một điểm son trong lịch sử Trung Hoa ............Tóm lại bởi có viết và lách nên buộc phải chấp nhận sự đan xen giữa “Truyền thuyết và lịch sử” cái gì không được đăng thì lịch sử thật đấy sẽ trở thành truyền thuyết “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Truyền thuyết được đăng, in thành sách cho người đọc và lưu giữ lại cho đời sau thì nghiễm nhiên lại trở thành lịch sử-Phải chăng đấy cũng là sản phẩm của Cụm từ láy “Viết và Lách”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét