XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Ngô Minh Hoàng

 


Họ và tên: NGÔ MINH HOÀNG

Ngày sinh: 12/11/1957

Nơi sinh:  Hà Nội

Quê quán: Bái Dương, Nam Dương, Nam Trực, Nam Định

Chỗ ở hiện nay: số 10, ngách 25, ngõ 315, Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Trình độ học vấn: Tiến sĩ

Email: ngominhhoangtoanktk17@gmail.com;

          hoangtoankt17@yahoo.com

Điện thoại: 0983247607; 0986715511

Sở thích: Đọc tiểu thuyết, xem phim, đi du lịch

NGÔ MINH HOÀNG - THEO DÒNG KÝ ỨC.

        I THỜI NIÊN THIẾU.

        Tôi sinh ra và lớn lên ở phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Gia đình tôi ở 49 Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), quận Đống Đa từ đầu những năm 1950, trong căn nhà do ông bà ngoại tôi để lại. Nhà mẹ tôi trước ở Định Công, Hà Nội ; còn bố tôi quê ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Tôi là con út trong gia đình có 5 anh chị em nên được bố mẹ và các anh chị rất chiều. Hầu như tôi chưa bao giờ bị bố mẹ, anh chị đánh đòn, cùng lắm là bị phạt quỳ, quay mặt vào tường 1 đến 2h. Gia đình là viên chức bình thường, nhà đông người nên kinh tế khá khó khăn. Sách vở của tôi hầu hết do các anh chị để lại cho. Vì thế, ngay từ lúc mới đi học, tôi đã luôn quyết tâm học tốt để không phụ lòng cha mẹ và các anh chị. Từ năm học vỡ lòng và 10 năm học phổ thông, tôi luôn đạt học sinh tiên tiến và nằm trong tốp đầu lớp, có nhiều năm là chi đội trưởng. Tôi thích học toán và sau này thêm môn Nga văn. Tôi còn nhớ khi mới vào lớp 5 Trường cấp II Lý Thường Kiệt, cô giáo chủ nhiệm phát cho tờ khai kiểu như sơ yếu lý lịch, trong đó có dòng nguyện vọng, tôi đã ghi “vào đại học”, nghĩ đơn giản là vào đại học, học xong ra trường sẽ có công việc, tiền lương ổn định để giúp đỡ bố mẹ. Sau đó, cô chủ nhiệm có nói với tôi :”Sao em có nguyện vọng xa thế ?”. Tôi không trả lời được…

2. SỨC KHỎE KHÔNG ĐẠT, BỊ LOẠI KHỎI TRƯỜNG CHUYÊN.

        Năm tôi học lớp 7D Trường cấp II Lý Thường Kiệt, cô Hồng chủ nhiệm dạy văn và địa lý rất quý tôi. Năm đó tôi cũng học khá tốt nhiều môn, trong đó có Toán, Văn, Địa lý. Tôi là một trong số ít học sinh có học lực giỏi được chọn đi thi vào Chuyên ngữ ĐHSP Hà Nội. Hồi đó học chuyên ngữ sẽ được học tập trung nội trú, nhà nước nuôi, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Vượt qua 2 vòng thi viết và thi vấn đáp, đến vòng cuối khám sức khỏe, cô bác sĩ khám cứ hỏi tôi :”Sao nhẹ cân thế ?”. Có chú phụ huynh đưa con gái đi thi như tôi, khi vào khám sức khỏe đã bắt bạn ấy phải cho 2 cục đá vào túi. Sau này tôi mới biết: cân nặng là một trong các tiêu chí sức khỏe và mình bị loại do thấp bé nhẹ cân, không đủ sức khỏe theo học. Mới đầu tôi rất buồn vì bị loại. Một thời gian sau tôi lại tự an ủi mình theo kiểu AQ là cũng may mình không trúng tuyển, vì khóa đó mở 2 lớp học tiếng Tàu là ngôn ngữ tôi không thích.

        Hè năm lớp 7, tôi bắt đầu xin đi làm thêm. Mới đầu tôi làm ở xưởng sản xuất lò xo, vỏ dây phanh xe đạp. Sau mẹ tôi biết không cho làm nữa. Tôi lại nhờ chú ruột xin làm việc bán thời gian ở Triển lãm Giảng Võ, công việc cũng không đòi hỏi sức lực nhiều và thu nhập ít ỏi. Tuy vậy, thật sung sướng và tự hào khi được nhận đồng tiền do mình làm ra để đỡ đần bố mẹ !

        3. ĐAM MÊ BÓNG ĐÁ.

        Trong những năm học cấp II tôi rất thích đá bóng và xem bóng đá. Còn nhớ những lần tan học, tôi hay rủ lũ bạn về Quốc Tử Giám đá bóng. Tôi đá tiền đạo, vì nhỏ con nên hậu vệ đội bạn không để ý mấy, thế là chớp thời cơ ghi bàn. Cũng vì ham đá bóng mà mấy lần làm bài đạt điểm tốt, anh cả thưởng cho vé xem phim mà bỏ lỡ, về thấy tiếc quá.

        Tôi thường xem bóng đá ở sân Hàng Đẫy. Thích xem lắm, tuần nào cũng có mặt nhưng không có tiền mua vé. Hồi bé, do nhỏ con nên tôi toàn nhờ người lớn kèm, sau lớn hơn một chút thì nghĩ ra mẹo sưu tầm vé cũ còn lành đủ các màu. Đến tuần nào gặp đúng màu mình có là đàng hoàng đi qua cửa soát vé như người mua vé nghiêm chỉnh vậy. Hồi đó, những đội bóng mạnh là đội Trường Huấn luyện, Công an Hà Nội, Thể công. Tôi rất hâm mộ đội Công an Hà Nội vì phong cách đá rất hay. Tôi cũng không hiểu vì sao nhiều người có ác cảm với đội Công an Hà Nội, hay vì họ là công an mà không thích chăng ?

        4. MÊ CẢI LƯƠNG.

        Tôi cũng rất thích xem cải lương. Hồi đó, thỉnh thoảng có đoàn cải lương về Quốc Tử Giám biểu diễn. Một vài lần được bố dẫn đi xem, sau bố bận không dẫn được, tôi rủ mấy bạn nhảy tường trốn vé vào xem. Nhiều vở cải lương như Bao Công tra án Quách Hòe, Bao Công xử án Bàng Quý phi, Tô Vũ chăn dê... do Đoàn cải lương Kim Phụng diễn rất hay. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình hồi xưa cũng tinh quái ra phết !

        5. GỢI Ý QUAN TRỌNG CỦA ANH TRAI CẢ VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐĂNG KÝ HỌC TOÁN KINH TẾ - ĐẠI HỌC KINH TẾ KẾ HOẠCH.

        Trong các năm học phổ thông, Toán là môn tôi rất thích. Tôi chịu khó làm thêm bài tập ở sách tham khảo, mua báo Toán học tuổi trẻ về đọc và giải các bài toán hay đăng ở đó. Nhiều bạn rủ đi học thêm ở các trung tâm nhưng tôi không đi vì nghĩ: Một mặt, kiến thức thày cô dạy ở trường và các bài tập tham khảo rất nhiều, mình còn làm chưa hết; mặt khác, đi học thêm lại tốn tiền của bố mẹ. Khi đăng kí nguyện vọng thi đại học, tôi nhớ là đăng kí theo khối A,B,C, mỗi khối được đăng kí 3 nguyện vọng theo thứ tự 1,2,3. Mới đầu tôi dự định đăng kí nguyện vọng 1 là Toán tổng hợp - Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng khi trao đổi với anh tôi mới đi bộ đội về đang học đại học Bách khoa Hà Nội, anh nói Toán tổng hợp hay nhưng đi sâu vào nghiên cứu lý thuyết, Toán Bách khoa thiên về kỹ thuật, chưa chắc đã hợp với tôi, có khoa Toán Kinh tế - Đại học Kinh tế Kế hoạch là Toán ứng dụng, có lẽ hợp hơn. Tôi nghe anh và đăng kí nguyện vọng 1 là Toán Kinh tế ĐHKTKH, nguyện vọng 2 là Toán tổng hợp. Sau này khi đỗ nguyện vọng 1, vào nhập khoa, tôi lại gặp các bạn Nguyễn Thị Dung, Dương Thanh Dung và Hoàng Thọ cùng học lớp A Trường Trưng Vương 3A Hà Nội với mình. Nguyễn Thị Dung và Dương Thanh Dung cùng vào lớp Toán Kinh tế với tôi, Hoàng Thọ vào lớp Xử lý thông tin kinh tế.

        6. KỶ NIỆM VỀ CÁC THÀY KHOA TOÁN

        THÀY ĐIỆT DẠY GIẢI TÍCH.

        Tôi hay nhớ về môn Giải tích và dáng vóc mảnh khảnh thư sinh của thày Điệt. Sinh viên trong trường, kể cả sinh viên khoa Toán hồi đó rất sợ thày vì thày trông có vẻ khá nghiêm khắc. Thày nghiêm khắc đến mức bị gán mác “Dũng sĩ diệt sinh viên” - chắc thày luôn sẵn sàng “tặng ngỗng” cho những cô cậu sinh viên lười học và kém may mắn. Tuy nhiên, sau năm học thứ hai, dần dần tôi thấy thày rất tâm huyết với nghề và cũng rất quý sinh viên. Tôi còn nhớ, khi lớp chuẩn bị thi hết môn Giải tích, thày xuống tận kí túc xá sinh viên để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn, động viên sinh viên ôn tập. Khi nhóm tôi tranh thủ hỏi thày một vài bài toán khó và những vấn đề lý thuyết còn chưa hiểu, thày tận tình hướng dẫn rất chu đáo, quá cả giờ ăn cơm tối. Trước khi về thày còn nói với cả nhóm đại ý là cứ nắm vững các vấn đề cơ bản thày đã hướng dẫn thì sẽ ổn cả thôi. Thày nêu lên một số kinh nghiệm thi vấn đáp cho chúng tôi: Muốn được điểm cao thì trước hết phải nắm chắc câu hỏi, sau đó trả lời ngắn gọn, trúng vấn đề ; nếu gặp vấn đề chưa thực sự nắm chắc lắm, có vẻ ngập ngừng, chắc chắn thày cô sẽ hỏi xoáy vào vấn đề đó, bình tĩnh trả lời sao cho suôn sẻ, thày cô chắc cũng hài lòng về câu trả lời đó, sẽ không hỏi thêm nữa và cho điểm cao. Tôi ghi nhớ lời thày và áp dụng ngay. Đúng như vậy, kì thi hết môn Giải tích năm đó, lần đầu tiên tôi được điểm 5, mà lại là thi hết môn, thật sướng hết chỗ nói !

        Sau này, dịp Kỷ niệm 48 năm thành lập Khoa, chúng tôi đại diện Ban Liên lạc 2 lớp Toán và MT17 đã đến thăm thày. Thày bệnh trọng, rất gày yếu song vẫn còn rất minh mẫn, nhớ hết các sinh viên. Tiếc rằng, sau đó một thời gian, thày đã không qua khỏi, đi xa mãi mãi.

        THÀY TRẦN TÚC DẠY QUY HOẠCH.

        Tôi nhớ thày Túc dạy Quy hoạch như nhớ về một người thày rất nhiệt huyết. Thày vừa nói sang sảng, vừa viết một mạch trên bảng, sinh viên chỉ viết chậm hoặc sao nhãng một chút là không theo kịp. Tôi cũng phải giở hết vốn liếng kinh nghiệm viết tắt của mình để chép bài cho kịp, về nhà học cẩn thận. Thế mà kì 1 năm thứ nhất, thi Quy hoạch, tôi khá tự tin vào thi loạt đầu tiên với số thứ tự là 2 nhưng vẫn bị điểm 2 như thường vì tính không cẩn thận: giải sai đáp số bài toán Quy hoạch. Thật là bài học nhớ đời !

        Cũng thật may cho tôi, 17 năm sau khi ra trường, năm 1997, khi chuẩn bị thi nghiên cứu sinh (NCS), tôi và 12 thí sinh của Viện Kinh tế Việt Nam được thày Túc - khi ấy đã nghỉ hưu - bồi dưỡng cho môn Quy hoạch 1 tuần. Thày vẫn nhớ sinh viên Toán 17. Thày bảo :” Hoàng học rồi, ở đây cũng chỉ nhắc lại kiến thức đó thôi”. Thày không biết là sau thời gian dài như vậy, sinh viên đã quên hết rồi. Song vẫn với nhiệt huyết khi xưa, thày đã truyền cho chúng tôi các kiến thức cơ bản nhất, cần thiết cho kỳ thi tuyển sắp tới của môn Quy hoạch. Thày còn bày cho kinh nghiệm tìm nhanh cực trị của bài toán Quy hoạch trong một số trường hợp. Được thày dạy bồi dưỡng cho một số buổi, với kiến thức đã học, tôi có phần yên tâm khi bước vào thi NCS, môn Toán Kinh tế. Cũng rất may khi thi, môn Toán Kinh tế gồm bài Quy hoạch, Lý thuyết và Thống kê toán, phần Quy hoạch đúng vào một trong các dạng bài và kinh nghiệm quý báu mà thày mới truyền đạt. Thế là tôi giải ngon lành, làm xong bài còn gần nửa thời gian. Kết quả môn Toán tôi được 9,5 điểm, đứng đầu nhóm, đạt thủ khoa trong số 13 thí sinh của Viện Kinh tế. Thật tự hào vì mình nguyên là sinh viên khoa Toán khóa 17, và may mắn là học sinh của thày Túc ! Những năm gần đây, với tư cách Trưởng Ban Liên lạc 2 lớp, tôi hay được gặp thày, đặc biệt trong các dịp kỉ niệm của Khoa, của Trường. Ở tuổi 80, mặc dù chân tay đã chậm, song thày vẫn rất minh mẫn. Thày vẫn nhớ hầu hết các sinh viên và đặc biệt giọng nói của thày vẫn sang sảng, nhiệt huyết với nghề không hề suy giảm so với trước.

        Mong thày luôn vui, khỏe mạnh, để chúng em được gặp thày trong nhiều dịp sau.

7. KỶ NIỆM VỀ CÁC BẠN.

        DƯƠNG THANH DUNG

        Thanh Dung học cùng lớp với tôi từ hồi học ở trường cấp 2 Lý Thường Kiệt (lớp 6H và 7D) ở phố Sinh Từ, nay là phố Nguyễn Khuyến - Hà Nội. Sau lên lớp 8 lại học cùng nhau 3 năm (8A,9A,10A) ở trường cấp 3 Trưng Vương 3A Hà Nội ở phố Quan Thổ, cuối phố Hàng Bột cũ. Lớp A là lớp chọn, gồm toàn những học sinh khá giỏi ở lớp dưới lên. Trong thời gian này, tôi hay đến nhà Thanh Dung chơi, vì nhà Thanh Dung ở đầu phố Cát Linh, nhà tôi ở đầu phố Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng), rất gần nhà nhau và gần Quốc Tử Giám. Cơ bản là vì tôi chơi khá thân với anh trai của Dung là Dương Long Trì cũng học cùng lớp với chúng tôi. Chẳng biết tình cờ thế nào, hay là có cùng những suy nghĩ chung mà chúng tôi lại cùng đăng ký thi vào khoa Toán Kinh tế, và lại được cùng học một lớp với nhau - lớp Toán K17. Đối với các bạn trong khóa 17, đến nay tình bạn đã được 46 năm, riêng Thanh Dung và tôi đã duy trì, xây dựng tình bạn hơn nửa thế kỉ, chính xác là 52 năm, chắc cũng hơn 2/3 cuộc đời rồi. Tôi còn nhớ khi tôi mới nhận công tác tại nhà máy Quốc phòng Z155 Sơn Tây đầu năm 1981, thì cuối năm bị ốm một trận phải ra nằm viện 105. Thanh Dung đã cùng Phương Lan và Trung lên tận Bệnh viện 105 thăm tôi. Mà ngày đó đi lại mới khó khăn làm sao ! Đường xấu, hẹp, nhiều ổ gà, các phương tiện giao thông qua lại đông đúc, xe khách ít chuyến. Cảm động lắm vì các bạn không ngại vất vả lên tận Sơn Tây thăm tôi... Năm 1985 tôi xây dựng gia đình, tổ chức đám cưới tại nhà 49 Tôn Đức Thắng. Thanh Dung khi đó đang mang thai cháu đầu, mọi người bảo phải kiêng, nhưng tôi nói không sao đâu, thế là Dung đến dự. Tôi rất vui ! Bạn phổ thông lại cùng học đại học với tôi, ngoài Thanh Dung còn có Nguyễn Dung và Hoàng Thọ, Vậy mà giờ còn lại có hai chúng tôi. Chồng Thanh Dung lại mất sớm, Thanh Dung phải một mình nuôi 2 con trưởng thành. Thật nghị lực ! Quý lắm, trân trọng lắm tình bạn từ thuở thiếu niên đến lúc đầu đã bạc, răng đã rụng mất vài cái.

        NGUYỄN THỊ DUNG

        Nguyễn Dung ở cùng phố Tôn Đức Thắng với tôi, Dung ở cuối phố, còn tôi ở đầu phố. Dung học cùng 3 năm cấp 3 với Thanh Dung, Hoàng Thọ và tôi ở lớp 8A,9A,10A trường cấp III Trưng Vương A, Đống Đa, Hà Nội. Từ năm lớp 9, Dung là Bí thư Chi đoàn, rất có uy tín và chín chắn, Những năm học ở toán K17, tôi hay đến nhà Nguyễn Dung chơi, học nhóm, giúp nhau ôn bài, nắm chắc kiến thức được học, nhất là toán giải tích và quy hoạch. Tết năm thứ 3 đại học, tôi cùng Nguyễn Dung lên nhà anh Nam ở Tuyên Quang chơi, sau đấy Dung về quê ở Chiêm Hóa. Tôi rất quý và mến Nguyễn Dung như một người bạn thân thiết.

        Dung ra trường, cưới anh Tuấn. Anh Tuấn quen Dung khi nhóm tôi gồm Dung cùng một số anh em Toán 17 thực tập tại Cơ khí 121 ở Phúc Yên. Anh Tuấn lúc đó cũng mới tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, khoa Xe máy Công trình, về Z121 làm đề tài. Dung sau đó về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh, Ban Quản lý công trình DK1. Khi Dung Bảo vệ luận văn thạc sỹ ở Trường Kinh tế Kế hoạch, tôi từ Sơn Tây về dự, chúc mừng bạn.

       Khi biết Dung bệnh nặng, nhiều lần tôi tổ chức cho 2 lớp Toán&Máy tính 17 và lớp phổ thông đến thăm, động viên Dung.Vẫn biết bệnh trọng khó qua khỏi, mà thấy sao bạn ra đi sớm quá, để lại trong tôi và người thân, bạn bè sự tiếc thương lớn lao người bạn nữ hiền hậu, nhân ái, đầy nghị lực...

        HOÀNG THỌ

        Hoàng Thọ học cùng lớp với tôi 3 năm cấp III Trưng Vương A Hà Nội. Nhà bạn ở phố Nguyễn Thái Học. Năm lớp 10 Thọ đến trường thường qua nhà đón tôi bằng xe đạp Mifa hay Favorit gì đó. Hồi ấy xe đạp còn rất hiếm. Năm lớp 8, lớp 9 tôi thường đi bộ đến trường với các bạn ở gần nhà

        Trước hôm thi đại học, Thọ đèo tôi đi dạo phố, nói "cho đầu óc thoải mái để thi cho tốt". Thi xong môn nào tôi cũng hỏi Thọ hôm nay làm bài tốt không? Thọ nói:"Quên hết rồi, nhớ làm gì cho mệt đầu, để đầu óc chuẩn bị thi môn sau cho tốt !". Hôm đèo tôi đi thi môn Hóa, xe đạp của Thọ giữa đường bị hỏng, may mà sửa kịp, hai đứa đến nơi cũng đúng lúc thầy chuẩn bị đọc đề. Thi tiếng Nga để cộng thêm điểm, tôi được 10 nên cộng thêm 1 điểm và Thọ được cộng thêm 0,5 điểm. Nghĩ lại thấy Thọ nói đúng về chuyện khi thi nên để đầu óc thật thoải mái và quên hết những gì không cần thiết...

        Trong ôn thi đại học, Thọ rất nghiêm túc, chịu khó tìm đến các trung tâm luyện thi để ôn luyện. Thọ nói khi thi vào cùng một trường là cạnh tranh nhau rất nhiều, nên khi thi không cho các bạn ngồi cạnh xem bài và cũng không trao đổi gì với các bạn.

Lớp tôi 4 người đăng ký thi Kinh tế Kế hoạch, và cả 4 đều đỗ vào khoa Toán. Tôi, Thanh Dung, Nguyễn Dung vào lớp Toán, Thọ vào lớp Máy tính.

        Tốt nghiệp đại học, hoàn thành khóa sỹ quan dự bị khóa II, Học viện Hậu cần, Thọ, Hiền và tôi vào bộ đội. Thọ được phân công về Trường Sỹ quan Hậu cần Sơn Tây. Trong thời gian này, chúng tôi thường hay đến chơi với nhau, vì lúc đó tôi đang công tác ở Nhà máy quốc phòng Z155 cũng trên địa bàn Sơn Tây. Hồi đó Sơn Tây quả thực là thủ đô của lính.Người ta nói “muốn xem bộ đội thì lên Sơn Tây”. Sau đó Thọ chuyển ngành về Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Làm một thời gian, ít lâu sau Thọ lại chuyển sang ngành Bưu điện.

        Năm 1985, khi tôi cưới vợ, Thọ lúc ấy đang làm ở Nhà máy Thuốc lá Thăng long, ưu tiên mua hộ tôi 2 tút thuốc lá Thăng Long đầu lọc để làm đồ đi hỏi vợ (hồi đó thuốc lá hiếm, phải phân phối) và tình nguyện đến chụp ảnh cưới cho tôi - những tấm ảnh đen trắng rất quý, giờ tôi vẫn giữ.

        Thọ suy thận, phải sang Trung Quốc thay một quả thận, nên quãng thời gian sau này sức khỏe giảm đi nhiều. Khi Thọ phát bệnh vào giai đoạn sau, lớp phổ thông và đại học chúng tôi nhiều lần vào bệnh viện thăm bạn. Những lần đầu Thọ còn rất tỉnh táo, nói chuyện bình thường.Lần cuối cùng trước khi Thọ mất vài ngày thì bạn không còn tỉnh nữa, quanh người toàn ống. Thương bạn ! Biết là đến lúc phải xa nhau mãi, không thể tránh khỏi mà sao thấy thời khắc ấy đến nhanh quá... Thọ cứ yên tâm ra đi nhé, các bạn vẫn nhớ Thọ nhiều ! Chúng mình vẫn liên lạc và thông báo tình hình của lớp cho vợ bạn - em Yến- theo nguyện vọng của bạn đấy.

        NGUYỄN BÁ HIỀN

        Trong 2 năm cuối học đại học, Hiền thường hay ra nhà tôi ở 49 Hàng Bột chơi, có khi ăn ngủ ở đây vài ngày. Nhà có gì ăn nấy, thế nào cũng vui, thấy tình cảm và thích hơn ăn ở trong trường. Tối, hai đứa ngủ ở giường ngoài cùng gian ngoài, phía trong là vợ chồng anh thứ ba của tôi, chị dâu và cháu nhỏ đầu mới sinh. Bây giờ Hiền vẫn nhắc, cháu Thùy Dương hồi đó háu ăn, khát sữa mẹ nên nhiều đêm khóc rất to, đánh thức cả hai chúng tôi vốn ngủ rất say.

        Tôi cũng vào quê Quỳnh Thiện - Nghệ An của Hiền vài lần. Còn nhớ nhà Hiền ở trên đồi cao. Hiền đưa tôi ra bãi biển - nơi bạn hay ra tắm biển, bắt cá thời niên thiếu. Hiền kể là ở quê Hiền có phong tục nếu con trai lấy vợ thì bố mẹ làm cho một căn nhà, ra ở riêng luôn, Lúc đó mình rất thích phong tục này, nghĩ bụng đời sống ở Nghệ An còn khó khăn, mà bố mẹ vẫn xây nhà cho con trai ra ở riêng khi lấy vợ thì hay quá, song cũng thật mệt cho gia đình nào nhiều con trai, nếu ở Hà Nội thì làm sao lo nổi ? Hiền cũng đưa chúng tôi ra quê Bác ở Quỳnh Lưu chơi. Tôi thấy dân đất Quỳnh Lưu sau bao năm vẫn nghèo. Hiền bảo dân ở đây ỷ thế quê Bác, lười làm, ham chơi nên không khá lên được.

        Sau khi tốt nghiệp đại học, gia nhập quân đội, bên lớp Toán có Hiền và tôi, Máy tính 17 có Hoàng Thọ. Hiền về nhận công tác ở Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng và được phân công về Xí nghiệp may X20 làm một thời gian. Hiền có lần đã giúp thay hẳn một bên ống quần quân phục bị rách của tôi, do hồi đầu quân phục dạ còn ít. Sau đó Hiền lấy vợ là em Thoa - Toán K21 người Hải Phòng và chuyển ngành về Công ty Container Liên doanh Việt Nhật làm Kế toán trưởng, rồi sau đó làm Giám đốc Công ty. Người Nhật rất tín nhiệm Hiền vì bạn là con người được việc. Đây quả là một doanh nhân giỏi giang, thành đạt nhất của Toán K17.

        NGUYỄN PHAN LÂM

        Nhà Phan Lâm ở số 4 Hàng Dầu Hà Nội. Tôi và Lâm trong 2 năm đầu đăng kí ở nội trú trong kí túc xá của trường để tập trung cho học tập. Chúng tôi ở cùng một phòng với các anh Toán 15 và ngủ cùng một giường tầng. Tôi và Lâm đều thích ngủ giường tầng 1, song tôi nhường Lâm, lên ngủ giường tầng 2. Sau này Lâm vẫn nhắc là hay được tôi nhường nhịn. Khi ra trường và lên Sơn Tây công tác tại nhà máy Quốc phòng Z155, ở gần khu vực Đền Và, hàng tuần, Lâm vẫn đến nhà đưa tôi ra bến ô tô Kim Mã để đi xe lên Sơn Tây. Từ hồi còn là sinh viên hay sau này ra trường đi làm, tôi cũng hay đến nhà Lâm ở số 4 Hàng Dầu chơi. Hồi đó, mẹ Lâm hay cho tôi ăn bánh “khoong kheng”, một loại bánh xuất xứ ở Thái Lan, nhỏ bằng ngón tay út, xoắn như vỏ ốc, ăn ngọt, giòn và rất thơm. Lâm có một cô chị họ con bác tên là Tú - sinh viên Đại học Luật Hà Nội, người rất xinh xắn, trắng trẻo. Lâm cứ nhất định đưa tôi đến gặp mặt với ý định giới thiệu chị cho tôi, lý do là gia đình chị Tú là gia đình bộ đội và chị Tú rất thích bộ đội. Tôi chiều theo ý của Lâm, theo Lâm đến gặp chị. Sau này ngồi nói chuyện với nhóm bạn mới biết Phan Lâm không chỉ giới thiệu cho riêng tôi, mà còn giới thiệu Tú cho 2, 3 anh bạn nữa cùng cơ quan, trong đó có người là anh ruột vợ của Lâm bây giờ. Tú sau đó lấy chồng có con, công việc ổn định, song cuộc sống hôn nhân không được như ý. Cũng vì Lâm hay đến nhà tôi chơi ở 49 Tôn Đức thắng vào chủ nhật hàng tuần mà Lâm quen và yêu Ánh Hồng - con dì ruột tôi. Gia đình ở trong Nam, còn em ra Bắc học đại học. Sau khi học xong, Ánh Hồng vào Nam, vì vậy mà hai người chia tay nhau.

        Tôi và Lâm cưới vợ cùng tháng 1 năm 1985, cùng tổ chức tại nhà. Lâm tổ chức sau tôi 4 ngày. Sau này Lâm còn nhắc đùa là một số vật dùng trong lễ cưới của mình là dùng lại của bạn. Trước đó 1 tuần, tôi và vợ tương lai đạp xe sang nhà Thành - vợ tương lai Lâm ở Từ Sơn, Bắc Ninh dự lễ ăn hỏi của Lâm. Gia đình Thành, nhất là bà mẹ rất hiền và quý khách của con rể. Sau này, mỗi khi gặp lại, bà mẹ vợ Lâm đều nhắc lại kỷ niệm hồi đó và hỏi thăm Oanh - vợ tôi. Còn các anh chị của tôi và các anh em đằng vợ tôi đều coi Lâm như người trong gia đình, vì các công việc lớn chú Lâm đều có mặt

        LÊ ANH HÙNG

        Trong thời gian học, tôi biết Hùng là một người yêu văn nghệ, đánh đàn ghi ta hay. Còn nhớ trong thời gian lao động ở Thung Nai, Đà Bắc, ở nhà sàn cùng với người dân tộc Mường, Hùng học và nói tiếng Mường rất nhanh. Có cô gái Mường trẻ nhà gần đó chết mê chết mệt tiếng đàn của Hùng. Lúc đoàn chúng tôi ra về, cả hai có vẻ quyến luyến lắm, không nỡ rời nhau... Nghe nói con gái người dân tộc hay bỏ bùa người con trai mình thích, may mà Hùng chưa dính phải, nếu dính bùa chắc ở Thung Nai, không về Đà Nẵng được.

        Càng những năm sau này, tôi càng thấy Hùng thật đa tài, chụp ảnh, chơi đàn, vẽ tranh đều giỏi cả. Tôi cũng thích chụp ảnh, thỉnh thoảng chụp được những bức ảnh ưng ý cho mọi người cũng là nhờ Hùng bày cho kinh nghiệm chụp ảnh.

        Ra trường sau một thời gian dài - khoảng 10 năm, trong một lần công tác ở Sư đoàn Không quân, sân bay quân sự Đà Nẵng, tôi mới có dịp đến 26 Trần Cao Vân để tìm Hùng. Lần đầu tìm đến nhà vào buổi tối, tôi phải nhờ người dân ở gần đó dẫn đến tận nơi, lần sau đến vào ban ngày thì tìm dễ hơn. Nhà Hùng rộng, có sân vườn, ngoài sân có ghế xích đu. Sau một năm, tôi lại đến, mang máy ảnh theo, chụp ảnh chung với hai bố con Hùng đang ngồi ghế xích đu. Không biết giờ Hùng còn giữ những bức ảnh này không ? Hùng mời tôi uống rượu ong do Hùng tự ngâm, nói rằng rất tốt cho sức khỏe.  Khu 26 Trần Cao Vân sau này giải toả, nhà Hùng chuyển đi chỗ khác. Khi đó vào Đà Nẵng công tác, tôi không tìm được nhà Hùng nữa, đành phải gọi điện thoại báo địa chỉ nơi nghỉ để Hùng đến đón, bạn bè lại gặp gỡ, hàn huyên.

        Tháng 10/2010, ra Hà Nội dự Hội khoa, Hùng mang tranh bạn vẽ tặng cho tôi, Lâm và Luyến. Để cho công bằng và khỏi "tị nhau", Hùng làm 3 phiếu thăm, ai bốc trúng số nào lấy tranh đó, thật vui và cảm động ! Sau đúng 10 năm nữa, tháng 10/2020, Hùng lại ra dự Hội Khoa cùng các bạn 2 lớp Toán và Máy Tính 17, mang theo tranh tặng tất cả các bạn. Đúng là họa sỹ tài năng của lớp ! Những bức tranh của Hùng hầu hết là cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, hoặc yên bình, tĩnh lặng như mặt hồ không sóng. Có bức rất đơn sơ, mộc mạc, có bức lại dữ dội, mạnh mẽ, song tất cả đều rất chân thực như con người Hùng. Các bức tranh Hùng tặng, tôi đều đóng khung, treo trang trọng ở phòng khách. Quý lắm tình bạn Toán & Máy tính K17 !

                 6/1/2022 - những ngày dịch Covid bùng phát ở Hà Nội.

        HOÀNG YẾN

        Hai năm đầu (1975-1977),  tôi học nội trú trong trường, cuối tuần mới về nhà một buổi. Hàng ngày xuống nhà ăn tập thể ăn cơm, tôi hay tình cờ gặp Hoàng Yến, cô bạn trẻ trung, nhỏ nhắn, xinh xắn, quê Hải Phòng, nhìn thấy tôi thường nở nụ cười rất tươi, dễ mến vô cùng. Sau này ra trường, tôi biết Hoàng Yến đầu tiên về làm việc ở Tổng Công ty Dược một thời gian, sau mới trở về làm giảng viên ĐHKTQD, khoa Quản lý Kinh tế. Trong giai đoạn làm NCS ở Viện Kinh tế Việt Nam, có thời gian tôi vào trường KTQD học các môn kinh tế vi mô, vĩ mô, nhưng không được học Hoàng Yến mà học cô Giang - cùng khoa với Yến. Sau này, bản tóm tắt luận án cần có ít nhất 20 nhận xét của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tôi nghĩ đến Yến với tư cách bạn bè sẽ đọc và cho nhận xét. Tôi vào trường chờ Yến giảng xong tiết học, rồi mời Yến ra Quán Gió trước cổng công viên Thống nhất uống cà phê. Yến nói đây là lần đầu tiên Yến đi uống cà phê tối với bạn nam. Tôi hơi bất ngờ, thấy mình được ưu ái so với các bạn nam khác. Sau này mới biết là thường ngày Yến phải luôn giữ ý vì gia đình Yến có bà mẹ chồng hay xét nét con dâu. Tôi cảm phục Yến vì đã vượt lên mọi khó khăn, trở ngại của gia đình, phấn đấu trở thành tiến sỹ, phó giáo sư. Yến đúng là người nhỏ nhắn mà nghị lực thật lớn lao ! Sau này, khi được Bộ Quốc Phòng giao thêm nhiệm vụ tham gia đào tạo sau đại học ở Học viện Hậu Cần (HVHC), tôi nghĩ ngay đến Hoàng Yến và anh Hoàng Ngọc Nhậm (khi đó là giảng viên - tổ trưởng bộ môn Toán Kinh tế, khoa Toán - Thống kê, trường ĐH Kinh tế TPHCM). Được Hoàng Yến và anh Nhậm  giúp đỡ tận tình, cho rất nhiều tài liệu liên quan đến kinh tế vĩ mô, vi mô, kinh tế lượng, tôi về biên soạn lại cho phù hợp để giảng dạy cho học viên cao học HVHC. Trong hơn 11 năm tham gia đào tạo sau ĐH, tôi luôn nghĩ mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang này, một phần lớn nhờ sự giúp đỡ của Hoàng Yến và anh Nhậm.

        Hoàng Yến là chim Yến Vàng - cô bạn gái tôi rất mến và cảm phục. Thật vui thích khi nhắc đến Hoàng Yến là có tên mình…

        ANH LÊ XUÂN NHƯỢNG

         Anh Nhượng là sinh viên Toán Kinh tế K11, đi bộ đội về học cùng lớp Toán 17 với chúng tôi. Nhà anh ở miền núi Thanh Hóa, gần đập Bái Thượng. Anh ít nói song vui tính và sâu sắc. Thỉnh thoảng anh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ngắn và vui về thời gian anh mới nhập ngũ, tranh thủ tạt qua nhà, đi gặp cô người yêu ở xã bên… Tôi nhớ đợt hai lớp Toán và MT17 đi coi thi ở Nghệ An, khi coi thi xong có tạt vào nhà anh chơi. Từ ga đi về nhà anh Nhượng rất xa. Lúc đó bố anh còn khỏe, ông rất vui vì đông các bạn học của con về chơi. Nhà anh có vườn dừa rộng, cây nào cũng sai quả. Thế là chúng tôi cứ mặc sức trèo lên hái dừa lia lịa, ăn sáng cũng bằng cùi dừa và uống no nước dừa, lúc ra về còn mang theo mấy bao tải dừa nặng. Phan Lâm rất khôn, xung phong nhận mang bao tải dừa nặng, đi bộ dọc đường ra ga tàu xa, trời nắng nóng, thế là mọi người vừa đi vừa uống nước dừa. Gần đến bến tàu, bao tải dừa của Phan Lâm đã rỗng không, thế là Lâm nhẹ tênh lên tàu.

        Sau này ra trường, anh Nhượng về Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa công tác, gia đình anh chuyển về thành phố Thanh Hóa. Khi anh tổ chức xây dựng gia đình cho cháu đầu, tôi cùng Luyến và Phan Lâm về dự. Có một thời gian anh bị ốm dài ngày, tôi đã cùng Minh Ái và vợ chồng Phương Lan vào thăm anh, đi xe do anh Bình - chồng Phương Lan lái. Anh rất vui và cảm động trước tình cảm của các bạn đồng môn, đồng khóa dành cho mình.

        ANH NGUYỄN HỮU NAM

        Anh Nam là sinh viên Toán K12, đi bộ đội về học cùng lớp Toán 17 với chúng tôi. Là lớp trưởng, anh quan tâm đến hầu hết mọi người trong lớp, trong đó có tôi. Thỉnh thoảng anh đến chơi nhà tôi ở 49 Hàng Bột (phố Tôn Đức Thắng bây giờ). Có khi anh cùng tôi đạp xe sang tận nhà máy Diêm Gỗ Cầu Đuống để chở phôi diêm về đun bếp (chị tôi dạy cấp 1 ở trường Diêm Gỗ Cầu Đuống nên được họ bán rẻ như cho). Có hôm anh đến nhà chơi, thấy mẹ tôi đẩy xe bánh mỳ, anh giúp mẹ tôi đẩy xe ra tận cửa hàng bánh mỳ mậu dịch ở phố Cát Linh. Mẹ tôi lúc đó đã về hưu, làm tổ trưởng tổ dân phố, nhận đi đổi bánh mỳ cho mọi nhà trong tổ theo tiêu chuẩn tem phiếu. Có năm Tết đến, được nghỉ học, tôi xin phép gia đình lên tận Tuyên Quang - nơi bố và em gái anh (em Hiền Lương) ở để chơi Tết. Đợt đó đi lên Tuyên Quang cùng xe còn có Nguyễn Dung, song Nguyễn Dung không xuống thị xã Tuyên Quang mà đi tiếp về Chiêm Hóa. Không khí những ngày Tết ở Tuyên Quang rất yên bình, khác hẳn Hà Nội. Anh Nam sợ tôi không quen, buồn nên dẫn tôi vào rừng bắn chim. Nhà anh khi ấy có một khẩu súng hơi. Hai anh em đi cả buổi, toàn bắn trượt, không được con chim nào. Tôi có chụp một số ảnh với gia đình anh. Cùng gia đình anh đón Tết tại Tuyên Quang thật là một kỉ niệm êm đềm, đẹp và đáng nhớ trong những năm tháng sinh viên của tôi.

        Thời gian học ở trường ĐH, anh yêu một bạn gái cùng lớp, nhưng mối tình của họ không có kết quả. Ra trường, anh về Tổng cục Bưu điện công tác, đi nước ngoài học NCS, sau đó về nước làm ở Viện Kinh tế Bưu điện, rồi chuyển lên làm ở Bưu điện Bắc Cạn. Cuộc sống gia đình của anh cũng sóng gió, vất vả, biến động nhiều.

        Sau này ra trường tôi vào bộ đội, anh vẫn viết thư hỏi thăm tình hình, quan tâm đến sự trưởng thành của tôi. Tôi thường nhớ đến anh như nhớ về một người bạn, một người anh đáng mến.

        ANH PHAN MINH LỄ

        Anh Lễ là sinh viên Toán K11, đi bộ đội vào đặc công hải quân, xuất ngũ trở về học Toán K17 cùng chúng tôi. Người anh nhỏ nhắn nhưng rất săn chắc. Trong thời gian học cùng, thỉnh thoảng anh kể cho chúng tôi nghe về việc rèn luyện hàng ngày khi là chiến sỹ hải quân: nào là thường xuyên tập bơi dài khoảng 30km trên biển, nào là tập lặn, học võ… khiến chúng tôi nghe một cách thích thú và rất khâm phục anh. Thấy tôi người nhỏ, có vẻ không khỏe, anh bảo:” Khi nào rảnh, anh sẽ dạy chú mày mấy thế võ để tự vệ và nâng cao sức khỏe”. Tôi thầm cảm ơn anh vì anh đã quan tâm đến mình.

        Sau này khi ra trường, nhờ sự giới thiệu của mẹ Thanh Dung, anh về xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 công tác, rồi trở thành kế toán trưởng của Xí nghiệp.

        Trong thời gian tôi công tác ở trong thành Hà Nội (Nguyễn Tri Phương), thỉnh thoảng tôi cùng Luyến ở Bộ Lao Động (Đinh Lễ) và Phan Lâm (Hàng Dầu) rủ anh ra uống bia hơi Lan Chín gần xí nghiệp anh làm, nhưng anh thường bận, hãn hữu mới tham gia.

        Anh Lễ cũng rất nhiệt tình tham gia sinh hoạt Hội Cựu sinh viên Toán MT17. Tôi nhớ lần sinh hoạt cuối cùng của anh với lớp, ở một quán đường Giải Phóng gần trường, anh uống vui vẻ, yêu đời, hát rất nhiệt tình, say sưa. Tôi vẫn giữ mấy tấm ảnh chụp lúc đó làm kỉ niệm rất đẹp về anh. Tiếc rằng anh bị đột quỵ, ra đi quá sớm, để lại trong tôi và các bạn niềm tiếc thương vô hạn. Hình ảnh anh với gương mặt nhỏ nhắn, cương nghị nhưng luôn tươi cười như đón chào cuộc đời luôn in đậm trong tâm trí chúng tôi.

        PHẠM QUANG TRUNG

        Trung ở cùng mẹ và em gái ở góc phố Nguyễn Thái Học, đầu phố Kim Mã. Thời phổ thông, Trung học trường Nguyễn Trãi ở đầu phố Núi Trúc. Vào khoa Toán tôi mới quen biết Trung, lại gần nhà nhau nên chúng tôi hay đến nhà nhau chơi. Chủ nhật hàng tuần, Trung hay đến nhà tôi, rủ tôi đạp xe đến bể bơi Quảng Bá để tập bơi. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đạp xe ra hồ Tây. Hồi đó, một góc hồ Tây được rào quây lại, cải tạo thành một khu hồ bơi tự nhiên rất đẹp (bây giờ khu này trở thành các nhà hàng ốc nổi tiếng). Sau một thời gian tập bơi ở đây, tôi đã biết bơi. Tôi nghĩ phải cảm ơn Trung nhiều vì tôi vốn ngại đạp xe đi xa.

        Trung kể trong thời gian học cấp III Nguyễn Trãi, Trung học cùng Thủy (MT17) và hai bạn chơi thân với nhau. Sau này cả hai cùng thi đỗ vào khoa Toán, lại cùng được phân về lớp Xử lý thông tin kinh tế (Máy tính). Thủy là một bạn gái rất xinh. Chúng tôi đều mong hai bạn đi chung một con đường, nhưng số phận đưa mỗi người đến một nửa khác của mình. Trung yêu và xây dựng gia đình với một cô gái ngành Y. Vợ Trung cùng nghề với vợ tôi nên hai bà vợ nói chuyện có vẻ hợp nhau lắm !

        NGUYỄN VĂN THÀNH

        Nhà Thành ở phố Lê Lợi, Hải Phòng. Bản tính Thành ít nói, dí dỏm. Thành, Hiền, Lâm, Hùng và tôi hay chơi, nói chuyện với nhau. Nhiều kỳ nghỉ học, Thành rủ chúng tôi về nhà chơi, lần đi tàu hỏa, lần đi ô tô. Nhà Thành 2 tầng, ngay cạnh trường cấp II hay cấp III gì đó. Tôi còn nhớ chị Thu của Thành, sinh năm 1954, bằng tuổi chị gái tôi, rất quý em trai và các bạn của em. Khi chúng tôi đến chơi, chị rất vui vẻ và vào bếp nấu thật nhiều món ăn ngon của Hải Phòng cho chúng tôi ăn đến no nê thì thôi. Còn Thành dẫn chúng tôi đi khắp các phố quanh đó, đến Cầu Rào, Cầu Đất, chợ Sắt… để giới thiệu với các bạn về thành phố Hoa Phượng Đỏ của mình. Đôi lần, chúng tôi rủ nhau ra Đồ Sơn tắm biển. Thật là những kỉ niệm thời sinh viên nhớ mãi không thể nào quên.

        Ra trường, Thành về Cục Thống kê Hải Phòng công tác, làm đến chức Cục Trưởng. Lớp TMT17 đã có 2 lần tổ chức đi Cát Bà chơi, do Bá Hiền và Thành tài trợ. Cán bộ Chi cục Thống kê huyện Cát Bà và lân cận đã tiếp đón đoàn rất nhiệt tình, chu đáo, cũng  như bạn của tôi vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét