Họ và
tên: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN
Ngày
sinh: 28/6/1958
Nơi
sinh: Bệnh viện Phủ lý- Tỉnh Hà
Quê
quán: Xã Nam Cao, Huyện Kiến Xương, Tỉnh Thái Bình
Chỗ ở
hiện nay: Căn hộ W.1404 (Tầng 14), Tòa nhà W (Western), Khu đô thị The Manor,
Đường Mễ Trì, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Trình độ
học vấn: Cử nhân Toán kinh tế (1980); Tiến sĩ kinh tế (Tài chính - Ngân hàng -
1995)
Email:
lanntp.vnba@gmail.com; lannp@fpt.vn; lanntp.hubt@edu.vn
Điện
thoại: 0903245942
Sở
thích: Du lịch, thời trang, ẩm thực, văn hóa, ca hát, khiêu vũ, đọc sách (cuốn
sách yêu thích “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” của Endrews Matthew), xem
phim điện ảnh, kịch sân khấu...(tham quá!!!)
Sở trường: Vui vẻ, thân thiện, dễ hòa nhập.
NGUYỄN
THỊ PHƯƠNG LAN - THEO DÒNG KÝ ỨC
1. TẢN
MẠN KỶ NIỆM VÀ TÂM SỰ CHUYỆN NGHỀ
Tháng 4/1975, khi làm hồ sơ thi đại
học, tôi đăng ký thi vào khoa Toán kinh tế, trường đại học Kinh tế - Kế hoạch
(KTKH) Hà Nội dù chẳng hiểu biết gì về nghề nghiệp, chỉ nghe người ta bảo đó là
nghề mới, ứng dụng toán và máy tính điện tử trong quản lý kinh tế, thế là thích
và đăng ký. Đến khi nhận phiếu báo điểm thi đại học, tổng điểm 3 môn là 19 điểm
(T: 6,5; L: 5,5; H: 7,0), chắc chắn đỗ vào trường, mẹ tôi (lúc đó làm ở Bộ Giáo
dục) được người quen cho biết, tôi đã có tên trong danh sách lớp Toán kinh tế
K17. Vậy là yên tâm. Ông chú họ (lúc đó là Chánh Văn phòng Uỷ ban Kế hoạch Nhà
nước) nói với mẹ tôi:'' Con gái học toán làm gì, khổ chết, tính nết khô cứng
như con trai, sau này khó lấy chồng. Tôi cho con gái tôi học khoa Kinh tế lao
động, học vừa nhàn, lại nhanh (có 4 năm), ra trường dễ phân công công tác, dễ
đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển,... Chị muốn chuyển khoa cho con Lan, tôi nói
cho”. Mẹ hỏi tôi, tôi đáp:'' Con không”.
Ngày 08/11/1975, tôi tựu trường KTKH.
Tôi còn nhớ, hôm đó là thứ bảy, ngày nhập học thứ 2/3 của K17, trường đông như
trẩy hội, đa số là màu áo xanh bộ đội, có nhiều anh, chị là thương binh (cụt
tay, chân, hỏng mắt, da sạm thuốc súng,...) và cán bộ đi học, số người vừa tốt
nghiệp phổ thông như tôi không nhiều, bạn ở Hà Nội cũng ít. Trường có không
gian rộng mênh mông, nhiều cây xanh. Tôi vừa đạp xe, vừa hỏi đường tới chỗ làm
thủ tục. Tôi đăng ký ở nội trú vì nghe nói nhà ăn tập thể của trường rất tốt
(nhà ăn Thanh niên làm theo lời Bác gì đó).
Lớp Toán kinh tế K17 (TKT17) có 10
nàng, trong đó 6 nàng ở nội trú (P.19 tầng 2 nhà 4), đó là: Đặng Hà, Hoàng Yến,
Thanh Phương, Minh Hằng, Phạm Dung và Phương Lan. Lớp Xử lý thông tin K17
(MT17) có 7 nàng, số ở nội trú ít hơn. Tất cả nữ TKT17 và MT17 (TMT17) đều sàn
sàn tuổi nhau (1957, 1958) nên dễ xưng hô, ai cũng tươi vui, hồn nhiên và thân
thiện. Số sinh viên nam đông gấp đôi nữ và có trên một chục anh là bộ đội/TNXP
xuất ngũ, cán bộ đi học/đã qua lao động sản xuất 2 năm.
Có một điều bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn
buồn cười, đó là cách xưng hô “chú, cháu” với các anh lớn tuổi hơn. Điều này
xuất phát từ tôi - con nhà lính, ở khu gia binh, thường xuyên tiếp xúc với bộ
đội nên cứ thấy bộ đội là gọi bằng “chú” và xưng “cháu”. Không ngờ, cách xưng
hô này đã “lây lan” rất nhanh đến các bạn nữ. Có bạn nữ còn “cực đoan”: gọi tất
cả các bạn nam trong lớp là “chú”, bất chấp tuổi tác, khiến người nghe thấy kỳ
cục, các anh và các bạn nam cảm thấy khó gần, khó nói chuyện với bọn con gái,
thậm chí còn tỏ thái độ khó chịu.
Khi vào học chính thức, tôi thấy lời
ông chú họ nói đúng thật. Chương trình học của khoa TKT, đặc biệt là lớp TKT17
khá nặng. Ngoài kiến thức nền tảng (basic) về CN Mac-Lenin và kinh tế giống như
các khoa khác, khoa TKT phải học các môn toán- cơ sở ngành và chuyên ngành khó
hơn nhiều. Ngoài ra, sinh viên khoa Toán vẫn phải tham gia đầy đủ các chương
trình ngoại khóa như: hoạt động Đoàn thanh niên, văn nghệ, thể thao, tập quân
sự, lao động công ích,... Do quen cách học ở phổ thông, nên khi nghe các thầy
cô đại học giảng bài thao thao cả buổi, không cần biết trò có hiểu hay không,
có ghi chép được không,... tôi rất nhanh mệt và buồn ngủ. Có buổi sáng học 6
tiết, chỉ đến tiết 5 là tôi đói vã mồ hôi, ngáp ngắn, ngáp dài. Không chỉ mình
tôi, nhiều bạn trong lớp cũng ngủ gật, bị thầy hỏi bất ngờ, không trả lời được
hoặc trả lời linh tinh làm cả lớp cười ồ lên, có thầy còn mắng chua ngoa, sợ
phát khiếp. Ngoài giờ lên lớp, sinh viên phải tự học và dựa vào bài ghi trên
lớp là chính, còn giáo trình thì in roneo trên giấy hẩm rất mờ, nhòe, nhiều lỗi
đánh máy,... Có nhiều giáo trình đọc mãi chẳng hiểu, vì các thầy tự dịch từ tài
liệu nước ngoài (chủ yếu là tiếng Nga), văn phong lủng củng, không Việt hóa.
Trong 4 năm rưỡi đại học (1975-1980),
lớp TKT17 và MT17 học chung rất nhiều môn (có lẽ phải đến một nửa chương
trình), mọi người gần gũi, thân thiết với nhau, gần như không có sự phân biệt
giữa 2 lớp, đặc biệt là bọn con gái (đến bây giờ vẫn vậy). Ngày đó, tôi thấy
mọi người trong lớp học chăm kinh khủng, đặc biệt là các anh lớn tuổi và các
bạn ở ngoại tỉnh, gần như học suốt ngày và nhiều người học rất giỏi. Mỗi khi kỳ
thi tới, cả lớp như chuẩn bị vào trận, ai cũng miệt mài, cắm mặt học, hỏi, truy
bài (đặc biệt là các môn thi vấn đáp và môn khó). Sau mỗi buổi thi, ai bị trượt
thì mặt mày ủ rũ, buồn thiu, mắt đỏ hoe, thậm chí khóc làm cho những người đạt
cũng chẳng dám vui, chỉ biết động viên, an ủi bạn chịu khó ôn tập rồi thi lại,
cấm có chuyện kỳ kèo, chạy chọt xin điểm thầy cô. Nếu thi lại mà không đạt từ 2
môn trở lên là bị đúp xuống khóa sau.
Cuối năm thứ ba, lớp TKT17 được đi thực
tập 1 tháng để tìm hiểu về tổ chức và quản lý hoạt động của một đơn vị sản xuất
kinh doanh. Tôi đi thực tập tại Nhà máy chế tạo Biến thế Hà nội, số 10 - Trần
Nguyên Hãn (gần Hồ Hoàn Kiếm). Sang năm thứ tư, lớp TKT17 chỉ còn học các môn
chuyên ngành (đúng hơn là các chuyên đề ứng dụng toán nhưng rất lý thuyết với
những ví dụ giả định). Thú thật, cho đến khi học hết chương trình đào tạo 4
năm, đi thực tập tốt nghiệp 6 tháng và thi tốt nghiệp ra trường, tôi vẫn không
biết nghề cụ thể của mình là gì (khác hẳn với các nghề khác như kế toán, ngân
hàng, bảo hiểm...).
Sau khi ra trường, tôi được phân công
về công tác tại Ngân hàng Trung ương. Cầm quyết định phân công công tác đến Vụ
TCCB, anh Trưởng phòng Cán bộ Trung ương nói:'' Tốt nghiệp TKT à ? Nhà ở tập
thể
Tôi là thành viên thứ 6 của bộ môn TKT.
Các anh, chị ở bộ môn đều tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Toán ở nước ngoài và ĐH Tổng
hợp Toán Hà Nội (dân chuyên toán một thời) nên rất thông minh, hài hước, kể
chuyện tiếu lâm thì thôi rồi - cười vỡ bụng. Nội dung giảng dạy gồm 4 môn học:
Toán sơ cấp, Toán cao cấp, Xác xuất thống kê và Quy hoạch tuyến tính, mỗi môn
60-90 tiết và ai cũng giảng được cả 4 môn nên tôi rất ''choáng''. Trong thời
gian tập sự, tôi phải tuân theo quy trình tập sự của bộ môn để có thể giảng dạy
các môn học, đó là: đọc và làm toàn bộ các bài tập trong sách của bộ môn đó,
kết hợp dự giờ, chữa bài tập cho học sinh, sinh viên. Lúc đó tôi mới vỡ òa: 3
kỳ học giải tích của thầy Điệt trong trường khó ơi là khó chính là nội dung
trong các cuốn sách tôi đang đọc, hồi đó không có sách bán rộng rãi như bây
giờ. Ngoài ra, hàng ngày tôi phải đến Văn phòng Khoa sớm, quét dọn, lau bàn ghế,
rửa ấm chén, pha trà, lấy thư báo, công văn, giáo vụ bộ môn, tham gia các hoạt
động đoàn thể, đi học ngoại ngữ buổi tôi,... Công việc bận tối mắt, tối mũi
nhưng đổi lại tôi thấy rất vui. Trường lúc đó chỉ có gần 100 cán bộ, giáo viên
nên mọi người đều thân, quý nhau như trong một nhà.
Khi bắt đầu giảng Xác suất thống kê và
Quy hoạch tuyến tính, tôi thấy có vẻ thuận lợi vì là chuyên ngành của mình,
song nhà trường yêu cầu nội dung giảng dạy phải gắn với thực tế nghiệp vụ ngân
hàng (ngân quỹ, tiết kiệm, cho vay, lãi suất, chi phí, lợi nhuận,...). Thách
thức đặt ra: phải tìm hiểu về nghiệp vụ ngân hàng để đổi mới nội dung giảng
dạy, tăng tính ứng dụng. Anh Trưởng bộ môn nói:'' Em tốt nghiệp trường kinh tế,
tiếp cận chuyên ngành ngân hàng sẽ thuận lợi hơn, em nghiên cứu và soạn bài
giảng cho phù hợp''. Cứ như thế, tôi vừa giảng dạy vừa tìm hiểu chuyên ngành
ngân hàng. Rất may, năm 1985, NHTW tổ chức khóa học bổ túc nghiệp vụ ngân hàng
2 năm dành cho cán bộ ngành ngân hàng nhưng tốt nghiệp đại học chuyên ngành
khác (giống như học bằng 2 bây giờ). Tôi được tham gia khóa học và thấy bổ ích
vô cùng vì được học đầy đủ các nghiệp vụ NH, quen nhiều anh chị ở NHTW và các
tỉnh (sau này rất thuận lợi khi cần liên hệ, nhờ vả,...). Sau khóa học, tôi
quyết định phải thay đổi công việc sang hướng khác (không dạy TKT nữa vì đối
với trường, đó chỉ là môn phụ, môn bổ trợ, không phải là môn chính).
Mùa hè năm 1988, biết tin Thanh Dung,
Hoàng Yến và Trần Thu Hà (Vật tư 17) thi đỗ NCS trong nước, tôi tìm gặp các bạn
để hỏi han kinh nghiệm thi cử (cứ tiếc mãi là chúng nó không rủ mình). Noi
gương các bạn, tôi quyết định ôn thi và đỗ NCS chuyên ngành Tài chính - Ngân
hàng tại ĐH KTQD. Tôi cắt chuyển toàn bộ lương, sinh hoạt đoàn thể về ĐH KTQD
trong thời gian đi học (vì là học chính quy tập trung). Tôi rất vui vì được dứt
hẳn công việc ở trường để đi học, nhưng việc cắt chuyển lương về ĐH KTQD lại
chẳng vui chút nào, tôi không còn được hưởng lương của trường (hệ số lương cao
hơn các cơ quan khác), không có tiền thưởng, tiền giảng vượt giờ, tiền kế hoạch
3 của công đoàn, không được chia gạo, thực phẩm,... Tại ĐH KTQD, NCS chỉ có mỗi
lương cơ bản (hệ số 1,0). Lúc đầu, tôi còn đến phòng Tài vụ của trường để lĩnh
lương tháng, sau thấy tiền ít quá nên ủy quyền cho một anh trong lớp lĩnh và
giữ hộ, thi thoảng ghé qua nhà anh nhận (có đợt cả năm mới đến lấy tiền). Sau
này, anh ấy là Vụ phó ở NHTW, mỗi lần gặp vẫn kể:'' Nhờ hai cô em (tôi và Lê
Phương- Bộ KHĐT) có chồng nuôi ăn học mà anh được sử dụng lương của hai cô để
lo cho các cháu. Có hôm chúng mày đến đột ngột, anh toát mồ hôi, chạy sang mấy
nhà hàng xóm mới vay đủ để trả đấy''.
Quá trình học NCS mới thực sự mệt mỏi.
Học trên lớp với thầy rất ít, chủ yếu phải tự học, tự tìm tài liệu đọc, tự
nghiên cứu, khảo sát thực tế rồi viết luận án, có vấn đề gì mới liên hệ với
thầy hướng dẫn. Hàng tuần, đều đặn sinh hoạt chuyên môn với khoa Ngân hàng
(chẳng có gì thú vị, chủ yếu là công việc hành chính của khoa ernet nên nguồn
tài liệu, sách vở rất thiếu và cũ, vốn ngoại ngữ của mình còn nghèo nàn (tiếng
Nga, tiếng Anh lõm bõm, vừa đọc, vừa tra từ điển toét cả mắt). Có khi cả tuần,
tôi và Thanh Dung ngồi mọc rễ ở Thư viện Quốc gia (phố Tràng Thi) mà chẳng đẻ
ra được chữ nào. Bắt đầu cảm thấy chán nản, mệt mỏi, tôi tính bỏ sang Đông Âu
làm ăn cùng bạn bè, người quen. Thế là tháng 9/1991, tôi làm chuyến du lịch
trải nghiệm sang Bungaria theo thư mời của cô em gái (lúc đó đang công tác
nhiệm kỳ ở Ban Quản lý lao động Việt
Noel 25/12 năm đó, trở về Việt
Công việc ở trường ngày càng thuận lợi,
mở ra nhiều hướng phát triển hơn. Tôi được cử tham gia Dự án đào tạo về ''Ngân
hàng trong nền KTTT'' thuộc Chương trình Pháp- Việt (do chính phủ Pháp tài trợ)
dành cho cán bộ lãnh đạo ngành NH VN, học 2 năm, do chuyên gia và giảng viên
nước ngoài giảng dạy, được đi khảo sát ở Cộng hòa Pháp. Khóa học này cũng như
nhiều khóa đào tạo khác đã giúp tôi củng cố và nắm chắc hơn kiến thức nghiệp vụ
và quản lý NH. Ngoài ra, làm việc tại Viện NCKH NH, tôi có lợi thế được tiếp
cận với nhiều tài liệu tốt và vẫn được tham gia giảng dạy với các khoa, bộ môn
trong trường cũng như hướng dẫn luận án cho học viên cao học, NCS trong và
ngoài trường. Công việc và quan hệ ngày càng thuận lợi.
Cuối năm 2003, do có sự thay đổi về mô
hình hoạt động của Viện NCKH NH - nơi tôi gắn bó và cống hiến gần 9 năm sau khi
bảo vệ thành công Luận án TS, tôi chuyển công tác về NH Ngoại thương Việt Nam
(Vietcombank - VCB) làm Giám đốc Trung tâm đào tạo - đơn vị đầu mối tổ chức đào
tạo và NCKH của VCB. Công việc ở đây hết sức thú vị, gắn liền với hoạt động thực
tiễn của một NHTM hàng đầu VN. Văn hóa doanh nghiệp của VCB rất tốt, rất nhân
văn. Mô hình hoạt động của VCB gắn với các chuẩn mực quốc tế, nên rõ ràng và
minh bạch. Thu nhập của người lao động khá tốt, tạo động lực thu hút và giữ
chân người tài. Tôi đã làm cho VCB gần 10 năm cho đến khi được nghỉ hưu theo
quy định của Nhà nước (tháng 7/2013).
Sau khi nghỉ hưu, tôi sang Hiệp hội
NHVN làm Giám đốc Trung tâm Đào tạo 1 năm, sau đó chuyển về trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), tên “lóng” là trường Kinh Công - làm Phó Chủ
nhiệm khoa Ngân hàng và Chủ nhiệm bộ môn tín dụng của khoa cho đến bây giờ.
Hàng tuần, tôi tự lái chiếc xe ô tô nhỏ đến trường 2-3 buổi/tuần, công việc
chính là giảng dạy nghiệp vụ ngân hàng cho các hệ đào tạo của trường và viết
giáo trình. Công việc vừa sức và thực sự vui. Ngoài giảng dạy, tôi còn đam mê
khiêu vũ thể thao (dancesport), hàng tuần tập luyện với mantor và ra sàn 2 buổi
(rất vui nhé).
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tự
hào vì được học chuyên ngành Toán kinh tế (cho dù khi đó, tôi học không thuộc
loại xuất sắc), nhờ đó, tôi có được tầm nhìn (thế giới quan) và tư duy phương
pháp luận đúng đắn, tiếp cận và xử lý mọi việc một cách logic, có tình, có lý.
Xin trân trọng cảm ơn các thày, cô khoa Toán kinh tế đã dạy dỗ, truyền lửa cho
tôi. Cảm ơn các bạn đồng môn, đồng nghiệp và gia đình đã tiếp sức, tạo điều
kiện cho tôi được làm những điều mình thích và mong muốn. Giờ đây, tôi chỉ còn
một ước muốn: có thật nhiều sức khỏe, minh mẫn và thông tuệ để tận hưởng tất cả
những điều tốt đẹp xung quanh mình.
2. NHỚ
VỀ NHỮNG CÂU CHUYỆN THỜI SINH VIÊN
(Tất nhiên là có những
chuyện vẫn nhớ nhưng không kể ra được)
1. Hai đứa đói ăn, đánh chung một bàn
chải đánh răng.
Đó là Minh Hằng và tôi. Mẹ cho tôi 5 hào để
mua cái bàn chải đánh răng ở hợp tác xã mua bán - trường KTKH. Buổi tối, tôi rủ
Hằng đi mua cùng, Hằng bảo:'' Đói quá, ra cổng trường ăn phở đi, đánh chung bàn
chải với anh không sao đâu”. Tôi chần chừ một lúc rồi gật đầu:'' Ừ, thì đi''.
Ra đến hàng phở mậu dịch quốc doanh ở cổng A, Hằng góp thêm 2 hào, mua 2 bát
phở ''không người lái'' giá 3 hào/bát cho 2 đứa, còn thừa 1 hào. Thế là cả tuần
đó 2 đứa đánh răng chung 1 bàn chải.
2. Ném ruột bánh mỳ.
Năm thứ nhất ở nội trú, buổi trưa ăn
cơm tại nhà ăn. Thường khi ăn xong 1 bát cơm, tôi và các bạn nữ trong cùng mâm
cầm nửa cái bánh mì vừa đi về vừa ăn và hay bị các anh/bạn nam khoa Vật giá,
Nông nghiệp trêu đùa, ném đạn giấy. Thế là tôi và các bạn cũng vo ruột bánh mì
ném trả lại. Một hôm, khi đi gần về đến nhà 4, tôi bị anh Tiến MT16 (đi bộ đội
về, da rất trắng) giữ lại, lôi ra một góc, mắng:'' Sao mày (?) vô ý thức thế ?
Mày có biết như thế là rất lãng phí không ? Bao nhiêu người bị đói, không có ăn
mà mày lấy ruột bánh mì ném nhau như vậy à ?''. Thấy anh tức giận, tôi rất sợ
và suýt khóc, mắt đỏ lên. Từ đó, tôi rất sợ anh Tiến và không bao giờ ném ruột
bánh mì nữa. Sau này, tôi biết có những bạn trong lớp, nhà ở tỉnh xa, gia đình
không có điều kiện, bạn chỉ sinh hoạt trong phạm vi 18 đồng học bổng và
3. Học thêm thể dục.
Chả là tôi béo bụ nhất lớp (dù lúc đó
có
Thế là tôi nghĩ ra cách, gấp cái chăn
bông làm 4 cho vào túi nilon bộ đội và tối muộn hai đứa khênh xuống xà lệch khu
nhà 2 để tập. Khi tôi bật mông qua được thanh thấp thì Hoàng Yến chú ý kéo cục
chăn cho vừa tầm nhảy đúng điểm rơi tiếp đất. Nhưng có lần Yến kéo không kịp,
tôi rơi bịch xuống đất, hai bàn chân đau điếng, ngã vật ra đất mất một lúc. Xà
ơi là xà. Cũng may tôi thoát môn này ! Mỗi khi nhớ về nó, tôi lại lẩm bẩm:''
Nếu là thời nay, mua điểm luôn !''.
4. Thi Toán hữu hạn.
Thầy tên là Tí, dạy Toán hữu hạn. Cái
tên của thầy làm tôi rất buồn cười (dù nhiều người tên vậy). Một hôm, tôi vô
tình vẽ vào góc vở hai cái chấm và hai cái ngoặc bé tí. Cứ mỗi lần nhìn vào đó,
tôi lại buồn cười, phải cố gắng cắn chặt môi để khỏi cười. Trong lớp, mọi người
cũng hay cười vì nhiều lý do và thầy cũng hay dừng lại hỏi:'' Cười cái gì vậy
?'' và tỏ thái độ rất đanh đá. Hôm đó, thi vấn đáp môn Toán hữu hạn, thầy đánh
trượt khá nhiều người. Tôi được 4 điểm, sướng quá cầm sổ điểm chạy ngay ra khỏi
phòng thi và rú lên:'' Đạt rồi”. Không ngờ, ngay lập tức, thầy chạy bổ ra
quát:'' Chị kia, cầm sổ quay lại ngay''. Tôi sợ quá, chạy thục mạng lên tầng 2,
chui vào phòng vệ sinh nữ vì sợ thầy đón đầu, bắt được sẽ sửa điểm. Sau này tôi
biết thầy bảo tôi làm mất tinh thần bạn khác, tóm được sẽ cho thi lại để nhớ
đời (?).
Tên Phi Nga ngồi trong phòng thi, hí hoáy
thế nào vẽ luôn con chuột thì phải, lúc lên trả bài, thầy nhìn thấy chuột, cho
trượt luôn và còn rêu rao:'' Chị ấy không làm được bài, còn ngồi vẽ tôi'' (vô
lý thật).
5. Vì sao anh Khắc Minh học rất giỏi ?
Câu hỏi này nhiều bạn sẽ trả lời ngay: anh rất thông minh, lại chăm chỉ và tập trung cao độ khi học... Lúc đầu mình cũng nghĩ như vậy. Khi kết thúc đợt thực tập tốt nghiệp, anh Minh mời cả lớp về thăm gia đình ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Vợ anh Minh rất xinh đẹp, đảm đang và tháo vát, sinh cho anh 3 đứa trẻ khôi ngô, xinh xắn, khỏe mạnh (lúc đó chị vừa sinh bé thứ ba). Mẹ anh và cả gia đình rất hài lòng về chị. Khi đó, tôi mới hiểu: đây là lý do chính khiến anh Minh học rất giỏi. Anh có một hậu phương rất vững chắc để anh yên tâm, toàn tâm, toàn ý tập trung vào việc học. Tôi càng thấm câu các cụ dạy:'' Phúc đức tại mẫu''. Sau này, tôi gặp anh Sơn - em trai anh Minh ở trường CCNVNHHN, tôi càng khẳng định điều tôi suy nghĩ là đúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét