"Tổ chức sinh nhật Hai Bà Trưng theo cấp tỉnh, cấp nhà nước thì rất nực cười bởi không có cơ sở nào để khẳng định Hai Bà Trưng sinh vào ngày đó cả", giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nói.
Theo thông tin từ Sở VH,TT&DL Hà Nội, từ ngày 22 đến 24/8 tại khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (H.Mê Linh, Hà Nội) lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng sẽ diễn ra với các hoạt động chào mừng. Sự kiện này gồm có: chương trình nghệ thuật 2.000 năm vương nữ đất rồng, hội thảo phát huy truyền thống Hai Bà Trưng trong xây dựng và bảo vệ đất nước, các hội thi trình diễn nghề thủ công truyền thống, các hội trại, hội chợ, lễ mít tinh kèm lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng với lãnh đạo thành phố đọc diễn văn kỷ niệm...
Sự kiện này được Thành ủy, UBND TP.Hà Nội vừa đưa ra ý kiến chỉ đạo và Sở VH,TT&DL Hà Nội cùng phối hợp với UBND, phòng VH,TT&DL huyện Mê Linh tổ chức.
Ông Hoàng Anh Tuấn, lãnh đạo H.Mê Linh cho biết, ngày sinh của Hai Bà Trưng được ghi trong sử sách. Khi H.Mê Linh làm hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Đền thờ Hai Bà Trưng những con số về ngày sinh ngày mất cũng đã được ghi trong đó. Hồ sơ này sau đó được Hội đồng khoa học họp thẩm định, thống nhất rồi trình Thủ tướng ký. Ông cũng cho biết Hội đồng khoa học chính là Hội đồng di sản quốc gia.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng, việc kỷ niệm này rất nên làm. Tuy nhiên, kỷ niệm 2.000 năm không có nghĩa là những sinh nhật khác của Hai Bà Trưng cũng sẽ được làm tiếp. “Tổ chức sinh nhật dịp 2.000 năm rồi thì chắc không phải là sinh nhật 2.010, 2.020 năm lại tiếp tục. Mốc 2.000 rất có ý nghĩa. Rất lâu mới có một cái mốc 2.000 năm nên chúng tôi phối hợp tổ chức. Vì vậy, theo chúng tôi là nên có”, ông Động nói.
Tuy nhiên, những ý kiến này đã không những không thuyết phục mà còn tạo nên nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và đông đảo người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, TP. Hà Nội đang lãng phí tiền của khi tổ chức một sự kiện không có tính xác thực về mặt lịch sử. Thêm vào đó, việc tổ chức sinh nhật cho một nhân vật mang tầm lịch sử lớn nhưng cách thời đại chúng ta những 2.000 năm như Hai Bà Trưng là không cần thiết, chỉ nên tổ chức kỷ niệm ngày mất của 2 bà là được.
Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn không hiểu BTC sự kiện kỷ niệm 2.000 năm sinh nhật Hai Bà Trưng dựa vào tư liệu lịch sử nào để khẳng định Hai Bà Trưng sinh ngày 1/8 âm lịch. Theo GS.TS Ngọc, hiện nay, các tư liệu liên quan đến nguồn gốc xuất thân của Hai Bà Trưng đều là các tư liệu dân gian, không có giá trị lịch sử xác thực.
Cách đây 40 năm, khi còn là sinh viên khoa Lịch sử. GS.TS Ngọc có được tiếp xúc với một cuốn ngọc phả ở Hạ Lôi (Mê Linh). Cuốn ngọc phả có nói đến ngày sinh của Hai Bà Trưng là 1/8 âm lịch. Tuy nhiên, bản thân GS.TS Ngọc và các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ coi thông tin trong cuốn ngọc phả này như một kênh tham khảo. Cá nhân GS.TS Ngọc cũng không tin Hai Bà Trưng sinh vào ngày 1/8 âm lịch. Vì không tin nên trong tất cả các cuốn sách lịch sử do ông biên soạn ông không hề đưa thông tin này vào.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
GS.TS Ngọc cho rằng, nếu địa phương thấy việc phải tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Hai Bà Trưng là cần thiết thì có thể làm nhưng nên tổ chức theo kiểu dân gian, trong phạm vi làng xã. Còn nếu tổ chức theo cấp tỉnh, cấp nhà nước… thì sẽ rất nực cười bởi không có cơ sở nào để khẳng định Hai Bà Trưng sinh vào ngày đó cả.
“Đấy là chưa nói đến, ở Việt Nam và các nước phương Đông không có truyền thống tổ chức sinh nhật cho các nhân vật lịch sử thuộc thời kỳ phong kiến. Nước ta chỉ có lễ mừng thọ nhưng lễ mừng thọ tổ chức khi người đó đang sống và thường tổ chức vào đầu năm, trong phạm vi gia đình, dòng tộc, làng xã. Thói quen mừng sinh nhật chúng ta học theo các nước phương Tây nhưng phương Tây mừng sinh nhật theo lịch dương chứ không theo lịch âm. Tổ chức sinh nhật mà theo lịch âm chẳng khác nào mặc áo vest với quần đùi”, ông Ngọc nói.
GS.TS Ngọc cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc TP.Hà Nội tổ chức sự kiện này: “Chúng tôi với tư cách những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Hà Nội thấy việc tổ chức sinh nhật của Hai Bà Trưng cấp thành phố là không nên. Nếu chúng ta cứ dựa trên những tư liệu không có giá trị xác thực về mặt lịch sử để tổ chức những sự kiện như trên sẽ khiến người ngoài trông vào mà cười cho vì sự hiểu biết của chúng ta về Hai Bà Trưng quá kém”.
GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng như vậy. “Chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, theo tôi như vậy là đủ”, ông Thịnh nói.
Theo GS Thịnh, theo sử sách Hai Bà Trưng có họ, có tên đệm nhưng thực tế lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ cũng khó tin.
Ông Thịnh cũng khẳng định việc Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo “chứ không phải Hội đồng di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật”.
Sưu tầm-google
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét