XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Lịch sử Đập Đồng Cam

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG ĐẬP ĐỒNG CAM - TỈNH PHÚ YÊN
 

Đập Đồng Cam được khởi công xây dựng từ năm 1924, hiện nay là nguồn nước tưới cho 19.000 ha lúa cho người dân Phú Yên - Ảnh: Tư liệu

LÊ NGỌC THÁI - Học viên Cao học, Lịch sử Việt Nam, Đại Học Quy Nhơn.
1. Nghiên cứu xây dựng đập Đồng Cam
Nhằm mục đích khôi phục nền kinh tế chính quốc, chống nạn phá giá đồng frăng, nên kể từ sau chiến tranh thế giới lần I (1914 – 1918), tư bản Pháp mở rộng quy mô vốn đầu tư ở Việt Nam, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là cao su và lúa gạo. Nằm trong chính sách chung, sang giai đoạn khai thác thuộc địa lần II (1919 – 1939), chính quyền thực dân Pháp đã có những thay đổi lớn trong chính sách khai thác thuộc địa ở Phú Yên. Từ chính sách khai thác, vơ vét các nguồn lợi kinh tế để xuất khẩu trong giai đoạn 1897 – 1918 chuyển dần sang chính sách đầu tư khai thác trong giai đoạn 1919 - 1945. Chính quyền thực dân Pháp đầu tư quy hoạch phát triển Phú Yên trở thành trung tâm kỹ nghệ và canh nông ở khu vực Nam Trung kỳ, với số vốn theo thứ tự ưu tiên trong các lĩnh vực kinh tế như sau: nông nghiệp; giao thông vận tải; công nghiệp - phát triển đô thị; thương mại và dịch vụ (Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi, Người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).

Ý định tưới nước cho vùng đất này đã được các kỹ sư người Pháp đề ra từ năm 1889 nhưng mãi đến năm 1904 các công trình nghiên cứu nghiêm túc mới được thực hiện bởi người hướng dẫn Fayard dưới sự chỉ đạo của ông kỹ sư trưởng Desbos. Người ta có thể nói rằng ông Desbos đã nghiên cứu giải quyết một cách thành công tất cả các vấn đề về tưới tiêu đang đặt ra cho xứ Đông Dương và người ta chỉ mới làm từ 30 năm nay theo các ý kiến chỉ đạo mà người dự kiến lỗi lạc đã vạch ra những đường hướng cho tất cả các vấn đề về thủy lợi, việc thực thi mạng lưới tưới Tuy Hòa là một bằng chứng thêm về ảnh hưởng sâu rộng của ông Desbos đã có sự phát triển nông nghiệp về xứ Đông Dương.

Việc xây dựng đập Đồng Cam nhằm phục vụ cho quyền lợi thực dân, giải quyết vấn đề lương thực sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhưng mặt khác tác động đến kinh tế, văn hóa và xã hội Phú Yên vào những năm 30 thế kỷ XX và đến tận bây giờ.

Đặc biệt, trong nông nghiệp, tư bản Pháp đầu tư xây dựng các hệ thống dẫn thuỷ nhập điền và cải tạo kỹ thuật canh tác (giống, phân bón). Thời kỳ này, người Pháp đã tiến hành xây dựng hệ thống thuỷ nông trên sông Đà Rằng, hoàn thành công trình này tư bản Pháp bỏ số vốn 3.650.000 đồng bạc Đông Dương, kéo dài trong vòng 6 năm. Cùng với đó, tư bản Pháp nhập nhiều giống lúa mới từ Nam Kỳ và các tỉnh Trung Kỳ (Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi, Người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).

Trong diễn văn đọc tại buổi lễ ngày 7/9/1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier nói: “Chúng ta tiếp tục với một kỹ thuật khoa học, chủ trương cũ của người Chàm, những người nông dân tuyệt vời với kỹ năng và bằng nhiều cách mà chúng ta hết sức thán phục đã biết dẫn nước và chinh phục nước”.

2. Quá trình xây dựng đập Đồng Cam

Đặc điểm của hệ thống sông ở miền Trung có độ dốc cao, lưu lượng dòng chảy lớn, lũ lớn vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nóng, nên ảnh hưởng đến nền nông nghiệp ở đây. Khắc phục tình trạng trên, ngay từ những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), tư bản Pháp mở rộng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đập, trạm bơm, hồ chứa nước. Cho đến trước chiến tranh thế giới lần thứ II, tư bản Pháp đã đầu tư khoảng 85 triệu đồng Đông Dương để xây dụng các hệ thống thuỷ nông ở Đông Dương, trong đó Trung kỳ là 35,345 triệu đồng Đông Dương và Bắc kỳ là 16,95 triệu đồng (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử).

Với đặc điểm về địa hình, khí hậu – thuỷ văn, cùng với hệ thống sông có độ dốc cao, tỉnh Phú Yên luôn thừa nước vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Lưu lượng nước thất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chỉ khai thác được một số vùng ở lưu vực sông Cái (sông Kỳ Lộ đầu nguồn và một số sông nhỏ nằm ở miền Tây Phú Yên), trong khi đó, dòng sông Ba cả vùng hạ lưu Tuy Hoà rộng lớn với lớp đất phù sa màu mỡ nhưng chỉ trồng được một vụ. Các đề án nghiên cứu về việc xây dựng một hệ thống thuỷ nông trên sông Ba bắt đầu vào năm 1889, nhưng không được chấp thuận do thiếu hụt về nguồn kinh phí và nhân công. Đến năm 1904, đoàn kỹ sư người Pháp gồm Fayard và Desbos làm kỹ sư trưởng tiếp tục thám sát, lần này phái đoàn làm việc nghiêm túc và nhìn nhận lại kết quả khảo sát trước đó. Đoàn đã thám sát bãi đá Tuy Phong, sau đó kỹ sư Desbos lập ra một bảng kế hoạch cho việc xây dựng đập trình lên Sở Công chính (Travaux publics), nhưng không được chấp thuận. Mãi đến năm 1920, viên kỹ sư Nordey tiếp tục nghiên cứu công trình xây dựng đập thuỷ nông trên sông Ba, dưới sự điều hành của kỹ sư trưởng Lefevre. Đến ngày 30/11/1923, đề án xây dựng đập thuỷ nông Đồng Cam (Tuy Phong) được Toàn quyền Đông Dương chấp nhận (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử).

Dự án xây dựng Đập Đồng Cam chắn ngang Sông Ba, nối liền từ Đồng Cam với Qui Hậu, với chiều dài 657m. Đập Đồng Cam được thi công trong những điều kiện kỹ thuật phức tạp vì lũ sông Đà Rằng mỗi năm có thể lên xuống tới 20 lần. Lưu lượng lũ từ 8.000 đến 10.000m3/giây, có khi lên đến 13.000m3/giây. Trở lực này là nghiêm trọng nhất, có thể làm đảo lộn bất ngờ mọi kế hoạch của công trường nên không một hãng nào dám mời thầu. Chính quyền thuộc địa phải thi công theo lối công quản dưới sự điều khiển của 2 kỹ sư thượng hạng De Fargue và Machefaux, đập chính được thi công liên tục từ năm 1925 đến 1929 mới hoàn thành và từ năm 1933 mới đi vào hoạt động .(Bộ thủy lợi (1981), Sơ thảo lịch sử thủy lợi Việt Nam, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội, tr 225-226).

Công nhân đang xây dựng đập chắn của hệ thống thủy nông Đồng Cam (1932) - Ảnh: Tư liệu

Dự án hoạch định xây dựng, một đập chắn dài 68m ở Đồng Cam, nơi có dãy đá tự nhiên nối liền hai bờ tả, hữu sông Đà Rằng. Cùng với đập chắn, xây dựng hai kênh, một kênh nằm ở hữu ngạn và một kênh ở vùng tả ngạn. Kênh hữu ngạn dài 36km, có 9 kênh phụ và mương dài 49km, tưới 11.000ha. Kênh chính tả ngạn dài 32km, có 7 kênh phụ và mương dài 48km, tưới 8.000ha. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống cầu cống, mương, ống thoát nước ở những nơi có kênh chảy qua.

Năm 1924, công trình thuỷ nông Đồng Cam chính thức khởi công xây dựng với việc xây dựng đập chắn ngang sông Đà Rằng, dưới sự chỉ huy của các kỹ sư Fargues, Machefaux và Carrez. Đập được xây dựng trên bãi đá tự nhiên của dãy núi Tuy Phong, chiều cao trung bình 5m, chỗ cao nhất là 10m và thấp nhất là 3m. Chiều dài bờ tràn lúc nước bình thường là 525m và 590m lúc có lũ vượt biên độ 1m. Việc xây đập tốn 19.000m3 đá granít, trong đó 1.000m3 xây bằng đá đẽo và 18.000m3 xây bằng đá hộc thường. Ngoài ra phải tốn 12 tấn mìn phá huỷ 22.000m3 đá ở bở đá chắn ngang sông Ba. Số lượng công nhân được huy động trung bình một ngày khoảng 1.200 người, gồm 200 thợ chuyên nghiệp như thợ bắn mìn, khai thác đá, thợ nề và thợ mộc. Đến năm 1929, toàn bộ đập chắn được hoàn thành với tổng kinh phí 302.620 đồng Đông Dương (Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi, Người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).

Cùng thời gian này, nhà cầm quyền cũng thi công hai kênh chính gồm tả và hữu, chủ yếu là những đoạn khó chạy dọc theo dãy núi của hai bên bờ sông Ba. Đến tháng 11/1930, công việc xây dựng đã hoàn thành 1975m bên hữu ngạn và 964m bên tả ngạn. Các phần còn lại của công trình được chia làm 6 lô: 3 lô bên hữu ngạn và 3 lô bên tả ngạn để giao thầu.

Để hoàn thành công trình này, tư bản Pháp tiêu phí 3.650.000 đồng Đông Dương, trong đó chi cho việc xây dựng đập là 663.000 đồng; các công trình kênh tả ngạn là 1.384.000 đồng và bên hữu là 1.107.560 đồng. Số lượng công nhân người bản xứ huy động hàng ngày nhiều nhất là 5000 người. Tổng số ngày công để xây dựng hệ thống thuỷ nông Đồng Cam 5.350.000 ngày (Irrigations du Phu Yen (Reseau de Tuy Hoa), Hy draulique agricole en indochine, annee 1932, Ha Noi, Người dịch kỹ sư Nguyễn Trọng Giai, hệ thống thủy nông Tuy Hòa).

Việc hoàn thành hệ thống thuỷ nông Đồng Cam có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân vùng đồng bằng Tuy Hòa nói riêng và cả tỉnh Phú Yên nói chung. Trong bài diễn văn nhân dịp khánh thành hệ thống thuỷ nông Đồng Cam 7/9/1932, Toàn quyền Pasquier đã nhận xét về giá trị công trình này: “Du khách đi theo đường thuộc địa, vừa qua một vùng đất hết sức tốt tươi của xứ Trung Kỳ, một vùng đất mà nước trong lấp lánh khắp nơi giữa các cây hoa màu xanh tốt, không thể tưởng tượng được cảnh đau buồn trước đây của đồng bằng Tuy Hòa, thường 6 tháng trong một năm biến thành vùng thảo nguyên khô cằn, bị mặt trời thiêu cháy và bão cát đè lên” (dẫn theo Sở Thủy lợi Phú Yên (1990), Mạch sống Quê hương).

Những giá trị về mặt kinh tế của Đập Đồng Cam có vai trò rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Yên, vì vậy các thế hệ người dân Phú Yên đã đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng và bảo vệ hệ thống thủy nông Đồng Cam trong chiều dài lịch sử và họ đã lưu truyền những câu ca dao, dân ca thể hiện giá trị đích thực của Đập Đồng Cam.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Đồng Cam xây dựng nhớ ngày năm xưa
Gian nan cực nhọc bây giờ
Công ơn biết mấy cho vừa đừng quên”

(Mạch sống quê hương, kỷ niệm 80 năm ngày khánh thành hệ thống thủy nông Đồng Cam)

Hệ thống thủy nông Đồng Cam là một công trình thủy nông kỳ vĩ, một trong những công trình lớn nhất thế kỷ XX của tỉnh Phú Yên, trải qua những thăng trầm của lịch sử để lại những dấu ấn đặc biệt về kinh tế, chính trị, cảnh quan, văn hóa của tỉnh Phú Yên. Trong tâm thức của người dân Phú Yên công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch sống quê hương, đưa phù sa và dòng nước mát ân tình của sông Ba nuôi dưỡng đồng lúa ra đôi bờ Tuy Hòa nên nơi đây được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Hệ thống thủy nông Đồng Cam không chỉ là một công trình thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, là một di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của mảnh đất và con người Phú Yên vì vậy dân gian có câu:
“Bão giông thử thách cùng trời đất
Đồng Cam mạch sống chảy đôi bờ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét