XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Phạm Quang Trung

 


Họ và tên:    PHẠM QUANG TRUNG

Ngày sinh:        27/4/1958

Nơi sinh:            Hà Nội

Quê quán:    Bình Giang, Hải Dương

Chỗ ở hiện nay: số 10, Q20 đường Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Trình độ học vấn: Cử nhân Xử lý thông tin, Cử nhân Luật,

Tiến sĩ Toán ứng dụng (ĐH Bách khoa HN)

Email: trungpq.vks@gmail.com

Điện thoại: 0904220723

PHẠM QUANG TRUNG - THEO DÒNG KÝ ỨC

        Tôi không có khiếu kể chuyện hay viết văn, một môn học tôi đặc biệt kém. Nhưng kỷ niệm cứ ùa về, nên nhớ đến đâu tôi sẽ kể đến đấy.

        Thời chúng ta học đại học, sinh viên không phải đóng học phí, lại được hưởng chế độ phụ cấp 18 đ/tháng, so với mức thu nhập chung là khá ổn. Hồi đó, lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường là 64 đ/tháng.

        Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch những năm 1970 nổi tiếng có khuôn viên đẹp, khiến tôi quyết định ghi nguyện vọng thi vào đó sau khi mò đến xem cơ ngơi của trường. Hàng dừa cao vút đứng dọc hai bên con đường dẫn từ cổng đường Giải Phóng vào trường, uốn lượn ven bờ hồ trong xanh, các khu giảng đường 3 tầng bố trí đẹp bao quanh sân trường rợp bóng cây. Giữa trường có cây cầu Trắng bắc qua nhánh sông Sét nối từ đường Đại La chạy xuyên qua trường, chạy sang trường ĐH Bách Khoa (hiện nay là đường Trần Đại Nghĩa). Phía bên kia cây cầu là các khu nhà ở ký túc xá sạch sẽ được bố trí giường tầng. Phía dưới là sân chơi bóng chuyền, cầu lông, hàng cây nhãn, cây xoài chạy dọc sân dẫn đến nhà ăn tập thể rộng rãi.

        Dạo đó, để thuận tiện cho việc quản lý và học tập đối với sinh viên, nhà trường khuyến khích tất cả các sinh viên có nhà ở Hà Nội vào ở nội trú. Cứ sáng sớm, các phòng nội trú lại phân công một bạn đến lò bánh nhà ăn để nhận bánh mỳ cho bữa sáng. Bữa trưa, chiều các sinh viên lại quây quần ăn cơm tập thể, xoong canh lơ thơ rau, miếng thịt mỏng tựa trang giấy - nếu gắp lên không cẩn thận dễ gặp cơn gió nhẹ thổi ... là bay. Khi lấy cơm, chúng tôi rủ nhau mò vào khu vực bếp nấu để các bác, các chị đầu bếp cạy cho thêm miếng cơm cháy chảo, nóng giòn, vàng ươm.

        Cuộc sống thời sinh viên bao cấp tuy thiếu thốn, vất vả nhưng luôn rộn rã tiếng cười, nghịch ngợm. Bạn nào ăn chậm là phải dọn bát đũa, hoặc cuối bữa ăn sẽ có trò quay âu canh đã hết, nếu chuôi muôi múc canh dừng lại, chỉ vào ai ngồi cạnh bàn, thì bạn đó sẽ phải dọn, bê bát đĩa đến khu vực rửa bát. Có lần, hội nội trú nghịch ngợm đố nhau xem ai ăn được nhiều mì tôm nhất, dạo đó có loại mì 2 tôm, 3 tôm. Chết cười, khi chứng kiến các "thí sinh" nhồm nhoàm, phồng mồm má nhồi bát mỳ vào bụng, cuối cùng cũng chọn được một ông bạn xứng đáng với danh hiệu "Bác cả Phàm". Chỉ mỗi tội, sau khi đoạt danh hiệu, "bác" ta nằm vật vã với cái bụng căng phình, tức anh ách, đến khi chịu không nổi, chúng tôi dở khóc, dở cười phải vội vã dìu "bác Phàm" xuống cấp cứu ở Trạm xá sinh viên.

        Sáng ra tỉnh giấc, sinh viên phải chạy quanh các bể nước khô cạn tìm bể còn nước để đánh răng, rửa mặt. Có những hôm trời rét căm căm, nhưng vì ưu tiên buồng tắm cho các bạn nữ, đám nam sinh viên đành nghiến răng chịu gió rét đứng dội nước vội vã bên cạnh các bể nước ven đường.

        Sinh viên dạo đó rất chăm chỉ, sau giờ lên lớp là tự giác tìm các giảng đường trống để ngồi tự học, thậm chí phải phân công nhau đi giữ chỗ ngồi sớm. Các hội trường thường kín chỗ dù là ngoài giờ lên lớp chính thức, kể cả vào thứ bảy, hay chủ nhật. Năm tháng sinh viên vô tư còn đọng lại trong tôi những buổi đi học nhóm trong trường. Cùng nhóm học của tôi có cô bạn hát hay, lúc nào cũng véo von. Cô bạn này hay bị thầy Túc dạy quy hoạch nhắc nhở vì trong giờ học bạn cứ như con quay ngó ngoáy, nói chuyện riêng. Có ông bạn bị thầy gọi lên bảng làm bài tập, thầy nhận xét cậu ta rất giỏi phức tạp hóa lời giải đối với một bài toán đơn giản. Còn tôi, của đáng tội, bị lớp giao nhiệm vụ phải xếp thứ tự vào cuối cùng mỗi buổi thi vấn đáp, khi thầy mệt, đói và dễ cáu giận. May là tôi đủ bản lĩnh để vượt qua trọng trách này. Còn nhớ, trong buổi thi vấn đáp môn Đại số của thầy Lê Bộ, sau khi trả bài, thầy hơi nghi ngờ tôi trúng tủ, nên cho thêm câu lý thuyết và bài tập ngoài đề thi, thầy bảo tôi đem xuống bàn dưới để chuẩn bị, và lén theo dõi tôi xem có sử dụng tài liệu đem vào không. Trong buổi phỏng vấn đó, tôi bị thầy hỏi lục tung các kiến thức toán ở các chương khác nhau, chốt hạ mới cho được con điểm 5 sau khi cả hai thầy trò đều mệt mỏi vì đói meo do đã ngồi quá giờ thi.

        Nhà trường phát động phong trào TDTT rất sôi nổi, các sân chơi luôn kín chỗ, sân bóng rổ, bóng đá hoạt động thường xuyên (là vị trí chợ Đồng Tâm bây giờ và một phần đã phá dỡ để mở đường). Đặc biệt phong trào văn nghệ rất đình đám do khoa Toán có thầy Nguyễn Lưu dạy toán nhưng giỏi nhạc lý, sáng tác ca khúc, hướng dẫn chúng tôi luyện hát đơn ca, song ca, thậm chí luyện hát hợp xướng, nhờ đó khoa Toán thường đoạt được giải cao nhất trường.

        Có năm nhà trường chia đất cho các lớp trồng rau màu. Lớp tôi khi đó cũng được ẵm giải nhờ có vườn rau đẹp, thu hoạch bội thu. Còn nhớ, có lần anh lớp trưởng nói với tôi:'' Tại sao cậu cứ mê mải chăm vườn những lúc cả lớp đã ra về, còn ai đâu mà biết được cậu siêng năng như thế ?''. Anh đâu có biết, chăm sóc vườn cây là sở thích của tôi. Ngậm ngùi là, anh lớp trưởng đã rời xa chúng tôi mãi nhiều năm rồi. Khi ra trường, anh về quê nhà nhận công tác ở Thanh tra tỉnh, anh tặng lại tôi cuốn từ điển Anh - Việt, và bảo tôi từ nay anh sẽ không cần đến nó nữa. Bây giờ tôi vẫn còn giữ được kỷ vật ấm áp này, cũng muốn trao lại cho các con cháu anh, nhưng chưa gặp dịp.

