Cuộc nổi
dậy ở Lương Sơn Bạc do Tống Giang lãnh đạo chỉ là một trong hơn hai trăm cuộc
khởi nghĩa nông dân nổ ra trong suốt triều Tống. Cho đến nay vẫn còn nhiều
tranh luận về quy mô cuộc khởi nghĩa này
Lương
Sơn Bạc nằm ở phía Nam huyện Thọ Trương, Vận Châu, tỉnh Sơn Đông. Trước vốn là
một hồ nhỏ, sau do sông Hoàng Hà nhiều lần bị vỡ đê khiến nơi này trở thành một
biển hồ rộng đến mấy trăm dặm.
Sào huyệt của nhiều cuộc nổi dậy
Lương Sơn Bạc có đường thủy tiện lợi, cá tôm vô số, lau lách um tùm,
bên trong lại có nhiều “ốc đảo” nên trở thành nơi cư ngụ lý tưởng của
dân đánh cá, cắt cỏ và cả tội phạm, trộm cướp. Cạnh hồ lại có núi Lương
Sơn, tuy ngọn chủ phong chỉ cao 197 m nhưng hình thế hiểm trở. Vì có thế
địa lợi “khả thủ khả công” nên đây là căn cứ địa của nhiều cuộc nổi dậy
phản kháng triều Tống cả trước và sau khởi nghĩa của Tống Giang.
“Tống sử - Bồ Tông Mạnh truyện” chép rằng “Vận Châu có Lương Sơn Bạc,
trộm cướp nhiều”. Bồ Tông Mạnh trấn áp tàn khốc những cuộc nổi dậy nơi
đây, giết rất nhiều người. Về sau này khi Tống Giang quy hàng triều
đình, Lương Sơn Bạc vẫn là nơi nông dân tụ nghĩa.
Hảo hán Lương Sơn Bạc qua tranh vẽ truyền thần
Sử chép, năm 1124, Sái Cư Hậu làm tri châu Vận Châu đã dụ giết hơn
500 quân khởi nghĩa. Lại có ngư dân Trương Vinh nổi dậy, lập đạo thủy
quân mấy trăm chiến thuyền. Đến khi quân Kim lật đổ nhà Tống thì Lương
Sơn Bạc cũng là cứ điểm phản kích. Vì thế, nói “anh hùng hảo hán Lương
Sơn Bạc” không chỉ gói gọn trong nhóm Tống Giang hoặc giả nói “108 anh
hùng ” mà bao quát cả những người từng nổi dậy ở Lương Sơn.
“Dây dẫn hỏa” của cuộc nổi dậy do Tống Giang lãnh đạo bắt nguồn từ
chính sách “quát công điền” để tăng ngân khố thời Tống Huy Tông. Theo
đó, Lương Sơn Bạc thuộc sở hữu của triều đình, tất cả dân chúng sinh
sống nơi đây phải đóng thuế rất nặng, họ không thể sống nổi nên tụ chúng
phản kháng.
Trong chính sử triều Tống chỉ chép rải rác về cuộc khởi nghĩa này và
gọi là “nhóm 36 người của bọn Tống Giang”, ngoài ra không có chi tiết cụ
thể về diễn biến khởi nghĩa. Ngoài cái tên “Tống Giang” ra, không có
chép tên tuổi hay nhân thân của “36 thiên cương, 72 địa sát” nào cả.
Sau đến đời Nam Tống mới có sách “Tuyên Hòa di sự” kể ra tên tuổi của
36 người cùng những chuyện về Tống Giang, Tiều Cái, Võ Tòng… theo lối
truyền kỳ, làm nền tảng cho Thi Nại Am sau này viết “Thủy Hử truyện”.
Quân lực hùng mạnh
Theo chính sử, “Hoàng Tống thập triều cương yếu” chép: Vào tháng 12
năm Tuyên Hòa nguyên niên (1119), Tống Huy Tông hạ chiếu cho quan Đề
điểm ở hai lộ Kinh Đông, Kinh Tây đem quân đi bắt “Kinh Đông tặc” Tống
Giang, không lâu sau lại ra lệnh “chiêu dụ”. Điều này cho thấy quân khởi
nghĩa của Tống Giang đã làm kinh động triều đình.
Đến năm sau, tri châu Hào Châu là Hầu Mông dâng thư nói “36 người của
bọn Tống Giang hoành hành vùng Tề, Ngụy, quan quân mấy vạn không dám
nghinh chiến. Chi bằng xá cho Giang, khiến hắn đi thảo phạt Phương Lạp
để chuộc tội hoặc là đi bình loạn phía Đông Nam”. Vua đồng ý, cho Hầu
Mông làm tri phủ Đông Bình để chiêu hàng Tống Giang nhưng Hầu Mông chưa
đi thì bệnh chết. Quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công các châu Đan, Bộc,
Tề, Thanh.
Tháng 12, triều đình sai tri châu Thanh Châu là Tăng Hiếu Uẩn kéo
quân trấn áp nhưng quân khởi nghĩa tiếp tục đánh xuống phía Nam đến Cân
Châu, kịch chiến với quân Tống do Tưởng Viên thống lĩnh. Đầu năm 1121,
quân Tống Giang từ Kinh Đông vượt biển, tấn công Thuật Dương, chiến đấu
với quân Tống của Vương Sư Tâm. Sử gọi quân Tống Giang lúc này là “giặc
cướp Hoài Nam”.
Đến tháng 2, quân khởi nghĩa tấn công Hoài Dương, tiến về vùng Hải
Châu, Sở Châu. Đến lúc này quân Tống Giang đã “chuyển đánh cướp cả 10
quận, quan quân không dám ngăn đường tiến, lên tiếng rằng sẽ đến Hải
Châu”.
“Tống sử - Trương Thúc Dạ truyện” có chép đến 7 đoạn về danh tướng
này, trong đó đoạn thứ 4 viết về việc đánh bại quân Tống Giang như thế
nào. Theo đó, khi Trương Thúc Dạ nhậm mệnh đến Hải Châu thì quân Tống
Giang đang chuẩn bị công thành.
Tống Giang quyết định đánh thành theo hướng trên biển nên cho quân
chiếm lấy hơn 10 chiếc thuyền lớn để chở quân lương. Nhưng kế của Tống
Giang đã bị gián điệp của Thúc Dạ dò biết. Thúc Dạ lập tức chiêu mộ hơn
1.000 quân cảm tử mai phục ở gần thành, sau đó cho quân tiểu tốt đi
thuyền nhỏ đến khiêu chiến còn tinh binh thì bố trí trận địa ven bờ
biển.
Khi hai bên giao chiến, phục binh của Trương Thúc Dạ lao ra dùng hỏa
công đốt thuyền quân Tống Giang. Hai bên giao chiến kịch liệt, cuối cùng
đội thuyền của Tống Giang bị đốt cháy hết. Đường lui cũng đã tuyệt, phó
tướng bị bắt, quân lính tan vỡ nên chấp nhận chịu hàng.
Chiêu an hay bị giết?
Hầu hết các sử tịch triều Tống như
“Hoàng Tống thập triều cương yếu”, “Tục Tư trị thong giám trường thiên”,
“Tam triều bắc minh hội biên”… đều chép việc Tống Giang chấp nhận chiêu
an, sau đó đem quân đi trấn áp khởi nghĩa của Phương Lạp.
Nhưng tại vùng Hải Châu, nơi Tống Giang
bại trận, người dân vẫn lưu truyền việc Tống Giang và các nghĩa sĩ đều
bị Trương Thúc Dạ giết chết, chôn dưới núi Bạch Hổ. Núi này hiện ở phía
Tây Nam cổ thành Hải Châu, cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô. Núi chỉ cao
62,8 m, được người dân gọi là “Hảo hán doanh” (mộ hảo hán) và lưu truyền
bài thơ: “Bạch bích Hổ sơn âm, Phần điệp thảo mộc thanh. Vấn thị thùy
gia mộ, Lương Sơn hảo hán doanh” (Núi Bạch Hổ vách trắng âm u; mộ phần
chồng lên nhau, cây cỏ xanh tốt. Hỏi rằng đó là phần mộ của ai? Rằng là
mồ chung của hảo hán Lương Sơn).
Năm 1939 khai quật được tấm mộ chí minh
của Võ Công đại phu Chiết Khả Tồn thì lại chép rằng Khả Tồn chiến thắng
Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một võ công lừng
lẫy của mình. Vì thế, một số ý kiến cho rằng Tống Giang chấp nhận quy
hàng nhưng sau đó lại dấy binh phản Tống một lần nữa. Đến năm Tuyên Hòa
thứ 4 (1122) thì bị Chiết Khả Tồn trấn áp và giết chết.
Đến nay,
nhiều di chỉ liên quan đến Tống Giang và Tiều Cái được phục dựng ở nguyên quán
và nơi hoạt động của nghĩa quân Lương Sơn Bạc
Vận
Thành tỉnh Sơn Đông là nơi phát tích của nghĩa sĩ Lương Sơn, nên có câu “108
anh hùng Lương Sơn Bạc, 72 vị ở Vận Thành”. Giờ đây, Vận Thành đã hình thành
Trung tâm Du lịch văn hóa Thủy Hử Lương Sơn, phục dựng hầu hết những di chỉ,
thắng tích đã xuất hiện trong “Thủy Hử truyện”.
Năm đời không nhập gia phả
Lương Sơn Bạc nằm trong địa hạt huyện Thọ Trương, Vận Thành. Đầu đời
Thanh, quan tri huyện Thọ Trương là Tào Ngọc Kha viết “Quá Lương Sơn ký”
nói rằng: “Tiều Cái, Tống Giang đều có hậu duệ ở Vận Thành”. Theo ông
Triệu Đức Dân, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Lương Sơn, tại thôn
Mục Quan Đồn hiện còn lưu giữ được bộ “Tống thị tông phổ” có chép về
Tống Giang. Người giữ gia phả là ông Tống Quảng Tài, hậu duệ đời thứ 24
của Tống Giang.
Hậu duệ Tống Giang và gia phả
Gia phả có đoạn ghi rằng: “Đời thứ 71, Tam nhất lang tên Tống Giang
do tiền nhân là Tống Kim Lan ghi lại. Đời thứ 72 đến đời thứ 76 không có
lưu tên ai. Chi phái Mục Quan Đồn phía Tây Lương Sơn là đời thứ 77 Tống
Vĩnh Đức…”. Tống Giang là người ở Tống Vương Trang, Tống Gia Thôn, Vận
Thành, đến đời thứ 7 mới chuyển đến Mục Quan Đồn. Trong khoảng 5 đời đó
không lưu lại danh tính trong gia phả là do Tống Giang làm phản, con
cháu sợ bị liên lụy, không dám chép lại.
Cha Tống Giang là Tống Thái Công, giỏi y thuật, thường cứu giúp
người, từng hiến 80 mẫu đất làm nghĩa trang cho nạn dân. Năm anh em trai
Tống Giang đều đặt tên theo bộ thủy, gồm: Tống Hải, Tống Hà, Tống
Giang, Tống Thanh, Tống Hoài. Tương truyền, Tống Giang là người giỏi văn
lẫn võ, độ lượng chân thành, kết giao rộng rãi, cứu giúp người nghèo
khó. Một dải Hà Bắc, Sơn Đông đều biết tiếng, gọi là “Sơn Đông Cập Thời
Vũ”. Không như trong “Thủy Hử truyện” hay trên phim ảnh, tả Tống Giang
vừa lùn vừa đen, văn dốt võ dát, giả nhân giả nghĩa, khiến Kim Thánh
Thán bình rằng: “Tả chuyện 107 người đều đúng ngọn bút viết ra, tốt thì
thật tốt, xấu thì thật xấu, còn tả Tống Giang lại không như vậy. Vội đọc
qua thì thấy rất tốt, đọc lần nữa thì thấy tốt xấu đủ hai phần; lại đọc
kỹ một lần nữa, thấy tốt không bằng xấu. Sau cùng đọc xét ra, thấy đều
là xấu không còn gì tốt!”.
Ông Tống Quảng Tài cũng còn giữ một thanh đao cổ, có khắc dòng chữ
“Đức Hựu niên gian, Tống Giang âm dương đao”. Ngoài ra, ông còn tinh
thông “Tống Giang Nội gia quyền” - môn võ gia truyền của họ Tống, từng
được Tống Giang truyền thụ cho hảo hán Lương Sơn. Theo khảo cứu thì Tống
Giang quyền thuộc hệ Nam quyền nhưng điểm đặc biệt là lấy cước pháp
(đòn chân) làm chủ, đòn thế hiểm hóc, khó phá khó phòng.
Tại Vận Thành hiện còn di tích Võ quán Tống Giang, được trùng tu vào
đời Minh, sau bị hoang phế. Đời Thanh có một đạo sĩ đến đấy lập Tam
Thanh đạo quán. Hiện nay, đã khôi phục nguyên trạng. Truyền rằng Tống
Giang lên huyện thành mở võ quán này, kết giao bằng hữu. Chu Đồng, Lôi
Hoành, Trương Thanh cũng từng luyện võ ở đây. Quan huyện lệnh là Văn Bân
thấy Tống Giang có tài bèn mời về làm áp ty, lo về việc văn thư, án
lệ.
Năm 1985, Trường Võ thuật Tống Giang được thành lập tại Vận Thành và
trở thành 1 trong 10 trường võ thuật lớn nhất Trung Quốc, diện tích
160.000 m2 và hơn 4.000 võ sinh.
Chém đầu nhập phổ
Thủ lĩnh đầu tiên của Lương Sơn Bạc là Vương Luân nhưng Vương Luân
lại bị Lâm Xung giết để tôn Tiều Cái. Tiều Cái được xem là người khởi
nguồn khởi nghĩa Lương Sơn nhưng lại không nằm trong số 108 vị anh hùng
Lương Sơn Bạc vì tử trận trước khi Lương Sơn tập hợp đủ 108 người.
Hiện nay, tại xã Đinh Lý Trường, Vận Thành có thôn Tiều Trang với 103
hộ họ Tiều và đều xưng là hậu duệ của Thác Tháp thiên vương Tiều Cái.
Theo “Tiều thị tông phổ” được lập vào đời Tống thì tổ đời thứ 9 là Tiều
Cái nhưng chữ “Cái” này không có bộ “Thảo” trên đầu, người trong họ
giải thích là do Tiều Cái phản nghịch, vi phạm gia quy nên phải “chém
đầu nhập phổ”.
Dòng họ này có nhiều người làm quan. Tổ đời thứ 5 là Tiều Bổ Chi
(1053-1110) đậu tiến sĩ triều Tống Nhân Tông, làm đến Lại bộ Viên ngoại
lang, Lễ bộ Lang trung, Quốc sử biên tu. Anh của Tiều Cái là Tiều Chương
từng là Đô thống Chiêm Châu, bị sàm tấu hãm hại. Ngoài ra, còn có thôn
Thất Lý Phố, dân ở đây gọi xưa là thôn Đông Khê, sinh quán của Tiều Cái.
Dân chúng vùng Tây Nam Sơn Đông lưu truyền chuyện Tiều Cái, Ngô Dụng
chiếm núi Tư Lý làm vương. Núi này cách Lương Sơn 50 dặm về phía Bắc. Vì
bị phủ Đông Bình xua quân đánh dẹp nên nhóm Tiều Cái chuyển sang gia
nhập với quân khởi nghĩa của Tống Giang ở Lương Sơn Bạc. Căn cứ của quân
Tiều Cái bị đốt phá sạch. Di chỉ Tụ nghĩa sảnh phía Bắc kho lương còn
có một hòn đá lớn, trên hòn đá này có nhiều lỗ hình tròn, tương truyền
là trụ cắm cờ của nghĩa quân.
Nổi danh nhờ “Thủy Hử”
Di tích nhà cũ của Tống Giang (Tống trạch) hiện nay nằm ở thôn Thủy Bảo (tức thôn Tống Gia), xã Thủy Bảo, huyện Vận Thành. Nơi đây còn lưu lại giếng Tống Giang, hố Tống. Hố Tống còn gọi là “hố lòng trung” (Trung Tâm khanh). Tương truyền, khi Tống Giang nhập Lương Sơn, Tiều Cái cho người đến mời Tống Thái công đi, rồi đốt hết gia trạch. Mãi về sau, thôn Tống Gia nhiều lần bị nước lũ sông Hoàng Hà cuốn, đất xung quanh đều bị bùn đỏ ngập cao hơn 4 m, chỉ riêng nhà cũ Tống Giang có một cái hố lớn hình quả tim là không bị lấp. Dân trong thôn mỗi lần muốn lấp cái hố ấy thì đều gặp tai ương, đến nay vẫn lưu truyền câu nói “Thà ở trong chuồng bò, đừng lấp hố lòng trung”.
Vào ngày 3-3-2014, Đài Truyền hình tỉnh Sơn Đông cho biết có người tên Tống Đại Ca ở Tống Trang thôn phát hiện được một bộ “Tống Giang gia phổ”, làm chấn động dư luận. Theo gia phả này thì Tống Giang có 4 người anh em là Giang, Dương, Hoài, Thù. Qua nghiên cứu, giáo sư Trương Hy Duy, Học viện Văn hóa lịch sử Trường Đại học Sơn Đông, cho biết đây là bản gia phả viết về Tống Giang đời Minh chứ không phải đời Tống. Ông cũng cho biết Tống Giang, Tiều Cái sở dĩ nổi danh là nhờ “Thủy Hử truyện”.
Di tích nhà cũ của Tống Giang (Tống trạch) hiện nay nằm ở thôn Thủy Bảo (tức thôn Tống Gia), xã Thủy Bảo, huyện Vận Thành. Nơi đây còn lưu lại giếng Tống Giang, hố Tống. Hố Tống còn gọi là “hố lòng trung” (Trung Tâm khanh). Tương truyền, khi Tống Giang nhập Lương Sơn, Tiều Cái cho người đến mời Tống Thái công đi, rồi đốt hết gia trạch. Mãi về sau, thôn Tống Gia nhiều lần bị nước lũ sông Hoàng Hà cuốn, đất xung quanh đều bị bùn đỏ ngập cao hơn 4 m, chỉ riêng nhà cũ Tống Giang có một cái hố lớn hình quả tim là không bị lấp. Dân trong thôn mỗi lần muốn lấp cái hố ấy thì đều gặp tai ương, đến nay vẫn lưu truyền câu nói “Thà ở trong chuồng bò, đừng lấp hố lòng trung”.
Vào ngày 3-3-2014, Đài Truyền hình tỉnh Sơn Đông cho biết có người tên Tống Đại Ca ở Tống Trang thôn phát hiện được một bộ “Tống Giang gia phổ”, làm chấn động dư luận. Theo gia phả này thì Tống Giang có 4 người anh em là Giang, Dương, Hoài, Thù. Qua nghiên cứu, giáo sư Trương Hy Duy, Học viện Văn hóa lịch sử Trường Đại học Sơn Đông, cho biết đây là bản gia phả viết về Tống Giang đời Minh chứ không phải đời Tống. Ông cũng cho biết Tống Giang, Tiều Cái sở dĩ nổi danh là nhờ “Thủy Hử truyện”.
Thiên Tường
http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/su-thuc-ve-luong-son-bac-20151203214337054.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét