XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

ĐẬP BÁI THƯỢNG VÀ CỬA ĐẠT QUA BÀI VIẾT-SÔNG CHU NGÀY ẤY BÂY GIỜ

ĐẬP BÁI THƯỢNG VÀ CỬA ĐẠT QUA BÀI VIẾT-SÔNG CHU NGÀY ẤY BÂY GIỜ
Sông Chu- đoạn qua núi Mục
                                                   SÔNG CHU NGÀY ẤY... BÂY GIỜ
                                                                                           Bút ký của Lê Xuân
         Thế là đã tròn 10 năm tôi lại mới có dịp về thăm quê, về với dòng sông Chu, nơi đã tắm mát tuổi thơ tôi với bao vui buồn. Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa, tôi và nhà thơ Phạm Đình Ân rong ruổi trên xe hon-da theo đường đê sông Chu về làng Hón, Thọ Hải, Thọ Xuân, nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời.
        Gặp lại sông Chu giữa những ngày tháng bảy mưa ngâu sùi sụt, một cảm giác lâng lâng xâm chiếm tâm hồn tôi. Mọi năm vào thời điểm này dòng sông đã ngập nước trắng xóa nhưng năm nay có lẽ do ảnh hưởng khí hậu toàn cầu đang nóng dần nên ít mưa, Thanh Hóa vừa trải qua một đợt nắng hạn, khủng khiếp, sông Chu có chỗ cạn trơ đáy, lội từ bên này sang bên kia nước ngập chưa quá đầu gối. Có chỗ lục bình lấp 1/3 dòng chảy. Trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ trên triền đê. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày xa.
  1- Sông Chu ngày ấy:
         Theo ông Lê Xuân Kỳ- Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Thanh Hóa, cho biết: “Sông Chu hay còn gọi là sông Lường (ngôn ngữ Tày, Thái gọi là Nậm Sam, nguyên gốc gọi là sông Sủ, người Pháp viết thành Chu, là phụ lưu lớn nhất của sông Mã. Bắt nguồn từ vùng núi Houa cao 2.062m phía tây bắc Sầm Nưa(Lào), chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, rồi đổ vào bờ hữu sông Mã ở Ngã Ba Giàng (Ngã Ba Đầu, Ngã Ba Bông), cách cửa sông 25,5km. Có người suy từ sông Mã là “ngựa” rồi cho rằng “Chu” là do tiếng Mường phát âm chệch là “Trâu” (con trâu) nên gọi là sông Chu thì chưa đủ căn cứ thuyết phục”.
         Sông Chu dài 325km, phần chảy vào Việt Nam 160km, qua các huyện Quế Phong (Nghệ An), Thường Xuân, Thọ Xuân (Thanh Hóa). Diện tích lưu vực 7.580km², phần ở Việt Nam 3.010km2, lưu lượng trung bình 148m³/s/năm.Phía trên đập Bái Thượng, lòng sông hẹp và nhiều thác ghềnh, đá ngầm, đá nổi, vận chuyển trên sông chủ yếu bằng bè, mảng, chỉ thuyền độc mộc mới qua lại được nhưng cũng rất khó khăn. Tàu thuyền chỉ đi lại được ở hạ lưu khoảng 96 km (đoạn Ngã Ba Đầu đến Bản Don).
http://www.vncold.vn/Modules/CMS/Upload/10/YKien_BinhLuan/QLyTLoix08Vw_1_11_08/QLyTLoix08Vw_1.jpg
          Từ năm 1921 đến năm 1929,người Pháp đã xây dựng đập dâng nước Bái Thượng dài 160 m, cao 23,5m, lấy nước tưới cho hơn 50 nghìn ha đất ruộng hai vụ của Thanh Hoá. Trong kháng chiến chín năm, máy bay Pháp đã dội bom phá đập Bái Thượng, làm hàng ngàn ha đất thiếu nước chỉ trồng cấy được một vụ. Các huyện như Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định… đồng đất trắng phớ, nứt nẻ, cỏ không mọc nổi. Người dân lâm vào cảnh đói ăn triền miên.
http://www.vncold.vn/modules/cms/upload/10/TuLieu/091224/2.jpg
        Những ngày lên chín lên mười, chiều chiều tôi thường cùng lũ trẻ trong xóm thả bò trên bãi Tự Nhiên ven sông đoạn từ làng Hón tới làng Hương. Bên kia là bến đò Lược, bờ sông lở thẳng đứng, trơ đất đỏ. Còn bên này là bên bồi, bãi cát chạy dài cỏ mọc chi chít, nhiều nhất là cỏ gà và cỏ gấu, trâu bò tha hồ ăn. Khoảng 5 giờ chiều đuổi bò về chuồng, con nào con nấy bụng căng đầy. Khi trâu bò tự do gặm cỏ, lũ chúng tôi thường chơi nhiều trò như: tập đánh trận giả, có chia làm hai phe bên Ta và bên Tây, hoặc chơi trò bịt mắt bắt dê, cướp cờ, rồi kéo co, vật nhau. Hôm thì đánh khăng, đánh đáo, hôm thì thi chạy, thi bơi… Chơi thỏa thê, khi mặt trời sắp lặn thì cùng nhau ào xuống tắm. Lại bơi sải, bơi ếch, bơi ngửa, rồi thi lặn xem đứa nào lâu nhất. Trong tất cả các cuộc thi bên nào thắng thì bên kia phải “làm trâu”, “làm bò” cõng đi khoảng 100m. Người cưỡi có quyền ra lệnh bằng tay, vỗ mạnh vào đầu, vào lưng đối phương bắt đi nhanh hay chậm. Xong rồi thì tìm những cây “cỏ gà” có “đầu” để “đá”. Hôm nào đói quá thì bên thua phải mò vào bãi ngô, bãi lạc của hợp tác xã lấy trộm luộc cho cả bọn cùng ăn. Vô phúc nếu không cảnh giới tốt mà bị bảo vệ hợp tác xã bắt được thì hôm đó bị cha mẹ cho ăn no đòn.
       Cứ thế tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng sông Chu với biết bao kỷ niệm vui buồn. Có đứa đi bộ đội rồi nằm lại chiến trường, có đứa vớt củi lụt trên sông vào mùa nước lũ bị cuốn trôi, có đứa đi lấy vợ lấy chồng xa xứ… Nhiều đứa đi làm ăn thành đạt, thành ông nọ bà kia. Còn tôi chỉ là làm anh giáo quèn dạy văn, mê thơ phú và báo chí. Nhớ lại những ngày còn bé được theo mẹ, theo chị đi chợ thì sướng lắm, nhất là những phiên chợ Tết. Trước ngõ nhà tôi có hai cây bồng bồng to phải hai người ôm mới xuể (có nơi gọi là cây Roi, trong Nam gọi là cây Mận) và phía vườn giáp đường có chín cây dừa đã lão cao đến mời lăm hai mươi mét, nên đến mùa quả là mẹ lại cho tôi theo đi chợ Đường (còn gọi chợ Tứ Trụ) bên này sông, hay chợ Đầm (Xuân Thiên), hoặc chợ Lược bên kia sông.
        Chợ thường họp gần ven sông nên cứ để mẹ ngồi bán hoa quả, tôi chạy ra bến đò xem người lên xuống đi chợ hay đứng ngắm dân vạn chài tung lưới bắt cá, nhìn những bè mảng chở gỗ, tre, luồng lững lờ xuôi dòng sông Chu. Hơn một tiếng sau mới quay lại chỗ mẹ. Mẹ đã mua sẵn mấy khúc mía tím rất mềm và ngọt, và cái bánh đa. Tôi chỉ được chia một khúc và một phần ba cái bánh đa để ăn trước, còn lại phải mang về cho anh chị và các em.
       Đẹp nhất vẫn là những đêm trăng sáng tôi cùng bạn bè ngồi tán đủ chuyện trên trời dưới đất bên bờ sông Chu. Dòng sông êm trôi lấp lánh dưới trăng như dát vàng dát bạc, gió thổi mát rượi. Có đứa đã có bạn gái nhưng không bao giờ dám hẹn ngồi tâm sự trong đêm. Lỡ bị dân quân tự vệ đi tuần bắt được thì ngày mai cả làng đều biết. Có khi bị cha mẹ đánh chửi. Xấu hổ lắm, tuy họ chưa hề hôn nhau hay thổ lộ yêu đương gì. Ngày ấy mà phạm vào “tội” yêu đương tự do lãng mạn là khó được kết nạp vào đoàn Thanh niên lao động lắm. Ít nhất cũng phải “cải tạo” lao động gánh phân, làm cỏ cho hợp tác xã cả tuần không được ghi công điểm.
        Những ngày áp Tết, dòng sông vui nhộn hẳn lên. Bến Thồn, bến Rạch, bến Lược, các mẹ các chị ngồi rửa lá dong chuẩn bị gói bánh, người đãi gạo, đãi đậu. Trẻ con cởi truồng tắm, chạy, nô đùa thỏa thích. Mỗi năm cứ sau Trung thu, nước sông trong vắt, tới dịp Tết thì sông cạn, nhiều chỗ có thể lội từ bên này sang bên kia được. Còn vào những ngày lũ lụt tháng bảy, tháng tám thì dòng sông như một con trâu điên lồng lộn, cuốn phăng tất cả những gì mà nó đi qua. Có những năm nước sông Chu dâng cao tràn khắp mấy xã ven sông. Nhà tôi có lần nước lụt ngập gần hai mét. Cả những cây cổ thụ trên rừng cũng trôi về dạt vào vườn, nhiều nhà phải trổ mái ngồi lên nóc chờ người tới cứu đưa lên đê…
      Sông Chu cứ thế là nhân chứng với bao ái, ố, hỉ, nộ cho lớp trẻ lớn lên từ bấy đến nay.
2- … Và bây giờ:
      Trên đê sông Chu từ Thiệu Hóa về Thọ Xuân chúng tôi dừng lại khá lâu ngắm đoạn qua làng Xuân Phả, Xuân Trường, nơi chúng tôi đã từng trọ học hồi cấp 2, cấp 3. Những bãi mía, bãi ngô, nương dâu chạy sát bờ sông xanh mướt. Thỉnh thoảng mới thấy một vài cây xoan, cây trẩu khẳng khiu mọc gần triền đê. Nhiều đoạn đê đã được xi măng hóa. Vài điếm canh ngày xưa vẫn còn đó, mốc meo, hoang lạnh. Làng Hương, làng Rạch sau vài chục năm, bờ sông bị lở lấn vào hàng trăm thước. Có tới một phần ba số hộ đã phải dời nhà ở đi nơi khác. Tôi đứng ngắm bến sông mà không hề thấy một bóng người ra tắm hay gánh nước như trước đây. Ở làng Rạch, làng Hón, làng Hương, làng Bún… bây giờ nhà nào cũng có giếng khoan, nhà cầu tự tiêu, nhà tắm lát gạch men chẳng kém gì thành phố. Hôm sau, trên đường đi Thường Xuân qua cầu Sông Chu tôi dừng lại ngắm đập Bái Thượng, nước tràn trắng xóa. Vẫn là cái đập ngày xưa ấy nay đã được sửa chữa, gia công lại khá vững chắc. Từ đập tràn, nước được điều tiết cho sông Đào tưới mát hàng vạn héc ta lúa hai vụ và hoa màu của huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa…
        Ngược sông Chu, cách rừng Lim chừng mươi cây số, rẽ phải vài cây nữa là tới Cửa Đạt- một công trình thủy lợi thật hoành tráng, đang thi công. Đập Cửa Đạt là một đập lớn nhất ở Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt, xây dựng từ tháng 2- 2004, với tổng số vốn hơn 10 nghìn tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11- 2009. Sau hơn hai năm thi công, ngày 2- 12- 2006, dòng sông Chu đã được chặn lại, dẫn nước tới hồ chứa hơn 1,45 tỉ m³,có thể tưới tiêu cho 9 vạn ha đất nông nghiệp của tỉnh, phục vụ nước sinh hoạt cho cư dân các huyện miền xuôi và thành phố Thanh Hoá, cấp nước cho sông Mã vào mùa cạn, đồng thời cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Cửa Đạt với công suất trên 100 MW (tương đương nhà máy nhiệt điện Ninh Bình). Ngày 31- 5- 2010 nhà máy thủy điện Cửa Đạt đã hoàn thành, hòa vào mạng lưới điện quốc gia với 2 tổ máy phát hết công suất là 400 triệu KWh/năm.

Ảnh năm 2008


Ảnh năm 2010
        Một số hạng mục quan trọng của công trình cấp quốc gia này đã thi công hoàn tất thì đùng một cái, cơn bão số 5 năm 2007 với mưa lũ lớn đã xoáy bể đập ngăn nước ngày 10- 5- 2007, làm thiệt hại hơn 50 tỉ đồng. Tới nay sự cố đã được khắc phục, các hạng mục cơ bản đã thi công xong. Rồi đây khi đập Cửa Đạt hoàn thành, cùng với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của huyện Thường Xuân, thì đây sẽ là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng, có non xanh nước biếc hữu tình, có rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, lát hoa, chò, dỗi… cùng nhiều động vật quý hiếm như vượn, khỉ, voọc xám, chim trĩ, chim công, hổ, báo, hươu , nai...
         Cả một vùng rộng lớn của tả ngạn sông Chu gồm một phần của huyện Thường Xuân, Ngọc Lạc, Thọ Xuân… giờ đã là vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường Lam Sơn tọa lạc tại thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa với hơn 3000 ha. Trước đây, dân vùng này khổ lắm. Ruỗng rẫy chỉ trồng sắn và dứa, người dân sống dựa vào rừng là chủ yếu. Những năm đói kém chỉ ăn cháo sắn “gạc nai” (sắn để cả củ, phơi khô gác lên gác bếp, bồ hóng bám đen sì, cứng như gạc con nai). Từ ngày có nhà máy đường Lam Sơn, vùng đất rộng lớn này chuyên canh cây mía theo hợp đồng ký kết thỏa thuận giữa người dân và nhà máy. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chọn giống,  cách trồng, chăm sóc, tưới tiêu cho cây mía. Vì thế đời sống bà con nơi đây đã được nâng lên rõ rệt. Suốt cả đoạn đường dài hàng chục cây số không thấy một bóng nhà tranh tre vách nứa như trước đây. Thay vào đó là những nhà ngói khang trang và nhiều nhà cao tầng mọc lên. Ông Lung, một lão nông ở thị trấn Lam Sơn cho biết: “Trước đây làm nương rẫy, trồng đủ loại cây mà vẫn không đủ ăn, một năm thiếu ăn hơn 3 tháng. Từ ngày tôi vào làm “công nhân nông nghiệp” cho nhà máy, qua mấy vụ mía trúng, tôi đã xây được nhà, sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy… Các cháu đều được học hành đến nơi đến chốn, không còn phải ăn cơm độn khoai sắn như trước đây nữa. Tôi cảm ơn ban lãnh đạo nhà máy nhiều lắm”.
       Một điều đáng ghi nhận nữa là phần lớn bà con nông dân ven bờ sông Chu đã chuyển đổi vật nuôi cây trồng. Từ việc nuôi lợn trước đây chuyển sang nuôi bò hôm nay, rất ít nhà nuôi lợn. Nhà nuôi ít nhất một con bò, nhà nhiều năm, bảy con. Bò để kéo cày, kéo xe, bò để cung cấp thịt. Con nào con nấy béo nung núc. Người ta không thả rông bò trên bãi Tự nhiên hay ở triền đê như trước đây nữa, mà nhốt trong chuồng, hoặc buộc ngoài vườn cho ăn “cỏ voi”, “cỏ mật”, ngọn mía do mỗi gia đình tự trồng trên phần đất của mình. Ngoài cỏ, bò còn được ăn thêm cám, khoai, ngô để tăng trọng… Một con bê 3 tháng tuổi có thể bán được 5- 6 triệu. Nuôi một năm có thể bán được trên dưới 15 triệu. So với nuôi lợn thì nhàn nhã nhiều mà lại ít bị bệnh, lời lãi cao hơn. Về cây trồng thì phần lớn các hộ bây giờ trồng ngô lai và mía theo những hợp đồng ký kết với các nhà máy, doanh nghiệp. Tôi có dịp tới các xã Thọ Diên, Xuân Hưng, Xuân Hòa, Xuân Trường, Thọ Nguyên, Thọ Thanh, phố Châu, phố Cống, Thường Xuân tới đâu đường làng ngõ xóm cũng đều xi măng hóa. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ, sạch, đẹp.
       Tôi bồi hồi tới mảnh đất xưa, nơi tôi học khóa 1961- 1964, trường cấp 2 & 3 Thọ Xuân còn học chung thì nay trường không còn ở đó nữa mà đã chuyển tới một địa điểm khác rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn cách trường cũ khoảng 300m, và mang tên trường THPT Lê Lợi với những dãy nhà cao tầng, rợp bóng cây xanh. Đây là ngôi trường được tách ra từ trường cấp 3 Lam Sơn Thanh Hóa, cùng với việc thành lập trường cấp 3 Hà Trung. Lúc đó là hai trường tuyến huyện lớn nhất được thành lập từ năm 1959 của tỉnh Thanh Hóa.
       Từ 6 lớp năm học đầu tiên 1959- 1960 với 257 học sinh và 12 thầy cô giáo, đến năm học 2009- 2010 trường THPT Lê Lợi đã có 36 lớp với 1.660 học sinh và 81 thầy cô giáo, cán bộ nhân viên. Trường tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (1959- 2009) thật lớn, nhưng rất tiếc chúng tôi không về được. Nhiều giáo viên, học sinh các thế hệ đã về dự, lưu niệm lại nhiều kỷ vật quý góp phần làm phong phú thêm phòng truyền thống của trường. Tiếp tôi và nhà thơ Phạm Đình Ân có cô Lê Thị Huyền- hiệu trưởng, thầy Đặng Mạnh Hồng- hiệu phó, thầy Lê Sĩ Hải- hiệu phó. Thầy Hồng cho biết: “Thế hệ các thầy và các anh những năm đó giờ không còn ai ở lại trường, hầu hết đã nghỉ hưu, có người đã mất. Chúng em là học sinh các lớp sau của trường cũng sắp hưu rồi. Điều đáng tự hào là trong 50 năm qua nhà trường đã có nhiều anh hùng, chiến sĩ, nhiều nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, người là tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, người là nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… lớn lên  từ mái trường này, làm rạng danh cho ngôi trường mang tên vị Thái tổ cao hoàng đế Lê Lợi…”.
        Và còn biết bao kỷ niệm với con người và mảnh đất bên đôi bờ sông Chu. Mươi ngày nghỉ phép mà tôi đã thăm lại được nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thọ Xuân, Bái Thượng, Cửa Đạt, Thường Xuân, Ngọc Lạc, Lam kinh, đền thờ Lê Lai, Lê Hoàn, thành nhà Hồ, bãi biển Sầm Sơn… Tới đâu tôi cũng xúc động trước cảnh trước người, và đặc biệt giọng nói lơ lớ, thân thương của “quê choa” không lẫn với bất cứ vùng miền nào. Còn dòng sông Chu mãi mãi là máu thịt của đời tôi:
                                      Sông Chu ngày ấy… bây giờ
                             Bâng khuâng nỗi nhớ, ngẩn ngơ, bồi hồi
                                      Dòng sông bên lở bên bồi
                             Lòng tôi đầy mãi những lời sông Chu…
 Thọ Hải 13 - 23/8/2010
        LÊ XUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét