XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Đỗ Thị Thu Hoà





Họ và tên: ĐỖ THỊ THU HÒA

Ngày sinh: 15/12/1957

Nơi sinh: Phủ Lý - Hà Nam

Quê quán: Xã Hoàng Đông - huyện Duy Tiên - tỉnh Hà Nam

Chỗ ở hiện nay: Số 19, ngõ 170, đường Lê Công Thanh,

                          TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Trình độ học vấn: Cử nhân Toán kinh tế.

Email:  hoado151257@gmail.com

Điện thoại: 0914512765

Sở thích: Thể thao, xem phim truyện, đọc sách, du lịch, chăm sóc cháu.

ĐỖ THỊ THU HÒA - THEO DÒNG KÝ ỨC

NHỮNG NĂM THÁNG ẤU THƠ VÀ ĐI HỌC PHỔ THÔNG CỦA TÔI

        1. Tuổi ấu thơ với giấc mơ ''bà Tiên, ông Bụt''.

        Lúc nhỏ, tôi cùng 3 chị em sống với bà nội và bố ở Phủ Lý, trong khu tập thể Đài Truyền thanh của tỉnh Hà Nam. Mẹ tôi học hàm thụ đại học ở trường Kinh - Tài (ĐH KTQD bây giờ), sau đó lại đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm con. Cạnh chỗ tôi ở là khu nhà hát mà Đoàn văn công tỉnh thường xuyên tập luyện, cũng như các đoàn nghệ thuật khắp nước về biểu diễn. Tôi hay sang xem và mê say ngắm nhìn các '' nàng công chúa, các bà tiên'' trong trang phục lấp lánh. Tôi hát theo các cô, các chú trong Đoàn văn công. Khi vui chơi, tôi cùng các bạn nhỏ trong khu tập thể đóng vai lính, vai vua, hoàng tử, bà lão, bà tiên, ông bụt, tước lá chuối làm tóc, kẹp râu ngô vào cằm làm râu...

        Bảy tuổi tôi đã phải đi sơ tán, vì Phủ Lý là cửa ngõ Hà Nội, có con đường 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua. Giặc Mỹ đã ném không biết bao nhiêu tấn bom đạn xuống Phủ Lý nhằm cắt đứt hệ thống huyết mạch giao thông quan trọng này. Thời gian ở đó ít và tôi còn quá nhỏ, nhưng ở gần nhà hát, dường như chất nghệ thuật đã kịp ngấm một phần vào tâm hồn tôi.

        2. Tôi đi sơ tán và trở thành người của đồng quê, thôn dã.

        Tôi cùng 3 chị em theo bà nội đi sơ tán, ở khoảng hơn chục nơi trong tỉnh Hà Nam Ninh, chủ yếu là vùng nông thôn nên kiến thức của tôi về nông thôn khá phong phú. Bố mẹ tôi làm việc ở xa, tối thứ bảy mới về nơi sơ tán thăm con, sáng sớm thứ hai lại vội vã đi làm. Tôi theo bạn đi chăn trâu, cắt cỏ, ăn trộm đòng đòng, bẻ trộm mía, bứt trộm bưởi, cam, nhót, ổi, mò tôm cua ốc cá, kéo vó tép, leo trèo cây, bơi lội, lặn hụp trên sông như con rái cá để vớt rong nuôi lợn (có tiền đong gạo, đỡ ăn bo bo, khoai, sắn độn cơm).

        Tôi không mấy khi đội nón mũ nên tóc tôi dày và dài nhưng vàng hoe như râu ngô, da đen nhẻm. Mình tôi vác khẩu súng hơi 9 cân đi bắn chào mào trong các vườn cam, theo sau là lũ trẻ hiếu động của xóm và lũ chó sủa ầm ĩ. Mẹ tôi trong BCH Đảng bộ tỉnh, là lãnh đạo nhà máy nên được mua cái xe Babeta màu vàng của Tiệp, thỉnh thoảng có việc tôi lại lướt trên ''con cá vàng'' đó. Có đứa con trai đầu gấu trong làng nhìn tôi ngứa mắt, quyết đón đường đánh cho ''con sơ tán'' một trận. Tôi cũng chẳng vừa, đánh lại, đá nó ngã té xuống mương, còn mình cũng bị nó đấm cho sưng má. Từ đó bọn con trai trong xóm đồn tôi có võ. Mẹ tôi thì bảo tôi phải là con trai mới đúng. Nhưng sau đấy mẹ lo lắng, đón chúng tôi về ở cùng mẹ trong khu tập thể nhà máy - nơi mẹ tôi làm việc, không ở nơi sơ tán nữa.

        3. Quan niệm buổi đầu của tôi về cuộc sống.

        Tôi có những quan niệm rất hồng về cuộc sống, có thể do chương trình giáo dục của miền Bắc và cách dạy con của bố mẹ tôi ngày ấy. Với tôi, các cô chú đảng viên, anh bộ đội, chú công an, thày cô giáo là những người luôn tuyệt vời, như ''gương trong chẳng chút bụi trần'' vậy. Tôi rất quý bộ đội, chẳng thế mà có lần đi học về, bụng đói meo nhưng tôi đã hăng hái đèo một chú bộ đội từ trường ra ga Phủ Lý (xa 14km) bằng xe đạp khi thấy chú đang hối hả sải bộ, lưng đeo ba lô nặng trĩu, mồ hôi ướt đầm vai áo. Một lần khác, tôi mách và bảo mẹ tôi khai trừ ngay một ông đảng viên trong nhà máy nơi mẹ tôi làm việc khi ông này cứ ngồi ì trên bậc tam cấp, không chịu giúp tôi và một cô trong nhà máy khiêng cái bàn quầy nặng gần đứt ngón tay đi ngang qua (đảng viên mà vậy à ?).

        4. Tôi đi học và văn học gắn bó với tôi suốt những năm tháng học phổ thông.

        Mẹ tôi dạy ''nét chữ, nết người'' nên yêu cầu đầu tiên của mẹ tôi khi các con đi học là phải viết chữ đẹp. Tôi viết chữ đẹp vì tôi chăm luyện chữ, ngồi trên đất tôi cũng lấy que viết ra. Suốt cấp 1, cấp 2, cấp 3, tôi luôn là người được thày cô chọn viết sổ điểm, thậm chí thày hiệu trưởng cấp 2 thỉnh thoảng còn gọi tôi lên Văn phòng chép báo cáo cho trường. Nhờ viết đẹp nên tôi được giao viết báo tường cho lớp tôi dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập trường ĐH KTKH và báo lớp tôi đã giành giải nhất toàn trường.

        Tôi thích đọc truyện, đọc báo, đến nhà ai có báo, có sách là tôi cắm cúi đọc không thiết việc gì khác. Một lần bố đưa tôi đi chơi nhà một người bạn, lúc đó tôi khoảng 7 tuổi. Đến bữa ăn, bố không thấy tôi đâu, gọi lớn lên, tôi thưa lại, lúc đó cả nhà mới biết vị khách nhỏ đang nằm vắt chân chữ ngũ trên nóc tủ đọc báo. Đọc nhiều sách báo, tôi có vốn kiến thức xã hội khá hơn các bạn ở nông thôn (chẳng có sách mà đọc) nên được chọn vào đội tuyển văn từ cấp 1 đến cấp 3. Tôi có giải văn miền Bắc năm lớp 4, giải tỉnh cấp 2, cấp 3. Nhờ văn, tôi được tuyển thẳng vào các cấp học phổ thông mà không phải thi, nhưng môn tôi yêu thích nhất vẫn là toán.

        Hồi đó, các trường lập đội tuyển các môn, tách ra bồi dưỡng riêng hàng tháng trước mỗi kỳ thi học sinh giỏi, miễn cho học các môn khác. Nhiều năm liên tiếp như thế, tôi bị hổng kiến thức hóa, lý trầm trọng. Riêng toán, lý tôi không ngại, tôi tự học và vẫn đạt điểm cao, luôn dẫn đầu lớp. Riêng hóa, tôi dốt khổ, dốt sở vì môn đó học tài tử không ăn thua mà cần chăm chỉ, thuộc bài. Khi làm hồ sơ đăng ký thi đại học, tôi tự nhủ thi xong tốt nghiệp mình sẽ tự học hóa và vẫn kịp thi đại học. Điếc không sợ súng, tôi đăng ký thi khối A, vào khoa Toán kinh tế ĐHKTKH.

        May mắn năm 1975 không thi tốt nghiệp hóa mà thi chính trị. Tôi thi tốt nghiệp với tổng điểm đạt loại giỏi nhưng tôi không được bằng giỏi vì một lý do lãng xẹt: Các môn học tôi đều đạt điểm trung bình khá (hóa đạt 7,5) và cao, riêng môn thể dục tôi đạt điểm trung bình dưới 6,5. Thực ra môn thể dục tôi phải đạt điểm trung bình rất cao mới đúng. Tôi nhảy cao được điểm 10 (do tôi hay chơi trò trồng nụ trồng hoa - nhảy qua 4 bàn chân, 4 bàn tay chồng lên nhau), vậy mà thày dạy thể dục không vào sổ điểm, cuối năm thày cứ ghi đại cho học sinh một con số nào đó, và thày ghi tôi 5,0 môn thể dục. Khi biết mình trượt bằng giỏi, tôi rất buồn nhưng sự việc không cứu vãn được nữa. Thày dạy thể dục của tôi là người luống tuổi, tôi rất hay gặp thày ngồi khề khà uống rượu với bố đứa bạn tôi, hình như lúc nào thày cũng tây tây thì phải. Đứng lớp, thày chẳng giảng gì mấy, toàn kể chuyện về ĐH thể thao GANEFO năm 1963 tổ chức ở Indonesia, Việt Nam có vận động viên chạy tên Trần Hữu Chỉ, đêm hôm trước ăn uống thế nào bị Tào Tháo đuổi, hôm sau vẫn giành HCV... Thôi thì đành an ủi thày là ''khắc tinh'' của tôi vậy.

        Thi tốt nghiệp xong, tôi lao vào học hóa và lý. Tôi gần như thức trắng mỗi đêm. Chỗ học của tôi đôi khi là cột điện trước sân khu tập thể ban đêm, là gốc dừa ven sông Châu mỗi buổi sáng, chiều, vì căn phòng gia đình tôi ở rất chật chội. May mắn, tôi đỗ đại học trong niềm vui, niềm tự hào của cả gia đình với số điểm thừa chuẩn chút ít, thật hú vía !

        Tôi mang trong mình một chút lãng mạn của tuổi ấu thơ với giấc mơ công chúa, ông bụt, bà tiên, lại pha chút đồng quê của một người sống ở nông thôn cùng những hoài bão màu hồng bước vào ngưỡng cửa đại học. Ở đây, ngoài kiến thức, tôi đã nhận được những trải nghiệm quý báu về cuộc sống tập thể ở ký túc xá, tình bạn thời sinh viên, tình thày trò. Tôi nhận thức được thế giới không phải màu hồng, ở đâu, giới nào cũng có người tốt, người xấu. Để có những bài học quý giá làm người, đôi khi tôi phải trả giá bằng sự tổn thương lớn cho những ngu ngơ của tuổi trẻ.

                             NHỮNG KỶ NIỆM THỜI SINH VIÊN.

        1. Lý do tôi đăng ký vào khoa Toán ĐHKTKH.

        Tôi đăng ký thi vào khoa Toán kinh tế - ĐHKTKH, trước hết, do tôi yêu thích môn toán, thứ hai, tôi nghe một bác người quen công tác ở Đài Tiếng nói VN nói là trường có máy tính điện tử C8205Z - thật là hấp dẫn ! Còn một lý do nữa, trường có nhà ăn tốt nhất trong các trường ĐH ở Hà Nội và vừa được tặng lẵng hoa Bác Tôn. Học ở đó, bố mẹ hy vọng tôi không bị đói.

        2. Tôi bị kỷ luật.

        Lúc mới nhập học, lớp tôi có 8 bạn nữ, 17 bạn nam. Các bạn nữ lớp Toán kinh tế chăm chỉ học (một phần do chương trình học nặng hơn), nữ lớp tôi (XLTT) chỉ có một, hai bạn chăm, còn lại lười học, hoặc học theo kiểu nước đến chân mới nhảy, nghĩa là sắp đến ngày thi mới học ngày, học đêm, còn ngày thường cứ túc ta túc tắc, học được đến đâu thì học. Thời gian còn lại, chúng tôi vui vẻ hát hò, nghịch ngợm như thời phổ thông. Chẳng thế mà năm thứ hai đại học, 4 bạn nữ bị các thày tóm gọn do đánh tú lơ khơ trong giờ học Nghị quyết IV. Tôi bị khiển trách trước lớp vì trong những ngày nghỉ ôn thi lại về nhà ở quê để ôn, không xin phép lớp trưởng. Tôi nhớ, hôm tôi trở về trường để thi, có bạn gặp tôi và nói ngay: ''Cậu phải thi tốt vào, may ra không bị kỷ luật, hoặc cậu nói là ra nhà dì ở Hà Nội ôn thi thì sẽ không bị kỷ luật nữa''. Sau đấy tôi mới biết quy định lúc đó là nếu ra ngoài KTX vài hôm, miễn vẫn ở HN thì không phải xin phép. Tôi thi được 4+/5, và vì kiêu hãnh, tôi vẫn nói với lớp trưởng là tôi về nhà ở quê để ôn thi.

        Vụ việc của tôi được báo cáo lên Khoa. Tôi cùng 4 bạn đánh tú lơ khơ bị đưa ra trước lớp để các bạn góp ý phê bình. Tôi nhận án khiển trách trước lớp, 4 bạn nhận án khiển trách trước Khoa. Hôm lớp họp phê bình 5 ''tội nhân'', một bạn nữ (hình như là Phúc) trong số 3 bạn nữ ''vô tội'' đứng lên góp ý và nói:'' Tôi không ngồi gần, chứ ngồi gần tôi cũng đánh (tú lơ khơ) (!!!)''. Lớp trưởng, lớp phó cùng các bạn nam trong lớp lúc ấy đều nhìn mấy bạn nữ với ánh mắt mà bây giờ gọi là botay.kom.

        Bốn bạn lĩnh án khiển trách trước Khoa bị gửi giấy báo kỷ luật về nhà cho bố mẹ. Tuyết Mai là 1 trong 4 bạn đó hí hửng bảo:'' Tớ sẽ canh chừng cái hòm thư ở cổng nhà tớ, có giấy về tớ sẽ giấu đi ngay''. Vài ngày sau, Tuyết Mai đến lớp nhăn nhó bảo: ''Chết tao rồi, giấy gửi về cơ quan mẹ tao. Chiều qua vừa đi học về, cụ bảo tao làm cụ xấu hổ, mất mặt với cơ quan quá. Mẹ thì luôn động viên mọi người trong cơ quan nêu gương sáng đảng viên, con lại đánh tú trong giờ học Nghị quyết IV.''. Tôi bị thày Là (giáo vụ Khoa) gọi lên và dọa sẽ gửi giấy báo kỷ luật về trường cấp III - nơi tôi học. Ôi, sợ hết hồn, còn đâu hình ảnh đẹp đẽ trong mắt thày cô, bạn bè về một cô học trò cưng ngày nào. Tôi năn nỉ rơi cả nước mắt và hứa nhất định sẽ không bao giờ tái phạm nữa, thày Là mới tha cho.

        3. Tôi gian lận môn bắn súng.

        Tôi đồng ý là nữ lớp tôi không chăm chỉ học, hay nghịch ngợm như thời phổ thông. Đến bây giờ, khi gặp nhau, chúng tôi vẫn bảo dạo đó sao chúng mình lười quá thể. Nhưng chúng tôi tự hào là có sự tự trọng lớn, không ai quay cóp, chép bài của nhau, dù rất thân nhau, không mang phao vào phòng thi trong suốt 5 năm học. Không làm được bài thì ngồi đấy, nhất định không cầu viện, dù có nguy cơ bị ăn ngỗng hay gậy.

        Ấy vậy, tôi lại "gian lận'' trong môn bắn súng, vì tôi không coi bắn súng như một môn học. Chuyện như sau: Kim Châu bị trượt bắn súng K44. Bạn ấy không biết nheo một bên mắt nên không thể bắn được. Tôi bắn ba viên vào bia số 4 được 27 điểm. Hôm tất cả sinh viên k17 trượt môn bắn súng phải lên trường bắn Yên Viên - Bắc Ninh để bắn lại, tôi cùng lên đó với Châu. Khi bác chỉ huy gọi tên Vũ Kim Châu, tôi liền bước ra nhận súng, nhận đạn để bắn hộ. Dù mưa xuân lất phất giăng mờ đất trời, tôi vẫn tự tin ngắm bắn. Hai viên đầu tôi ngắm thật chính xác, viên thứ ba tôi sợ lộ nếu đạt điểm cao nên ngắm chệch đi chút ít. Anh báo bia hô 10, 10, 8, tôi và Châu vừa mừng (vì qua môn này), vừa sợ (vì điểm cao) nên chạy tít lên đồi bạch đàn bên cạnh, vừa giở cơm nắm, muối vừng ra ăn vừa nhìn xuống xem các bạn khác bắn, còn tức khẩu thành thơ: "Cơm thơm ăn với muối vừng. Ăn đến nửa chừng thì hết mất cơm''.

        4. Kỷ niệm với bạn Ngô Phi Nga.

        Ngô Phi Nga tên thật là Nguyễn Ngô Phi Nga, tuy nhiên bạn kể khi đi làm giấy tờ tùy thân, người làm sơ xuất bỏ mất từ ''Nguyễn'', thế là bạn thành ra mang họ Ngô. Tôi có kỷ niệm khá thú vị với Nga trong môn quân sự. Tôi bắn súng khá, nhưng ném lựu đạn thuộc dạng tự sát. Cổ tay và khớp vai tôi yếu nên khi ném, lựu đạn rơi cách người có vài mét. Vì thế, trong lần tập quân sự ở làng Quả - Bắc Ninh, tôi trượt môn ném lựu đạn.

        Ngô Phi Nga trượt môn bắn súng vì phạm quy. Tôi và Nga cùng vào nằm bắn bia số 4. Sau khi bắn đủ 3 viên, anh chỉ huy đứng chếch ở mô đất bên cạnh hô chúng tôi xách súng vọt tiến để quỳ bắn bia ẩn hiện. Tôi và Nga cùng xách súng đứng lên, bỗng ''đoành'' - một tiếng nổ chát chúa vang lên, viên đạn từ súng của Nga sạt qua anh chỉ huy, găm vào đâu đó phía rừng bạch đàn xa xa. Thì ra Nga nắm vào cò súng để xách súng đứng lên, nên bị cướp cò. Tôi nhìn thấy mặt anh chỉ huy tái nhợt, mặt Nga từ đỏ cũng chuyển dần sang tái xanh. Nga lẩm bẩm như trấn an mình, trấn an anh chỉ huy: '' Thôi không sao, không sao !''. Đúng là anh chỉ huy không sao và không có ai ở rừng bạch đàn phía xa bị thương, nhưng Nga bị tước súng, loại khỏi cuộc bắn súng và tất nhiên là trượt môn này.

        May mắn sau đó, mỗi lớp chọn vài người đi ném lựu đạn thật, tôi và Nga xung phong đi. Tôi không sợ tự sát do có lũy đất chắn trước mặt. Trước khi đi ném lựu đạn thật, tôi với Nga còn đùa tếu, đi chào các bạn nữ trong lớp và dặn dò: nếu hai đứa có mệnh hệ gì thì các bạn ở lại cứ việc chia nhau của nả của hai đứa để trong vali ở phòng KTX. Sau đấy nhờ hành động dũng cảm đi ném lựu đạn thật mà tôi và Nga được xét đạt vớt môn quân sự.

        5. Nữ chúng tôi ''trả thù'' các bạn nam trong lớp.

        Các anh lãnh đạo lớp hay phê bình nữ chúng tôi không chuyên tâm học tập (đúng như thế) vì cứ mải mê tham gia hết lần thi văn nghệ này đến lần thi văn nghệ khác. Nào là thi cấp khoa, rồi thi cấp trường, thi cấp thành phố Hà Nội, năm nào cũng thi. Tôi cùng một số bạn nữ của lớp còn trong tốp ca của trường hát trên sân khấu ngoài trời của Hà Nội mùa lễ hội, hát ở phòng tuyến sông Cầu phục vụ nhân dân, ... Chúng tôi mang về cho lớp, cho khoa 2 giải nhất tốp ca nữ (1 của lớp, 1 của khoa) trong lần Kỷ niệm 20 năm thành lập Trường ĐHKTKH. Ai bảo chúng tôi có năng khiếu nên cứ lọt vào tận vòng thi cuối cùng ? Ai bảo khoa Toán có thày Nguyễn Lưu đa tài và đam mê âm nhạc nên hay khởi xướng các phong trào văn nghệ ?

        Hồi đó chúng tôi ấm ức như bị oan vì văn nghệ là nhiệm vụ Khoa giao cho lớp, chúng tôi có tự tổ chức đâu ? Chúng tôi đứng ra đảm nhiệm cho tập thể mà các bạn nam cứ ''dài mỏ'' phê bình. Thế nên, có lần được Khoa giao 3 tiết mục văn nghệ, chúng tôi nhận 2, còn các bạn nam nhất định phải nhận 1, dù các bạn nói khó mãi, xin được hát chung. Tôi dạy cho các bạn nam hát bài ''Bước chân trên dải Trường Sơn'' của Vũ Trọng Hối. Hôm đi duyệt tiết mục trên Khoa, nhìn các bạn nam lúng túng, đứng dúm dó vào nhau, chúng tôi hả hê vô cùng. Hả hê hơn nữa là khi nhạc nổi lên, tất cả hát bài ''Bước chân trên dải Trường Sơn'', riêng bạn Phạm Quang Trung hát thật to: ''Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận ...'' (câu mở đầu bài hát ''Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân'' của Huy Thục) khiến ban nhạc đột ngột dừng lại. Thày Tân kéo accordion quát to: ''Thế các cậu hát bài gì ?''. Sau này bạn Trung giải thích do thấy ban nhạc dạo bài hát của Huy Thục nên bạn ấy mới hát bài đó (???). Thế rồi tốp nam lớp tôi rề rà cũng xong bài hát, sau đấy kéo nhau ra ngoài hành lang chờ kết quả. Toạch là cái chắc, nhưng nhóm nữ tiếp tục ''trả thù'' các bạn nam bằng việc chúc mừng, thông báo tiết mục các bạn đã được duyệt, các bạn về tiếp tục tập luyện để hôm tới biểu diễn trên sân khấu hội trường A. Nghe vậy, các bạn nam lo lắng, nhớn nhác hết cả lên (hê hê, trong đó có ông xã tôi sau này). Còn chúng tôi thì cảm thấy: ''Vui này hẳn bõ đau ngầm xưa nay''.

        6. Kiêu hãnh hay tự tôn ?

        Kiêu hãnh gần như kiêu ngạo là đặc trưng của con gái lớp tôi. Chẳng bạn nào hạ mình trước bạn nào, không ai lấy lòng thày cô để có lợi cho mình, có gì oan sai là làm mọi cách cho sáng tỏ sự việc mới thôi.

        Lớp XLTT chia các sinh viên thành nhóm để giúp đỡ nhau học tập. Môn Đại số tuyến tính của thày Hỷ, đáp số thường là một ma trận nên để làm một bài tập mất rất nhiều thời gian, nhờ đó cũng nhớ lâu. Nhóm chúng tôi có 4 bạn - trưởng nhóm là bạn Phạm Quang Trung - luôn làm đầy đủ các bài tập thày cho. Một lần, thày Hỷ gọi tôi lên bảng làm bài, tôi làm xong, thày lại bảo mang vở bài tập lên thày xem. Tôi nói tôi không có vở bài tập đại số, chỉ có vở nháp nhưng tôi làm đủ bài, chỉ không chép lại bài đã giải vì dài quá (có khi tới mấy trang một bài), thày bảo:'' Ai mà tin chị được ?''. Tôi tức quá và cũng tự tin vì có nhóm chứng thực cho mình nên tôi nói luôn:'' Thưa thày, vở nháp em có mang và bây giờ thày có thể đưa bất kỳ bài tập nào đã cho từ đầu kỳ, không cần mở vở, em đều đọc kết quả ngay ạ''. Thầy bất ngờ nhưng vẫn không hạ nhiệt: ''Chị nói thế thì tôi biết thế, chứ tôi lại đi đánh đố chị à ?''. Lúc ấy tôi hiếu thắng như vậy, bây giờ nhớ lại tôi thấy mình đã không phải với thày, lẽ ra tôi phải xin lỗi thày vì sự không cẩn thận của mình mới đúng.

        Một lần, về phòng tập thể, Bùi Thị Thu buồn bã vì bị trượt môn học của thày Vinh do ngộ nhận một ý trong đề bài. Trao đổi với nhau, tôi giật mình vì cũng bị ngộ nhận như thế nhưng tôi vẫn được điểm bài đó. Tôi nói với mọi người trong phòng là tôi cũng sai giống Thu và đi lên phòng thày Vinh ở nhà 5. Trên đường đi, tôi chạy thật nhanh vì sợ mình sẽ đổi ý. Gặp thày, tôi nói tôi sai ý đó mà thày không phát hiện ra, vẫn tính điểm cho tôi. Thày vui vẻ bảo tôi cứ về, thày sẽ không chấm lại và bỏ qua cho tôi lỗi sai này. Tôi vui mừng quá đỗi, chỉ còn biết cảm ơn thày thôi.

        7. Kỷ niệm với Vũ Kim Châu.

        Có thời gian tôi khá thân với Vũ Kim Châu. Tôi hay sang nhà Châu ăn cơm vì nhà Châu ngay cạnh bệnh viện Bạch Mai, rất gần trường. Ăn cơm nhà Châu, tôi tưởng như được ăn cỗ vậy, vừa no bụng vừa ngon. Mùa đông Châu hay mặc chiếc áo khoác nhung màu da bò, tôi nhìn rất thích và ước sau này mình cũng có một cái áo như vậy. Châu có ''tài sản'' lớn là nụ cười rất sáng với hàm răng trắng đều tăm tắp và tiếng cười hồn nhiên, giòn tan.

        Một lần thi Giải tích ở hội trường A, trước khi vào thi tôi thấy lâm râm đau bụng, cầm đề về chỗ ngồi, cơn đau bỗng nổi lên mỗi lúc một dữ dội hơn. Suốt 4 năm rưỡi đại học, tôi thường xuyên phải chịu những cơn đau co thắt như thế, nó ảnh hưởng nhiều đến học tập và các chuyến đi của tôi. Đơn cử là tôi phải bỏ chuyến coi thi đại học ở Nghệ An cũng vì trận đau giống thế này. Một lần đau quá, tôi đã liều nuốt một cục thuốc phiện - không nhớ ai cho - nhưng chả ăn thua.

        Vậy là lần thi đó tôi phải trả đề, nhận con 2, trở về phòng KTX nằm và uống thuốc giảm đau. Đến trưa, tôi biết Châu cũng bị ngỗng như tôi, hai đứa buồn lắm, nước mắt rơm rớm, bỏ cơm đi lang thang sau nhà 4, chán rồi leo lên ngồi trên một cành nhãn. Bỗng Châu bảo:'' Thôi, tao đi chết đây !'', rồi Châu nhảy xuống đất đi vào nhà 4, trèo thẳng lên sân thượng. Tôi sợ bạn lên đấy sẽ phẫn chí mà nhảy xuống nên vào phòng ở (p. 15), hô mọi người cùng lên sân thượng cứu Châu. Khi chúng tôi lên đến nơi, hốt hoảng nhìn quanh xem Châu đâu thì thấy bạn đã nằm ngủ ngon lành trên sân (ngủ nhanh thế cơ chứ !), dưới bóng râm của gian tum, gương mặt thư thái không gợn chút buồn bã, u sầu nào trước đó. Trong ký ức tôi, Châu hồn nhiên, vô tư như vậy đấy !

                             KỶ NIỆM NHỮNG NĂM THÁNG ĐI LÀM

        1. Tôi đã đánh mất giọng hát như thế nào.

        Tôi đi làm những ngày đầu tiên ở Cục Thống kê Hà Nam Ninh, kèm theo giấy giới thiệu của khoa Toán, trong đó có nhận xét: “Có khả năng văn nghệ”. Nhưng cũng tại đây, tôi đã đánh mất giọng hát của mình chỉ vì một sai lầm tai hại. Câu chuyện như sau: Phòng làm việc của PGĐ Trung tâm máy tính cơ quan tôi có vị trí hơi khuất, sát phòng máy tính lớn - nơi các nhân viên ngồi làm việc. Anh PGĐ rất nam tính, tốt bụng, thông minh, có thể coi là cây từ điển sống ở nhiều lĩnh vực. Ai cũng quý mến anh, các chị - dù chồng con rồi vẫn ngưỡng mộ anh, nhất là các chị muộn duyên. Anh vui tính, giản dị, hòa đồng, không có sự xa cách giữa lãnh đạo với cấp dưới, nên chị em hay đùa vui với anh, trong đó có tôi. Mỗi khi có việc đến chỗ anh, vừa đi vòng ra sau, chúng tôi vừa réo rắt gọi anh để anh biết có mấy đứa quái nhân đang sắp đến.

        Một lần có việc, tôi vừa đi vào chỗ anh, vừa cười nói: “Anh H ơi, anh có giấu chị nào trong đó không đấy ?''. Khốn khổ cho tôi, trong đó lại có một chị từ trước tới nay rất ngưỡng mộ anh và đang ở đấy. Cả hai đứng phắt dậy, mặt tái nhợt, mắt trừng trừng nhìn tôi. PGĐ nghiêm giọng nói, đại ý: tại sao tôi lại nói anh quan hệ bất chính với chị này. Tôi á họng, không nói nổi câu nào vì bất ngờ và giận dữ.

        Tôi mất giọng liền một tuần, chỉ khò khè và ra hiệu bằng tay cho mọi người trong công việc. Ngay sau đấy, tôi được minh oan vì những người trong phòng máy tính lớn đều nghe rõ tôi nói gì. PGĐ biết vậy, không còn giận tôi, thậm chí hai anh em còn rất hợp nhau trong công việc sau này, nhưng tôi bị giãn thanh quản, không còn hát được như trước nữa.

        2. Tôi bị bệnh nặng.

        Hồi mới đi làm, nhà tôi nghèo lắm. Dù bố mẹ đều là thủ trưởng cơ quan, nhà máy nhưng kinh tế nhà tôi chẳng hơn gì nhà các cô, chú cán bộ, công nhân khác. Ngoài mua thực phẩm theo tem phiếu, để cải thiện bữa ăn, tôi chỉ dám mua những miếng thịt lợn rẻ tiền ở bên ngoài. Con trai tôi một lần sang hàng xóm chơi, về bi bô với mẹ:'' Mẹ ơi, cái H (con ông GĐ Điện lực) sướng lắm, nó được ăn cả hộp kẹo. Nó ngậm kẹo trong mồm lại còn cắp cả hộp kẹo vào nách nữa''. Thương con, việc gì làm được là tôi làm. Tỉnh Hà Nam Ninh trồng lạc xuất khẩu, tôi nhận lạc về bóc lấy công, tranh thủ ngày đi làm, tối, đêm bóc lạc, sàng sảy lấy nhân, phân loại hạt. Nhiều đêm mệt quá nhưng tôi vẫn làm cố cho xong để sáng mai chở lạc đi trả,... Cứ thế, tôi bị lao lực, nhưng bệnh chưa phát ngay.

        Một ngày, đang học chuyên tu tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, tôi bị choáng phải đi viện. Bệnh viện phát hiện tôi bị lao hạch - một loại bệnh không lây nhưng rất khó chữa thời đó. Tôi vừa chữa bệnh, vừa hoàn thành chương trình học dù bị tác dụng phụ của thuốc kháng sinh rất nặng. Ngồi học trên lớp, tôi phải lấy tay chống đầu lên để khỏi bị gục xuống bàn. Có lúc bệnh như tăng lên, khiến tôi rất bi quan, vì lúc đó khoa học còn kém, chưa có thuốc đặc hiệu như bây giờ. Ông xã tôi vừa chăm con thay tôi, vừa cặm cụi nuôi lợn, nhặt tất cả những gì trong nhà có thể bán được để bán lấy tiền mua thuốc chữa chạy cho tôi. Sau 9 tháng chữa trị quyết liệt, tôi đã khỏi bệnh. Đến nay, tôi vẫn vô cùng biết ơn ông xã tôi - cũng là bạn tri kỷ của tôi, đã luôn ở bên khi tôi lâm bệnh trọng.

        3. Tôi thoát nghèo.

        Khi tin học trở nên cần thiết, hữu hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đời  sống, cũng là mảnh đất mới thời đó ít người có khả năng cày xới, tôi - với chuyên ngành đào tạo về máy tính - đã nắm bắt cơ hội này. Tôi tự học tin học nâng cao, học thêm từ các anh chị trên Trung tâm tính toán Tổng cục Thống kê. Đủ tự tin, tôi cùng các kỹ sư tin học của Trung tâm máy tính (nơi tôi làm việc) mở lớp dạy tin, trang bị máy tính cho các cá nhân, tập thể có nhu cầu. Tôi tranh thủ ngày chủ nhật và các buổi tối viết phần mềm cho các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, từ quản lý hồ sơ, nhân sự, kế toán, kho bãi đến xổ số, tuyển sinh, giảng dạy tin học cho sinh viên Cao đẳng Y Nam Định. Đôi khi, mình tôi ngồi suốt đêm lập trình trong một phòng lớn của doanh nghiệp cùng chiếc máy tính, bữa ăn là cái bánh mỳ không nhân, dưới chân là mấy tờ báo trải ra để khi mệt thì nằm một chút cho đỡ đau lưng.

        Ông xã tôi (trước khi về ngành kế hoạch) làm ở Công ty Lương thực thành phố Nam Định. Khi nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, Công ty không còn là ''sở gạo'' nữa, ông xã tôi bôn ba khắp nơi đi buôn các mặt hàng lương thực. Hai vợ chồng làm cật lực, cứ thế tích lũy dần, rồi xây nhà tầng, mua xe máy, ti vi, máy giặt,... Gia đình tôi trở thành gia đình có kinh tế khá nhất trong khu tôi ở. Tôi có xe máy Dream, ''oách'' hơn con Honda 82 màu xanh nước biển của bạn Đặng Đức Tuyên - cái xe mà ngày Tuyên đi đến nhà tôi, tôi còn nhìn nó với đôi mắt lác xệch, mơ ước. Có tiền, con trai tôi được đầu tư học tập đâu ra đấy. Bố tôi thường đứng ra mở lớp mời thày giỏi về dạy toán, lý, hóa cho các cháu. Tôi rất biết ơn bố. Con trai tôi trưởng thành như ngày nay là nhờ công chăm sóc rất lớn của ông.

        4. Cải tiến chương trình in hóa đơn điện nước.

        Những năm tôi mới đi làm, Trung tâm máy tính - Cục Thống kê Hà Nam Ninh gồm nhiều dân toán, tin có máu mặt: Anh GĐ tốt nghiệp ĐH Tổng hợp toán ở Ba Lan, anh PGĐ tốt nghiệp ĐH Tổng hợp toán ở Tiệp, một anh tốt nghiệp ĐH Tổng hợp toán ở Nga, 2 kỹ sư tin học Bách Khoa Hà Nội, 1 kỹ sư vật lý hạt nhân và tôi. Lúc ấy, Trung tâm mở lớp giảng dạy tin học cho toàn tỉnh và nhận hợp đồng tính toán, in hóa đơn điện, hóa đơn nước, tính lương,... cho một số đơn vị, nhà máy trên địa bàn (Điện lực Hà Nam Ninh, Nhà máy Nước thành phố Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Nhà máy Tơ - trực thuộc Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định). Tôi nhận xử lý bài toán lương cho nhà máy Tơ, 2 kỹ sư tin học Bách Khoa xử lý bài toán điện và nước.

        Trong quá trình làm việc, qua quan sát tôi thấy, hàng tháng, các quyển sổ ghi số công tơ điện, nước được chuyển đến Trung tâm khá nhiều. Trung tâm có hơn mười nhân viên sử dụng phần mềm nhập tin, tính toán, in ấn, sau đấy cắt, xén, nhặt hóa đơn sắp xếp theo sổ. Tôi suy nghĩ nên cải tiến phần in để bỏ qua công đoạn nhặt hóa đơn. Tôi trao đổi với hai đồng nghiệp chịu trách nhiệm về bài toán điện, nước. Có lẽ vì ngại, họ nói không thể làm được, dù tôi đã cố thuyết phục và gợi ý cả thuật toán. Không đành nhìn mọi người cứ kỳ cụi nhặt hóa đơn mãi được, một công việc chiếm thời gian nhiều gấp mấy chục lần so với việc cắt xén, trong khi có thể thay đổi thuật toán in để giúp họ, tôi liền gặp PGĐ nêu ý kiến. PGĐ nói với hai anh kia và hai anh vẫn trả lời là không thể làm được. PGĐ liền bảo tôi:'' Vậy Hòa làm đi, anh đồng ý cho em can thiệp vào hai chương trình điện, nước''. Tôi vừa làm vừa lo mếch lòng đồng nghiệp, vừa hồi hộp, vui mừng vì tôi tin là sẽ làm được - chỉ một thuật toán nhỏ thôi mà.

        Ngày in theo thuật toán mới, anh chị em đồng nghiệp đều vui mừng, hồi hộp giống tôi. Đầu tiên, họ kêu lên:'' Hòa ơi in lung tung rồi''. Sau đấy, khi xén xong, không cần nhặt, chỉ xếp chồng lên rồi lật xem từng hóa đơn, mọi người vui mừng vô cùng vì hóa đơn đã sắp theo trật tự từ 1 đến hết. Thế là cải tiến của tôi được áp dụng, tiết kiệm được sức lao động và thời gian hơn chục con người của Trung tâm. Hai anh kia cũng chẳng giận tôi, họ bảo do họ lười thôi. Đúng vậy, hai ông này lười quá thể luôn.

        Sau này, tôi không làm máy tính mà chuyển sang làm quản lý thống kê, nhưng mỗi khi Tổng cục Thống kê gửi phần mềm về để các Cục Thống kê tỉnh sử dụng, tôi luôn can thiệp vào chương trình, chỉnh sửa cho phù hợp với đặc thù của tỉnh, giúp mọi người giảm thời gian nhập tin, tăng độ chính xác của số liệu. Thói quen tạo nên tính cách, sự chính xác, tỉ mỉ và cẩn thận của nghề lập trình luôn theo tôi trong mọi công việc. Tôi vẫn là người không dễ bằng lòng với công việc hiện tại, luôn suy nghĩ cải tiến sao cho đem lại kết quả tốt nhất. Mọi người bảo, vì cái tính ấy mà tôi hay vất vả, cầu toàn, ôm đồm công việc.

        5. Kỷ niệm đẹp với bạn Đặng Viết Xuân.

        Mấy năm sau ngày tôi cải tiến in hóa đơn điện, Điện lực Hà Nam Ninh rút hợp đồng về thành lập phòng máy tính để tự tính toán, in hóa đơn điện, phần mềm do Tổng Công ty Điện lực (TCTĐL) cung cấp và vẫn còn nguyên công đoạn nhặt hóa đơn. Ông GĐ Điện lực muốn tôi chuyển công tác về đó, nhưng do gắn bó với cơ quan hiện tại, tôi đã từ chối khéo.

        Thời gian đó, bạn Đặng Viết Xuân đang là quản đốc một phân xưởng của nhà máy Dệt dân sinh, công việc không liên quan gì đến máy vi tính. Sau đấy, nhà máy bị cháy nên làm ăn thua lỗ, công nhân không có lương. Xuân buồn rầu, gặp vợ chồng tôi tâm sự có lẽ sẽ về quê để xin việc làm. Tôi vội chạy sang gặp ông Giám đốc Điện lực (ở cách nhà tôi một gian tập thể) để giới thiệu Xuân, xin cho bạn vào làm việc ở phòng máy tính của Sở - dù lúc này, Xuân chưa thuộc mặt bàn phím máy vi tính (tất nhiên tôi giấu nhẹm việc này). Ông ấy hỏi về Xuân và muốn đưa Xuân lên TCTĐL để nhờ kiểm tra trình độ tin học. Tôi nói:'' Bạn ấy còn giỏi hơn cháu. Chú cứ giao việc cho Xuân, nếu bạn ấy làm được thì chú nhận, không làm được thì thôi, không cần kiểm tra ạ''. Tôi cũng gợi ý ông giao cho Xuân cải tiến phần in hóa đơn điện cho chương trình của Sở (đúng phần ông ấy đang bức xúc), nếu thành công, ông phải nhận Xuân vào làm. Ông ấy đồng ý ngay.

        Tôi và Xuân liền mở một kỳ chạy nước rút. Tôi đưa sách tin học cho bạn đọc, tôi hướng dẫn bạn đến phòng máy tính Sở Điện in chương trình của TCTĐL ra giấy, mang về. Thế là Xuân học hệ quản trị cơ sở dữ liệu FOXPRO ngay trên chương trình của họ. Trong thời gian rất ngắn (chưa đến 1 tháng), chỉ học chay vì không có máy tính để thực tập (lúc đó máy tính rất hiếm), bạn ấy đã ''xơi tái'' hệ điều hành MS-DOS, ngôn ngữ lập trình FOXPRO lẫn chương trình của TCTĐL và đương nhiên, việc cải tiến phần in hóa đơn điện chẳng làm khó được bạn ấy, vì Xuân rất thông minh, lại chăm chỉ, cẩn thận.

        Việc tôi và Xuân học cùng nhau diễn ra ngay sát nhà ông GĐ Điện lực. Thỉnh thoảng buổi tối, ông ấy lại sang nhà tôi chơi, tôi và Xuân phải nấp trong buồng, khép cửa trao đổi thầm không ra tiếng, đợi ông ấy về mới dám ló mặt ra, sợ ông ấy biết Xuân mới học là ''hỏng hết bánh kẹo''.

        Tôi không được chứng kiến ngày Xuân chạy chương trình cải tiến bên Điện lực, chỉ biết một hôm ông GĐ sang nhà tôi thông báo đã nhận bạn ấy vào làm việc. Tôi vui mừng vô cùng vì bạn ấy đã có việc làm, lương cao, đủ điều kiện lo cho con cái ăn học ở thành phố, không phải về quê. Sau đấy ông GĐ giao cho bạn ấy viết thêm chương trình điện máy - tính toán cho tập thể cơ quan, doanh nghiệp dùng điện. Ông Trưởng phòng Tổ chức cho biết, bạn ấy là người đầu tiên do GĐ quyết định nhận thẳng mà không hỏi ý kiến tổ chức. Mấy năm sau, Xuân được bổ nhiệm chức Phó rồi Trưởng phòng Máy tính.

        Tôi rất vui và tự hào vì chúng tôi - những sinh viên khoa Toán đã luôn làm việc hết mình, ở đâu, làm gì cũng phát huy phẩm chất của một sinh viên được khoa Toán đào tạo, rèn luyện bài bản.

                                            LÀM THƠ

        Tôi là dân chuyên văn thời phổ thông, đôi lúc có làm thơ - gọi là văn vần thì đúng hơn. Xin trình làng vài bài ''văn vần'', mong mọi người không chê.

                                      1.  NHẮN MÂY (*)

                                  Mây ơi mây hãy bay đi

                          Mang về cho bé một vì sao xanh

                           Hiểu lời mây ruổi nhanh nhanh

                      Cuối trời một ánh sao xanh đang chờ

        (*) Tôi viết bài năm 1965 - khi 8 tuổi

        ------------------------------------------------

                               2. TRĂNG MƯỜI SÁU (*)

                              Trăng ẩn sau mây tối

                              Gió thu lạnh se người

                              Hồ long bong sóng vỗ

                              Tưởng như đông về rồi

                               Trăng có nỗi niềm chi

                               Mà không cho gặp mặt

                               Hay giận em đêm qua

                               Để trăng buồn hiu hắt ?

        (*) Đi thưởng trăng đêm mười sáu do đêm rằm bận, nhưng trời đầy mây, không có trăng. Làm năm 1981.

         --------------------------------------------------------------

                               CHÚC MỪNG SINH NHẬT (*)

                              Hôm nay sinh nhật anh

                              Em mong anh hạnh phúc

                              Nhờ ngọn gió an lành

                              Mang tới anh lời chúc

                              Thân thể dù đau nhức

                              Trí não mệt rã rời

                              Không làm anh ngã gục

                              Vẫn vui sống làm người

                              Hồn nhiên như mây trời

                              Hiền lành như cây cỏ

                              Dễ thương như chim non

                              Tấm lòng anh thế đó

                              Em như người bạn nhỏ

                              Một sớm ghé đời anh

                              Gặp khu vườn mùa hạ

                              Bước chân đi không đành

        (*) Sinh nhật người bạn tàn tật do mắc bệnh xương thủy tinh.

             Làm năm 1991

         --------------------------------------------------------------

                                                ĐI NHẬT (*)

                               Tấp nập người đi, tớ cũng đi

                               Cũng giày, cũng áo, cũng vali

                               Xứ sở anh đào mùa lễ hội

                               Chân đi mắt ngắm thỏa hiếu kỳ

                               Học sáu sàng khôn đủ sáu ngày

                               Thiên đường hạnh phúc hỏi rằng đây ?

                               Ngày đi mê mải, lòng như hội

                               Đêm mơ nước Việt cũng có ngày...

                               Vali to vật như ''trâu sề''

                               Yêu cháu bà đâu có quản gì

                               Meiji lèn đủ hai mươi hộp

                               Khách sạn, sân bay kéo vè vè

                               Bạn mua kem dưỡng với chống nhăn

                               Tảo biển, sake, tất, áo, quần

                               Mình cũng muốn mua nhiều thứ lắm

                               Nhưng sữa Meiji đã quá cân

                               Định bụng mua thêm ở Nội Bài

                               Tảo biển dăm hộp, rượu dăm chai

                               Tiếc thay hàng Nhật không hề thấy

                               Về quà không có áy náy hoài.

        (*) Làm năm 2015. Sự thật thì khi về đến Hà Nội, tôi ''sáng ý'' vào cửa hàng Hàn Quốc mua bánh kẹo về làm quà. Ai tinh mới phân biệt được chữ Hàn, chữ Nhật.

         --------------------------------------------------------------

                               TRÍCH BÀI ''CHÁU NỘI'' (*)

                               Mẹ yêu đồng cỏ bao la

                    Nên sinh con đặt tên là Thảo Nguyên

                               Yêu con, yêu cả cái tên

                    Yêu con bà vượt muôn nghìn dặm xa

                                 Lyon nơi con sinh ra

                 Bỗng chốc thân thuộc như là quê hương

                           Đây rồi cháu nội yêu thương

                  Bao nhiêu mệt mỏi dặm trường tiêu tan

                             Yêu sao đôi má quả cam

                         Cái mũi tẹt tẹt y chang mũi bà

                         Bàn chân ''dẫm ruộng'' của cha

                       Mày thanh nét vẽ - rõ là mẹ Oanh

                       Ngày ngày bên cháu quẩn quanh

                   Mà sao bà thấy trôi nhanh tháng ngày

                         Trở về nhớ cháu khôn khuây

                    Nhớ từ tóc sữa, thơ ngây mắt nhìn

                          Nhớ hàng mi khép lim dim

                   Ầu ơ tiếng khóc những đêm trở trời

                         Nhớ mùi hương sữa hoi hoi

                Bàn tay vụng dại, miệng cười nhú răng

                           Bà ngồi bà nhớ bà mong

                    Cái ngày bố cháu học xong trở về

                            Cả nhà đoàn tụ vui ghê

               Cháu mười một tháng bé như con mèo

                        Ai bế cũng chẳng chịu theo

                      Tóc tơ vẫn thế lèo tèo mạ non

                        Má quả cam vẫn căng tròn

                    Yêu sao yêu thế cún con của bà

                           Bây giờ cháu đã lên ba

                      Bi bô cười nói cả nhà đều vui

                    Tường nhà cháu vẽ ngược xuôi

               Giấy tường cháu xé, đồ chơi cháu bày

                   Ăn cơm thì ngậm, đi tắm đòi vầy

                     Hơi tí ăn vạ kềnh ngay ra nhà

                         Nói xấu một tí thôi nha

             Cháu đã tiến bộ nhanh qua từng ngày

(*) Năm 2013 sang Pháp chăm cháu nội. Làm bài năm 2016.

Cảm ơn mọi người đã kiên nhẫn đọc ''văn vần'' của tôi !


1 nhận xét:

  1. Phuong Tran
    Tớ đọc một mạch, bạn viết rất hay, giọng kể lôi cuốn, đúng là dân chuyên văn. Trí nhớ của bạn tốt thật đấy Hoà ạ.
    Phản hồi1 năm
    Đỗ Thị Bà Nội
    Phuong Tran Cảm ơn Phương ! Tớ cũng còn nhiều điều muốn kể lắm.
    Phản hồi43 tuần
    Dang Thi Ha
    Tớ phải đọc 2 lần mới xong ( đầu năm hơi bận rộn & phân tâm ). Nay từ từ nhâm nhi ...
    Một người giỏi văn lại học ĐH thiên về toán nên viết rất hay & lozic . BLL đã không nhầm giao bạn phụ trách chủ biên kỷ yếu. Bạn có năng khiếu lại năng động rất nhiệt tình với lớp. Mong bạn phát huy & vui khỏe !
    Phản hồi1 năm
    Đỗ Thị Bà Nội
    Dang Thi Ha Dương Thanh Dung mới là chủ biên Kỷ yếu Hà ạ. Ừ, cuộc đời tớ ai cũng nghĩ sẽ theo nghiệp văn chương, nhưng tớ ủ mưu theo Toán từ rất lâu rồi. Tớ cũng giống Hoàng, hay sưu tập sách toán về làm thêm. Văn tớ chỉ thích viết ngẫu hứng, gò vào văn nghị luận mà viết không có cảm xúc là tớ rất oải. Thế nên khi thi đại học tớ có cơ hội bỏ luôn em văn, còn học phổ thông tớ phải theo sắp xếp của trường.
    Phản hồi43 tuần
    Dang Thi Ha
    Đỗ Thị Bà Nội tớ thì ngược lại thích toán, nhưng ... rất sợ văn vì chữ xấu ( mặc dù bi giờ mình lại nhiều cảm xúc )
    Phản hồi43 tuần
    Đã chọn chế độ Phù hợp nhất nên một số câu trả lời có thể bị lọc ra.
    Yen Hoang
    Viết dài dài nhưng rất hay!
    Phản hồi43 tuần
    Nguyen Thi Hanh Phuc
    Ngày ấy tớ có phần ngạc nhiên về tính cách của Hoà. Hoà ở nội trú, học tốt và rất nhiệt tình trong mọi việc. Đặc biệt hai đứa mình luôn là cặp song ca và lĩnh xướng các tiết mục hát của lớp và của khoa. Chắc vì giỏi văn thơ nên lúc nào Hoà cũng mơ mộng, mơ màng tha thẩn trong trường....Sau khi cặp đôi với Oang thì hai bạn càng có vẻ hợp nhau về sự hơi “khác người”...Nhưng Hoà thật sự rất giỏi trong nhiều lĩnh vực, nhất là IT. Tớ khâm phục Hoà lắm.
    Phản hồi43 tuần
    Đỗ Thị Bà Nội
    Nguyen Thi Hanh Phuc Cảm ơn Phúc nhé !
    Phản hồi43 tuần
    Tân Dân Lê
    Hoà ơi dì đọc một mạch hết ký ức của cháu ,lúc thì cười chảy nước măt ,lúc lại nghẹn quá ,vì cháu đã kể lại những kn chan thật quá .giờ dì đọc mới biết có chuyện dì chưa từng biết ,đúng là con gái bố Dân mẹ tuấn .cháu viết tóm tắt nhưng đầy đủ ,xúc tích ,thơ cũng rất hay và ý nghĩa .dì cháu mình chưa lúc nào ngồi nói chuyện với nhau được lâu ,hẹn cháu một ngày nào nhé
    Phản hồi43 tuần
    Đỗ Thị Bà Nội
    Tân Dân Lê Ôi, sao dì biết mà vào đọc ạ ?
    Phản hồi43 tuần
    Chỉ Là Phương
    Đúng là cựu chuyên văn, chị viết hay quá
    Mà trí nhớ cũng tuyệt vời nữa💕
    Phản hồi43 tuần
    Đỗ Thị Bà Nội
    Chỉ Là Phương Làm sao em biết mà vào đọc ?
    Phản hồi43 tuần
    Chỉ Là Phương
    Đỗ Thị Bà Nội ơ, chắc chị để ở chế độ bạn bè mà nhỉ?!

    Trả lờiXóa