        Đợt đi coi thi đại học ở Nghệ An tháng 7 năm 1980, chúng tôi được phân công coi thi ở một huyện, khá gần quê Bác. Mùa hè thời tiết nóng nực, gió Lào nóng ran, cuộn bụi đường mù mịt thổi bay khắp thành phố Vinh, ai cũng chỉ mặc quần áo mỏng mùa hè. Hồi ấy, chưa có các thiết bị 4.0 như bây giờ, máy photocopy cũng chưa có, khi các thí sinh bước vào phòng thi, nhiều cô cậu thí sinh trông rất buồn cười vì nhét tài liệu sách vở nguyên quyển, cộm dày lên, quần áo bị phình to lộ liễu. Dù không muốn, nhưng vì quy chế thi, vì không thể bỏ qua những trường hợp đem vào quá nhiều tài liệu, nên các giám thị chúng tôi vẫn phải tịch thu bớt các tài liệu trái phép, chất đầy trên bàn ở góc phòng, nhưng không đình chỉ thi, không ghi tên thí sinh đem tài liệu vào,... Ấy thế mà, khi đi lại trên đường làng, chúng tôi vẫn lo sợ vu vơ - nhỡ đâu bị ăn củ đậu bay, hay gì đó,... May mắn là cả đoàn coi thi không gặp trở ngại nào trong thời gian tạm trú coi thi ở địa phương. Còn nhớ, ở đây lần đầu tiên được ăn canh rau muống xắt nhỏ, được ăn món nhút đặc sản dân dã xứ Nghệ làm từ xơ mít có vị ngọt chua là lạ,...

        Ngày nghỉ, tôi và anh lớp trưởng đèo nhau trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng tôi đem theo để về quê anh, huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh. Trên đường đi tôi ấn tượng bởi quãng đường xa tắp gần 80km giữa trời nắng đổ lửa, hơi nhựa đường nóng hầm hập, lúc lên dốc, khi xuống dốc dài đằng đẵng, hai anh em gò lưng đạp xe thay nhau đèo trong gió Lào thổi bạt cả xe và người. Lúc qua sông Lam, tôi đặc biệt cảm thông với những người dân nghèo đội nắng đi bóc vỏ các cây gỗ được thả trôi sông, đem về làm chất đốt. Khi tới nhà anh lớp trưởng, tôi bỡ ngỡ bởi xóm nghèo xơ xác, các ngôi nhà trông xa như những lùm rơm, khi vào nhà phải cúi người mới vào bên trong được, đã thế gia đình anh chị lại có 3 đứa con.

        Trong đợt coi thi này, có một cậu bạn cùng lớp (quê ở Nghệ An) khi khám tài liệu của một thí sinh nữ, đã bị vẻ xinh đẹp của em làm say đắm, mê hoặc. Tôi cá là chẳng những không tịch thu tài liệu của em, cậu ta còn giúp em làm bài thi. Rồi sau đó, cứ dịp được nghỉ học, cậu ấy lại tất tả về quê, mặc dù dạo đó phương tiện giao thông Hà Nội - Nghệ An còn rất khó khăn. Kết quả đến bây giờ, cậu bạn tôi đã có một gia đình hạnh phúc với cô em xinh đẹp thuở ấy.

        Còn nhiều kỷ niệm nữa, nhưng nó cứ lúc hiện, lúc ẩn lãng quên, là những chuyện vụn vặt được tua lại. Các câu chuyện này các bạn đều đã biết, nhưng khác nhau về sự hồi tưởng, về chi tiết, nếu vô tình đụng chạm đến bạn nào, hết sức mong mọi người thông cảm, vì với chúng ta đó chỉ còn là những ký ức vui vẻ. Trân trọng cảm ơn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét