(Reds.vn) - Uyghur là một dân tộc Trung Á sống chủ yếu ở khu tự trị Tân
Cương, Trung Quốc. Trong lịch sử, tên gọi “Uyghur” được dùng để chỉ các
bộ lạc nói tiếng Turk sống tại khu vực dãy núi Altay. Cùng với người
Kokturk, người Uyghur là một trong các nhóm gốc Turk lớn nhất và tồn tại
lâu nhất tại vùng Trung Á.
Con Đuờng Tơ Lụa
Con Đuờng Tơ Lụa
Con Đường Bạch Ngọc/Nephrite Road và Con Đường Lam Ngọc/Lapis Lazuli,
nối Khotan, Afghanistan và Ấn Độ đã có từ 3000 năm đến 5000 năm truớc.
Năm 126 Trứơc Công Nguyên, nhà Tây Hán phái Trương Khiên đi tìm đám
Yuezhi/Nguyệt Chi làm đồng minh giúp chống Hung Nô/Mông Cổ. Người Yuezhi
đã quá chán ngán chiến tranh nên từ chối. Tuy mục đích quân sự không
đạt đựoc, nhưng kết quả khác hết sức bất ngờ: Con Đường Tơ Lụa nối dài
Con Đường Bạch Ngọc. Từ đó, với chiều dài 7000km từ Nhật Bản đến La Mã,
những đô thị, thành phố, vương quốc nở rộ như những bó hoa đầy hương
sắc. Cũng từ đó, nảy sinh tranh giành quyền lực giữa các đế quốc vói
những nền văn minh, giữa các thương nhân và các bộ lạc du mục.
Tuy con đường này mất dần vị thế kinh tế và chấm dứt khoảng thế kỷ
thứ 14, tranh giành quá khứ còn để lại những cơn địa chấn. Mới đây, biến
cố ở thủ phủ Urumchi thuộc Tân Cương/Xinjiang ngày 6 tháng bẩy 2009,
con số chính thức, từ chính quyền Trung quốc, 197 người chết, “đa số là
người Hán”. Số người chết/bị thương/bị cầm tù dù Hán hay Uyghur, cũng
đều là những vết máu bầm trên khuôn mặt đau thương của nhân loại. Là thủ
đô non trẻ trong lòng Turkestan trăm ngàn năm tuổi, Uyghur bướng bỉnh
như một con ngựa Tây Vực, mà lòng trung với chủ cũ là một thách đố với
bất cứ ai muốn ghìm cương, đó là lý do Uyghur hứng chịu đòn thù.
Thờ ơ và thiên kiến cũng tàn nhẫn như những lớp tuyết lớp cát thản
nhiên phủ cơn thịnh nộ lên mớ tri thức ít oi của loài người về văn minh
Turkestan, miền đất vinh dự chứng kiến hai tộc da vàng/da trắng hợp
chủng, cũng là nơi tiếp nhận nhiều nền văn minh rạng rỡ nhất của nhân
loại, La Mã, Hy Lạp, Ba Tư, Trung Hoa. Thủ đô Ürümqi nhỏ bé 10,989 km2,
chia sẻ mẫu số chung bí mật của đất mẹ Turkestan, mà hé mở nào cũng là
một thách đố đầy huyền bí. Những địa danh Turkestan có số phận không
phải tầm thường, hoặc tung cát theo vó ngựa phiêu lưu hàng ngàn dặm khỏi
nơi khai sinh; hoặc chỉ còn là cái bóng của một thời đế quốc, hoặc bị
chủ mới gán ghép miễn cuỡng.
Từ Uyghur đến Hui đến Hồi
Trong suốt hàng chục ngàn năm, những sắc dân du mục di chuyển, tan
rã, kết hợp…Bị xô đẩy vào hết bộ lạc này đến đế quốc khác, địa danh nào ở
Turkestan cũng có nhiều tên: tên tự xưng, tên thời bộ lạc, tên thời đế
quốc, tên Ba Tư, tên Ả Rập, tên Latin, tên Trung Hoa…Tên nào cũng có ý
nghĩa trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ví dụ: East Turkestan cho
thời độc lập, và Xinjiang (Tân Cương) khi đã bị sát nhập vào Trung Quốc.
Cư dân ở East Turkestan có tên tự xưng là Oguz, được phiên âm thành
nhiều dạng: Uighur, Uighuir, Uygur, Uyghur, Uigur, Uiguir, Urguys. Người
Uyghur dùng chữ viết Arabic/Ả rập từ thế kỷ 11. Tuy không đọc được
tiếng Ả Rập, người viết vẫn để trong bài vì tôn trọng dân tộc này; vì
nét chữ đẹp như một bức tranh thêu tay. Trong bài dùng Uyghur để thống
nhất với truyền thông quốc tế
Người Uyghur: حُوِ ذَو
Sắc tộc Uyghur: ئۇيغۇر
Tôn giáo Islam: الإسلام
Muslim: tín đồ Islam: مسلم
Thời nhà Nguyên, học giả Trung Hoa phiên âm Uyghur thành Wéiwú’ěr, viết 回回,đọc Huihui, Hủi Hử, rút ngắn là Hui hay Hủi. Chữ này có nguồn từ chữ HuiE 回纥 hay 回鶻, đọc Hủi I, có nghĩa chim ưng, khi người Uyghur tự ví nhanh như chim ưng vồ mồi.
“Sắc tộc Uyghur”, Quan Thoại víết 回族, đọc Huê Chù hay Hủi Yù; Quảng Đông đọc Wùi Truc.
“Tôn giáo của người Uyghur”, Quan Thoại viết 回教, đọc Huê Cháo hay
Huỉ Chào; Quảng Đông đọc Wùi Cao. Hiện nay người Trung Hoa không dùng
Huê Cháo/Huỉ Chào nữa, mà dùng Yīsīlán jiào: tôn giáo Islam.
Cũng xin nói thêm, những phát âm Hui/Hủi Hử/Hủi I – Huê Chù/Hủi
Yù/Wùi Truc – Huê Cháo/Hủi Chào/Wùi Cao hoàn toàn do một người bạn Trung
Hoa cung cấp. Theo chị, ngay phát âm Trung Hoa cũng thay đổi tuỳ miền.
Khi người viết ghi lại bằng tiếng Việt, cũng không thể hiện trung thực
100% những âm tiếng Việt không có.
Hồi nào tới giờ người Việt nhìn thế giới qua lăng kính Trung Hoa.
Người Hoa gọi thế nào, người mình gọi theo thế ấy. Tiếng Hoa phiên âm
Uyghur thành Wéiwú’ěr, có lẽ từ đó người Việt đọc thành Duy Ngô Nhĩ. Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư ghi Hồi Ngột, có lẽ từ chữ Huihui. Truyền thông
Việt vẫn đang dùng một chữ rất ngộ nghĩnh: Hồi Hột.
Cũng theo người bạn Trung Hoa, chữ Huihui ban đầu mô tả vương quốc
và người Uyghur ở Tân Cương. Từ thời nhà Đường (618-907) đến thời nhà
Nguyên (1271-1368), chỉ các thương nhân Islam đến từ Trung Đông. Ngày
nay người Hoa không còn dùng Huihui nữa.
Như vậy, bản tin tiếng Việt, ví dụ “chính phủ Hồi giáo ở Islamabad”,
hiểu “đúng” sẽ lùi đến … bẩy thế kỷ: thính giả/độc giả đang ở vào thời
nhà Nguyên, người Hui ở nội địa Trung Hoa đang lãnh đạo chính phủ
Pakistan. Điều hơi kẹt: Pakistan mới đuợc thành lập năm 1947; chỉ là một
trong số quốc gia nhận Islam làm quốc giáo: Afghanistan, Iran,
Mauritania, Saudi Arabia và Yemen.
Bài này, vì vậy sẽ dùng Islam và Muslim thay vì “Hồi giáo, người
Hồi, Hồi Hột”, vì ba lý do: (a) ngay cả người Hoa không còn dùng Huihui,
Huỉ Chào, (b) nằm ngoài ý muốn của cộng đồng người Việt-Chămpa Muslim,
(c) không giúp truy cập thông tin trên internet.
Địa bàn vùng Turkestan
Địa bàn Turkestan gồm hàng ngàn bộ lạc Turkic trải từ Âu sang Á,
thảo nguyên/sa mạc/ núi non từ Nam Siberi, tây Mãn Châu, Nội Mông, Tân
Cương đến Cam Túc. Xương của người Neandertal ở Samarkand có tuổi
150,000 năm và tiệt chủng khoảng 35,000 trước. Đây là một miền đất phức
tạp, không ngớt binh đao, một mặt những đế quốc huy hoàng dựng lên rồi
tàn lụi, một mặt cư dân có những tiến bộ lẫy lừng về khoa học kỹ thuật,
mỹ thuật kiến trúc, kinh tế thưong mại. Len lỏi giữa thảo ngưyên xanh
mướt và sa mạc nóng bỏng, Con Đường Tơ Lụa ẩn hiện như giải lụa mềm nuôi
sống, giữ gìn và thăng hoa những cây trái ngon ngọt nhất của tri thức
loài người thuở ấy.
Người Turk, Turkic và Turkish
Không phải chỉ Uighur/Uygur/Uigur và Huihu/Huihe/Hồi, những tên có chữ “Turk” cũng có ý nghĩa riêng tuỳ khu vực địa lý.
Turkic là ý niệm về toàn thể khối 165 triệu người Turks, không phân biệt quốc tịch.
Turkish là tên của 74 triệu công dân mang quốc tịch
của nước Cộng Hoà Turkey, nhưng không phải tất cả công dân của Turkey
đều là người Turk. Dễ hiểu hơn, có thể nói dân tộc Turkish là một phần
tử nhỏ nằm trong lòng sắc tộc Turkic lớn. Vì phủ một vùng quá rộng lớn,
khối Turkic hiện nay chỉ có nghĩa cùng tôn giáo/ngôn ngữ hơn là quốc
tịch/văn hoá. Chính vì vậy, biến cố ở thủ phủ Urumchi tháng bẩy 2009,
Trung Quốc đàn áp ngừời Uyghur, khối Muslim Ả Rập làm thinh, cho rằng
không cùng sắc tộc. Liên bang Nga và Trung Quốc đang ủng hộ Iran chống
lại sự cấm vận của Hoa Kỳ, nên Iran cũng song ca bản làm thinh. Chính
trường có vẻ ít tàn nhẫn hơn chiến trường nhờ tấm màn che phủ sự thật.
Nhưng có khi đựơc vén lên thì định mệnh của cả một dân tộc đã tiêu tùng,
và những nhân vật được tô tuợng hay tặng giải Nobel hoà bình, không
chừng là sát nhân giết người hàng loạt.
Theo Orkhon Inscription -chữ víết cổ nhất của người Turkic- hàng
ngàn sắc tộc Turkic bắt nguồn từ rặng Altay di chuyển dần về phía Tây
theo nguồn nước và cỏ, tuy nhiên không rõ thời điểm nào họ rời Altay.
Hai nhóm Turk lớn nhất, niềm hãnh diện của người Turk: đế quốc
Göktürk/Kokturk và đế quốc Uyghur, mặc dù trong quá khứ, hai đế quốc có
lúc đoàn kết hay kình chống nhau kịch liệt, lúc theo Hung Nô lúc theo
Trung Hoa.
Cổ thư đầu tiên nhắc đến tên Turk là lá thư của hoàng đế Trung Hoa, năm 585 SCN, xưng tụng Đại Khả Hãn Göktürks là Ishbara.
Đế quốc Göktürks khởi đầu ở vùng phía Tây Nam dãy Altai.
Göktürks, tiếng Việt là Đột Quyết (突厥), hãn quốc đầu tiên có tên “Turks”.
Gök: màu xanh, thưọng đế hay thiên đàng.
Göktürks: bầu trời của người Turk, thượng đế của người Turk, thiên đàng cuả người Turk.
Xứ Perse chọn màu xanh của đá Turquoise làm mầu quốc gia. Loại đá
quí này rất hiếm, cân carat như kim cương nên, trong quá khứ chỉ được
dùng cho nữ trang hoàng gia, như vương miện trên của Napoléon. Những
mosque của Muslim đa số dùng màu này tượng trưng bầu trời thiêng liêng
của người Turk.
Năm 162 TCN, khi bị Hung Nô lấn đất, người Yuezhi bỏ vùng East
Turkestan, vượt rặng Thiên San di cư qua West Turkestan. Số người ở lại
hợp vớí người Hung Nô làm thành một nhóm sắc tộc rất đa dạng tự xưng
Oguz. Năm 745, người Oguz thành lập đế quốc Uyghur
Empire ở thung lũng Orkhon Valle, cách thủ đô Ulaanbaatar 360
kilometers. Đế quốc này sụp đổ năm 840. Người Uyghur chạy đến vùng Lòng
Chảo Tarim, hoà huyết với người bản địa làm thành nhóm Uyghur hiện nay.
Chữ viết của người Turkic: Orhon inscriptions
Năm 735, người Göktürks chế ra chữ viết Orhon inscriptions gồm 38
chữ cái. Chữ viết này về sau được cả người Hung Nô và Mãn Châu dùng.
Những cột đá có khắc chữ cổ Orhon, vẫn còn tìm thấy ở Mông Cổ, gần bờ
sông Orhun. Văn tự Orhon viết từ phải qua trái, được nhà ngôn ngữ học
Đan Mạch Vilhelm Thomsen giải mã năm 1893. Bản văn này được coi như văn
tự đầu tiên của ngôn ngữ Altaic. Không hiểu hơn 1200 năm truớc, người
Göktürks dùng dụng cụ nào để khắc chữ lên đá. Năm 126 TCN, Zhang
Qian/張騫/Trương Khiên ghi nhận dân cư từ vùng Fergana (thủ đô Uzbekistan)
tới Parthia (Bắc Iran) tuy gồm nhiều sắc tộc, bộ lạc khác nhau, nói
nhiều thứ tiếng khác nhau, nhưng họ vẫn hiểu nhau. Ghi chú quan trọng
này khiến Trương Khiên xứng đáng là lữ hành vĩ đại, trước cả Marco Polo.
Người Uyghur dùng chữ Orhon trong suốt 800 năm. Họ in sách hàng trăm
năm truớc khi Gutenberg sáng chế máy in năm 1450. Chỉ đến thế kỷ 11, người Uyghur mới chấp nhận mẫu tự Arabic sau khi cải sang Islam.
Ba khu vực Turkic hiện nay
Tất cả chữ có –istan, -estan, -stan, có nghĩa “đất của”, ví dụ Uyghurstan “đất của người Uyghur”.
Khối Turkic chia làm 3 vùng địa lý:
- Vùng Uyghurstan hay East Turkestan, “đất của người Turk miền
Đông”. Hai vùng East và West Turkestan có biên giới thiên nhiên là rặng
Tiansan/Thiên Sơn. Sắc tộc da trắng/da vàng đan chen nhau, chung tình
trạng du mục. Tên hiện nay là Xinjiang/Tân Cương, hoàn toàn ngoài ý muốn
của người Uyghur.
- Vùng West Turkestan, “đất của người Turk miền Tây” -tên Hy Lạp là
Sogdiana- thuộc Liên Sô cũ. Sau khi Liên Sô tan rã, các quốc gia
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turmenistan, Uzbekistan tuyên bố độc
lập. Thế giới của họ khép kín với nhiều nền văn minh, chỉ riêng khoản
cổ vật nữ trang không thôi, là một xa hoa và tài hoa không bao giờ có
nữa.
- Với 74 triệu công dân Turkish, Cộng Hoà Turkey là quốc gia non trẻ
nhất và xa nhất về phía Tây của khối người Turkic. Năm 1299 người
Turkic lập lên đế quốc Ottoman lẫy lừng suốt 600 năm. Sau Thế Chiến I,
đế quốc này thua trận. Nhờ nỗ lực kinh hồn của người hùng Mustafa Kemal
Atatürk, đế quốc phục hồi dưới tên Cộng Hòa Turkey, (trong tên ông có
chữ Turk). Bài hát Mustafa nghe ở Saigon những năm 1960, ca tụng người
hùng này. Tiếng Việt gọi Turkey là Thổ Nhĩ Kỳ, có thể do phiên âm từ chữ
Tokharian/Tocharian, tiếng Hy Lạp cổ để chỉ người Yuezhi, tổ tiên của
người Uyghur.
Người Yuezhi/Nguyệt Chi/Nhục Chi là ai?
Phía nam rặng Altay, khu vực giữa hai rặng Tianshan/Thiên San và
Kun-Lun/Côn Luân, là địa bàn của đám Yuezhi da trắng, cao lớn, tóc đỏ
hay vàng nhạt có dợn sóng, ngôn ngữ thuộc hệ tiền Ấn Âu/Proto-Indo
European, nhóm xa nhất về phía đông.
Năm 162 TCN, dưói sức ép của Hung Nô, người Yuezhi di chuyển dần đến
vùng Sogdiana (Kazakhstan và Uzbekistan, bấy giờ thuộc ảnh huởng văn
minh Hy Lạp) lập ra vương triều Kushan/Quế Sương lẫy lừng. Dân cư của đế
quốc Kushan, còn có tên Indo-Scythian, gồm ba sắc tộc da trắng (1)
người Saka (bộ tộc của Phật cũng thuộc nhóm này), (2) người Parthian (Ba
tư cổ) và (3) người Yuezhi. Văn minh Kushan nổi tiếng ngang với ba nền
văn minh lúc đó là La Mã, Hán, và Parthia. Phụ nữ Bắc Ấn Độ đẹp nổi
tiếng, cao lớn, da trắng, mũi cao, môi đầy, mắt to, có thể là hậu duệ
của đám Kushan này.
Trong vòng 3 thế kỷ, triều đại Kushan rực rỡ đã thay đổi cả giòng
lịch sử của các nước trong quĩ đạo như Bactria, Persia và Ấn Độ sau này.
Bốn điểm chói sáng của Kushan là chấp nhận sụ khác biệt sắc tộc/tôn
giáo, chia đều phúc lợi cho cư dân bằng thương mại; khuyến khích
vũ/nhạc/hoạ/điêu khắc/nữ trang/lễ nghi; quan trọng nhất bảo trợ và giao
giảng Phật giáo, một vương triều như thiên đàng. Trương Khiên ở Kushan
một năm. Ông quan sát có khoảng một triệu người sống trong thành có
tường bao quanh. Ông tả họ cuỡi ngựa bắn cung giỏi, chạm khắc ngọc cực
khéo, rất kinh sợ chiến tranh, trong buôn bán mặc cả khít khao, rất nghe
lời vợ (khôn ngoan quá), đã đúc tiền vàng. Trẻ em 10 tuổi cũng biết
phân biệt ngọc thật hay đá cuội. Đàn ông có mắt sâu, râu dài và ria uốn
cong, hết sức bảo trợ cho nghệ thuật và tôn giáo.
Trong tám trăm năm, người Trung Á hết lòng mang đạo Phật vào Trung
Hoa và Nam Á. Nhiệt thành nhất là người Yuezhi, họ hiểu đạo Phật không
chỉ như một tôn giáo, mà sáng tác theo cả một giòng nghệ thuật, gồm điêu
khắc, kinh sách, nghi lễ và tranh vẽ trên tường. Hai người Yuezhi đầu
tiên dịch sách Phật sang tiếng Hoa là Lokaksema và Dharmaraksa.
Lokaksema (137-189) sanh tại Khusan, đến Lạc Dưong dịch kinh Đại thừa.
Dharmaraksa sanh tại Đôn Hoàng năm 230, đến Lạc Dưong năm 266 dịch kinh
Liên Hoa. Những công trình đầu tiên này đã biến Lạc Dương thành một
trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa.
Đã quen vói tuợng Phật kiểu Ấn Độ hay Trung Hoa, độc giả thử chiêm
ngưỡng tượng Phật có nét mặt, tóc, khăn áo và dép chịu ảnh hưỏng Hy Lạp
và La Mã. Ngó Phật đẹp trai và rất thể thao. Bức tuợng có chiều cao
163.8cm bằng người thật, tìm thấy ở Pakistan, đuợc đúc duới thời vua
Kanishka (127 – 151), một vị vua Kushan bảo trợ Phật giáo nhiệt thành
nhất. Hai tượng Phật lớn nhất thế giới ở Bamian/Afghanistan cũng được
coi như tác phẩm của người Kushan vào thế kỷ thứ sáu, mới bị Taliban phá
huỷ năm 2001
Đế quốc Gupta thay thế đế quốc Kushan năm 375 SCN. Lãnh đạo Kushan
bị tiêu diệt nhưng dân Indo-Scythians vẫn còn y nguyên đó, ngọai trừ một
số quí tộc di tản tứ tán: lớp trở lại vùng đất mẹ là Khotan-đất-ngọc,
lớp chạy xuống phía Nam. Có thể đền đài Angkor Wat ở Campuchia, hết sức
nguy nga và huyền bí không để lại dấu tích của chủ nhân, cũng từ đám
Sogdian hay đám Kushan này?
Rặng Altay, nơi xuất phát người Turkic
Tiếng Anh là Altai, tiếng Nga: Алтай Altay, tiếng Turkic: Alytau hay
Altay, tiếng Mông cổ: Алтайн нуруу Altain nuruu. Tiếng Turkic và Mông
cổ đều có nghĩa, “núi Vàng”. Chỉ một địa điểm, đựoc viết duới nhiều dạng
khác nhau, cho thấy từ nguyên là một vấn đề khó đạt đựơc sự đồng thuận.
Quần sơn Altay vời vợi, nơi Nga Sô-Trung Quốc-Mông Cổ-Kazakhstan gặp
nhau. Altay đuợc xem như cái nôi hàng ngàn bộ tộc và 66 ngôn ngữ. Khối
Turkic là pha trộn hai đại chủng da vàng và da trắng sống đời du mục
trên lưng ngựa tìm đồng cỏ cho trừu, dê, ngựa… Bé con dù trai gái 5 tuổi
đã cuỡi ngựa một mình. Nhóm Turkic ban đầu chiếm ba địa bàn sát nhau:
rặng Altay, bắc Mông Cổ và thảo nguyên Trung Á. Nhân dáng họ thay đổi:
càng về phía Đông càng nhiều nét da vàng, càng về phía Tây, càng nhiều
nét da trắng. Mắt từ nhỏ, xếch đến sâu, to tròn; mầu mắt từ đen, hạt dẻ,
xanh da trời, xanh lá cây nhạt. Tóc có thể xám,vàng, đỏ, nâu hay đen.
Thành phố Urumchi “thảo nguyên xinh đẹp”
Thành phố có tên Ürümqi, ئۈرۈمچی, Ürümchi, Urumçi, Wūlǔmùqí. Đài phát thanh BBC gọi Ürümchi; đài RFI gọi Địch Hoá nhưng đổi là Ürümchi
từ ngày 23 tháng 9. 1200 năm trước là đô thị sầm uất của Uyghur
Khanate/vương quốc Uyghur nằm trên Con Đường Tơ Lụa. Suốt một dọc lịch
sử Trung Quốc, mãi đến đời nhà Thanh, vùng này vẫn là nơi đi đầy. Thời
nhà Đường, Urumchi có tên là Luân Đài. Từ Bắc Kinh đến Luân Đài rong
ruổi mất vài tháng. Thơ Sầm Tham, đàn Hồ cùng tỳ bà với sáo Khương tấu
lên môt lượt, “Luân Đài tiễn anh ra khỏi cửa. Đường núi Thiên Sơn tuyết chan chứa”(1).
Hôm qua tuyết còn rơi đọng trĩu quân kỳ, sáng nay hoa lê đã nở trắng
dẫy Thiên San, hoá ra ngàn hoa đã vào xuân rồi đấy ư …
Urümqi nằm dựa rặng Thiên San/Tianshan, cách 10km. Người mình biết
Ürümqi qua tiễn khúc Hòn Vọng Phu: “Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa
tàn. Vui ca lên rồi đi tiễn binh ngoài ngàn…” lời và nhạc rồn rập như vó
ngựa và bi phẫn như nỗi buồn chinh phụ. Theo Phạm Duy, nhạc sĩ Lê
Thương sáng tác Hòn Vọng Phu cảm hứng từ bài thơ Trăng Quan San của Lý
Bạch, “Trăng sáng ló Thiên san, Mênh mang mây núi ngàn, Gió lùa bao vạn
dặm, Tới ải Ngọc Môn Quan”. Ngọc Môn Quan cách Đôn Hoàng 90 km, nơi bạch
ngọc nephrite của Núi Ngọc Qurum chào đất mẹ Kustana/Khotan lần cuối
trước khi vượt Ngọc Môn Quan vào đất Trung Hoa (3). Lý Bạch có lẽ là thi
sĩ đầu tiên có hai giòng máu Hồ-Hán, sanh đẻ ở Gansu/Cam Túc, cha người
Hán, mẹ người Hồ, không rõ Hồ Yuezhi, Hồ Xiongnu hay Hồ Persian? Tranh
chân dung vẽ ông có mắt hí và xếch, có thể chỉ là tưởng tượng.
Những con số theo trang mạng wikipedia cho thấy Ürümqi là một địa
bàn đa sắc tộc. Những nhóm nhỏ gồm người Manchu, Mongol, Xibe,
Russian,Tujia, Kyrgyz, Uzbek, Zhuang, Tatar, Tibetan, Dongxiang, Miao,
Korean, dù chỉ là những mảnh vụn lưu lạc ở Ürümqi, nhưng tổ tiên họ đều
có quá khứ lẫy lừng hàng ngàn năm trên thảo nguyên mênh mông tại địa bàn
East Turkestan. Hình bìa cuốn Người HMông (2), cô em Hmông có khuôn mặt
dài, màu mắt nâu nhạt trong vắt, ngó rất giống bà Rebiya Kadeer, lãnh
đạo lưu vong hiện nay của người Uyghur. Người HMông-Miao vẫn ghi nhớ tổ
tiên họ xuất phát ở vùng một năm có “sáu tháng có cát trắng”, tức là
tuyết, có thể họ cũng phát xuất từ dãy Altay?
Bốn nhóm chính là Hán, Uyghur, Hui và Kazakhs.
1.567.562 Người Hán, chiếm 75,3%
Người Hoa Bắc có thể giống như người Uyghur, cùng là sản phẩm
Turkic: lai da vàng Mông Cổ và da trắng Yuezhi. Có thuyết ghi nhận nhóm
lai này rời địa bàn du mục qua hàng lang Cam Túc vào nội địa Trung quốc
khoảng 5000 năm trước. Họ nhận bắc Hoàng Hà làm địa bàn và đứt đoạn với
nguồn gốc ngoài Cam Túc. Ba ngàn năm sau, người Hoa không còn nhận ra
nơi phát xuất ban đầu, nên gọi tổ tiên là Yuezhi, “rợ” Di.
Ý niệm về “người Hán” khá mơ hồ. Hán, không phải tên một sắc tộc,
chỉ là tên văn hoá. Đời Hán dài hơn 400 năm, 206 TCN–220, ý đồ bành
trướng đã vươn phía Tây Bắc tới East Turkestan, phía Nam tới Mê Linh
vùng Hai Bà Trưng. Người Hoa rất hãnh diện với trào đại Hán, nên dùng
“Hán” cho nhiều ý niệm: sắc tộc, ngôn ngữ, chữ viết, văn hoá và niềm
kiêu hãnh “Đại Hán”. Họ gọi nhóm không-Hán ở miền Nam là rợ Man. Dù
người sáng lập ra “nhà Hán”, Lưu Bang, một nông dân đi phất phơ làm nghề
coi tù. Lưu Bang quê ở đất Bái, thuộc nước Sở, nay là Giang Tô, mé
biển, thuộc địa bàn Man. Sông Hán, phụ lưu của sông Dương Tử, nơi Lưu
Bang đuợc phong Hán Vương, cũng thuộc địa bàn của dân Man.
Năm 1876, khi tướng Tả Tôn Đường mang quân đi “bình định” miền East Turkestan, ông giáo dục binh sĩ “miền
đất này từ đời Hán đã thuộc về Trung Quốc, còn đám bản địa chỉ là dị
tộc. Cuộc chiến tranh này để thu hồi biên cương cho tổ quốc…” Lời
giáo dục trên bất chấp lịch sử, và khá mâu thuẫn: tên mới của miền “đất
cũ” lại là Tân Cương, Xịnjiang, có nghĩa địa phận mới.
Mai mốt đây, khi cần nuốt trọng châu Phi, Trung quốc sẽ không ngần
ngại giáo dục quân dân “người Phi và người Hoa cùng chủng, chỉ tại họ
dang nắng quá, nên có hơi đen.” Da đen, da trắng hay da vàng, chơi với
thiên triều, nếu muốn sống còn đều phải đề phòng bàì học một sáng thức
dậy biến thành … dị tộc trên đất nước của mình.
266.342 Người Uyghur chiếm 12,79%
Miền East Turkestan, một trong cái nôi ban đầu của khối Turkic, trải
dài 2000km từ Đông sang Tây và 1650 km từ Bắc xuống Nam là địa bàn
chính của hàng trăm bộ lạc người Uyghur.
Người Uyghur cũng là kết quả pha trộn in hệt người Hoa: da vàng Hung
Nô và da trắng Yuezhi nhưng nằm trên Con Đường Tơ Lụa nên pha huyết
thêm lần nữa với các tộc người da trắng Ả Rập, La Mã, Hy Lạp, Ba Tư
trong suốt một ngàn năm. Người Uyghur vì vậy có hình dạng khác nhau, và
cũng khác với người Hung Nô và người Hán: có người thấp, da hơi vàng,
tóc đen, mắt nhỏ; có người cao lớn, da trắng, mắt vàng hay xanh nhạt,
mũi thẳng cao, râu tóc hung vàng hay nâu. Xác Ướp Tarim- khoảng thế kỷ 3
TCN- hiện trưng bày tại viện bảo tàng Urumchi, có tóc hung vàng hoặc
nâu đỏ. Từ thời Đường đến nhà Nguyên, ảnh hưởng Uyghur mạnh mẽ trên trào
đình Trung Hoa, từ.văn học và sân khấu, âm nhạc và vũ điệu, hội hoạ và
kiến trúc, giáo đường và điêu khắc, lầu đài và vườn hoa đến dược thảo và
cách trị liệu. Chỉ riêng âm nhạc, người Uyghur có tới 62 nhạc cụ khác
nhau. Ngay cả màn châm cứu bằng kim cả thế giới tưởng của người Hoa,
cũng xuất xứ từ Uyghur. Thượng đế tặng cho họ bàn tay như có phép mầu,
khéo léo vô song từ dệt thảm đến nữ trang; từ bình hoa, bình trà tỉ mỉ
đến giáo đường nguy nga.
167.148 Người Hui, chiếm 8,03%
Khu vực có đông người Hui gần Tân Cương nhất, là Khu Tự Trị Dân Tộc
Hồi Ninh Hạ, một trong năm khu tự trị. Cùng với Tây Tạng, đây là vùng
nghèo nhất Trung quốc. Ngày xưa, người Hui Tây Hạ cũng có nhiều sản phẩm
giàu có như người Uyghur, có thể cũng là động lực khiến Trung Hoa phải
ăn gỏi đám “rợ” này. Họ có nước da đậm, mắt nhạt màu.
Tuy cùng sắc tộc, phong tục người Hui Ninh Hạ rất khác người Uyghur.
Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung lấy Tây Hạ làm khung cảnh với những
nhân vật đáng yêu: các công chúa Tây Hạ (có tên Trung Hoa): công chúa
Ngân Xuyên, Công chúa Văn Nghi, công chúa Mộng Cô. Quốc vương Tây Hạ
xuống chiếu bằng tiếng Tây Hạ cho quần hùng quần tà hay các công chúa
kén chồng. Có thể tục công chúa kén chồng Trung Hoa phát xuất từ Tây Hạ.
Kim Dung còn cho quái kiệt Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt cóc Hư Trúc đem qua
Tây Hạ giấu trong hầm nước đá, ép Hư Trúc phải ăn mặn và chung giựờng
với công chúa xuân tình, khiến sau đó tiểu hoà thượng chớ phở thấy làm
người phàm hấp dẫn hơn nhiều. Độc giả khoan khoan xuống tóc làm tiểu hoà
thượng, làm gì còn công chúa Tây Hạ nào cho độc giả cầu thân!
48.772 Người Kazakhs, chiếm 2,34%
Người Kazakhs là bộ tộc Turk thuộc vùng Wusun, phía Bắc rặng
Tianshan/Thiên San, rất hùng mạnh vào thế kỷ thứ nhất TCN, liên kết với
Trương Khiên khi ông này vâng lệnh vua Hán đi tìm đồng minh diệt Hung
Nô.
Người Kazakhs giỏi võ nghệ, có môn săn bắn bằng chim ưng rất độc
đáo. Có lẽ tên Huihe, 回鶻, đọc là Hủi I, có nghĩa Hui Chim Ưng xuất phát
từ họ. Đa số người Kazakhs chăn nuôi trừu và dê. Chỉ một số nhỏ trồng
trọt hay buôn bán. Con Đường Tơ Lụa biến miền đất của họ thành trù phú.
Họ sống trong lều yurts, có thể nhanh chóng ráp nối bằng cọc, da thuộc
và thảm dệt thêu rực rỡ. Vào mùa đông giá, họ mới chịu ở trong lều, uống
trà sữa dê và ca hát.
Họ ăn thịt, uống sữa trừu, bò và lạc đà. Cũng như người HMong, tuy
du mục, nữ trang Kazakhs rất tinh xảo và có phong cách riêng. Họ mặc
quần áo bằng da trừu, da nai, da chó sói. Khi Khotan có bông vải, họ tự
dệt vải nhuộm màu với những motif rất lạ mắt. Đàn ông mặc áo khoác thêu
tay đẹp hơn áo của nhà Christian Dior. Áo Jacket và áo gilet là từ người
Kazakhs. Các cô mặc váy xếp nếp, áo tay dài thêu công phu. Người già
vui với truyện kể không bao giờ hết về nuôi dậy chim ưng, đánh nhau với
chó sói; người trẻ say mê âm nhạc ca tụng tình yêu và gíó tuyết. Chỉ cần
một chuỗi thanh âm ríu rít từ đàn Dongbula, thanh niên thiếu nữ ngưng
công việc và cuốn hút ngay vào điệu nhảy nhí nhảnh. Mũ hoa mới thêu, mùi
thịt trừu nướng lẫn trong mùi cỏ, đeo vòng bạc cho chú dê mới sanh…cuộc
sống thảo nguyên hoá thân vào tiếng đàn điệu múa, chan hoà một giòng
sông văn hoá Kazakhs mà du lịch Trung Hoa ngày nay trình diễn trên sân
khấu khá vụng về, quảng cáo om xòm “Chinese culture”, nhưng khách du
lịch dễ tính tin sống tin chết.
Văn minh Tây Vực vào Trung Hoa qua ngả Tân Cương
Hai ngàn năm trước, người Hoa gọi vùng mênh mông từ Tân Cương, Trung
Á, Tây Á là Tây Vực. Dân cư gồm người Xiongnu/Hung Nô, Yuezhi/Nguyệt
Chi, Greco-Bactrian/Hy Lạp, Persian/Ba Tư, Turkic, Indian/Ấn Độ. Mỗi đế
quốc lại đặt tên đánh dấu ảnh hưởng của họ, nhưng dân cư thì vẫn chỉ
thuộc hai đại chủng da vàng và da trắng. Mỗi chủng lại có nhiều chi
chủng. Người Hoa gọi tuốt luốt là “rợ Hồ”.
Tràng An đời Đường, dân không-Hán lên đến một triệu người, đủ thứ
“rợ”. Đông nhất là “rợ” Hồ, tăng lữ, nhạc sư, hoạ sĩ, vũ sư, học giả,
quan văn võ, nhất là thương nhân. Trung tâm buôn bán của Trường An là
của người Hồ. Trường An có nhiều Hồ điếm (cửa hàng), Hồ đề (khách sạn).
Trường An đầy văn hoá Hồ: bạch ngọc Hồ, tôn giáo Hồ, sáo Hồ, múa Hồ, y
phục Hồ, ăn uống kiểu Hồ, bánh trái Hồ, rượu nho Hồ rót trong chén dạ
quang Hồ. Ngựa Hồ đáng giá hơn cả mạng người. Xứ Trung Hoa có mía, nhưng
phải đợi đến người Hồ mới biết làm đường. Lý Bạch tả các cô gái Hồ nơi
quán ruợư “Đẹp như hoa không biết ở đâu lạc đến thế này?”
Người Hồ Ả Rập vào Trung Hoa mang theo hương liệu, ngà voi. Người Hồ
Ấn độ mang đá quí, ngọc trai, trầm hương. Nhóm ảnh hưởng nhất tới Trung
Hoa là Hồ Ba Tư nhờ địa bàn sát bên: vương triều Saka ở Khotan, cung
cấp bạch ngọc nephrite và thợ khéo. Tại Trường An, người Ba Tư mở nhà
hàng nấu món ăn Trung Á. Họ giới thiệu với giới văn nhân, học giả môn
cỡi ngựa đánh cầu, thảm quí, nước hoa, đồ dùng bằng vàng bạc. Họ mang
đến trào đình thú lạ, chim quí, cây kiểng, thuốc men, đồ thêu, tranh vẽ,
âm nhạc, nữ trang, đồ sành sứ, đồ thuỷ tinh…Họ là người đánh giá các
món nữ trang bằng vàng bằng ngọc bằng mắt thường. Nữ trang của họ vẽ
riêng cho trào đình, thợ Trung Hoa (hồi đó hay bây giờ) không làm nổi,
phải mời “rợ” Hồ qua với đãi ngộ đặc biệt, không tù đầy giam lỏng hay đe
doạ chặt đầu như với đám thợ người Hoa. Đồ cổ ngoạn bằng ngọc tinh xảo
mỏng chừng 3mm của hoàng gia, chắc chắn do tay nghệ sĩ “rợ” Hồ Yuezhi.
Nhà Đường (618-907), mà ông vua chuộng mỹ thuật, ham chơi là Đường Minh
Hoàng nhất nhất bắt chước rợ Hồ, kể cả sủng ái tướng An Lộc Sơn -người
Đột Quyết-. cho đến khi mất ngôi.
Người mình quen gọi “Ba Tư” cho cả đế quốc Persia và quốc gia Iran.
Iran ngày nay chỉ rộng 1,648,195km2, chỉ là một cái đuôi sao chổi của đế
quốc Persia. Đế quốc này là một chuỗi những triều đại khởi đi từ cao
nguyên Iran trong hơn 6000 năm. Huy hoàng nhất, dưới trào Darius đại đế
(522 – 485 TCN), Persia trải từ Tây Á châu, Trung Á, vùng Caucasus, đến
cả Bắc Phi, phủ một diện tích 7.500.000 km², với nhiều chủng tộc, triều
đại…Nhưng sắc dân độc giả thoáng thấy trong bài này như Parthia,
Sogdiana, Yuezhi, Saka, Scythia, Khotan, được các học giả phương Tây xếp
vào tộc da trắng Indo-Aryan, lý do vì họ dưới sự cai trị của người
Perse, không có nghĩa là họ cùng sắc tộc/văn hoá/tôn giáo với người
Perse. Năm 1935, Vua Reza yêu cầu cộng đồng thế giới gọi Persia là Iran.
Các học giả phản đối cho rằng việc đổi tên sẽ làm mất đi quá khứ huy
hoàng. Vì vậy năm 1959, vua Mohammad Reza kế vị, cho lệnh dùng cả hai
tên. Ngày nay, tên Iran dùng trong chính trị ngoại giao, còn tên Persia
dùng cho văn hoá và lịch sử.
Nói chung, giữa Tây Vực và Trung Hoa, sự giao lưu kinh tế và văn hoá
đã biến đổi toàn vùng thành một nơi muôn màu muôn vẻ. Người Hoa cũng
xuất cảng sản phẩm sang Tây Vực, giấy, la bàn, trà, thuốc súng, kỹ thuật
in ấn, đào giếng, và nhất là tơ lụa. Triều đình Trung Hoa nào cũng
chuộng hàng hoá rợ Hồ. Duy nhất, chỉ Từ Hy Thái Hậu bài ngoại mù quáng,
cái gì cũng cho là quỉ sứ, ngoại trừ bạch ngọc nephrite giữ khư khư. Đời
GiangThanh mù quáng không kém, đến nỗi có lúc bao nhiêu vườn nho ở Tân
Cương phải đào xới vứt đi.
Thời điểm người Tây Vực vào Trung hoa
Thống kê năm 1990, số Muslim ở Trung Hoa 17.6 triệu: gồm 8.6 triệu
Hui; 7.2 triệu Uighur; 1.1 triệu Kazakhs; 375,000 Kyrghyz; 33,500 Tajik
và 14,500 Uzbeks. Người Tây Vực đến Trung Hoa vào nhiều thời điểm, cả
đường bộ lẫn đường biển.
Phía Tây Bắc Trung Hoa, sau khi Con Đường Tơ Lụa hình thành thế kỷ
thứ ba TCN, người Ả Rập, Ba Tư, Trung Á và Mông Cổ đổ vào đất Trung Hoa
như nhũng con bướm say ánh đèn đêm. Họ băng sa mạc, vượt núi non trên
lưng những con lạc đà chất đầy hàng hoá. Mỗi chuyến đi về có thể từ 2
đến 8 năm. Vì vậy, dần dần có những người định cư ở Tràng An.
Phía Đông Nam Trung Hoa, thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, một số thương
nhân Arabia/Ả Rập và Persian/Ba Tư tới Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tô,
Hàng Châu bằng đường biển. Quảng Châu từ đó đụơc xem là “Con Đường Tơ
Lụa” trên biển nối với Con Đường Gia Vị đã có từ 3000 năm TCN bởi những
thương nhân từ bán đảo Ấn độ đến Ả Rập, La Mã, Ai Cập. Những thứ như
quế, hồi, đậu khấu, gừng nghệ, muối …3000 năm trứơc đồng nghĩa với lối
sống xa hoa và những chuyện thần kỳ kiểu Ngàn Lẻ Một Đêm. Giữa mùi hành
tiêu tỏi ớt cay nồng thấp thoáng bóng giai nhân uốn mềm như rắn thơm như
trầm hương mát như sữa dê khiến quỉ thần trên thiên giới hân hoan xếp
hàng đợi bị đầy xuống trần gian.
Năm 758, vua Đường Túc Tông, kế vị Đường Minh Hoàng, cầu cứu vua
Abbasid ở Baghdad gửi 20,000 quân dẹp loạn An Lộc Sơn. Sau đó, đám
20,000 này ở lại Cam Túc và Ninh Hạ.
Năm 801, người Tây Tạng tuyển 20,000 lính đánh thuê người Arab và
Sogdian giúp họ đánh nhau với đế quốc Nam Chiếu/Nanzhao ở Vân Nam. Người
Tây Tạng bị thua, nhưng đám quân nhân này vẫn ở lại Tây Tạng. Từ đó,
người Tây Tạng trở thành đồng minh duy nhất của người Hui. Năm 1652, vị
Đat Lai Lạt Ma Thứ Năm đến thăm Ngân Xuyên, thủ đô của Ninh Hạ/Ningxia.
Khoảng 1070-1080, Tống Thần Tông mời 15,000 quân Ả Rập đến làm vùng
đệm giữa Trung Hoa và đế quốc Liêu của người Khiết Đan. Độc giả có thể
nhẩn nha đọc lại đoạn sử này đựơc tiểu thuyết hoá trong Thiên Long Bát
Bộ của Kim Dung, với bi kịch muôn đời tình nưóc/tình riêng, Tiêu Phong
tráng sĩ bồng xác A Châu ngơ ngác giữa Nhạn Môn Quan không biết về đâu.
Đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt (1215-1294) sáng lập nhà Nguyên mang 3
triệu người Trung Á vào Trung Hoa giúp phù tá triều đại của ông. Họ là
quân nhân trung thành, thương nhân thành công và là thợ khéo. Duới thời
nhà Đường đến nhà Nguyên, tiếng Trung Hoa gọi người Muslim ở East
Turkestan là Uyghur, gọi người Muslin ở Ninh Hạ và trong nội địa là Hui.
Người Hui gần gũi với người Hán về ngôn ngữ, chữ viết, văn hoá, phong
tục. Người Uyghur, nguợc lại, không hề chia sẻ với người Hán điều gì.
Câu nói phổ thông cho thấy tình trạng giữa hai khối trong/ngoài quan ải:
Người Uyghur ghét người Hui vì họ là người Hán.
Người Hán ghét người Hui vì họ theo Islam.
Thâm cung bí sử cho Chu Nguyên Chương (1328-1398) gốc gác xa gần là
người Hui. Vì vậy đám Minh giáo (gồm Hoả giáo và Mani giáo, thờ lửa) hết
lòng phò tá ông. Để trả ơn, Chu đặt tên triều đại của ông là “Minh
triều”. Triều Minh che chở người Hui khỏi sự nguợc đãi của người Hán,
cho họ nhiều đặc quyền về tôn giáo, chính trị. Họ là những sử gia, nhà
toán học, thiên văn, học giả, thầy giáo, thông dịch, cận thần tin cậy,
sứ thần ở Roma, Bagdad và Istanbul. Họ đã đủ đông làm một cộng đồng
Huihe giầu có và vững mạnh. Họ không chỉ nắm thương trường, nghệ thuật
mà còn can thiệp vào cả chính trường Trung Hoa. Tuy vậy, Chu ra lệnh bắt
họ phải kết hôn với người Hoa, nói tiếng Hoa và y phục kiểu Hoa. Từ đó,
người Hui mất dần căn tính Hui. Gần cuối đời, Chu Nguyên Chương, tức
Minh Thái Tổ chợt sợ rằng chính đám Minh giáo này có thể đe doạ ngai
vàng của ông, nên đang từ Minh giáo sáng chói, ông đàn áp họ, cho họ là
Ma giáo, khiến đám Nho gia hết sức hả hê. Tiểu thuyết gia Kim Dung hình
như không đồng ý với điều này, nên đã xây dựng nhiều nhân vật Minh giáo
xuất sắc trong bộ Cô Gái Đồ Long, trong đó Trương Vô Kỵ xả thân cứu Minh
giáo.
Ngươi Huihui nội địa là hậu duệ của cả hai ngả di dân đường biển và
đường bộ nói trên. Họ có những dây liên hệ kinh tế và văn hoá với người
Hán và người Mông Cổ. Họ ở rải rác khắp nứơc Trung Hoa quây quần xung
quanh thánh đường Islam. Khi lập gia đình với các sắc tộc khác, họ cải
tên Muslim cho ngắn bót:
Sai cho Said;
Sha cho Shah;
Ha cho Hasan; Hu cho Hussein;
Zheng cho Shams;
Chuah cho Osman;
Koay cho Kamaruddin;
Ma, Mu, Han cho Muhammad;
Người Hui nổi tiếng nhất là thái giám Hajji Mahmud Shams, حجّي محمود
شمس, tên Trung Hoa: Zheng He, tên Việt: Trịnh Hoà (1371–1433), nhà
hàng hải kiêm ngoại giao Muslim nổi tiếng. Ông là hậu duệ đời thứ 6 của
Sayyid Ajjal Shams al-Din Omar, một viên quan ở Vân Nam, có gốc gác từ
thủ đô Bukhara của nứơc Sogdiana – Uzbekistan hiện nay. Sinh tại Vân
Nam, năm 11 tuổi Zheng He bị tuyển làm thái giám cho triều Minh. Ông mất
khi ghé một hải cảng ở Ấn Độ. Zheng He được thuỷ táng, mộ phần trống
rỗng ở Vân Nam quạnh quẽ. Ông không may mắn như những thái giám chết già
khác: không được nhận lại phần thưởng cuối cùng từ lệnh thiên tử: bộ
phận sinh dục đã héo khô chứa trong một cái chai khằng kín.
Chiến dịch “biển Đông” được trào đình nhà Minh tài trợ, cho thấy
Trung Hoa đã sắp xếp một trật tự mới để từ vùng biển phía Nam hướng ra
thế giới. Bẩy chuyến hải hành trong 30 năm, mang về quà cáp biếu xén, uy
danh và liên hệ kinh tế cho trào đình. Tuy vậy gây phản ứng ngược nơi
đám Nho gia, là đám có nỗi sợ hãi kinh niên “sợ thay đổi”, có thể làm vị
trí của họ lung lay. Dưói áp lực ấy trào đình nhà Minh chỉ coi thành
công của Trịnh Hoà như “duyên dáng Minh trào”. Thái độ vừa sợ hãi vừa
kênh kiệu ấy Thanh triều về sau sao cóp y chang. Cái giá phải trả là
hoàng thành bị bọn “quỉ đỏ” Tây Dương đốt phá, triều đại sụp đổ.
Sang đến nhà Thanh (1644 – 1912) thời kỳ đen tối của người Hui thật
sự bắt đầu. Dân Hán và triều đình ngày càng kỳ thị người Hui. Từ 1648
đến 1878, ở East Turkistan 12 triệu người Hui và Uyghur bị giết trong
mười lần nổi dậy. Năm 1845, ở Tây Bắc Vân Nam quân đội và người Hán tàn
sát người Hui trong 3 ngày. Biến cố đẫm máu này tạo nên cuộc khởi nghĩa
Panthay (1856–1873) ở Vân Nam, người Hui chủ trương ly khai. Kết quả 1
triệu người chết, cả người Hui lẫn người Hán, một số người Hui đào thoát
sang Miến Điện, hiện nay trở thành một quyền lực lớn ở khu Golden
Triangle/Tam Giác Vàng, nắm giữ nhiều mối lợi lớn về thuốc phiện, vàng,
ruby và Burmese Jade. Ở Thiểm Tây (1862-1877), một cuộc nổi dậy khác
khiến dân số người Hui từ 1,700,000 chỉ còn 150,000 người.
Điểm chung duy nhất: Islam ?
Truớc khi theo Islam, người Turkestan theo các tôn giáo/hệ thống tư
tưởng khác như Shaman, Ki Tô, Do Thái, Phật, Mani và Zoroastrianism/Hoả
giáo, Nestorian (Ki Tô Giáo phương Đông).
Thế kỷ thứ 8, Islam bắt đầu nở rộ ở Medina/Arab Seoudite. Từ thế kỷ
thứ 10, Islam thay thế đạo Phật ở khu vực Trung Á và East Turkestan.
Theo tiếng Arabic, “Islam” để chỉ tôn giáo, “Muslim”để chỉ tín đồ Islam.
Phật giáo và Ki-Tô giáo được đặt theo tên của giáo chủ sáng lập, còn
Islam và Muslim là tên đuợc mặc khải, có ghi chép trong kinh Qur’an,
không phải do tín đồ tự đặt.
Tính đến tháng tư 2009, có 1.4 đến 1.6 tỷ tín đồ Islam khắp thế
giới. Cứ 5 người có 1 người theo Islam. Theo thống kê của CIA Online
World Factbook, bốn quốc gia có đông người Muslim nhất: Indonesia 204
triệu, Pakistan 164 triệu, India 154 triệu, Bangladesh 128 triệu. Đa số
người Turks theo phái Sunni Muslims. Thiên sứ Mohammed qua đời, không
chỉ định người kế vị. Sunni chấp nhận cả bốn Caliphs (hoàng đế) kế vị
thiên sứ Mohammed là chính thống. Trái lại, Shiites cho rằng chỉ một
mình Ali, anh em họ và cũng là con rể cuả thiên sứ Mohammed, mới là chân
truyền.
Ngày 13-7-2009, bài viết của Moisés Naím tựa đề “Mute Muslims/ Sự Im
Lặng của Người Muslims” (4) nêu lên câu hỏi cho toàn khối Muslim. Bài
báo nhắc biến cố 17/9/2005, một tờ báo Đan Mạch đăng hý hoạ nội dung kém
kính trọng thiên sứ Muhammed, đã gặp phản ứng giận dữ của cả khối Hồi
giáo. Toà lãnh sự Đan Mạch ở Beirut bị đốt. Ở Afghanistan, Pakistan và
Somalia, xô xát đến tử vong. Ở Damacus, đám đông phẫn nộ đốt hai toà đại
sứ Na Uy-Đan Mạch. Ở Tehran, tổng thống Ahmadinejad cho đăng hý họa
nhạo báng thói đạo đức giả của Tây Phương trong vụ Holocaust tàn sát
người Do Thái. Ông Naím đặt câu hỏi “Vậy tại sao năm 2009 khối Muslim
yên lặng trước hành vi đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Hoa với
người Urghuy ngày 6-7-2009?” Những đàn áp này có từ những năm 1990. Phụ
nữ bị đoạn sản. Tiếng Uyghur không đựoc dậy ở trường học. Công chức
không đựoc để râu và quàng khăn. Không được cầu nguyện hay ăn chay trong
giờ làm việc. Công việc bị người Hán lấn chiếm. Nhà cửa tốt chỉ dành
cho người Hán. Thanh niên Uyghur bụộc phải làm xa thành phố, nhường chỗ
cho người Hán di cư đến. Tất cả những mầm mống chống cự đều bị coi là
khủng bố, lãnh tụ bị bắt giam. Nhũng siêu thị ngạo nghễ cạnh thánh đường
Islam hàng ngàn năm tuổi. Năm 2004, môt đoàn vũ công Uyghur trình diễn
tại Canada đã xin tỵ nạn chính trị, vì sau khi trình diễn, họ bị nhân
viên Trung Hoa ép phải uống rưọư và khiêu vũ, trái với đạo đức người
Uyghur.
Câu hỏi của Moisés Naím rơi vào yên lặng không kém.
Uyghur trong quĩ đạo Trung Quốc
Người Mãn Châu thành lập đế quốc Thanh năm 1644 đã sáp nhập Mông Cổ,
Tân Cương, và Tây Tạng năm 1759. Nhà Thanh chỉ bị lui bước ở Miến Điện
và Đại Việt với chiến thắng của vua Quang Trung ở trận Đống Đa.
Sau những năm chiến tranh đẫm máu, tháng 11/1884, East Turkestan bị
sát nhập vào Trung quốc vói tên mới Xinjiang/Tân Cương. Từ đó, uy danh,
văn hoá của East Turkestan ở bên bờ vực thẳm. Sau khi lực lượng Trung
Hoa Quốc Gia lật đổ nhà Mãn Thanh năm 1911, người Uyghur khởi nghĩa
nhiều lần. Họ chống nhà Thanh, chống người Anh, chống chính phủ bù nhìn
do người Anh dựng lên. Họ đánh bật quân đội Nga Sô ra khỏi khu vực Ili.
Tất cả những chiến đấu gian khổ đó rốt cuộc vẫn không dành đựoc độc lập.
Tháng 10 năm 1955, họ đựoc “chỉ định” là một khu tự trị của Trung quốc.
Năm 1949, người Hán chỉ chiếm 6%, hiện nay là 40% với 7.5 triệu người.
Bức ảnh duới đây chụp tình cờ, nói lên đựơc nỗi lòng người Uyghur?
Ông râu trắng xoá kề cận bên mái tóc cháu còn xanh. Giống nhau chăng là
sự bất an, cái nhìn của người ông chịu đựng đầy nghi ngại và bé gái tí
teo đã bậm môi đẫm căm hờn.
Một thi sĩ người Uyghur, Abduhalik Uyghur, ئابدۇخالىق ئۇيغۇر, hấp
thụ cả năm nền học vấn: Islam, Trung Hoa, Ả Rập, Ba Tư và Liên Xô.
Abduhalik làm nhiều thơ nhằm đánh thức người Uyghur trước nguy cơ bị
Trung Hoa tiêu diệt. Bài thơ Oyghan (Wake Up, Hãy Thức Dậy) sáng tác năm
20 tuổi.
Xin dịch thoát 8 câu:
Này người Uyghur khốn khổ, thức dậy đi từ cơn ngủ đã dài
Người còn gì đâu ngoài mạng sống mỏng manh
Nếu không tự cứu khỏi cái chết
Phút tàn sinh sẽ chẳng còn bao lâu nữa
Hãy mở to mắt nhìn quanh,
Tương lai sẽ ra sao
Nếu lỡ dịp may này vuột khỏi tầm tay
Mai này sẽ chỉ là một nỗi ăn năn vô tận
Người còn gì đâu ngoài mạng sống mỏng manh
Nếu không tự cứu khỏi cái chết
Phút tàn sinh sẽ chẳng còn bao lâu nữa
Hãy mở to mắt nhìn quanh,
Tương lai sẽ ra sao
Nếu lỡ dịp may này vuột khỏi tầm tay
Mai này sẽ chỉ là một nỗi ăn năn vô tận
Vị trí cuả Tân Cương đối với Trung quốc
Trong cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt, ông Bình-nguyên Lộc
cho rằng một trong nguyên nhân nhà Hán chiếm Chămpa, khai thác mỏ đơn sa
dùng làm vị thuốc, người Hoa gọi là thần sa, châu sa, mỏ ấy ở tại Cù
Lao Chàm, người Chàm khai thác đến đời Tống thì cạn. Giấc mơ Đại Hán
không chỉ đơn giản có thế. Nguợc lại, tầm nhìn gấp trăm lần nhằm thực
hiện chủ nghĩa bành trướng và đế quốc: làm chủ toàn vùng, cả trên bộ lẫn
trên biển.
Suốt 2000 năm, từ thế kỷ 5 TCN cho đến thế kỷ 16, không bao giờ
Trung quốc thoát khỏi ám ảnh bị người ngoài tấn công. Vạn Lý Trường
Thành là bằng chứng lịch sử cho sợ hãi đó. Chiếm đựơc vùng làm trái độn
là vấn đề sinh tử với họ khiến ngay từ năm 126 TCN, nhà Tây Hán phái
Trương Khiên thám hiểm phía cực Tây tìm đồng minh. Sau khi Con Đường Tơ
Lụa hình thành ở phía Bắc, có thể nhà Hán căn cứ vào sự giầu có của xứ
Chămpa, mơ màng kết nối Trung Hoa với Con Đường Gia Vị có từ 2000 năm
truớc.
Ngày nay, Trung quốc phải chiếm và giữ East Turkestan cho bằng được.
Trung quốc là một lục địa cổ, cũng giống như châu Âu, khai thác đã cạn,
nên phụ thuộc nuớc ngoài về cả tiêu thụ lẫn khai thác nhiên liệu. Hoặc
chưa cạn, nhưng cũng giống như Hoa Kỳ, khai thác thiên hạ truớc. Trung
Quốc vì vậy cần đến những thuộc địa kinh tế.
Trong khi châu Phi xa xôi và khó lòng đồng hoá bằng văn hoá, ngôn
ngữ hay hôn nhân mà Trung quốc còn thò tay tới, nói chi Tân Cưong cùng
biên giới.
East Turkestan/Tân Cương rộng 1.6 triệu km², gấp bốn lần tiểu bang
California, bằng Iran, bằng cả phía Tây châu Âu, và chiếm 1/6 diện tích
toàn thể Trung quốc. East Turkestan là một vùng địa lý đa dạng, có sa
mạc, núi, sông, hồ, đồng cỏ, rừng rậm. Đây là một vùng giầu có, ngoài
chăn nuôi, còn có than đá, dầu lửa, quặng sắt. Đường ống dẫn hơi đốt từ
Khazakhstan tới Trung quốc xuyên qua Tân Cương.
Trung Quốc đã thiết lập một số trung tâm nguyên tử lực ở Tân Cương.
Có cả thẩy 45 lần thử nghiệm bom nguyên tử ở vùng hồ Lop Nur, đông bắc
Tân Cương. Lần đầu tiên ngày 16 tháng 10, 1964. Từ đó, tỷ lệ ung thư nơi
cư dân tăng từ 30 đến 35% so với địa phương khác.
Hai ngàn năm truớc, người Trung Hoa không bao giờ mơ màng đến việc
đánh Ấn Độ. Nhưng ngó trên bản đồ ngày nay, Trung Hoa đang ở trên đầu Ấn
Độ.
Năm 1962, Trung quốc bất ngờ tấn công Ấn Độ. Lúc đó, thủ tướng Ấn Độ
là Nehru. Phía Trung Hoa có thủ tướng Chu Ân Lai. Nguyên nhân tranh
chấp là tiểu bang Arunachal Pradesh, có mỏ dầu lửa rất lớn; hồi nào tới
giờ thuộc Ấn Độ, dân chúng Ấn Độ, nói tiếng Ấn Độ. Trung Quốc ngang
xương đặt tên mới là Nam Tây Tạng, và tuyên bố “chủ quyền không thể chối
cãi”. Cuộc chiến kéo dài 41 ngày. Tổn thất về phía Ấn Độ: 3,128 chết,
3,123 bị bắt, 1,047 bị thương, phía Trung quốc 722 chết, 2 bị bắt và
1,697 bị thương.
Trung quốc tuyên bố thắng trận,“dậy cho Ấn độ” một bài học. Ấn Độ
mất hai vùng đất thuộc bang Arunachal Pradesh. Vừa có của vừa ráp ranh
với Trung quốc, người Ấn Độ lại vừa thiền vừa mơ ngủ theo chính sách
“bất bạo động”của Ghandhi! Thủ tướng Nehru thú nhận “Chúng tôi sống
trong thiên đàng hão huyền/We were living in fool`s paradise”. Sống đời
này lại cứ vun xới thiên đàng ở đời sau! Bài học này không chỉ riêng cho
Ấn Độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét