XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng Nam

Khảo sát về giọng nói Quảng Nam là một công trình lớn cần có sự đóng góp của nhiều người, nhiều giới. Không riêng gì Quảng Nam - Đà Nẵng có những thổ ngữ hoặc cách phát âm khiến nhiều người khác khó nghe, khó hiểu, các địa phương khác cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Nhưng đó lại chính là hồn quê của mỗi địa phương. Chỉ cần nghe giọng nói, là người ta nhận ra bóng dáng của quê nhà - đã có lần tôi cảm nhận:


Bóng hình này giống người ta
Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi
Hồn quê đặt ở trên môi
Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về
Ở đây, tôi chỉ mạn phép bàn về giọng Quảng trong sự ngẫu hứng sau khi đọc bài vè của tác giả Nguyễn Tiến Nhẫn in trong tập Bảo An đất và người (NXB Đà Nẵng, 1999). Thử đọc bài vè này, ta có thể sẽ hiểu ít nhiều một vài kiểu phát âm của người Quảng Nam:
Quê tôi A phát thành OA
Ă thành E hết, AO ra Ô mà...
Không những thế, ta thấy họ còn phát âm OAI thành UA (như nhớ hoài: nhớ hùa); OI thành UA (như nói năng: núa neng); ĂN thành EN (như muối mặn: muối mẹn)... Có chuyện rằng, một cậu bé Đà Nẵng thấy con gì đó đang bò trên tường, vừa kêu lên vừa đưa tay chỉ cho thằng bạn mới từ Sài Gòn ra xứ Quảng chơi:
- Ê, cua kìa! Con chi mà lọa!
Thằng nhóc Sài Gòn lấy làm lạ, liền ngước mắt lên nhìn thì có thấy con cua gì đâu! Chỉ thấy... con thằn lằn!
ẮT thành ÉC (như tắt đèn: téc đèn. Có trường hợp “ngoại lệ” như xa lắc: xa léc - xa quéc); AM thành ÔM (như làm: lồm)... Và khi đặt câu hỏi người ta thường dùng thổ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v...; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) v.v... Ta thử đoán xem, họ đang nói gì:
Chừ hay mai mốt anh ơi
Chu choa lâu rứa lơi bơi trổ trời
Ba nhe là bậu ba rơi
Ba lia, ba lém cùng đời ba lơn
Mưa dầm thấm đất lấm lem
Mưa chi dai nhách ba bên bốn bề
Ở đây, chữ "trổ trời" có thể hiểu là tính từ chỉ một hành động nào đó vượt ra ngoài khuôn phép - chẳng hạn, đứa con trong nhà không ngoan, hư đốn quá lắm, người mẹ mắng: "-Cái thằng hư trổ trời!" là vậy. Nhưng cũng để diễn đạt ý nghĩa tương tự, ở cấp độ thấp hơn, người ta còn dùng từ "hoang", như: "-Cái thằng ni hoang quá". Người ta gọi là "ngẳng" để chỉ sự nghịch ngợm, như: "Cái thằng chơi ngẳng ghê, ai đời hắn lấy kéo cắt râu mèo". Ta đọc tiếp:
Mùa nam cau chuối héo queo
Vàng rùm đồng lúa, ốm teo cả người
Trâu bò hết cỏ nhá nhơi
Ô hồ cạn xịt, phơi khô dâu tằm
Hạn chi hạn miết khô rang
Nắng chi nắng miết nắng chang chang trời
Nắng cho hết nghí ngỡn cười
Ở trần chẳng dị, quạt lì ra tay
Ở đây, "ô" là ao, "cạn xịt" nghĩa là nước trong ao hồ đã cạn chỉ còn xăm xắp nước, tương tự "ít xịt" là rất ít; "miết" là mãi, chỉ một hành động kéo dài - chẳng hạn câu thơ của Lưu Trọng Lư "Mưa chi mưa mãi", người xứ Quảng hiểu là "Mưa chi mưa miết"; "nghí ngỡn" ta có thể hiểu là dễ ngươi, lờn mặt, đùa giỡn thái quá tùy ngữ cảnh, như: "-Đừng có nghí ngỡn, sắp mưa rồi đó, mau chạy về nhà đi"; "dị" là mắc cỡ, e thẹn; còn "dị òm" là hết sức mắc cỡ, tương tự như thế người ta còn nói "mắc tịt"...Mùa ni bí rị phát khùng
Nực chi xà lỏn vẫn lùng bùng tai
Cầu trời túi mốt sớm mai
Nồm về thả cửa mát rười rượi nhau
"Bí rị" là bít bùng, không lối thoát, tắc nghẽn như trong câu hỏi: "Buồn chi mà mặt mày bí rị rứa?"; nhưng "rị" lại là kéo, như: “-Cây ni nặng lắm, bọn bay tới rị giùm tau với”; “túi” là tối, còn “túi thui” là rất tối...
Tới đây tao biểu mi nè
Cháo ngọt đậu ván bát chè thơm thơm
Mình đâu có phỉnh mà lờn
Uống ăn ngọt xớt còn thơm lựng lừng
"Biểu" là bảo; "phỉnh" là dụ dỗ, gạ gẫm; "ngọt xớt" là rất ngọt... Trong ca dao xưa ở xứ Quảng có câu:
Một nong tằm là năm nong kén
Một nong kén là chín nén tơ
Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ
Linh đinh quán sấm, dật dờ quán sen
Thú vị quá, ta hãy tìm hiểu thêm một vài thổ ngữ khác, chẳng hạn "điệu" là làm dáng như: "- Chà! Bữa ni ăn mặc điệu quá ta!", tương tự như thế còn có chữ "gồ" nữa; "gò" là tán tỉnh như: "-Cái thằng ni trổ trời, hỉ mũi còn chưa sạch mà đã gò gái"; thuở nhỏ, tôi còn nghe một từ tương tự là "cua" như: "- Anh Tư đi cua gái hay reng mà cái đầu láng mướt rứa hè?"; "ế" dành để chỉ những cô gái lỡ thì, không có người cưới hỏi; "ghế" là chỉ cơm độn với ngũ cốc như: "- Cơm bữa ni ghế với khoai lang"; "hú hí" là nhỏ to với nhau; "in" là giống nhau như đúc; "không reng (răng)" là không sao, đừng sợ như: "- Chó sủa thôi chớ không reng mô"; "lợt nhớt" là quá lợt; "rượng" là "ngứa nghề"; "sít rịt" là sít với nhau không hở; "trịt" là tẹt như: "- Cô kia cái mặt cũng dễ coi nhưng tiếc cái mũi trịt"; "ủm" là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: "- Ủm em", còn "ẵm" là bồng...
Tôi còn nhớ thuở nhỏ, mẹ tôi đã hát ru bài đồng dao xứ Quảng:
Con chim se sẻ
Nó đẻ mái tranh
Tôi vác hòn sành
Tôi lia chết giãy
Tôi đem tôi kỉnh
Cho thầy một mâm
Thầy hỏi chim gì?
Con chim sẻ sẻ
Ta biết "kỉnh" là biếu, "lia" là ném, là vứt. Lại nữa, "phách" là phách lối, kiêu căng, kiêu ngạo như: "- Mày chữ nghĩa bao nhiêu? Không đầy lá mít! Đừng có mà làm phách"; "xanh xảnh" là nói hỗn, thiếu lễ phép như: "- Cô kia nói chuyện với bà già mà cứ xanh xảnh cái giọng"; "yểu xìu" là quá yếu; "tổ chảng" là to lớn, có câu nói: "- Đình làng tổ chảng uy nghi lạ thường"; nhưng mập quá cỡ thì họ là nói "mập ú"; trái cây mua về, chưa chín, thường người Quảng Nam bỏ vào trong hũ gạo, đợi chín thì gọi là "giú"; "cái ảng" là cái lu như: "- Chiều ni mi đi gánh nước đổ đầy ảng nghe!"; "giả đò" là "giả vờ", tương tự còn có "làm bộ làm tịch"... Ca dao Quảng Nam có câu:
Giả đò buôn kén, bán tơ
Đi ngang qua ngõ đưa thơ cho chàng
Khi nghe mẹ ru em:
Chiều tà ngả bóng nương dâu
Vịn cành bẻ lá em sầu duyên tơ
Thì ta hiểu "vịn" là "dựa vào". Không chỉ có thế, họ còn nói "thọa" là cái hộc tủ; "cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp - thông thường thị dân còn gọi là cái "gạc măng rê" (phiên âm Garde manger của Pháp). Cái cụi này ở nông thôn xứ Quảng, người ta thường để bốn cái tô bằng sành, rẻ tiền, dưới bốn chân tủ, đổ đầy nước để ngăn kiến, sâu bọ không theo đó mà leo lên; "lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng, như: "-Miếng thịt mới đây đứa mô lủm rồi?"; "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, không sâu chỉ trèn trèn, dùng để kho cá; "kiệt" là hẻm; "kiết" là keo kiệt, như: “- Thằng cha ni giàu mà kiết"; "đầu dầu" là đầu trần, như thấy người kia đi giữa nắng chang chang không đội nón, người này nói: "- Reng (răng) mà đi đầu trần (hoặc đầu dầu) rứa? Không sợ cảm néng (nắng) à?"; "ở dổng" là ở truồng, như người ra thường nói: "-Không biết dị à? Lớn rồi mà còn ở dổng!"; "hục" là "hố" như ta thường nghe: "- Mi ra ngoài kia đào cho tao cái hục, sâu chừng nửa thước"; ướt đẫm thì họ nói là "ướt nhẹp"...
Nghĩ cũng lạ cho thổ âm, thổ ngữ địa phương. Mới đây, khi đến Huế dự festival Huế 2006 tôi đã "phát hiện" ra chữ “té” ngộ nghĩnh của người miền Trung nói chung. Lúc ấy, đang ngồi ăn chè trên bờ bắc sông Hương, chè hạt sen ngọt mà thanh, ăn đến đâu mát rượi đến đó bỗng tôi giật bắn người khi nghe người chị bảo cô em nhỏ: "- Ăn xong rồi, té ghế mà về". Ủa! Cái gì lạ vậy? Sao lại có "té" mà lại "té ghế" ở đây? Với người Quảng Nam, "té" là ngã, vấp ngã, vấp té như có câu: "-Kìa! Đi đứng sớn sác coi chừng té dập mỏ!". Với người Huế, để nói ai đó bị "té" thì họ lại dùng chữ "bổ", ta thường nghe nói đến các từ liên quan như bổ lăn cù (té lăn), bổ ngửa (té nằm ngửa), bổ nhào (té nhào)… Người Huế và người Quảng Trị cũng dùng từ té, nhưng cụ thể ý nghĩa của "té ghế" lại là… "nhường ghế cho người khác ngồi"!
Trước đây, tại Quảng Nam có nhà thơ lấy đặc sản quê hương làm bút danh. Đó là Nam Trân. Ông tên thật Nguyễn Học Sỹ (1907- 1967), quê tại làng Phú Thứ thượng, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc.
Từ thuở nhỏ, ông học chữ Hán, sau đó vào học Quốc học Huế rồi ra Bắc học trường Bảo hộ ở Hà Nội. Những năm tháng ở Huế, ông đã hoàn thành tập thơ Huế đẹp và thơ và được Hoài Thanh tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam với những lời nhận định: "Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được một đôi câu; nhưng đến Nam Trân mới biệt thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương. Thiết tưởng vị tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra Huế món quà nào cao quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ".
Bút danh của nhà thơ có được là do quá yêu mến đặc sản của quê mình. Theo truyền thuyết, trong một lần giao tranh với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn phải trốn chạy lên vùng đất phía tây Quảng Nam. Trong lúc ngặt nghèo, nguy khốn nhất, bốn phía bị bao vây, lương thực không còn thì chúa tôi gặp một loại trái cây chín mọng. Chưa dám ăn ngay, chúa lấy tay bấm thử thì thấy trái mềm, nếm thấy ngon ngọt lạ lùng. Nhờ trái cây này mà họ thoát khỏi cảnh đói khát. Truyền thuyết này góp phần lý giải vì sao khi cầm loại trái cây này, lột vỏ mỏng, thì ta đều thấy có dấu móng tay. Đó là loại trái cây mà trong ca dao xứ Quảng còn lưu lại:
Tay em cầm nón, tay em chọn loòng boong
Trái nào vừa ngọt, vừa ngon
Dành riêng cho bạn nghĩa nhơn nặng tình
hoặc:Trái loòng boong trong tròn, ngoài méo
Trái thầu đâu trong héo, ngoài tươi
Thương em ít nói, ít cười
Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng
hoặc:
Lụt nguồn trôi trái loòng boong
Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi
Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân
Nhưng thật ra, không phải chúa Nguyễn là người phát hiện ra trái cây này và đầu tiên khẳng định là nó ăn được. Trước đó, người Chiêm Thành cư ngụ trên mảnh đất này chắc chắn họ đã biết đến, nhưng không rõ họ đặt tên là gì? Có người cho rằng, loòng boong đó là cách phát âm chữ “T’rbon” của người Cơ Tu ở huyện Giằng hiện nay. Khi lập được nghiệp đế vương, vua Gia Long xuống dụ hàng năm, vào tháng 9, dân xứ Quảng phải tiến trái loòng boong ra kinh đô để dùng vào việc tế tự. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Đầu đời Minh Mạng, nhà vua ban cho tên là Nam trân”.
Như thế cái tên Nam trân - tức quả quý như ngọc ở phương Nam ít ra đã có từ năm 1820. Chưa dừng lại đó, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đúc chín cái đỉnh đồng lớn (Cửu Đỉnh) đặt ở Thế Miếu. Theo sử sách, vua Minh Mạng bắt chước vua Hạ Vũ xưa đúc Cửu đỉnh tượng trưng chín châu bên Tàu. Nhưng cũng còn có cách lý giải nữa, mỗi đỉnh tượng trưng cho một ông vua triều Nguyễn: Cao (Gia Long), Nhân (Minh Mạng), Chương (Thiệu Trị)... và cuối cùng là Huyền đỉnh. Huyền còn có nghĩa là mất. Vô tình (hay sự tiên đoán) về vận mệnh triều Nguyễn? Quan sát Cửu đỉnh, chúng ta bàng hoàng lẫn khâm phục trước nghệ thuật đúc đồng của người thợ khéo tay của Huế xưa. Tất cả có 135 hình được chạm trổ trên cửu đỉnh, trong đó có hình ảnh Nam trân khắc trên "Nhân đỉnh" - như thế đủ biết loại trái cây này được vua nhà Nguyễn trân trọng biết chừng nào.
Ngày trước ở thượng nguồn sông Vu Gia nổi tiếng với rừng loòng boong và hàng năm đến rằm tháng tám âm lịch có hội "ngày xả trái". Ngày ấy nhộn nhịp, náo nhiệt không thua kém gì cảnh sĩ tử trước trường thi nên ở Quảng Nam mới có câu "Nhứt trường thi, nhì trường trái" là vậy.
Trong tập thơ Huế đẹp và thơ của Nam Trân, đặc biệt bài Eng có sử dụng một vài thổ âm, thổ ngữ của đất Quảng - ta có thể hiểu “eng”: ăn; "đậu doáng": đậu váng; "đậu hảu": đậu hủ; "hột dịt": hột vịt; "eng hung": ăn lắm, ăn nhiều...
Ai eng chè đậu doáng
Ai eng đậu hảu không?
Ai eng hột dịt lộn
Ai ít ngọt? Xôi hông...?
Đến Faifo, khách lạ
Ai nấy cũng dửng dưng:
Quảng Nam đất văn vật
Sao lắm bợm “eng hung”?
Eng hung và uống nhiều
Thần Dạ dày muôn tuổi
Đặc điểm có gì đâu?
Chè ngọt gia tí... muối
Vì thế nên ngày xưa
Thí sinh ra đất Huế
Môn chữ càng được khen
Môn "eng" càng bị chế
Hiện nay, 'thương hiệu' tơ lụa Quảng Nam vẫn còn giữ một vị trí đáng kể trên thương trường. Có một điều không thể không tự hào, tại Sài Gòn khi nhắc đến địa danh Bảy Hiền (quận Tân Bình) lập tức người ta biết đây là làng dệt của người Quảng Nam và nơi đó cũng còn giữ được nhiều thổ âm, thổ ngữ quê nhà.
Bây giờ, ta tiếp tục đọc bài vè trên, đoạn nói về nghề trồng dâu nuôi tằm rất nổi tiếng ở đất Quảng. Nhân đây, thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng, từ năm 1615, thế kỷ XVII, chúa Nguyễn Phúc Lan đã xe duyên với cô thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi ở thôn Diên Sơn (huyện Diên Phước). Hai người sống với nhau rất hạnh phúc ở dinh trấn Thanh Chiêm. Về sau người dân Quảng Nam xưng tụng bà Ngọc Phi là Bà Chúa Tầm Tang, vì đã có công lớn trong việc khuyến khích nghề trồng dâu nuôi tằm. Vùng đất này nổi tiếng với các mặt hàng tơ lụa không thua kém gì hàng của nước ngoài, một phần là nhờ chủ trương đúng đắn của bà. Hiện nay, lăng mộ của bà, gọi là lăng Vĩnh Diên tọa lạc tại Gò Cốc, làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (Duy Xuyên) được tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích văn hóa, lịch sử. Hằng năm đến ngày 14/3 âm lịch, nhân dân và tộc họ quanh vùng thường làm lễ dâng hương và tưởng niệm công đức của bà.
Trong tập ký sự viết năm 1621, Cristophoro Borri ghi nhận: "Còn tất cả những gì thuộc về đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất, là áo mặc, họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp, khỏi rách hay bẩn. Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng lớn như cây gai bên ta (tức ở Italy) và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được nuôi ra ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành cái kén nhỏ với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn, nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu".
Hiện nay,"thương hiệu" tơ lụa Quảng Nam vẫn còn giữ một vị trí đáng kể trên thương trường. Có một điều không thể không tự hào, tại Sài Gòn khi nhắc đến địa danh Bảy Hiền (quận Tân Bình) lập tức người ta biết đây là làng dệt của người Quảng Nam và nơi đó cũng còn giữ được nhiều thổ âm, thổ ngữ quê nhà. Cái làng dệt Bảy Hiền này nổi tiếng không kém gì Chợ Lớn - nơi tập trung hầu đông đúc người Hoa tại Sài Gòn.
Đã "lỡ trớn" lan man về chuyện dệt, thì cứ nói luôn thể. Gọi là vải Xi-ta vì vải dệt ra chắc bền, mặt vải mịn, trơn, phơi mau khô không thua gì chất lượng của loại vải Socièté Industrielle de Trxlile d’Annam do Pháp sản tại Việt Nam (viết tắt là S.I.T.A) mà người dân thường đọc trại thành Xi-ta. Sự tôn vinh nghề nghiệp qua một loại vải nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của người phụ nữ ở xứ Quảng.
Bà tên Trần Thị Khương (1906-1965) quê ở La Thọ (Điện Bàn), mọi người thường gọi bà Tân - gọi theo tên chồng. Sinh ra trên vùng đất có truyền thống về nghề dệt, sau khi có chồng, theo chồng về Đà Nẵng làm ăn, bà cũng không bỏ nghề. Cuối năm 1946, khi giặc Pháp đánh Đà Nẵng bà chạy về quê, rồi vào An Phú (Tam Kỳ) sống bằng nghề làm bánh tráng. Bà Tân khôi phục lại nghề cũ và kêu gọi thợ An Phú, xóm hàng chợ Vạn cùng góp vốn sản xuất. Bà còn có sáng kiến làm bàn quay đánh chỉ để đánh được 5 - 6 cặp, sau cải tiến nâng lên 20 - 30 cặp. Rồi từ quay tay, bà cải tiến sang đạp chân để tăng năng suất. Trong khi đó, chồng bà cùng nhiều thợ giỏi đi nhiều nơi trong tỉnh và vào tận Quảng Ngãi để tìm giống tốt và đặt hàng trồng bông kéo sợi...
Tiếng lành đồn xa. Công ty Việt Thắng - đang hoạt động tạo vốn - đã đặt hàng xưởng dệt của bà nhuộm màu tro bằng than. Không những thế, bà và những thợ giỏi đã được Công ty Việt Thắng mời đi truyền nghề cho thợ của các tỉnh phía nam. Hình ảnh những người thợ bình dị, nhẫn nại, giỏi nghề dệt đã là niềm tự hào của con dân xứ Quảng.
Làng ta ươm dịt tơ tằm
Tay thoi dịu nhút đũa tranh sợi vàng
Vải ta chẳng dúng láng giềng
Khổ tuy hẹp tré nhưng mình mịn thanh
Lụa mỡ gà, vải Hà Đông
Đông hàn ấm hỉn, hè nồng mát ghê
Tuýt-so chỉ đánh hết chê
Đúng bộ đồ lớn bắt mê bắt thèm
Sa-tanh, hạnh phước đệm bông
Mặc vô mướt rượt anh hoanh hơn nàng
Trơn lu láng cón tay rờ
Gái trai thêm ngộ, thêm gồ, thêm ngon
Ở đây ta có thể hiểu "dịt" là dệt, "dúng" là giống; "mướt rượt" là rất mướt, mướt hết chỗ chê... Đọc qua cái câu "Lụa mỡ gà, vải Hà Đông", xin đừng nhầm với đại danh Hà Đông ở ngoài Bắc trong câu thơ "Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông". Xin thưa, Hà Đông chính là Tam Kỳ ngày nay, được đổi tên từ năm 1906. Ta hiểu "hẹp tré" là hơi hẹp; "trơn lu" là rất trơn... Vậy đó, giọng nói Quảng Nam với những đặc trưng riêng đã tạo nên một bản sắc khá độc đáo...
Vậy đó, giọng nói Quảng Nam với những đặc trưng riêng đã tạo nên một bản sắc khá độc đáo. Các nhà thơ quê quán ở Quảng Nam cũng ít nhiều tận dụng yếu tố này làm nên những vần thơ đặc sắc.
Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Quán Gò đi lên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người quê Thăng Bình có cho biết nhà thơ Tường Linh, người quê Quế Sơn từng viết:
Rủ nhau vô núi hái chơm chơm,
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm.
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc,
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm.
Mùa đông tơi lá che mưa bấc,
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm.
Nghe chuyện xóm xưa thời khó lửa,
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!
Thế thì vần "ÔM" ở Quảng Nam người ta đều phát âm thành "ƠM" hết trọi. Nhưng không chỉ có thế, vần "AM" lại cũng phát âm thành.... "ÔM"! Thử đọc bài thơ của nhà thơ Tú Rua, người quê Đại Lộc:
Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm,
Ăn cục nói hòn chẳng thôm lôm.
Có chàng công tử quê Đà Nẽng,
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm.
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ,
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm.
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội,
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.
Ta thử đọc thêm bài thơ Hồi xưa tôi đã tỏ tình của nhà thơ NNA để hiểu thêm một vài từ thông dụng khác:
Nè mi mới dọn tới bên nhà
Dị òm tau cũng bước chưn qua
Ba đi một cấp, răng về kịp?
Mẹ chắc giờ ni ở chỗ bà

Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên
Tết ni không nói chuyện tình duyên
Tết mô mới nói cùng mi hỉ
Không nói mần răng ván đóng thuyền
Nói thiệt chớ ai thèm nói lung
Nghĩ chi lạ rứa, tội tau không
Gặp mi bửa nớ ưng mi gướm
Cái nhớ mỗi ngày thêm nhớ hung
Quà xuân, tau nhét vô trong thụng
Xí nữa gặp mi, tau lấy ra
Còn y nguy đó, răng mà mất
Rủi mất thì tau sắm lại quà...
"Tau" là "tao", "chưn" là chân; "dị òm" là mắc cỡ, mắc cỡ lắm lắm; "một cấp" là một lát; "nói lung" là nói giỡn; "ưng" là thương; "gướm" là "gớm"; "nhớ hung" là rất nhớ, nhớ lắm; "thụng" là túi; "xí nữa" là chút nữa; "y nguy" là y nguyên; "răng" là sao, làm sao... Sực nhớ, nhà thơ Dũng Hiệp của đất Quảng đã từng viết mấy câu thơ như vầy:
Tiếng Quảng Nam mình nói rất thô
Vần "ao" thì lại nói vần "ô"
Chơi xuân khách Mỹ trên hè phố
Dắt chó ngao mà nói chó ngô!

Đấy! Tiếng Quảng Nam thô kệch vậy, như "cháo" thì phát âm thành "chố", "gạo" thành "gộ"... Nhưng bằng sự thông minh, tài trí của mình, người ta đã vận dụng để giáng một đòn độc chiêu. Bốn câu thơ trên được viết vào thời 1963. "Dắt chó ngao mà nói chó ngô". Ngô nào vậy? Thật thâm trầm và sâu sắc biết chừng nào.

Thật ra, viết được như thế không khó, nhưng nghĩ ra cách phổ biến công khai nơi chốn đông người là không dễ dàng chút nào. Vậy người Quảng Nam đã tài trí ra sao? Lần nọ đêm diễn hát bội đông nghìn nghịt người đến xem, đến đoạn cao trào nhất, thiên hạ vỗ tay vang trời bỗng trên sân khấu xuất hiện hai vai hề Ất và Giáp. Giáp thao thao bất tuyệt mọi chuyện, còn Ất lại ngậm như hến, cậy miệng cũng không nói nửa lời. Không chỉ Giáp mà khán giả cũng ngạc nhiên. Bực mình, Giáp quát:

 - Ất! Mày câm rồi sao?
- Tao không câm.
- Không câm sao nẫy giờ mày cứ câm như thóc?

Ất mếu mó đáp:
- Bởi tao là… người Quảng Nam!

Trời đất sao lạ vậy? Nghe Ất nói thế ai nấy cũng đều thắc mắc tợn và chăm chú nghe tiếp câu chuyện đang diễn ra. Giáp nói:
- Thôi đi cha nội. Người ta thường nói "Quảng Nam hay cãi", chứ có như mày đâu! Mày cứ "ngậm miệng ăn tiền"!

Tỉnh bơ như không, Ất vẫn rầu rầu nét mặt, chậm rãi từng lời:
- Anh Giáp ơi! Người Quảng Nam hay phát âm sai, nói chớt nên người ta làm thơ châm biếm đó!
- Tưởng gì! Chế giễu giọng Quảng Nam thì tao nghe rồi, nhưng thơ châm biếm thì chưa. Mày đọc cho tao nghe thử coi!
Chỉ chờ có thế. Ất há mồm ra được rành rọt từng chữ. Xong, Giáp gật gù bình:

- Đúng! "cháo gạo" thì thành "chố gộ", "ao" đọc thành "ô" là đúng giọng Quảng Nam rồi. Hay! Hay! Mày hãy đọc lai cho bà con thưởng thức. Nhưng thôi, mày hãy để tao ngâm cho mùi mẫn.
Thế là bài thơ này lại vang lên công khai một lần nữa. Ai nấy cũng vỗ tay khoái chí. Cho dù lúc ấy, bọn mật vụ có len lỏi đâu đó cũng không thể bắt bẻ gì được.
Tiếng Quảng Nam là vậy. Người Quảng Nam là vậy. Cho dù bây giờ không ít từ nếu muốn hiểu cần phải có… "phiên dịch", nhưng tôi trộm nghĩ rằng, đã có một thời gian dài, rất dài giọng nói Quảng Nam được xem là "chuẩn"!
Nghe cứ như đùa!
Suy nghĩ trên không phải không có cơ sở. Ngược dòng lịch sử, ta thấy Quảng Nam có thời kỳ còn được doanh nhân nước ngoài khi giao thương buôn bán ở Đàng Trong gọi "Quảng Nam quốc". Lý do của sự ra đời của tên gọi ta đã biết, không nhắc lại. Thế thì khi giao thiệp, người nước ngoài ắt phải bắt chước theo giọng nói, cách nói của cư dân địa phương. Đây là một lẽ hiển nhiên. Một sự tác động hoàn toàn toàn lô-gich, chứ không phải là sự suy luận lúc “trà dư tửu hậu”. Nay ta cứ nghe người Nga nói tiếng Việt thì rõ, hầu hết đều phát âm theo giọng Hà Nội, bởi họ được học với người Hà Nội. Đơn giản thế thôi. Với lập luận này, tôi ngờ rằng, ngay cả các chúa Nguyễn khi đóng dinh trấn tại Quảng Nam thì giọng nói cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong thổ, khí hậu… nơi đây. Dấu ấn của giọng Quảng không chỉ có trong thời chúa Nguyễn, mà đến cuối triều Nguyễn nó vẫn còn giữ một vị trí quan trọng. Theo Vương Hữu Lễ (Khoa Văn Đại học Khoa học Huế): "Ngay trong thời kỳ cuối của triều Nguyễn, người ta còn thấy trong những tuyên cáo hay xướng lễ của triều đình, tiếng Huế phải pha thêm giọng Quảng thì mới thích dụng” (Kỷ yếu hội thảo Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng - ấn hành năm 2001, tr. 504). Thông tin này đáng tin cậy khi mà ta biết thêm rằng, chính vua Tự Đức từng khẳng định: "Bình văn, xướng văn tất phải dùng tiếng Quảng Nam, được xem là trung thanh".

 'Quảng Nam hay cãi'. Thành ngữ này chính xác đến độ không cần phải… bàn cãi gì nữa. Quả là khó giải thích cho rốt ráo. Không rõ từ bao giờ đã có câu nói lên tính cách: 'Quảng Nam hay cãi. Quảng Ngãi hay lo'.

... Nhân đây cũng xin được nhắc luôn thể đến thành ngữ Quảng Nam, nhắc lại kẻo quên như Láo quá Trùm Cư, Ngang như ông Hoành, Chàng hãng như bà Quảng bán dưa, Giàu như Cai Nghi, Ngang như Sứ Sạc (Charle?), Nhớp như lồi... Ủa sao lại gọi “nhớp như lồi”? Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như thế, vì thuở nhỏ mỗi lần đi chợ về, thấy tôi chơi ngoài ngõ là mẹ tôi thường kéo tôi vào nhà la (mắng): “Trời! Mi nhớp như lồi. Ra sau nhà tắm mau!”. Ai trong đời cũng được mẹ mắng như thế, đến lúc tuổi trời đã xa, bùi ngùi nhớ lại thì trong lòng lại rưng rưng, cảm động...
Thế nào nào “lồi”? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, “Lồi” là “người Lồi” và ông đã giải thích như sau: “Tôi thấy ở Thừa Thiên, Quảng Nam, ngày trước lễ cúng tá thổ thường cử hành trọng thể. Tá thổ là thuê, mướn đất... Lễ này của đại giáo, các phù thủy giữ vai trò liên lạc với người khuất mặt bằng những lối riêng để đạt những yêu cầu nào đó của người sống. Lễ tá thổ sở dĩ có vì hai lý do: để an ủi tiền dân vì đã mất đất đứng và để xin tiền dân đừng vì cơn phẫn nộ truyền kiếp mà khuấy phá kẻ hậu sinh. Trong các văn tế từ Thừa Thiên (tôi chưa khảo sát những vùng khác) vào Quảng Nam, dù lời văn có khác nhau, song đại ý đều chỉ đối tượng đầu tiên là: “Chủ Ngung, Man Nương”, rồi tiếp theo lời khấn vái các cô hồn khác:
Lồi, Lạc thương vong
Chàm, Chợ, Mọi rợ
Đăng chủ hương hồn
Đồng lai cộng hưởng
Từ Lồi phổ biến đến nỗi những di tích cũ của Chàm, dù thành, quách, tượng... cũng bị Lồi hóa. Thành đất ở Quảng Trị, Huế và Quảng Nam, gần Túy Loan (Đại Lộc hiện nay vẫn còn di tích) đều được gọi là thành Lồi. Bà Thiên Y A Na, trong các văn tế cũ (chẳng hạn làng Phước Ninh- Đà Nẵng) cũng gọi là Lồi Phi phu nhân. Một số tượng nơi này, nơi nọ cũng gọi tượng Bà Lồi.

 Vậy Lồi là một sắc dân có thật, không phải là Chàm, chỉ bị người sau vì thói quen đồng hóa với Chàm. Văn tế minh xác điều ấy, không lầm lẫn được”.
Như thế, trên đất Quảng Nam xưa, không phải người Chăm là chủ nhân đầu tiên mà còn có những sắc dân khác nữa - như Lồi, Lạc - tạo nên lịch sử vùng đất này.
Còn cách giải thích nào không? Tất nhiên là còn. Tìm đọc trong tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue) tập X năm 1923, tôi thấy có bài “Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam” của bác sĩ người Pháp A.Salles. Trong đó, tác giả cũng có cách lý giải rằng: “Lồi” có nghĩa là mọc từ đất, nhưng lại ứng dụng vào rất nhiều sự vật thông thường liên quan với một kỷ niệm Chàm. Ta có thể căn cứ vào điều này để chứng minh các định nghĩa thứ hai của Gabriel trong từ điển của ông: “Người Lồi” là người của nước Cham-pa, có được không? Tại Quảng Nam, tôi không hề thấy tiếng gọi tên này được vận dụng trực tiếp cho người đã bị mai mốt, nhưng tôi nghĩ rằng đối với người An Nam, ý tưởng nằm trong định nghĩa này là nhắm vào đồ vật và nơi chốn. Họ gọi thành Lồi để chỉ các hào lũy phòng thủ xưa kia của người Chàm. Một địa điểm xưa kia được gọi là “cồn lồi”, một địa điểm khác xưa kia có cây mít to, được gọi là “mít lồi” và đây là một địa điểm rộng có nhiều gạch cho thấy một công trình xây đắp bị đổ nát”.

 Tất nhiên, tôi vẫn chọn lấy cách giải thích của ông Nguyễn Văn Xuân, nhưng vẫn nêu thêm ý kiến này để bạn đọc rộng đường tham khảo.
Xin được nhắc lại, bàn về giọng nói, tiếng nói Quảng Nam là một chuyên đề lớn. Trên đây chỉ mới là những suy nghĩ bất chợt và được trình bày trong tâm thế của một người con xa quê khi gặp lại đồng hương tại quê người mà có lần tôi tự nhủ:

Hồn quê ở tận đâu đâu
Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà
Ở gần đây chứ đâu xa
Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi

Chúng ta từng thấy Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh đã làm Từ điển tiếng Nghệ (NXB Nghệ An, 1998), Bùi Minh Đức làm Từ điển tiếng Huế (NXB Văn Học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học XB năm 2004), Nguyễn Văn Ái chủ biên Phương ngữ Nam bộ (NXB TP. SG, 1994)… Biết đến bao giờ mới có người Quảng Nam đứng ra làm quyển Từ điển tiếng Quảng Nam?

Quảng Nam hay cãi
“Quảng Nam hay cãi”. Thành ngữ này chính xác đến độ không cần phải… bàn cãi gì nữa. Quả là khó giải thích cho rốt ráo. Không rõ từ bao giờ đã có câu nói lên tính cách:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co
Thừa Thiên ních hết
Lại còn có câu nói về tài năng của người dân mỗi tỉnh như:
Hát bội Quy Nhơn
Hầu đòn Quảng Ngãi
Thơ lại Quảng Nam
Hò khoan xứ Huế
hoặc:
Ai về Bình Định mà nghe
Nghe thơ chàng Lía, nghe vè Quảng Nam
Để làm nên sự “nổi tiếng” cho bệnh hay cãi còn là do tính cách bộc trực, nặng về lý trí của người Quảng Nam nữa. Khi cãi, người kia cho dù dần dần nhận ra mình cãi không đúng, đuối lý nhưng họ vẫn... quyết tâm cãi đến cùng! Vì thế, người này dù biết mình đang thắng thế, nhưng cũng khó mà thuyết buộc người kia chấp nhận lý lẽ của mình. Trong trường hợp này, ở Quảng Nam có một câu rất lạ để chê “đối phương” đang cãi với mình dù đuối lý mà vẫn gân cổ lên cãi là “cãi dóng”... Cũng có khi mình đang đuối lý, nhưng cũng quyết buông một câu xuôi xị “Cãi làm gì với cái đồ… cãi dóng đó”. Ta thấy gì? Cho dù thế nào đi nữa người Quảng vẫn cố vớt vát, chứ chưa chịu thua hẳn. Nói thế nhằm ngụ ý ta đây “không thèm chấp”, chứ nào phải thua đâu! Cứng đầu đến thế là cùng. Và cách nói lái ngộ nghĩnh ấy có thể khiến đôi bên bật ra tiếng cười để khép lại vấn đề đang tranh luận.

 Đặt trong mối quan hệ chung của cộng đồng xã hội, có thể do hay cãi mà họ gặp phải nhiều trắc trở trên con đường hoạn lộ vì ở đời mấy ai chịu nghe, chịu chấp nhận người khác - nhất là người vai vế thấp - dám cãi lại mình!

Mà thói đời, muốn cãi cũng không phải dễ. Muốn cãi ít ra trong đầu phải có một lập luận nào đó để phản bác lại vấn đề người ta đang đặt ra. Muốn cãi thì phải có thông tin. Người Quảng Nam không thiếu thông tin. Họ sống trên một vùng đất trù phú từng được gọi “Quảng Nam quốc” nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin; được cập nhật thông tin qua sinh hoạt “trên thuyền dưới bến” nhộn nhịp suốt mấy thế kỷ. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong khi cãi, người Quảng nặng về lý hơn về tình. Đây là một nhược điểm hay ưu điểm? Với họ, khi đã cãi thì yếu tố tình cảm ít khi có thể xen vào được. Vì thế, đôi khi đỏ mặt tía tai cãi nhau, để rồi sau đó, tự thâm tâm họ cảm thấy mình có điều gì chưa phải lắm. Lý không sai, nhưng tình đã “bay đi ít nhiều”. Điều này, cho thấy người Quảng ít uyển chuyển, mềm mỏng trong tranh luận, bởi họ quên rằng, có nhiều chuyện tưởng là đúng, cần phải gân cổ cãi cho bằng được, nhưng rồi “một bó lý không bằng một tí tình”. Ấy mới là sự vận hành trong các mối quan hệ xã hội, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Người Quảng ít khi nghĩ như vậy. Họ thường rạch ròi mọi chuyện.

 Bất kỳ chuyện gì, người Quảng cũng có thể cãi. Ấy mới là tài. Ấy mới là giỏi. Ngay cả chuyện trai gái tình tứ, họ cũng… cãi cho bằng được. Ngày trước, các nho sinh thường ra Huế thi cử. Có người đùa:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy o gái Huế chân đi không đành
Đùa, nhưng ngụ ý là khen đấy thôi. Khen cho cái tính đa tình của cậu học trò chân đất, hiền lành như khoai như sắn và tất nhiên trong câu đùa đó cũng thấp thoáng cái ý khoe rằng gái Huế là đẹp. Thử hỏi, thấy gái đẹp thì ai không mê, không ngắm nhìn cho thỏa thuê con mắt? Có thể ngắm nhìn rồi quên đi trong thoáng chốc, nhưng cũng có thể tơ tưởng đến ngày sau. Chuyện cũng bình thường thôi. Thế nhưng, họ cũng cãi lại cho bằng được:
Học trò xứ Quảng ra thi
Mấy cô xứ Huế chân đi không đành
Chỉ thay đổi một chữ, nhưng ngữ nghĩa đã khác hẳn. Dường như cái máu “hay cãi” đã thường trực luân chuyển trong tâm thức của người Quảng. Người ta thường kháo với nhau cách trả lời “xóc hông” của con dân Ngũ Hành Sơn. Đại loại có người từ xa đến một vùng nọ, do mù mờ đường đi nước bước nên mới lễ phép hỏi:
- Thưa bác, có phải đường này dẫn lên Đèo Le không?
Thay vì gật hoặc lắc đầu và tận tình chỉ giúp người ta, thì câu trả lời “chướng” không chịu nổi:
- Chú mi nói chi lạ rứa? Đường này không đi đến Đèo Le thì đến đâu?
Chà! Thoạt nghe cách trả lời đó là đã thấy… “choáng”! Người hỏi ‘cứng họng”, ngắc ngứ không thể nói gì thêm được nữa dù có “tức cành hông”. Nói vậy thôi, chứ sau câu nói “ba gai” ấy, nếu thấy trời đã tối, đường lên đó khó khăn vì không có quán trọ tạm nghỉ qua đêm thì người chỉ đường sẵn sàng mời khách về nhà mình nghỉ để mai đi sớm! Đây là sự quảng đại, rộng rãi của người Quảng, họ tỏ ra quan tâm đến người khác cho dù mới gặp lần đầu. Trương Điện Thắng có kể mẩu chuyện khá buồn cười:
- Một lần tôi đi công tác xuống nông thôn, đi tìm hợp tác xã Bình Tú. Hồi bao cấp, ít có cơ quan nào treo bảng hiệu. Thấy dãy nhà ngói năm gian, trước là sân gạch lớn, bên phải có cái hội trường to đùng, tôi bán tin bán nghi hỏi một cậu học trò đạp xe ngang qua:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét