XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Cuộc xung đột Việt Chiêm trong tiến trình lịch sử dân tộc

bdvn5
                        Hoa Anh Đào
Trên lãnh thổ Việt Nam của chúng ta đã từng chứng kiến sự ra đời và phát triển của ba vương quốc. Đó là vương quốc Văn Lang ở phía Bắc ra đời vào khoảng thế kỷ VII trước công nguyên, vương quốc Champa ở miền Trung ra đời vào khoảng thế kỷ II sau công nguyên và vương quốc Phù Nam ra đời ở phía Nam vào khoảng thế kỷ I sau công nguyên. Sự hưng thịnh của các vương quốc này mỗi thời kỳ một khác, ví như trong khi Âu Lạc đang chìm trong Bắc thuộc thì ở phía Nam vương quốc Phù Nam phát triển rất rực rỡ, đã áp đặt sự cai trị ở rất nhiều nơi trong đó có một phần đất Champa và Chân Lạp… Nhưng đến trước khi Âu Lạc giành được độc lập từ tay bọn đô hộ Trung Quốc thì Phù Nam đã suy yếu và diệt vong.
          Nhiều nhà nghiên cứu khi đánh giá việc đất nước thống nhất là sự xâm lược, thôn tính lãnh thổ, mạnh được yếu thua, cách ứng xử phong kiến mang nặng tính cục bộ mà cho rằng Đại Việt là của người Kinh (tức người Việt), Champa là của người Chiêm và đất Nam Bộ ngày nay thuộc quyền sở hữu của Chân Lạp (tức Campuchia sau này), cách nhìn này dễ gây ra tâm lí tỵ hiềm trong lòng dân tộc. Khi tìm hiểu về tình hình quản lý ở đồng bằng hay miền núi trước đây thì thấy rằng sự chặt chẽ hay lõng lẽo có sự khác nhau ở từng vùng miền, nhưng lãnh thổ của quốc gia chung gắn bó với hai trung tâm chính trị của đất nước ở phía Bắc là Thăng Long (Hà Nội), phía Nam là Chà Bàn (thành Đồ Bàn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay). Giữa Đại Việt và Champa luôn luôn có sự tranh chấp. Sự tranh chấp đó là không thể tránh khỏi bởi tư duy bành trướng của giai cấp phong kiến hai nhà nước, luôn luôn xảy ra trình trạng xung đột tùy vào sự hưng vong của hai tập đoàn phong kiến ở hai miền, trong khi nhân dân chỉ muốn hòa bình, an cư lạc nghiệp. Lý giải vì sao trước đây là ba vương quốc cùng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, mà sau này thống nhất thành một quốc gia duy nhất, điều đó có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất được giải thích như sau: Đây là thời kỳ đất nước phát triển dưới chế độ phong kiến ở cả hai vùng, trong bối cảnh âm mưu bành trướng xuống phương Nam của phong kiến Trung Quốc, là nguy cơ thường trực, đe dọa sự sống còn của các dân tộc ở Việt Nam, đặt trách nhiệm nặng nề cho hai nhà nước phong kiến Đại Việt và Champa. Trong hoàn cảnh đó, xu hướng đối kháng phong kiến là rất nguy hiểm cho cả hai phía. Do đó, vấn đề hội nhập để tồn tại và phát triển là xu hướng vận động thực tế khách quan của lịch sử, tạo nên sắc thái mới của nền văn hóa đa dân tộc của Việt Nam.
          Xưa nay khi nói về cuộc xung đột Việt – Chiêm trong lịch sử dân tộc thì người ta thường tránh né không dám nhìn thẳng vào sự thật. Qua bài viết lần này, chúng tôi có tham vọng cung cấp cái nhìn toàn cảnh hơn về sự đụng độ của 2 tộc người trên đất nước ta. Từ đó, đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan và trung thật nhất của vấn đề này.
I. Sự thành lập các vương quốc cổ của người Việt và người Chiêm.
  1. Sự ra đời vương quốc Văn Lang của người Việt.
Người Lạc Việt và một bộ phận người Tây Âu (hay còn gọi là người Âu Việt) ở vùng Việt Bắc và Đông Bắc. Hai thành phần Việt tộc này sống xen kẽ ở nhiều nơi ở phía Bắc nước ta. Cùng với sự phân hóa xã hội bước đầu, do tác động trực tiếp của nhu cầu đoàn kết trị thủy, làm thủy lợi và chống xâm lấn đã dẫn đến sự ra đời của một nhà nước đầu tiên của nước ta. Đại Việt sử lược, bộ sử xưa nhất còn lại của nước ta cho biết: “Đến đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối thắt nút, truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương”. Vua Trang Vương nhà Chu là ông vua ở ngôi vào khoảng năm 696 đến 681 trước công nguyên. Như vậy là một nhà nước đã ra đời trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ VII trước công nguyên. Không rõ Đại Việt sử lược đã dựa vào đâu, song việc đặt sự ra đời của nhà nước Văn Lang vào khoảng giai đoạn đầu của văn hóa Đông Sơn là điều có thể chấp nhận được và phù hợp với nguồn tư liệu khảo cổ.
  1. Sự ra đời vương quốc Champa của người Chiêm.
Theo Tiến sĩ  Sử học Huỳnh Công Bá, trong cuốn Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam cho rằng: “Sức sản xuất của cư dân Sa Huỳnh không kém gì sức sản xuất của cư dân Đông Sơn. Chắc rằng trong xã hội Sa Huỳnh thời đó đã xuất hiện tầng lớp quý tộc có nhiều của cải. Tầng lớp đó chắc hẳn đã có nhiều quyền lực đối với xã hội. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh thời đó chắc hẳn đã hoặc đang chuẩn bị bước vào xã hội có giai cấp và nhà nước sơ khai”. Vậy là trước khi bị nhà Hán xâm lược thì cư dân Champa mà chủ yếu có hai bộ lạc sinh sống: bộ lạc Cau (Kramuka vams’a) và bộ lạc Dừa (Nakirela vams’a). Bộ lạc Cau cư trú trên vùng Bình Thuận – Ninh Thuận – Khánh Hòa – Phú Yên ngày nay và bộ lạc Dừa cư trú trên vùng Bình Định – Quảng Ngãi – Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay. Tuy vậy lúc đầu không có một vương quốc chung cho cả hai. Bộ lạc Cau ở phía nam đèo Cù Mông đã lập riêng cho mình một tiểu quốc vào khoảng đầu công nguyên. Trong lúc tiểu quốc Nam Chăm (Panduranga) phát triển vài ba thế kỳ thì thế kỷ II, đời Sơ Bình (190 -193) nhân lúc nhà Đông Hán suy sụp, Trung Quốc loạn lạc, nhân dân Tượng Lâm ở nơi xa nhất đã đạt được thắng lợi trước tiên. Họ đã nổi dậy, giết huyện lệnh, giành quyền tự chủ và lập quốc. Cuộc khởi được tiến hành trong hoàn cảnh hết sức thuận lợi, dân Giao Chỉ và Cửu Chân cũng đang đứng lên đấu tranh chống sự thống trị hà khắc của phong kiến phương Bắc, đánh phá châu thành, giết thứ sử Chu Phù năm 190 khiến trong mấy năm liền nhà Hán không lập nổi quận trị. Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Tượng Lâm có tên là Khu Liên (có sách viết là Khu Quỳ, Khu Đạt, hay Khu Vương) lên làm Vua. Vương quốc mới lập của dân Tượng Lâm trong một thời gian dài được các thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước Lâm Ấp; sách Thủy kinh chú giải thích rõ, Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chử Tượng, chỉ gọi là Lâm Ấp. Nhưng thực ra, tên gọi vương quốc của người Chăm chính là Champa, lấy tên một loài hoa đẹp và rất được yêu thích của người phương Nam: hoa Đại (tên khoa học là Michelia Champacca Linnae)[5: tr 111]. Trong thời gian về sau, các quan lại Trung Quốc thường đem quân đánh để chiếm lại vùng đất này nhưng đều bị thất bại vì Lâm Ấp dựa vào địa thế hiểm trở để chống lại. Năm Vĩnh Hòa thứ 3 (Tấn Mục Đế), năm 347, vua Lâm Ấp là Phạm Văn nhận thấy dân các huyện còn lại của Nhật Nam hết sức oán hận thái thú Hạ Hầu Lãm, Phạm Văn xuất quân đánh chiếm được quận Nhật Nam, báo với thứ sử Giao Châu là Châu Phồn đòi lấy phía Bắc dãy Hoành Sơn làm biên giới phía Bắc của Lâm Ấp. Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Quảng Bình chép: “Lũy cũ Hoành Sơn (Hoành sơn cổ Lũy) ở phía Bắc huyện Bình Chính, từ trên núi Ba Hi chạy ngang đến suốt biển. Tương truyền lũy này là do Phạm Văn vua nước Lâm Ấp đắp để làm đường phân giới Giao Châu Lâm Ấp”. Sau đó phong kiến Trung Quốc tấn công với ý định chiếm lại Nhật Nam nhưng bị vua Phạm Văn đánh bật trở lại, Con Phạm Văn là Phạm Phật kế vị (349 – 380) nhiều lần cho quân đánh chiếm vào quận Cửu Chân nhưng không thành công.
II. Những cuộc giao tranh của người Việt và Chiêm trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Map-of-southeast-asia_1300_CE
          Mở đầu cho cuộc đụng độ lịch sử này là sự kiện năm 347, vua Champa là Phạm Văn đã đánh chiếm được toàn bộ quận Nhật Nam do nhà Hán lập ra, Champa còn nhiều lần cho quân đánh chiếm quận Cửu Chân, nhưng đều bị đánh bại. Về sau núi Đồng Trụ được coi là giới hạn phía Nam của nước ta thời Bắc thuộc với vương quốc Champa. Đến thời điểm bây giờ, việc xác định địa điểm chính xác của núi Đồng Trụ còn dựa nhiều vào truyền thuyết. Nhưng khởi nghĩa Hai Bà Trưng thì đã được chính sử ghi lại rõ ràng, các cuộc khởi nghĩa này đã nổ ra ở Nhật Nam (Nghệ An xưa). Như vậy có lẽ vào thế kỷ I, sông Lam là biên giới của quận Cửu chân và quận Nhật Nam (hiện tại vẫn có nhiều cơ sở khoa học để chứng minh rằng dòng chảy phần Hạ lưu sông Lam xưa khác với bây giờ, nếu điều đó là sự thật thì việc xác định ranh giới xưa là rất phức tạp). Từ thế kỷ II, III, IV nhiều cuộc nổi dậy và xâm lấn đã nổ ra. Các cuộc nổi dậy và xâm lấn này do các lãnh chúa và thủ lĩnh địa phương người Chăm ở đồng bằng ven biển Hà Tĩnh cầm đầu. Nhưng các lãnh chúa này đã bị đánh bật về phía Nam Sông Lam (theo An Tĩnh cổ lục)  (Các lãnh chúa vùng đồng bằng ven biển Hà Tĩnh vì trong số họ một số là người Champa, một số chưa thể khẳng định được là người Việt hay người Champa, kể cả Mai Thúc Loan).
          Đầu thế kỷ VI, Lý Bí khởi nghĩa ở Cửu Đức (Nghệ An) lập ra nước Vạn Xuân (544 – 602). Nhưng rồi vua Champa là Can-Thực-Luật-Bạt-Ma lại vượt qua Sông Lam.  Các thế kỷ VIII (780), IX (802 – 803) quân Champa lại tiếp tục chiếm đóng Châu Hoan và Châu Ái nhưng rồi lại bị quân Đường đánh bật về phía Nam Sông Lam.
          Thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh lập nước Đại Cồ Việt. Lúc này ranh giới của Đại Cồ Việt và Champa gọi là Nam Giới. Các sách An Tĩnh Cổ Lục, Phong thổ ký, các huyện Hà Tĩnh đều nhắc đến cửa Nam Giới và núi Nam Giới là giới hạn phía Nam của Đại Cồ Việt thời kỳ này. Đối chiếu với địa hình thì cửa Nam Giới chính là cửa Sót ngày nay, nơi sông Hà Hoàng (bao gồm Sông Nghèn và Sông Sót ngày nay) đổ ra Biển. Như vậy vào thời điểm bấy giờ có thể cửa Sót còn nằm về phía Nam của núi Nam Giới (Thạch Hải, Hà Tĩnh ngày nay). Điều này là có cơ sở vì theo Địa chí Can Lộc thì “Sông Nghèn có thể là dòng chảy chính của Hạ Lưu sông Lam ngày xưa”.
          Năm 981, Đại Cồ Việt sau nhiều lần bị Champa quấy rối, Lê Hoàn lần đầu tiên đem quân đi chinh phạt Champa, chiếm được Địa Lý Châu (Quảng Ninh, Quảng Bình). Champa đã phải dời kinh đô (Indrapura) từ miền Đồng Dương vào thành Phật Thệ (Vijaya, tức Bình Định ngày nay). Sau đó Lê Hoàn trả Địa Lý Châu lại cho Champa. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt: Champa từ trước vẫn là một nước lớn (đối với Đại Cồ Việt) nhưng từ sau sự kiện này đã trở thành một “tiểu quốc” chịu thần phục Đại Cồ Việt.
           Năm 1011, vua Lý Thái Tổ cho đem quân đánh Champa ở trại Bố Chính    (Quảng Bình ngày nay).
           Thời Lý Thái Tông, Champa lại bỏ triều cống và hay cho quân ra quấy nhiễu biên giới, Vua cho đóng mấy trăm chiến thuyền đặt hiệu là Long, Phụng, Ngư, Xà, Hổ, Báo, Anh vũ, luyện tập quân bộ tinh nhuệ. Đầu năm 1044, Vua thân chinh cầm quân đánh Champa theo đường thuỷ tiến vào cửa biển Ô –Long  (nay là Tư Hiền, Thừa Thiên Huế). Quân Champa đại bại, hơn 3000 quân bị giết, 5000 người bị bắt sống, vua Champa là Sạ Đẩu (Jaya Simhavarman II) bị tướng Champa là Quách Gia Di chém đầu ngay tại trận và đem dâng thủ cấp để xin hàng. 5000 tù binh bị bắt đưa về nước ta vào trấn Vĩnh Khang (phủ Tương Dương, tỉnh Nghệ An) và trấn Đăng Châu (Quy Hoá), ban cho họ ruộng đất, lập thành phường ấp làm ăn sinh sống.
          Dưới thời Trần, sau khi Chế Mân dâng hai châu Ô và châu Lý cho nhà Trần làm sính lễ thì người Việt đã di cư vào hai vùng đất này để khai phá. Theo đánh giá chung của nhiều nhà sử học, hai châu Ô, Lý mà nhà Trần đã đổi thành Thuận – Hóa là dải đất từ Nam Quảng Trị vào đến Bắc Quảng Nam ngày nay. Vấn đề được đặt ra là địa bàn thực tế phía nam của châu Hóa thời Trần. Theo khảo cứu của học giả Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời, thì Trà Kệ là huyện Quảng Điền về sau, Bồ Đài là huyện Phong Điền ngày nay, Bồ Lãng ở vùng thượng du sông Hương, Sa Lệnh là phía đông Huế, Thế Vang là huyện Phú Vang, Lợi Bồng tương đương với huyện Hương Thủy, và huyện Tư Dung thì Ông cho rằng đặt vào khoảng huyện Phú Lộc ngày nay. Và cũng theo Đào Duy Anh, biên giới phía Nam của châu Hóa thời thuộc Trần vào đến sông chợ Cửi, tức sông Thu Bồn của Quảng Nam – Đà Nẵng. Phan Khoang, trong Việt sử xứ Đàng Trong, cho rằng “huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên ngày nay và huyện Hòa Vang, huyện Đại Lộc, phủ Duy Xuyên thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay là đất Hóa Châu xưa”. Vậy biên giới phía Nam của châu Hóa thời Trần là ở đâu? Và người Việt đã vượt qua đèo Hải Vân để khai triển vùng đất Bắc Quảng Nam mà Champa đã giao cho nhà Trần chưa? Những vấn đề này đã được Tiến Sĩ Huỳnh Công Bá qua sự khảo cứu của mình đã làm rõ ngọn ngành những vấn đề này. Qua sự tìm hiểu của mình, bằng những tư liệu khi đi thực địa tại vùng đất này, Ông cho rằng: “Qua các tư liệu trên, cho thấy ít nhất là khoảng 10 năm sau ngày đám cưới Huyền Trân – Chế Mân, đã có người Việt đến khai khẩn vùng đất Bắc Quảng Nam. Địa bàn khai phá lúc bấy giờ diễn ra trên địa bàn trong điểm của đồng bằng sông Thu Bồn và ở phía nam sông này, thuộc đất của huyện Duy Xuyên về sau. Như vậy biên giới phía nam của châu Hóa thời Trần không dừng lại ở Bắc sông chợ Cửi (Thu Bồn). Căn cứ vào bản cổ chỉ của tộc Trà làng Phú Xuân (thuộc tổng Quảng Hóa, phủ Duy Xuyên) lập ngày 21 tháng 9 năm Thái Đức 3 (1780), vốn là một tộc họ người Chăm ở lại khai thác đất đai cùng người Việt nơi vùng “tam giác châu” Ô Da – Thu Bồn. cho biết đến đến cuối thời Trần, do chiến tranh Chiêm – Việt, ông tổ tộc này phải bỏ chỗ ở cũ là làng La Vân (tức Phú Xuân về sau), chạy vào làng Đồng Dương (ở phía Nam sông Ly Ly), là thôn nhà của ông Chế Tịnh (một người Chăm khác) ở trọ, chúng tôi cho rằng biên giới phía nam của châu Hóa lúc bấy giờ có khả năng đến sông Ly Ly (Hương An)”. Và cũng theo Tiến Sĩ Huỳnh Công Bá đi đến nhận định rằng: “Trong buổi đầu quốc gia Đại Việt, Bắc Quảng Nam đã thuộc về Thuận – Hóa. Nếu Thuận Hóa là “phên dậu phía Nam” của nước Đại Việt thì huyện Điện Bàn chính là “phên dậu của phên dậu”, một thời làm “cột mốc biên giới” che đỡ cho cả Thuận – Hóa trong công cuộc tái thiết xây dựng, và một thời gian dài sau đó sẽ trở thành “hành lang quân sự” của những cuộc chiến tranh”
                Dưới thời Hồ, để ổn định biên giới phía Nam do Champa trước kia thường xuyên đánh phá ở thời Trần mạt, Hồ Quy Ly muốn làm cho Champa suy yếu và thần phục nhà Hồ để tránh hậu họa về sau. Vì vậy năm 1402, nhà Hồ cho xây dựng con đường Thiên lý từ thành Tây Đô đến Hoá Châu, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đời Hán Thương năm Thiệu Thành thứ 2 (1402), Nhâm Ngọ, tháng 3, sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hoá Châu, dọc đường đặt phố xá để truyền thư, gọi là đường thiên lý”.
          Tháng 7 năm 1402, Hồ Quý Ly cử đại binh đi đánh Champa và thắng trận. Phủ biên tạp lục cho biết: “Vua nước ấy là Ba- Đích lại dâng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ Động. Quý Ly nhận chia làm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ lộ Thăng Hoa, biên làm quân ngũ, khuyên dân nộp trâu thì cho quan tước để lấy trâu cấp cho dân di cư”.
          Theo như sự khảo cứu của Học giả Đào Duy Anh, trong Đất nước Việt Nam qua các đời, thì lộ Thăng Hoa nằm ở phía Nam sông Chợ Cửi đến sông Bến Ván tương đương với vùng đất Nam Quảng Nam ngay này. Cũng theo Ông thì châu Thăng là miền Thăng Bình và Duy Xuyên. Châu Hoa là miền Tam Kỳ. Ba huyện Lê Giang, Đô Hòa và An Bị của châu Thăng tương đương với ba huyện Lễ Dương tức huyện Thăng Bình, Huyện Duy Xuyên và Huyện Quế Sơn ngày nay. Châu Hoa thì tương đương với phủ Tam Kỳ thời Nguyễn, tương đương với huyện Hà Đông, tức thành phố Tam Kỳ ngày nay, miền nguồn Chiên Đàn và miền nguồn Hữu Bang. Châu Tư thì thuộc trong phạm vi của hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh trong lưu vực sông Trà Khúc, ở miền Bắc tỉnh Quảng Ngãi, huyện Trì Bình ở dưới, huyện Bạch Ô ở trên. Châu Nghĩa trong phạm vi của lưu vực sông Vệ và huyện Mộ Đức hiện ở miền Đông Nam tỉnh Quảng Ngãi.
           Như vậy dưới thời nhà Hồ, trong một thời gian biên giới về phía Nam của Đại Việt đã vượt qua sông Trà Khúc hơn 50km về phía Nam đến huyện Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Nhưng sau đó trong khi Đại Việt bị quân Minh xâm lược thì Champa đã nhân cơ hội đó chiếm lại 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa.
          Trong những đời vua đầu của thời hậu Lê, sau khi mới giành được độc lập, việc nội trị được ưu tiên hàng đầu nên trước những hành động quấy rối của Champa ở biên giới, vua Lê Nhân Tông chỉ cho quân đánh vào thành Đồ Bàn, bắt được vua Champa là Ba Đích Lại đưa về Thăng Long và lập cháu (gọi chú) của Ba Đích Lại là Maha Quý Lai lên thay chứ không lấy lại Chiêm Động Cổ Luỹ (4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà nhà Hồ đã sáp nhập trước đây).
            Đến năm 1470, vua Champa là Bàn La Trà Toàn, một mặt cầu viện nhà Minh, mặt khác xuất 10 vạn quân ra cướp Hoá Châu. Để chấm dứt sự quấy phá của Champa, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem 26 vạn quân đi đánh Champa. Vua cho vẽ bản đồ Champa để biết rõ những nơi hiểm yếu của vương quốc này, vua Trà Toàn bị đánh bại. Sau chiến thắng này, vua Lê Thánh Tông cho một số quân đóng tại kinh đô Champa chứ không rút hết về nước như trước nữa. Trong khi khi vua Lê Thánh Tông đánh vào kinh đô của Champa thì một viên tương của Champa là Bố Trì Trì đem quân chạy về phía Nam đèo Cả, tự lập làm Vua, xin sắc phong được nhà Lê đồng ý. Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía Nam, vua Lê Thánh Tông cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh. Lại lấy phần thượng nguyên ở phía tây Hoa Anh – vùng Cheo Reo để Lập nước Nam Bàn.     
          Như vậy Chiêm Thành ngăn cách hẳn với Đại Việt bằng hai nước, tuy nhỏ nhưng cũng là tấm đệm từ miền núi ra đến biển. Điều này cũng được Lê Quý Đôn ghi lại ở Phủ biên tạp lục: “Tháng 2 đánh thành Chà – Bàn. Quân Thuận Hoá bắt sống được Trà Toàn. Tướng nước ấy là Bố Trì chạy đến Phan Lung, giữ đất ấy xưng vương, chỉ còn lại được 2 phần 5 đất nước, sai người vào cống. Bèn phong Bố Trì làm Chiêm Thành vương, lại phong Hoa Anh vương và Nam Bàn vương, chia làm 3 nước”.
          Vua Lê cho những viên quan Champa đã đầu hàng giữ những chức vụ quan trọng đối với vùng đất mới. Ba Thái được cử làm Đại Chiêm đồng tri châu, Đa Thuỷ làm Thiêm tri châu. Vua có dụ: “Đại Chiêm và Cổ Luỹ trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nay lấy lại được hết. Ai dám không theo lệnh thì chém trước tâu sau”. Vùng đất này được đặt làm đạo Quảng Nam, chia làm ba phủ, chín huyện. Các sở đồn điền cũng được lập ra để dân nghèo từ miền Bắc vào cùng với những kiều dân cũ đã có ở đó từ trước cùng khai khẩn, sinh sống.
          Trong cuốn sách Vương quốc Champa của Giáo sư Lương Ninh có dẫn của Đại Nam nhất thống chí như sau “Trong cuộc hành quân này, quân Đại Việt còn vượt qua đèo Cù Mông, tiến tới núi Đá Bia (Thạch Bi). Núi Thạch Bi ở phía đông huyện Tuy Hòa, phía bắc đèo Cả, thuộc thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phù Yên ngày nay. Núi này có một chi, đến bờ biển thành hai… có một khối đá lớn, quan đầu về phía đông như hình người… Vua Lê sai mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành”. Vậy thì phải chăng lãnh thổ Đại Việt về phía nam dưới thời Lê Thánh Tông kéo đến ngang núi Thạch Bi? Qua quá trình tìm hiểu như sau, theo như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Tháng 3 ngày 1, hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người…”, “ngày mồng 2 vua thấy đã phá được thành Chà Bàn rồi, xuống chiếu đem quân về”, từ thành Chà Bàn đến núi Thạch Bi phải qua đèo Cù Mông, đi qua tỉnh Phú Yên và xuống gần hết tỉnh Phú Yên mới tới đèo Cả trong đó có núi Thạch Bi. Trong vòng một ngày quân Đại Việt không thể kéo quân đến nơi đây được. Đại Việt sử ký toàn thư như chúng ta đã biết là được ghi chép dưới thời Lê nên những sự ghi nhận trên là đáng tin cậy. Lý giải vì sao Đại Nam nhất thống chí lại cho chép vụ việc này thì Tiến Sĩ Huỳnh Công Bá cho rằng: “qua quá trình mưa gió đã bào mòn, lồi ra trên đỉnh núi một tảng đá bằng hoa cương không bị bào mòn trông giống như một tấm bia, sau đó người dân trong vùng đã thiêu dệt thành truyền thuyết rằng vua Lê Thánh Tông đã cho người mài đá và khắc chữ lên phiến đá đó để đánh dấu cương giới phía Nam của đất nước mà sau này Đại Nam nhất thống chí viết thời nhà Nguyễn đã có sự lầm lẫn đáng tiếc, đã ghi chép vụ việc này mà giáo sư Lương Ninh đã dẫn”. Vả lại giáo sư Lương Ninh cũng viết: “Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía nam, vua Lê cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh.” Điều này cho thấy phần đất phía Nam đèo Cù Mông Đại Việt không hề quản lý, thì sự ghi chép của Đại Nam nhất thống chí về địa giới phía Nam với Chiêm Thành là núi Thạch Bi là sự lầm lẫn hết sức đáng tiếc.
          Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá ở tuổi 34. Theo ông là những người bộ khúc( phụ tách địa phương) ở Tống Sơn và nhân dân xứ Thanh Hoa. Nguyễn Hoàng dựng dinh ở Ái Tử (Quảng Trị), lôi kéo được đông đảo nhân dân vào Thuận – Quảng với những chính sách ưu đãi, khoan hoà. Đại Nam thực lục tiền biên cho biết:“ Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được nhân dân mến phục, bấy giờ thường xuyên là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đấy”.
           Như vậy, từ những duyên cớ mà lịch sử, Nguyễn Hoàng với sự kiện vào trấn thủ ở vùng Thuận – Quảng, đã đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp gây dựng nên xứ Đàng Trong.
          Cũng trong năm 1558, người Chăm Hoa Anh thường xuyên quấy rối, cướp bóc dân cư người Việt làm ăn sinh sống ở đây, nên Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh tiến quân vào Hoa Anh, tới sông Đà Rằng đối phó với quân Champa, sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ xứ Đàng Trong.
Đến năm 1611, quân Champa ở Hoa Anh lại quấy nhiễu đánh phá, Nguyễn Hoàng sai Văn Phong vào Phú Yên đánh dẹp và thu phục tiểu quốc Hoa Anh vào lãnh thổ Đàng Trong. Mở rộng Đàng Trong từ đèo Cù Mông đến đèo Đại Lãnh. Năm 1653, vua Champa là Bà Tấm đem quân vào đòi lấy Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc Hầu làm thống binh đem 3.000 quân đi đánh, thu phục vùng đất Khánh Hòa ngày nay. Năm 1675, Người Champa thường xuyên cho quân đánh phá đất Phú Yên, Nguyễn Phúc Tần cho quân đánh, Vua Chăm là Bà Bật phải xin hàng, dâng đất cho chúa Nguyễn từ sông Phan Rang trở ra, Chúa Nguyễn đặt làm phủ Thái Ninh và dinh Thái Khang để trấn thủ.
          Tháng 2 năm 1693, nhân vua Champa là Bà Tranh chủ động tấn công vào vùng Khánh Hòa ngày nay (tuyên bố bỏ lệ triều cống, “làm phản, hợp quân, đắp lũy, cướp giết cư dân ở phủ Diên Ninh), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy quân đánh dẹp, sáp nhập vùng đất còn lại của Champa, lập nên phủ Bình Thuận. Như đã trình bày kể từ sau năm 1471 trở đi, Champa đã không còn tồn tại với ý nghĩa là một vương quốc độc lập nữa mà trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt nhất của Đại Việt – một phủ có quyền tự trị tương đối và vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Đại Việt.
          Về vấn đề vương quốc Champa vẫn còn tồn tại như một đơn vị hành chính đặc biệt cho đến thời kỳ Minh Mạng (1833) chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để sáng tỏ hơn.
          THAY LỜI KẾT LUẬN
          Như vậy, sự xung đột của hai nhà nước phong kiến Đại Việt và Champa là không thể tránh khỏi, bởi trong tư duy của giới lãnh đạo phong kiến thì tư tưởng bành trướng luôn đóng vai trò chỉ đạo, tùy thuộc vào sự hưng vong, sức mạnh của mỗi vương quốc qua các giai đoạn mà ưu thế giữa hai bên có sự thay đổi, trái ngược lại với sự đối kháng đó thì người dân chỉ muốn sinh sống hòa bình, mưu kế sinh nhai. Trong khi đó thì phong kiến Trung Quốc luôn rình rập âm ưu bành trướng xuống phương Nam, là nguy cơ thường trực, đe dọa sự sống còn của cả dân tộc. Do đó vấn đề hội nhập để cùng tồn tại và phát triển là xu hướng vận động thực tế khách quan của lịch sử. Việc phong kiến Đại Việt thắng thế hơn so với Champa và từng bước quản lý vùng đất này ở các giai đoạn sau tuy nó thuộc vào nhận thức chủ quan là thôn tính của giai cấp phong kiến nhưng nó phù hợp với xu thế chung của dân tộc là thống nhất, cố kết dân tộc để cùng nhau chống lại mối đe dọa thường trực là âm mưu bành trướng về phương Nam của phong kiến Trung Quốc. Việc Champa suy yếu và lần lượt sáp nhập thống nhất vào Đại Việt là kết quả tất yếu của một quá trình, hình thành nên sự cố kết dân tộc, pha trộn bản sắc văn hóa giữa các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
 https://nghiencuulichsu.com/2015/09/30/cuoc-xung-dot-viet-chiem-trong-tien-trinh-lich-su-dan-toc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét