XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Lê Anh Hùng

 


Họ và tên : LÊ ANH HÙNG

Ngày sinh : 17/03/1958

Nơi sinh : Bệnh viện Việt - Tiệp, Hải Phòng

Quê quán : Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng

Chỗ ở hiện nay : Phường Xuân Hà, Quận Thanh Khê,

                           Thành phố Đà Nẵng

Trình độ học vấn: Cử nhân Toán kinh tế

Email : leanhhung17031958@gmail.com

Điện thoại : 0934 777 427

Sở thích, sở trường : Văn, thơ, nhạc, họa

 

LÊ ANH HÙNG - THEO DÒNG KÝ ỨC

1. TUỔI ẤU THƠ

        Ba má tôi là người quê thành phố Đà Nẵng, tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneve. Tuy đều tập kết ra Bắc nhưng ba má tôi đi vào các thời điểm khác nhau, ra Bắc thì ở xa nhau. Ba tôi làm bên đường sắt quanh năm vắng nhà, ngày lễ tết lại càng bận, ông chỉ về nhà khi nghỉ phép. Má tôi làm bảo mẫu ở trường Học sinh miền Nam, sau ngày miền Nam giải phóng thì chuyển qua làm ở trường Bổ túc công nông ở Giáp Bát, Hà Nội.

        Tôi được sinh ra ở bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng. Tuổi ấu thơ của tôi ở Hải Phòng, giờ đây trong ký ức mặc dù đã mờ nhòe, nhưng vẫn có vài kỷ niệm đến giờ tôi vẫn nhớ. Khi tôi đang còn ở mẫu giáo, chị tôi hay xin cô giáo cho tôi ra ngoài để ăn quà vặt như món bò khô trộn đu đủ mà người ta hay gọi là "xắp xắp thịt bò khô", rồi uống nước mía, hay món khế dầm. Sao mà ngon đến thế ! Nhà tôi ở là một cái phòng rất rộng ở tầng 2 trên rạp chiếu phim Hòa Bình, Hải Phòng. Rất nhiều gia đình tập kết ở chung trong căn phòng đó, không có vách che chắn.

        Tuổi thơ tôi thật hiếu động và dữ dội. Đến giờ tôi vẫn nhớ tiếng la thất thanh của má tôi khi đi làm về nhìn thấy tôi trèo qua cửa sổ đứng bên ngoài, một tay vịn cửa sổ, một tay với ra phố như làm xiếc... Khi bắt đầu bi bô a, b, c ở lớp mẫu giáo lớn, tôi được các mẹ - bạn của má tôi - đưa cho một cái bảng con và viên phấn để thi viết chữ O với mấy đứa nhỏ khác. Tôi viết chữ O tròn nhất nên được thưởng 1 cây bút chì 2 màu xanh đỏ. Đó là phần thưởng đầu tiên trong đời. Có lần ba tôi vẽ một con cá có bao nhiêu là vảy lên bảng đen nhỏ treo ở nhà rồi bảo tôi vẽ xem có giống không. Tôi vẽ y chang, ba thôi đắc ý lắm rồi bế tôi tung lên nói:"Khá lắm !". Đó là hình vẽ đầu tiên của tôi.

        Tôi vẫn hay nhớ về những hồi còi báo động và tiếng loa phóng thanh báo máy bay Mỹ, nhớ về việc để tang anh Nguyễn Văn Trỗi, về những ngày đầu tiên cắp sách đến trường ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Khi Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, các trường học sinh miền Nam là đối tượng bị chúng lùng sục ném bom ráo riết. Rồi một ngày nọ, tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường miền Nam ở Hải Phòng được lệnh sơ tán gấp. Từ đó tôi theo má tôi cùng trường Học sinh miền Nam đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác ở đất Bắc. Cuộc sống không ổn định, đi hết từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, rồi đến Hải Hưng. Cứ mỗi lần đến nơi ở mới, do tiếp xúc với nguồn nước sinh hoạt mới, nên lũ trẻ bọn tôi khổ sở vì ghẻ lở thời gian đầu. Đứa nào cũng phải bôi thuốc mỡ trị ghẻ màu xanh đỏ từ đỉnh đầu đến mặt, mũi, chân, tay, trông chẳng khác nào Tôn Ngộ Không hiện hình.

        Ở Quảng Ninh, trường Học sinh miền Nam đóng tại Móng Cái, rồi Mũi Ngọc... Đây là nơi tôi hay bày trò đầu têu rủ mấy đứa nhỏ ra biển tắm. Tôi còn nhớ, có lần nói mấy đứa cùng trang lứa cắt tóc húi cua giống tôi để khi tắm xong lên bờ, chỉ việc phẩy một cái là tóc khô, về nhà người lớn không thể phát hiện là đã đi tắm biển. Thế nhưng làm sao qua mắt được má tôi. Má tôi nói:" Không đi tắm biển mà sao mắt đỏ hoe ? Tắm bao lâu rồi ?". Tôi cứng họng, ấp úng không nói được câu nào, đương nhiên sau đó là một trận đòn ra trò. Nhưng khi biển cả vẫy gọi, bọn tôi lại quên hết đòn roi, lại tắm, lại vờn với những con sóng bạc đầu quyến rũ nơi địa đầu Tổ quốc ...

        Tôi học đến hết kỳ 1 lớp 2 ở Mũi Ngọc, Quảng Ninh thì theo má sơ tán cùng trường học sinh miền Nam về thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Hưng.

2. THỜI HỌC PHỔ THÔNG

        Tôi bắt đầu kỳ 2 lớp 2 ở thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Hưng và theo học phổ thông ở đây đến hết lớp 10 thì về Hà Nội. Khoảng thời gian học phổ thông là những tháng ngày oanh liệt và đầy tự hào của tôi. Rất nhiều kỷ niệm thời gian này tôi còn nhớ như in.

        Gần như chẳng có điều gì của tuổi thiếu niên ở nông thôn mà tôi không trải qua: Từ câu cá, câu lươn, câu nhái, bắt ếch, khều tổ ong, bắt dế, bắt chim sẻ, đến ăn trộm nhãn, ăn trộm gà...

        Có một lần, tôi viết lên bảng của nhà ăn của trường Học sinh miền Nam "Tối nay 19h00 tại sân vận động Từ Hồ có chiếu phim phản gián của Liên Xô, kính mời cán bộ, giáo viên, học viên và nhân dân đến đón xem". Thế là làng trên xóm dưới của xã Yên Phú lũ lượt kéo đi xem phim. Cuối cùng tên phạm tội cũng bị truy tìm ra. Hoảng quá tôi trèo tít lên ngọn cây. Người lớn đứng dưới nhìn lên nói:" Xuống đây cho công an nhốt lại". Thế là tôi cứ vắt vẻo trên đó định bụng chờ đến khuya mọi người đi ngủ hết mới tụt xuống. Nhưng tôi nghe người lớn nói nhỏ với nhau:" Thôi giải tán ! Lỡ ổng ngủ quên rớt nhào đầu thì chết". Thế là xong, kinh quá !

        Tôi luôn là học sinh giỏi qua các cấp học và làm lớp trưởng liên tục. Tôi học đều các môn, được bạn bè gán cho cái mác văn võ song toàn. Tôi hãnh diện và tự hào với mọi người vì nhà trường luôn lấy tôi để làm tấm gương cho các học sinh của trường học tập. Ngày ấy tôi đã thể hiện khả năng tự học rất cao. Trong 3 tháng hè từ lớp 2 đến lớp 9 tôi thường đọc, tự học và giải trước các bài tập các môn học của lớp trên để chuẩn bị đón năm học mới. Vì vậy khi vào học lớp mới, tôi luôn đứng đầu lớp. Khi học lớp 7, tôi tự chế đàn bầu bằng các miếng gỗ ván đóng ghép lại, bầu đàn là cái lon sữa bò, dây đàn là sợi dây phanh xe đạp. Tôi vẫn nhớ mấy anh chị dũng sĩ diệt Mỹ nghe tôi đánh đàn bầu thì thích lắm, đặc biệt bài Ru con Nam bộ. Ngày ấy tôi đã vẽ rất nhiều tranh, treo trên vách nhà bằng cót đan. Nhớ nhất là bức "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" được mọi người trầm trồ khen ngợi.

        Trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba ngày ấy tôi là á khoa của tỉnh Hải Hưng với số điểm là 48/50 điểm (môn văn 8 điểm, còn lại là 10 điểm). Thủ khoa của tỉnh khi đó là 49/50 điểm.

        Nơi tôi thi vào đại học ở một trường trong khu Kim Liên, Hà Nội. Ngày ấy tôi ghi nguyện vọng đại học Kinh tế - Kế hoạch và đại học Bách khoa. Kỳ thi đại học để lại cho tôi và ba má tôi sự tiếc nuối mãi trong suốt một thời gian dài sau này. Tôi đi thi với tâm thế rất tốt và đầy tự tin, trong thâm tâm tôi chắc mẩm một suất đi học nước ngoài. Nhưng cuộc đời không như là mơ. Tất cả các môn thi tôi đều được 10 điểm, riêng môn toán là môn kỳ vọng nhất lại là môn tôi thất vọng nhất. Tôi nộp bài thi môn toán rất sớm, trước giờ kết thúc thi. Nhưng sau ngày thi vài ngày thì tôi phát hiện bị sai, do láu táu và quá tự tin. Tôi thiếu 0.5 điểm để được đi du học nước ngoài. Số phận đưa tôi vào khoa Toán Kinh tế trường đại học Kinh tế - Kế hoạch.

3. VẮN TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

         Sau khi tốt nghiệp, 3/1981 tôi được phân về công tác tại Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Làm việc với các bác lớn tuổi nên tôi cứ phải ép mình theo khuôn khổ, nguyên tắc và luôn bị nhắc nhở về cách đi đứng, nói năng khi tiếp xúc với cán bộ các nơi về làm việc. Tôi để râu con kiến là bị nhắc nhở ngay. Làm việc ở đây được 3 tháng, tôi xin chuyển công tác sang Ty Công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng và công tác tại Nhà máy Cơ khí Đà Nẵng. Có vẻ đây như điềm báo trước công việc cho suốt quãng đời làm việc ở hạ tầng cơ sở của tôi sau này.

        Với sự phấn khích và nhiệt tình của tuổi trẻ, muốn làm việc và được cống hiến nên tôi làm rất hăng say. Đặc biệt sự kiện "Hội nghị phân tích kinh tế" do tôi làm chủ đã để lại ấn tượng mạnh cho lãnh đạo nhà máy và cán bộ cấp sở về dự. Ba năm sau tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kế toán của nhà máy. Một năm sau, tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kế toán Tài chính sở Công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Lãnh đạo Sở có ý định cho tôi đi học Trường Đảng cao cấp HCM để làm cán bộ nguồn. Tuy nhiên, vốn không ưa chốn quan trường nên tôi từ chối.

        Thời kỳ này, đất nước đang trong giai đoạn khó khăn do bị cấm vận. Tôi cũng như nhiều người phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn và nghèo túng. Tôi làm đủ thứ để có tiền: từ nuôi heo đến trồng rau xanh, làm lồng đèn trung thu, làm hoa vải. Đặc biệt, mỗi lần trung thu, lồng đèn tôi làm ra bỏ khắp Đà Nẵng. Còn hoa vải, tôi xin vải thừa ở các tiệm may đồ về nhà làm. Đi làm về, ăn xong là làm hoa đến 12 giờ đêm mới đi ngủ. Tôi làm những bông hoa hồng để trong lồng kính, trông rất bắt mắt. Có dịp tết, tôi bán hoa được 8 chỉ vàng (hồi đó, 5 chỉ vàng là mua được cái nhà). Khi hoa công nghiệp Thái Lan tràn về thì tôi mới chịu thua, không làm nữa.

         Làm ở cơ quan quản lý nên tôi có mối quan hệ rất rộng với các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn. Khi nhà máy thép Đà Nẵng được thành lập, tôi về làm Kế toán trưởng. Sau này, tôi được điều động về lại Sở Công nghiệp lúc này thuộc thành phố Đà Nẵng (tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).

4. CÂU TRẢ LỜI ĐỊNH MỆNH

        Khi chuẩn bị lựa chọn trường đại học để đăng ký nguyện vọng, tôi từ Hải Hưng lên thăm ba tôi đang ở 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi đó ông đang làm ở Đoạn công tác trên tàu, gần ga Hàng Cỏ. Biết tôi có năng khiếu hội họa nên ông dẫn tôi đến trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội ở đường Yết Kiêu để tôi quan sát, nhìn ngắm, rồi xem liệu có đi theo con đường nghệ thuật hội họa hay không. Sau khi đứng ngoài cổng nhìn vào trường, tôi nghĩ trong đầu "Ui ! Đây mà là trường đại học à ? Sao thấy ... tầm thường quá thế này ?". Ba tôi nhìn tôi dò xét:"Con thấy thế nào ?". Tôi nói:"Thôi ! Con ghi nguyện vọng vào đại học Kinh tế - Kế hoạch thôi". Đây đúng là câu trả lời định mệnh.

5. THI VẤN ĐÁP MÔN ĐẠI SỐ

        Tôi nhớ hôm thi vấn đáp môn Đại số của thầy Bộ, một người thầy được mệnh danh "Dũng sĩ diệt sinh viên". Nhiều sinh viên hãi lắm, nhưng tôi rất tự tin, sợ gì, trượt thì thi lại là cùng chứ gì ! Quái quỷ làm sao khi giải bài toán phương trình bậc 4, đáp số cứ ra số thập phân dài dằng dặc. Điên tiết thật ! Bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tôi liền sửa lại hệ số của phương trình, số 3 thành số 8. Thế là đáp số thật chẵn. Khi thầy dò, thấy sai đáp số, dò công thức thì đúng, thầy nhìn lại rồi bảo:"Cậu viết sai đầu bài rồi", thế là qua. Thầy có khó gì đâu nhỉ ?

6. MÔN TƯ BẢN

          Mỗi lần nghĩ về môn Tư bản, tôi thấy tội nghiệp cho thầy dạy lớp mình ngày ấy quá. Bây giờ vẫn thế, nghĩ lại vẫn thấy tội tội. Chuyện là thế này: Hôm ấy, thầy dạy đến đoạn "lao động thủ công". Thầy giải nghĩa “thủ” là tay, “công” là lao động, thủ công nghĩa là lao động chân tay. Vừa giải nghĩa đến đây thì cả lớp cười ồ lên, có mấy bạn cười rất to. Thầy dừng lại, đỏ mặt rồi nói:" Chắc tôi múa rìu qua mắt thợ rồi". Riêng tôi ngớ người, chẳng hiểu vì sao cả lớp cười ồ lên như vậy ? Thầy giải nghĩa đúng mà ! Thì ra mọi người chỉ hiểu “thủ” là đầu, trong khi thầy nói “thủ” là tay. Thế mới có chuyện. Thực ra, trong tiếng Hán, từ “thủ” có 2 nghĩa, đồng âm dị nghĩa là đây. Nghĩa thứ nhất, “thủ” là đầu, nghĩa thứ hai, “thủ” là tay, nhưng trong chữ Hán, hai chữ này được viết khác nhau. Vụ này thầy không sai, các bạn trong lớp cũng đúng. Cái không sai và cái đúng không phải bao giờ cũng trùng nhau ! Logic đã sai trong trường hợp này: phủ định của đúng không phải là sai (?) Ngoắt ngoéo của cuộc đời là đây đây ?

        Có điều, mỗi khi nghĩ lại, thấy bùi ngùi, tội nghiệp cho thầy làm sao ! Thầy ơi ! Lũ chuột bạch đấy, không phải thợ thiếc gì đâu ạ !

7. TẦM NHÌN 40 NĂM

        Trong đợt kiến tập và làm tiểu luận, tôi chọn đề tài Quy hoạch lao động nông thôn. Thầy Khu dạy môn Lý thuyết trò chơi phụ trách việc làm tiểu luận. Ngày ấy, khái niệm quy hoạch dù được học rất nhiều, nhưng để áp dụng vào thực tế ở những mảng cuộc sống khác nhau còn rất mơ hồ, không như sự hiểu biết bây giờ. Kể ra phụ trách kiến tập như thầy Khu cũng sướng, cả đợt chẳng thấy mặt thầy đâu ! Vấn đề bài toán quy hoạch của tôi là sắp xếp bố trí lại lao động hiện có của địa phương sao cho giá trị sản phẩm xã hội của địa phương đạt được là cao nhất. Các hệ số Aij... rồi các biến Xij... đủ các thể loại. Không hiểu ngày ấy tôi đã điều tra kiểu gì mà vẫn có các hệ số Aij ??? (giá trị sản phẩm i do lao động ngành j mang lại). Nhưng dù là gì thì bài toán cũng đã hình thành và nghe cách đặt vấn đề cũng có phần hợp lý. Và cuối cùng bài tiểu luận cũng kết thúc và giao nộp đúng hạn. Tóm lại, kết quả của bài toán ấy hiểu nôm na như sau: chuyển ông làm gạch đi trồng lúa, ông nuôi lợn sang nuôi vịt, ông xây dựng đi làm thợ mộc !!!... Tiểu luận đương nhiên là OK.

        Mãi sau này, vài mươi năm sau, nói chuyện này khi gặp lại nhau, Nguyễn Phan Lâm nói:'' Ông giỏi thật, làm quy hoạch tầm nhìn từ mấy chục năm trước''. Chuyện ! Học toán kinh tế phải thế chứ ???

        Bây giờ, xã hội Việt Nam phát triển theo hướng đô thị hóa rất nhanh, các vùng đất nông thôn chuyển thành đất đô thị khắp nơi. Lao động từ đó mà tự điều chỉnh ngành nghề. Và bài toán quy hoạch năm nào hiện về như một tầm nhìn chiến lược. Tôi đã tiên đoán từ 40 năm trước rồi đấy nha !!!

8. THI BẮN ĐẠN THẬT

        Chuẩn bị đến ngày thi bắn đạn thật, tâm trạng tôi khá hồi hộp, lo lắng, đúng hơn là rất bất ổn. Thi bắn đạn thật là môn tôi thiếu tự tin nhất trong các môn học. Lý do rất đơn giản, mắt tôi bị loạn thị. Loạn thị thì nhìn cái gì cũng bị nhòe, không sắc nét. Lại thêm ăn uống đói kém nên bệnh loạn thị càng nặng hơn. Tôi rất nhớ khi đi vào các hiệu sách ở phố Tràng Tiền tìm kiếm sách tham khảo, tôi phải nheo mắt hết cỡ mới thấy các dòng chữ trên các cuốn sách để trên kệ. Đến nổi mấy cô bán hàng nhìn tôi như kẻ có vấn đề.

        Cuối cùng, ngày thi bắn đạn thật cũng đến. Ui zời ! Trượt thì trượt ! Chả nghĩ ngợi cho mệt óc. Khi đến trường bắn, nhìn tấm bia ở xa kia, tôi nghĩ bụng "Bia còn nhòe nữa là hồng tâm với hắc tâm". Chưa thi mà cầm chắc bị trượt. Tôi cũng nâng súng, nheo mắt, nín thở, bóp cò. Cuộc đời có phải lúc nào mình cũng tự quyết định được đâu ! Cái gì đến rồi cũng sẽ đến. Trượt. Thi lại !

        Ngày thi lại, sinh viên đi thi ít hơn, không khí không ồn ào, vui vẻ như lần trước. Tôi nghĩ có thi hay không thì cũng thế thôi. Nhưng cuộc đời nhiều khi có những lối rẽ tốt hơn theo cách không ai ngờ tới. Đi bên tôi lên trường bắn là một bạn sinh viên, giờ chẳng nhớ là ai. Vì biết anh chàng này là người cầm cờ ra hiệu số điểm trên vòng tròn của bia nên tôi nói:" Mắt tao loạn thị thế này chắc suốt đời thi lại, chẳng ai kiểm tra người ra cờ hiệu nhỉ ?". Bốn mắt nhìn nhau đầy ẩn ý, hình như rất hiểu ý.

        Lần thi lại ấy tôi toàn được điểm 10, chỉ có một điểm 9. Thế là xong môn bắn đạn thật. Thế đấy, cái môn "dốt nhất" là môn cao điểm nhất. Đúng là học phận thi tài ! Cuộc đời thật kỳ lạ, thật kỳ diệu ! Cuộc đời ơi ! Ta mến yêu người !

        Trên đường về tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ của Tố Hữu :

            "Có những phút làm nên lịch sử

             Có những lời hơn mọi bài ca

             Có những con người như chân lý sinh ra..."

9. TẮM THỜI SINH VIÊN

    Mãi đến tận sau này, tôi cũng vẫn không thể nào quên được những lần đi tắm của thời sinh viên. Tắm luôn là điều thú vị, nhưng tắm thời sinh viên của bọn tôi không chỉ thú vị mà còn rất mùi vị nữa !

        Chúng tôi hay đi tắm ở cái bể nước cách hơi xa khu nhà 4 ký túc xá sinh viên. Mỗi lần đi tắm là phải đi qua khu nhà tập thể của giáo viên. Khu nhà tập thể giáo viên chẳng có gì hấp dẫn nếu không có một điều...

        Thời điểm chúng tôi đi tắm thường trùng với thời điểm nấu ăn của giáo viên. Chao ôi ! Cái mùi hành, tỏi phi dầu mỡ sao mà thơm đến thế ! Riêng tôi, mỗi lần đi qua đều dừng lại, hít lấy hít để mùi thơm ấy như sợ chúng bay đi mất, đầu nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu:'' Tôi muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi". Rất có thể, mùi hành, tỏi phi ấy đi vào khắp ngóc ngách các tế bào cơ thể rồi thì tôi mới chịu rời đi để tắm. Các món ở bếp ăn tập thể làm gì có mùi ấy cơ chứ ?

        Sau này, mỗi lần ngửi mùi hành, tỏi phi ở đâu đi nữa, tôi vẫn hay nhớ về những ngày đi tắm qua khu tập thể giáo viên trường KTKH, và chắc chắn mùi của nó không thể sánh bằng, không thể đem lại một sự thăng hoa đầy cảm xúc như mùi hành, tỏi phi thuở ấy !

10. CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT MÌNH MÀ KHÔNG BIẾT

        Thời sinh viên sao mà đói thế nhỉ ? Lúc nào cũng đói ! Có những bữa vừa ăn xong, một lúc sau đã đói lả đi. Có lẽ không ai biết tôi đói thế nào đâu, vì hồi đó tôi bị huyết áp thấp nên háu đói kinh khủng. Cứ đến chiều tối, sau bữa cơm chiều, về đến phòng một lúc là tôi hay nằm dài trên giường cho cơn vã mồ hôi vì đói qua đi, rồi mới đến giảng đường học ôn bài.

        Có câu chuyện về ăn như sau. Trong bàn ăn có 5 đứa mà nhà bếp lại chia món thịt 6 lát. Vậy là thừa 1 lát, thằng nào gắp cũng ngại. Vậy là có 1 luật được ăn miếng thịt đó ra đời. Bọn tôi để cái muôi lên âu cơm rồi quay, nếu cái muôi chỉ thằng nào thì thằng đó được ăn, nhưng sau đấy phải đem bát đĩa xuống phía sau nhà bếp. Cuộc sống đói kém cứ thế diễn ra cho đến một ngày... Ấy là cái ngày được no ! Tiếc rằng để được ăn no thì cũng là lúc sắp ra trường. Cuộc vui ngắn chẳng tày gang ! Số là, hôm ấy, có việc gì đó mà cả bọn đi ăn trễ, nhà ăn đã vãn gần hết, chỉ còn mấy bàn có sinh viên ăn. Bọn tôi ăn xong, nhìn quanh, thấy có quá nhiều mâm cơm còn nguyên, thời gian ăn theo quy định của nhà bếp sắp hết. Chắc chắn các mâm này không có ai ăn. Thế là cả bọn lấy thêm mâm nữa ăn, có ai nói năng gì đâu ? Ôi ! No và ngon làm sao ! Từ đó trở đi, bọn tôi đi ăn trễ 15 phút. Cuộc đời bỗng dưng bừng sáng ! Con đường ngay trước mắt mình mà không biết ! Tôi bỗng nhớ câu nói của má tôi "Biết khôn thì sự đã già!".

11. ĐI THI TUYỂN PHI CÔNG

        Ngày ấy, tôi nằm trong diện đi khám sức khỏe để tuyển phi công. Số sinh viên đi khám không nhiều, hình như khoảng 50 đứa ở các khoa. Để được tuyển, phải trải qua 12 vòng kiểm tra. Mỗi vòng có cái khó của nó, càng vào sâu càng khó. Chẳng hạn, họ đưa một bảng số sắp xếp lộn xộn, cho đọc 30 giây, sau đó ghi lại. Hoặc là đến một bàn, họ giở từng trang ảnh, hỏi hình gì thì phải trả lời thật nhanh. Hình này có thể là ngọn núi, cái nhà cao tầng hay một đàn chim bị che bởi một đám khói mây mờ dày đặc phía trước,... Có khoảng 50 bức ảnh như thế. Buồn cười nhất là khi đến vòng đo chiều cao, cân nặng, chú tuyển dụng nói tôi cởi quần dài để cân, tôi ấp a ấp úng rồi cũng nói được:"Dạ quần đùi bị thủng đít ạ !". Chú cười toáng lên rồi bảo:'' Thôi mặc quần cân cũng được !". Khỏe cái ruột ! Hình như tôi cân được 45kg thì phải. Chú nói:" Cỡ mày tao vỗ béo 3 tháng là lên 60kg". Tôi qua đến vòng 7 thì trượt vì bị phát hiện có cái sẹo trên đầu. Thế là cuộc thi tuyển phi công của tôi phải dừng lại. Thôi đành dang dở ước mơ "mai sau em lớn em làm phi công, bay cao hơn nữa anh ơi biết không". Thôi về lại con đường quy hoạch với những phương án tối ưu tối khuyết cho rồi !

12. COI THI Ở NGHỆ AN

        Không biết năm đi coi thi ở Nghệ An là năm nào ? Hình như là năm 1977. Đoàn chúng tôi coi thi ở Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ngày ấy, những chuyến đi xa thật hào hứng và phấn khích. Ngồi nhìn qua cửa sổ tàu hỏa, thấy muôn hình vạn trạng cảnh sắc. Ruộng đồng, đồi núi, những dòng sông cứ trôi lướt qua trước mắt. Không biết sẽ coi thi thế nào nhỉ ? Mình hơn bọn thí sinh chỉ vài tuổi chứ mấy. Trong đầu tưởng tượng đủ thứ mông lung.

        Hôm coi thi, tôi làm giám thị một phòng gồm 40 thí sinh. Cảnh tượng hỗn độn ban đầu nhường chỗ cho sự im lặng sau khi làm các thủ tục trước giờ thi. Giờ thi bắt đầu. Tôi ngồi ở bàn giáo viên trên bục giảng, nhìn xuống thấy thí sinh có vẻ lấm lét lắm. Nhìn ra phía bờ tường rào của trường, không thể hình dung được cảnh hoạt động nhộn nhịp của những người hỗ trợ con em mình đang thi bên trong. Sau khoảng 15 phút, các thể loại phao ném vào, đứa thì xin đi vệ sinh, đứa thì xoay ngang, xoay dọc, hỏi nhau loạn hết cả lên. Tôi làm công tác trật tự, im được một lúc, tình trạng lại như cũ ngay. Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng đi thi hỗn loạn, ồn ào như vậy bao giờ. Khi tôi đi xuống, tất cả đều ngồi rất ngay ngắn, tôi bất thần quay lại thì ôi thôi, tài liệu, sách giáo khoa,... được thí sinh mở ra rất nhanh để chép bài. Tôi thu được vài cuốn tài liệu rồi lại đi xuống, thí sinh cảnh giác hơn, sợ tôi quay lại bắt quả tang. Tôi đi lên, bất thần quay lại, lại thu được một mớ tài liệu nữa. Cậu thí sinh lúc nãy xin đi vệ sinh, xin phép vào lớp, tôi nói có tài liệu thì bỏ ra. "Không có ạ !" Tôi thấy cồm cộm trong áo:"Cái gì đây ?" Thế là một tài liệu nữa được thu. Cuối giờ, tổng kết có 36/ 40 em xem tài liệu, vi phạm quy chế thi cử.

        Hết giờ, thí sinh lẽo đẽo theo sau tôi cả dây, van nài: "Xin thầy đừng làm biên bản bọn em !". Có đứa khóc, có đứa mắt đỏ hoe. Nghĩ cũng tội tội. Tôi nói:" Các em hứa không được mở tài liệu thì tôi sẽ không lập biên bản". Cả đám reo lên vui sướng. Có phụ huynh hỏi "Thầy ơi ! Thầy đang ở nhà ai ?". Tôi ở nhà ai thì có liên quan gì nhỉ ?

13. LÀM THƠ CHUI

        Thuở ấy, cái thuở sinh viên ấy mà, tôi rất hay làm thơ, đủ các thể loại. Tôi thích làm thơ từ hồi lớp 4. Thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, lục bát, thơ vui,... đủ cả, nhưng nhiều nhất là thơ tình, mặc dù không có lấy mảnh tình rách vắt vai ! Yêu ai ? Ai yêu ? Thấy xinh xinh, cười cười, thích thích, thế thôi ! Làm thơ mà cứ thậm thà, thậm thụt, giấu giấu, giếm giếm, sợ bọn nó biết thì chết ! Đó là làm thơ chui. Tôi làm thơ rất nhanh, thơ như có sẵn đâu đó trong cặp, trong túi, chỉ việc rút ra là có ngay. Nhưng giờ thì cảm xúc đã vơi đi nhiều cùng năm tháng, chẳng còn lưu giữ hay nhớ gì nữa, nếu có làm thơ, đọc chỉ ... ngu ngơ thêm mà thôi.

        Tôi đã từng hủy cả tập thơ dày sau khi tốt nghiệp đại học và chuẩn bị sắp xếp đồ đạc về Đà Nẵng. Có một kỷ niệm không quên. Tôi đem một bài thơ của mình ra hỏi Nguyễn Bá Hiền:" Ông có biết bài thơ này của Huy Cận hay Xuân Diệu không ?". Hiền đọc xong bảo:" Của Huy Cận". Tôi tủm tỉm cười nói:"Sai". Chắc Hiền nghĩ là của Xuân Diệu đây. Ha ha ! Phải thế chứ ! "Thiết tha rạo rực như Xuân Diệu mà lị"! Chuyện này chắc chắn Nguyễn Bá Hiền không thể nhớ, nhưng tôi thì vẫn nhớ đến tận bây giờ. Dù quên hết thơ mình làm, nhưng tôi vẫn nhớ một bài thơ vui làm thuở ấy, chép ra đây để mọi người cùng đọc, nghe tức lỗ tai chơi :

        VỊNH CÁI LY HOA

        Ghét cái mặt cô mỗi lần nhìn

        Lòe loẹt hoa áo, khó mà tin

        Môi cô chung chạ bao người tới

        Thế mới trách cô mụ đa tình !

         Tháng 10/2020, lớp Toán và MT K17 gặp mặt Kỷ niệm 45 năm tựu trường, tôi làm bài thơ liệt kê tên sinh viên 2 lớp trong 4,5 năm cùng học, tặng tất cả các anh, các bạn.

         XUÂN        

         Thái Bình Chuông Ngân Hiền Hòa Dung                        

         Đông Nam Thu Thủy Điệp Lan Hùng

         Hoàng Yến Chi Mai Tuyên Nghị Nhậm

         Luyến Ái Thành Công Hiển Linh Dung

         Hằng Hà Thiện Thọ Lâm Hưng Phúc

         Lan Phương Đông Tỉnh Tuấn Nga Trung

         Nhượng Lễ Được Châu Mai Tỉnh Toản

         Minh Hiển Long Oang Chỉnh Khánh Dung

14. VẼ LÉN

         Giống như làm thơ chui, tôi hay vẽ lén, sợ mọi người biết thì gay. Tôi rút kinh nghiệm ở cấp ba, vì biết tôi vẽ, làm thơ và viết chữ đẹp nên tôi rất khổ vì phải làm chủ biên các tờ báo tường của lớp. Thậm chí, trường còn huy động tôi viết vào cả một xấp giấy khen mỗi cuối năm học. Lên đại học, tốt nhất là giấu "tài" cho yên thân. Thế là làm thơ thì làm chui, vẽ thì vẽ lén. Tôi hay vẽ chân dung mọi người trong lớp nhưng giấu tiệt và hủy luôn cho chắc.

         Ngày kiến tập tại xí nghiệp Sửa chữa toa xe (cổng ở phố Khâm Thiên), tôi được phân về phòng Vật tư. Sổ sách, giấy tờ lem luốc dầu mỡ, trông mà kinh. Hồi đó, công việc chủ yếu là làm quen sổ sách, giấy tờ, chứng từ nên thời gian rảnh rỗi quá nhiều. Chẳng như bây giờ, có điện thoại còn lướt web, ngày ấy chỉ buôn chuyện và làm đủ thứ lằng nhằng cho hết giờ. Có lần tôi đem một cuốn phiếu nhập vật tư ngồi nhìn chị kế toán kho và vẽ chân dung. Vẽ say sưa, bỗng một chú trong phòng đứng sau lưng tôi lúc nào không hay và nói:"Vẽ giống lắm". Chị kế toán kho chạy lại thấy bức chân dung tôi vẽ, kêu lên:"Ôi ! Giỏi thế !". Chú kia thì nói:"Kiến tập của mày đạt rồi đấy chú em !"

15. LY RƯỢU ĐẦU ĐỜI

         Trong chuyến dã ngoại tập bắn đạn thật ở Việt Yên, Hà Bắc, chúng tôi được phân ở nhà một hộ dân. Nhóm của tôi nếu nhớ không nhầm có tôi, Chuông, Lâm và Thành.

         Tối hôm ấy, khi ai nấy đều đã bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì ngoài nhà có tiếng gà con nháo nhác, kêu chiếp chiếp rất to. Ông chủ nhà chồm dậy nói:"Rắn vào chuồng bắt gà con đây", rồi ông cầm cái đèn ra. Một lúc sau, ông gọi chúng tôi dậy xem con rắn ông vừa bắt. Kinh thật ! Con rắn rất dài, nó dài dễ hơn 1m. Sau đó, ông buộc đầu nó, treo lên cành cây trước sân. Con rắn bị treo lên thẳng đuột. Đoạn ông lấy cái dao cắt phần cuối đuôi, máu rắn trào ra, ông cầm đuôi rắn và mút. Kinh quá ! Rồi ông hạ rắn xuống làm thịt. Ông nói:"Đối với rắn thì phải chặt đầu, lột da". Ông làm rất nhanh. Da ông rán lên, thịt ông đem băm nhuyễn rồi rán. Thơm phức. Một bữa nhậu chớp nhoáng ông bày ra, mời chúng tôi. Ông rót cho mỗi đứa một cốc rượu. Chúng tôi rất hào hứng. Riêng tôi thì lại càng phấn khích vì là lần đầu uống rượu và ăn món thịt rắn. Thơm và ngon quá ! Nghe nói rượu là rượu làng Vân. Tôi nhấp môi một tí, hơi cay xộc lên mũi, mùi rượu nồng, cảm giác khó trôi. Tôi nhấp hết một cốc rượu là bắt đầu ngà ngà say. Mọi thứ bắt đầu nhòe, mờ. Một cảm giác thoát trần. Tôi xin phép đi nằm trước. Cảm giác lâng lâng như trên mây. Mọi thứ chao đảo nghiêng ngả vừa hay hay, vừa bay bổng và lạ lạ. Thảo nào người ta thích uống rượu thế ! Rồi cảm giác lâng lâng ấy đưa tôi chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay...

16. MÓN DỒI CHÓ

         Tôi không còn nhớ rõ vào thời điểm nào, chắc là lúc kết thúc kỳ thực tập tốt nghiệp. Nhóm của tôi làm bữa liên hoan (giờ chẳng nhớ nhóm có những ai). Nhóm có mời một số bạn tham dự. Tôi và Nguyễn Phan Lâm được phân công mua chó. Chiều đó, hai thằng tồ đèo nhau bằng xe đạp ra chợ, đi loanh quanh, hỏi dạo một hồi rồi cũng mua được con chó vừa túi tiền. Khi đó con chó bị trói chân cho vào bao tải nên trông cũng rất ổn. Ngặt nỗi, trên đường về, ai đi qua cũng ngoái nhìn, vì con chó cứ vùng vằng, kêu ăng ẳng, điếc lỗ tai. Ai cũng biết mình chở chó. Xấu hổ thật ! Cuối cùng cũng về đến nhà. Hồi đó, thực tập ở Hoài Đức thì phải.

         Tối đến, hai thằng sợ để bao chó ở ngoài bị lấy trộm, bèn đem vào nhà cho chắc ăn. Nằm mãi mà không ngủ được vì con chó cứ kêu ăng ẳng như chọc vào lỗ tai. Hai thằng bàn nhau, rồi dậy buộc mõm chó lại. Con chó ngoan ngoãn chỉ ư ử, tiếng rất nhỏ. Lúc đó ngủ mới yên. Nửa đêm tỉnh giấc, không thấy chó kêu nữa, bèn xuống giường đi ra bao tải đựng chó xem sao. Than ôi ! Con chó đã chầu trời từ lúc nào rồi. Thế này, mai làm món dồi chó kiểu gì đây ? Hoang mang nổi lên. Nhưng rồi vấn đề gì cũng có giải pháp của nó ! Hai thằng bàn nhau mai đi chợ sớm mua huyết lợn về trước khi mọi người biết chó đã chết. Sáng sớm, công việc đi chợ mua huyết lợn đã xong, công việc cắt tiết giả cũng rồi. Êm ru rù rù. Hôm ấy, mọi người ăn dồi chó tiết lợn mà không ai phát hiện ra, vẫn được khen ngon. Thế đấy, thảo nào nhân gian vẫn truyền tai nhau câu nói: "Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không ?".

17. ĂN KEM

        Có một lần thời sinh viên, má tôi gửi ra cho tôi 50 đồng. Khổ thân má tôi, lương có hơn 60 đồng gửi thế thì còn gì mà ăn ? Giờ mỗi lần nghĩ lại là mắt lại rưng rưng. Tiền sẵn trong túi là tôi phi ngay ra Bờ Hồ, lang thang vào gần hết các hiệu sách ở khu vực đó và phố Tràng Tiền, lọ mọ xem tranh trong các gallery. Tôi nướng tiền chủ yếu cho sách và truyện.

        Lần ấy, khi vào hiệu sách Thiếu nhi (gần nhà Nguyễn Phan Lâm), tôi thấy trong đó chỉ có 2 chị đang nói chuyện với nhau. Một người trong quầy, một người ngoài quầy, tôi thì xem sách. Bỗng nghe lỏm được câu nói của chị bán hàng đứng trong quầy :"Ui giời ! Sống trong gầm trời này nó thế !". Khi bước ra ngoài hiệu sách, nhìn lên bầu trời bao la tôi tự hỏi: "Sao lại gọi là gầm trời nhỉ ?". Tôi tiếp tục la cà trong các hiệu sách ở Tràng Tiền. Rồi chân đưa tôi đến mấy hàng kem lẻ trước Ngân hàng nhà nước.

        Kem luôn có sự hấp dẫn kỳ lạ ! Nhớ thời ấu thơ 3,4 tuổi gì đó, khi đang ngủ trưa, tôi bỗng có cảm giác lạnh lạnh trên môi. Tôi tỉnh giấc thấy má tôi đang cười, cầm cây kem đặt ngang lên miệng tôi. Bà đánh thức con theo cách thật đặc biệt. Tôi chồm dậy liền, chứ không cò cưa cút kít như mọi khi. Cây kem có cả nho khô ngày ấy ngon tuyệt cú mèo. Tôi thích kem từ thuở ấy. Tôi nói chị bán kem bán 1 cây kem. Rồi 2 cây nữa. Mút bên này rồi bên kia, kem không thể chảy nước với tôi được ! Lại 2 cây nữa. Cứ thế cho đến khi chị bán kem nói: "Thôi ông ạ ! 17 cây kem của tôi rồi đấy, ăn nữa rồi lăn đùng ra đấy, chết tôi à ?"

18. BÀ THỌ

        Những ngày thực tập ở Hoài Đức, bọn tôi ở trọ trong nhà của một bà già tên Thọ. Bà ở một mình. Bọn tôi được bà cho ngủ nghỉ ở cái sập to bên phải cửa ra vào. Phía đó cũng có cái cửa nhìn ra sân. Có lần, sáng ra bà nói :"Đứa nào ngủ mà cứ bẻ đốt tay nghe rốp rốp cả đêm ?". Tôi nghe giật mình biết ngay là mình, nhưng không nhận... tội. Tôi hay bẻ đốt tay một cách vô thức trong lúc ngủ như thế. Lạ nhỉ ? Một hôm, bà nói tôi và Nguyễn Phan Lâm gọt vỏ khoai cho bà luộc. Tôi và Lâm hì hụi gọt khoai bên cạnh bờ ao. Thấy Lâm gọt xong, củ khoai chỉ còn bé tẹo, tôi nghĩ "gọt thế thì còn gì mà ăn ?" Tôi khôn, cạo vỏ cho nhanh, khoai còn gần như nguyên củ. Bà Thọ đi qua thấy tôi cạo vỏ thế bèn nói: "Giời ơi ! Cháu cạo vỏ thế thì lợn còn gì mà ăn ?". Ơ ! Gọt vỏ khoai là để cho cả lợn ăn nữa à ? Đúng là sinh viên đại học, học chữ rất to mà những cái việc rất bé chúng nó có biết gì đâu ! Hôm ấy tôi mới để ý cái chuồng với mấy con lợn của bà, con nào con nấy gầy tong teo...

19. CHUYỂN NHÀ TRỌ

        Trong một lần đi thực tập, tôi được xếp vào nhóm ở cùng với Nguyễn Phan Lâm, Mai Văn Công và 1 bạn nữa giờ không nhớ là ai.

        Ngôi nhà chúng tôi trọ rộng nhưng xơ xác. Ông chủ nhà rất thân thiện và cởi mở, còn vợ ông thì chẳng thấy đâu. Tối đến mới nghe tiếng ho của bà ở nhà dưới. Sau một vài ngày ở, cứ đến đêm là bọn tôi không sao ngủ được vì bà chủ ho suốt đêm. Tiếng ho rũ rượi cảm giác muốn bay nát cả lá phổi. Công nói: "Bà chủ nhà chắc bị ho lao chúng mày ạ ! Tình hình này phải cuốn đi gấp thôi". Không nói ra nhưng bọn tôi ai cũng nghĩ thế.

        Một bữa trưa nọ, khi chúng tôi về đến nhà, ông chủ nhà nói: "Nhà có giỗ" và để phần chúng tôi một mâm cỗ đầy các món ngon trên bàn. Đám giỗ mà sao chẳng có ai nhỉ ? Ngồi vào mâm, nhưng chẳng đứa nào dám gắp ăn, sợ bị lây ho lao thì chết. Nhìn đồ ăn thèm lắm nhưng mà đành bấm bụng thôi. Tội nghiệp ông chủ nhà cứ giục: "Ăn đi các cháu !".

        Rồi cái gì đến cũng phải đến. Chúng tôi quyết định chuyển nhà trọ đến nơi ở mới với lý do cho gần nơi sinh hoạt của lớp. Chỗ ở mới đàng hoàng hơn hẳn. Nơi đây cứ sáng sớm đã có tiếng giã gạo phía bên hông nhà. Sau này mới biết chủ nhà thuê một chị bị mù cả 2 mắt giã gạo. Ngày ấy tôi đã phục lăn về cái tài của người mù. Nhà chị ấy ở xóm trong. Chị luôn đến rất đúng giờ để giã gạo vào sáng sớm khi trời còn tối om. Nhìn chị ấy làm các việc chẳng ai nghĩ là bị mù. Ông chủ nhà nói: "Cô ấy xâu kim và may vá giỏi lắm!". Nghe mà choáng !

        Ông chủ nhà hút thuốc lào, nhưng hút bằng điếu bát chứ không phải điếu cày. Có một lần ông chủ đi vắng, tôi thử làm một điếu xem cảm giác hút điếu bát khác điếu cày thế nào ? Rít một hơi thật sâu, nhả khói ra xong là tôi say thuốc: chân tay bủn rủn, toàn thân lạnh toát, vã hết mồ hôi. Tôi nằm vật ra giường rất lâu, buồn nôn rồi chạy ra nôn thốc nôn tháo. Lại nằm vật ra giường. Mãi sau mới hết say, nhưng toàn thân vẫn rã rời. Thật đáng đời !

                                       20. CAO THỦ

        Đó là những ngày tập bắn đạn thật ở Việt Yên, Hà Bắc. Khi ở trọ trong ngôi nhà của một người dân và quan sát các ngôi nhà khác trong làng, có một điều tôi vẫn luôn thắc mắc đến tận bây giờ. Đó là nhà nào cũng có một cái nhà vệ sinh làm ngay ở bên trái cổng ra vào. Lạ thật ! Sao người ta không làm ở chỗ nào cho kín đáo hơn nhỉ ? Hay là những nhà vệ sinh làm luôn nhiệm vụ ủ phân bắc, đặt gần cổng để tiện vận chuyển và để khỏi vương vãi lung tung chăng ? Mà ngày ấy sao không hỏi luôn để được giải đáp, mà lại để đến tận bây giờ vẫn là một câu hỏi lớn ? Dốt thật !

        Những ngày tập bắn đạn thật ấy dù sao cũng là những ngày được ăn no, dù thức ăn chẳng có gì. Có bữa thức ăn chỉ là lạc rang trộn với nước mặn có màu, gọi là mắm nhưng chẳng có tí mùi mắm nào. Khi ăn, ruồi xanh chết lẫn với lạc nhìn rất giống nhau, may mà phát hiện được chứ không thì gắp nhai luôn cả ruồi. Chẳng lẽ đổ cả đĩa lạc đi ? Thế là gắp ruồi xanh vứt đi rồi ăn tiếp. Vẫn ngon ! Tôi nhớ bữa đó tôi ăn 7 bát cơm B52, và tôi được đưa vào danh sách hàng cao thủ. Vậy mà vẫn thua ông Chuông ăn 8 hay 9 bát gì đó. Chẳng hiểu cái dạ dày nó cấu tạo ra làm sao nữa. Có lẽ vì khả năng chứa siêu phàm như vậy nên nó mới có tên là dạ...dày chăng? Mà sao dạo đó có nhiều cơm bất thường vậy nhỉ ?

21. KHÓC GIỮA THỦ ĐÔ

        Hai năm đầu đại học, tôi sống ngoại trú theo má tôi ở Giáp Bát, Hà Nội. Hồi đó, má tôi được điều chuyển đến trường Bổ túc Công nông trung ương, chuyên đào tạo cho cán bộ miền Nam, hầu hết là cán bộ đã lớn tuổi. Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng đã từng học ở đây.

        Năm 1977, má tôi về hưu rồi chuyển về Đà Nẵng, tôi khăn gói vào ở nội trú. Tôi được mọi người ưu ái bố trí ở cái giường ngay bên phải cửa ra vào ??? Cái giường ấy của tôi rất đặc biệt, khác hẳn những cái giường của mọi người trong phòng. Đặc biệt ở chỗ, ai vào phòng là ngồi ngay ở đó. Nó đã in dấu gần như tất cả các loại ... mông của mọi người trong lớp. Đó là kỷ lục guiness của phòng.

        Khi tết đến xuân về, tôi không có tiền để về nhà ở Đà Nẵng, nên ở lại ăn tết ở trường. Càng gần đến tết, không khí trong trường càng trở nên bớt ồn ào. Khi mọi người trong phòng đã về nhà ăn tết hết thì không khí trong phòng thật trống vắng, lạnh lùng đến sởn da gà.

        Ngày 30 Tết, càng về chiều, trường càng trở nên vắng vẻ. Nhìn quanh các nhà 1,2,3,4, sinh viên cũng đã về gần hết. Khi màn đêm buông xuống mới thực sự đáng sợ. Một bầu không khí mới đây thôi còn náo nhiệt, giờ ngôi trường đã như một tòa lâu đài bỏ hoang từ thời trung cổ. Những ánh đèn của một vài phòng của các nhà KTX không đủ làm ấm lòng ai ở lại trường. Càng về khuya càng im ắng kinh khủng. Tiếng pháo đì đùng bắt đầu lác đác nổ, phá tan cái vắng lặng rợn người đang tràn ngập tâm hồn tôi. Sắp giao thừa, tiếng pháo ngày càng dồn dập hơn, lúc đó sự háo hức về một năm mới trong tôi mới xuất hiện. Tôi quyết định đi lên gác thượng để ... xem giao thừa. Thật rợn người.

        Đứng trên gác thượng, một cảnh tượng thật tuyệt vời trải ra trước mắt tôi. Khói pháo ùn ùn bốn bề dâng lên trắng xóa hòa cùng tiếng pháo ngày càng dồn dập hơn. Lúc tiếng pháo đẩy thành cao trào là tôi biết thời điểm giao thừa đã đến. Tôi thấy nhớ ba má tôi, nhớ mọi người trong gia đình, nhớ không khí ồn ào của ngày Tết gia đình. Tôi bỗng khóc òa lên, rồi khóc rống lên như một đứa trẻ. Nước mắt giàn giụa. Tôi khóc thật lâu. Chẳng ai nghe tiếng khóc của tôi, mọi người đang bận nghe tiếng pháo giao thừa mà. Rồi sau đó mắt tôi ráo hoảnh. Tôi hết khóc. Lúc đó tôi cảm nhận có một Hà Nội đang dõi theo tôi, lắng nghe và thấu hiểu tiếng khóc của tôi. Có một Hà Nội - Thủ đô đã chứng kiến tôi thực sự lớn lên từ thời khắc giao thừa năm ấy...

22. NHỚ VỀ CÁC ANH, CÁC BẠN

        BÍCH LAN

        Bạn Bích Lan có một điệu cười rất đặc trưng không lẫn vào đâu được "Hí hí !". Ở đâu có hí hí, ở í có Bích Lan ! Khi nghĩ về bạn Bích Lan tôi thường nhớ 2 câu chuyện:

        Chuyện thứ nhất: Ngày đi lao động ở Đà Bắc, Hòa Bình, mọi người ngồi trên thùng một chiếc xe tải lên Thung Nai, ngồi bên phải tôi là Bích Lan (hình như Bích Lan chỉ đi theo lên chơi chứ không lao động ???). Tôi nghe Bích Lan nói có mang theo một gói kim khâu để lên đấy đổi lấy gà của người Thượng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng “Mấy bạn này tài thật !”. Mình chẳng biết tí tẹo gì về điều này, biết thì chắc tôi sẽ mang thật nhiều kim khâu lên, tha hồ mà ăn thịt gà. Không biết lần đó Bích Lan đổi được mấy con gà đem về xuôi ?

        Chuyện thứ hai: Một lần sau cuộc họp lớp ở nhà 4 kết thúc, lúc đó trời đã tối, đường đã lên đèn, mọi người ùa ra về. Tôi cũng đi xuống và là người đi sau Bích Lan. Bỗng tôi nghe Bích Lan đang lẩm nhẩm gì đó trong miệng, rất nhỏ, như đọc thần chú. Thấy kỳ kỳ tôi căng tai ra nghe. Hóa ra nàng ta đang đếm "ba, bốn, năm..." Haiza ! Nàng không tin vào đôi kính cận dày cộp của mình nhìn bậc thang nên đếm số bậc...cho chắc. Tôi giờ mắt cũng kém lắm nên khi xuống thang cũng học đòi kiểu đếm bậc thang cách đây hơn 40 năm của Bích Lan đấy.

        HOÀNG YẾN

        Có một lần, tôi và Nguyễn Văn Thành đi sau Hoàng Yến ở nhà 4. Yến hôm ấy mặc cái áo hình như là mod của thời đó, có hàng cúc cài sau lưng. Thành chỉ cái áo của Yến và bảo tôi :"Đố ông trêu cái Yến đấy !". Trêu thì trêu, có gì mà sợ nhỉ, làm hoa cho người hái, làm gái cho người trêu ! Nghĩ thế, tôi nói :"Bạn Yến mặc áo ngược à ?". Thế là bạn Yến quay lại choang cho tôi mấy câu có vẻ nặng lời lắm, ù hết cả tai, giờ không nhớ là câu gì nhưng vẫn nhớ nét mặt Yến khi đó rất giận dữ. Hoảng quá, tôi kéo Thành vội ngoắt lên cầu thang tầng trên, Thành thì chỉ tủm tỉm cười... Tôi bị Thành chơi khăm rồi đây ! Chỉ có Thành mới biết người Hải Phòng là chi ! Sau lần ấy tôi cạch, không dám … đùa với bạn ấy nữa. Mãi về sau, khi đã ra trường, trong một chương trình truyền hình của VTV, nghe ca sĩ nổi tiếng Hải Phòng Phạm Thu Hà tâm sự, đại ý rằng mình bây giờ hiền và nhu mì hơn xưa rất nhiều, ngày trước thì tính cách đúng như người ta nói về người Hải Phòng là "người Hải Phòng nó cứ lồng lồng".

        Thế mà người đời bảo làm gái cho người ta trêu ! Sai !

        PHẠM KIM DUNG

        Mỗi khi nghĩ về Phạm Kim Dung tôi hay nhớ đến 3 câu chuyện.

        Chuyện thứ nhất: Một lần, có việc gì đó mà tôi và Nguyễn Phan Lâm đến nhà Phạm Kim Dung - khi đó đang ở khu Bệnh viện 108. Nhà không có ai, tôi nhìn lên tường thấy có một bức tranh nhỏ vẽ bằng bút mực màu đen. Bức tranh chỉ vẽ bóng mà không vẽ hình (kiểu như chân dung Che Guevara). Rất ấn tượng ! Dung nói của thằng em vẽ. Vì tôi là dân hay vẽ nên rất nhớ việc này. Rồi tôi cũng nhớ câu bạn í nói với tôi lúc đó:" Bạn ngồi hẳn vào trong giường, đừng ngồi ở mép, dễ hỏng nệm !". Haiza, toàn nhớ cái chi chi !

        Chuyện thứ hai: Lần ấy đi lao động ở Thung Nai, Đà Bắc, Hòa Bình. Trong một lần đi làm cỏ lúa, tiếng Mường nói là "Ti la co lo". Tôi ngồi nhổ cỏ gần bạn Dung. Bỗng bạn Dung nói nhỏ đủ cho tôi nghe, đại ý là "Ghét nhất là làm việc gì có ai giám sát". Tôi ngoái cổ lại theo hướng ánh mắt mang hình viên kẹo của bạn Dung, thì ra đó là một ... anh. Chẳng hiểu sao đến giờ tôi vẫn nhớ câu nói ấy ???

        Chuyện thứ ba: Bạn Dung vừa đi về nhà ở Hà Nội lên Thung Nai. Chuyện chẳng có gì để nhớ nếu không có một việc. Khi ấy tôi và Nguyễn Phan Lâm đang nói chuyện tào lao ở trên nhà sàn với mấy đứa thì bạn Dung vẫy tôi và Lâm ra phía sau nhà. Tưởng có việc gì, hóa ra nàng đưa cho gói bánh mỳ khô thái lát. Thật vui và cảm động ! Đang đói thì được bạn mình cho quà ăn sao ngon thế không biết ! Nhớ đến tận bây giờ.

        PHƯƠNG LAN VÀ THANH DUNG

        Từ ngày ra trường cho đến tận bây giờ, khi nào thèm một món ăn mà bạn Phương Lan và Thanh Dung nấu ngày ấy là thế nào tôi cũng sẽ tự tay nấu món ấy để ăn. Cứ chuyện gì liên quan đến ăn là nhớ, thế mới biết ngày ấy đói khát cỡ nào.

        Hình như đó là những ngày thực tập ở Hoài Đức thì phải. Ngày hôm ấy, tôi cùng mấy thằng nữa ăn cùng nhóm với Phương Lan và Thanh Dung. Phương Lan và Thanh Dung phụ trách nấu nướng. Khi nồi cơm đã chín đang còn trên bếp, tôi mở vung ra, rồi lấy ngón trỏ làm dấu chia phần dọc ngang trên miệng nồi 1,2,3,4, rồi lẩm nhẩm nói :"Ít ! Đói !". Lúc nhìn lên thấy Phương Lan và Thanh Dung đang nhìn nhau rồi nhìn tôi ... cười toét miệng ! Bộ dạng của tôi lúc đó chắc hẳn buồn cười lắm !!! Hôm ấy Phương Lan và Thanh Dung nấu món đậu phụ sốt cà chua, có cả thịt lợn ba chỉ. Trời ơi ! Ngon thấu xương, thế nên tôi mới nhớ đến tận bây giờ.

        NGÔ PHI NGA

        Tôi nhớ ngày ấy bạn Nga rất hay cười đùa và cảm giác dễ gần. Không hiểu trong một dịp nào đó cả bọn kéo nhau đến nhà Phi Nga chơi khá đông. Khi đến nhà Nga thì tôi lại bị cuốn vào 2 người bạn nam đang ở ngoài sân nhà. Hai bạn này tuổi cũng ngang ngang mình. Mỗi người một chiếc guitar, người chơi giai điệu, người đi bass (trầm). Họ đang tập ráp một bài nhạc vào với nhau cho khớp. Tôi lao vào trò chuyện và trao đổi về chuyện nhạc, chuyện guitar rất say sưa. Chẳng là ngày ấy tôi đang tự học guitar mà. Tôi chẳng còn biết mọi người cùng đi đã chuyện trò những gì cho đến khi họ gọi tôi ra về. Mãi về sau, ký ức này tôi vẫn không hề quên khi nghĩ về bạn Nga. Thấy guitar là nghĩ đến Phi Nga !

        LƯU VĂN CHUÔNG

        1. Thời sinh viên cái gì cũng thiếu thốn, cái gì cũng thèm. Thuốc lá chẳng bổ béo gì mà hễ thiếu là thèm. Tôi biết hút thuốc lá từ ông Chuông. Ông này hút thuốc như thần. Thuốc lá, thuốc rê, thuốc lào, thứ nào hút cũng giỏi. Nói về hút thuốc, tôi nhớ có lần, trong quán nước chè gần cổng trường phía đường Tiểu La, ông Chuông nói:"Tao rít thuốc lào, thở ra sẽ không có tí khói nào". Ai nghe cũng không thể tin được ! Thế nhưng ổng làm được như ổng nói. Ổng vê thuốc, nhét vào lỗ điếu, làm thuần thục các động tác của người hút thuốc lào nghiện nặng, rồi rít thật dài, tiếng nước lóc xóc trong ống điếu nghe đã tai lắm. Đoạn ổng bỏ ống điếu cày ra khỏi miệng rồi hít tiếp một hơi nữa, mắt lim dim như làm phép thuật. Một lúc sau ổng mới nhả hơi ra, từ từ, từ từ. Lạ thay! Không có khói thật ! Mấy thằng ngồi trong quán chứng kiến đều tròn xoe mắt, thán phục ! Tài thật ! Lạ nhỉ ? Sao lại có thể như thế được cơ chứ ? Vậy khói đi đâu ? Chắc vào hết ngóc ngách tế bào của lá phổi rồi. Khói và nicotin vào trong đó hết đường ra. Ngày ấy, bọn sinh viên hút thuốc lào hay truyền nhau câu thơ: "Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện. Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao". Giờ vẫn thấy hãi !

        2. Có một lần, không hiểu ai cho Chuông về quê khi đang học bắn đạn thật ở Việt Yên, Hà Bắc. Khi ở quê trở lại, nó mang một balô to. Bọn tôi tưởng được một phen ăn đồ ngon nó mang ở quê lên, nhưng tất cả đều tẽn tò. Chẳng có dấu hiệu gì có đồ ăn. Một lúc sau nó mở balô, khoe thuốc rê nén rất chặt, đầy cả một balô nặng. Thế đấy, hóa ra anh chàng thèm thuốc quá, chịu không nổi phải chuồn về quê, mang thuốc lá lên để tích trữ hút dần. Tôi bắt đầu biết hút thuốc từ đó... Rồi sau này tôi nghiện đến mức mỗi ngày hút hết 2 bao thuốc lá. Nếu nối các điếu thuốc mà tôi đã hút, tính ra khéo dài bằng đường xích đạo !

        3. Mùa hè ở nội trú là một mùa kinh khủng. Tìm cách để mát là một mục tiêu lớn. Thuở ấy, buổi tối, lũ sinh viên của khoa Toán và khoa Thống Kê thường lên gác thượng nhà 4 để hóng gió, rất đông. Dù gác thượng vẫn chưa hả hết hơi nóng hấp thụ ban ngày, nhưng có hề chi. Vui và gió mát là OK rồi. Đám thì đàn hát, đám nói chuyện phím, thôi thì đủ thể loại. Ông Chuông và tôi cùng mấy đứa nữa trải chiếu, tẩm quất cho nhau. Trải nghiệm tẩm quất thời sinh viên là một thú vị khó quên. Ông Chuông tẩm quất rất giỏi và rất đã. Tôi biết các ngón tẩm quất cũng từ đây. Nó làm đủ chừng 15 món rất bài bản: đấm, xoa, nhéo, chặt,... kêu bốp bốp nghe khoái lỗ nhĩ lắm. Sau màn tẩm quất là những giấc ngủ thật sâu giữa bầu trời đầy sao...

        4. Ăn dừa trộm:  Trường của ta ngày ấy thật đẹp. Cây cao lá xanh rợp hai bên đường và cũng khá nhiều dừa. Dừa chín lại gặp bọn sinh viên đã thành những con ma con quỷ trưởng thành. Chắc ai nhìn những chùm dừa chín cũng có một ước mơ được uống nước dừa ! Tôi không còn nhớ rõ ai là người đã hái trộm dừa ngày ấy. Rất có thể là ông Chuông ? Tôi vẫn nhớ, đêm ấy tôi cùng Chuông và khoảng 2,3 vị nữa, giờ không nhớ là ai, đóng cửa phòng để ăn dừa hái trộm. Ăn xong, dọn dẹp sạch sẽ lắm - kiểu ăn vụng biết chùi mép vậy.

        Sau cuộc gặp 45 năm ngày tựu trường, ông Chuông điện thoại bảo tôi đến chỗ ổng kiếm gì ăn. Tôi mượn xe máy của đứa cháu đến nơi, ngồi một lúc có 1 người bạn thời phổ thông của Chuông cũng đến. Ba tên kéo nhau đi nhậu. Trong cuộc nhậu hôm ấy, nghe anh bạn Chuông nói: "Ông Chuông này giỏi lắm. Ngày xưa, ổng không cần hái dừa nhưng vẫn hút sạch nước trong quả dừa". Tài chưa ? Nghe vậy tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện ăn dừa trộm ngày xưa. Chắc chắn ông Chuông là thủ phạm rồi, còn ai vào đây nữa cơ chứ ?

        NGUYỄN QUANG LUYẾN

        Ngày ấy Luyến mời mọi người trong lớp về dự đám cưới của người em ở Quốc Oai. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đi dự đám cưới ở một vùng quê Bắc Bộ với tư cách của một … thanh niên mới lớn. Phái đoàn của lớp Toán 17 được đón tiếp rất chu đáo, vui vẻ và thân tình. Chuyện cũng có thể bị lãng quên nếu không có một việc liên quan đến ca nhạc. Hôm ấy tôi được ban tổ chức mời lên hát. Chắc Luyến giới thiệu tôi cho ban tổ chức. Tôi chẳng ngần ngại lên hát và hát cũng tốt. Kết thúc được mọi người vỗ tay quá trời. Nhưng vì mọi người đang vui nên chẳng ai để ý đến nội dung bài hát. Trong bài hát đó có đoạn "Chỉ còn đêm nay, đôi ta sẽ chia tay". Bó tay cho thằng tồ hát với hò. Đêm tân hôn lại hát chỉ còn đêm nay đôi ta sẽ chia tay... Sau này có nhiều dịp gặp lại Luyến, khi nói về câu chuyện này, hai thằng lại phá lên cười vui, vô tư, hồn nhiên như ngày nào...

        ANH PHAN MINH LỄ

        Chuyện thứ nhất: Tôi nhớ có một lần đến nhà anh Phan Minh Lễ chơi sau ngày ra trường. Khi vào nhà anh, tôi giật mình khi thấy trên tường treo một bức thư pháp chữ Hán, đóng khung rất trang trọng. Nét viết chữ Hán không được đẹp lắm nhưng khá cẩn thận. Anh rất tự hào khoe đã học thêm và nói say sưa về chữ Hán Việt. Anh đọc những câu đối anh tự sáng tác cho tôi nghe. Tôi ngồi nghe rất chăm chú. Ông anh đâu có ngờ đề tài mà anh đang nói lại là đề tài thằng em cũng rất thích và đã theo đuổi, tự học trong suốt thời gian ở khoa Toán. Ngày ấy không có sách học tiếng Hán Việt nhiều nên tôi mua cuốn NGỤC TRUNG NHẬT KÝ (Nhật ký trong tù) của Bác để học (nhưng cũng học lén thôi, không cho ai biết). Khi tốt nghiệp ĐH, tôi đã có một số vốn liếng tiếng Hán Việt kha khá làm nền móng cho việc học thêm sau này. Sau lần đi chơi nhà anh Lễ ngày ấy, tôi càng có động lực học tiếng Hán Việt hăng hơn, tăng tốc hơn...

        Chuyện thứ hai: Sau tốt nghiệp ĐH khá lâu, khi vào Đà Nẵng anh Lễ liên lạc với tôi rồi nhờ tôi chở đến Sơn Trà để tìm lại đồng đội ngày xưa. Đúng là mò kim đáy biển. Nhưng cuộc đời rất kỳ lạ. Khi đến Sơn Trà, tôi nói tốt nhất mình vào một nhà bên đường hỏi lần lần, may ra có người biết đơn vị ngày xưa. Thế mà lại vào đúng nhà bác bảo vệ đơn vị ngày ấy. Hai người tay bắt mặt mừng, nói chuyện trên trời dưới bể khá lâu. Khi về anh rút ra tờ 50.000đ (khá lớn so với thời ấy) biếu bác bảo vệ, nói là cũng không nghĩ sẽ gặp ai, nên không chuẩn bị quà cho chu đáo. Bác bảo vệ xúc động và cảm ơn rối rít rồi tiễn hai anh em tôi về...

        NGUYỄN XUÂN ĐIỆP

        Sau cái đêm giao thừa khóc đã đời trên gác thượng năm ấy, tôi có một giấc ngủ thật sâu. Tỉnh dậy tôi bắt đầu hành trình đi chơi ngày mồng 1 Tết theo lời mời của Nguyễn Xuân Điệp. Nếu không nhầm thì nhà Điệp ở Như Quỳnh hoặc Trâu Quỳ gì đó. Theo hướng dẫn của Điệp trước khi nghỉ tết, tôi nhanh chóng tìm ra được nhà Điệp. Khi đến nơi cũng đã gần trưa. Một ngôi nhà tuềnh toàng quen thuộc của vùng quê Bắc Bộ. Điệp ra đón tôi vào nhà rất vui vẻ, nhiệt tình và chu đáo khiến tôi rất cảm động. Bên trong nhà không thấy ai. Trên bàn giữa nhà thấy bày sẵn một mâm cơm với rất nhiều đồ ăn... xưa nay chưa từng thấy. Điệp nói mẹ đi chúc tết đâu đó, chỉ có mình Điệp ở nhà. Điệp dẫn tôi đi quanh nhà giới thiệu. Một cảm giác thật khó tả. Rồi Điệp nói trưa rồi mình ăn thôi. Các món ăn mẹ Điệp làm thật ngon, đủ các món ngày tết. Nghỉ trưa ở nhà Điệp xong tôi xin phép đi Hải Phòng về nhà Nguyễn Văn Thành vì sợ trời tối. Điệp tiễn tôi một đoạn rồi quay về. Trên đường đi, tôi nghĩ mông lung đủ thứ về tết, về Điệp... chẳng mấy chốc đến Hải Phòng...

        NGUYỄN VĂN THÀNH

        Đến bây giờ tôi không thể nào nhớ được mình đã từ nhà Điệp đi Hải Phòng bằng phương tiện gì, gặp được Thành ở Hải Phòng như thế nào, ngủ nghỉ ở Hải Phòng kiểu gì. Chỉ nhớ Thành kéo tôi đi chúc tết bạn bè hồi phổ thông, rồi ăn nhậu lu bù, say sưa tối ngày, chẳng biết đâu là bến bờ ! Chẳng nhớ lúc nào về lại Hà Nội. Dịp đó Thành có dẫn tôi đến nhà Hoàng Yến chúc tết. Hình như bạn Yến có người chị tên là Đông thì phải ???

        NGUYỄN BÁ HIỀN

        Ngày ấy nhóm tôi đi kiến tập ở xí nghiệp sửa chữa toa xe Hà Nội, nhóm có cả Nguyễn Bá Hiền. Nhiều chuyện xảy ra nhưng sao tôi rất nhớ một chuyện... Lạ thật ! Đó là khi vào giờ tan ca chiều, công nhân ùa ra về, nhưng hầu như ai cũng tắm trước khi về. Chú nhân viên trong phòng nói :"Chúng mày không tắm rồi về à ? Bụi bặm thế này !". Thế là hôm đó tôi và Bá Hiền đi tắm. Khu tắm của công nhân chia làm 2: bên nam và bên nữ tách biệt. Khi vào khu nam tắm thì than ôi, một cảnh tượng hãi hùng xưa nay chưa từng biết bày ra. Đó là rất đông công nhân nam tồng ngồng tắm dưới các vòi nước chảy cực mạnh. Trời ơi ! Kính thưa các thể loại ! Tôi và Hiền khựng lại nhìn nhau. Nhưng Hiền thì có vẻ mạnh bạo hơn nói:"Vào tắm sợ gì !", thế là Hiền hòa nhập nhanh vào số đông đang tắm. Tôi cũng liều mạng hòa vào tắm sau. Xấu hổ quá ! Được cái nước xối xả rất sướng, xấu hổ rồi cũng qua. Sau lần đó, mỗi khi nước nôi ở trường có vấn đề là bọn tôi lại tắm ở đó. Tôi hỏi mấy chú công nhân :"Nữ cũng tắm kiểu này hả chú ?". Mấy chú ấy nói :"Không kiểu này thì kiểu nào ?". Trời đất quỷ thần ơi !

        NGÔ MINH HOÀNG

        Thời sinh viên bọn tôi rất hay đến nhà Ngô Minh Hoàng, khi đó ở Hàng Bột. Nhà Hoàng thật rộng, nếu bây giờ còn mà bán có lẽ mua được cả dãy phố ở đâu đó. Nhà Hoàng cũng có cây guitar, chắc của người anh. Mỗi khi bọn tôi đến chơi, Hoàng đều mang guitar ra đánh bập bung và hát :"...Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa. Kìa bao mái nhà..." nghe rất hay và mùi mẫn. Sau ngày ra trường gặp nhau ăn nhậu xong hát karaoke, đến Hoàng hát là thế nào cũng "... xây cho nhà cao cao mãi. Ôi ! Xinh đẹp Tổ quốc của ta...". Vẫn rất thiết tha và hay.

        Ngày gặp nhau gần đây nhất, khi hát, Hoàng cũng chọn bài đó. Nếu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc còn sống biết Hoàng kết bài hát đó như vậy chắc cảm động lắm ! Thế mới biết Hoàng yêu Hà Nội đến thế nào !

        ANH LÊ XUÂN NHƯỢNG VÀ PHAN XUÂN CHI

        Câu chuyện thứ nhất: Câu chuyện này mọi người ở lớp Toán K17 chắc vẫn còn nhớ, nhưng các bạn bên lớp Máy tính 17 thì có lẽ không. Ngày ấy, anh Nhượng mời cả lớp về nhà chơi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa (không biết năm nào?). Gia đình anh Nhượng đón tiếp “phái đoàn thành thị” rất chu đáo, vui vẻ và thân tình như người nhà. Mỗi lần nhớ lại, mình lại thấy thương mọi người trong gia đình anh, người thì lo đi chợ, người thì lo nấu ăn cho cả "một đoàn tàu há mồm" từ Hà Nội vào chơi.

        Nhà anh Nhượng có cây dừa rất sai quả. Hôm ấy, Phan Xuân Chi trổ tài leo cây, hái dừa. Thoắt cái Chi đã tót lên ngọn, còn mấy thằng bọn tôi thì chỉ đứng dưới ngước lên theo dõi. Khi Chi đang bám vào một tàu dừa thì bất ngờ tàu dừa rụng xuống (chắc vì cuống đã mục). Cả bọn xanh mắt nghĩ có chuyện chẳng lành. Thế mà ổng rất nhanh tay bám được ngay vào tàu dừa khác bên trên. Tất cả chỉ diễn ra trong chớp mắt. Hú hồn ! Sau đó Chi bẻ dừa trông rất hăng. Ông này có cái tay khỏe thật ! Khi bẻ được số dừa kha khá Chi mới chịu tụt xuống - chắc Chi đã đếm số người trong đoàn đi chơi.

        Nhà anh Nhượng hôm ấy huyên náo, vui vẻ cả một góc xóm. Tôi vẫn nhớ khi ra về, mỗi người cầm một quả dừa làm quà đi thành một đoàn dài trông ngộ lắm...

        Câu chuyện thứ 2: Anh Nhượng là một trong số các anh bộ đội có nhiều câu chuyện tiếu lâm nhất - những chuyện tiếu lâm của bộ đội đóng quân trong nhà dân. Như chuyện về các cô thôn nữ xin xà phòng, chuyện về các bọ (bố) chủ nhà bộ đội đóng quân chân chất, thật thà… Cứ mỗi lần anh kể xong là cả phòng lại cười rúc rích, cười nhiều đến đau cả bụng. Rồi anh còn kể chuyện vui về quê hương Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu, về bài ca dô tá dô tà... Có một câu anh nói mà tôi vẫn nhớ đến giờ là :"Sờ trâu trâu đá, sờ gái Thanh Hóa, gái Thanh Hóa đứng yên". Vui nhỉ ? Sẽ có một ngày tôi đến Thanh Hóa để kiểm chứng tính đúng đắn của câu nói này xem sao.

        NGUYỄN  PHAN  LÂM

        Câu chuyện thứ nhất: Tôi rất hay đến nhà Nguyễn Phan Lâm chơi. Nhà Lâm ở số 4 Hàng Dầu, trên gác 2, gần nhà bạn Minh Hằng. Mỗi lần đến chơi, tôi ngại nhất là đi cầu thang gỗ lên trên gác. Cầu thang thì hẹp, lại tối om, chỉ sợ đụng đầu vào cái gì vỡ toang thì chết ! Ấn tượng nhất là giữa trần nhà có treo một chiếc máy bay làm thủ công bằng giấy khá đẹp, rất to, cứ đung đưa qua lại theo gió rất vui mắt. Tôi hỏi:" Nếu về tối thì đứng dưới gọi à ?". Lâm bảo:" Có chuẩn bị sẵn mấy viên sỏi sạn nhỏ nhỏ rồi, chỉ việc đứng dưới ném vào cửa sổ là người nhà biết". Haiza ! Sáng tạo nhỉ ? Ngày ấy trông ba Lâm rất đẹp và mẹ Lâm rất xinh !

        Câu chuyện thứ 2: Những ngày ở Thung Nai có rất nhiều chuyện vui. Sau những buổi lao động về, cả bọn hay ngồi uống trà, hút thuốc lào, tán phét, tán gẫu cho hết giờ, hết tối... Hôm ấy ngồi chơi trên nhà sàn, nhìn bọn tôi hút thuốc lào, Lâm có vẻ bị kích động lắm. Lâm xưa nay có hút bao giờ đâu? Chỉ vài ba câu khiêu khích là máu anh hùng nổi lên, Lâm quyết định làm một điếu. Dù không thuần thục nhưng cũng khá bài bản. Nhả nhanh khói thuốc xong, Lâm với tay lấy cốc nước thì bỗng... rầm ! Lâm mềm nhũn người, rơi tay xuống khay đựng ấm tách, khiến mọi thứ văng tung tóe, rồi nằm ngay đơ ra giữa sàn. Cả bọn phá lên cười. Mãi một lúc sau Lâm mới hết say thuốc, lồm cồm ngồi dậy. Cuộc đời thế đấy! Có phải người ta làm được là mình cũng làm được đâu? Phải học phải hành cả đấy ! Lâm giờ vẫn còn hút thuốc lá, nguy hiểm quá ! Tôi thì đã bỏ tính ra cũng rất lâu rồi...

23. KỶ NIỆM VỀ THUNG NAI

        CÔ  GÁI  MƯỜNG

        Những ngày lao động ở Thung Nai, Đà Bắc, Hòa Bình, chúng tôi ở nhà sàn gần nhà một cô gái Mường. Những lần đi lao động hay gặp cô ấy trên đường đi hướng ngược lại, khi thì thấy gùi sắn, khi thì thấy gùi củi... Muốn nói vài câu tiếng Mường giao tiếp cho thân thiện nhưng có biết nói tiếng Mường đâu. Thế là học tiếng Mường. Bọn tôi học qua ông chủ nhà để có thể giao tiếp với dân bản. Chúng tôi bắt đầu học bằng những câu đơn giản như "Các anh đi đâu đấy ?". Tiếng Mường là "Eng tứa ti no đế ?". "Các em đi đâu đấy ?". Tiếng Mường là "Tăn ủn ti no đế ?". Đi tắm là "ti thắm". Đi làm cỏ lúa là "Ti la co lo". Đi chơi với con gái là "Ti dụng con mại". Có ít vốn giắt lưng là khoái lắm. Ra đường gặp đàn ông thì hỏi "Eng tứa ti no đế ?". Gặp các cô gái thì hỏi "Tăn ủn ti no đế ?" vv… Có một lần, các cô gái trả lời "Ti pá giâm" rồi cười khúc khích, đấm lưng nhau bùm bụp. Nghĩa là gì nhỉ ? Chịu ! Tức quá về hỏi ông chủ nhà, ổng nói các cô gái nói lái đùa cho vui đó. "Ti pá giâm" nói lái lại là "ti pấm gia" nghĩa là "đi chôn các anh". Thế đấy, trêu gái thua 1 - 0.

        Một tối nọ, cô gái nói vọng qua nhà chúng tôi :"Đánh đàn đi các anh ơi !". Bọn tôi đánh bạo hỏi vọng qua lại :"Em học trường nào thế ?". Cô gái cũng dạn dĩ lắm, trả lời luôn :"Em đang học trường Văn hóa nghệ thuật dân tộc nội trú Hòa Bình". "Em năm nay bao nhiêu tuổi rồi ?", "17 cái lá vàng rơi rồi !". "Bọn anh 22 xuân xanh rồi nhé !". Những lời đối đáp qua lại như thế cứ dài thêm sau ngày đó và cũng chỉ vô tư thế thôi. Rồi ngày tháng trôi đi nhanh chóng, đợt lao động cũng kết thúc, bọn tôi không có dịp nào gặp lại cô gái Mường kia để nói lời chia tay xã giao.

        Tốt nghiệp ĐH tôi về Đà Nẵng. Bẵng đi một thời gian tôi nhận được bức thư từ cô gái Mường ở Thung Nai, Đà Bắc, Hòa Bình, lúc này tôi mới biết cô ấy tên Hương. Tôi giật mình, sao cô ấy biết địa chỉ của tôi nhỉ ? Tài thật ! Một bức thư tỏ tình. Tôi rất vô tư chẳng có hữu ý gì, vậy mà... Hoảng quá tôi phải viết thư gửi lại ngay, đại ý rằng cảm ơn tình cảm của cô ấy và vì quá xa xôi nên không thể ! Cũng là để cô ấy không nuôi hy vọng gì.

        Nếu cô ấy nói sớm khi tôi còn ở Thung Nai nhỉ ? Biết đâu tôi đã trở thành anh ngư dân trên lòng hồ thủy điện sông Đà rồi cũng nên ???

        CON CẦY HÔI

        Hôm ấy cả lớp truyền tai nhau rất nhanh một tin vui là một người dân Thung Nai đi săn được và cho con cầy hôi. Con này nặng dễ đến 12 ký. Thế là có thịt ăn cải thiện, ngon đây ! Tôi nhớ mấy anh bộ đội làm chủ bếp các món thịt cầy. Nghe nói cứ cho riềng, tỏi, sả, ớt vào nhiều là hết mùi hôi. Khu bếp núc cứ gọi là vui như hội, cười nói huyên náo. Bữa ăn sao mà ngon quá đỗi !

        Bẵng đi khoảng nửa tháng, ông chủ nhà hỏi :"Bọn mày ăn cầy hôi à ?". Tôi giật mình hỏi lại ông :"Sao chú biết ?". Ông nói :"Người bọn mày hôi như con cầy hôi !". Trời đất, bọn mình có ngửi thấy gì đâu nhỉ, mà ăn cả nửa tháng nay rồi mà ? Ông nói tiếp :"Bọn mày còn hôi nửa tháng nữa, ở đây chẳng ai dám ăn !". Thôi rồi ! Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, biết làm sao bây giờ ?

        ÔNG  CHỦ NHÀ Ở THUNG NAI

        Tôi vẫn còn nhớ ông chủ nhà ở Đà Bắc ngày ấy rất hay kể chuyện và dặn dò bọn tôi. Có một chuyện ông kể rằng, ngày xưa ở cái Thung Nai này có một cô gái, khi đi làm qua một ngọn núi phía xa kia thì bị một con hổ phục trong bụi cây nhảy ra vồ và mang cô vào trong hang. Tiếng cô gái gào khóc thảm thiết vang động núi rừng, dân bản không dám làm gì, chỉ mang nồi, trống ra gõ loạn lên để xua đuổi con hổ kia. Làng bản ai cũng sợ mỗi khi đi qua đó. Ông còn nói rằng, thỉnh thoảng vào những ngày thời tiết giống như ngày con hổ vồ cô gái là từ trong hang núi lại vọng ra tiếng gào khóc thảm thiết của cô gái nọ. Nghe thật hãi hùng. Ông dặn chúng tôi là con hổ nó hay núp trong các bụi cây cỏ mật, vì nó mượn mùi hương của cỏ mật làm át đi mùi hôi thối từ cái miệng của nó, nên khi đi qua vùng cỏ mật phải hết sức cảnh giác. Đặc biệt phải luôn đi đông người, cầm gậy và phải để ý mùi xác chết để đề phòng bất trắc xảy ra...

        Ông chủ nhà là một người rất hiếu khách và thích nói chuyện. Nhờ ông mà chúng tôi được thưởng thức uống rượu nóng ngay từ khi rượu nhỏ từng giọt kêu tách tách từ nồi nấu rượu vào cái cốc thủy tinh. Cũng nhờ ông mà chúng tôi học được rất nhiều tiếng Mường. Ngày ấy tôi nghĩ, chỉ cần ở lại Thung Nai thêm 6 tháng nữa mà không phải lao động là chúng tôi có thể nói nghe tiếng Mường khá lắm !

24. KẾT THÚC HỌC ĐẠI HỌC

        Kết thúc đại học là một trận nhậu tổng kết hoành tráng ngay tại phòng ở ký túc xá nhà 4. Bữa ấy tính ra mỗi người ngốn hết 0,5kg thịt. Kinh quá! Bây giờ ăn hai ba miếng thịt là cái bụng no tức anh ách... Hôm ấy thằng nào cũng uống rượu nhiều mà không say. Ngô Minh Hoàng còn cầm cả bát rượu làm cái ực. Đúng là sức trẻ !

        Tôi sắp xếp đồ đạc về Đà Nẵng. Bán 2 thùng sách, truyện các loại để lấy tiền mua vé tàu. Tuy nhiên số tiền cũng không đủ mua vé về đến Đà Nẵng. Tôi quyết định chỉ mua vé về Đồng Hới (cách Đà Nẵng tầm 250km) để còn dư ít tiền mua đồ ăn dọc đường, đến đó rồi tính tiếp.

        Ngày ấy, khách đi tàu rất đông. Người nằm ngổn ngang dưới sàn cùng với gà vịt rau củ quả các loại. Khi đã qua ga Đồng Hới, nhân viên toa tàu hỏi vé, tôi đưa vé ra thì bị tra vấn là Đồng Hới qua rồi sao không xuống. Tôi mới giãi bày nỗi niềm là sinh viên không đủ tiền mua vé về Đà Nẵng. Thế là hai anh nhân viên toa xe lôi tôi vào phòng nhân viên nhỏ chừng 1,5 m², rồi đóng cửa lại thay phiên nhau đánh tôi nhừ tử, rồi nói :"Cút ra ngoài kia!". Mấy em gái nhỏ bán dạo trên tàu nhìn tôi thương cảm nói :"Anh ra đứng ở bậc lên xuống của toa kia kìa!". Tôi nghe và làm theo như một quán tính. Buồn nhưng dù sao không bị đuổi xuống dọc đường là tốt rồi. Khi đến ga Huế, tôi mua đồ và ăn lén vì sợ nhân viên tàu nhìn thấy nói có tiền mà không mua vé, dù tiền chỉ đủ mua cái bánh.

        Rồi thì cũng đến Đà Nẵng. Không có tiền đi xe ôm nên tôi đành lết bộ về nhà. Vừa đói, vừa khát, vừa mệt, con đường về nhà sao mà xa xôi đến vậy ? Gần đến nhà là mắt tôi đã hoa lên chẳng thấy gì. Về đến nhà, bước vào cửa tôi chỉ kịp nói :"Chào ba! Chào má" rồi khuỵu chân gục xuống ngay ở cửa ra vào. Má tôi hoảng quá pha vội ly nước chanh đưa tôi uống. Uống xong tôi nói con mệt lắm, rồi lên giường nằm thiếp đi lúc nào không hay. Tôi đã kết thúc học đại học như thế đó.

25. TAN NÁT TRÁI TIM

        Những tháng ngày ở ký túc xá sinh viên là những ngày tháng thật nhiều kỷ niệm về cái ăn, cái ở, cái học hành. Tiếc thay thời gian đã làm phai mờ biết bao nhiêu kỷ niệm một thời ngây ngô mà đầy nhiệt huyết !

        Ngày ấy, khi mua được chiếc guitar xong là tôi háo hức tự tập đàn và học nhạc lý. Khổ nhất là tập ngón. Bấm để cho ra tiếng đàn nghe đâu vào đấy là cả một vấn đề nan giải. Rồi đến các thế tay bấm các gam hợp âm. Rồi nhảy từ thế gam này qua thế gam khác phải làm sao cho đúng nhịp, đúng phách. Tóm lại để trải qua các kỹ thuật đàn cũng phải tứa máu các đầu ngón tay và chuột

rút đau điếng người mới có được một bài ra hồn. Khi tiếng đàn nghe ngọt cũng là lúc các đầu ngón tay bị chai sần.

        Tôi bắt đầu sưu tầm các bản nhạc cổ điển soạn cho guitar. Rất nhiều bản nhạc hay. Các bản nhạc Polonaise của Oginski, Nhạc Buồn của Sopanh, La grima...có hết. Cuốn nhạc tôi sưu tầm rồi sao chép, trang trí đầu đề rất tỉ mỉ, công phu cho đến ngày ra trường đóng được tập dày dễ đến 1 đốt ngón tay, cả trăm bài cổ điển tuyệt hay. Cuốn nhạc ấy tôi quý hơn vàng và giữ gìn rất cẩn thận.

        Ngày sắp ra trường, có một hai bạn ở toán K20 hay K21 gì đó thấy tôi có cuốn nhạc chép tay thích quá hỏi mượn tôi mấy ngày để sao chép. Tôi sắp về Đà Nẵng nên không cho mượn. Mấy bạn ấy cứ năn nỉ ỉ ôi, tôi thấy tội tội nên cho mượn và nói phải trả đúng ngày vì tôi phải về Đà Nẵng.

        Đó là quyết định sai lầm lớn nhất mà tôi mắc phải khi mới tốt nghiệp đại học. Đến ngày hẹn trả, mấy bạn ấy biết tôi về Đà Nẵng nên biến mất. Thế là xong !

        Về Đà Nẵng nhưng tôi vẫn nghĩ tôi sẽ lấy lại được cuốn nhạc ấy. Một thời gian sau, đến ngày đi nhận bằng đại học, tôi ra Hà Nội. Việc đầu tiên là tôi tìm mấy bạn ấy để xin lại cuốn nhạc. Khi tôi đi dưới nhà 4 nhìn lên tầng 2, vừa thấy một bạn tôi mừng quá, gọi và nói cho xin lại cuốn nhạc. Lúc đó bạn ấy đang đứng cùng mấy người bạn nói với xuống :"Bọn bay ơi ! Đ..mẹ thằng Hùng nó đến đòi lại cuốn nhạc kìa ! Đ..mẹ mày ! Mất mẹ nó rồi, đéo có đâu !" Tôi nghe xong, rụng rời chân tay. Trời đất bỗng tối sầm lại như sụp đổ xuống. Ngày đi lấy bằng đại học của tôi cũng là ngày trái tim tôi tan nát, vỡ vụn... Tôi mơ hồ nhận thấy những gì sẽ xảy ra sau những lời tục tĩu vô văn hóa kia ...

MỘT SỐ TÁC PHẨM HỘI HOẠ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét