XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Nguyễn Hoàng và bước đầu tiến vào vùng Nam Trung Bộ

vietnam-xua-27
1. Tóm lược cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào khoảng thời gian 1470 – 1471 qua một số nguồn sử liệu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư  (bản khắc Chính Hòa năm thứ 18, 1697): Tháng tám năm Canh Dần (1470) Chiêm Vương Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi và ngựa chiến đánh úp Hóa Châu… Nhân cơ hội ấy vua Lê Thánh Tông huy động trai tráng trong nước từ 15 tuổi trở lên sung quân được 26 vạn, rồi ban Sách lược bình Chiêm. Hai tướng Đinh Liệt và Lê Niệm dẫn 10 vạn thủy binh đi trước, còn lại 16 vạn quân do vua thân hành chỉ huy đi sau… Ngày 25 tháng chạp Canh Dần (1470) vua cho ba quân ăn Tết, ngày 3 Tết Tân Mão (1471) vua Lê ra lệnh tiến binh. Ngày mùng 6 tháng giêng Tân Mão đội quân xung kích của Tiên phong Tướng quân Cang Viễn bí mật đột nhập phòng tuyến Cu Đê tại triền nam đèo Hải Vân, đánh tan và bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa… Ngày 27 tháng hai Tân Mão hạ thành Thị Nại, ngày 28 tháng hai Tân Mão tiến quân vây thành Trà Bàn (Đồ Bàn), ngày 1 tháng ba Tân Mão hạ thành Đồ Bàn và bắt sống Chiêm Vương Trà Toàn…
Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, Trì Trì lấy được 1/5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần, nộp cống, được phong làm vương. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để dễ ràng buộc… Tháng năm ngày mồng 1, làm lễ mừng thắng trận.
Tháng sáu, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa Tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức Án sát sứ ở 12 thừa tuyên và và đặt 3 Ty ở QuảngNam(1). 
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) chép về sự kiện này như sau: Tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức (năm Tân Mão, 1471) vua truyền lệnh cho quân ở trấn Thuận Hóa phải ra biển thử tập thủy quân tham chiến… Tháng 2 năm này, Ngài ra lệnh đánh phá thành Đồ Bàn của Chiêm Thành. Quân Thuận Hóa bắt sống được Trà Tuyền. Còn tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì thì chạy tới đất Phiên Lung, chiếm cứ đất ấy xưng vương. Bô Trì Trì chỉ chiếm được một phần năm đất đai so với đất nước Chiêm Thành, nhưng hắn lại sai người vào dâng lễ cống hiến vua ta, nên Ngài phong cho hắn làm vua Chiêm Thành.
Nhà vua lại phong cho Thúy Anh vương và Nam Bàn vương, hợp với Chiêm Thành vương cộng là ba nước (Chiêm Thành chia ra ba nước). Ta chỉ lấy đất Thái Chiêm (tức Cổ Chiêm) và đất Cổ Lũy(2). Sau khi vua Lê Thánh Tông chiếm Trà Bàn, một tướng Chiêm là Bô Trì Trì chạy thoát, đem tàn quân vào Phan Lung (Phan Rang) tự xưng vương, giữ được hơn 1/5 đất đai cũ của Chiêm, sai người đến xin xưng thần và nạp cống. Vua Thánh Tông nhân đó chia đất đai còn lại của Chiêm Thành làm 3 nước cho yếu thế đi:
– Chiêm Thành là đất từ núi mà sau đó gọi là Thạch Bi trở về Nam, phong cho Bô Trì Trì.
– Nam Bàn là đất từ núi này trở về Tây, phong cho dòng dõi của vua cũ nước Chiêm còn sót lại.
– Hoa Anh (nước này về sau mòn mỏi, suy yếu, không thể khảo cứu được).
Tương truyền rằng vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đến biên giới hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa ngày nay, sai đục đá ở đỉnh núi cao nhất trên bờ biển ở đây để dựng bia phân định địa giới của ta và đất của Chiêm, núi ấy sau gọi là núi Thạch Bi. Bia ấy hiện còn nhưng vết chữ đã mòn không thể nhận ra được, nhưng tương truyền văn bia rằng“Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, có nghĩa là Chiêm Thành qua đây quân thua nước mất. AnNam qua đấy, tướng chết quân tan. Nhưng nếu bia ở Thạch Bi Sơn là thực do vua Lê Thánh Tông dựng lên thì có lẽ sau khi vua chiếm được Đồ Bàn, cho tướng tá đưa quân đi vào đến hết địa phận tỉnh Phú Yên ngày nay, rồi nhân đó đục đá làm bia chứ nhà vua không đến đó, vì ngày mùng hai tháng ba Tân Mão (1471) đã ban sư rồi. Dầu sao sau cuộc chiến thắng này uy quyền của vua Đại Việt cũng đến Bình Định chứ chưa vào đến núi Thạch Bi, đất đai bên kia đèo Cù Mông chưa thuộc bản đồ Đại Việt. Vậy đất từ núi Cù Mông đến núi Thạch Bi – vùng Phú Yên ngày nay – vua Lê Thánh Tông đã không giao cho Trì mà nhà vua cũng không khai thác, người Chiêm vẫn chiếm nó như cũ, đến đời chúa Nguyễn Hoàng sau này mới đánh lấy. Hay đấy là nước Hoa Anh chăng(3)?
Công trình Lịch sử vương quốc Chămpa đề cập đến sự kiện lập nước Hoa Anh như sau.
Năm 1471 khi đi đánh Chămpa, lấy được kinh đô Vijaya Lê Thánh Tông có ý dừng lại, chia làm cương vực ở đó. Mặc dù bấy giờ như ta đã biết, vương triều Vijaya đã suy mà Đại Việt thì đang trong thời thịnh trị. Nhà Lê không muốn và chắc chắn cũng không nghĩ tới việc cố thôn tính một quốc gia khác mà chỉ mong sự yên ổn lâu dài trên biên giới phía Nam.
Vua Lê thân chinh, theo như tuyên bố, là vì Chiêm Thành đã quấy nhiễu biên giới, cũng vì một quan niệm là “Đại Chiêm và Cổ Lũy trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nên lấy lại được hết, sai các ngươi trấn thủ”. Vua đã lấy cả vùng Vijaya nay là Bình Định liền một dải với Cổ Lũy để có địa giới tự nhiên hiểm trở ở phía Nam là đèo Cù Mông, lập ra đạo Quảng Nam, nhằm thực hiện ý định đó. Trong cuộc hành quân này, quân Đại Việt còn vượt qua đèo Cù Mông tiến tới núi Bia Đá (Thạch Bi). Núi Thạch Bi ở phía Đông huyện Tuy Hòa, phía bắc đèo Cả, thuộc thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên ngày nay. Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía Nam, vua Lê cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới Đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh. Lại lấy phần thượng nguyên ở phía tây nước Hoa Anh – vùng Cheo Reo để lập nước Nam Bàn. Như vậy Chiêm Thành ngăn cách hẳn với Đại Việt bằng hai nước, tuy nhỏ nhưng cũng là tấm đệm từ miền núi ra đến biển.
Nam Bàn là nơi sinh sống của hai bộ lạc ở vùng thượng lưu sông Đà Rằng, sau cũng tự lập thành hai nước gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá, đều thần phục nhà Nguyễn. Còn thì từ Cù Mông về nam, còn thuộc về người Man, người Lạo. Người Man và người Lạo chắc là người Chăm và một tộc người khác vốn cư trú chủ yếu ở vùng thượng nguyên. Vua Lê đã lấy một phần lãnh thổ của họ, lập riêng nước Hoa Anh và đã cử một hào trưởng địa phương làm Hoa Anh vương.
Phía nam đèo Cả, tức phía nam nước Hoa Anh và nước Nam Bàn, Bô Trì Trì tiếp tục giữ nước Chiêm Thành, như nay đã bị thu hẹp khá nhiều. Bô Trì Trì, tướng của Bàn La Trà Toàn lên làm vua, tương ứng với Po Kabrah trong niên giám (1460 – 1494) và như thế ông này làm vua được 24 năm(4).
Theo Phủ biên tạp lục  “Núi Thạnh Bi thuộc Phủ Phú Yên là nơi phân cương giới giữa Tiên triều (tức triều chúa Nguyễn) nước ta cùng nước Chiêm Thành. Hòn núi ấy phát xuất từ một nơi rất xa xôi, trong một dãy núi từ đầu nguồn liên lạc với nhau chảy thẳng xuống bãi biển, hòn núi Thạch Bi là núi cao nhất, hơn hẳn các núi khác. Vua Lê Thánh Tông ngày xưa đi đánh được nước Chiêm Thành lấy đất này đặt ra xứ Quảng Nam, rồi sách lập dòng dõi của vua cũ Chiêm Thành và cho vua Chiêm Thành ấy cai trị cõi đất từ núi Thạch Bi trở về phía Tây. Trên đỉnh núi Thạch Bi, người ta dựng một cái bia đá để làm ranh giới. Bia đá trở lưng về phía bắc, và hướng mặt về phương nam. Vì quá lâu năm nên bia đá đã mất hẳn tự tích(5).
Một số sách sử triều Nguyễn như Đại Nam Nhất thống chí, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phương đình dư địa chí thì cho rằng sau khi chiếm thành Trà Bàn, thừa thắng quân Đại Việt vượt đèo Cù Mông tiến thẳng tới Đèo Cả, vua Lê Thánh Tông khắc bia trên núi để ghi dấu chiến công, phân định ranh giới hai nước Việt – Chiêm. 
Đại Nam nhất thống chí nói về Thạch Bi sơn: núi này ở phía đông nam phủ (Tuy Hòa), năm Tân Mão (1771) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 đời Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần núi này bị sét đánh, đá núi đen đều biến thành trắng xóa, xa trông như bia đá đứng sững, sắc như vôi đá, chúa (vua) bèn sai quan cầu đảo. Núi này có nhiều thú dữ nên ít có người dám tới đó. Xét sách Thủy lục trình chí  của Trần Công Hiến có đoạn chép rằng: núi này có một chi chạy sát biển, chia ra làm hai ngọn nước, cây cỏ cũng phân rẽ, có một hòn đá lớn quay đầu về hướng Đông giống như hình người. Xưa vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm thành ngang qua đấy, bùi ngùi than thở rằng “từ lúc trời đất sơ khai đã phân ranh giới, vì nghịch đạo trời, nên phải chịu họa trời, nhân đó vua khiến chạm chữ lên trên đá. Sách Địa dư chí của Lê Quang Định cũng nói “vua Thánh TôngNam chinh, mở đất đến đây, ở trên đỉnh núi có sai mài khắc chữ ghi việc chia ranh giới với Chiêm Thành. Nay bia vẫn còn nhưng chữ bị sứt mẻ không nhận ra được”(6).
“…Đá Bia – Bia Đá do Lê Thánh Tông dựng ở Phú Yên 1471 là… huyền thoại, huyền tích. Và chúng tôi đã giải ảo hiện thực khi cả gan trèo lên đỉnh núi Đá Bia – Linga-parvatha (Tối linh Dương Vật) vào năm 2001 – 2002, không có cái bia nào, không một dòng chữ khắc nào của Lê Thánh Tông lưu lại nơi đây! Vả lại sử đương thời cũng không chép. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú có chép, song cũng chỉ là “nghe nói” thôi… Sau chiến dịch năm 1471, đất Phú Yên vẫn còn thuộc Chămpa, “nước Hoa Anh” trong Sử ký Đại Việt, chẳng hạn. Đèo Cù Mông vẫn còn là ranh giới cực nam của Đại Việt thế kỷ XV…”(7)
Những tư liệu lịch sử trên đây đã cho biết một cách rõ ràng, từ năm 1471 vùng đất từ phía nam đèo Cù Mông trở vào nam có 3 vương quốc nhỏ được sự thừa nhận của Đại Việt là Chiêm Thành, Nam Bàn và Hoa Anh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn chú rằng, từ triều Lê trở về trước Nam Bàn thuộc Chiêm Thành… Từ phủ Hoài Nhân đi theo đường Thượng đạo thì phải mất 14 ngày mới tới nước này, tức là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá bây giờ. Vậy nước Nam Bàn là miền Thượng Nguyên xưa, tức Tây Nguyên ngày nay. Còn nước Hoa Anh thì dòng dõi về sau mòn mỏi suy yếu, nay không thể khảo cứu được. Sau sự kiện này gần như sử không ghi chép gì về “nước Hoa Anh”, ngoài hai sự kiện là năm 1578 Lương Văn Chánh chiếm thành Hồ và đến  đầu thế kỷ XVII dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, năm 1611 lập Phủ Phú Yên. Như vậy, từ năm 1471 đến 1611, vùng đất Phú Yên chưa thuộc lãnh thổ Đại Việt nhưng cũng không thuộc Nam Bàn hay Chiêm Thành (mà vua Lê Thánh Tông đã phong cho Bô Trì Trì ), vì:
– Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn của nhà Lê do sử quan Ngô Sĩ Liên soạn năm 1697 cũng như thơ văn đời Hồng Đức không nói đến sự kiện Lê Thánh Tông vào đến Đèo Cả và khắc bia đá trên núi. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết khoảng sau năm 1775 chỉ ghi việc dựng bia đá làm ranh giới nhưng “vì quá lâu năm nên bia đá đã mất hẳn tự tích”, không thấy ghi văn bia.
– Theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (đầu thế kỷ XIX) thì “nay hiện còn những chữ sứt mẻ mờ lạt, không còn nhận rõ được… chỉ nghe truyền khẩu chữ bia” do vua Lê Thánh Tông cho khắc trên núi Đá Bia. Theo một vài sách khác và theo truyền thuyết thì văn bia có các từ quốc hiệu như “Việt Nam”, “An Nam” là những quốc hiệu mà nhà Lê không dùng. Có thể việc này do người đời sau thêm vào.
– Đến năm Mậu Dần (1578) Lương Văn Chánh được bổ làm Tri huyện Tuy Viễn (tức An Nhơn, Tuy Phước hiện nay). Lương Văn Chánh đem quân đánh lấy thành của người Chăm ở Tuy Hòa (Thành Hồ), sau đó mới chiêu tập lưu dân Thuận Quảng đưa vào khai phá vùng đất mới Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn (sẽ nói ở phần sau).
Căn cứ vào sử liệu các nhà nghiên cứu đều nghiêng về ý kiến cho rằng: “nước Hoa Anh” chính là vùng đất Phú Yên ngày nay. Tuy nhiên, nếu nước Chiêm Thành (vùng Phan Rang) và nước Nam Bàn (Tây Nguyên) được sử ghi rõ có vua là hàng tướng người Chăm thì riêng nước Hoa Anh không thấy ghi vua là ai, cũng như không ghi lại mối quan hệ “bang giao” nào giữa chúa Nguyễn với nước này. 
2. Vùng đất Phú Yên – nước Hoa Anh – từ cuối thế kỷ XV đến năm 1611.
Khi nói đến lịch sử vương quốc Chămpa, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng vương quốc Chămpa không phải là một nhà nước thống nhất chặt chẽ và lâu dài, mà là một liên minh của các tiểu vương quốc theo từng tiểu vùng địa – văn hóa, gọi là mandala. Như vậy với thực thể vùng đất Bình Định xưa thuộc tiểu vương quốc Vijaya, vùng Phú Yên xưa – Môn Độc quốc và Panduranga – Phan Rang là Bôn Đà Lang, thì việc vua Lê Thánh Tông chấp nhận sự tồn tại của nước Hoa Anh (vùng đất Phú Yên) song song với sự tồn tại của tiểu vương quốc phía nam đèo Đại Lãnh của Bô Trì Trì là điều dễ hiểu. Đây là việc sắp đặt lại (theo hướng có lợi cho Đại Việt) một mô hình địa – chính trị đã có sẵn trong lịch sử vương quốc Chămpa nói chung và vùng đất phía nam Chămpa nói riêng. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, sự tồn tại của các tiểu quốc trên luôn chịu ảnh hưởng và không thể tách rời mối quan hệ vô cùng chặt chẽ – ở một mức độ nào đó là sự phụ thuộc – vào Đại Việt, vào tình hình chính trị cũng như các chính sách của Đại Việt đối với các tiểu quốc này. Như vậy, để tìm hiểu về vùng đất Phú Yên giai đoạn này cũng là để phác dựng lại nước Hoa Anh trong lịch sử, trước hết cần phải tìm hiểu tình hình Đại Việt khoảng từ cuối thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVII.
Sau cuộc Nam chinh năm 1470 – 1471 vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại đặt làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam, cộng trong nước là 13 Thừa tuyên, danh từ Quảng Nam có từ lúc ấy. Đạo Thừa tuyên Quảng Nam thống lãnh 3 phủ, 9 huyện, địa bàn từ Quảng Nam đến hết Bình Định ngày nay. Nhà vua còn tổ chức lại việc cai trị các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa đã có từ trước, cho người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng Tri phủ Đại Chiêm. Với ý định lập cương giới Đại Việt ở đèo Cù Mông – sau khi dựng nên hai quốc gia đệm ở phương nam – đã hình thành dưới thời vua Lê Thánh Tông, lại tiếp tục được củng cố dưới triều các vua sau đó của nhà Lê. Sau cuộc Nam chinh trở về hẳn việc chiêu mộ nhân dân vào vùng đất mới tiếp tục diễn ra và ngày càng mạnh mẽ. Vùng đất mới là Phủ Hoài Nhân tức tỉnh Bình Định ngày nay là vùng đất rộng rãi, đồng bằng phì nhiêu, có cửa biển lớn… có sức hấp dẫn đối với lưu dân, trong đó có nhiều binh lính tham gia chiến tranh đã ở lại vùng đất mới và mang theo gia đình của họ, cũng như thuận tiện cho việc lưu đày đến nơi xa xôi những tù nhân, tội phạm của nhà nước. Những cuộc di dân mà triều đình xuống chiếu chiêu mộ khuyến khích khai thác đất mới với quy mô lớn có vai trò quan trọng của nhiều gia đình dòng họ. Truyền thống của người Việt trong việc duy trì tính chất đại gia đình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc di dân vào phía Nam, truyền thống này khuyến khích di dân đi theo từng nhóm cùng huyết thống hay họ tộc. Ngoài ra còn có cuộc di cư của những người nghèo khó muốn tìm chỗ làm ăn dễ dàng, hay can tội phải trốn tránh, bất mãn hay vì một lý do nào đấy không thể sống tại quê cũ, khi lẻ tẻ một vài gia đình, khi từng nhóm nhỏ vẫn liên tục và âm thầm diễn ra. Các cuộc di dân từ sau năm 1471 khá thuận lợi, người Việt vào vùng đất mới sống yên ổn vì không còn lo sợ xung đột giữa Đại Việt và Chămpa. Mục đích của những người dân Việt khi di cư đến vùng đất mới là nhằm tìm kiếm đất đai để cày cấy làm ăn chứ không phải để bắt tù binh nô lệ hay cướp bóc của cải. Nhờ vậy mà họ sớm hòa nhập với cộng đồng cư dân bản địa, lập nên làng xóm mới, cùng lao động và hòa hợp trong những sinh hoạt văn hóa. Từ đó, phía bắc đèo Cù Mông, thuộc thừa tuyên Quảng Nam chính thức là đất đai của Đại Việt còn từ phía nam đèo Cù Mông “thuộc man lèo” – một tiểu quốc của người dân tộc khác người Việt – chính là nước Hoa Anh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư   Phủ biên tạp lục, tình hình vùng đất mới trong thời kỳ nửa sau thế kỷ XV như sau:
Tháng tư năm thứ 12 niên hiệu Hồng Đức (Tân Sửu, 1481), nhà vua xét vì tại Quảng Nam không có thuyền, nên hàng năm giang thuế quân dân thường bị tổn thất. Vì vậy Ngài ban sắc từ nay trở đi, hễ mỗi khi tới kỳ nạp thuế, Ngài cho phép Ty Thừa tuyên Quảng Nam đưa văn thư tới Tam ty Thuận Hóa, đồng thời giao phó các hạng vật thuế cho Tam ty Thuận Hóa ấy, để nơi ấy sai phái người chuyển đệ lên cấp trên đăng nạp.
Tháng mười năm thứ 19 niên hiệu Hồng Đức (Mậu Thân, 1488), nhà vua hạ lệnh cho viên tham chánh Quảng Nam là Phạm Bá Tôn rằng: hễ quân sĩ hay nhân dân sinh con trai từ 15 tuổi trở lên mà có vẻ thông minh hiếu học, thì đến ngày thi Hương, hội đồng phải lực chọn lấy sinh viên sung vào danh sách sinh đồ trong phủ.
Tháng tư năm thứ 21 niên hiệu Hồng Đức (Canh Tuất, 1490), nhà vua định lại bản đồ trong toàn quốc gồm 13 xứ thừa tuyên… Từ đây trở về sau đời đời phải noi theo và gìn giữ như vậy… Chỉ có hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam thì họ Nguyễn nối đời nhau làm chức Trấn thủ, và trong thời gian ấy, họ khai thác thêm nhiều.
Nhưng từ đầu thế kỷ XVI Đại Việt có những biến đổi quan trọng, tình hình đã diễn biến theo một chiều hướng khác hẳn và dẫn đến sự thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước.
Năm 1527 nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê, rồi đến việc họ Trịnh nắm quyền bính, họ Nguyễn bị nghi kỵ và nguy cơ bị họ Trịnh hãm hại. Năm 1558, Đoan quận công Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay), tiếp đó vào năm 1570 xin được giao thêm quyền trấn thủ Quảng Nam (từ Quảng Nam đến Bình Định ngày nay). Từ đó họ Nguyễn ở phía nam bắt đầu ra sức xây dựng lực lượng của mình, biến miền Nam thành giang sơn cát cứ riêng biệt, lập thế đối trọng với chúa Trịnh ở phía Bắc. Rồi sang thế kỷ XVII là cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Đàng Trong dưới thời Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) tương đối yên ổn do kinh tế khá phát triển và cũng nhờ vào sự khôn khéo của Nguyễn Hoàng với chính quyền Đàng Ngoài (vua Lê, chúa Trịnh và kể cả với nhà Mạc). Thuận Quảng lúc bấy giờ đất đai mới mở mang nhưng dân cư còn ít chưa đáp ứng nhu cầu khai khẩn – một nhu cầu bức thiết của chúa Nguyễn để thực hiện được mục đích cát cứ. Tuy trong dân cư có cả những thành phần rất phức tạp nhưng trong vài mươi năm Đoan Quận công đã “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, nhẹ xâu thuế, dân chúng vui, phục, thường gọi là chúa Tiên”. Một mặt chúa Nguyễn phải đối phó với quân nhà Mạc và cả chúa Trịnh bằng các cuộc chiến và thủ đoạn chính trị khôn khéo, mặt khác vẫn tiến hành công cuộc phát triển kinh tế Đàng Trong bằng nông nghiệp, thương nghiệp và nhiều ngành sản xuất khác… Để làm được điều đó chắc hẳn chính quyền chúa Nguyễn phải có sự ứng xử mềm dẻo với tiểu quốc của người “man lèo” ở biên giới phía nam để yên ổn mà rảnh tay chống đỡ với phía bắc. Rõ ràng thời gian này mối bận tâm của chính quyền chúa Nguyễn là phía bắc với những quan hệ ràng buộc và những mưu đồ chính trị của các thế lực Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn. Đấy cũng là một nguyên nhân giải thích vì sao sử nhà Nguyễn ghi chép về giai đoạn này của Nguyễn Hoàng ở Thuận – Quảng và hoạt động của ông với nhà Lê ở phía bắc khá kỹ mà hầu như không ghi chép gì về các tiểu quốc phía nam, trong đó có nước Hoa Anh. Mặt khác có thể suy đoán rằng, do tình hình nội bộ Đại Việt như vậy nên tại ba tiểu quốc này cư dân Chăm và các tộc người khác tiếp tục cuộc sống tương đối yên ổn, hầu như sử sách không ghi chép một sự kiện lớn nào xảy ra cho đến cuối thế kỷ XVI, khi mà việc thiết lập vương quyền cát cứ của chúa Nguyễn đã rõ ràng. Từ lúc đó đối với các tiểu quốc Hoa Anh và Chiêm Thành, chính quyền chúa Nguyễn bắt đầu có những động thái khác nhằm từng bước tiến về phía nam. Nhưng trước khi những sự kiện đó xảy ra, nước Hoa Anh đã tồn tại như thế nào?
Như trên đã nói, địa bàn nước Hoa Anh về đại thể nằm giữa đèo Cù Mông và Đèo Cả – một trong những tiểu vùng địa – lịch sử của vương quốc Chămpa, với cấu trúc 3 yếu tố cơ bản theo truyền thống một “tiểu quốc” Chămpa: Dòng sông thiêng là sông Đà Rằng (sông Ba) có ngọn núi Thiêng núi Đá Bia – Linga-parvatha (Tối linh Dương Vật), Thành Hồ, cảng thị Đông Phước.
Sông Đà Rằng với lợi thế là con sông duy nhất ở miền Trung thông lên đến Tây Nguyên có một vai trò rất quan trọng đối với người Chăm. Sử thời Nguyễn cho biết, nhà Nguyễn đã từng đặt trạm giao dịch trên sông Ba để thông thương với khu vực rừng núi rộng lớn ở phía tây Phú Yên. Theo Đại Nam nhất thống chí  “ở xã Thạch Thành ở phía tây huyện Tuy Hòa có trường giao dịch và thủ sở ở đây, nước từ sông Ba chảy qua phía nam huyện lỵ đổ ra trấn Đà Diễn”. Thạch Thành là vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa đồng bằng Tuy Hòa và vùng núi phía tây. Đây là cửa ngõ thông thương với Thủy Xá, Hỏa Xá, cũng là nơi trao đổi buôn bán các sản phẩm nổi tiếng một thời của núi rừng như trầm hương, ngà voi, sừng tê cũng như những lâm sản quý khác xuống miền xuôi, đồng thời các loại hàng hóa của miền biển, đồng bằng cũng từ đây đi lên miền núi.
Từ nguồn tài liệu tiền cổ tìm thấy ở khu vực Đông Phước (xã Hòa An huyện Phú Hòa) trong nhiều năm, khối lượng đến hơn 700kg. Về loại tiền gồm hơn 80 hiệu tiền đồng trong đó có 60 hiệu là tiền các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Còn lại có tiền Triều Tiên, tiền Nhật Bản và các hiệu tiền Việt Nam từ nhà Lê, Tây Sơn, chúa Nguyễn và triều Nguyễn, có cả tiền Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên vào thế kỷ XVIII… Các nhà khảo cổ đã khảo sát khu vực này và nhận thấy vị trí của Đông Phước rất thuận lợi về đường thủy, là điểm hợp lưu giữa sông Chùa, Rạch Bàu Dài và một nhánh của sông Đà Rằng. Từ đó đã có nhận định có nhiều khả năng Đông Phước là một hải cảng lớn thời Chămpa. Trên sông Đà Rằng thì cảng thị Đông Phước là cửa ngõ thông ra biển và Thành Hồ – cửa ngõ lên châu Thượng Nguyên của vương quốc Chămpa(8). Thôn Đông Phước còn nằm trong phạm vi phân bố của các di tích Chămpa nổi tiếng như Tháp Nhạn, Thành Hồ.
Thành Hồ có thể được xem là Kinh thành của tiểu quốc vùng Phú Yên.
Theo Lương Ninh trong Lịch sử vương quốc Chămpa: Từ sau năm 1471, việc xây dựng đền tháp hầu như bị ngừng hẳn để dồn sức cho việc xây dựng một thành lũy chưa từng có. Thành này ở phía tây thị xã Tuy Hòa, cách khoảng 15km, nằm trên bờ bắc sông Đà Rằng. Thành xây gạch cao khoảng 3m, phía ngoài có hào nước, bên trong có giếng nước. Thành có hình vuông, bốn cạnh không đều nhau, mỗi cạnh dài khoảng 800m. Trước thế kỷ XV ta chỉ thấy nói đến thành ở phía bắc Vijaya (Quy Nhơn), là thành mà Đại Nam nhất thống chí đã mô tả, gọi là thành An Nghiệp, phía Bắc sông Đà Diễn (còn gọi là sông Đà Lãng), “tương truyền do người Chiêm xây, tục gọi là thành Hồ”. Chắc không chỉ có việc xây thành, mà sau khi đã đứng yên lại được rồi, các vua Chiêm Thành không những muốn củng cố vương quốc mà có thể còn muốn giành lại nước Hoa Anh nhân lúc Đại Việt bị khủng hoảng chính trị vào đầu thế kỷ thứ XVI, tuy lực lượng của họ bấy giờ đã rất suy yếu(9).
Những cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học tại di tích Thành Hồ đã cho thấy đây là tòa thành có quy mô tương đối lớn. Căn cứ vào hiện tượng lát cắt trên bờ thành phía đông và những dấu tích kiến trúc trong hố khai quật, có thể nhận thấy Thành Hồ được xây dựng từ rất sớm và tồn tại trong một thời gian dài. Niên đại của Thành Hồ có thể nằm trong khoảng thời gian từ thế kỷ VI, VII đến thế kỷ XV, XVI. Trong quá trình tồn tại tòa thành đã được tu bổ nhiều lần. Theo hiện trạng các lớp đất trên bờ thành đông thì có thể đã được tu bổ hai lần sau khi đắp, và lần tu bổ có quy mô nhất là vào thế kỷ X, XI khi mà kinh đô của vương quốc Chămpa dời chuyển về thành Đồ Bàn (Bình Định). Ngoài ra cũng phát hiện được nhiều dấu tích kiến trúc trong khu vực Thành Hồ, trong đó những dấu tích kiến trúc ở trên Hòn Mốc là dấu tích ngôi tháp Chăm đã sụp đổ, còn dấu tích kiến trúc góc đông nam của Thành Hồ có thể là khu cư trú cổ. Các đợt khảo sát còn cho biết còn rất nhiều di tích, địa danh liên quan đến khu vực Thành Hồ, phản ánh một hệ thống thành quách khá hoàn chỉnh. Những phát hiện mới đã cho biết Thành Hồ có hai giai đoạn với 2 chức năng khác nhau trong lịch sử vùng đất Phú Yên:
– Giai đoạn sớm trước thế kỷ XI: Thành Hồ với chức năng là trung tâm quân sự, kinh tế và văn hóa của một tiểu vùng/ tiểu quốc của vương quốc Chămpa (Môn Độc quốc).
– Giai đoạn muộn, thế kỷ XV – XVI: Thành Hồ có chức năng là “kinh đô” của một tiểu quốc ở đây là nước Hoa Anh.
Thành Hồ nằm ngay cửa ngõ chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, phía sau khu vực Thành Hồ là vùng cao nguyên đất đỏ bao la. Tại đó đã tìm thấy nhiều di tích di vật Chămpa như ở Bảo Lộc và Đơn Dương (Lâm Đồng), phế tích đền tháp ở Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Những dấu tích văn hóa Chămpa ở Tây Nguyên đã chịu ảnh hưởng nhất định từ các trung tâm văn hóa Chămpa ở miền Trung, trong đó có trung tâm Thành Hồ (Phú Yên). Những ảnh hưởng ấy thể hiện rõ nhất trên tháp Yang Prong (Đăk Lăk) được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, trên khung cửa vẫn còn nguyên bài văn cho biết tháp do nhà vua Jaya Sinkavarman III xây dựng. Các vết tích kiến trúc còn lại của tháp Yang Mun, Yang Prong cho thấy ảnh hưởng văn hóa Chămpa thế kỷ XIII – XV và còn kéo dài đến thế kỷ XVI.
Sang thế kỷ XVII do những biến động lịch sử nên Thành Hồ mất dần vai trò của nó khi vùng đất này sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt (xứ Đàng Trong của chính quyền chúa Nguyễn).
Như vậy có thể hình dung nước Hoa Anh thế kỷ XV – XVI tương tự một tiểu quốc Chămpa trước đây, với thành phần dân cư chính là người Chăm sinh sống ở đồng bằng và miền ven biển, phía tây giáp Nam Bàn còn có một số tộc người thiểu số khác. Cuộc sống tương đối yên ổn, tiếp tục lối sống từ trước đó cả về phương thức kinh tế và sinh hoạt xã hội. Hoa Anh là “vùng đệm” giữa Đại Việt và Chiêm Thành, sau năm 1471 phần lớn người Chăm vào sống tại Chiêm Thành (Phan Rang) hoặc chạy lên miền núi. Cũng do tính chất “vùng đệm” nên chắc rằng tại đây thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột tranh chấp, đây cũng là nguyên nhân làm cho vùng đất Phú Yên tuy khá rộng rãi màu mỡ nhưng lúc này dân cư không đông. 
3. Sau khi nhận quyền trấn thủ Quảng Nam (1570), năm 1578 Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đã cử Lương Văn Chánh làm Tri huyện Tuy Viễn, một trong hai huyện của Bình Định giáp với nước Hoa Anh, và giao nhiệm vụ chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn hoang ở Đà Diễn. Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Tiên tổ là người Bắc Hà, lúc trước làm quan với nhà Lê đến chức Đô chỉ huy sứ. Đầu năm Mậu Ngọ (1558) ông theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Khoảng năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp. Ông mang quân đến Đà Diễn, đánh chiếm lấy Thành Hồ. Sau đó chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài, cho dân di cư đến đây. Lại mộ dân khẩn hoang trên triền núi sông Đà Diễn, chia lập thôn ấp, ngày dần đông đúc. Như vậy có thể hiểu, vào năm 1578 Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh vào huyện Tuy Viễn với nhiệm vụ chủ yếu là giữ yên ranh giới phía nam với Hoa Anh – thực chất là với Chiêm Thành vì Hoa Anh là vùng ngăn cắt giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nhưng do “người Chiêm đến lấn cướp” (Hoa Anh) nên Lương Văn Chánh đã “đánh chiếm Thành Hồ” – “thủ phủ” của Hoa Anh nhằm ngăn chặn ý định của Chiêm Thành chiếm lại đất cũ. Cùng với biện pháp quân sự, ông thực hiện biện pháp kinh tế là chiêu mộ dân vào khai khẩn nơi đất hoang vì dân cư ở đây thưa thớt, có lẽ do trước đó phần lớn người Chăm đã vào sinh sống tại nước Chiêm Thành của Bô Trì Trì hay lùi lên vùng núi cư trú cùng các tộc người khác trong nước Nam Bàn. Biện pháp kinh tế này đã tạo sự ổn định cho Hoa Anh, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi để người Việt từ vùng Thuận Quảng vào vùng này ngày càng đông đúc. Trên cơ sở đó vào năm 1597 Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng đã có công văn lệnh cho Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên đem dân vào khai khẩn vùng đất Phú Yên. Công văn này thực chất như sự công nhận thực tế “lưu dân đi trước nhà nước theo sau” – một quy luật trong quá trình Nam tiến của người Việt. Nghĩa là từ sau năm 1578 tại nước Hoa Anh đã có khá nhiều người Việt sinh sống, hòa đồng với người Chăm và một số tộc người khác. Đến thời điểm 1597 chính quyền chúa Nguyễn – do những nhu cầu về chính trị, đồng thời cũng nhận thấy thời cơ đã thuận lợi – nên đã công khai ra lệnh “đem dân khai khẩn” vùng đất Phú Yên.
Nội dung công văn năm 1597 của Nguyễn Hoàng như sau(10). Nguyên văn: 
Thị Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:
Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các phương tòng hành ứng vụ. Nhưng suất thủ khách hộ nhân dân tự Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu đẳng xứ, thượng chí nguồn di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ để thu nạp thuế như lệ.
Nhược sự chủ nhiễu dân, khám đắc xử tội.
Tư thị.
Quang Hưng, nhị thập niên,
Nhị nguyệt sơ, lục nhật
Tổng trấn tướng quân
Chi ấn.
Bản dịch:
Dạy Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, trấn An Biên rằng:
Hãy liệu đem số dân xã Bà Thê đã trục vào hạng dân và các thôn phường khách hộ theo hầu công việc, lấy riêng số dân khách hộ các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn mọi dưới đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như lệ thường. Nhược bằng vì việc mà nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội.
Nay dạy.
Năm Quang Hưng thứ hai mươi,
Tháng hai, ngày mùng sáu.
Ấn
Tổng Trấn Tướng Quân.

Văn bản trên đã cung cấp những thông tin quan trọng.
Thứ nhất, vào khoảng thời gian trước sau 1597 Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng còn đang ở phía Bắc ứng phó với nhà Mạc, giúp vua Lê trong việc bang giao với nhà Minh. Năm Quý Tỵ Quang Hưng thứ 16 (1593), năm này họ Mạc mất… tháng 5 Thái phó Đoan quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa đích thân đem tướng sĩ, voi ngựa, thuyền ghe về Kinh lạy chào, đem sổ sách về binh lương, tiến, lụa, vàng bạc, châu báu, kho tàng của hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam dâng nộp. Năm 1596 vua Lê sai ông và nhiều quan lại khác đến cửa Trấn Nam Giao để sứ nhà Minh “xem có thực là con cháu nhà Lê hay không… nhưng nhà Minh dây dưa thoái thác, đòi lấy người vàng ấn vàng theo lệ cũ, không chịu đến khám thành ra quá kỳ hạn”. Năm 1597, tháng 4 ông lại theo nhà vua lên cửa Trấn Nam Giao “cùng với quan nhà Minh… cử hành hội khám. Trong lễ giao tiếp, hai bên vui vẻ mừng nhau. Từ đấy hai nước Nam Bắc lại trao đổi với nhau”. Thời gian này Nguyễn Hoàng “nhiều lần được sai đi chinh phạt, cha con cùng gắng sức, hoàn toàn không có ý gì khác”. Năm 1599 tháng 4, Trịnh Tùng được vua Lê Kính Tông tấn phong Đô Nguyên súy, Tổng Quốc Chính, Thượng phụ Bình an vương, mở phủ, đặt quan lại riêng, họ Trịnh bắt đầu tập tước vương. Năm 1600 tướng thủy quân là Kế quận công Phan Ngạn làm phản. Sai Thái úy Nguyễn Hoàng đem quân đi đánh, ông lập mưu trốn về Thuận Hóa, để con trai và cháu nội lại làm con tin(11). Chắc hẳn trong thời gian ở Kinh đô Nguyễn Hoàng đã nhận biết trước tình thế chính quyền “vua Lê – chúa Trịnh” nên càng nung nấu ý định thiết lập giang sơn riêng ở Đàng Trong. Vì vậy ông đã không lơi lỏng điều hành công việc ở Thuận Quảng, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển vùng trấn nhậm về phía nam. Công văn này chính là một trong những hành động cụ thể thể hiện ý định đó.
Thứ hai, văn bản trên là một chứng cớ vô cùng xác thực và quý hiếm cho biết một thời điểm quan trọng trong quá trình khai phá phần lãnh thổ phíaNam của xứ Đàng Trong. Đó là từ cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông (1471) đến khi người Việt chính thức lập làng mạc trên vùng đất Phú Yên theo chủ trương của chính quyền (Đàng Trong) là 126 năm, một thời gian khá dài đủ để cho những lưu dân người Việt trước đó và người Chăm tiếp xúc, giao lưu và hợp tác sinh sống làm ăn. Ngoài ra cũng cần chú ý rằng, vào năm 1494 vua Chiêm Thành là Bô Trì Trì mất. Đây là người được vua Lê Thánh Tông phong cho làm vua đất Chiêm Thành (vùng Phan Rang) vào năm 1471. Vào giữa thế kỷ XVI vua Chiêm Thành là PoAt (theo niên giám từ 1553 – 1579) cũng mất vào khoảng 1578(12)Chúa Nguyễn đã lợi dụng cơ hội này lấn vào “vùng đệm” Hoa Anh mà không lo sợ sự phản ứng từ Chiêm Thành. Vì vậy khi lệnh này được thực thi thì trên vùng đất Hoa Anh hầu như không có phản ứng nào đáng kể.
Thứ ba, tuy là lệnh di dân vào vùng đất mới nhưng Nguyễn Hoàng đã đưa ra lệnh răn đe trừng trị quan lại nếu lợi dụng “chủ trương” này mà nhũng nhiễu dân chúng. Ta nên hiểu lệnh này không chỉ ngăn ngừa việc “nhũng nhiễu” di dân người Việt mà còn, hay chủ yếu, là đối với người Chăm – cư dân bản địa. Biện pháp này nhằm yên dân, tạo ảnh hưởng tốt cho chính quyền Đàng Trong, chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo về phía nam của chúa Nguyễn.
Thứ tư, từ tư liệu lịch sử này vai trò của Lương Văn Chánh được khẳng định là người có công lớn trong việc khai phá vùng đất Phú Yên.
Truyện cổ dân gian còn lưu giữ một truyền thuyết về việc Lương Văn Chánh thu phục vùng Phú Yên bằng mưu mẹo như sau. Khi ông đưa lưu dân đến khai khẩn vùng Đà Diễn thì vấp phải sự chống đối của người Chăm. Để yên dân địa phương cũng như để tạo sự đồng lòng trong việc khai phá và xây dựng vùng đất mới, Lương Văn Chánh chủ trương không giải quyết xung đột bằng vũ lực. Ông đưa ra một lời thách đố người Chăm là ông sẽ xây dựng xong một cái tháp trên núi Chóp Chài chỉ trong 3 ngày, nếu không xong ông tự động rút lui, còn nếu xong thì người Chăm không được chống đối nữa. Người Chăm đồng ý chấp nhận thách đố vì xây tháp là sở trường của họ, họ biết rõ là phải mất hàng năm mới hoàn thành. Hai ngày trôi qua, và chỉ qua đêm cuối cùng một ngôi tháp lộng lẫy cao vút hiện ra trên núi Chóp Chài. Người Chăm vô cùng thán phục và cho rằng Lương Văn Chánh được trời giúp. Vì vậy họ lại yêu cầu cuộc thi phá hủy tháp. Lương Văn Chánh đồng ý, và trong khi tháp Nhạn đang bị đập phá thì trên núi Chóp Chài ngôi tháp uy nghi bằng giấy nhanh chóng tan biến bằng một mồi lửa. Nạn binh đao không xảy ra, việc khai khẩn Phú Yên diễn ra một cách hòa bình. Theo Địa chí Phú Yên,Lương Văn Chánh đã đem kinh nghiệm khẩn hoang vùng Thuận Quảng áp dụng vào đất Phú Yên, như chia dân thành từng toán nhỏ (khoảng 50 người) và chú trọng vai trò của các nhóm gia đình và các đại gia đình trong việc khẩn hoang, dùng các chính sách đòn bẫy như là thuế, quyền sở hữu ruộng đất mới khai hoang để khuyến khích nhân dân khai phá sản xuất. Mặt khác, nhờ kinh nghiệm làm nông và bản chất cần cù chịu khó, những người nông dân đã biến vùng đất này thành làng xóm trù phú đông đúc, một vùng nông nghiệp phát triển. Lương Văn Chánh được nhân dân suy tôn là Thành Hoàng, được sắc phong của nhà Nguyễn vào năm 1822 và 1843 làm “Thượng đẳng thần”, lập đền thờ tại xã Phụng Tường huyện Tuy Hòa, được thờ cúng ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên.
Sau khi từ Thăng Long về Đoan Quận công Nguyễn Hoàng dời vào dinh Cát Trấn Quảng Nam, là nơi đất tốt, dân đông, sản vật giàu có, số thuế thu vào nhiều hơn đất Thuận Hóa mà quân số thì cũng bằng quá nửa. Năm 1602, Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào làm Trấn thủ Quảng Nam. Năm 1604 cải đặt và đổi tên các khu vự hành chính hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Về thời điểm năm 1611 các bộ sử sách triều Nguyễn đều có ghi chép. Theo Đại Nam thực lục tiền biên: “Tân Hợi năm thứ 54 (1611) bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành sang xâm lấn biên giới. Chúa sai Chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được đất ấy, bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy”. Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì: “Bản triều Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế bắt đầu mở mang đất này, đặt Phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên”. 
Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang: “Bấy giờ xứ Quảng Nam vào đến phủ Hoài Nhân và biên giới cực Nam là huyện Tây Viễn (nay là Tuy Phước), bên kia Tuy Viễn là đất của Chiêm Thành. Năm Hoằng Định thứ 12 (1611) thì sang xâm lấn biên giới. Chúa (Thái Tổ Nguyễn Hoàng) sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh, lấy đất Phú Yên ngày nay, đặt làm một phủ, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa và sai Văn Phong làm Lưu thủ phủ Phú Yên”(13). Công trình Lịch sử vương quốc Chămpa nói về sự kiện này rõ hơn: “Trong khoảng 10 năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, Chiêm Thành lại lấn đất Hoa Anh, giết và đuổi những nông dân người Việt vào cư trú khai khẩn miền đất này. Năm 1611 Nguyễn Hoàng sai Nguyễn Phong làm tướng, đem quân vào đánh lại, Chiêm Thành bị thua, vua là Po Nit (1603 – 1613) phải bỏ đất Hoa Anh rút quân về phía nam Đèo Cả. Lần này họ Nguyễn lấy hẳn đất Hoa Anh, lập ra một phủ mới là phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, lập Dinh Phú Yên, đóng quân để phòng giữ… Với việc lập phủ và dinh Phú Yên, chúa Nguyễn muốn xác lập hẳn quyền cai trị của mình trên một miền đất đã có sự góp sức khai khẩn của nông dân Việt trong mấy chục năm, muốn chấm dứt sự tranh chấp trên một vùng đệm để có thể yên tâm đối phó với cuộc chiến tranh chinh phạt của chúa Trịnh, một thử thách quyết liệt không thể tránh khỏi đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong”(14). Sau thời điểm này không lâu còn có một sự kiện nữa xảy ra trên vùng đất này: Năm Kỷ Tỵ (1629), Lưu thủ Phú Yên là Văn Phong giữ chức đã lâu, thân cận với người Chiêm, bèn dùng quân Chiêm để làm phản, Chúa sai phó tướng Nguyễn Phước Vinh đi đánh, dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên thành Dinh Trấn Biên(15). Điều này cho biết vùng đất Phú Yên sau khi thuộc sự cai quản của chúa Nguyễn còn có nhiều người Chăm sinh sống, và chắc rằng xung đột giữa người Chăm và chính quyền chúa Nguyễn thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Như vậy, năm 1611 việc lập Phủ Phú Yên của chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu đánh dấu quá trình Nam tiến ở Đàng Trong của chính quyền Chúa Nguyễn. Thời điểm này cũng được coi là thời điểm “nước Hoa Anh” chính thức chấm dứt sự tồn tại của nó trong khoảng 140 năm kể từ năm 1471.

Chú thích: 
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 698 – 705.
(2)  Lê Qúy Đôn (1972),  Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, tr. 56-57.
(3) Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr. 87.
(4) Lương Ninh ( 2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.184.
(5) Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn, tr.213
(6) Đại Nam nhất thống chí (1964), quyển 10, tr.19.
(7) Trần Quốc Vượng (2005), Nam Trung Bộ dưới cái nhìn địa văn hóa – dân gian, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.24.
(8) Nguyễn Danh Hạnh (2003), Lịch sử Phú Yên qua nguồn tư liệu tiền cổ, Tạp chí Xưa và Nay, số 140.
(9) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.185.
(10) Trần Viết Ngạc (2004), Về một công văn của Nguyễn Hoàng năm 1517,Tạp chí Xưa và Nay, số 140
(11) Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
(12) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.186.
(13) Phan Khoang (2000),Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học , tr.125.
(14) Lương Ninh (2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.187.
(15) Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, tr.297

 Tài liệu dẫn.
– Đại Nam nhất thống chí (1964), quyển 10.
– Đại Việt sử ký toàn thư (2003), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
– Lê Qúy Đôn (1972),  Phủ biên tạp lục, tập 1, Lê Xuân Giáo dịch, Sài Gòn.
– Nguyễn Danh Hạnh (2003), Lịch sử Phú Yên qua nguồn tư liệu tiền cổ, Tạp chí Xưa và Nay, số 140.
– Phan Khoang (2000), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học.
– Trần Viết Ngạc (2004), Về một công văn của Nguyễn Hoàng năm 1517, Tạp chí Xưa và Nay, số 140
–  Lương Ninh ( 2004), Lịch sử Vương quốc Chămpa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội,
– Trần Quốc Vượng (2005), Nam Trung Bộ dưới cái nhìn địa văn hóa – dân gian, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét