Tôn Thất Thọ
Đào Duy Từ (1572-1634) là
nhà văn hóa lớn, người đã giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp. Ông quê ở
làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là Vân Trai, Tĩnh Gia, Thanh Hóa),
có tài văn võ nhưng không được đi thi vì là con nhà ca xướng. Ông uất ức
rời quê hương vào phủ Hoài Nhơn (Bình Định) nương nhờ nhà Khám lý Trần
Đức Hòa. Trần Đức Hòa trọng tài gả con gái cho rồi tiến cử lên chúa
Nguyễn, được chúa phong chức Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hầu. Ông giúp
chúa Nguyễn đắp các lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ (còn gọi là lũy Thầy) để
ngăn đường quân Trịnh, định lại phép thu thuế, luyện tập quân sĩ…Năm
1634, ông bị ốm nặng và chết, chúa Nguyễn truy phong Công thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. [1]
Về thời điểm ông vào xứ Đàng
Trong, có nhiều tài liệu ghi khác nhau, ngay cả cơ quan Quốc Sử Quán
triều Nguyễn khi biên soạn các bộ chính sử như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên cũng ghi không nhất quán. Sách Đại Nam Thực Lục (ĐNTL) chép:
“Ất Sửu, năm thứ 12 (1625),
mùa Đông, Đào Duy Từ đến theo. Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn,
Thanh Hóa, thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn thuật số. Năm ấy có
khoa thi Hương ở Thanh Hoa, Hiến ty cho Duy Từ là con Phường chèo, tước
bỏ không cho vào thi. Duy Từ buồn bực quay về. Nghe tiếng chúa yêu dân
quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào
Nam. Ở huyện Vũ Xương hơn một tháng, không ai biết cả. Nghe tin Khám lý
Hoài Nhân Trần Đức Hòa là người có mưu trí, được chúa tin dùng, bèn vào
Hoài Nhân, thác làm người ở chăn trâu cho phú ông ở xã Tùng Châu. Phú
ông thấy người biết rộng nghe nhiều, nói với Đức Hòa. Đức Hòa nói
chuyện, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con
gái gả cho…”[2]
Như thế, theo ĐNTL, Đào Duy Từ
sau khi bị loại vào kỳ thi Hương ở Thanh Hóa năm 1625 thì vào Đàng Trong
để gặp chúa Nguyễn, bấy giờ là chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Từ
đó, các nhà viết sử về sau như Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong; Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược đều chép rằng ông đã vào Nam trong thời gian đó.
Tuy nhiên, trong bộ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên cũng do Quốc Sử Quán biên soạn thì lại ghi khác !
“Đào Duy Từ người huyện Ngọc
Sơn thuộc Thanh Hóa, con người hát tuồng Đào Tá Hán. Từ là người dĩnh
ngộ thông minh, đọc rộng kinh sử, giỏi văn chướng, rất giỏi cái học
tượng vĩ thuật số. Đi thi Hương với triều Lê, quan trường thấy là con
nhà hát xướng bèn gạt tên, Duy Từ phẩn uất bỏ về. Nghe Thái tổ Hoàng đế
yêu dân trọng sĩ, hào kiệt hướng về, bèn quyết ý vào Nam…” [3]
Thái tổ Hoàng đế chính là Đoan
Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613), là phụ thân của chúa Nguyễn Phúc
Nguyên. Như thế có thể hiểu là Đào Duy Từ đã vào Nam từ thời chúa Nguyễn
Hoàng vào trấn nhậm xứ Thuận Quảng chứ không phải đến thời chúa Nguyễn
Phúc Nguyên như Đại Nam Thực Lục đã ghi ?
Theo tác giả Khái Sinh Dương Tụ Quán viết trong cuốn Đào Duy Từ -tiểu sử và thơ văn và đăng lại trên tạp chí Tri Tân
số 163 ngày 19/10/1944 thì Đào Duy Từ không được dự kỳ thi Hương năm
1592 do Trịnh Tùng tổ chức, chứ không phải khoa thi Hương năm 1625.[4]
Tác giả Tôn Thất Bình khi viết cuốn Mười hai danh tướng triều Nguyễn,
có thuật lại giai thoại khi Nguyễn Hoàng ra Đàng Ngoài dẹp loạn nhà
Mạc, ông đã gặp gỡ Đào Duy Từ và hai người đã ngầm hẹn gặp nhau ở xứ
Đàng Trong. Nguyễn Hoàng và Duy Từ rất hiểu ý nhau. Nhưng Nguyễn Hoàng
không dám cùng Duy Từ vào ngay vì sợ lộ cơ mưu, ông nói :
“Lão phu về trước, xin đắp
sẵn đàn bái tướng chờ đợi tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có
thất lộc cũng xin di ngôn cho con cháu phải đón tiên sinh về dạy bảo”
Duy Từ bái tạ nhận lời rồi hai người chia tay. Sau đó mấy năm, Duy Từ vào Nam
Khi mới vào Nam, ông đi tìm
chúa Nguyễn nhưng đến nơi thì không gặp do chúa đã đi xa để kinh lý. Hết
tiền tiêu, Duy Từ phải tìm đường khác: ông dò được là Khám lý Trần Đức
Hòa vốn là một thân tín của chúa Nguyễn nên đi đến Quy Nhơn để kiếm cơ
lập thân. Ông đi đến thôn Tùng Châu (nay thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện
Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh
Long, cách nhà Trần Đức Hòa một con sông nhỏ. Tâm ý của Duy Từ là ẩn
mình, chờ đợi thờ cơ đồng thời dò xét chính sự Đàng Trong. Con trai của
vị phú hộ, tên là Chúc Hữu Minh, mở Tùng Châu thi xã, lấy Duy Từ làm thư
đồng để phục vụ các bằng hữu văn chương” .[6]
Điều này xem ra rất phù hợp, vì theo sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục,
vào tháng 5 năm 1593, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa ra Bắc chầu vua Lê và
được cử cầm quân tiểu trừ nhà Mạc ở vùng Đông Nam, sau đó được vua Lê
tấn phong thái úy Đoan Quốc Công.
Do đó, phải chăng Đào Duy Từ đã vào Đàng Trong ngay từ thời chúa Nguyễn Hoàng như Đại Nam Liệt Truyện chép, chứ không phải dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên như Đại Nam Thực Lục
đã ghi, vì rằng sự ra đi do phẩn chí phải xãy ra rất gần năm 1592 là
năm ông bị cấm thi, (theo tác giả Dương Tụ Quán). Chẳng lẽ sau khoa thi
đó, phải đến 33 năm sau mới tìm đường vào xứ Đàng Trong vì “mối hận” đã
xãy ra từ mấy chục năm trước !?
Tóm lại, theo thiển ý của chúng
tôi, việc cần làm rõ thời điểm Đào Duy Từ bị loại ra khỏi kỳ thi, từ đó
dẫn đến việc ông quyết chí vào xứ Đàng Trong là việc cần thiết, điều này
giúp chúng ta hiểu rõ hơn tính cách và chí khí của một nhân vật tài ba,
đã từng giúp chúa Nguyễn xây dựng nên cơ nghiệp lẫy lừng ở xứ Đàng
Trong.
*****
Tài liệu tham khảo:
– [1] Đinh Xuân Lâm &Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Từ điển nhân vật LS VN, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2004, trg 537.
-[2] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, 1, NXB Giáo Dục, 2007, trg 137.
– [3] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ,Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Cao Tự Thanh dịch, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1995, trg 138.
– [4] Dương Tụ Quán, Đào Duy Từ, tiểu sử và thơ văn, , Hà Nội, 1944, trg 14.
– [5] Tôn Thất Bình,Mườ hai danh tướng triều Nguyễn, , NXB Thuận Hóa, 2001, trg 12.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét