Xem Ô châu cận lục viết năm Ất Mão (1555),
đời Mạc Phước Nguyên, tức trước khi ông Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận
Hóa không lâu, ở hai phủ Tân Bình, Triệu Phong có làng cách mặc còn
theo kiểu Chăm.
Từ
khi Nguyễn Hoàng vào Thuận, Quảng, người Việt vào đông thêm và y phục,
khí dụng, phong tục cố nhiên là y theo kiểu họ đã sống ở bắc.
Tương
truyền rằng Chính Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ) trong khi bày mưu định kế
chống cự với họ Trịnh, đã khuyên chúa Hy Tông bắt dân thay đổi tập tục
cho khác hẳn dân bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen,
mặc quần màu nâu, đàn bà bỏ áo bốn thân mà mặc áo 5 thân gài khuy, bỏ
tóc bao mà búi tó, bỏ váy để mặc quần. Đến đời chúa Thế Tông, năm Giáp
Tý, lên ngôi vương thay đổi mũ áo các quan và bắt nhân dân cũng phải cải
cách y phục.
Phủ
biên tạp lục chép: “(Hiểu vương) xưng vương hiệu, lấy thể chế áo mũ
trong “tam tài đô hội” làm kiểu, hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng
quần áo y như Bắc quốc (Trung Quốc) để tỏ sự biến đổi... nhưng khiến phụ
nữ đều mặc áo ngắn, hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không như thế.
Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tập cũ...”.
|
Theo
Lê Quý Đôn, người Thuận Hóa sống xa hoa: “Thuận Hóa thanh bình lâu
ngày, công tư đều giàu có, y phục dùng đồ tươi đẹp. Lại trải qua thời
Hiểu vương (Nguyễn Phước Khoát) hào hoa, phóng túng, bắt chước nhau trở
thành phong tục, y phục gấm vóc, chiếu nệm bằng mây hoa, phú quý phong
lưu, đua nhau khoe đẹp [...] Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, gối dựa dọc
hàng ôm lò hương, uống trà ngon trong chén sứ bịt bạc, nhổ ống nhổ thau,
đĩa bát dùng trong ăn uống không có gì là không của Trung Quốc, một bữa
ăn ba bát lớn. Đàn bà, con gái đều mặc áo sa, là, tơ, lụa, thêu hoa ở
cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ quá lắm”. Có lẽ ở
đây tác giả Phủ biên tạp lục chỉ phong tục ở thành Phú Xuân là nơi đã
trở thành phồn hoa từ đời chúa Thế Tông, chứ các nơi khác ở Quảng Nam và
trong dân gian thì không thể xa hoa như vậy được.
Ở
đất Gia Định, người Việt mới đến kiết cư, lập nghiệp đông đúc từ đời
chúa Hiển Tông, cuối thế kỷ 17. Sách Gia Định thông chí chép: “Gia Định
là đất phương Nam của nước Việt. Khi mới khai thác, lưu dân nước ta cùng
người kiều ngụ như Đường (Trung Quốc), người Cao Miên, người Tây dương,
người Phú Lang Sa (Pháp), người Hồng Mao (Anh), Mã Cao (người Tây ở
Macau đến), người Đồ Bà, ở lẫn lộn, nhưng về y phục, khí cụ thì người
nước nào theo tục nước ấy. Người Việt vẫn theo tập tục của Giao Chỉ...
Quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, sĩ
thứ thì búi tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo ngắn tay, bâu
thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai thì dùng một miếng vải
cột từ lưng thẳng xuống dưới háng, quanh lên đến rốn, gọi là cái khố,
đội nón lớn, hút bình điếu, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không
có bàn ghế. Vua Thế Tông cải định sắc phục của quan văn, quan võ, tham
chước các đời Hán, Đường, Minh mà chế ra, còn y phục, gia thất, khí dụng
của sĩ thứ thì đại lược như thể chế đời Minh, bỏ hết tục xấu Bắc Hà mà
làm một nước y quan văn hiến vậy”.
(Theo Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558 - 1777 (Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), NXB Khoa học Xã hội 2016)
Phan Khoang / Theo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét