XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Khổng giáo

KHỔNG GIÁO

Nguyễn Thanh Liêm

 

I - KHỔNG TỬ BẬC THẦY CỦA MUÔN ĐỜI

Khổng Tử ra đời năm 551 trước Tây lịch. Ngài là người nước Lỗ nay thuộc vùng Sơn ĐÔng ở phía Bắc nước Trung Hoa. Lúc mới lên ba tuổi Khổng Tử đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Năm 19 tuổi Khổng Tử đã lập gia đình. Cuộc đời đi làm việc cũng bắt đầu từ đó với chức vụ rất khiêm nhường là “Ủy lại” là chức coi việc thóc lúa trong kho. Ít lâu sau Khổng Tử được giữ chức vụ trong coi nuôi bò để dùng trong vấn đề tế lễ. Khổng Tử rất thích nghiên cứu học hỏi, nhất là về những gì liên quan đến lễ nghi, đến văn hóa và sử ký nước Tàu. Khoảng 29 tuổi Khổng Tử nhờ con của Lỗ Hầu giúp đỡ phương tiện để đi đến Lạc Ấp (kinh sư của nhà Chu) để học hỏi. Ở đây có nhà Minh đường do triều đình lập ra để chứa các luật lệ, thu tập những bảo vật cùng những di tích của các bậc thánh hiền đời trước (xem như là văn khố và bảo tàng viện của chúng ta bây giờ vậy.) Nhờ đó Khổng có cơ hội để khảo cứu tường tận các nghi thức tế lễ, các thể chế nơi miếu đường cũng như các nơi giao tế.
Học hỏi ở Lạc Ấp được một thời gian Khổng Tử mới trở về nước Lỗ. Cuộc đời đi dạy học của Ngài bắt đầu từ đó, tiếng tăm của Ngài bắt đầu được đồn xa, số học trò theo học càng ngày càng đông. Nhưng đến năm 517 trước Tây Lịch, lúc nầy Khổng Tử đã được 35 tuổi, nước Lỗ trải qua cơn loạn lạc, Khổng Tử phải sang qua sống ở nước Tề một thời gian hơn năm năm. Mãi đến năm 511 trước Tây lịch Ngài mới trở về nước Lỗ để san định sách vở. Lúc này Ngài đã được 42 tuổi. Ngài vẫn tiếp tục dạy học. Học trò của Ngài rất đông. Họ đến từ nhiều nơi trên khắp nước Tàu. Khổng Tử rất vui với cuộc đời dạy học và bầu bạn với nhiều người từ phương xa đến, như Ngài đã nói trong quyển Luận Ngữ:
“Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ?
Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ?”
Ý nghĩa của câu nầy là: “Học và thường luyện tập chẳng đẹp lắm sao? Có bầu bạn từ phương xa tìm đến như vậy chẳng vui lắm sao?”
Tuy nhiên nhà giáo dù có yêu nghề, yêu thương đệ tử đến đâu cũng không thể quên được nợ núi sông. Học không phải chỉ để “tu thân” với “tề gia”, nó còn đòi hỏi người ta phải đem tài đức của mình ra để “trị quốc” và giúp “bình thiên hạ” nữa. Khổng Tử là bậc thầy đã dạy người ta phải “tu, tề, trị, bình” thì không thể không tự mình áp dụng chủ trương đó. Ngài phải đem “vương đạo” ra thi thố, phải phổ biến chủ trương và chánh sách chánh trị, đạo đức ở các nơi trên nước Tàu. Do đó mà ngài đã tạm ngưng việc dạy học để ra chấp chánh một thời gian. Theo lời mời của vua nước Lỗ, Ngài ra giữ chức Trung Đồ Tể, tức là Kinh Thành Phủ Doãn (như Đô trưởng bây giờ.) Sau đó ít lâu được thăng lên chức Đại Tư Khấu, cũng như Hình Bộ Thượng Thư, tức như Tổng Trưởng Tư Pháp ngày nay. Và sau cùng được cử làm Nhiếp Tướng Sự, quyền nhiếp việc chính trị trong nước như Thủ tướng của một quốc gia vậy.
Tuy nhiên vì Ngài là người hết mực đạo đức, chỉ muốn đem Vương đạo ra thi thố trên đời, cho nên chánh sách cai trị của Ngài tuy có lợi cho nhân dân vẫn không được các vua chúa thời đó trọng dụng. Lý do dễ hiểu là vì thứ chánh trị đạo đức đó chỉ có lợi cho dân mà không thỏa mãn được lòng tham quyền quý cao sang của vua chúa lúc bấy giờ. Khổng Tử và một số ít đệ tử trung thành đã đi chu du thiên hạ suốt mười mấy năm trời không tìm được một nơi nào để có thi hành vương đạo nữa. Sau 14 năm chu du khắp nước Tàu mà không được ai dùng đến trong việc trị nước. Ngài lại trở về nước Lỗ, sống những ngày còn lại của cuộc đời nơi quê nhà. Lúc này Ngài đã được 68 tuổi.
Năm 474 trước Tây lịch, một hôm Khổng Tử dậy sớm đi tới đi lui trước cửa vừa hát:
 “Thái Sơn kỵ đồi hồ?
Lương mộc kỵ hoại hồ?
Triết nhân kỵ ngụy hồ?
(Tạm dịch)
 “Núi Thái Sơn có lẽ sẽ đổ chăng?
Cây lương mộc có lẽ sẽ nát chăng?
Người hiền triết có lẽ sẽ nguy rồi chăng?”
Bài hát này nói lên tâm trạng của Khổng Tử khi ngài nằm mộng thấy rằng mình sắp sửa lìa đời. Ngài thuật giấc mộng đó cho người học trò thân tín nhất của mình là Tử Cống biết. Giấc chiêm bao thật là linh ứng. Mấy hôm sau Khổng Tử trút hơi thở cuối cùng. Ngài thọ 73 tuổi.
Khổng Tử mất rồi các đệ tử vô cùng thương tiếc. Ai cũng để tang ba năm. Có hơn 100 đệ tử làm nhà ở gần mộ Khổng Tử cho đến khi mãn tang. Riêng Tử Cống thì đã ở đó đến hơn 6 năm.
Tư Mã Thiên trong phần thuật lại cuộc đời của Khổng Tử đã viết: “Tôi đọc sách họ Khổng, tưởng tượng như trông thấy cách làm người của Thầy. Sang nước Lỗ xem nhà thờ Khổng Tử với nào xe, nào áo, nào đồ thờ, nào các học trò thời thường đến đó tập lễ, tôi bồi hồi ở lại không về được. Nhiều vua chúa và những người tài giỏi khi sống rất vẻ vang nhưng khi chết rồi là hết, chẳng còn gì để lại cho đời sau. Thầy Khổng Tử thì áo vải đạm bạc vậy mà khi mất đi rồi lời dạy của thầy truyền hơn 10 đời mà học giả vẫn còn tôn trọng. Từ Thiên Tử đến vương thần ở nơi xứ Trung Quốc này, hễ nói đến Sấm Kinh đều phải lấy thầy làm đích. Thật đáng là bậc chí thánh vậy.”
Cuộc đời của Khổng Tử là cuộc đời của một nhà giáo dục chân chính, một bực thầy vĩ đại không phải là chỉ riêng Trung Hoa mà còn cho cả thế giới loài người nữa. Với Khổng Tử địa vị của ông thầy đã được người đời xưa nâng lên trên cả địa vị của ông cha trong gia đình . “ Quân, Sư, Phụ” sau ông vua là đến ông thầy rồi sau hết mới đến ông cha. Người cha cũng có bổn phận dạy dỗ, giáo dục con cái của mình, nhưng trong xã hội xưa người dạy dỗ con mình  nhiều nhất, người theo dõi san sóc vun xới cái vườn kiến thức và đạo đức của con mình biến nó thành một vườn hoa tươi tốt người đó chính là ông thầy nó. Làm cho một người trở thành một người có kiến thức có đạo đức sống xứng đáng với ý nghĩa cao đẹp của con người đó là công của ông thầy, của người biết mang trong mình cái trọng trách “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mệt). Khổng Tử đã ý thức được sứ mạng cũng như thiên chức cao quý của một lương sư. Sứ mạng cũng như thiên chức đó là truyền bá cho người đời đạo làm người hay lề lối sống thế nào để cho cá nhân, gia đình, quốc gia, xã hội loài người được tốt đẹp, trật tự, hòa bình. Hậu thế đã tôn sung Ngài như bậc thầy của muôn đời, bậc “vạn thế sư biểu”, bởi chủ trương, đường lối, mục tiêu, phương pháp giáo dục của Ngài chứa đựng nhiều giá trị mà người đời sau phải công nhận và học hỏi.
Giáo dục là phải đổi mới. Nhưng đổi mới ở đây không phải cắt đứt hẳn với quá khứ để khoác lên mình một bộ mặt hoàn toàn mới lạ không liên hệ gì tới dĩ vãng. Giáo dục không phải là cách mạng để có thể xóa bỏ hết những gì đã có dù tốt, dù xấu. Sự đổi mới của giáo dục có tính cách liên tục và chọn lọc. Người làm giáo dục phải nghiên cứu học hỏi cái cũ, chọn lấy cái hay cái đẹp của quá khứ để từ đó thêm vào cái tốt đẹp của cái mới. Một phần quan trọng của cuộc đời Khổng Tử đã được dâng hiến cho việc sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc, san định kinh sách để lưu truyền di sản tinh thần tốt đẹp đó của cố nhân cho thế hệ sau nầy. Khổng Tử đã từng khiêm nhượng bảo là Ngài chỉ “thuật nhi bất tác” (có nghĩa là chỉ thuật lại những gì người xưa đã nói chớ chính mình không có sáng tác gì mới mẻ), nhưng ngay trong việc thuật lại đó cũng đã có phải sáng tác lớn lao của Ngài rồi. Vì thuật lại ở đây không có nghĩa là ghi chép lại trọn vẹn y như cũ mà là nghiên cứu, sưu tập, chọn lựa, sắp xếp làm thành hệ thống. Đó là một hình thức sáng tác vậy… Vả lại Khổng Tử không phải chỉ đào sâu vào quá khứ thôi mà Ngài còn bổ sung cho quá khứ đó nữa. Cho nên một ông thầy giỏi, theo Khổng Tử phải là người biết những cái mới bằng cách ôn lại những cái cũ. Biết “Ôn cố nhi tri tân” là có thể dạy được người khác vậy. Trong chủ trương trên người ta thấy có tinh thần khiêm nhường để học hỏi cái hay xưa cùng với tính cách liên tục từ trước đến giờ và mãi mãi về sau. Nó không phải là một thứ cách mạng cắt đứt hoàn toàn với quá khứ để tạo ra cái gì mới mẻ lạ lùng. Nó bao hàm ý nghĩa của sự tiến bộ, đổi mới, thực hiện một cách chắc chắn vững chãi, tựa trên sự tiếp nối liên tục với quá khứ.
Những suy tư về giáo dục cũng như phương pháp học tập của Khổng Tử tuy rãi rác ở nhiều chỗ trong Tứ Thư nhưng phần chính yếu được cô đọng trong quyển Đại học. Ngày nay chúng ta dùng danh từ đại học để chỉ bậc học cao nhất trong ba bậc học quen thuộc là tiểu học, trung học và đại học. Bậc đại học là bậc tiếp theo và cao hơn bậc trung học. Ngày xưa ở thời đại của đức Khổng Tử, giáo dục chưa được tổ chức có hệ thống và qui củ như ngày nay thành ra chưa có sự phân định rõ ràng về ba bậc tiểu – trung – đại học như bây giờ. Tuy nhiên danh từ “Đại Học” mà Khổng Tử dùng làm nhan đề cho quyển sách của Ngài cũng mang ý nghĩa của cái học ở bậc cao. Thật sự thì cũng chẳng có tiêu chuẩn nào ấn định rõ rệt thế nào là bậc cao vì vậy nên nhiều học giả cho rằng đại học ở đây chỉ cái học của bậc cao nhân quân tử (hay đại nhân) tức là cái học của những người có tài có đức để kẽ sĩ ra sức gánh vác việc quốc gia, xã hội. Nhưng dù hiểu thế nào đi nữa thì việc giáo dục của đức Khổng Tử cũng có tính cách mở rộng cho mọi người chớ không phải giới hạn cho một loại người nào lúc bắt đầu. Không phải là bậc đại nhân rồi mới được lựa chọn để theo học. Không có vấn đề thi tuyển hay khảo sát gì cả, và cũng không có một chính sách kỵ thị nào trong vấn đề thu nhận người vào học. Đối với Khổng Tử mọi người khi sanh ra đời đều mang trong mình bản tánh tốt tự nhiên ai cũng như ai. Nhưng khi lớn lên vì ảnh hưởng của xã hội, của hoàn cảnh xung quanh và môi trường sinh sống mà người ta thay đổi khác nhau. Người ta khi sanh ra đời ai cũng có bộ óc, có đời sống trí thức, hay cái “minh đức” như Khổng Tử gọi, cho nên ai cũng có thể được giáo dục để trở nên tốt đẹp hơn.
Vì ai cũng như ai, lúc bắt đầu, ai cũng mang trong mình bản chất và giá trị của con người, nên cần phải có cơ hội đồng đều cho mọi người trong vấn đề học vấn, giáo dục. Tính cách nhân bản của một nền giáo dục bắt đầu từ chỗ đó. Dịch vụ giáo dục phải được đem đến cho mọi người một cách đồng đều không có vấn đề sàng sãi, lựa chọn, thứ nhất là bằng lý lịch của gia đình hay tổ tông, bằng màu da, bằng nơi sanh đẻ bằng tình trạng kinh tế xã hội (social economic status) hay bằng bất cứ những yếu tố gì khác. Nền giáo dục được coi là nhân bản phải bắt đầu từ chỗ mở rộng cửa ngay từ đầu để đón nhận mọi người như nhau. Vấn đề chuyên môn hóa ở trên đại học ngày nay có thể đưa đến sự giới hạn, chọn lọc sinh viên trong một số ngành chuyên môn nào đó. Nhưng sự hạn chế số sinh viên trong một ít ngành chuyên môn trên đại học không phải là sự đóng kín cửa các đại học không cho người ta được đi học vì một lý do nào đó (như vì cha ông thuộc thành phần chánh trị khác với nhóm người đang cầm quyền chẳng hạn.) Nền giáo dục nhân bản phải bắt đầu từ chỗ xem mọi người là con người như nhau, nghĩa là cùng mang bản chất người và cùng có giá trị của con người.
Giáo dục của đức Khổng Tử bắt đầu từ chỗ đó. Đối tượng của nó là con người với tất cả giá trị của con người. Mở đầu quyển Đại học Khổng Tử bảo: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Câu này có nghĩa là : “Con đường của đại học là ở chỗ làm sáng cái đức sáng ở nơi con người, ở chỗ làm mới người dân, ở chỗ dừng lại ở nơi thật đẹp.” Ý nghĩa thật sự của câu nói này cần được khai triển thêm cho rõ. Nó nói lên mục tiêu của sự học hỏi của bậc đại nhân. Mục tiêu đó là học hỏi để làm cho tâm trí của mình được sáng tỏ, và khi tâm trí mình được sáng tỏ mở mang thì hãy đem sự hiểu biết của mình mà giúp đỡ khai hóa người dân làm cho dân chúng được tiến bộ mới mẻ, và tiếp tục giúp đỡ người đời và quốc gia xã hội đưa quốc gia xã hội đến chỗ thật tốt đẹp. Mọi người ai cũng như ai, đều mang sẵn trong người một cái “đức sáng” (minh đức) khi sanh ra đời. Tuy nhiên vì hoàn cảnh xã hội, vì môi trường sinh sống khác biệt của mỗi người mà cái đức sáng đó không được phát huy hoặc bị lu mờ như một tấm gương bị bám bụi. Công việc của giáo dục là làm sao phát huy được đức sáng đó, cũng như luôn luôn lau chùi tấm kiếng đừng cho bám bụi để làm cho nó trở nên sáng sủa sẵn có từ trước chớ không làm cho sự sáng sủa của nó gia tăng. Ngược lại cái đức sáng ở nơi con người nếu được trao dồi cẩn thận sẽ đựơc phát huy và trở nên sáng sủa hơn trước rất nhiều.
Nhưng đức sáng ở con người là cái gì?
Trong địa hạt tâm lý, nhất là khi liên hệ tới giáo dục, người ta thường nói đến trí tuệ (intelligence), là khả năng thu nhận những tin tức những dữ kiện những kiến thức cũng như khả năng giải quyết các vấn đề một cách khéo léo nhanh chóng. Nó là đầu não, là bộ óc là tâm trí hiểu theo nghĩa thông thường. Cái minh đức mà Khổng Tử nói đến trong quyển Đại học của Ngài là trí tuệ của con người, là đầu não là bộ óc hay tâm trí của con người vậy. Tự nó, tuy đã mang cái mầm sáng sủa, nhưng chưa đủ sáng, nó cần phải được rèn luyện trao dồi thêm. Học vấn, giáo dục là công trình giúp tâm trí con người được phát triển mở mang đầy đủ. Mục tiêu kế tiếp là làm mới người dân. Có người nào cho rằng chữ “tân dân” ở đây phải đọc và hiểu là “thân dân” mới đúng. Thân dân là gần gũi với dân, thương yêu giúp đỡ người dân. Thân dân mới hàm chứa được lòng nhân mà Nho giáo luôn luôn nhấn mạnh. Tân dân chỉ là làm mới người dân, mà làm mới người dân vì lợi ích của kẻ thống trị, thì chưa chắc đã bao hàm ý nghĩa gần gũi, thương yêu dân chúng. Thật sự thì đối với dân, nhà Nho thường đặt trọng tâm vào ba việc là “thứ, phú, giáo” tức là làm cho dân đông, làm cho dân giàu và dạy dỗ giáo dục người dân. Thương dân, lo cho đời sống của người dân được phát triển đầy đủ. Nhà Nho lúc nào cũng nghĩ đến dân, ý dân là lòng trời theo quan niệm của Nho giáo. Cho nên theo thiển ý, tân dân hay thân dân gì cũng được vì đối với Nho giáo tinh thần nhân bản vẫn được đề cao, và người dân là cứu cánh chớ không phải là một phương tiện trong hệ thống triết lý này.
Mục tiêu sao hết là dừng lại ở chỗ thật tốt đẹp (chỉ ư chí thiện). Có lẽ đây là mục tiêu không bao giờ đạt được bởi có bao giờ đi tới chỗ chí thiện đâu. Thành ra có thể đây là mục tiêu để người ta luôn luôn hướng tới vậy thôi chớ sự chí thiện thì chắc chắn chẳng bao giờ có được. Chúng ta có thể hiểu mục tiêu này như là sự luôn luôn hướng đến chỗ toàn thiện toàn mỹ. Chi tiết hơn và với một hiện biện chứng chặt chẽ hơn Khổng Tử nói đến những giai đoạn ứng dụng của học vấn giáo dục như sau: Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, tức là sửa mình cho tốt đẹp, sắp đặt việc nhà cho đâu vào đấy, góp phần vào việc xây dựng quốc gia, và đóng góp vào việc làm cho thế giới hòa bình yên ổn. Học vấn giáo dục phải được dùng vào việc làm cho tốt đẹp từ cá nhân đến gia đình đến quốc gia và đến cả thế giới loài người ở trên trần gian.
Tu thân là sửa mình, là biến con người từ chỗ sai lầm khiếm khuyết đến chỗ đúng đắn, tốt đẹp. Tu thân đòi hỏi phải có học vấn giáo dục để mở mang trí tuệ, phát triển óc suy tư, nhận biết được cái gì đúng, cái gì sai, giữ lấy cái đúng, cái tốt và hành động theo những tiêu chuẩn đúng và tốt đó. Học vấn giáo dục ứng dụng vào trường hợp mỗi cá nhân là như thế. Khi cá nhân được tu sửa, con người trở nên tốt và đúng, thì người ta có thể dùng ảnh hưởng tốt của mình cộng thêm những kiến thức mình đã học hỏi được để dùng vào việc sắp đặt lo lắng cho gia đình được yên ấm đâu vào đó, trên dưới có ngăn nắp có trật tự. Lo cho gia đình yên ổn được rồi thì có thể đem tài đức của mình phụng sự  cho quốc gia, góp phần dựng nước và trị nước. Trong một quốc gia, nếu từ người lãnh đạo ở trên cao như vua, tổng thống, thủ tướng, quốc trưởng cho đến những cấp lãnh đạo ở dưới như tổng, bộ trưởng đến đổng lý, tổng thư ký, tổng giám đốc và xuống dưới nữa như chánh sự vụ, trưởng ty, chủ sự…đều có học vấn giáo dục, đều biết sửa mình để trở nên đúng và tốt đều biết làm hết bổn phận và trách nhiệm của mình đối với quốc gia dân tộc thì bộ máy chính quyền sẽ vô cùng tốt đẹp và công việc trị nước và dựng nước rất hữu hiệu và kết quả sẽ thật mỹ mãn. Nhà cửa yên ổn, quốc gia hùng mạnh tốt đẹp thì có thể mở rộng ảnh hưởng đi đến cảnh thanh bình an lạc cho cả thế giới loài người. Lý tưởng hơn nữa là nếu quốc gia nào cũng có được những người có kiến thức tốt, biết sửa mình để hành động đúng thì cảnh thanh bình an lạc cho mọi người trên cõi đời này chắc chắn sẽ thực hiện được như vậy.
Nhưng phải học như thế nào để có thể đạt được kết quả tốt? Trong quyển Đại học thầy Khổng Tử bảo phải “thành ý, chánh tâm, trí tri, cách vật”. Thành ý là lòng thành thật, thành thật nhận thấy mình biết hay không biết, hiểu hay không hiểu, và thành thật muốn học hỏi. Muốn học hỏi cho đến nơi đến chốn thì trước hết phải nhận biết tình trạng của mình và có tấm lòng thành muốn học hỏi thật sự. Đó là điều kiện cần phải có cho việc học. Nhưng thành ý chỉ mới là điều kiện cần thôi chưa phải là điều kiện đủ. Chánh tâm mới là điều kiện đủ. Chánh tâm là lòng mình phải ngay thẳng. Làm cho lòng mình ngay thẳng ở đây có nghĩa là phải dứt bỏ mọi định kiến, mọi hiểu biết sai lầm đã có từ trước vì tất cả những cái đó có thể làm cho cái nhìn của mình thiên lệch, thiếu vô tư. Sự thiên lệch (bias), thiếu vô tư, thiếu khách quan sẽ rất dễ đến những nhận xét hay những hiểu biết nông nỗi, không chính chắn. Làm cho lòng mình ngay thẳng chính chắn để đừng bị chi phối bởi những định kiến, những hiểu biết sai lầm từ trước, để cho mình có được cái nhìn trung thực, chính chắn về mọi sự, mọi vật. Đó là điều kiện đủ để cho sự học hỏi có kết quả thực sự. Khi đã có những điều kiện cần và đủ rồi thì người ta có thể đi đến chỗ “trí tri” tức là hiểu biết đến nơi đến chốn, bằng phương pháp “cách vật” tức là mổ xẻ phân tích sự vật. Vật ở đây không chỉ giới hạn ở vật thể mà nên hiểu rộng là mọi sự việc và mọi vật hay một cách tổng quát là tất cả những gì có thể trở thành đối tượng của sự nghiên cứu học hỏi. Một vật như máy điện thoại, máy tính, cái dây, cái hoa, con chim, con cá cho đến các sự việc như một hiện tượng xã hội hay một hiện tượng thiên nhiên…đều có thể là đối tượng của sự nghiên cứu. Hãy phân tích, mổ xẻ đối tượng, tìm hiểu sâu xa các chi tiết liên hệ để đi đến sự hiểu biết đầy đủ đến nơi đến chốn đó là “trí tri tại cách vật” vậy.
Trên đây là đường lối, phương cách học hỏi, còn phương pháp giảng huấn thì như thế nào?
Phương pháp giảng huấn mà đức Khổng Tử đã áp dụng trong cuộc đời dạy học của Ngài cho đến ngày nay vẫn còn được khoa sư phạm (pedagogy) lưu ý học hỏi để áp dụng, nhất là ở những nước có tự do dân chủ và nền giáo dục mang nhiều tính chất nhân bản. Phương pháp giảng huấn của Khổng Tử không được ghi chép thành văn nhưng người đời sau có thể suy ra từ những gì mà các đệ tử của Ngài ghi lại về cuộc đời dạy học của Ngài. Có thể tóm tắt những nét chính trong phương pháp giảng huấn của ông thầy vĩ đại này như sau:
1. Thương từng người học trò; hiểu rõ từng cá nhân mỗi người; giúp mỗi cá nhân phát triển tựa trên hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người. Đây là một điểm tâm lý sư phạm rất đáng được lưu ý. Ngày nay nhiều nhà tâm lý sư phạm vẫn đề cao đường lối “cá nhân giáo huấn” (individualized instruction) vì người ta thấy rằng mỗi người có một đời sống tâm lý (nhất là tính tình, nhân cách, trí tuệ…) cũng như một môi trường sinh sống (hoàn cảnh gia đình và xã hội) đặc biệt của mình, không ai hoàn toàn giống ai cả. Do đó khi áp dụng một chương trình học duy nhất, cứng rắn cùng một cách giảng dạy như nhau cho cùng một số đông người thì kết quả của công trình giảng dạy, học tập (teaching / learning process) sẽ không được tốt đẹp lắm. Đáng lý ra người ta phải có một chương trình học và một phương pháp giảng dạy thích hợp cho mỗi cá nhân học sinh nhưng việc đó không thể nào thực hiện được cho nên người ta phải tạm dùng cách chuyên môn hóa (specializing) phân chia các ban, phân chia học sinh ra từng lớp hay từng nhóm có trình độ gần nhau để công việc giảng dạy / học tập có kết quả hơn. Tạo cơ hội đồng đều (equal opportunity) để mọi người đều được hưởng quyền giáo dục, tức là không kỳ thị, không loại bỏ một ai là điều cần phải có trong một nền giáo dục nhân bản, nhưng điều đó không có nghĩa là phải xem tất cả các người đi học đều giống hệt như nhau và đều bằng nhau về phương diện khả năng thu nhận và học tập.
2. Vai trò của người thầy không phải là tạo ra những bộ óc cho người đi học, cũng không phải là để nhồi vào đầu óc người đi học một mớ kiến thức nào đó một cách máy móc và cũng không nên xem bộ óc con người như một tờ giấy trắng mà mình muốn vẽ cái gì lên đó cũng được.
Vai trò thực sự đúng nghĩa của người thầy là người hướng dẫn, giúp đỡ cho người đi học có cơ hội và biết đường hướng để phát triển con người toàn diện. Ở bên trời Tây, và cũng xấp xỉ đồng thời với Khổng Tử, nhà hiền triết Socrates cũng có quan niệm tương tự như Khổng Tử về vai trò của giáo dục hay của người làm giáo dục. Socrates dùng một hình ảnh cụ thể hơn để nói rõ vai trò của kẻ làm thầy. Người làm thầy cũng làm công việc tương tự như người hộ sinh (đỡ đẻ). Người đó giúp cho đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ để vào đời chớ người đó không phải là người sanh ra đứa bé.
3. Phương pháp giảng huấn của đức Khổng Tử đòi hỏi phải dựa trên thực tế và có phần thực hành trong việc học chứ không phải chỉ có tính cách lý thuyết suông. Phương pháp đó dùng lối đối thoại, dùng cách hỏi và trả lời giữa trò và thầy khiến cho sự học vấn giáo dục trở nên linh động, gần gũi đi liền với cuộc sống thật sự ở ngoài đời. Với mỗi đệ tử trong mỗi hoàn cảnh, Khổng Tử có câu trả lời khác về cùng một vấn đề, vì phải tùy lúc, tùy người, tùy hoàn cảnh mà có cách giải đáp cho sát với thực tế. Lý thuyết và thực hành cần phải đi đôi với nhau thì cái học mới hữu dụng.
Giáo dục ngày nay còn bao gồm nhiều vấn đề quan trọng khác như vấn đề quản trị, việc phát triển trường sở, thiết lập chương trình học, đào tạo giáo chức, soạn và in sách giáo khoa, tổ chức thi cử và lượng giá, vấn đề tu nghiệp và hội thảo v.v…ngoài những gì liên hệ tới triết lý giáo dục như mục tiêu, đường hướng, phương pháp.
Lẽ dĩ nhiên là ổ thời đại của Khổng Tử có những vấn đề chưa được đặt ra vì việc giáo dục ở thời đại đó chưa có lớn lao, phức tạp như bây giờ. Tuy nhiên với mục tiêu cao cả, đường lối tốt đẹp, phương pháp hữu hiệu, giáo dục của Khổng Tử mang nhiều tính cách nhân bản và khoa học khiến cho người đời sau phải tôn thờ Ngài như bậc thầy của muôn đời “VẠN THẾ SƯ BIỂU”
Ngày đản sanh của đức Khổng Tử có một thời đã được chọn làm ngày biết ơn thầy (teacher’s day) ở Trung Hoa. Giáo dục của đức Khổng Tử mới là giáo dục thật sự có ý nghĩa và làm người thầy trong “nền giáo dục có ý nghĩa đó mới xứng đáng với địa vị  “quân, sư, phụ” vậy.

II - KHỔNG TỬ CHẤP CHÁNH.
Khổng Tử sinh ra đời và lớn lên trong xã – hội Trung Hoa thời Xuân Thu (722 – 481 trước Tây lịch). Đây là thời kỳ có chiến tranh luôn với quân Nhung Địch ở miền Tây Bắc Trung Hoa và giữa các chư hầu với nhau. Các chư hầu thôn tính lẫn nhau. Các nước lớn nuốt dần các nước nhỏ bé. Một số các nước lớn dần dần trở thành các chư hầu cường thịnh nên coi thường hay lăm le cạnh tranh với thế lực trung ương của nhà Chu. Cùng với chiến tranh loạn lạc bao nhiêu cảnh đảo ngược trong kỷ cương luân thường cũng bày ra đầy trong xã hội. Cảnh “tôi giết vua, con giết cha” đã xảy ra rất thường trong khoảng mấy trăm năm của thời Xuân Thu. Tư khi nhà Chu dời đô sang Đông quyền lực trung ương càng ngày càng suy nhược, tình hình chính trị xã hội càng lung lay suy sụp.
Lớn lên trong hoàn cảnh xã hội đó, Khổng Tử muốn đem đạo đức luân lý cải thiện con người cũng như xã hội. Khổng Tử có chí muốn cải lương chính trị nên bảo: “Cẩu hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt như dĩ khả dã, tam niên hữu thành”, ý nói nếu có bậc quân vương nào dùng đến Khổng Tử trong việc cai trị thì trong một năm Ngài đã có thể sắp đặt làm cho tình hình khả quan hơn và trong ba năm thì chính sách của Ngài đã thành tựu vậy. Hoài bảo đem đạo thánh hiền ra thi hành để cứu đời, đem vương đạo ra áp dụng vào chánh sách cai trị để làm cho quốc gia có trật tự và hưng thịnh, và làm cho thiên hạ được thái bình, là hoài bảo luôn luôn được Khổng Tử ấp ủ trong lòng. Cho nên năm 50 tuổi khi họ Công Tôn Phất Nhiểu làm phản ở ấp Phi, gia thần họ Quý sai người đến triệu Khổng Tử ra giúp. Khổng Tử đã có ý muốn đi giúp. Nhưng rồi Ngài lại không đi vì có lời can ngăn của học trò là thầy Tử Lộ. Sỡ dĩ Khổng Tử muốn ra giúp Công Tôn Phất Nhiểu vì Ngài nghĩ rằng : “Vua Văn, vua Vũ ngày xưa cũng khởi sự từ một tỉnh nhỏ mà làm nên vương nghiệp của nhà Chu. Ngày nay ấp Phi tuy nhỏ, nhưng cũng cứ thử xem.” Ngài muốn thử thi hành vương đạo ở nơi ấp Phi nầy xem như thế nào rồi từ đó phát triển dần ra trong thiên hạ. Nhưng vì có lời can ngăn của học trò nên sau cùng Ngài đã bỏ ý định ra giúp Công Tôn Thất Nhiểu.
Sau đó ít lâu vua Lỗ mời Khổng Tử giữ chức Trung Đô Tể, cũng giống như kinh thành Phủ Doãn, tức là như đô trưởng ngày nay vậy. Khổng Tử nhận lời, và sau một năm cai trị kinh thành nước Lỗ trở thành nơi kiểu mẫu khiến nhiều nước láng giềng ganh tị. Sau khi vua Lỗ băng hà, Ngài được thăng lên chức Đại Tư Khấu, tức như hình bộ thượng thư, hay tổng trưởng tư pháp ngày nay vậy. Ngài ở chức vụ nầy được bốn năm thì lại được cử làm Nhiếp Tướng Sự, quyền nhiếp việc chính trị trong nước. Làm ở chức vụ nầy được 7 ngày Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão, vốn là một quan đại phu tham lam gian nịnh nổi tiếng thời bấy giờ. Sau ba tháng làm việc thì tình hình chính trị được hoàn thiện, kỷ cương luật lệ phân minh, cảnh thịnh trị đã bày ra trước mắt. Nước Tề ở bên cạnh phải xin cầu thân và phải chịu trả lại ba ấp trước kia Tề đã chiếm cứ của Lỗ. Nhưng vua Tần trong lòng không muốn cho nước Lỗ trở nên cường thịnh. Vua Tề dùng 80 người con gái đẹp đẽ và múa giỏi cùng với 30 con ngựa tốt dâng cho Lỗ hầu. Từ đó Lỗ hầu mê say gái đẹp, ngựa hay, bỏ cả công việc triều chính. Tử Lộ nói với Khổng Tử : “Thầy trò ra đã đến lúc rút lui rồi.”
Khổng Tử bảo:
 “Hãy chờ xem. Sắp đến ngày tế Nam giao rồi. Nếu nhà vua còn nghĩ đến chính sự thì trong ngày này nhà vua phải đến để tự tay mình để xẻ thịt, chia phần cho các quan. Nếu nhà vua không đến ta sẽ ra đi.”
Quả nhiên Lỗ hầu đã mê say gái đẹp và ngựa hay đến đổi quên hết cả việc tế lễ. Thế là hai thầy trò Khổng Tử và Tử Lộ bèn khăn gói ra đi. Từ đó Khổng Tử đi chu du thiên hạ suốt mười mấy năm trời không tìm được nơi nào để thi hành vương đạo. Một hôm đi qua đất Khuông, Ngài bị người ta bắt giam vì người ta tưởng lâm Ngài là Dương Hổ, một kẻ tàn bạo với dân. Học trò Ngài rất lo sợ, nhưng Khổng Tử bình thản bảo:
“Từ khi vua Văn Vương mất đi rồi thì chỉ còn có ta là giữ được chế độ cũ của chính thể Vương đạo mà thôi. Nếu ta mất đi thì chế độ đó cũng sẽ mất. Nếu trời còn muốn bảo tồn chế độ của tiên vương thì dân Khuông có tài gì mà làm hại ta được.
Sau đó nhờ có người can thiệp cho nên Ngài được giải vây để trở về nước Vệ và lại tiếp tục con đường chu du thiên hạ. Khi gian thần Phật Bật nổi loạn ở nước Trịnh, y có mời Khổng Tử về giúp. Khổng Tử định đi nhưng Tử Lộ can ngăn, Tử Lộ thưa:
“Ngày xưa trò nầy có được nghe thầy dạy rằng kẻ nào làm điều bất thiện thì người quân tử không vào bè đảng của nó, nay Phất Bật làm phản, như vậy y là kẻ bất thiện mà thầy lại muốn ra giúp là ý làm sao?”
Khổng Tử đáp:
“Đúng vậy. Ngày xưa ta có nói như thế. Nhưng ta cũng thường nói rằng: cái giống bên kia nếu tính chất thật bền thì có mài cũng không mòn; giống trắng thì dầu có nhuộm cũng không đen. Vậy nên dầu gần người bất thiện đi nữa cũng không lây xấu đến ta được đâu. Vả lại ta sinh ra để làm người hữu dụng, chớ có phải như trái bầu kia sao cứ treo đó mà chẳng ăn?”
Tuy nói vậy nhưng Khổng Tử cũng không đi giúp Phất Bật. Khổng Tử thấy cái đạo của mình không thực hiện được vì nó không thể được các nhà thống trị chấp nhận dù Ngài chỉ có thể được thi thố và truyền bá rộng rãi khi nào Ngài có được chánh quyền ở trong tay. Đáng lý Ngài phải làm một cuộc cách mạng để thực hiện chánh sách cai trị đạo đức lý tưởng đó. Nhưng vì chủ trương Vương đạo của Ngài không cho phép Ngài đứng ra làm cách mạng được.
Ngày kia khi ở nước Vệ Khổng Tử  ngồi gõ khánh ở trong nhà. Một người ẩn sĩ gánh cỏ đi ngang, nghe tiếng khánh của Khổng Tử bèn nói:
“Người đánh khánh có bụng sốt sắng với đời nhiều lắm vậy. Nhưng người ấy bỉ lậu thay, dụng tâm quá nhiều. Đời chẳng có ai biết đến mình thì nên thôi đi…phải chăm chước tùy thời mới được.”
Nghe vậy Khổng Tử bèn tự bảo: “Quyết định quên đời chẳng có khó gì đâu.” Đối với Ngài, việc xoay lưng lại xã hội, quên cuộc đời để sống yên thân đâu phải là chuyện khó làm. Chính thái độ dấn thân vào đời, đem hết tinh thần để phụng sự cho loài người, làm cho cuộc đời tốt đẹp lương thiện hơn mới là điều khó. Khổng Tử đã chọn con đường khó khăn đó.
Một hôm khác, khi đi chu du sang nước Sái, Khổng Tử thấy hai người đang cày ruộng. Đó là hai bậc ẩn sĩ là Tràng Thư và Kiệt Nịch, Khổng Tử bảo Tử Lộ đến hỏi thăm đường. Tràng Thư hỏi Tử Lộ:
-Người cầm cương trên xe kia là ai vậy?
Tử Lộ trả lời:
-Đây là ông Khổng Khâu (tức là Khổng Tử)
-Có phải là Khổng Khâu nước Lỗ không?
-Thưa phải.
-Ông ấy chu du đã lâu để dạy Đạo cho đời, hẳn là đã biết đường rồi, đâu còn phải hỏi ai nữa.
Tử Lộ lại hỏi Kiệt Nịch. Kiệt Nịch hỏi lại Tử Lộ:
-Anh là ai?
Tử Lộ bảo:
-Tôi là Trọng Do
Kiệt Nịch lại hỏi:
-Anh là học trò của Khổng Khâu nước Lỗ phải không?
Tử Lộ đáp:
-Thưa phải.
Kiệt Nịch bèn nói:
- Đời loạn đã lâu, cuộc đời cuồn cuộn như giòng nước chảy mãi không thôi. Làm sao mà đổi loạn ra trị được? Anh đi theo Khổng Tử là kẻ tị nhân (là kẻ bị người đời xa lánh) sao bằng đi theo ta là người tị thế (tức là người xa lánh cuộc đời) có phải hơn không?
Nghe Tràng Thư và Kiệt Nịch nói vậy Khổng Tử than: “Người không thể cùng đàng với điểu thú được, Người mà không cùng ở với xã hội loài người thì ở với ai? Nếu như thiên hạ đã có đạo rồi thì Khổng Khâu nầy đâu còn phải dấn thân lo đổi loạn ra trị làm gì nữa!”
Thương thay cho người có ý muốn dấn thân giúp đời như Khổng Tử! Tội nghiệp thay cho thân phận nhà giáo muốn đem lý người tưởng đạo đức vào địa hạt chính trị để cho vương đạo được phổ cập trong thế giới loài người!
Lý tưởng của Khổng Tử, hoài bảo và ý hướng của Ngài, thật là tốt đẹp. Nhưng Ngài đã thất bại một cách rất đáng thương bởi thực tế chính trị ở ngoài đời, nhất là ở thời ly loạn kỷ cương đổ nát, văn hóa suy đồi, không thể nào chấp nhận để cho đạo đức chen vào. Làm chính trị là phải nắm cho được và phải giữ cho được chính quyền ở trong tay bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ phương tiện gì dù có phải hy sinh xương máu của bao nhiêu người khác. Đó là cách làm chính trị để thống trị của những kẻ gọi là thành công trên chính trường. Loại chính trị thống trị đó dĩ nhiên khó mà hội nhập tinh thần đạo đức vào trong. Có ai dùng lòng nhân, dùng chữ nghĩa, chữ tín để đoạt được, cướp lấy, và giữ vững chính quyền thống trị được đâu? Ngược lại chính trị thống trị thường phải bao gồm nhiều ác tính từ sự độc ác, mưu mô, gian xảo, tham lam, tráo trở, đến thủ đoạn, xuyên tạc, bóp méo, láo khoét , độc tài, chèn ép, dụ dỗ, ném đá dấu tay…
Trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc thời Xuân Thu, giữa khí thế chính trị thống trị đang hoành hành, Khổng Tử đã không thành công trong lý tưởng đem đạo đức vào trong chính trị. Chủ trương Vương đạo của Khổng Tử đã không được các nhà thống trị đương thời dùng đến. Khổng Tử đã thất bại trong cuộc đời làm chính trị của Ngài.
                                                                                               
III - KHỔNG TỬ VỚI CHỦ TRƯƠNG CHÍNH DANH.       
Thầy Tử Lộ hỏi đức Khổng Tử:
-Nếu vua nước Vệ mời Thầy làm chính trị, thì thầy làm điều gì trước nhất?
Tình trạng của nước Vệ lúc nầy đang suy đồi. Trước câu hỏi của thầy Tử Lộ, đức Khổng Tử trả lời:
-Trước hết là phải chính danh chăng?
Và Khổng Tử giải thích thêm:
-Vì nếu danh không chính thì lời nói sẽ không thuận, mà lời nói không thuận thì việc làm ắt sẽ không thành.
-Nhưng chính danh là gì?
-Danh là một cái tên mà người dùng để gọi một vật hay một hạng người nào.
Cái điện thoại, cây bút…là những danh xưng chúng ta gán cho vật dụng. Ông vua, ông thầy, ông cha, ông quan…là những danh xưng chúng ta dùng để gọi một hạng người nào đó trong xã hội. Danh thường đi liền với phận, tức là bổn phận, nhiệm vụ. Chúng ta dùng danh xưng ông vua để gọi cái người có bổn phận phải cai trị dân chúng, lo cho dân chúng được no cơm ấm áo, dạy dỗ dân chúng để dân chúng tiến bộ, sống xứng đáng với địa vị con người v.v…Chính danh luôn luôn gắn liền với định phận, để cho mọi người, với cái danh xưng đúng, có một vị trí đúng, có những bổn phận rõ gắn liền với danh xưng đó.
Khi Tề cảnh Công hỏi đức Khổng Tử về chánh sách cai trị, đức Khổng Tử trả lời:
-Quân nhân, thần thần, phụ phụ, tử tử.
Câu nầy có nghĩa là “vua phải ra vua” tức là làm đúng bổn phận hay đúng vai trò của ông vua. Quan phải ra quan tức phải làm đúng bổn phận của ông quan. Cha phải ra cha tức là khi làm cha mình phải đóng đúng vai trò của người cha. Và con phải cho ra con tức phải làm hết bổn phận của một người ở địa vị làm con.
Tề Cảnh Công nghe Khổng Tử nói xong vội khen:
-Phải lắm. Nếu vua mà không ra vua, bề tôi không ra bề tôi, cha không ra cha, con không ra con, thì cương thường đỗ nát, trật tự xáo trộn,  thiên hạ đâu có thanh bình, dù có lúa thóc người ta cũng không ngồi yên mà ăn được.
Cho nên đối với Khổng Tử, muốn cho xã hội có trật tự, mọi việc đâu ra đó, mọi người đều phải giữ đúng vai trò của mình, làm tròn bổn phận tương xứng với danh xưng của mình. Chính danh định phận là như vậy.
Về sau có người đặt vấn đề như sau với thầy Mạnh Tử. Người đó nói:
-Châu Văn Vương vốn là bề tôi của Trụ Vương. Châu Văn Vương đã nổi lên đánh giết Trụ Vương để lập nên nhà Châu. Bề tôi mà giết vua thì có đáng tội hay không? Tại sao nhà nho đã không kết tội Châu Văn Vương mà lại còn tôn sùng Châu Văn Vương xem như bậc thánh nhân?
Áp dụng thuyết chính danh định phận của Khổng Tử thầy Mạnh Tử trả lời người đó rằng:
-Ta nghe nói Châu Văn Vương có giết một kẻ thất phu tên là Trụ chớ ta chưa hề nghe nói có giết vua bao giờ.
Theo thầy Mạnh Tử, Trụ Vương không đáng được gọi là vua, ông ta chỉ là một kẻ thất phu. Gọi ông ta là vua là danh không chính rồi. Tại sao? Vì Trụ Vương, khi ở ngôi vị ông vua, đã không làm trọn đạo một người làm vua. Làm vua, theo nho giáo, là người thay trời để trị dân. Trời thương dân như con đẻ, thì người làm vua, người thay trời để lo cho dân, cũng phải thương dân như con đẻ. Thương dân, lo cho dân, đem bình an trật tự lại cho xã hội, làm cho người dân được thái bình no cơm ấm áo, đó là bổn phận của nhà vua đối với thần dân. Khi lên ngôi, vua Trụ đã không làm tròn sứ mạng cao quí đó. Ông ta chỉ là một kẻ tàn ác, bạo ngược, ngồi trên ngai vàng để hà hiếp, áp bức, làm khổ, giết hại dân lành mà thôi chớ không hề làm được một việc tốt đẹp nào đáng được xem là thay trời để lo cho dân.
Đã không đóng được vai trò đúng của một nhà vua, tất nhiên Trụ Vương chỉ được coi như một kẻ thất phu, tàn bạo. Ông ta sẽ bị truất phế, sẽ bị trừng trị xứng đáng với những tội lỗi mà ông đã gây ra, sẽ bị thay thế bởi một  người xứng đáng hơn. Người đó là Châu Văn Vương, một người đã được trời lựa chọn để thay ý trời lo cho dân.
Thật sự, đối với nhà nho, trời không ở đâu xa, trời rất gần dân. Nhà nho bảo lòng trời là lòng dân, cái gì người dân muốn là trời muốn. Thành ra trời với dân chỉ là một. Dân là trời vậy.
Đối với chúng ta ngày nay, tư tưởng “chính danh định phận” còn có giá trị gì chăng ngoài giá trị lịch sử của nó. Một số người ngày nay, thấm nhuần tư tưởng tự do tiến bộ của Tây Phương, thường xem luận lý Khổng Mạnh như những sợi dây trói buộc con người không cho phép cá nhân được phát triển toàn vẹn, không cho con người đựơc tự do mưu cầu hạnh phúc cá nhân mình.
Sống với Tam Cương Ngũ Thường, con người chỉ còn là một kẻ lúc nào cũng bị chi phối bởi những bổn phận đối với người khác, mà không còn là một con người sống cho tình cảm tự nhiên và hạnh phúc cá nhân của mình nữa. Lúc nào người ta cũng chỉ là một bề tôi, bắt buộc phải trung thành, phải làm theo răm rắp mệnh lệnh của nhà vua. Và là một người con bắt buộc phải làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, phải nghe theo cha mẹ, sống theo ý muốn của cha mẹ mà thôi, chớ không hề được sống cho cá nhân mình. Luân lý khắt khe của Khổng Mạnh dường như đã không chừa chỗ nào cho cá nhân con người  được sống thật sự nữa. Con người lúc nào cũng bị chìm đắm trong các bổn phận nặng nề của hai chữ trung hiếu mà thôi. Địa vị của người phụ nữ lại còn tệ hại hơn khi họ phải giữ đúng tam tùng, tức là tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, và phu tử tòng tử. Lệ thuộc ở ông chồng, phải giữ sự trinh tiết, phải tròn cả hiếu trung, người phụ nữ trong xã hội nhà nho, quả đã chẳng còn gì để sống cho riêng cá nhân mình nữa.
Thật ra, nhà nho, ở thời Khổng Mạnh, không đến nỗi khắt khe đến vô lý như vậy. Nhà nho đặt ra bổn phận, nhưng bổn phận cho tất cả mọi người, chớ không riêng cho những kẻ yếu kém. Có bổn phận của bề tôi nhưng cũng có bổn phận cho ông vua. Có bổn phận cho kẻ làm con thì cũng có bổn phận cho kẻ làm cha vậy. Nhà nho bảo: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” nghĩa là khi nhà vua bảo mình chết thì mình phải tuân theo lệnh vua mà chết, nếu không thì mình sẽ mang tội bất trung. Nhưng nhà vua phải thế nào thì bề tôi mới phải giữ được lòng trung thành tuyệt đối như vậy. Cho nên nhà nho bảo “quân chánh” thì thần mới trung. Cũng như “phụ” phải “từ” thì “tử” mới “hiếu”. Phải là nhà vua đạo đức, ngay thẳng, công bằng, biết thương biết lo cho dân, biết làm hết bổn phận của nhà vua, thì mới mong có bề tôi làm tròn bổn phận của bề tôi đối với vua được. Người làm cha cũng vậy, cũng phải trọn đạo làm cha thì mới mong con mình đóng trọn địa vị làm con hiếu thảo.
Trong ý nghĩa đó tư tưởng chính danh địa phận vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Trên phương diện chính trị chẳng hạn, một chánh quyền, bao gồm những người cầm quyền cai trị trong một nước, cho xứng đáng với danh xưng của nó, phải có bổn phận lo cho người dân, bảo vệ người dân. Phát triển quốc gia, làm cho đời sống của người dân được ấm no hạnh phúc. Nếu người cầm quyền không làm đựơc việc đó, hay làm ngược lại lòng dân, thì chánh quyền đó sẽ bị coi như không xứng đáng với danh xưng chính quyền theo thuyết chính danh. Một chánh quyền mà danh không chánh, thì lời nói của chánh quyền đó sẽ không có hiệu quả. Một nhóm người cai trị bạo ngược, có thể dùng sức mạnh để đàn áp, cưỡng bức, hà hiếp, đày ải, giết chóc người dân làm cho đời sống của người dân phải nghèo đói, khốn khổ, nhóm người đó không xứng đáng với danh xưng chính quyền đối với người dân. Không thật sự thương dân, không lo cho dân mà còn dùng những biện pháp cai trị trái với lòng dân thì chánh quyền đó không thể được xem là chánh quyền đúng với danh xưng của nó nữa. Đó chỉ là những kẽ thất phu cướp quyền mà thôi.
Ở các nước dân chủ thật sự thì loại người cướp quyền như vậy sẽ dễ dàng bị thay thế bởi những người xứng đáng hơn qua lá phiếu của người dân, qua các cuộc bầu cử bằng, dân chủ, tự do chọn lựa người lo cho mình đâu. Những kẻ cướp quyền cai trị bao giờ cũng đi đến một bạo quyền, một chính thể độc tài, tàn bạo, dùng mọi hình thức kềm kẹp, áp bức để cai trị trong những trường hợp như vậy người dân không còn dùng được lá phiếu để nói lên nguyện vọng của mình nữa. Ở trường hợp này chỉ có cách là có người lãnh đạo nhân dân nổi lên lật đổ cường quyền giống như Châu Văn Vương nổi dậy lật đổ Trụ Vương vậy thôi.
Lẽ dĩ nhiên là đối với các loại vũ khí tối tân hiện nay, và với màn lưới công an, cảnh sát đựơc tổ chức một cách qui mô chặt chẽ ngày nay của các bạo quyền, cuộc nổi dậy của người dân không dễ dàng xảy ra như xưa được. Ngày xưa sự chênh lệch về tình trạng trang bị vũ khí giữa bạo quyền với dân chúng không có bao nhiêu, nhưng ngày nay sự chênh lệch đó vô cùng to lớn. Tuy nhiên khó khăn không có nghĩa là không thể xảy ra được. Sự nổi dậy của người dân dù khó khăn đến đâu vẫn có thể xảy ra và bạo quyền dù có mạnh đến thế nào rồi cũng có ngày sụp đổ.
Trước đây, trước thập niên 1990, có ai nghĩ rằng sẽ có cuộc nổi dậy của người dân (hay những người lãnh đạo mới của nhân dân) lật đổ cường quyền cộng sản ở Liên Bang Sô Viết đâu. Thế mà chuyện đó vẫn xảy ra được. Vã lại sự nổi dậy không có nghĩa là nổi dậy không có nghĩa là nổi dậy với gươm giáo, súng đạn mà thôi, mà còn có trăm ngàn hình thức khác. Những hình thức nổi dậy khác có thể từ tiêu cực đến tích cực, có thể từ sự bất hợp tác đến mĩa mai, chưởi rủa, khinh khi, châm biếm, phá hoại, đảo chánh v.v… đến những sự cầu cứu, hợp tác với những sức mạnh bên ngoài để tấn công mặt kinh tế, gây áp lực về mặt chính trị v.v…Cuộc nổi dậy do đó có thể xảy ra bằng hình thức này hay hình thức khác.
Tóm lại, hoặc giả là chính quyền phải sữa chữa, phải thật tâm làm việc cho dân, phải làm hết bổn phận đối với người dân để xứng danh chính quyền, hoặc giả tiếp tục chính sách bạo ngược, tàn hại dân chúng, để một ngày nào đó bị dân chúng nổi dậy lật đổ dưới hình thức này hay hình thức khác. Trên phương diện chính trị, tư tưởng chính danh định phận vẫn là một tư tưởng có giá trị đối với chúng ta ngày nay vậy.
Ở các địa vị khác cũng thế. Từ gia đình đến xã hội, mỗi hạng người đều có bổn phận tương xứng với danh xưng của mình. Mọi người ở trong vị trí nào hãy làm đúng bổn phận mình trong vị trí đó để được xứng đáng với cái danh xưng của mình. Làm thầy thì phải biết thương yêu lo lắng dạy dỗ cho học trò để cho học trò có cơ hội kính nể thương yêu thầy và làm tròn bổn phận học hành của học trò. Nếu thầy chỉ thấy có đồng lương, làm công việc dạy dỗ một cách tắc trách, xem học trò như kẻ thù, thì thầy đó không xứng đáng để được gọi là thầy nữa. Trong gia đình cha phải hết bổn phận của cha đối với con cái để con cái có thể theo đó mà trọn đạo làm con.
Định phận là nói rõ bổn phận của mỗi người và chính danh nghĩa là gọi đúng danh xưng của mỗi người tương xứng với bổn phận của họ. Chính danh định phận luôn luôn đi đôi gắn liền nhau.

IV - LUÂN THƯỜNG CỦA KHỔNG TỬ.
Khổng giáo thật ra không phải là một tôn giáo theo đúng nghĩa của chữ. Đối với các nhà tư tưởng học, Khổng giáo chỉ là một triết lý sống, và trong triết lý đó, phần đạo đức là phần được chú trọng tới nhiều nhất. Triết lý của Khổng Tử là triết lý về cuộc sống của con người, cuộc sống thực tế ở trên thế gian nầy. Những vấn đến siêu hình, thượng đế, linh hồn…ít khi được đặt ra. Con người từ đâu đến, hoặc sau khi chết, con người sẽ đi về đâu cũng không được bàn đến, chỉ cuộc sống hiện tại, cuộc sống ngay bây giờ của con người ở trên thế giới này mới được nói đến một cách có hệ thống. Đó là đối tượng chính trong triết học của Khổng giáo.
Trong cuộc sống hiện tại, không phải tất cả mọi vấn đề quan trọng của cuộc sống con người đều được Khổng Tử bàn đến. Khổng Tử chỉ chú trọng nhiều vào khía cạnh bổn phận mà thôi, nhất là bổn phận của kẻ dưới đối với người trên như bề tôi đối với vua, con cái đối với cha mẹ, hay vợ đối với chồng chẳng hạn. Người trên cũng có bổn phận của người trên, nhưng những bổn phận đó xét kỹ không có gì nặng nề như bổn phận khá khắt khe những người ở dưới. Quyền làm người cũng như quyền của cá nhân không thấy nói được nói đến. Đối với Khổng Tử, nếu người trên nghĩ đến cái lợi cho mình thì kẻ dưới cũng chỉ nghĩ đến cái lợi mà thôi, và nếu mọi người đều nghĩ đến cái lợi của riêng mình thì xã hội sẽ suy đồi, hư hỏng hết. Do vậy, Khổng Tử chỉ nói đến bổn phận mà thôi. Ngài bảo “phóng lợi nhi hành đa oán.” có nghĩa là kẻ nào chỉ làm lợi thì ắt sinh ra oán thù. Quân tử và tiểu nhân khác nhau ở hành vi vị lợi hay vị nghĩa. Khổng Tử bảo: “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi.” Người quân tử chỉ lo làm việc nghĩa trong khi kẻ tiểu nhân chỉ nhắm vào những việc làm có lợi mà thôi. Lợi ở đây là lợi cho cá nhân, cho bản thân mình. Bổn phận của con người, trong hệ thống luân lý của Khổng giáo, đựơc thu gọn vào hai chữ LUÂN THƯỜNG.
Luân là mối liên hệ giữa người và người. Sống ở đời là sống cùng người khác chứ không thể sống  một mình được. Khi sinh ra đời, ta đã có cha mẹ, đã có một gia đình, đã phải sống  trong một cộng đồng, một xã hội loài người. Chúng ta chỉ có thể hiện hữu trong gia đình và trong xã hội đã có sẵn đó. Sống với người khác ở xung quanh tất nhiên phải có mối quan hệ với những người khác đó, từ những người trong gia đình đến những người ngoài xã hội. Trong gia đình ta có mối liên hệ giữa vợ chồng, và mối liên hệ giữa bạn bè với nhau hoặc giữa các đồng nghiệp hay các cộng sự viên… Mỗi mối liên hệ như vậy là một luân, và trong hệ thống luân lý Khổng Giáo, có tất cả năm mối liên hệ như vậy, gọi là ngũ luân, kể ra như sau:
Liên hệ vua tôi (quân thần)
Liên hệ cha con (phụ tử)
Liên hệ vợ chồng (phu phụ)
Liên hệ anh em (côn đệ)
Liên hệ bạn bè (bằng hữu)
Trong mỗi mối liên hệ trên đây nhà nho đặt ra một tiêu chuẩn đạo đức để hướng dẫn hành động và tư tưởng của con người làm thế nào để cho mối liên hệ đó được tốt đẹp. Chính thật ra, Khổng Tử không nêu ra tiêu chuẩn đó, nhưng các nhà kho khác đã nêu ra cho nên có sự bất đồng. Về mối liên hệ vua tôi chẳng hạn, tiêu chuẩn đạo đức được đặt ra  là “quân nghĩa, thần hành” theo sách Tả Truyện, nhưng tiêu chuẩn đạo đức đó lại là “quân nhân, thần trung” đối với sách Lễ vận, trong khi Mạnh Tử thì lại bảo: “quân thần hữu nghĩa”. Đối với một số nhà nho khác thì tiêu chuẩn đạo đức trong liên hệ quân thần là “quân chánh thần trung”. Hiểu một cách rộng rãi thì trong mối liên  hệ giữa vua và tôi nhà nho đòi hỏi nhà vua phải dùng nhân nghĩa và sự ngay thẳng đối xử với bề tôi, và bề tôi phải dùng lòng trung thành và sự tuân hành đối xử với vua. Tiêu chuẩn đạo đức ở đây là vua nhân nghĩa chính trực, bề tôi tuân theo mệnh lệnh và trung thành với vua.
Về mối liên hệ cha con, thì tiêu chuẩn đặt ra trong hai sách Tả Truyện và Lễ Vận là “phụ từ tử hiếu”, riêng Mạnh Tử thì bảo “phụ tử hữu thân”. Đối với đa số các nhà nho thì phụ từ từ hiếu là tiêu chuẩn đạo đức tốt nhất cho liên hệ cha con. Cha mẹ thương con, lo lắng cho con, nuôi nấng dạy dỗ cho con nên người; con  nhớ ơn cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ, đó là tiêu chuẩn đạo đức cho mối liên hệ gia đình.
Về mối liên hệ vợ chồng, sách Lễ Văn ghi “phu nghĩa, phụ kính” nhưng sách Mạch Tử thì bảo “phu phụ hữu biệt”. Đối với đa số các nhà nho thì người phụ nữ không có đời sống riêng tư mà phải tùy thuộc ở những người khác. Lúc chưa có chồng thì sống với cha mẹ, cuộc sống lúc này thì phải tùy thuộc ở cha mẹ. Khi có chồng thì phải theo chồng, cuộc sống từ đó phải tùy thuộc ở nơi ông chồng. Khi chồng chết rồi thì sống với con, lúc này thì cuộc sống lại tùy thuộc ở nơi con. Ba liên hệ tùy thuộc đó được gọi là tam tùng bao gồm “tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử.” Liên hệ tùy thuộc thứ nhì là xuất giá tùng phu đã phần nào nói lên bổn phận của người đối với vợ chồng trong hệ thống luân lý nho giáo. Vợ phải nghe theo chồng, trinh thuận và trung thành với chồng, lo lắng phụng sự cho chồng, đó là những bổn phận mà nhà nho đã vạch ra cho người phụ nữ khi đã có chồng. Ngược lại, chồng phải có “nghĩa” đối với vợ. Nghĩa là gì? Là lẽ phải, là cái gì đúng và tốt thì gọi là nghĩa như nghĩa cử, nghĩa hiệp, nghĩa khí…Người Mỹ hay dùng chữ correctness hoặc righteousness để dịch chữ nghĩa trong hệ thống luân lý của nhà nho. Chồng phải lấy sự đúng và tốt mà đối xử với vợ.
Ba liên hệ vua tôi, cha con và vợ chồng là ba liên hệ quan trọng nhất trong ngũ luân. Nhà nho còn gọi đó là ba giềng mối chính tức “tam cương”, trong đạo làm người. Tam cương là quân thần cương, phụ tử cương và phu thê cương. Cương là sợi dây chính, sợi dây lớn làm cái giềng để mắc những sợi dây nhỏ vào đó làm thành cái lưới. Ông vua được xem như sợi dây chính đó để các bề tôi và thần dân như những sợi dây nhỏ mắc vào đó mà làm thành cái lưới. Quân vi thần cương là vậy. Cũng cùng ý nghĩa đó, nhà nho bảo phụ vi tử cương và phu vi thê cương.
Hai mối liên hệ còn lại trong ngũ luân là liên hệ anh em, và liên hệ bạn bè. Về liên hệ anh em, sách Tả Truyện ghi là “huynh ái, đệ kính” trong khi sách Lễ Vận thì bảo “huynh lương, đệ đễ”. Hiểu một cách rộng rãi thì bậc anh chị phải thương yêu đối xử tốt với các em, và các em phải thương yêu kính trọng anh chị.
Con người sống ở trên đời này không thể tránh được những mối liên hệ mà nho giáo đã nói đến. Đối với phần đông nếu không nói là hầu hết chúng ta ai cũng phải có bạn bè hay người quen biết, và đối với số đông ai cũng phải làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Đóng vai nào thì phải có những bổn phận trong vai trò đó như thuyết chính danh của Khổng Tử đã cho thấy. Những tiêu chuẩn đạo đức của nhà nho đề ra cho các bổn phận đó được thu gọn vào một số chữ thường thấy sau đây: nhân, nghĩa, từ, ái, kính, trung, hiếu, dễ, tín. Những chữ này diễn tả những đặc tính, những phẩm hạnh cần có ở nơi mỗi người. Muốn cho những mối liên hệ trong ngũ luân được tốt đẹp, mỗi người cần phải làm tròn bổn phận của mình. Muốn làm tròn những bổn phận đó còn người cần phải có (hay phải trau dồi) một số những đức tính nào đó. Số đức tính đó được thu gọn vào những chữ sau đây: nhân, nghĩa, lể, trí, tín. Năm chữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đó được nhà nho gọi là ngũ thường. Thường là cái gì phải có luôn luôn, cái hằng có như cái áo mình mặc ở trong người hằng ngày vậy. Ngũ thường là năm đức tính cần phải có luôn luôn ở mỗi người.
Đứng đầu trong năm đức tính đó là lòng NHÂN. Đây là chữ rất quan trọng trong triết lý của Khổng Tử.
Nhân là đức tính quan trọng vào bậc nhất trong số năm đức tính của ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chữ nhân theo phương pháp chiết tự, gồm có chữ nhân là người và chữ nhị là hai. Ý nghĩa của chữ nhân là thú tình cảm mà con người phải có để đối xử với người khác. Tình cảm đó là tình thương gây ra bởi sự hiểu biết, thông cảm nhau đưa đến lòng vị tha. Sống ở đời người ta phải chấp nhận sự hiện hữu cũng như sự khác biệt của tha nhân. Chấp nhận tha nhân, hiểu biết tha nhân, thương và đối xử một cách tốt đẹp, đó là lòng nhân, là đức tính nền tảng của con người trong sự sống chung với người khác ở trên đời này. Tuy nhiên, lòng nhân theo đức Khổng Tử, không giống như tính phiếm ái hay từ bi bác ái của các triết thuyết tôn giáo khác. Phiếm ái hay bác ái là yêu thương tất cả mọi người kể cả kẻ thù của mình, cho nên cái hệ luận của chủ trương đó là “lấy ân báo oán” như chúng ta thường nghe nói. Đối với Khổng Tử nếu mình lấy ân để báo oán thì đối với người ân mình lấy gì để báo? Nếu kẻ gây oán cũng được hưởng ân như như kẻ đã làm ân thì còn đâu sự công bằng. Do đó Khổng Tử chủ trương: “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, tức là lấy sự ngay thẳng chính trực mà báo oán, và lấy đức báo oán.
Lòng nhân ở trong triết lý Nho giáo, hiểu theo nghĩa biết người khác, thông cảm và thương người khác, đưa đến một luật đạo đức tiêu cực là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” tức là cái gì mình không muốn thì đừng làm điều đó cho người khác. Tiêu cực vì nó chỉ khuyên mình “đừng làm” những cái “không thích” mà thôi. Nó thiếu khía cạnh tích cực là “hãy làm cho người khác những gì mình thích người khác làm cho mình.”
Dù là tiêu cực, chủ trương trên đây cũng cho thấy là mình phải đối xử với người khác giống như mình đối xử với chính mình vậy. Đó là lòng nhân. Nó là cái gốc, cái căn bản trong đạo làm người, cho nên Khổng Tử mới nói trong sách Trung Dung là “nhân giả, nhân giả” , tức là đạo nhân là đạo làm người vậy.
Sau đức tính “nhân” là đức tính “nghĩa”. Nghĩa là đúng, là phải, là tốt. Người Mỹ hay dùng chữ correctness hay righteusness để dịch chữ nghĩa. Nó là sự biểu hiện của lòng nhân trong cuộc sống của con người.Chúng ta thường nói vợ chồng ăn ở với nhau cho có “nghĩa”, hoặc ở cho có “nhân nghĩa”, tức là có sự hiểu biết thương yêu nhau, đối xử với nhau cho đúng, cho phải lẽ, cho tốt đẹp. Ở trường hợp vợ chồng, hay anh em, bạn, chữ “nghĩa” còn bao hàm ý nghĩa “thủy chung”, tức là trước sau như một, không hề đổi thay lòng dạ. Đối xử với anh em, bạn bè, vợ hay chồng, lúc nào cũng đúng, cũng phải lẽ, cũng tốt, lúc giàu có cũng vậy mà khi nghèo khổ sa cơ thất thế cũng vậy, thì đó là thủy chung, đó là nghĩa vậy.
Sau chữ nghĩa là chữ lễ. Lễ bao gồm những luật lệ, những quy tắc hướng dẫn cử chỉ và hành động của con người trong mọi trường hợp, làm thế nào cho phải cho đúng phép, từ những nghi thức cúng tế, những cung cách xử sự trong triều đình, đến phép lịch sự xã giao ở ngoài đời. Nói chung là những phép tắc, những qui luật về hành vi và cử chỉ và lời nói của con người trong mọi trường hợp từ trong nhà đến xã hội. Nó cũng là một hình thức biểu lộ khác của lòng nhân cho nên Khổng Tử bảo “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, tức là thắng được cá nhân mình để làm theo đúng phép tắc luật lệ, đó là nhân vậy.
Trí hiểu một cách nôm na là bộ óc của con người. Nó là sự hiểu biết, sự ý  thức về chân lý. Hiểu rộng ra “trí” có thể được xem như đời sống trí thức (vie intellectuelle) của con người bao gồm tất cả các chức năng tâm lý như suy luận, phán đoán, trí tuệ…Trong hệ thống triết lý của Khổng Tử, chữ trí không những chỉ sự hiểu biết mà còn có ý nghĩa là khôn khéo, thấu đáo, hiểu xa biết rộng. Nhờ có đức tính này mà con người có thể biết được sự thật, nhận đựơc chân lý, phân biệt đựơc phải trái tốt xấu, để hướng hành động của mình đến chỗ tốt đẹp.
Tín là lòng tin. Nói đúng và làm đúng, giữ đúng lời nói của mình để cho người để cho người khác tin được ở nơi mình, đó là chữ tín. Hứa với ai điều gì thì phải giữ đúng lời hứa đó như vậy về sau người ta mới có thể tin mình được. Nếu mình hứa hay nói một điều mà mình lại làm khác hơn thì làm sao người ta còn có thể tin được nơi mình. Giữ được chữ tín là điều rất khó, nhưng người ta phải cố gắng giữ cho được nó bởi nó vô cùng quan trọng trong cuộc sống chung của con người trong xã hội này.
Năm đức tính vừa lược thuật trên đây là năm đức tính mà Khổng Tử muốn con người phải có để có thể sống chung với nhau làm cho đời sống cá nhân, gia đinh và xã hội được tốt đẹp. Muốn cho gia đình và xã hội được tốt đẹp thì năm mối liên hệ trong ngũ luân phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn đạo đức đề ra, và muốn thực hiện được những tiêu chuẩn đạo đức đó, thì mỗi cá nhân phải trau dồi cho có được năm đức tính cần có của ngũ thường.
Ý nghĩa của luân thường trong Khổng giáo là như vậy. Mục đích của luân thường rất tốt, rất thực tế. Nó nhắm vào việc làm thế nào để mỗi cá nhân con người được tốt, để có một gia đình tốt, và một xã hội loài người tốt. Nhưng tốt ở đây chỉ có nghĩa là không xấu mà thôi. Nhiều triết gia cho rằng hệ thống luân lý của Khổng Tử chỉ chú trọng vào phía tiêu cực mà thôi chứ ít khi nhìn về phía tích cực.
Nó tiêu cực ở chỗ chỉ nhắm vào bổn phận chứ không nhắm vào quyền vào làm người. Nó còn tiêu cực ở chỗ chỉ khuyên người ta đừng làm những cái xấu nhiều hơn là khuyên người ta nên làm những cái tốt. Gia đình và xã hội tốt của Khổng Tử có thể là một gia đình có lễ nghi, có trật tự, một xã hội không có chiến tranh và loạn lạc, không có áp bức, không có tham nhũng, không có xáo trộn nhưng nó mang ý nghĩa tích cực của một gia đình hạnh phúc, một xã hội phát triển tiến bộ và hùng mạnh.
Nhưng dù có tiêu cực đi nữa, đạo lý luân thường của Khổng Tử vẫn có nhiều giá trị thực tế đối với cuộc sống hiện tại của con người. Năm mối liên hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè tuy không bao quát được tất cả mọi liên hệ giữa người và người trên thế gian này nhưng nó cũng bao gồm được những mối dây liên hệ chính rất  quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Liên hệ vua tôi có thể hiểu rộng ra để bao gồm cả người lãnh đạo và người được lãnh đạo, người chỉ huy và người được chỉ huy, người ra lệnh và người tuân hành, chủ nhân và công nhân…Liên hệ cha con thì hiểu là liên hệ giữa cha mẹ và con cái kể cả dâu rể.  Liên hệ bạn bè thì có thể mở rộng đến những cộng sự viên, những người lân cận, những người láng giềng, những đồng nghiệp…Hiểu rộng như vậy thì ngũ luân có thể bao gồm hầu hết các mối liên hệ giữa người và người trên cõi đời này. Tiêu chuẩn đạo đức cho mỗi mối dây liên hệ có thể được thay đổi cho thích hợp với đời sống của con người ở ngưỡng cửa thế kỷ XXI hơn.
Đến như ngũ thường thì quả thật đáng được chúng ta làm sống lại để cho con người có những đức tính cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh. Chữ nhân, chữ nghĩa, chữ tín là những chữ cần phải trau dồi và áp dụng ở trên đời, nhất là cho những người có ít nhiều quyền lực ở trong tay.
Không có lòng nhân, những kẻ cầm quyền có thể chỉ là những kẻ bạo tàn, dùng mọi biện pháp phi nhân để kềm kẹp người dân, bắt buộc người dân phải sống khổ sở mà phục vụ cho bạo quyền. Không có nghĩa, kẻ cầm quyền chỉ nhìn thấy có cái lợi cho cá nhân mà thôi. Kẻ đó chỉ có thể nhũng lạm quyền thế, chiếm công vi tư, tham lam hối lộ vơ vét của dân, làm giàu trên xương máu của đồng bào. Không có chữ tín, chánh quyền chỉ là một bọn láo khoét, hứa một đường làm một nẻo, khiến cho dân chán ghét, mất hết lòng tin. Nói là đi học tập mười ngày để rồi đem giam người ta bao nhiêu năm tháng, chánh quyền như vậy thì còn ai tin được?
Người cầm quyền mà không có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín thì thật là một tai họa cho những người bị trị vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét