Họ và tên: TRẦN THỊ THANH PHƯƠNG
Ngày sinh: 20/04/1958
Nơi sinh: Hà Nội
Quê quán: Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chỗ ở hiện nay: Chung cư Imperia garden, 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Trình độ học vấn: Thạc sĩ
Email: tranphuongphuong@gmail.com
Điện thoại: 0912359539
Sở thích, sở trường: thích tụ tập gặp gỡ bạn bè, thích hoa.
TRẦN THỊ THANH PHƯƠNG - THEO DÒNG KÝ ỨC
KỶ NIỆM NHỮNG CHUYẾN ĐI HỒ ĐẠI
LẢI
1. Chuyến đi thứ nhất
Bây giờ khi tuổi đã ngoài 60, tôi chẳng
thể nào nhớ ai là người có ý tưởng đề xuất đi chơi hồ Đại Lải năm ấy. Ý tưởng
này thật tuyệt, nó để lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc vui vẻ đến tận ngày
hôm nay, mỗi đứa một kiểu. Khi gặp lại nhau mà nhắc về nó, đứa nào cũng cười.
Tôi nhớ không nhầm thì chuyến đi chơi
rơi vào cuối năm học đại học, tầm tháng 7. Theo kế hoạch, nhóm chúng tôi gồm có
8 bạn: Phạm Dung, Bích Lan, Minh Hằng, Chi, Cường, Lâm, Hùng và tôi, xuất phát
từ nhà Bích Lan. Cánh nữ chúng tôi lo hậu cần, các bạn nam thì chuẩn bị đồ sửa
chữa xe đạp (đề phỏng hỏng xe giữa đường). Chúng tôi chuẩn bị 3 con vịt và 4kg
bún cho chuyến đi. Không hiểu sao, đến ngày đi, trời đổ mưa xuống. Chúng tôi
bảo nhau "có lẽ vịt hay gắn với những điều không may". Thế là bốn đứa
con gái quyết định không đi chơi nữa, ở nhà xơi cho bằng hết ! Tại nhà Bích
Lan, chúng tôi đóng cửa, nội bất xuất, ngoại bất nhập, bốn nàng ngả bài ra đánh
rồi ăn hết bún, hết vịt, chơi hết trọn một ngày mới về. Mặc cho các bạn nam đến
nhà Bích Lan gọi cửa, bốn đứa cũng cứ im lặng, quyết không mở, khiến các bạn
nam không biết sự thể làm sao đành phải quay về. Chuyến đi bị hủy phải dời sang
ngày khác.
Cuối cùng chuyến đi chơi cũng được thực
hiện lại. Phương tiện đi là 6 chiếc xe đạp của Phạm Dung, Chi, Cường, Lâm, Hằng
và tôi. Hùng được phân chở Bích Lan và luân phiên nhau. Chi mang theo bộ đồ
nghề sửa xe đạp còn Lâm mang theo cái bơm.
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này
chúng tôi mua gà, không mua vịt nữa, mua bánh phở để làm món phở cho cả nhóm,
còn thêm món chè đỗ đen.. Hôm ấy trời đẹp, chuyến đi suôn sẻ dù cho quãng đường
dài như vô tận và mệt thì cũng vô cùng.
Đến nơi, nhìn phong cảnh hồ Đại Lải
thật đẹp mắt. Nước hồ xanh ngắt, trong vắt nhìn thấy cả đáy. Gió mát rượi,
chúng tôi ngồi dưới những tán lá cây ven hồ, quên hết mệt nhọc sau một chặng
đường dài kinh hoàng.
Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo cách
Hà Nội khoảng 40km. Nó thuộc địa phận xã Ngọc Thanh và xã Cao Minh thuộc Phúc
Yên, Vĩnh Phúc. Cánh con gái soạn chè ra ăn. Hằng và Cường không hiểu sao lại
thích đổi cái lấy nước chè. Đồ ăn được đem ra chuẩn bị nấu nướng. Cánh nam thì
nhảy xuống hồ tắm. Trong số các bạn nam chỉ có mỗi Phan Xuân Chi là bơi giỏi
hơn cả. Chi bơi ra tít ngoài hòn đảo xa xa ở giữa hồ. Hùng mới đầu còn bơi theo
Chi, nhưng nửa chừng thì quay lại, còn Cường và Lâm tắm gần bờ.
Món phở đã xong, cái đói cũng đã kêu,
vậy mà Hùng, Cường, Lâm tắm đã lên bờ hết cả rồi nhưng vẫn chưa thấy Chi bơi
về. Chờ lâu đến mức một nỗi lo sợ mơ hồ bắt đầu xuất hiện. Cả bọn ngồi ven hồ
đưa mắt dõi theo về phía hòn đảo xa tít ngoài xa. Thỉnh thoảng có bạn kêu
"Kia rồi! Chi kia rồi ! Hình như cái đầu đen nhấp nhô kia kìa". Nhưng
cũng không phải ! Không khí vui vẻ bỗng chùng xuống. "Kia rồi !" Một
bạn reo lên. Lần này thì đúng thật. Không khí lại vui lên. Nhưng cũng phải đợi
rất lâu Chi mới bơi vào tới bờ. Khi lên bờ Chi còn mang theo quà của đảo là
những quả sim do Chi hái đã chín quắt lại, đựng trong cái mũ vải. Cả bọn xúm
lại bốc mỗi đứa một nắm. Sim ngọt lịm và ngon làm sao !
Rồi cả bọn ngồi quây lại, mang đồ ăn ra
đánh chén. Mọi người cười nói rôm rả ồn ào cả một góc hồ. Đói. Ngon. Rồi no
căng. Sự đời là cứ hễ căng da bụng thì chùng da mắt. Thế là lăn ra ngủ. Một
giấc ngủ không bao giờ có lại lần thứ 2 trong đời.
Cuộc du ngoạn rồi cũng đã đến hồi kết,
cả bọn cuốn gói phóng xe về. Đường xa hun hút. Đạp mãi, đạp mãi vẫn chẳng thấy
Hà Nội đâu. Trời bắt đầu tối. Tối khuya mà cả bọn vẫn lầm lũi đạp, đạp muốn gãy
cả chân. Bạn Lâm buồn ngủ thế nào đạp luôn cả lên đê, suýt ngã.
1h00 đêm cả bọn mới đạp về đến cột đồng
hồ ở cầu Long Biên. Tình hình này thì chẳng đứa nào dám về nhà gọi cửa. Thế là
tất cả quyết định dừng ở bãi cỏ trước chùa Trấn Quốc để ngủ. Đi xa, lại mỏi mệt,
mọi người lo dọn dẹp chỗ ngủ thật nhanh; đồ đạc buộc bỏ vào trong, gối đầu lên;
khóa xe cẩn thận; cả bọn mau chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Đến khi trời sáng thanh thiên bạch
nhật, người xe qua lại ồn ào cả bọn mới sực tỉnh dậy. Mọi người nhanh chóng
kiểm tra tư trang hành lý thì than ôi ! Bạn Chi mất bộ đồ nghề sửa xe đạp, bạn
Lâm mất cái bơm, và có mấy bạn mất một cái dép... Mới đầu mấy đứa nhìn nhau còn
đang tiếc đồ bỗng cười phá lên vui vẻ. Cuộc du ngoại hồ Đại Lải kết thúc như
thế đấy. Bây giờ mỗi khi gặp lại nhau nói về chuyến đi Đại Lải, đứa nào cũng
toét miệng cười vui về một kỷ niệm thời sinh viên ngày ấy ...
Vì chuyện diễn ra quá lâu nên có thể có
nhiều chi tiết mình nhớ chưa chuẩn, mong các nhân vật trong chuyện miễn chấp và
có thể để lại ý kiến trong phần bình luận nhé.
2. Chuyến đi thứ hai
Ba năm sau, năm 1982, hồ Đại Lải đã trở
thành nhân tố tác động rất lớn để tôi đi đến quyết định quan trọng của cuộc
đời. Chuyện thế này:
Tốt nghiệp đại học, tôi về làm việc tại
một Viện nghiên cứu của Bộ Giao thông. Chuyến đi hồ Đại Lải thời sinh viên là
một kỷ niệm rất đẹp, rất vui mà tôi hay kể cho các bạn đồng nghiệp nghe, khiến
mọi người rất thích thú. Vì vậy, theo ý tưởng của tôi, một nhóm thanh niên
trong Viện gồm 10 tên (6 trai, 4 gái) đã tổ chức chuyến dã ngoại hồ Đại Lải
bằng xe đạp. Cũng vẫn lỉnh kỉnh đồ ăn, đồ sửa xe, lần này thêm đồ cắm trại,
dựng lều... (là cán bộ rồi, phải hoành tráng hơn thời sinh viên chứ !). Trước
khi xuất phát, tôi có thông báo với người yêu về chuyến đi chơi với các bạn của
mình. Chúng tôi lên đường, hồ hởi, vui vẻ, miết mải đạp xe trên con đường đến
hồ trong tiết trời rất đẹp.
Đến nơi, chọn một chỗ cao ráo, cả bọn
dựng trại, trải ni lon, sắp sửa đồ ăn. Đang hào hứng, vui vẻ và dường như rất
thanh bình thì bỗng nhiên xuất hiện một đám người gồm hơn chục thanh niên, mặt
mũi rất bặm trợn, chúng dãn cách nhau thành vòng tròn rộng, cứ lừ lừ tiến dần
lên vây quanh trại. Bọn tôi, bốn đứa con gái dúm vào nhau vì sợ hãi. Bọn con
trai (6 đứa) cố gắng trấn an bọn tôi, nhưng nhìn mấy ông "viện sĩ"
chỉ biết đèn sách, tay quen bút nghiên, không chuẩn bị ''vũ khí'' gì, lại hoàn
toàn bị bất ngờ nên chúng tôi thực sự tuyệt vọng ... Chúng tôi cũng đã được
cảnh báo: thời gian này, Đại Lải là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ do bọn người xấu
gây ra cho khách du lịch, nhưng do quá chủ quan mà chúng tôi đã bỏ qua. Không
có điện thoại di động như bây giờ, không biết cầu cứu ai, cả bọn 10 đứa gần như
chịu trận trong khi đám côn đồ cứ lừ lừ xáp gần, vây quanh trại. Chết chắc rồi
!
Bỗng nhiên xa xa xuất hiện một nhóm
người mặc quân phục, cũng từ từ tiến về phía trại chúng tôi. Chuyện gì xảy ra
nữa đây ? Cả bọn dường như bất động, hồi hộp, lo lắng... Tôi chợt reo lên vui
mừng vì nhận ra một dáng người cao cao, thân quen trong nhóm những người mặc
quân phục - chính là anh ấy, người yêu của tôi ! Sự việc diễn biến rất nhanh,
người yêu tôi cùng mấy người bạn bộ đội đã lên giải cứu chúng tôi. Các anh vào
trại chơi, nói chuyện với chúng tôi, trong lúc đó, đám ''đầu gấu'' đã rút lui
lặng lẽ. Người yêu tôi nói khi biết tôi đi Đại Lải chơi, do lường trước những
nguy hiểm và có dự cảm chẳng lành, anh đã đi Đại Lải, gặp gỡ các bạn anh và
cùng đi tìm chúng tôi. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm và tiếp tục cuộc vui.
Câu chuyện của chúng tôi sau này lan
truyền trong cơ quan, mọi người thường kể lại với nội dung kiểu ''anh hùng giải
cứu mỹ nhân". Chuyến đi hồ Đại Lải lần ấy trở thành kỷ niệm khó quên, là
nhân tố thúc đẩy tôi gắn bó và yêu anh ấy nhiều hơn. Anh chính là ông xã của
tôi ! Giờ anh đã đi xa, thật xa... Cầu mong anh luôn bình an, sớm siêu sinh
tịnh độ !
Rất cảm ơn mọi người đã đọc câu chuyện
của tôi !
CẢM XÚC 30/4
Ngày 30/4/1975 - ngày toàn thắng, thống
nhất đất nước, kết thúc một cuộc chiến dài gần một phần tư thế kỷ, một cuộc
chiến mà những mất mát, đau thương đã ảnh hưởng, len lỏi vào từng gia đình
người Việt Nam. Như bao gia đình khác, gia đình tôi đã tham gia cả ba cuộc
chiến: chống Pháp, chống Mỹ và chống Khơ-me đỏ.
Bố tôi tham gia cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp. Tôi hình dung cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ qua sách vở,
đài, báo mà còn qua những câu chuyện bố kể và đọc những dòng nhật ký ngắn gọn
của bố. Vào những năm 40 của thế kỷ trước, bố tôi hoạt động trong vùng địch
dưới vỏ bọc là ông chủ cửa hiệu may Tây ở phố Đường Thành. Bị lộ, bố bị bắt, bị
hỏi cung, tra tấn, cả quay điện, đánh đập... nhưng bố kiên quyết không khai.
Tra tấn mãi không khai thác được gì, giặc phải thả bố. Ngay đêm hôm ấy, để lại
mẹ và anh trai tôi ở Hà Nội, bố cùng chú tôi đi bộ liền mấy ngày trời, trốn ra
vùng kháng chiến tham gia bộ đội Việt Minh. Sau đó, bố tôi được cử sang Trung
Quốc học pháo binh để về tham gia đánh trận Điện Biên Phủ. Trong những ngày
tháng Mười năm 1954, bố hòa trong đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sau này,
ngày 7/5 hàng năm, chị em tôi thường mua hoa tặng bố. Bố rất vui và kể lại cho
chúng tôi nghe những kỷ niệm kéo pháo vào trận địa ra sao, chiếm lĩnh các cứ
điểm Điện Biên Phủ thế nào...
Anh trai tôi đã tham gia quân đội gần
10 năm trong chiến tranh chống Mỹ. Anh là con trai duy nhất trong mấy anh chị
em, còn lại toàn "thị mẹt". Anh tôi được đào tạo điều khiển tên lửa ở
Liên Xô. Tôi nhớ có lần lên thăm anh, được anh dẫn ra trận địa, nhìn tận mắt
quả tên lửa, được chui vào một cái xe to, kín như bưng mà anh bảo đấy là xe
điều khiển. Thật kỳ diệu ! Ngồi trong chiếc xe ở xa như vậy mà bấm nút điều
khiển được cả một quả tên lửa to đùng bay lên bầu trời !
Ngày ấy tôi còn bé lắm, đâu đã biết gì,
hiểu gì về những mất mát, hy sinh mà mỗi gia đình, mỗi người dân phải gánh chịu
trong cuộc chiến tranh này. Có lần, được tin đoàn tàu chở đơn vị anh chuẩn bị
sang Lào (gọi là đi C) sẽ ghé dừng ở ga Yên Viên, mẹ dẫn tôi đi bộ từ Hà Nội
đến ga Yên Viên, lên từng toa tàu hỏi tin để tìm gặp anh, nhưng có lẽ do bí mật
quân sự nên lần đó không gặp được anh. Có những đêm chợt tỉnh giấc, tôi thấy mẹ
âm thầm ngồi khóc khi nghe đài báo tin chiến trường đường chín Nam Lào ác liệt.
Rồi tôi cũng chứng kiến gia đình đồng đội của anh trai tôi ở Thái Bình, Hưng
Yên... lần lượt lặng lẽ lau nước mắt, mang về những hòm gỗ trong có những thứ
đã trở thành kỷ vật mà trước khi đi C các anh đã gửi lại nhà tôi. Các anh ấy đã
không trở về nữa ... Tôi còn bé lắm nên chưa thể hiểu hết, nhưng đã cảm nhận
được sự hy sinh và nỗi đau mất mát của những gia đình ấy...
Sau này, khi mẹ tôi bệnh, bố tôi đã hết
lòng chăm sóc mẹ. Bố nói:”Bố thương mẹ con lắm ! Chín năm kháng chiến chống
Pháp, 9 năm nuôi con, chờ chồng. Chiến tranh chống Mỹ - 10 năm đau đáu, khắc
khoải, âm thầm ngóng tin con nơi chiến trường…”.
Chiến tranh biên giới Tây Nam, chồng
tôi đã tham gia cuộc chiến này. Tôi và anh là bạn học phổ thông, tôi vào đại
học Kinh tế Kế hoạch, anh học Bách Khoa Hà Nội. Hồi học đại học, anh đã viết
thư thổ lộ tình cảm, nhưng tôi đặt mục tiêu học hành lên trên hết. Vào cuối năm
1978, khi chiến trường Campuchia bùng nổ, lệnh tổng động viên toàn quốc, các
sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Anh cùng các bạn lên đường vào
chiến trường. Có lẽ vì vậy tôi đã nhận lời anh ngay trên sân ga Hàng Cỏ, khi đoàn
tàu sắp chuyển bánh đưa anh rời Hà Nội tiến về phương nam. Trong tôi trào lên
một ước muốn được là chỗ dựa tinh thần cho anh trong cuộc chiến này. Thư đi,
thư về, tình yêu của chúng tôi lớn dần qua những cánh thư và nỗi nhớ nhung
chồng chất. Và tôi đã thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng, chịu đựng của mẹ ngày
trước lớn lao như thế nào…
Chắc nhờ hồng phúc lớn của gia tộc nên những người thân yêu của tôi đều bình an trở về. Ngày Kỷ niệm chiến thắng 30/4 đang đến gần, những dòng ký ức lại ùa về, tôi ghi lại để chia sẻ cùng các anh, các bạn. Cảm ơn mọi người đã đọc !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét