Có biết bao tin, bài, băng, ảnh,
phim kịp thời và trực tiếp ghi nhận sự kiện lịch sử ở Việt Nam ngày
30-4-1975. Thế nhưng, bản thân các phóng viên – tác giả những tác phẩm
báo chí vô cùng giá trị ấy – lại hiếm được ghi nhận. Dẫu tư liệu còn hạn
chế, chúng tôi vẫn cố gắng tái hiện hoạt động của một số nhà báo tại
Sài Gòn vào nhật điểm đáng nhớ đó.
Bài này công bố lần đầu trên tạp
chí Thế Giới Mới 132 (5-1995), đăng lại trên tạp chí Tài Hoa Trẻ 207+208
(24-4-2002), bổ đính vào tháng 4-2015.
Thứ tư 30-4-1975 nhằm ngày 19 tháng 3 năm Ất Mão / Mẹo mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới.
Khi chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội xuất hiện trước cổng dinh Độc
Lập, kim đồng hồ trên tháp chuông nhà thờ Đức Bà gần đó chỉ 11 giờ 15
phút (tức 12 giờ 15 tính theo giờ Hà Nội). Bà Francis Staner, phóng viên tạp chí Time của Hoa Kỳ, lập tức hướng ống kính máy ảnh lên và nhấn nút.
– Tôi nghĩ phải chụp ngay chiếc đồng hồ này để xác định giờ phút lịch sử trọng đại.
Sau này, bà Francis Staner trao tặng tấm ảnh quý cho ban biên tập báo
Quân Đội Nhân Dân ở Hà Nội và nói vậy. Cùng với tấm ảnh kia, bà còn
chụp một số bức độc đáo khác, chẳng hạn ảnh tốp lính Mỹ cuối cùng vội vã
leo lên máy bay trực thăng rời Việt Nam vào chiều 29-4-1975. Phối hợp
với ảnh do phóng viên người Hà Lan Hubert van Es (phóng
viên hãng thông tấn UPI) chụp cùng cảnh tượng, cùng thời điểm, các nhà
nghiên cứu lịch sử đủ tư liệu cần thiết nhằm tái thẩm định chi tiết quan
trọng: chiếc máy bay đó chẳng phải cất cánh từ Đại sứ quán Hoa Kỳ trên
đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) như nhiều người bấy lâu lầm
tưởng, mà từ sân thượng cao ốc Pittman Apartment trên đường Gia Long
(nay là đường Lý Tự Trọng)(1).
Đáng lẽ bà Francis Staner đã đáp phi cơ trở về Mỹ từ chiều 29-4-1975
rồi. Suy đi tính lại, bà quyết định “bám trụ”. Francis Staner cho biết:
– Tôi cầm chắc nán lại Sài Gòn sẽ gặp không ít khó khăn, bất trắc.
Song, đời làm báo mấy khi có dịp được chứng kiến một sự kiện có tầm cỡ
đến thế.
Nên nhớ rằng năm 1975, nữ phóng viên Francis Staner đã xấp xỉ lục tuần.
Một nữ nhà báo Pháp là Françoise Demulder (tên thân mật là Fifi)(2)
được bách khoa toàn thư mở Wikipedia xem “là phóng viên ảnh duy nhất
chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính của dinh Độc
Lập trưa 30-4-1975”. Thế mà suốt thời gian dài, dư luận cứ khăng khăng
rằng xe tăng 843 làm điều nọ. Những tấm ảnh của Françoise Demulder công
bố tại Việt Nam năm 1995 đã xóa bỏ ngộ nhận kia.
Một phóng viên khác là James Filton, người Anh, cũng
khước từ lời yêu cầu di tản của Đại sứ quán Anh tại Sài Gòn vào thời
điểm đó. Chính anh đã xin phép leo lên một chiếc xe tăng của đoàn quân
giải phóng tiến vào dinh Độc Lập và chụp được hàng loạt bức ảnh đáng
giá.
Tương tự, còn có D. Wilson – phóng viên đài BBC – đã
suy nghĩ rất lung: nên đi hay nên ở? Cuối cùng, vì đam mê nghề nghiệp,
Wilson ở lại Sài Gòn, đeo quanh mình ba máy ảnh cùng máy ghi âm và lao
ra phố, săn tin.
Trong giờ phút lịch sử đó, khi chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội húc
đổ cánh cổng sắt của dinh Độc Lập rồi trung úy Bùi Quang Thận cầm lá cờ
sao vàng năm cánh lao vút qua sân, băng lên các bậc thềm, đoạn cắm trên
nóc dinh, thì đội ngũ nhiếp ảnh, quay phim của quân giải phóng chưa kịp
đến. Còn lực lượng ký giả trước đấy vẫn hành nghề tại đô thành Sài Gòn
đâu? Rất tiếc, họ phần đông phải lo… cao chạy (về nhà) hoặc xa bay (ra nước ngoài) mất rồi, ngoại trừ Phạm Kỳ (bút danh Kỳ Nhân, phóng viên hãng AP), Hoàng Văn Cường (phóng viên hãng UPI), Nguyễn Vạn Hồng (bút danh Cung Văn), Hà Huy Đỉnh (chủ bút tờ Kinh Tế Thị Trường Sài Gòn), Lý Quí Chung (bút danh Chánh Trinh – bấy giờ là Tổng trưởng Thông tin(3)).
Nên nêu phương danh một người, dẫu không phải phóng viên song là nhân
vật uy tín trong ngành truyền thông đại chúng: tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng
đã cùng Nguyễn Hữu Thái đưa chiến sĩ Bùi Quang Thận lên nóc dinh Độc
Lập để treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Hoàng Văn Cường lao ra ngoại ô, đến ngã ba Vũng Tàu thì thấy xe tăng
bộ đội. Nhanh trí cởi áo giáp chống đạn, đeo cả chùm máy ảnh, phóng viên
gốc Huế này đưa tay vẫy. Một xe tăng cho Hoàng Văn Cường quá giang. Các
chiến sĩ trên xe tăng hỏi chuyện thì nhà báo Việt đáp bằng tiếng Nhật.
Nhờ vậy, Hoàng Văn Cường vào được dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. Sau này,
Hoàng Văn Cường cho biết:
– Lúc ấy là chiến tranh và tôi làm cho một hãng thông tấn của Mỹ.
Thật sự, ai biết họ sẽ làm gì? Lúc ấy chỉ biết cách vận dụng những thứ
mình có được để tự vệ, nên tôi đã giả làm một phóng viên của Nhật Bản
đến đưa tin về chiến tranh Việt Nam.
Vì những lý do đã nêu, phần lớn những bức ảnh, thước phim, cuốn băng
ghi âm trực tiếp phản ánh diễn biến mọi mặt ở dinh Độc Lập và cả địa bàn
Sài Gòn từ sáng đến trưa 30-4-1975, đa số của các nhà báo nước ngoài.
Nhiều người trong số này về sau đã chuyển giao các tác phẩm “để đời” đó
cho Việt Nam, như trường hợp quý bà Francis Staner và Françoise Demulder
kể trên.
Sự cố khó ngờ: tại Đài Phát thanh Sài Gòn, mọi người loay hoay mãi mà
không tìm ra máy để ghi âm lời tuyên hàng của Tổng thống, Đại tướng
Dương Văn Minh. Cơ khổ, thời điểm đó mà hai chiếc máy cassette bị rối
băng! May thay, một phóng viên Tây Đức là Börries Gallasch
(báo Der Spiegel) xuất hiện, dùng máy ghi âm của mình nhanh chóng thu
thanh. Ngay sau đó, từ băng của Börries Galassch phát đi phát lại khắp
nước ta và trên toàn thế giới qua làn sóng điện cũng như các bộ phim tài
liệu: lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh,
lời “kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa
bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường” của Thủ tướng Vũ Văn
Mẫu, lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng, lời phát biểu và
tiếng hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà Nguyễn Hữu Thái làm phát thanh viên “bất đắc dĩ”.
Cho đến nay, cuốn băng gốc vẫn được Börries Gallasch giữ gìn cẩn thận. Gallasch(5) cười:
– Cùng với cuốn băng gốc này, tôi còn giữ cái… núm cổng dinh Độc Lập
bị văng ra do xe tăng húc đổ vào thời điểm 30-4-1975. Đó là hai kỷ vật
vô giá trong đời làm báo của tôi.
Kiểm tra lại tư liệu, mới hay: ngay trong khuôn viên dinh Độc Lập
trưa 30-4-1975, khoảng 20 nhà báo nước ngoài hiện diện, thuộc nhiều quốc
tịch khác nhau gồm Pháp, Anh, Đức, Úc, Bỉ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Sĩ,
Thụy Điển, v.v.
Các nhà báo Việt Nam từ miền Bắc có mặt rất sớm tại dinh Độc Lập là thiếu úy Đậu Ngọc Đản và Hoàng Thiểm (Thông tấn quân sự của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị), thượng tá Bùi Tín (bút danh Thành Tín) và trung tá Nguyễn Trần Thiết (cùng làm báo Quân Đội Nhân Dân).
Qua các phương tiện truyền thông, Đậu Ngọc Đản kể rằng ông trên chiếc xe tăng thứ 4 của lữ 203, E66, F304(4),
tiến vào dinh Độc Lập lúc 11 giờ rưỡi, do đó kịp chụp bức ảnh đại úy
Phạm Xuân Thệ cùng binh nhất Bàng Nguyên Thất dẫn giải Tổng thống Dương
Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu từ dinh Độc Lập đi xe Jeep sang Đài
Phát thanh Sài Gòn để tuyên hàng (5). Tuy nhiên, trong bài Nhân chứng hồi tưởng ngày đại thắng qua bức hình lịch sử
đăng báo Pháp Luật Việt Nam 29-4-2012, T. Dương và T. Hải ghi nhận lời
của Bàng Nguyên Thất rằng tấm ảnh này “do một nhà báo Pháp chụp lại
được, sau đó đã gửi tặng một số hình ảnh, phim cho trung đoàn làm kỷ
niệm. Tấm hình này đã được trưng bày trong nhà truyền thống của trung
đoàn, sư đoàn, quân đoàn, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trên
các trang báo trong và ngoài nước phản ánh về chiến thắng lịch sử ngày
30-4-1975 của dân tộc Việt Nam.”
Bùi Tín và Nguyễn Trần Thiết có mặt ở dinh Độc lập lúc 12 giờ 12
phút. Tại đây, cả hai đang viết bài thì trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy
lữ đoàn 202, và trung tá Nguyễn Văn Hân, trưởng ban bảo vệ của quân đoàn
2, đề nghị lên tầng 2 gặp nội các Dương Văn Minh vừa từ Đài Phát thanh
Sài Gòn quay về Dinh Độc Lập. Trung tá Hân vào phòng khánh tiết, loan:
– Tất cả đứng dậy! Sắp có một cán bộ cao cấp của quân đội nhân dân vào gặp các ông!
Đúng lúc đó có tổ quay phim của quân giải phóng gồm hai người xuất hiện. Tổng thống Dương Văn Minh cất tiếng:
– Thưa quý ông! Chúng tôi chờ quý ông từ buổi sáng đặng chuyển giao chính quyền.
Bùi Tín liền đáp:
– Các ông còn có gì mà bàn giao? Không thể bàn giao khi trong tay không còn có gì!(6)
Nhắm tránh căng thẳng, Bùi Tín thêm:
– Hôm nay là ngày vui. Hòa bình đã đến. Cuộc chiến tranh đã kết thúc.
Chỉ có người Mỹ thua. Tất cả người Việt Nam ta là người chiến thắng.
Bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều có thể coi ngày hôm nay là ngày vui
lớn của mình.
Giáo sư Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách kinh tế, gặp riêng Bùi Tín nhằm báo cáo:
– Xin báo với riêng ông một tin quan trọng: bọn này đã giữ lại trong
Ngân khố quốc gia hơn 16 tấn vàng, không cho họ mang ra khỏi nước, mong
quý ông báo ra Hà Nội cho người vô nhận.
Đến chiều 30-4-1975, nhiều nhà báo của quân giải phóng ào ạt đổ về Sài Gòn. Cớ sao có sự chậm trễ thế? Hãy nghe nhà thơ Trần Mạnh Hảo – lúc bấy giờ là phóng viên chiến trường của tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng – giải thích lý do :
– Theo kế hoạch giải phóng Sài Gòn, sư đoàn 7 anh hùng được phân công
nhiệm vụ cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập. Tất nhiên, lực lượng
phóng viên xung kích bám theo sư 7. Ngờ đâu, sư đoàn này vấp phải phòng
tuyến của địch ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Vậy là đánh nhau chí tử. Mãi tới 4
giờ chiều, tôi cùng các đồng nghiệp mới vào Sài Gòn được. Ôi! Bước đi
giữa phố xá mà cứ ngỡ bay trong cõi mộng du. Lúc ấy, với cảm xúc tức
thời, tôi làm ngay bài thơ Chưa bao giờ Sài Gòn đẹp như hôm nay đăng báo Sài Gòn Giải Phóng số 2. Bài thơ này, về sau được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ thành ca khúc, nghe cũng… vui vui.
Sẩm tối 30-4-1975, đoàn làm phim số 4 bám theo chiến dịch Hồ Chí Minh cũng tới Sài Gòn. Đoàn do Đặng Nhật Minh
làm đạo diễn. Xin trích một đoạn hồi ký của Đặng Nhật Minh thuật lại
cảnh đoàn phim vào dinh Độc Lập: “Sau khi đi hết một vòng quanh khu vườn
rộng, chúng tôi tò mò bước vào trong dinh. Trên hành lang đá hoa, một
vài chiến sĩ gối đầu lên ba lô ngủ say sưa. Tôi bước vào lễ đường chính
của dinh. Không một bóng người. Những chiếc ghế bọc nhung nằm im lặng…
Hai anh quay phim Dương Đình Bá và Thẩm Võ Hoàng vừa kiếm được ở phòng
bên hai chiếc đèn pha cầm tay. Chúng tôi quay những cảnh đầu tiên cho bộ
phim tài liệu Tháng 5 – những gương mặt.”.
Đêm 30-4-1975, tại các khách sạn lớn ở trung tâm “Hòn ngọc Viễn Đông”
như Caravelle, Continental, Palace, Majestic, nhiều nhà báo trong lẫn
ngoài nước tụ tập phối kiểm tin tức rồi thân mật liên hoan. Đây là hình
ảnh ghi nhận trong đại sảnh khách sạn Continental tọa lạc cạnh Nhà hát
lớn thành phố khuya hôm đó: phóng viên Pháp Jean Labé mở lon thịt hộp và
bật rượu champagne, chạm cốc với 9 đồng nghiệp thuộc 7 quốc tịch khác
nhau đang quây quần thành vòng tròn. Họ hào hứng uống “cent pour cent”
(100%) rồi đồng thanh hát:
– A la paix! At the peace! Mừng hòa bình! ♥
________________
(1) Tiếc rằng mãi đến nay, nhiều ấn phẩm vẫn mắc sai sót này, chẳng hạn sách ảnh Đại thắng mùa xuân 1975 và những đổi thay kỳ diệu của đất nước do
Bùi Hoàng Chung hợp soạn với Nguyễn Trọng Thơ (NXB Thông Tấn, 2014),
trang 153 in ảnh vừa đề cập của Hubert van Es mà không ghi tên tác giả,
lại chú thích: “Cuộc tháo chạy trên nóc tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn”.
(2) Chào đời ngày 9-6-1947 tại Paris, thủ đô nước Pháp, Françoise
Demulder thoạt làm người mẫu, đoạn bắt đầu sự nghiệp phóng viên chiến
trường năm 1972 tại Việt Nam, sau đó lăn lộn tác nghiệp báo chí tại các
nước Angola, Liban / Lebanon, Campuchia, Salvador, Ethiopia, Pakistan,
Cuba, Iran, Iraq, cả Nam Cực. Cộng tác với các hãng tin ảnh Gamma và
Sipa cùng nhiều tạp chí uy tín như Time, Life, Newsweek, bà trở thành nữ
phóng viên đầu tiên đoạt giải thưởng ảnh báo chí thế giới / World Press
Photo năm 1977 với ảnh phản ánh tình cảnh người Palestine tị nạn tại
Liban. Vì ung thư bạch cầu, Françoise Demulder từ trần ngày 3-9-2008 tại
Levallois-Perret, tỉnh Hauts-de-Seine, Pháp.
(3) Tổng trưởng là Bộ trưởng.
(4) Ký hiệu phân cấp của bộ đội Việt Nam. A: tiểu đội. B: trung đội. C: đại đội. D: tiểu đoàn. E: trung đoàn. F: sư đoàn.
(5) Börries Gallasch trở về CHLB Đức, viết và ấn hành sách Ho-Tschi-Minh-Stadt (NXB Rowohlt Rororo Reinbeck, Hambugr, 9-1975). Dương Đình Bá đã Việt dịch với nhan đề TP. Hồ Chí Minh giờ khắc số 0 (NXB Thời Đại, Hà Nội, 2010).
(6) Theo hồi ức, những người này, kẻ trước người sau đều phát biểu ý
ấy với Tổng thống Dương Văn Minh vào ngày 30-4-1975: trung úy Phạm Xuân
Thệ, trung tá Bùi Văn Tùng.
Sưu tầm trên Internet
Sưu tầm trên Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét