XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Dương Thanh Dung

 

Họ và tên: DƯƠNG THANH DUNG

Ngày sinh: 29/11/1958

Nơi sinh: Hà Nội

Quê quán: Mễ Sở - Văn Giang - Hưng Yên

Chỗ ở hiện nay: Chung cư Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng,

                   phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trình độ học vấn: Tiến sĩ kinh tế

Email: dt.dung58@gmail.com

Điện thoại: 0983226769; 0913512926

Sở thích: Tập thể thao, đi bộ, du lịch, tụ tập bạn bè, ca nhạc,

               phim tâm lý xã hội, ...

 

DƯƠNG THANH DUNG - THEO DÒNG KÝ ỨC

NGÀNH TOÁN LUÔN GẮN BÓ VỚI TÔI TRONG CUỘC SỐNG VÀ CÔNG TÁC

       Tôi đặc biệt yêu thích môn toán từ khi vào học cấp 3. Tiếp tục được học toán tại một trường đại học nào đó là nguyện vọng của tôi, nếu là toán có tính ứng dụng thì càng tốt.

        Tôi và bạn Nguyễn Thị Dung (thường gọi là Nguyễn Dung để phân biệt với tôi) cùng học một lớp suốt 3 năm cấp 3 và ngồi cạnh nhau năm cuối cấp. Chúng tôi chia sẻ với nhau về nguyện vọng vào đại học và việc chọn trường. Nguyễn Dung có anh trai tên là Dũng, cùng học lớp A như chúng tôi, nhưng trên một khóa. Lớp của anh Dũng nổi tiếng ở trường tôi về thành tích học tập, nhiều anh, chị thi đỗ đại học và đủ điểm được đi học nước ngoài (anh Dũng cũng nằm trong số đó). Anh Dũng có anh bạn cùng lớp đạt điểm cao khi thi vào Khoa Toán Kinh tế, Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), lúc đó đang học ngoại ngữ để chuẩn bị đi học nước ngoài. Nguyễn Dung tìm hiểu qua các anh và được biết, học Khoa Toán Kinh tế hay, có tính thực tiễn cao, không lý thuyết như khoa Toán của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội và hợp với con gái hơn khoa Toán của 2 trường đó. Và rồi cả hai chúng tôi cùng thi đỗ vào Khoa Toán kinh tế. Hôm làm thủ tục nhập học, tôi mới biết có 2 bạn nữa cùng học lớp phổ thông là Ngô Minh Hoàng và Hoàng Thọ cũng có duyên với khoa Toán kinh tế. Khi phân lớp học, Nguyễn Dung, Hoàng và tôi cùng học chuyên ngành Toán kinh tế, Hoàng Thọ học chuyên ngành Xử lý thông tin. Đến nay, trong 4 đứa chúng tôi, có 2 bạn đã đi xa, rất xa ....

       Trong quá trình học, tôi yêu thích môn Quy hoạch tuyến tính, Xác suất thống kê bởi tính ứng dụng của nó. Tôi cũng thích môn Thống kê toán vì tôi thấy được ý nghĩa sâu xa của môn học đối với thực tiễn, tuy nhiên môn đó hơi trừu tượng, lý thuyết nhiều nên khó học (sau này khoa Toán kinh tế không còn học môn này mà học môn kinh tế lượng - tính ứng dụng cao hơn).

        Sau khi ra trường, tháng 3/1981, tôi về công tác tại Viện Dinh Dưỡng (Bộ Y tế)- phòng Vệ sinh Dinh dưỡng - với nhiệm vụ tìm hiểu tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội đến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em tại các vùng, miền. Đây là công việc hay. Viện mới được thành lập chưa tròn năm, nên mọi thứ chỉ mới bắt đầu, tôi phải đi thực tế nhiều. Hồi đó, tôi say xe nặng lắm, cứ mỗi lần đến địa phương, đoàn công tác có thể làm việc ngay, riêng tôi phải nằm nghỉ mất nửa ngày mới hồi sức. Tôi nhìn thấy trong công việc này, nếu thu thập được lượng thông tin đủ lớn, đáng tin cậy, tôi có thể ứng dụng các kiến thức đã học để định lượng mối quan hệ giữa điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền với tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em.

        Nhằm tạo điều kiện cho tôi về chuyên môn, Viện đã cử tôi tham gia khóa đào tạo 3 tháng tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (tiền thân của Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay), địa điểm tại khu Đồi Thông - Hoàng Hoa Thám - Hà Nội (nay là Đồi Thông - Liễu Giai). Tôi không nhớ học một tuần 2 hay 3 buổi, bạn Phạm Quang Trung MT17 cũng tham gia khóa này, không biết còn nhớ không ? Một cơ duyên nữa đến với tôi: tại khóa đào tạo này, tôi gặp được ý trung nhân của mình - người đã luôn đồng hành cùng tôi, hỗ trợ tôi, luôn tạo bất ngờ cho tôi, một điểm tựa vững chãi cho tôi trong cuộc sống, công tác, và sau này cũng là người đưa tôi đến với ngành ngân hàng - lĩnh vực mà tôi gắn bó cho đến khi nghỉ hưu. Anh tốt nghiệp khoa Toán - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cùng tham gia khóa đào tạo đó.

         Và rồi tôi có gia đình riêng, chuẩn bị có em bé, công việc tôi đang làm bị chùng lại bởi tôi không thể tiếp tục rong ruổi tháng ngày tại các địa phương. Khi hết thời gian nghỉ sinh con, cô Trưởng phòng Tài chính, Kế toán thấy tôi học Toán Kinh tế - trường KTKH, nghe có vẻ liên quan, tính tình lại cẩn thận nên đặt vấn đề để tôi về đó. Tôi đồng ý, vì lúc này, đối với tôi, gia đình và con cái là trên hết. Tại đây, sự yêu thích ngành toán cùng các ứng dụng của nó đã không để tôi ngồi yên. Hàng ngày, với các sổ sách kế toán, với việc cập nhật thông tin lương và xây dựng bảng lương cho cán bộ, công nhân viên một cách thủ công, tôi thấy công việc tuy tĩnh tại, song có vẻ đơn giản, dễ nhàm chán. Tôi nảy sinh suy nghĩ: có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vưc tài chính, kế toán được không? Thế là tôi âm thầm tìm hiểu, đọc sách, mở rộng kiến thức về ngôn ngữ lập trình (Fortran hay Basic - tôi không nhớ rõ), và được sự hỗ trợ của chồng, tôi bắt tay lập trình phần mềm tính lương. Khi cảm thấy đủ tự tin vào kết quả của nó, tôi báo cáo lãnh đạo, xin phép tạo điều kiện để tôi được thử nghiệm xây dựng phần mềm tính lương và được lãnh đạo chấp nhận.

        Khi đó (năm 1986), máy tính điện tử cá nhân chưa được trang bị rộng rãi trong các cơ quan, cả Viện lúc đó chỉ có khoảng 3 hay 4 máy để trong 1 phòng có điều hòa và do 1 anh quản lý, người nào muốn vào đó phải được lãnh đạo Viện cho phép. Và tháng 10/1986, tôi đã được lãnh đạo Viện ký quyết định với nhiệm vụ : “… tham gia quản lý tài chính trên máy tính điện tử”, hàng ngày được lên phòng máy để chạy thử và hoàn thiện chương trình. Cuối cùng, chương trình tính lương cho cán bộ, công nhân viên Viện Dinh Dưỡng chính thức được áp dụng từ năm 1987, được Phòng TCKT và lãnh đạo Viện đánh giá cao, được tính là thành tích khi xét nâng bậc lương. Phấn khởi vô cùng, vì đây là sản phẩm đầu tiên được tôi vận dụng thành công các kiến thức đã học trên giảng đường đại học.

        Năm 1988, đánh dấu một bước ngoặt lớn trên con đường công tác của tôi sau này. Được mẹ đẻ và chồng động viên, tạo mọi điều kiện để tôi có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tôi cùng với Hoàng Yến ôn thi và đỗ NCS trong nước hệ chính quy (khi đó ngành y tế không có chỉ tiêu NCS nước ngoài về kinh tế nên tôi chỉ được thi NCS trong nước). Cắt hẳn biên chế, lương, thưởng khỏi Viện Dinh Dưỡng, mọi sinh hoạt và lương tháng của tôi suốt 4 năm học NCS thuộc quản lý của trường KTQD. Một lần nữa, kiến thức đã học tại đại học đã giúp tôi, đó là Quy hoạch tuyến tính - môn học tôi yêu thích - được tôi ứng dụng để giải quyết vấn đề chính đặt ra trong Luận án NCS.

       Sau khi hoàn thành khóa học NCS, tôi không về công tác tại cơ quan cũ mà chuyển công tác sang ngành khác - ngành ngân hàng (Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước VN), một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với tôi và rất vĩ mô. Tôi được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng toàn diện kiến thức ngành ngân hàng, kinh tế vĩ mô, kinh tế lượng. Cứ thế, vừa làm, vừa học, nhưng với tư duy của người học toán, với phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề một cách độc lập được hình thành trong thời gian làm NCS, tôi đã nhanh chóng hòa nhập với công việc mới. Môi trường làm việc mà tôi đã trải qua trong ngành ngân hàng (Vụ Chính sách tiền tệ - gần 15 năm, Vụ Dự báo, Thống kê - tròn 5 năm, giảng viên kiêm chức của Học viện Ngân hàng, Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng) luôn tạo cho tôi cơ hội, động lực để tôi phát huy, vận dụng các kiến thức đã học vào công việc của mình. Xét ở một góc độ nào đó, tôi đã làm được.

       Một kỷ niệm nữa không thể không nhắc tới. Khi về công tác trong ngành ngân hàng, tôi và bạn Nguyễn Thị Phương Lan có dịp được gặp nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn vì cùng trong ngành, do vậy cũng gắn bó với nhau hơn so với các bạn khác cùng lớp. Chúng tôi cùng được học với nhau 03 năm tại khóa học Cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia. Sau này, Phương Lan chuyển công tác về Ngân hàng Ngoại thương VN - có trụ sở gần Ngân hàng Nhà nước VN - nơi tôi làm việc hàng ngày, chúng tôi lại có cơ hội được cùng nhau đến cơ quan và cuối giờ cùng nhau trở về nhà muộn trên chiếc ô tô Yaris của Phương Lan, hàn huyên đủ mọi thứ, trong đó có cả những câu chuyện thuở sinh viên, rồi thỉnh thoảng hẹn nhau cùng đi cà phê, ăn trưa, ...

       Trong sâu thẳm lòng mình, tôi luôn cảm ơn những nơi tôi đã từng làm việc (kể từ khi mới ra trường cho đến khi nghỉ hưu), cảm ơn môn học và ngành học mà tôi yêu quý, cảm ơn gia đình, bạn bè thân thiết đã tạo cho tôi động lực, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tôi được như ngày hôm nay: tự tin, không ngại khó, có trách nhiệm với việc mình làm, suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách mạch lạc, rõ ràng, biết yêu quý những gì mình đã và đang có. Với tôi, ký ức và kỷ niệm luôn đẹp đẽ, mãi sưởi ấm lòng tôi, luôn mang đến cho tôi nguồn cảm hứng để tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét