XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Lưu Văn Chuông


 

Họ và tên: LƯU VĂN CHUÔNG     

Ngày sinh: 13/7/1957

Nơi sinh: Làng Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, h. Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Quê quán: Làng Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, h. Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Chỗ ở hiện nay: Tòa nhà CT3 chung cư SKy9, số 61-63, đường số 1 (Vòng xoay Liên Phường -Võ Chí Công) khu phố 2, tổ 9, phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0905190395

Email: nguyensongviet3979@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/songviet.luu

Zalo: 0905190395

Nguyên là sinh viên lớp Toán kinh tế k17 (1975-1980), sinh viên lớp Toán k21 (1979-1984); Quân nhân sỹ quan Kỹ thuật Vinhempic, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh (1979-1982)

Trình độ học vấn: Cử nhân Toán kinh tế

Những ngành nghề đã trải qua (1978-2017): XDDD, VLXD (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đá ốp lát), khai hoang xây dựng đồng ruộng, xây dựng thủy lợi, xây dựng thủy điện, thủy sản, du lịch lữ hành, tổ chức sự kiện, vận tải thủy, bộ (ô tô); quản lý thủy nông (khai thác công trình thủy lợi).

Sở thích: Lịch sử, văn hóa, bơi lội, leo núi và phim kiếm hiệp.


LƯU VĂN CHUÔNG - THEO DÒNG KÝ ỨC

        1. CHIÊU TRÒ MA QUÁI CỦA SINH VIÊN.

     Bước vào phòng thi, bốc đề, về chỗ chuẩn bị bài, ném đề ra ngoài, bạn bè ném phao vào, chép phao và chuẩn bị các bước để trình bày, trả lời các câu hỏi của hai giáo viên. Tuy nhiên, nếu câu hỏi được phát ra khi đang ngồi tại bàn trả bài, đương nhiên bạn sẽ không trả lời được vì có biết gì đâu mà trả lời. Vậy muốn thoát nạn, chỉ có 2 cách:

    - Cách 1: Sau khi trình bày xong, dùng hai tay đặt trước trán để che mắt và dùng hai chân đá vào chân của hai thầy (để hai thầy nhầm tưởng là thầy bên cạnh đá vào chân mình), thế là cả hai thầy đều bảo:'' Thôi em 5 điểm, đi ra, đến lượt người khác, thời gian có hạn”. Tuy nhiên, cách 1 chỉ áp dụng với thầy dạy môn này lần cuối cùng và không gặp lại thầy lần 2 - vì trước sau gì thầy cũng biết.

    - Cách 2: Ôm bụng kêu đau thảm thiết. Cách này chỉ đạt 50% vì có thầy sẽ cho 5 điểm, nhưng có thầy khắt khe hơn:'' Thôi, em thi lại lần sau”.

               2. TỰ SỰ QUÁ TRÌNH ĐI HỌC CỦA BẢN THÂN

      Khi còn nhỏ, tôi là một cậu bé khoẻ mạnh, ham chơi,... Suốt 4 năm học cấp 1, tôi chỉ đạt kết quả “học tập trung bình” (chỉ biết đọc, viết, làm toán cộng, trừ, nhân, chia, không hiểu gì về tam suất đơn hay tam suất kép), hạnh kiểm trung bình, lao động giỏi, không lần nào được danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Lên lớp 5 (cấp hai) tôi vẫn như vậy, chơi là chính, học là phụ, nên kết quả cuối năm là “yếu kém”, tôi bị lưu ban (ở lại lớp). Khi học lại năm thứ hai của lớp 5, do kiến thức bị rỗng nên tôi cũng không thể tiếp thu được kiến thức mới, kết quả cuối cùng là “không được lên lớp 6”.

      Do qui chế hồi đó không cho lưu ban một lớp 2 năm liền nên tôi có danh sách chuyển qua học bổ túc. Bố tôi - một nhà nho học tiếng Tàu trước năm 1945 - rất lo lắng cho tương lai của tôi. Ông cho họp gia đình, đánh tôi một trận nhừ tử và đưa ra cho tôi 2 quyết định để lựa chọn: Một là, theo anh rể lên miền núi học phổ thông lớp 6, hai là xin thi lại để được lên lớp 6 tại trường đang học ở quê. Hồi đó, chưa có hiện tượng xin điểm, phao, chát bài thi như bây giờ, tất cả phải tự lực và rất khách quan trong thi cử. Nếu thi lại, tôi phải thi hai môn là văn và toán. Ông anh tôi hứa sẽ xin hội đồng nhà trường miễn cho 1 môn thi. Tôi phải tự chọn một trong hai môn để thi lại. Thời hạn cho tôi suy nghĩ là một đêm, tôi phải trả lời vào sáng hôm sau tại cuộc họp gia đình. Cuối cùng, tôi quyết định thi lại môn toán.

      Anh rể tôi - giáo viên toán cấp 2 - dạy tôi học lại kiến thức môn toán và văn (từ lớp 1 đến lớp 5) trong 3 tháng hè, tập trung chủ yếu vào môn toán. Suốt 3 tháng hè, tôi phải đi học từ nhà đến nhà anh rể với khoảng cách 1km, đều đặn, mặc nắng mưa, bão, lũ, vv... mà không bỏ buổi nào. Kết quả tôi thi lại môn toán được 9,5 điểm và nghiễm nhiên được vào học lớp 6. Liên tục từ lớp 6 đến lớp 10, tôi luôn được công nhận là học sinh giỏi của trường.

       Sau đó, với kết quả thi đại học được điểm toán cao, tôi được chọn vào học Khoa Toán Kinh tế - trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội.

       3. NHỚ VỀ NHỮNG CÂU NÓI CỦA THẦY TRẦN TÚC

      Tôi vẫn nhớ câu nói của thày Trần Túc: ''Khi vào trường tôi coi các anh, chị như nhau vì kết quả đầu vào của các anh chị tương đương nhau. Trong quá trình học, tôi coi các anh chị khác nhau, thậm chí phân biệt đối xử vì kết quả học tập và đạo đức của các anh, chị từng năm có khác nhau: có người giỏi, người khá, người trung bình và người chưa, thậm chí không đạt. Hôm nay, chia tay ra trường, tôi lại coi các anh chị như nhau, vì cuộc đời còn dài và đang ở phía trước. Anh có tấm bằng giỏi chưa chắc đã hơn anh có tấm bằng trung bình hoặc thi lại, vì anh học giỏi chỉ mới được trang bị kiến thức của tôi, của khoa và nhà trường, tuyệt nhiên chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng sống khác của xã hội. Tuy học giỏi, nhưng các anh chưa chắc có thời gian để tiếp cận và trải nghiệm những kiến thức đó, vì vậy các anh còn phải học rất nhiều trong chặng đường sắp tới. Các anh học kém phải học lại kiến thức của tôi, của trường, của khoa, nhưng về các kiến thức khác và kỹ năng sống, các anh cũng đã được trang bị tương đối bởi những năm tháng bỏ học đi chơi, đi buôn, đi trải nghiệm thương trường. Thời gian học trả nợ tôi và nhà trường rất ngắn - chỉ 2 năm thôi - chưa chắc đã vất vả bằng các anh học giỏi kia''.

      Gần đây thày còn nói: ''Các anh, các chị là lứa ''chuột bạch'' thứ tư của tôi, bắt đầu tính từ K13. Cảm ơn các anh, các chị đã cho tôi kiến thức để chỉnh sửa phương pháp giảng dạy của mình...''.

    4.  LÝ GIẢI CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ THẤT BẠI TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM

     Năm 1979 - chiến tranh biên giới phía Nam đã tạm ngưng, đất nước Campuchia được hoàn toàn giải phóng, song vẫn còn tàn quân Pôn Pốt ở biên giới Thái Lan chống cự dai dẳng. Tôi được phân công về phòng Tham mưu Huấn luyện Trường Sỹ quan Kỹ Thuật Vinhempic thuộc Tổng Cục Kỹ Thuật - Bộ Quốc Phòng.

      Tôi nhớ không nhầm, khoảng tháng 5/1979, tôi được cử đi chăn bò một tháng ở vùng Sông Ray, Đất Đỏ, Bà Rịa, gần trường Phục hồi nhân phẩm. Ở đó có hàng ngàn học sinh đang học tập cải tạo - khi đó gọi là trường Thanh niên lao động xây dựng cuộc sống mới, xung quanh là cư dân kinh tế mới quận 1, quận 3, quận Phú Nhuận - TPHCM. Trong số cư dân sinh sống làm ăn ở vùng này có rất nhiều sỹ quan, viên chức của chế độ cũ, họ có bằng cấp, học vị và được đào tạo, học hành bài bản.

     Trong một lần tiếp xúc với dân, lúc trà dư, tửu hậu, tôi nói chuyện với một trung úy thủy quân lục chiến ngụy quân. Tôi hỏi:

      - Các ông có nhận xét gì về cuộc chiến 20 năm với miền Bắc, và nguyên nhân tại sao các ông bị thua trận không ?

      Viên trung úy trả lời:

      - Tôi không có nhận xét gì, kẻ thua cuộc không có quyền nhận xét. Cá nhân tôi thấy chiến tranh rất vô nghĩa nhưng có lẽ lại rất có ý nghĩa với các ông.

      - Thế còn nguyên nhân thua trận, ông có ý kiến gì không ?

      - Có chứ, tôi đã nghiền ngẫm, tự đặt câu hỏi và tự trả lời nhiều rồi: chúng tôi thua về chính trị, tâm lý chiến, chiến tranh nhân dân, chính sách hậu phương, quan hệ cán binh thời chiến, tinh thần binh sỹ nơi trận tiền,... nhưng tuyệt nhiên không thua về quân sự.

      Về chính trị, chúng tôi không được giáo dục làm quen với chiến tranh như các ông. Ngay từ nhỏ, các ông đã được học và tiếp cận với chiến tranh trong các bài toán và bài tập đọc bậc tiểu học. Ví dụ, phía các ông học, cô giáo ra đề: hôm qua các chú bộ đội bắn rơi 3 máy bay Mỹ, hôm nay chú bộ đội bắn rơi nhiều hơn hôm qua 2 máy bay, hỏi cả hai ngày chú bộ đội bắn rơi được bao nhiêu máy bay Mỹ ?. Còn đối với chúng tôi, thày giáo ra đề: hôm nay mẹ em đi chợ mua hai bó rau, giá 20 đ/bó; ngày mai, mẹ đi chợ bán hai bó rau mua hôm qua với giá 25 đ/bó. Hỏi mẹ lời được bao nhiêu đồng?

      Về tâm lý chiến, các ông bị cấm nghe đài địch, cấm đọc sách tuyên truyền của địch, nói rộng ra là bị cấm văn hóa đồi trụy, ẻo lả, lãng mạn, suy giảm sức chiến đấu của thế hệ trẻ. Tóm lại, các ông được giáo dục một chiều “ta thắng, địch thua”, nên niềm tin về chiến thắng lớn hơn chúng tôi.

      Về chiến tranh nhân dân, theo tôi hiểu sơ sơ, nghĩa là toàn dân là lính, nhưng chế độ chiến trường thì ngân sách chỉ cấp cho lính chính quy, còn lại tất cả phải tự cấp, tự túc nên tinh thần cũng như số lượng quân nhân đông hơn chúng tôi.

      Về chính sách hậu phương, các ông đi lính được cả nhà nuôi, chúng tôi đi lính phải nuôi cả nhà, nên gánh nặng hay áp lực về kinh tế cao hơn các ông, không vô tư như các ông. Hậu phương của các ông có hội bà mẹ chiến sỹ luôn bảo vệ vợ con cho các ông, không phải mất tiền. Chúng tôi phải dùng tiền để thuê bảo vệ cho vợ con. Chúng tôi sợ chết, trốn về, được hậu phương che chở, thậm chí dùng tiền để trốn chạy, không bị bắt đem giao cho chính quyền như các ông. Hậu phương các ông thúc đẩy đi đánh trận, hậu phương chúng tôi thì ngược lại. Khi nổ ra chiến trận, chúng tôi có thể chạy khỏi chiến trường, các ông thì không, trừ khi đầu hàng quân địch.

      Về quan hệ cán binh thời chiến, phía các ông giống như Nguyễn Trãi nói:'' Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Các ông ra trận ăn mặc như nhau, rất khó phân biệt giữa chỉ huy và lính, giữa cấp bậc cao và thấp. Lính tráng chỉ biết cấp chỉ huy chức vụ gì, tuyệt nhiên không biết mang quân hàm gì, lính bắn tỉa muốn ám sát chỉ huy cũng rất khó. Lương bổng người nhà nhận phần chênh lệch, còn ở chiến trường gần như là bằng nhau, tình cảm cán binh tốt hơn chúng tôi. Phía chúng tôi, trên ra trên, dưới ra dưới, rất dễ phân biệt, quần áo trang bị cũng khác nhau, chấp hành thì tốt, nhưng tình cảm chiến binh có rất nhiều ấm ức và tồi tệ.

       Về tinh thần binh sỹ nơi trận tiền và trước khi vào trận, lính các ông đốt hết thư từ, tiêu hết tiền bạc, bán hết đồ trang sức quý giá để khỏi vướng bận chữ tiền, tài nơi chiến tuyến, Không ai có ý niệm trốn chạy, đào ngũ vì số này rất ít, rất lạc lõng, không được đồng đội, hậu phương đón nhận khi đảo tẩu trở về. Các ông chỉ có suy nghĩ duy nhất là tiến lên phía trước, “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”, thức ăn, đồ dùng là chiến lợi phẩm sắp có của kẻ thù, nên tinh thần cao hơn. Chúng tôi thì ngược lại, ai cũng lo trốn chạy nếu xảy ra thất thủ, nên không ai bán hết tư trang, tiêu hết tiền bạc, nếu bán cũng dành lại một ít phục vụ cho việc đào tẩu khi thua trận, nên tinh thần bị phân tán hơn. Nếu các ông công đồn thì chúng tôi còn vướng thêm vợ con, gia đình. Các trại lính chúng tôi đều có khu gia binh, các ông thì không, điều này khiến tinh thần chiến đấu của chúng tôi giảm đi một nửa. Hậu phương chúng tôi luôn chấp nhận sự trốn chạy hoặc đào tẩu của mỗi cá nhân chúng tôi, vì cũng rất dễ hiểu, chúng tôi đi đánh thuê nuôi gia đình, còn các ông được gia đình và xã hội nuôi để ra trận. Tình thương của quân nhân và hậu phương giữa chúng tôi và các ông khác nhau. Chúng tôi được hậu phương thương cảm hơn, còn các ông thương hậu phương hơn, vì hậu phương của các ông sẵn sàng hy sinh cho gia đình, dòng họ, thậm chí tự hào về các ông.

     Chúng tôi thua chủ yếu từ mấy nguyên nhân trên.

     Về quân sự, chúng tôi hơn hẳn các ông về vũ khí, khí tài và tiền bạc. Mỹ giúp không cho chúng tôi về mọi mặt, tham chiến cùng chúng tôi, nhưng cuối cùng bỏ rơi chúng tôi. Quân nhân chúng tôi được đào tạo quân sự tốt hơn các ông, sỹ quan thăng tiến từ đào tạo và chiến trường, khác với các ông là sỹ quan được thăng tiến từ thực tế chiến trường, ít được đào tạo bài bản. Các ông huấn luyện tân binh, sỹ quan từ đồi núi thực tế, trên đường hành quân vượt Trường Sơn. Chúng tôi huấn luyện tân binh ở 4 quân trường, lý thuyết có hơn nhưng thực tế có thể thua các ông. Các ông được Trung Quốc, Liên Xô và phe của các ông ủng hộ vũ khí, khí tài, tiền bạc không được 100% như Mỹ ủng hộ chúng tôi, nên khả năng tự lực, tự cường của các ông trên chiến trường lúc khó khăn lại hơn hẳn chúng tôi. Quân sự chúng tôi thua về tinh thần và kinh nghiệm chiến trường. Suy cho cùng, thua hay thắng chủ yếu do yếu tố con người, không phải do vũ khí và khí tài.

     Trên đây chỉ là lời nhận xét của một trung úy thủy quân, lục chiến Việt Nam Cộng hòa, tôi chỉ ghi chép lại như một kỷ niệm quãng thời gian đi bộ đội và chia sẻ để mọi người cùng suy ngẫm nếu quan tâm.

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG SỸ QUAN KỸ THUẬT VINHEMPIC

         Tôi là một trong 4 sinh viên đi lính của trường đại học kinh tế kế hoạch Hà Nội nhập ngũ 31/8/1978 cùng 7 sinh viên trường đại học tổng hợp Hà Nội nhập ngũ ngày 17/8/1978 kéo theo 85 công nhân bậc 3 trở lên thuộc các nhà máy quận Hai Bà Trưng Hà nội nhập ngũ cùng hai ngày kể trên và huấn luyện Tân binh ở hai nơi (104 thì ở Phủ Lý, 582 thì ở Lạc Thủy Hòa Bình) đều thuộc Trung đoàn cơ động 582 (Hòa Bình) và 104 (Phủ Lý) thuộc Sư 432, quân khu 3, Bộ quốc phòng; Sau khi huấn luyện Tân binh xong tháng 12 năm 1978 chúng tôi được điều động về TCKT Trường Công nhân kỹ thuật I, Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang đến ngày 12/01/1979 lại bỏ trường CNKT I điều động đến tiếp trường Quân cụ Gò Vấp Sài Gòn vào trưa ngày 15/01/1979 (Thật là không may cho chúng tôi khi chiến tranh phía Nam lại được điều lên phía Bắc, Khi Campuchia giải phóng chuẩn bị chiến tranh phía Bắc thì lại được điều vào phía Nam); Khi đó Trường Quân Cụ đã được đổi tên thành trường Hạ sỹ quan kỹ thuật; Các sinh viên chúng tôi được phân về làm việc tại các phòng ban của trường và khoa văn hóa kỹ thuật cơ sở; Các công nhân thì được phân công học hạ sỹ quan kỹ thuật ở 8 khoa của trường sau về phục vụ cho toàn quân; Sau 1 năm 85 Hạ sỹ quan ra trường (1980), số 11 sinh viên chúng tôi phục vụ đến 01/7/1982 mới được xuất ngũ trở về các trường đại học tiếp tục học tập, tất cả đều có thời gian tại ngũ rất đáng nhớ là 3 năm 11 tháng (Khi đó trường đã đổi tên thành trường SQKT Vinhempic); 4 năm phục vụ quân đội tại trường 1 năm đầu tôi làm việc ở phòng Tham mưu-Huấn luyện; 3 năm sau 1980-1982 Tôi làm việc tại Ban Kiến thiết cơ bản của trưởng được phân công và hoàn thành nhiệm vụ viết Nhiệm vụ thiết kế xây dựng công trình nhà làm việc 2 tầng cho Trường sỹ quan kỹ thuật Vinhempic và cùng E32, E33 Tổng cục Hậu cần cung ứng vật tư vật liệu từ Sài Gòn đi Pnompenh giúp Campuchia xây dựng trường Kỹ thuật Quân sự Pnompenh ngay gần Tháp đài truyền hình K (đây là quãng thời gian sôi động và dày kỷ niệm).....Theo trí nhớ của tôi Năm 1982 Bắt đầu từ ngã 5 chuồng chó (trước đây là ngã 5 cây Điệp) theo đường An Nhơn đất đỏ bụi mù đi về phía đài liệt sỹ Xóm mới (bên phải đường An Nhơn) lần lượt là các đơn vị quân sự: căn cứ 26, trung đoàn pháo 595, Cư xá quân đội Lam Sơn, Khu gia binh Trần Bình Trọng, Trại giam T35, Trường Văn Thư Lưu Trữ khu vực phía Nam; Phía Bên Trái là nhà máy may X28, Nhà máy đóng dày X32 (quang Trung), Nhà máy Z755, Nhà máy Z751, Trường Quân cụ (sau là trường Hạ sỹ quan kỹ thuật năm 1982 là trường Sĩ quạn kỹ thuật Vinhempic do công Hòa Dân chủ Đức Tài trợ xây dựng, nay là đại học Trần Đại Nghĩa)

Lịch sử khu vực chi khu quân sự phía Bắc Sài gòn của Mỹ Ngụy sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975:

1-Nhà máy Z751: Ngày 15 tháng 5 năm 1975, thành lập Xí nghiệp Liên hợp B751 sau gọi là Z751 trên cơ sở tiếp quản Lục quân Công xưởng của Việt Nam Cộng Hòa;

2-Nhà máy Z755: Ngày 09/02/1976, Tổng cục Kỹ thuật ra quyết định số 51/QĐ V/v Tách Xưởng Thông tin ra khỏi Nhà máy B751 lấy ký hiệu B755. Ngày 19/02/1976, Tổng cục Kỹ thuật ra quyết định số 32/QĐKT V/v Đổi tên Nhà máy B755 thành Nhà máy Z755.

*Nhà Máy Z751 Ngày 19 tháng 8 năm 1993, chính thức đăng ký là Doanh nghiệp Quân đội, Ngày 19 tháng 11 năm 2009, được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước sang thành Công ty TNHH MTV 751. địa chỉ: 18 Đường Phan Văn Trị, Phường 10, Quận Gò Vấp, Thành Phố Hồ Chí Minh

*Nhà máy Z755 sau đổi thành Công ty TNHH một thành viên Thông tin Điện tử Z755 – Bộ Quốc Phòng. Trụ sở chính tại: Số 2A Phan Văn Trị – Phường 10 – Quận Gò Vấp – thành phố Hồ Chí Minh.

3-Lữ Đoàn Pháo Phòng Không 77, quân khu 7 trước đây năm 1980 là trung đoàn phòng không hỗn hợp 595 đóng quân-152 Nguyễn Oanh (năm 1982 gọi là đường An Nhơn) -Quận Gò Vấp, Hồ Chí Minh, Việt Nam

4-Trại giam K35 - Bộ Quốc phòng (Thành phố Hồ Chí Minh), Đường An Nhơn phường 17 Gò Vấp;

5-Trường Trung cấp Văn thư Lưu trữ Trung ương-Trường học ở Hồ Chí Minh Địa chỉ: 181 Lê Đức Thọ, Phường 5, Gò Vấp, Hồ Chí Minh

6-Nhà máy may X28: Nay là Xí nghiệp May đo Quân đội Địa chỉ: 216R Quang Trung, Phường 10, Quận Gò Vấp, TPHCM

7-Nhà máy Đóng giày X32: Nay là Công ty CP 32 -Trụ sở chính. 170, Đường Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh

8-Trường Quân Cụ của Quân đội Việt Nam công hòa (nằm sát cạnh Lục quân công xưởng bây giờ là Trường Đại học Trần Đại Nghĩa thành lập ngày 12.5.1975, thuộc hệ thống các trường đại học của Nhà nước và Quân đội, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng. Trường đóng quân tại số 189 Nguyễn Oanh - Phường 10 - Quận Gò Vấp - Thành phố Hồ Chí Minh (khu A) và Phường Long Bình Tân - Thành phố Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai (khu B).

Lịch sử ghi: Ngay sau ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, ngày 1 tháng 5 năm 1975, đơn vị KB19 - Trung đoàn 27 - Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 - Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh chiếm giữ Trường Quân cụ của ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 12 tháng 5 năm 1975, Tổng cục Kỹ thuật đã được lệnh cử Đoàn công tác tiếp nhận Trường Quân cụ từ đơn vị KB19 nói trên để xây dựng thành Trường đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Quân đội ta, mang phiên hiệu B.754 (nhằm quản lý và khai thác sử dụng các vũ khí, trang thiết bị của địch để lại). Đó cũng chính là đơn vị tiền thân đầu tiên của Nhà trường hiện nay.

Tiếp sau đó, ngày 27.5.1978, Trường được chính thức thành lập với quy mô đào tạo chuyên nghiệp mang tên gọi đầu tiên là "Trường Hạ sỹ quan kỹ thuật", theo Quyết định số 51/QĐ-QP ngày 27.5.1978 của Bộ Quốc phòng, có thêm nhiệm vụ: Đào tạo Hạ sỹ quan kỹ thuật hệ I, với 11 chuyên ngành (Cơ khí, Vũ Khí, đạn dược, Ô tô, tăng thiết giáp, Thông tin, Phòng hóa, Công Binh, Pháo binh, xe máy quân sự, …..)

Giai đoạn 1981-1991, theo Quyết định số 51/QĐ-QP ngày 21.2.1981 của Bộ Quốc phòng, Trường được nâng cấp đào tạo từ Hạ sỹ quan kỹ thuật lên đào tạo Sỹ quan Kỹ thuật. Đồng thời theo Quyết định số 752/QĐ-QP ngày 15.5.1982 của Bộ Quốc phòng, Trường được mang tên "Trường Sỹ quan kỹ thuật Vinhem Pich" để tưởng nhớ đồng chí Friedrich Wilhelm Reinhold Pieck đã có nhiều công lao giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến cứu nước, là một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Nhân dân Đức - Chủ tịch Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong "Thư chúc thọ đồng chí Vinhem Pích" ngày 6.1.1956, Bác Hồ viết: "Đồng chí Vinhem Pích là một trong những vị lãnh tụ cách mạng của phong trào cộng sản Quốc tế được quần chúng yêu mến nhất, là bạn chiến đấu của đồng chí Lênin... Đồng chí Vinhem Pích đã dắt dìu và đào tạo nhiều thế hệ cách mạng, chẳng những cho nước Đức mà cho cả các nước khác (Báo Nhân dân số 674, ngày 6.1.1956 - nguồn cpv.org.vn).

Đến ngày 6.3.1996, Quyết định số 236 /QĐ-QP và Quyết định số 115 /QĐ-QP ngày 11.2.1997 của Bộ Quốc phòng, Trường được nâng cấp hệ đào tạo và mang tên "Trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhem Pich". Theo Quyết định số 2165/QĐ-BQP ngày 9.7.2009 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trường mang tên "Trường Sỹ quan Kỹ thuật quân sự Vinhem Pích" trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật. 

Ngày 23.12.2010, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2345/QĐ-TTg thành lập "Trường Đại học Trần Đại Nghĩa" trên cơ sở nâng cấp trường Sỹ quan kỹ thuật quân sự Vinhem Pích và là Trường Đại học công lập. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, việc nhà trường được mang tên Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một niềm vinh dự lớn, đó là một con người huyền thoại, một nhà khoa học lớn, một kỹ sư quân sự lỗi lạc, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam; người đã từng từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord nổi tiếng của Pháp với tiền lương tương đương 22 lạng vàng một tháng trong thời gian Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam để theo Bác Hồ về nước tham gia cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước của Nhân dân ta thắng lợi.

Trường sỹ quan Kỹ thuật quân sự - Đại học Trần Đại Nghĩa là một trong 22 trường sỹ quan - trường đại học của Quân đội; một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự ở khu vực phía Nam, có bước phát triển khá toàn diện với chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng được nâng cao. Trường có nhiệm vụ đào tạo sỹ quan kỹ thuật cấp phân đội; đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp, sơ cấp; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chỉ huy kỹ thuật cấp phân đội, nhân viên chuyên môn kỹ thuật các đơn vị phía Nam; đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho quân đội nước ngoài khi được giao nhiệm vụ; đào tạo sỹ quan dự bị; sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ khác khi được giao và tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự. Đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Đến nay, trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa đã đào tạo 50 khóa học với nhiều ngành học, bậc học và dành cho nhiều đối tượng khác nhau, đã có hàng vạn học viên tốt nghiệp ra trường, trở thành những cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có đủ đức, đủ tài, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà trường cũng đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.000 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho Quân đội Nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia; đào tạo hàng ngàn cử nhân kỹ thuật phục vụ các lĩnh vực trên khắp mọi miền đất nước...

Trường Kinh tế: Chuông, Khương, Hùng; Trường Tổng hợp: Nguyên Cổn, Quang


HỒI KÝ 1 NĂM SỐNG Ở XÍ NGHIỆP VẬT TƯ - VẬN TẢI VÀ BÀI THƠ CON NƯỚC THỦY TRIỀU...

          Năm 1991 tôi chuyển công tác từ xí nghiệp đá ốp lát Vĩnh Minh về làm trưởng phòng Kế hoạch xí nghiệp Vật tư-Vận Tải trực thuộc Liên hiệp VLXDI, ở xí nghiệp này có một đội xe vận tải đường bộ và một đội 9 tàu vận chuyển đường Thủy; Nhiệm vụ của hai đội vận tải này cũng khá đơn giản và thuần túy đó là chở sản phẩm gạch, ngói, đá đi giao cho các đại lý hoặc bán sau đó chở than củi về xí nghiệp Cẩm Trướng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Minh; Riêng đội tàu và đội thuyền cá ngạo biên chế theo tàu để trung chuyển vật tư, vật liệu khi tàu mắc cạn hoặc giao hàng, tôi tương đối bỡ ngỡ về quản lý vận tải thủy vì đây là lần đầu tiên…ban đầu tôi thường bị các thuyền trưởng nói dối về lý do tàu thuyền về chậm không đúng lịch do con nước không đúng ngày nên không thể vượt cạn về đúng kế hoạch được…Biết tôi lúng túng do chưa tìm hiểu lịch con nước Anh Đỗ Hữu Đức Phó giám đốc Liên hiệp nói: Chú phải ra bến sông hoặc ngã Ba Bông uống rượu chả cá, cháo cá với dân chài mà học lịch con nước thủy triều thì mới quản lý được chúng nó, nên nhớ không được phép họp chín tàu 1 lúc vì dễ xảy ra đụng độ nên họp riêng từng tàu…Sau khi thâm nhập làng chài ngã ba bông và học được lịch con nước hôm nay đăng lại cho các đồng nghiệp cùng xí nghiệp tham khảo và ôn lại kỷ niệm một thời đã qua… Ngã Ba Bông thời ấy là nơi con sông Mã tách nhánh. Nhánh chính xuôi xuống hướng cầu Hàm Rồng, Hoằng Hóa, Sầm Sơn; nhánh phụ tách ra thành con sông Lèn hướng về biển theo địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn. Ngã ba sông “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Gồm xã Hà Sơn (huyện Hà Trung), chếch về tay trái theo hướng sông Lèn là xã Hoằng Khánh (huyện Hoằng Hóa) và xã Châu Lộc (huyện Hậu Lộc), phía tay phải bên kia sông Mã là xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), xã Định Công (huyện Yên Định) và xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hóa). Hướng đi của xí nghiệp vân tải thủy chúng tôi là đi từ làng Cẩm Trướng, xã Định Công ra sông Mã, ngược dòng lên Ngã ba Bông sau đó đi theo hướng sông Lèn ra Quảng Ninh nên phụ thuộc rất nhiều về con nước thủy triều…Sau đây là bài thơ được truyền tụng trong dân gian sông nước:

BÀI THƠ CON NƯỚC THUỶ TRIỀU

(Sưu tầm trong dân chài ngã ba Bông Sông Mã 1991)

Thuỷ triều lên xuống cho hay

Kể trong một tháng hai ngày nước sinh

Tháng Giêng, tháng bảy phân minh

Mùng năm, mười chín Dần sinh-Tỵ hồi

Tháng Tám cho lẫn tháng Đôi

Mùng ba, Mười bảy, Tỵ lai-Ngọ hoàn

Tháng ba, tháng chín cho tường

Mười ba, đôi bảy Dần sang-Mão hồi

Tháng tư cho đến tháng mười

Đôi năm mười một, Tỵ hồi-Ngọ sinh.

Tháng năm, tháng một phân minh

Đôi ba, mùng chín Dần sinh-Mão hoàn

Tháng sáu, tháng chạp mới an

Mùng bảy, đôi một Sửu hoàn-Tý sinh

          Theo Lý số Phương đông thì: Xuất phát từ ngày xưa nước ta là nước thuần nông. Công việc trồng trọt, canh tác của người dân bị sự ảnh hưởng lớn từ nguồn nước "Nhất nước, nhì phân tam cần, tứ giống". Bởi vậy việc nắm bắt được qui luật của "con nước" là rất quan trọng.

Những ai ở miền đồng bằng, nếu để ý sẽ thấy rõ mực nuớc sông, ruộng trong những ngày con nước có sự thay đổi rõ rệt: nước có lên - có xuống hay có lớn - có ròng.

          Qua thống kê, tổng hợp rút và ra qui luật ông cha ta đã tìm ra những ngày con nước. Do ảnh hưởng của mặt trăng đến hoạt động trên trái đất. Trong đó có sự lên xuống của mực nuớc ở các sông suối ao hồ.

          Qui luật +14 minh chứng cho ảnh hưởng của mặt trăng đến tráí đất. Vì 14 ngày là 1 chu kỳ tròn dần hay mỏng dần của mặt trăng

"Mồng một lưỡi trai

Mồng hai lá lúa

Mồng ba câu liêm....

Mười rằm trăng náu....."

Chúng tôi đã sưu tầm được bảng lịch “Ngày con nước” như sau:

Tháng 1+ 7 : ngày 5 - 19

Tháng 2 + 8 : ngày 3 - 17 - 29.

Tháng 3 + 9 : ngày 13 - 27

Tháng 4 + 10: ngày 11 - 25

Tháng 5 + 11: ngày 9 - 23

Tháng 6 + 12: ngày 7 - 21.

          Đây là bảng lịch của ngư dân vùng biển Đồ Sơn áp dụng từ xưa đến nay để đi biển, khai thác sò, cáy trên các bãi bồi. Riêng tháng 2+8 do tính chất tháng thiếu đủ nên có thêm bớt 1 ngày nữa là 29 (cách với ngày trước đó có 12 ngày, nhưng ngày kế tiếp của tháng sau vẫn cách là 14 ngày. Một năm có 26 ngày cố định, ko thay đổi so vơi trường hợp tháng thiếu ngày.

Nhận xét :

1- Lấy 364 ngày của một năm chia cho 14 được 26.

2- Bằng cách diễn giải ở trên cho thấy : cứ 6 tháng sau sẽ lặp lại như vậy : 1 +6 = 7; 2 +6 = 8……

3- Các ngày đó toàn ngày lẻ : Ở cột ngày đầu tháng : 3,5,7,9,11,13 và cột ngày cuối tháng 17, 19, 21, 23, 25, 27 và 29. Không có ngày 1 và 15 là những ngày Sóc Vọng.

Theo như bảng này thì ngày con nước trong một năm có 26 ngày.

Trong qúa trình sưu tầm tìm hiểu chúng tôi còn phát hiện một lịch “Ngày Con nước “ lưu truyền trong dân gian như sau:

Dị bản thứ nhất:

- Tháng giêng + 7: 5 - 19

- Tháng hai + 8: 3 - 17

- Tháng ba + 9 (Tháng Thìn – Tuất): 12 - 27

- Tháng tư + 10:12 - 25

- Tháng năm + 11: 9 - 23

- Tháng sáu + 12: 7 – 21

Dị bản thứ hai:

Bài này nói về giờ nước kém cho dân đi câu biển bày nhau :

"Tháng giêng, tháng bảy phân minh

Mồng năm, mười chín, thìn sinh tị hồi.

Tháng tám cho lẫn tháng đôi (Tháng Hai)

Mồng ba mười bảy tị lai, ngọ hoàn

Tam (3) cửu (9) tòng như nguyệt tiền

Ngày hai mươi chín nước liền thụ thai

Mười ba sinh con thứ hai

Tuất thăng, mão giáng chẳng sai chút nào.

Tháng tư đối với tháng mười.

Sinh con mười một cùng thời hăm lăm.

Tháng một (11) chi khác tháng năm

Đã tường mồng chín, chớ nhằm hăm ba

Tháng sáu, tháng chạp suy ra

Mồng bảy, hăm mốt ấy là nước sinh"

....................................................

Cụ thể dễ hiểu hơn:

Ngày con nước lên theo như lưu truyền trong dân gian Việt Nam được coi là ngày cực kỳ xấu, trăm sự đều kỵ, nhất là sự việc xảy ra lại rơi vào giờ con nước xuống. Các cụ ta vẫn có câu “Dù ai buôn bán trăm nghề, phải ngày con nước đi về tay không, dù ai giao hợp vợ chồng, phải ngày con nước khó lòng nuôi con”.

“Mùng năm, mười bốn, hai ba/Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”

Nguyệt kỵ: ngày 5, 14, 23…Tam nương: 3, 7, 13, 18, 22, 27

Theo sơ đồ con nước:Ngày con nước hầu hết trùng ngày nguyệt kỵ hoặc tam nương...

Tháng 1+ 7 : ngày 5 – 19 (mùng 5 Nguyệt kỵ)

Tháng 2 + 8 : ngày 3 - 17 - 29. (ngày 3 tam nương)

Tháng 3 + 9 : ngày 13 – 27 (ngày tam nương)

Tháng 4 + 10: ngày 11 - 25

Tháng 5 + 11: ngày 9 – 23 (23 ngày nguyệt kỵ)

Tháng 6 + 12: ngày 7 - 21. (ngày 7 tam nương)

          * Căn cứ vào lịch con nước này ta biết ngày nào nước biển lớn như sau: Ngày sinh con nước là nước nhỏ nhất (Trước đó 1 ngày gọi là ngày nghén nước), những ngày thứ 6,7 trở đi là nước cường (những ngày này vào lúc đỉnh của triều cường, gặp bão lớn đi gió Đông Nam thì nguy cơ vỡ đê rất lớn) tiếp sau đó nước nhỏ dần đến ngày nghén nước (không thăng, không giáng) và sang con nước mới. Vào tháng 9,10 Âm lịch có ngày nước biển dâng to gọi là nước rươi (theo dân gian). Ví dụ con nước tháng giêng hoặc tháng 7: Ngày 4 (nghén nước), 5 (nước sinh), 6, 7, 8, 9, 10, 11 (nước cường), 12 (nước cường), 13, 14, 15, 16, 17, 18 (nghén nước), 19 (nước sinh)

          Tàu thuyền thường lợi dụng đúng đỉnh của triều cường (ngày nước cường) để vượt cạn; Đánh bắt hải sản người ta biết nước sinh, nước nghén đánh được loại hải sản nào, nước cường,đỉnh triều đánh bắt hải sản nào đánh gần bờ tốt hay xa bờ tốt hơn; Dân biển thường hỏi nhau hôm nay nước mấy con, nếu trả lời nước 1 con là nước sinh, 7 con là nước cường, 14 con là nước nghén sau đó người ta mới kiểm lại ngày tháng đơn giản vậy thôi; Ngày xưa mình làm điều hành phương tiện thủy khi chưa biết chưa rành hay bị thuyền trưởng lừa con nước tàu không vượt cạn để về bến đúng thời gian được nên nhớ lâu là như vậy;

--------------------

* Chú thích: Tháng nhuần cách tính không khác so với tháng trước đó . Chỉ có về giờ lệch nhau sớm, muộn vài tiếng

* Ngày Tam nương sát là gì

Ngày Tam nương Ngày tam nương (tam nương nhật) theo tín ngưỡng dân gian Trung Quốc là những ngày rất xấu. Do đó, mỗi khi khởi sự làm một việc quan trọng (như khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà, v.v...) để khỏi chuốc lấy thất bại, phải tránh khởi sự vào các ngày tam nương, gồm ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 trong mỗi tháng Âm lịch.

Tam nương là “ba người đàn bà”. Theo dân gian Trung Quốc, tam nương gồm ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ và Bao Tự. Hầu hết sách sử Trung Quốc đều kết tội ba giai nhân tuyệt sắc này là nguyên nhân làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương, Tây Chu trước Công nguyên (TCN). Các sử gia đều phỏng chừng ba sự kiện “tan nhà đổ nước” này lần lượt xảy ra trong các năm như sau:

          1. Muội Hỉ (sinh ngày mồng 3 tử ngày mồng 7 (ngày Mão)mê hoặc vua Kiệt (tức Lý Quý, cai trị? - 1600 TCN), làm sụp đổ nhà Hạ (khoảng 2100 TCN - 1600 TCN).

          2. Đát Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ)(sinh ngày 13 tử ngày 18 (ngày Thìn) (mê hoặc vua Trụ (tức Đế Tân, cai trị khoảng 1154 TCN - 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương (khoảng 1600 TCN - 1066 TCN). Huyền thoại đề quyết nàng Đát Kỷ là con cáo cái thành tinh (hồ ly tinh), có phép hoá ra mỹ nhân.

          3. Bao Tự (sinh ngày 22 tử ngày 27 (ngày Mùi) (?-771 TCN) mê hoặc vua U (tức Cơ Cung Niết, cai trị 781 TCN – 771 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu (khoảng 1066 TCN - 771 TCN).Vua U chưa bao giờ thấy Bao Tự cười, ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng. Nàng thích nghe tiếng lụa bị xé, vua U cho xé lụa ngày đêm để nàng vui, thậm chí còn cho đốt lửa trên các hoả đài để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (vua U). Bao Tự đứng trên lầu cao, nhìn cảnh chư hầu mắc lỡm, cười ngặt nghẽo. Hậu quả, khi bị quân Khuyển Nhung vây khốn nguy ngập, vua U cho đốt lửa trên hoả đài thì các chư hầu không thèm về cứu vì đinh ninh đó là trò lừa bịp cốt làm vui lòng người đẹp.

Ngày tam nương sát, ngày con nước

Khi Bao Tự cười là U Vương mất nước

Theo dân gian Trung Quốc, ngày tam nương là ngày ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung của ba ông vua bị mang tiếng là rất hiếu sắc, tham dâm, bạo ngược vô đạo nói trên.

Thực ra theo phong tục tập quán của Việt Nam thì vào những ngày đó Ngọc Hoàng thượng Đế sai 3 cô gái xinh đẹp (Tam nương) xuống hạ giới (giáng hạ) để làm mê muội và thử lòng con Người (nếu ai gặp phải) làm cho bỏ bê công việc, đam mê tửu sắc, cờ bạc v.v.

Cũng là lời khuyên răn của Tiền Nhân cho con cháu nên làm chủ trong mọi hoàn cảnh, chịu khó học tập, cần cù làm việc.

Trong khoa Chiêm Tinh thì ngày Tam nương, Nguyệt kỵ không được cho là quan trọng so với các sao chính tinh và ngày kiêng kỵ khác như : Sát chủ, Thụ tử, Trùng tang, Trùng phục, Không sàng, Không phòng, Thiên tai địa hoạ, Trời nghiêng đất lở, Hoang ốc, Thiên hình hắc đạo, Chu tước hắc đạo, Bạch hổ hắc đạo, Thiên lao hắc đạo, Huyền vũ hắc đạo, Câu trận hắc đạo, Dương công kỵ, Thập ác đại ma, Lục nhật phá quần

Ngã Ba Bông

Cảng tàu cẩu than xí nghiệp Cẩm Trướng


Hồi ký một thời sống và làm việc dưới chân núi Bền 1990

      Huyện Vĩnh Lộc, Xã Vĩnh Minh, Vĩnh An, Vĩnh Thịnh có dãy núi đá vôi Kim sơn, còn gọi là Thiên sơn linh mẫu trong dãy có núi Bền, núi Lở được xem là hai núi đẹp nhất trong vùng; Bên cạnh đá đỏ Cẩm Vân hay đá đen núi Nhồi, ngành sản xuát đá Thanh Hóa còn một loại đá lấy ở núi Lở, núi Bền Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) này. Ðá núi Lở, Núi Bền trắng ngần được xếp ngang với đá bông tuyết nổi tiếng của I-ta-li-a. Chính vì lẽ đó mà năm 1989 Xí nghiệp đá ốp lát xuất khẩu Vĩnh Minh được thành lập, trụ sở đóng tại chân núi để khai thác loại đá này bán ra thị trường xây dựng trong nước và xuất khẩu;

      Tuy tôi chỉ làm việc ở đây chỉ đúng 1 năm (1990) với chức danh trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật, thường xuyên quan sát nguồn nguyên liệu trên núi, quan sát địa thế hiểm yếu của núi Lở, Núi Bền, leo trèo núi cùng Kỹ sư Mỏ địa chất Phạm Huy Quất (giám đốc xí nghiệp) tìm mỏ khai thác nguyên liệu cùng với 9 tổ thợ khai thác đá lành nghề của xã Vĩnh Minh; Hỏi các cụ già trong vùng về lịch sử của hai núi Lở và Bền, ngoài tài nguyên đá vôi, đá ốp lát còn nguồn tài nguyên nào khác nữa không; Hỏi họ Tại sao người ta lại xây dựng lò vôi liên hoàn ở chỗ này (chỗ đặt phân xưởng cưa dàn của xí nghiệp) mà không đặt nơi khác, hỏi ở đây có ai tìm được vàng ở núi này không? Có ai đến đây khai thác vàng lần nào chưa ? Trên 29 ngọn núi 28 ngọn tạo thành nhị thập bát tú còn lại một ngọn cao nhất tên là gì ? mà người ta gọi là ngôi sao tinh tú nhất trời Thanh, Trong lịch sử dân tộc có sự kiện nào diễn ra ở núi này ? Thời Pháp có ai đến đây không, nghe nói trên đỉnh ngọn cao nhất có cắm cột mốc của Pháp có đúng không ? Tại sao gọi là núi Bền, núi Lở mà không phải là tên khác Bền có trước Lở có sau hay có lở mới có Bền, Lở bao bọc và bảo vệ Bền ?

Thì được người dân trả lời trong những lần uống rượu thịt chó với 9 tổ khai thác đá nguyên liệu…cụ thể như sau:

          - Núi Lở là núi giáp sông Mã gồm hai phần phần thứ nhất là mỏm núi lở còn lại nhô ra sông Mã tạo thành vũng xoáy mỗi khi có lũ về qua nhiều năm bị sông Mã xô lấn tấn công giờ chỉ còn lại mỏm đá và phần chôn dưới đất, phần thứ hai là ngọn núi đá trắng ngoảnh mặt ra sông Mã tương đối sát đường đi Vĩnh An và Đi Lèn, dãy núi sau lò vôi liên hoàn kéo dài về hai phía là núi Bền có đủ các loại đá có màu sắc khác nhau mà các chú đang thuê chúng tôi khai thác;

          - Tài nguyên khác ở hai núi này một thời có vàng lẫn trong cát đá trên núi người dân phát hiện khi xây 2 lò vôi nhỏ (1964) phía trong lò vôi liên hoàn xây sau này 1976 cách nhau khoảng 25m, năm 1965 hai lò vôi nhỏ này bị máy bay Mỹ ném bom, theo dòng chảy tự nhiên thì dòng chảy từ trên núi xuống lò vôi liên hoàn chảy thẳng ra phần núi lở bị sói mòn tạo phần lõm và bên bờ sông Mã;

          - Trong lịch sử dân tộc Sách cũ viết năm Ất Mão (1555) quân Mạc đem đại binh tiến đánh Thanh Hoa, ngược dòng sông Mã mà lên trước tàn phá quê hương Biện Sơn – Sóc Sơn của họ Trịnh, sau đánh vào hậu cứ kinh thành Vạn Lại – Yên Trường của Vua Lê (Thời Nam Bắc Triều). Quân Mạc đóng quân tại núi Kim Sơn, thấy chim vẫn bay hót, khỉ vẫn vin cành hái quả, tin rằng không có phục binh. Gần núi Kim Sơn là chợ Ông Công (Ông Cung) chiều hôm thấy quân Mạc, sợ bỏ chạy cả. Quân Mạc tạm dừng thuyền lên chợ nấu ăn, hàng quán người ta bỏ lại tha hồ vơ vét. Nhưng nửa đêm, quân Mạc bất ngờ bị phục binh bốn mặt đổ ra đánh cho tan tác. Tướng Mạc tiên phong là Thọ quận công đóng ở Kim Sơn, bị phục binh trong hang ngọn Cốc Sơn đổ ra vây bắt sống. Đại quân Mạc Kính Điển tiến sau thất kinh tháo chạy tán loạn. Trận ấy quân Mạc đại bại. Khi Vua Lê Trung hưng đã trở về Thăng Long, người ta khắc bia đá tại hang mấy chữ “Trú quân sơn” để kỷ niệm việc tướng Mạc Thọ quận công bị quân Lê (Nam triều) đồn trú ở đây bắt sống...

          - Viên công sứ Thanh Hóa người Pháp là Bu-lốt-tơ (Boulotte) nghe tiếng những thắng cảnh vùng Thành Nhà Hồ qua chơi thăm cho rằng động Kim Sơn đẹp không kém động Hồ Công (Thuộc dãy núi Xuân Đài). Động Hồ Công được chúa Trịnh Sâm đề tặng 4 chữ “Thanh kỳ khả ái” (trong lạ đáng yêu). Bắt chước người xưa, Bu-lốt-tơ cũng sai người khắc 4 chữ “Thanh Hóa thắng tích” lên vách đá động Kim Sơn.

          - Còn chuyện nghe nói trên đỉnh có cột mốc của Pháp đánh dấu gì đó thì chỉ nghe dân đồn thổi thôi không có căn cứ chính xác;

          - Còn tên đặt núi Lở Núi Bền thì trước đây người ta nói núi không có tên sau này một núi cứ lở và mất dần do sát sông mã mỗi khi đổi dòng nên gọi là núi Lở do đó nó có tên trước đương nhiên núi còn lại không bị lở người ta gọi là Bền;

          - Chuyện Tôi chứng kiến trong một năm làm việc tại đây:

          1. Một lần trực sản xuất ca 3 nghe công nhân mài tinh đánh bóng trong Phân xưởng 2 hô to trong đá có vàng, tôi vào xem thì thấy hai viên đá 25 x30 được mài tình đánh bóng có vàng là những hạt cát nhỏ li ti ken đặc vàng lấp lánh, tôi đem về phòng giám đốc báo cáo với Phạm Huy Quất, ngày hôm sau truy tìm nguồn gốc nguyên liệu sản xuất ra viên đá này là thuộc tổ khai thác đá nào, thì được nghi ngờ là Tổ 9 có tổ trưởng tên là Quỳnh, tuy nhiên hỏi thì được trả lời không biết mỏ nào và khai thác vào lúc nào, sau một tuần leo núi với kiến thức địa chất của kỹ sư Phạm Huy Quất xong cũng không thể tìm ra, và đành bỏ cuộc vì quá mất thời gian và mệt mỏi;

          2. Một lần nhận được tin Giám đóc Sở cùng ba người quốc Tịch Bỉ đăng ký đến tham quan xí nghiệp, xem tận mắt công nghệ sản xuất và đặt vấn đề mua đá ốp lát của xí nghiệp; Giám đốc xí nghiệp đăng ký đón họ ở văn phòng Sở tại thị xã nhưng họ không chịu họ muốn tự đi bằng đường thủy đến xí nghiệp từ Trạm Hàm Rồng (Tại sao lại đi đường thủy ngược dòng mà không đi đường bộ tiện hơn, họ muốn nghiên cứu cái gì từ đường thủy ?); Cuối cùng Họ cũng đến 2 nam và một nữ, công nhân xí nghiệp gần như ngừng sản xuất để xem họ vì tháy lạ, đặc biệt là người nữ mũi lõ da trắng tóc xoăn; Sau một hồi làm việc và thảo sơ hợp đồng để hai bên ký kết, là kỹ sư kinh tế làm công tác xây dựng nhiều năm tôi liếc thấy hợp đồng ghi độ chính xác góc vuông đến hàng giây (độ, phút, giây) tôi nói với giám đốc Phạm Huy Quất là không thể thực hiện được vì quá chính xác gần như là lý thuyết rồi, nhưng ông ấy sợ cấp trên không dám tham gia, tôi nói bâng quơ “Không thể làm được đâu xem lại đi” để Ông Phan Trọng Tiến nghe thấy xem ông ấy nghĩ sao, Ông ấy cũng lơ luôn…tôi nghĩ lô hàng sẽ bị trả về hoặc bán rẻ thối (nhưng mặt trái của nó có thể khác, nhà nước có thể mất tiền nhưng cá nhân có thể được tiền nếu thỏa thuận có lợi cho họ), do hợp đồng chưa ký ngay nên tôi cũng không quan tâm nữa; Bỗng dưng Cô gái người Bỉ có nhu cầu đi đại tiện, tôi yêu cầu chị em bộ phận hành chính và công nhân phân xưởng 2 đưa cô ấy đi ra nhà xí tập thể nhiều ngăn bên bờ ao để đại tiện nhưng khi ra đến nơi thì ruồi nhặng bay tứ tung, mùi hôi thối sộc lên tận mũi cô ta la toáng lên làm mọi người giật mình và cô ấy xua tay ý nói không thể đại tiện nơi này được, một số người đưa ra ý kiến đưa cô ấy xuống bờ sông thoáng mát để đại tiện nhưng cô ấy không chịu, sau khi thỏa thuận với hai ông nam giới người Bỉ Tổng giám đốc liên hiệp phải điều ca nô chở cô ấy về lại khách sạn ở thị xã thanh hóa để đại tiện; Nghĩ lại công nhân cán bộ thời đó sống thật khổ sở và mất vệ sinh, kinh khủng nhất là những ngày trời nắng nóng, khu nhà xí công cộng bên bờ ao ngập trong thứ mùi “khó tả” cùng tiếng vo ve bất tận của lũ ruồi, người khi ngồi ỉa là cứ phải rung lắc, đung đưa thân hình liên tục để bọn tàu bay ấy (chỉ lũ ruồi) không đáp được lên người. Lại còn gián con bò lổm ngổm quanh tường, con bay xè xè sẵn sang lao vào mặt, nhìn xuống hố thì ròi trắng lúc nha lúc nhúc thấy ghê người. Trời thì nóng, ngồi mấy phút là mồ hôi đầm đìa chả khác gì tắm hơi, toàn thân ướp hương”. Những hôm trời mưa ngập mới lại càng rùng rợn. Thôi thì thứ gì nổi được cứ nổi, cái gì dập dềnh cứ dập dềnh. Thế nhưng cái sự tiêu hóa nó không ngừng lại được, người ta vẫn phải nhón chân bì bõm đi ra…

 (Tôi sẽ đăng cùng bài thơ mô tả hố xí thời bấy giờ để minh họa cho bài viết đi đại tiện của cô gái này thêm sinh động);

          3. Năm 1992 hay năm 1993 gì đó sau khi tồi rời khỏi xí nghiệp nhận công tác ở xí nghiệp Vĩnh Hòa nghe nói và chứng kiến có một doanh nghiệp Hàn Quốc ký kết hợp đồng khai thác đá ngầm chôn dưới dân núi Lở sát bờ sông Mỏm lở như đã mô tả ở phần trên, người ta (công nhân lái máy Hàn Quốc) dùng máy đào đào lên những khối đá to như cái tủ, cái bàn lớn, bày la liệt trên mặt đê sát mép sông những tưởng sau đó họ sẽ vận chuyên đi làm nguyên liệu sản xuất hoặc chở về Hàn Quốc nhưng không phải vậy họ bỏ đi và để lượng đá ấy lại không biết trong cả quá trình đào bới họ tìm được cái gì và đã lấy đi cái gì không ai biết, cái này thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia nên ngoài công an, an ninh có lẽ không ai rõ cả;

          4. Xí nghiệp đá ốp lát Vĩnh Minh sau khi Liên hiệp vật liệu xây dựng 1 giải thể năm 1992, một phần công nhân chuyển về xí nghiệp 3-2 núi Vức tiếp tục sản xuất đá, phần còn lại vẫn hoạt động như cũ nhưng trực thuộc công ty đá hoa Thanh Hóa do Phan Trọng Tiến làm giám đốc, sau công ty đá hóa Ông Tiến giải thể xí nghiệp được giao lại cho ông Trương Như Cường giám đốc xí nghiệp Vĩnh Hòa kiêm nhiệm tổ chức sản xuất, sau cùng bán lại cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Nhi trước đây là tổ trưởng tổ khai thác đá thuộc xóm 9 Vĩnh Minh, sau nay khi hết thời hạn hợp đồng nguyên liệu không biết xí nghiệp còn ở đó hay đã chuyển địa điểm mọi người đọc bài viết này cho ý kiến bổ sung;

          5. Núi Bền thực tại hiện nay ra sao ?   nhiều người đi qua dãy núi về kể lại dãy núi Bền, Lở hiện nay đã khác xưa, ngọn núi này đang bị “tổn thương” khủng khiếp với 7 doanh nghiệp được cấp mỏ ngày đêm “xẻ thịt” núi. Và theo như tìm hiểu, hiện ngọn núi này đang có 3 doanh nghiệp xin thăm dò khai thác.

          Đặc biệt, tại khu vực núi Bền từ ngày 18/5/2016, Công ty cổ phần AMD Group được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho công ty được thăm dò khoáng sản đá vôi chỉ cách đường khoảng 700m, thời gian là 2 năm kể từ ngày ký. Tuy nhiên, hơn 5 tháng sau, ngày 27/10/2016 Công ty cổ phần AMD Group đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định cho khai thác núi Bền với thời hạn 30 năm, tổng diện tích là 6ha.

          Mặc dù có thời hạn 30 năm, nhưng công ty này mới đây lại tiếp tục có văn bản xin khai thác mở rộng tiếp 1,7 ha núi Bền, dù các ngành chức năng chưa xem xét nhưng công ty này liên tục có văn bản gửi các ngành, trong đó có Sở VH-TT-DL để xin được mở rộng. Văn bản chỉ đạo một đằng, thực tế một nẻo; Bền, Lở xưa nhức nhối bởi thiên nhiên nay lại nhức nhối thêm vì xã hội;

ỈA XƯA NHƯ LÀ LỊCH SỬ

Đất nước ta thuở chưa xa lắm

Ba chục năm nhiều nhặn gì đâu

Nhà nhà mỗi lúc đi cầu

Hố xí -lựa chọn hàng đầu hai ngăn

 

Một ngăn để cứt lăn xuống hố

Còn ngăn kia làm chỗ cứt dồn

Khi nào đầy oặc cả buồng

Đánh ra ngoài ruộng cho muôn cây trồng

 

Đêm buông xuống ỉa đồng rất khoái

Cũng là nơi trai gái hẹn hò

Chỗ thì bờ ruộng nhấp nhô

Ao, mương, kênh cứ tìm bờ thả bom

 

Làn gió mát trăng tròn lấp lánh

Lại cộng thêm ngàn ánh sao khuya

Râm ran tâm sự bạn bè

Khác nào đại tiệc bốn bề quê hương

 

Rồi cuộc sống rộng đường phát triển

Xí hai ngăn đã biến mất rồi

Nhà nhà chăm chút tuyệt vời

Bồn cầu tự hoại ngời ngời thơm tho;

 

Ruộng đồng cũng dành cho nhà máy

Ao Chuôm xưa còn máy cái đâu

Lấp đi xây những nhà lầu

Làm khu giải trí tiêu sầu thế gian

 

Về quê cảm thấy lòng man mát

Bạn ỉa giờ phiêu bạt nơi nao

Bâng khuâng thương nhớ bờ ao

Cục phân ngày cũ rơi vào thiên thu;

Thơ Sưu tầm khuyết danh

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HOẠ





Núi Bền


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét