XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

Nguyễn Văn Oang

 

Họ và tên: NGUYỄN VĂN OANG

Ngày sinh: 10 - 1 - 1960

Nơi sinh: Tiên Cầm - An Thái - An Lão - Hải Phòng

Quê quán: : Tiên Cầm - An Thái - An Lão - Hải Phòng

Chỗ ở hiện nay: Số 19, ngõ 170, đường Lê Công Thanh, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Trình độ học vấn: Cử nhân Toán kinh tế.

Email:  nvoang@yahoo.com.vn

Điện thoại: 0912444910

Sở thích: Thể thao, nghiên cứu lịch sử, triết học.

Sở trường: Cầu lông.

NGUYỄN VĂN OANG - THEO DÒNG KÝ ỨC

NHỮNG MẨU CHUYỆN NHỚ VỀ NGƯỜI ĐÃ KHUẤT.

        1. Anh Trần Văn Thiện.

        Anh là lớp trưởng lớp tôi, người hồng hào, khỏe mạnh, tóc luôn rẽ ngôi, chải gọn gàng. Mùa đông, anh mặc duy nhất cái áo 4 túi màu vàng sẫm. Anh kể, anh là thanh niên xung phong, cùng đơn vị với nữ anh hùng La Thị Tám. Cuộc sống kề bên bom đạn đã tạo nên tính cách mạnh mẽ, cứng rắn trong con người anh. Mọi hoạt động hàng ngày của anh (ăn, ngủ, học, tắm, vệ sinh... ) như được "lập trình" từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ tối. Anh nghiêm cẩn, luôn chấp hành tuyệt đối các quy định, quy chế quản lý, nội quy của trường, khoa, lớp, và dĩ nhiên chúng tôi - những học sinh phổ thông còn giữ nguyên nét tinh nghịch của tuổi học trò - vừa e ngại, vừa tìm cách ''quậy'' sau lưng anh.

        Vào những năm đầu đại học, buổi tối, trước khi lên giảng đường tự học, anh đều nói hôm nay anh học ở E hoặc F mấy, ý là nhắc nhở chúng tôi cũng đến đó, hoặc ngồi phòng bên cho anh "quản". Trước khi ngồi học miệt mài, anh nhìn quanh và sang các phòng lân cận xem đã đủ mặt chúng tôi chưa. Đúng 9h tối, loa trường tút tút báo hiệu, anh đứng lên, vo vo tờ giấy trong tay đi vệ sinh. Lúc sau quay về, anh lại kiểm tra một lượt xem lũ đàn em còn ngồi học ở đấy không, rồi mới vào học tiếp. Đó là thời điểm đứa nào muốn chuồn sớm là trót lọt. Những năm cuối đại học, anh cũng nới lỏng dần kỷ luật, không quản kỹ chúng tôi nữa.

        Anh có thân hình rất "ngon giai''. Chả thế mà mỗi lần bể dưới nhà 4 hết nước, tôi theo anh ra sau hội trường A thì được các chị trực ở đấy mở nước cho dùng ngay. Có chị còn đứng đó suốt lúc anh tắm, vừa ngắm nhìn thân hình hồng hào, nở nang của anh, vừa chuyện trò với anh rôm rả.

        Anh chịu khó cả trong lao động để kiếm thêm thu nhập gửi về giúp đỡ gia đình ở quê. Anh cho chúng tôi đi theo ra ga Giáp Bát đóng hàng thuê như: phân đạm, xi măng, bột mỳ, lúa mạch, gạo, ... Những hôm đóng bao xi măng rời, từ đầu đến chân, lỗ mũi xám xịt những bột xi măng, nhưng có tiền nên anh em vẫn rất hào hứng. Tôi nhớ, tiền công đóng xi măng rời là 1 hào/bao, hôm nhiều nhất được 130 bao - 13 đồng/người. Có tiền, lập tức chúng tôi thế nào cũng phải ăn một bát phở (3 hào phở mậu dịch - 5 hào phở tư nhân/bát), nhưng anh rất tiết kiệm, không dám ăn phở, chỉ dám ăn một bát mì nước của trường (hào rưỡi/bát).

        Nghiêm cẩn, chịu khó như vậy, nhưng cũng có lúc anh ''nghịch tếu''. Một lần, anh góp mì tôm, cùng chúng tôi thách đố anh bạn cùng phòng để chứng minh anh bạn đó ăn hết 1kg mì 2 tôm (khoảng 12-13 gói). Anh bạn này ăn chưa hết đã bị bội thực, cứ ngồi trên giường ''ọc ọc'' suốt buổi tối, hôm sau cũng phải nghỉ học. Anh vô cùng lo lắng, hối hận vì đã làm một việc dại dột như thế. Ngồi tự học trên giảng đường, thỉnh thoảng anh lại cắt cử một đứa chạy về xem bạn ấy có sao không. Không biết bạn bị bội thực mì tôm nằm giường tầng 1, anh Thiện nằm giường tầng 2 còn nhớ không ?

        Và tôi luôn nhớ về anh như nhớ một người lính trên mặt trận học tập, nghiên cứu khoa học.

        2. Anh Nguyễn Thăng Long.

        Anh Long quê ở thành phố Nam Định. Gia đình anh có nhiều người tham gia kinh doanh, từ hàng hóa thông thường đến ô tô, đồ cổ, nên anh biết nghề và hiểu đời hơn cánh học sinh ăn bám bố mẹ như chúng tôi. Quần áo, giày tất trên người anh đều là đồ đắt tiền, khác hẳn với loại xoàng xĩnh chúng tôi thường dùng. Anh vui vẻ, sôi nổi, đôi khi hơi "thăng hoa" và được mọi người gọi là anh Ba Long. Dạo đó, tôi biết cắt tóc, đồ nghề có kéo, lược, lưỡi dao cạo và miếng vải mưa quàng vai. Công xá là cốc nước chè, đối với các anh có lương thì được bát phở hoặc bát cháo lòng. Tôi ngại nhất mỗi khi anh Long bảo sửa cho anh cái tóc. Vì tóc anh dựng đứng, khó cắt, khó sửa. Anh lại có cái gương, trong khi tôi làm, anh cầm gương ngắm trước, ngắm sau, yêu cầu tôi phải sửa cho vừa ý mới thôi.

        Tháng 7/1980, tôi, anh cùng một nhóm các bạn trong lớp đi coi thi đại học ở Nghệ An, trong đó, tôi và anh về huyện Hưng Nguyên. Theo kế hoạch, ngày thi thứ hai, sáng thi vật lý, chiều tổng kết, sáng hôm sau về Hà Nội. Nhưng vừa thu xong bài vật lý, niêm phong, giao tập bài thi của phòng cho Hội đồng coi thi, anh nói:'' Anh với mày phải về Hà Nội ngay, không ăn trưa cho kịp tàu”. Trên đường ra ga Vinh bằng chiếc xe đạp mang theo, anh mới nói anh mua được cái lọ cổ giá 600 đồng (rất nhiều tỷ bây giờ) nên phải về ngay. Anh không mang theo nhiều tiền vào Nghệ An vì mọi sinh hoạt có tập thể lo, nên tiền chỉ còn đủ để mua vé tàu và một gói bánh quy nhỏ, hai anh em chia nhau ăn từ trưa hôm ấy đến trưa hôm sau. Nước uống thì lấy ở thùng rumine ở đầu toa tàu. Tôi đói vàng cả mắt ra.

        Đến ga Phủ Lý, tôi xuống tàu, bắt xe khách về nhà Hòa ở Vĩnh Trụ. Lúc đó khoảng 9h sáng, gặp Hòa, câu đầu tiên tôi nói là tôi đói lắm, từ trưa hôm qua đến giờ chỉ ăn mấy cái bánh quy cầm hơi. Lúc bấy giờ nhỡ bữa, quá giờ ăn sáng mà chưa đến giờ ăn trưa, hàng quán xung quanh nhà không sẵn như bây giờ, Hòa kiếm đâu ra ít cơm nguội, rang lên cho tôi ăn. Đói quá, tôi ăn mấy bát liền. Buổi trưa nhà nấu cơm, tôi lại ăn mấy bát nữa, thật là no nê. Sau này, các cô chú ở khu tập thể nhà máy Đường - Giấy (mẹ Hòa là lãnh đạo) kể rằng, buổi tối khi mẹ Hòa đi công tác về, bà nội Hòa bảo:" Mẹ nó bàn với bố Dân xem việc gả con Hòa cho chú này thế nào, chứ tôi thấy chú ấy từ sáng đến trưa ăn những 9 bát cơm thì sau này lấy gạo đâu mà ăn ?". Thì ra trong lúc tôi ăn, bà nội Hòa ngồi gần đấy quan sát xem sức ăn của tôi thế nào. Thực ra, tôi ăn cũng chẳng đến 9 bát, vì Hòa chỉ xới cho tôi nửa bát một cho nhanh nguội. May là mẹ Hòa thông cảm: "Nó ăn nhiều thì làm khỏe, bà không lo đâu".

        Bây giờ đôi lúc nhớ về anh, tôi lại nhớ đến cái ngày đói vàng mắt ấy. Tôi cũng cầu chúc cho anh siêu sinh tịnh độ, an lành nơi cõi Phật.

        3. Bạn Hoàng Thọ.

        Tôi ở nội trú, Thọ ngoại trú. Song hai đứa khá thân nhau và có chung nhiều kỷ niệm. Năm 1980, sau khi thi tốt nghiệp, khóa 17 được chia thành hai nhóm, một nhóm đi lao động ở Đà Bắc - Hòa Bình, tôi và Thọ cùng chục bạn khác tham gia nhóm thứ hai, đi Thanh Lanh - Vĩnh Phú (nay thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Thôn Thanh Lanh ở dưới chân núi Tam Đảo, người ở đây đa số thuộc dân tộc Sán Dìu. Trại của trường KTKH đặt trên một quả đồi, bên một dòng suối nhỏ. Nhiệm vụ của chúng tôi là về đây giúp thày Đua - Trưởng trại làm cỏ sắn, cày cấy lúa mùa, chăn bò, ...

        Đa số các bạn nữ trong nhóm chưa từng làm nông nghiệp nên sợ đỉa không dám xuống ruộng, chăn bò sợ bò húc, chỉ nhận đi kiếm củi và làm cỏ sắn. Thày Đua phải nhờ bộ đội trong bản ra làm giúp. Riêng tôi con nhà nông dân nên việc cày, bừa tôi làm được hết. Thày Đua quý, cho tôi ngồi ăn cơm thịt gà với chỉ huy bộ đội, các bạn khác ngồi ăn cơm với ngọn sắn luộc chấm xì dầu. Vì thấy mấy bạn nữ "chả làm được việc gì", thày Đua họp trại, quyết định trả về trường.

        Tôi và Thọ mượn xe đạp, đưa các bạn nữ ra ga Phú Yên, đến chợ Vồ - Trung Màu thì xảy ra va chạm với nhóm tân binh đang đi hành quân (vì mấy anh chàng trêu chọc các bạn nữ). Đến ga, sau khi giúp các bạn nữ vào trong toa tàu theo lối cửa sổ, tôi và Thọ được chia nửa quả mít to. Hai đứa bàn nhau về Trại lối hồ Đại Lải để tránh mặt nhóm tân binh nọ. Hai đứa nằm bên hồ đợi trời tối, ăn mít thay cơm, thỉnh thoảng lại xuống hồ tắm, quần áo lót đem phơi nên phải lấy lá bạch đàn khô rải làm đệm và phủ lên người. Xẩm tối, tôi và Thọ mỗi tên hai khúc bạch đàn, 1 cầm tay, 1 giắt dóng xe, trở về trại - may mắn không có việc gì xảy ra. Mấy hôm sau, một trung đội bộ đội ghé trại nhờ nấu cơm để đi rừng. Tôi và Thọ nhận ra anh chàng hạ sỹ chỉ huy nhóm tân binh hôm nọ liền lên báo cáo thày Đua, quyết làm ra chuyện. Thày Đua chắp tay vái chúng tôi lia lịa và bảo:"Tao xin chúng mày tha cho chúng nó, tha cho tao. Gây sự với lũ tân binh còn chưa biết kỷ luật này, có khi nó đốt trại như đốt trường thủy lợi với trại chăn nuôi trước đây thì chết tao."

        Các bạn nữ sau khi bị trả về trường lại được đưa lên Trại làm cỏ sắn (thôi thì có việc cho làm còn hơn để đi chơi). Cả nhóm đi làm cỏ sắn, đói bụng nên bàn nhau đào trộm sắn về ăn. Sắn còn non, củ bé, để thày Đua không biết, chúng tôi mò theo tia rễ, chọn củ to nhất (to bằng ngón tay cái) thì moi đất chặt lấy. Thọ sốt ruột bảo:" Làm thế lâu lắm, làm kiểu Pôn Pốt - Iêng Xary cho nhanh". Thọ túm lấy cây, lay lay rồi nhổ bật lên, cắt lấy củ to rồi lại trồng cây xuống. Cả bọn sau đấy cắt cử, đứa trông chừng thày Đua, đứa kéo bao tải sắn về theo dọc con suối cạn. Tối đến, em Hồng (bộ đội biệt phái vào trại giúp thày Đua) là ''đồng bọn'' với chúng tôi rủ thày vào bản uống rượu, chúng tôi ở nhà luộc sắn rồi chia nhau, lúc đi ngủ, bỏ màn nằm trong đó giở sắn ra nhai. Chẳng biết sau này thu hoạch sắn, thày Đua có phát hiện ra việc đó không.

        Bây giờ Thọ đã đi xa, không biết trên cao xanh, bạn ấy còn nhớ kỷ niệm ăn mít, tắm hồ, che người bằng lá bạch đàn với tôi không ? Mấy lần đi qua Đại Lải, tôi vẫn thấy góc hồ ấy. Tôi lại nhớ những ngày lao động cày bừa, gieo cấy, kiếm củi, chăn bò, làm cỏ... cùng Thọ và các bạn, nhớ thày Đua thích vào bản uống rượu buổi tối nhưng sợ ma, nhớ anh Thanh nuôi nhiều gà nhưng không bao giờ cho ăn, chỉ đuổi ra đồi để kiếm con sâu, con dế, nhớ em Hồng (khi chúng tôi cho về Hà Nội chơi thì em choáng ngợp trước phố phường), nhớ em Năm K19, em Sơn K20 cùng lao động ở trại. Thời ấy thật khổ nhưng cũng thật vui !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét