HÙNG VƯƠNG và UNESCO: TRƯỜNG HỢP BÁN KÈM
MỘT DANH VỊ LỊCH SỬ
Sử gia không phải chỉ sống giữa những thư khố hay những tấm thẻ tư liệu…
mà còn phải dấn mình vào cuộc sống văn hoá xã hội… Lịch sử do đó phải mang tính cách toàn diện… bao gồm cả thời gian hiện tại. Nhìn theo khía cạnh đó thì sử học xuất hiện như một khoa xã hội học của quá khứ, và xã hội học chính là sử học của thời hiện tại. (Henri Janne, Lời Tựa của Histoire et critique 1969)
mà còn phải dấn mình vào cuộc sống văn hoá xã hội… Lịch sử do đó phải mang tính cách toàn diện… bao gồm cả thời gian hiện tại. Nhìn theo khía cạnh đó thì sử học xuất hiện như một khoa xã hội học của quá khứ, và xã hội học chính là sử học của thời hiện tại. (Henri Janne, Lời Tựa của Histoire et critique 1969)
Tin mừng… Tin mừng, và các cách hiểu tuỳ tiện…
Người có ít thông tin chộp được một thông báo ngắn trong bài bênh vực
“Tín ngưỡng Hùng Vương…” của Giáo sư Tiến sĩ Ngô Văn Thịnh đăng trên tờ
Thanh Niên ngày 7-12-2012: “TS Dương Bích Hạnh từ Văn phòng
UNESCO Hà Nội cho biết [ngày 6-12- 2012] vào 12 giờ 10 (giờ Paris), tín
ngưỡng Hùng Vương của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hoá phi
vật thể của nhân loại”. Các cô cậu đi thi còn phải ghé qua chạm cái đầu
rùa ở Quốc tử giám thì chuyện nhà nước đem tinh thần khoa bảng vươn ra
thế giới, mong lấy bằng cấp quốc tế tất cũng không thể nào tránh khỏi
bước theo đường lối không thông thường. Do đó cũng không cần biết đến
những hệ luỵ và ràng buộc tiếp theo.
Kể từ cuối thế kỉ trước, khi kinh thành Huế được công nhận là Di sản
Văn hoá Thế giới nhờ những luận chứng, hồ sơ lập thành từ thời VNCH thì
phong trào đi tìm bằng cấp văn hoá thế giới rộ lên thật sôi nổi. Ít ra
thì các bằng cấp có độ uy thế cao đó cùng với một ít tiền trợ cấp trùng
tu, bảo tồn cũng giúp cho di sản phong kiến triều Nguyễn tránh được tình
trạng Bụt nhà không thiêng, thoát khỏi tình trạng làm nhà kho hợp tác
xã, trụ sở này nọ… Ví dụ cụ thể là đàn Nam Giao khỏi biến thành Nghĩa
trang Liệt sĩ với mấy cái tượng cứng đờ, nhân mẫu từ bất cứ nghĩa trang
nào được xây trước nó. Thế rồi cũng như tình trạng mỗi tỉnh một sân bay,
một bến cảng quốc tế (?!), các tỉnh, vùng đua nhau tìm cách thúc đẩy
cho tỉnh, vùng của mình có một bộ hồ sơ “trình” UNESCO. Trước nhất là ở
vùng trung tâm, vùng được coi là cội nguồn dân tộc theo cách hiểu về
truyền thống các vương triều để lại, nay có dịp được tuôn ra tầm nhìn
thế giới, lấy “oai phong” đó củng cố thêm vai trò lãnh đạo hiện tại toàn
vùng.
Thật ra thì cũng hơi khó đạt tiêu chuẩn nếu cứ dừng ở chứng cứ vật
chất của thành trì, đền đài… bởi vì Việt Nam còn được bao nhiêu những
thứ ấy? Có cái chùa Một Cột, cứ cho là giống dạng hình cũ của Lí, thế kỉ
XI nhưng trước mắt thì chỉ là một cái chuồng cu thờ Phật tội nghiệp,
đội tấm nylon che mưa, dù mới phục chế năm 1955 sau khi bị một đơn vị
nào đó giật sập trước khi rút vào Nam theo Hiệp định Genève. “Tràng An”
Ðinh Lê đã cạnh tranh đồng thời với Huế không được chỉ vì mấy cái đền
rời rạc, nhỏ bé tội nghiệp của nó. Xa xưa thì đổ thừa cho lí do thời
gian, giặc tàn ác xâm lăng phá huỷ tuy không ai nhớ đến chủ trương tiêu
thổ trong cuộc chiến vừa qua, cụ thể ngay trước mắt là kinh thành Huế.
Hết chiến tranh thì cũng UNESCO cứu vớt Mĩ Sơn, Hội An thoát khỏi tàn tạ
vì sự kì thị Chiêm Mọi / Việt Kinh, Ta/Ðịch. May thay, lại thêm có quan
niệm về “Di sản phi vật thể” của nhân loại (the Intangible Cultural
Heritage of Humanity) mở rộng tâm tình các nước giàu có, kéo dài danh
sách tuyển mộ làm cho ứng viên thêm nhiều hi vọng. Thế là kéo nhau dồn
dập xin xỏ đến nỗi được nhắc nhở: “mỗi năm không thể có quá một hồ sơ
ứng cứ Di sản văn hoá phi vật thể” khiến có lời phàn nàn UNESCO “siết”
danh hiệu (Thanh Niên online). Và vì thế năm 2012, Ðờn ca tài tử của địa phương phải nhường cho Tín ngưỡng Hùng Vương của trung ương, chờ đến năm sau.
Phú Thọ có lúc cũng từng háo hức mong mỏi thế giới công nhận mấy cái
đền trên núi Nghĩa Lĩnh của mình, kèm với dấu vết “4000 năm lịch sử”
diễn giảng gán ghép từ trong sử sách. Tuy nhiên về dấu vết vật chất thì
ngay với người ở xa, rủi ro còn chứng cớ là tấm bia đá 1923 “Hùng miếu
kỉ niệm bi” (Văn khắc Hán Nôm 1992: 580) ghi rõ chuyện trùng tu
lần đầu năm 1909 tốn 2000 đồng công quỹ, với Khâm sai Ðại thần Hoàng Cao
Khải, Tuần phủ Phú Thọ Hoàng Mạnh Trí và Công sứ M.G. Guillard; tiếp
theo có việc sửa đền Thượng năm 1915 khi đang xảy ra Thế chiến I, cuối
cùng là năm 1921 (Khải Ðịnh thứ 6) với công trình lớn “dựng 7 gian quán,
sửa giếng, tạo chính tẩm, bái đường, sắm tế khí (tổng cộng tổn phí?)
hết 2125 đồng 8 hào, 41 tiền (xu?)”. Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng
(“Hùng miếu điển lệ bi”, Văn Kim Chung 2008, Trịnh Sinh 2011*) ghi rõ:
“Tục lệ dân xã (Hi Cương, phủ Lâm Thao) lấy ngày 11-3 kết hợp với việc
thờ thổ kì, làm lễ riêng. Từ nay lấy ngày 10-3… phụng mệnh kính tế trước một ngày”. Cũng
thật dễ hiểu: hội lễ truyền thống vốn gốc là hội mùa nên thường tiến
hành trong nhiều ngày, như trước quy định kia thì lễ hội đền Hùng kéo
dài từ khoảng 7, 8 đến 16, 17 tháng Ba, nay từ địa phương lên đến triều
đình thì phải có ngày nhất định cho vua/quan-thay-mặt đến cúng tế. Vậy
ngày lễ Giỗ với câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi /Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
chỉ mới bắt đầu sớm nhất là năm 1923 đó, đến nay là có tuổi vừa đủ Chín
mươi. Chưa ai kịp nghĩ có thể nêu danh nó bằng con đường khác. Thế mà,
với sức người “sỏi đá cũng thành cơm”.
Lễ hội Hùng Vương năm 2013 Phú Thọ được tổ chức suốt cả tuần từ ngày 4
đến 10-3 âl. (13-4 dl. đến 19-4-dl.) Lễ hội nâng lên tầm mức Quốc gia
được nhà nước công nhận từ 2000 nhưng năm nay lại thêm phần long trọng
vì có thêm phần “lễ tôn vinh, đón Bằng công nhận ‘Tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương ở Phú Thọ’ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”. Về
việc công nhận này, báo Hà Nội Mới hồ hởi “Ðiều đáng tự hào nữa
là bộ Hồ sơ khoa học về di sản của Việt Nam (về Thờ cúng Hùng Vương) đã
nhận được số phiếu tuyệt đối 24/24!” Muốn đi tìm cảm xúc cá nhân mượt mà
điển hình thời đại thì hãy nghe nhà báo Huy Thắng của tờ Nhân Dân thuật
lại: “Chứng kiến cảnh tượng hoành tráng tại buổi lễ khi ông Clê-măng
Ê-chiên (Clément Etienne?), đại diện tổ chức UNESCO khu vực châu Á –
Thái Bình Dương trao Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở
Phú Thọ” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh
đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Phú Thọ, chúng tôi lại nhớ lại
những khoảnh khắc huy hoàng tại trụ sở UNESCO ở thủ đô Pa-ri, Cộng hoà
Pháp ngày 6-12-2012. Tại kì họp lần thứ 7 của Uỷ ban Liên chính phủ về
bảo tồn văn hoá phi vật thể, có 36 hồ sơ được đề cử lên Uỷ ban xem xét
công nhận. Suốt hai ngày bình xét, các phóng viên thường trú chúng tôi
theo dõi hội nghị được sống trong tâm trạng hồi hộp. Khi ông Ác-lây Gin
(sic, Harley Jean?), người Grê-na-đa (Grenada), Chủ tịch Uỷ ban Liên
chính phủ về bảo tồn văn hoá phi vật thể gõ búa biểu quyết ghi tên “Tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vào danh sách di sản văn hoá phi
vật thể đại diện của nhân loại, cả hội trường vỗ tay chúc mừng đoàn đại
biểu Việt Nam. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mắt nhoà lệ (?!). Những lá cờ
đỏ sao vàng tung bay trong phòng họp thân thương và quá đỗi tự hào”.
Hẳn là Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã cố công cùng sức, và được thoả
mãn là ngày UNESCO công nhận đã xảy ra trước Hội lễ cho nên từ hai tháng
trước đã có chỉ thị “Chuẩn bị chu đáo cho lễ đón nhận bằng di sản thế
giới và lễ hội đền Hùng 2013”, với sự đóng góp công sức của các cơ quan
trung ương và địa phương trong tình trạng xây cất cực kì khẩn trương.
Báo chí nêu chi tiết về những biểu diễn sinh hoạt văn hoá ở tỉnh lị Việt
Trì, còn báo nhà nước Nhân Dân thì tất nhiên chú ý đến tính chất
nghi thức “trang trọng và thành kính” thực hiện với khắp các cơ quan
chính quyền địa phương gần xa.
Ðến dự lễ khai mạc tối 13-4 ở quảng trường lớn tại đền Hùng, có Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ðại diện lãnh đạo Ðảng và các Ðại sứ quán
nước ngoài tại Việt Nam, đại diện 24 quốc gia trong Uỷ ban Di sản Thế
giới, cùng đại diện của 8 tỉnh thay mặt (?) cho nhân dân 63 tỉnh, thành
phố trong cả nước về “góp giỗ”. Ngày lễ chính 19-4, diễn ra trên đền
Hùng, nơi được gọi là điện Kính Thiên (?), với nhân vật cấp trung ương
không quên lễ đặt vòng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðoàn hành lễ
có “các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam rước Quốc Kì, cờ hội, và
vòng hoa mang dòng chữ ‘Ðời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng
nước’. Theo sau là 14 thiếu nữ mang hương hoa, lễ vật và 100 con Lạc
cháu Hồng cầm cờ hội” (Nhật báo Nhân Dân). Ít ai nhận ra nhưng rõ
ràng 14 cô gái (“thiếu nữ”) chắc là đẹp kia, là tượng trưng cho 14 vị
trưởng lão chưa chịu già đang nằm ở Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ðại biểu Hà Nội đã giành làm lễ trước, vào chiều 18-4, như để nhắc
nhở địa vị Thủ đô của mình. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ở Khu Công
viên Lịch sử Văn hoá Dân tộc (Suối Tiên) rộng rãi, đủ bề thế cho một Khu
tưởng niệm các vua Hùng mà tác giả công trình vừa được Thành phố tặng
giải kiến trúc năm 2012. Các nơi khác được tiếp tục kể ra, tuy không
quên các tỉnh Tây Nguyên cần thiết cho tinh thần thống nhất dân tộc,
nhưng có sự loạc choạc không đều: các nơi đã lập được đền Hùng mới (Ðồng
Nai, Kiên Giang, riêng Vĩnh Long nhà thờ nằm trong Bảo tàng tỉnh) thì
tổ chức tại đó, còn không thì làm lễ nơi các đình cũ (Bến Tre, Ðồng
Tháp). Có cả tin Sa Ðéc tổ chức lễ chỉ trong trường Hùng Vương của tỉnh
mà không kịp thấy tin của Huế ở cùng trang của tờ báo lãnh đạo cả nước
thì cũng nên thắc mắc tìm hiểu thêm về sự lệch lạc đó. Sự việc được cho
hiểu: Lễ hội “Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận
vốn là xảy ra ở một tỉnh, lại trở thành lễ hội của cả dân nước Việt Nam
gồm 54 dân tộc khác nhau, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Bởi vì lễ hội có hoành tráng, văn chương tụng ca có dài dòng cũng cốt
để truyền thông phổ biến những ý tưởng tầm tầm của tầng lớp lãnh đạo:
thời đại vua Hùng với sự kiện thành lập nhà nước vững chắc, có tầm cao
văn hoá xuyên suốt đến ngày nay, tất cả đều là CÓ THẬT, và do đó vùng
Phú Thọ xứng đáng đứng ở tầm cao lịch sử trên cả các vùng đất nước khác,
lấy vị trí địa lí (“đất Tổ”) chuyển đổi qua ý nghĩa tâm linh để kết nối
sự thống nhất của người Việt Nam ngày nay. Từ đầu thế kỉ XXI, nhất là
sau khi được công nhận ngày Quốc lễ (2007), Phú Thọ đã làm bánh chưng
chia đều cho các tỉnh thành cả nước. Dù là có những đua đòi thất bại như
các loại bánh chưng thiu, bánh giầy độn bằng mốp, không đủ cho nhân
viên Guinness đến dự (2008) ghi thành tích nhưng vẫn có những tiếp tục
xây dựng quanh đất đền Hùng cũ, đã tạo được một cơ sở hoành tráng, lấy
hiện tại chứng minh cho quá khứ.
Sự thống nhất chính trị năm 1975 đã đem hình ảnh Hùng Vương dựng nước
thành đề tài cấm kị, “bất khả tư biện” trên cả nước, phát sinh ra cách
nói loạn xạ mà chắc nịch của Giáo sư Tiến sĩ Ngô Ðức Thịnh: (1)“Từ thời đại các vua Hùng đến nay,
các danh xưng Lạc Long Quân – Âu Cơ, Quốc tổ Hùng Vương, Sơn Tinh,
Thánh Gióng, Chử Ðồng Tử – Tiên Dung đã trở thành các biểu tượng của
lịch sử – văn hoá dân tộc, trong đó chứa đựng hệ ý thức quốc gia dân tộc
đầu tiên của nước ta, dân tộc ta. Ý thức đó hẳn đã tồn tại trong tiềm
thức của người Việt cổ, dù trải qua một nghìn năm Bắc thuộc vẫn không
phai mờ. Chính vì vậy ngay từ khi phục hồi nhà nước tự chủ cuối thế kỉ
X, các triều đại độc lập đầu tiên đã nâng việc thờ vua Hùng thành Quốc
tế (?)…” Không phải chỉ riêng với ông này, có thể nhặt tìm được
trong sách vở ngày nay khá nhiều các “tham luận”, “công trình khảo cứu
khoa học” có những quả quyết tương tự: “Ngày 10-3… giỗ Tổ Hùng Vương tính đến nay đã hơn 6 thế kỉ… tín ngưỡng thờ vua Hùng đến nay đã có tự ngàn đời” (Nguyễn
Ngọc Ân 2011). Trong buổi khai hội có tên khích động “Linh thiêng cội
nguồn đất Tổ Hùng Vương”, Chủ tịch nước Truơng Tấn Sang được cho là đã
nhấn mạnh: “ Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các vua Hùng là Quốc tổ, có công dựng nước, nhà nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam…
‘Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương’ đã trở thành bản sắc văn hoá, đạo lí
truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ
tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người
con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với lòng thành kinh tri
ân…” Thật là cả một nồi lẩu pha trộn hương hoa, bùa mê và sỏi sạn,
ẩn giấu gươm giáo của một học thuyết chính trị mang tính huyết thống tập
thể, đang trên đà tiến triển lấn lướt mà vẫn còn muốn củng cố thêm bằng
một chứng nhận quốc tế để được diễn giải theo ý mình.
Trong tấm bằng quốc tế kia có hai phần riêng biệt được nhập chung một
cách đủ khéo léo, để về phần người cấp bằng thoả mãn với sự mơ hồ mà
không làm hại đến uy tín của mình, và phần được người sử dụng tha hồ
quảng diễn, khai thác trong tiến trình áp đặt quyền lực. Ðó là phần
tuyên dương một lễ hội văn hoá địa phương đang bày tỏ trước mắt, và phần
lịch sử về sự khai sinh một dân tộc, một đất nước. Cái tên “Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” (bản văn thế giới thêm “Việt Nam” để mang
tính xác định hơn) tỏ rõ sự nặng nhẹ trong hai phần lịch sử và văn hoá
đó.
Chúng tôi không có phương tiện để theo sát sự vận động cho tấm bằng
Phú Thọ. (Nhưng theo những người có chút hiểu biết về tình hình Việt
Nam, thì với sự “nhạy cảm” của người cầm quyền, không chắc sự tò mò đã
được hoan nghênh nên sự thiếu hiểu biết của người nghiên cứu vẫn là điều
có thể thông cảm được). Nhờ một ít dữ kiện của blogger Le Minh Khai, ta
biết các nhà cấp bằng trong trụ sở ở Paris chú ý nhiều đến tính chất lễ
hội văn hoá của một vùng, không phải là toàn thể một đất nước, và cũng
không xác định rõ rệt thời gian khai sinh của hội lễ, cho là vào sáu hay
mười thế kỉ trước. Người ta xác nhận, đại khái, vào tháng ba mỗi năm
các người hành hương đi về đền Hùng làm lễ tưởng niệm tổ tiên, cầu mưa
thuận gió hoà, mùa màng tốt đẹp và an lành cho bản thân gia đình; lễ hội
có bánh trái, biểu diễn nghệ thuật, đánh trống đồng, hát xoan… Tuy
nhiên dù người ta không biết, và có lẽ không quan tâm lắm về sự chính
xác của cái ngày “mồng mười tháng ba” nọ nhưng chữ “Hùng Vương” ghép
vào, cũng khiến họ phải vướng bận với lịch sử toàn vùng đất mở rộng hơn
khu núi Nghĩa Lĩnh, với các từ ngữ sử dụng có vẻ không đủ cải chính rằng
họ cũng bị lôi cuốn phải đứng vào phe “triều đình” trong sự tranh chấp
về cổ sử. Và bấy nhiêu đó cũng đủ cho nhà nước Việt Nam khai thác thêm
uy tín của tấm bằng dùng cho sự củng cố chế độ, bắt nguồn từ thành kiến
tạo dựng bởi lịch sử các vương triều và siết chặt thêm theo chiến thắng
1975 vừa qua.
Khía cạnh học thuật: sự kiện trần trụi và “truyền thống” dân gian
Về khởi đầu của lịch sử dân tộc Việt, các nhà nghiên cứu đã lục lọi
trong nhiều thư sử xưa để đưa ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn không thể
thoả mãn được tâm ý của nhiều người. Chuyện cũng là bình thường nếu biết
dừng lại ở sự tôn trọng học thuật, sự trung thực trong luận lí, không
phải bước qua những phát biểu ngang ngược đầy thẩm quyền, không chịu
đựng một sự thẩm tra nào ngoài sự khăng khăng một mực được gọi là kiên
trì, giữ vững “lập trường”.
Vấn đề Hùng Vương tuy là rắc rối nhưng có thể nói rằng người ta đã
tìm được hết các bằng chứng cổ xưa ghi chép về gốc tích (các) ông vua
này. Tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật đòi hỏi chỉ nên căn cứ vào
đó, không bịa thêm, dù nhân danh bất cứ quyền lực nào. Ở đây cũng không
nên lặp lại các chi tiết tranh luận không cần thiết.
Tên Hùng Vương được nhắc đến lần đầu khoảng thế kỉ V trong sách Nam Việt chí của
Trung Quốc. Ở sách Việt là các nhắc nhở không còn nội dung của Hồ Tông
Thốc, ở tập họp thần tích được ghi vào quốc tế của Trần: Việt điện u linh tập 1329, nhất là ở thiên Hồng Bàng kỉ của Lĩnh Nam chích quái,
sách được sưu tập cuối thế kỉ XV nhưng giống như các thư sử trên, tất
cả đều được hình thành vào thế kỉ XIV. Ðiều quan trọng là từ những tập
họp đó, Ngô Sĩ Liên mới có cơ sở đưa Hùng Vương vào chính sử triều Lê,
mở lối cho vị trí thênh thang của ông Hùng Vương trong sử Việt. Người ta
cũng nhắc nhiều đến quyển sử Việt lạc loài ở Trung Quốc mới tìm lại
được thời Minh, đưa vào thư khố Thanh và xuất hiện thành một tài liệu
quan trọng cho sử Việt Nam trong thế kỉ XX về thời kì mở đầu dựng nước.
Quyển (Ðại) Việt sử lược đó được học giả Nhật phát hiện, nổi lên trong thời kì Dân chủ Cộng hoà với bản dịch của ông Trần Quốc Vượng 1960.
Bản dịch của Trần Quốc Vượng từ một bản sao chép tay, có các dòng như
sau: “Ðến đời Trang Vương nhà Chu (692-686 tCn.) ở bộ Gia Ninh có người
lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng
đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang… truyền được 18 đời, đều gọi là
Hùng Vương”. Cái tên Hùng Vương đó xuất hiện vào thời đại mới, được coi
như thêm một bằng chứng khoa học về sự hiện hữu của các ông Hùng Vương
chui từ bọc trứng, lên núi xuống biển ở các tài liệu kia. Ðó là bằng
chứng về tình trạng được quan sát trong sự hình thành các tập họp chính
trị buổi sơ khai mà thủ lĩnh là kẻ vừa có sức mạnh bản thân vừa mang uy
thế thần thánh. Nhờ Trần Quốc Vượng mà có được ông Hùng Vương trẻ hơn,
các nhà sử học Việt Nam DCCH đang còn ngần ngại với cái tuổi Bốn ngàn
năm văn hiến có mỗi ông vua Hùng cai trị khoảng 150 năm, liền hạ xuống
còn 2500 năm, ngó cũng tạm được! Tuy nhiên blogger Quach Hien gần đây
lại lôi ra bản chữ in gốc của Trung Hoa, chỉ ra một chữ khác, đọc theo
Hán Việt và viết ra quốc ngữ là ÐỐI Vương. Cả trên trang in lại của ông
Ngô Văn Thịnh, nhân việc dịch Ngọc phả đền Hùng, cũng cho thấy đó là chữ
“đối” với nghĩa là cái cối… Hoàng Hải Vân (Trung Quốc 2008, dẫn theo
Nguyễn Phúc Anh, Ðặng Quỳnh Trang 2011) cho rằng đó là sai lạc từ chữ
“lạc” bộ Các mà ra, hình như để chúng ta ngầm hiểu “lạc” là gốc, phát
sinh ra “hùng”, “đối”, và do đó Hùng Vương mới có mặt trong bản sao của
Trần Quốc Vượng. Vậy thì câu chuyện “Hùng Vương ở bộ Gia Ninh” còn phải
mắc nghẽn qua một giả định chuyển đổi tự dạng khiến bộ mặt ông vua còn
mờ nhạt hơn nữa.
Chuyện sơ sử trên đất Việt lại còn có thêm ông Lạc Vương, cũng được
cho là làm chủ ở đây. Ông vua Lạc này được nhắc trong sách tư gia, vài
thế kỉ muộn hơn so với chữ “lạc” (cứ tạm coi là có nhiều dạng chữ biểu
diễn cùng một sự kiện) xuất hiện trong chính sử Trung Hoa trước Công
nguyên, với danh xưng chỉ tập họp người, tập họp chính trị. Ở cái nơi là
đền Hùng ngày nay, An Nam chí (1419) nói có “cung cũ của Lạc
Vương”, đồng thời cũng nhắc đến Hùng Vương ở các văn đoạn khác. Chắc các
điều đó cũng khiến Ngô Sĩ Liên cho rằng “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng
tướng” để H. Maspéro mang các hình thức chữ Hán ra giải thích thêm.
Tranh luận Lạc hay Hùng dẫn đến một hoà giải: có cả hai, vì hai thực thể
được trình bày với dạng tổ chức đất đai riêng biệt, một ở gần biển (Lạc
làm ruộng theo thuỷ triều) và một ở vùng thung lũng chật hẹp (Hùng, đất
bốc hơi mạnh). Còn đối với các học giả, sử gia Việt Nam ngày nay thì sự
giải quyết gọn nhẹ hơn: chỉ có Hùng Vương thôi, vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như thế.
Vòng hoa của quân đội trong buổi lễ nói trên chỉ là lặp lại một phần
lời của ông Chủ tịch, người vẽ ra cả một đường hướng nghiên cứu cổ sử
Việt Nam không cho phép sử gia Việt Nam nào làm khác được.
Hết khảo cổ học lại tới văn hoá dân gian, folklore học gì đó… Người
ta biện luận rằng trong các chuyện kể truyền đời vẫn thường có một cốt
lõi sự thật lịch sử mà người nghiên cứu có thể lôi ra, tin vào đấy. Ðiều
này có chứng dẫn ngay ở công trình của những người khởi đầu truyện
tích, thường ghi lại, đại khái: “Theo các bậc cố lão tương truyền…” Ðây
là lập luận nòng cốt trong việc đưa đẩy Hùng Vương lên đài Quốc tổ hiện
nay, được ghép với các sự kiện toả thành yếu tố “văn hoá dân gian” mà
không chú ý đến tính chất lịch sử của chúng. Ðã nói nơi khác, các chứng
cớ dân tộc học, chuyện kể, phong tục… có thể tạm sử dụng để tìm hiểu vể
một tập đoàn dân tộc không chữ viết chứ không thể đem đặt bất cứ đâu
trong lịch sử một dân tộc đã có chữ viết, hay đã liên hệ nhiều đến phần
ghi chép có dấu hiệu thời đại từ các tộc người khác. Ít nhiều gì các tài
liệu dẫn chứng kia cũng đã được định hình trong một khoảng thời gian
xác định rồi. Cho nên không thể ghép “các danh xưng Lạc Long Quân, Âu
Cơ, Quốc tổ Hùng Vương… Thánh Gióng…” đã có vào “thời đại các vua Hùng
đến nay” được. Chương Hồng Bàng thị trong Lĩnh Nam chích quái là
căn cứ chắc nịch để các học giả “yêu nước” ngày nay nói về một “ngọc
phả”, một đấng Quốc tổ của dân tộc Việt (khoan nói đến Việt Nam). Nhưng
phần để căn cứ đó không phải là chuyện kể nghe lại của tác giả chương
sách nọ, như Ðinh Khắc Thuân 2011 cho là từ “các truyền thuyết dân gian
được văn bản hoá”. Chương truyện viết ra đó là tích luỹ từ các cổ thư
Trung Quốc tác giả đã đọc. Những Hoa Dương quốc chí (thế kỉ IV), Liễu Nghị truyện (thế kỉ VI), Nam Hoa Kinh, Hồng Liệt Huấn, Thuỷ Kinh chú có
các tên xác nhận hay gợi ý sáng tác thêm: Ðế Minh, Kinh Dương Vương, Vụ
Tiên, Xích Quỷ, Ðộng Ðình, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương… là từ
những thư sử hẳn đã được các nhà nho thông thái thế kỉ XIV đọc tới và tự
diễn giải thêm, chứ nhất định không phải loại “truyền khẩu” quanh đền
Hùng đưa vào tai họ. Không phải đợi đến các học giả Tây phương bài bác
để cho rằng họ mang tính thực dân, đế quốc, ngay Ngô Thì Sĩ (thế kỉ
XVIII) cũng tỏ dấu nghi ngờ vài điều trước khi buông xuôi theo thành
kiến, đến lúc bấy giờ đã trở thành “truyền thống”. Ðiều đó chứng tỏ ngay
trong bản Ngọc phả (nhiều dị bản) nhiều sơ hở mà lại được coi là lập
ngay vào đời Lê Thánh Tông (1470 hay 1472).
Không nên dài dòng, hãy lấy ngay bản dịch của ông Ngô Ðức Thịnh được ông phổ biến: Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế Thánh vương Ngọc phả cổ truyện.
Trong bản Ngọc phả này, chi tiết nhiều là ở các ông vua thứ Nhất, thứ
Ba hay thứ Sáu, và ông vua cuối, thứ Mười Tám, chỉ vì ở các đời này có
truyện lấy từ các sách khác có liên hệ, ví dụ Việt điện u linh tập
có ông Gióng với dị bản cổ nhất, có chuyện mất nước vào tay Thục cũng
tìm được ở các cổ thư mươi thế kỉ về trước. Thừa hưởng được cái “hơi” ở
các truyện có sẵn nơi các ông vua kia nên ngọc phả có điều để nói qua
loa về vua Hùng Bảy, Tám, Chín, và Mười Bảy. Còn với các ông Hùng ở
giữa, từ Chín đến Mười Sáu tác giả không tìm ra nguồn để “vẽ” thêm, đành
phải chịu cạn kiệt văn từ, chỉ nhắc đến cái tên và số năm “ở ngôi”, cả
đến tuổi thọ cũng cho qua! Phần “dân gian” thấy trong Ngọc phả này chen
vào lúc tác giả vẽ vời trên cái gốc sách vở cũ: “đá lưng rùa” ở Việt Trì
với dấu ông Tiên ngồi, quyển sách thần, bà mo… tất cả đều không thể xác
định thời điểm xuất hiện để gán cho một vị trí lịch sử nào.
Các bản Ngọc phả (hai hay ba?) được đưa ra đến nay đã có những chi
tiết khác nhau, ngay như cũng gọi là “bản Phú Thọ” mà Ngô Ðức Thọ và Bùi
Quang Hùng (Ðài Loan 2011) thấy truyện Phù Ðổng nằm ở hai đời Hùng khác
nhau (5 hay 6). Trừ sự bướng bỉnh không thể nào thuyết phục được, chỉ
có thể coi chúng như những thần phả của ông thần đền Hùng chứ không thể
là gia phả được ghi chép để truyền đời của nhà họ Hùng (nếu quả có một
họ như thế). Gốc tích bản thần phả đưa ra cũng không rõ rệt. Ông Ngô Ðức
Thọ bám vào câu cuối mà cho là được hoàn thành năm “Nhâm Thìn niên hiệu
Hồng Ðức thứ nhất” (1470) khiến một độc giả cải chính “Nhâm Thìn đó là
vào năm 1472”, nghĩa là mâu thuẫn với “Hồng Ðức nguyên niên”! Thế đã đủ
cho Bùi Quang Hùng xác quyết đây là “(một) bản nguỵ tạo”. Ngay cả cái
tên nói ở trên, ông NÐT cũng cho thấy khác với bản ông dịch từ “của Viện
NCHN (Nghiên cứu Hán Nôm?) sao chụp lại từ nguyên bản cuốn ‘Hùng đồ
thập bát diệp Thánh vương ngọc phả cổ truyện’ của ti Văn hoá Phú Thọ”,
mà không giải thích vì sao có sự khác biệt! Có những bản ghi chú là sao
vào thời Lê Trịnh, nhưng cũng có bản ghi soạn năm Thiên Phúc nguyên niên
(986), sao năm 1919, thời Khải Ðịnh thuộc Pháp. Chi tiết sau cùng giúp
củng cố giả thuyết là sách xuất hiện vào thời Trường Viễn Ðông Bác Cổ có
mặt, tìm tòi chứng liệu, mua sách xưa, do đó người ta tha hồ sao chép,
phóng tác để bán, nổi bật nhất là thiên truyện Lĩnh Nam dật sử
đánh lừa cả các ông làm văn hoá của Việt Nam Cộng hoà! Nhà nghiên cứu
ngày nay còn biết “ở Phú Thọ có một trung tâm sao bán thần tích, tự xưng
của con cháu Nguyễn Hiền” (Ðinh Khắc Thuân 2011). Tuy nhiên cứ từ một
trong các bản ngọc phả này mà “sáng tác” thêm thì ta sẽ có 18 tượng các
vua Hùng trong Ðền thờ Quốc tổ Hùng Vương trên đất Pleiku, với vương
hiệu, tên huý, số tuổi, số năm làm vua, số vợ, số con cháu chắt trai gái
đủ cả, dựa vào quyển sách của tác giả Vũ Kim Biên được Sở Văn hoá Thông
tin Phú Thọ xuất bản năm 2006 (Blog TTXVA 6-10-2013).
Văn chương dài dòng trong Ngọc phả cũng là đúng của khu vực Hán học
khuất lấp tương ứng với khu vực Tây học, Quốc ngữ đang phát triển trên
các thành phố đương thời. Tính chi tiết thời mới làm phát sinh không
những tên 18 ông vua mà còn có tên 99 ông Lang không được may mắn làm
vua (quên mất rằng tên Lang Liêu đã có sẵn ở Lĩnh Nam chích quái rồi!)
Rồi ít nhiều gì dạng tôn giáo mới bị thù ghét xưa, nay đã đủ thời gian
và uy lực để trở nên bình thường, chen lách vào thần tích Hùng với chi
tiết Bốn ông Thiên tướng xuống trần chứng giám lúc sinh của Trăm trai –
giống như Ba vua đến chào Chúa Hài Ðồng El Nino đang nằm trên Máng cỏ!
Và tiếp tục đến ngày nay, trong lễ hội 2013 có sự hiện diện của 14 thiếu
nữ giữa 100 người trai, là chứng cớ về sự tranh đoạt của 14 vị lãnh đạo
Bộ Chính trị (trước khi có 2 người được bầu điền khuyết sau đó) đối với
Bốn ông Thiên tướng xưa!
Cái lảm nhảm tân cổ giao duyên như thế dễ hấp dẫn những đầu óc nệ cổ,
tưởng tìm được chỗ bám víu cho sự hãnh diện về những kiến thức làng
nhàng của mình thu nhận được trong các dịp bàn sử, làm thoả mãn được
tinh thần truyền thống xóm làng nâng theo đà mở rộng khu vực, lên đến
tinh thần dân tộc đang được cao rao ca ngợi ngày nay.
Có điều vì chỉ sống trong một khoảng đời vài mươi năm, họ không đủ
tầm mức nhìn vào thời gian, hãy cứ cho là mới vài trăm năm cũng được.
Chúng ta tạm loại ra ngoài tình trạng thư lại học thuật, làm việc để
thoả mãn yêu cầu của quyền bính. Chỉ nên nhìn vào lúc bắt đầu có chữ
Lạc, Hồng, Hùng… xuất hiện ở Hồng Bàng thị, hay chính thức trong khu vực
nhà nước từ Ngô Sĩ Liên rồi dõi theo những gì xảy ra các thời gian sau
đó, những gì triều đình Việt và quan dân nghĩ về họ có ghi chép lại.
Nghĩa là, trong phạm vi ông vua Hùng, hãy làm một lịch sử về quan niệm Hùng Vương
cho tới nay. Và trong phạm vi hẹp, hãy chỉ dừng lại ở phần thế phả của
họ. Lúc mới khởi đầu, giữa 100 trứng chỉ có một ông được gọi là Hùng còn
các ông kia được gọi là Lang, không biết giữ địa vị ra sao trong 15 bộ
của nước Văn Lang. Có biến chuyển trong đời sống “triều đại”, ở các đời
khác nhau, nên phải nêu thứ bậc rõ ràng. Thứ Ba hẳn vì theo lối tính thế
thứ giản dị kể từ ông đầu khai sáng, ông số Một: ông – cha – cháu. Hay
con số Ba quen thuộc của quan niệm phổ thông: Tam tài, Tam giáo… Sách
viết bằng chữ Hán nên có thể chuyển đổi lẫn lộn theo dạng chữ viết Ba
(tam) trở thành Sáu (lục) – hay ngược lại. Và Mười Tám gán cho ông Hùng
Cuối theo kiểu làm toán nhân Ba và Sáu. Tuy Giáo sư Nguyễn Phương cho
rằng con số 18 ấy là của các vua Hùng nước Sở (chữ Hán khác) nhưng tôi
đếm trong danh sách của M. Tchang (1905) thì chỉ có Mười Bảy người. Có
không bằng lòng với cách giải thích sự phát sinh như trên thì cũng phải
nhận tình trạng các ông vua Hùng sơ khởi chỉ được đếm theo mấy con số
thôi. Tình trạng gọi tên vua theo số này, kéo dài đến đầu nửa sau thế kỉ
XVI (Dương Văn An 1555) mới thêm một ông thứ Mười Ba, ngẫu nhiên, không
nệ đến sự kiêng cữ của người Tây. Nói khác đi, các ông vua Hùng lúc đầu
không có tên, thua cả bất cứ thằng bé nào ở nhà quê xứ Việt, nói gì đến
thuỵ hiệu, niên hiệu, miếu hiệu giống các ông vua theo truyền thống văn
hoá Trung-Việt khác. Mãi đến năm được ghi chép là 1572, có ông Nguyễn
Bính còn ở xứ Thanh của nhà Lê chưa phục hưng mới đưa ra hai thuỵ hiệu
Hùng Hiền Vương và Hùng Duệ Vương, mà cũng không thấy nêu thứ bậc. (Về
các thuỵ hiệu trong Ngọc phả thì nơi có nơi không, cùng thuỵ hiệu không
cùng thời đại, lẫn lộn cách đọc để không có sự đồng ý, ví dụ ông NÐT cho
ông thứ 18 là Hùng Tuyền Vương, còn Bùi Quang Hùng thì nhất định đọc là
Duệ Vương). Ngay đến sự đặt tên này cũng chỉ thấy trên bia đá chứ không
ghi vào sử nhà nước. Không thấy có thêm một tên nào khác, ngay cả trên
các bia khắc vào thời Nguyễn muộn (1889, 1907, 1910). Bia nằm trên tỉnh
Hưng Yên của sông Hồng mà người ta nhất định không lấy thêm một tên nào
khác để cho dồi dào tính sử “thời đại Hùng Vương”, những tên lúc đó (cho
rằng) đã có mặt trong các ngọc phả (1470/1472) đã nói kia.
Về chỗ ở của các vua Hùng, sách vở nho sĩ Việt thế kỉ XIV và sử chính
thức đều xác định thuộc Phong Châu trên đất Việt chứ không phải ở hồ
Ðộng Ðình nữa, điều đó có vẻ xác nhận rằng hai sự kiện Âu Lạc và Hùng
Vương là ghép từ hai dòng truyền thuyết của hai địa phương khác nhau.
Nguồn gốc phân hai như thế đã dẫn đến sự tranh giành thứ bậc ai làm “ông
tổ Việt”. Sử quan Nguyễn đã cãi nhau nên đặt Kinh Dương Vương, Lạc Long
Quân là “vua mở đầu nước Việt” hay là Hùng Vương? Hùng Vương thắng thế
là nhờ lời quyết định của Tự Ðức. Ngay cả ngày nay, danh vị “Quốc tổ” cứ
tùy từng lúc, từng người đề cập mà xoay quanh các ông Kinh Dương Vương,
Lạc Long Quân, Hùng Vương đến chóng mặt. Có điều đặt ông nào làm tổ thì
cũng mắc phải vấn nạn giải quyết cho vấn đề “tổ sinh học”, hiểu theo
cách sinh sôi nảy nở theo một dòng duy nhất, không bị kết tội loạn luân
thì cũng khó chấp nhận theo tâm trí bình thường. Sử ta có nhiều vấn đề
tưởng đã giải quyết xong, hay đang giải quyết theo đường lối đứng đắn
khoa học nhưng cứ được lôi ra bàn cãi mãi chỉ vì có những đầu óc ngoan
cố có quyền hành, cứ kềm giữ hoặc lôi về khởi điểm theo ý mình. Vấn đề
ông tổ sinh học của dân Việt là một. Ngay chính các nhà nho sáng tạo ra
mẫu hình “ tổ” nguyên thuỷ cũng không đề cập đến sự truyền dòng duy nhất
này. Hồng Bàng thị cho 50 con của Âu Cơ chia nhau cai trị trên những
vùng đất tạm hiểu là quanh đền Hùng ngày nay. Hẳn 50 người của Lạc Long
Quân cũng ngụp lặn quanh hồ Ðộng Ðình như thế. Còn Ngô Sĩ Liên tiếp theo
chen chuyện “trăm con, thuỷ tổ của Bách Việt” trong một phụ chú đầy
hoài nghi, đã cho vua Hùng mải ăn chơi nên để nước mất vào tay Thục Phán
/ An Dương Vương, nghĩa là người kế tục đã làm vua một nước khác, có
dân riêng của họ nhập vào. Sử quan Nguyễn nói về “vua mở đầu nước Việt”
không như ông “vua” Việt Nam ngày nay tuyên xưng : “Vua Hùng là Quốc tổ…
là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam”. Ðó là sáng tạo mới của thế kỉ
XX, để vẽ vời thêm mỗi ông vua Hùng sống nhiều trăm năm, có vài chục bà
vợ, nhiều con chia ra thành nhiều chi phái với cả trăm, ngàn chắt chít
như đã thấy!
Các nho sĩ kia chắc có biết nơi thờ cúng trên vùng đất dựng đền ngày nay, hẳn cũng không khác với nơi sách An Nam chí (1419)
của người Minh nhận ra rằng có “cung cũ của Lạc Vương”. Năm đó mà gọi
là “cung cũ” thì “đền đài” chắc cũng chẳng còn gì, chứng cớ là ngày nay
các nhà khảo cổ học cũng chẳng tìm ra được một nền đất đá nào xưa hơn,
may ra được một cây cột đá cũ, chuyển dựng làm “cột đá thề” trong truyền
thuyết, nhưng lại bị chê là xấu xí, không xứng với tầm vóc thời đại!
Trở lại với ý niệm “thần phả” của đền “Hùng” và nhìn lại vị trí đỉnh đầu
tam giác châu sông Hồng tiếp giáp với vùng trung, thượng du thì có thể
coi như đền nguyên gốc là của một lãnh chúa Tày Thái, nơi dấu vết của họ
còn lại thật rõ rệt. Nam Chiếu đã tràn xuống trung châu vào thế kỉ IX,
X, XI. Lê Hoàn kén được một bà vợ ở đó. Lí gả con cầu thân. Trần có lõm
đất thuộc quyền một bà Trưởng công chúa ghi trên chuông chùa Bạch Hạc
nhưng Trần Nhật Duật kéo quân về Thăng Long, cũng như Trần Nghệ Tông ở
thế kỉ sau trốn lên đất Ðà Giang, cả hai đều phải đi qua vùng “man di”.
Chưa tới đất Ngã Ba, ông Gióng đã gặp thần núi Sóc (Vệ Linh) của người
Thái để lưu truyền câu chuyện “dịch phục”. Người nay (Hoàng Lương 2011)
tìm thấy đầy địa danh Tày Thái tên đất đền Hùng, và xa hơn. Các danh
xưng Hùng Vương của những người đào bới Lũng Hoà các năm 1960 cũng thấy
có dáng Tày Thái. Cho nên không lấy làm lạ rằng một bản Ngọc phả nay nằm
trong tay một “quan lang phụ đạo cháu chắt vua Hùng…” Rộng rãi ra thì
nhận một ông chúa Thái làm Tổ cũng không có gì là xấu hổ — cũng giống
ông Lê Thánh Tông thôi, nhưng cứ coi đó là ông Tổ của một tộc Việt riêng
biệt thần thánh của những người trương bảng dựng hiệu ngày nay thì cũng
nên có lời bàn tới.
Giả học thuật: Từ thờ cúng tổ tiên đến Hùng Vương
Sự nối kết Hùng Vương với tục thờ cúng tổ tiên được diễn giảng trong
cuộc tổ chức Hội thảo hai ngày 11-12 tháng Tư năm 2011 ở Thị xã Việt
Trì, tỉnh Phú Thọ với đề tài: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội
đương đại: Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt
Nam.” (Ancestor Worship in Contemporary Society, with Case Studies of
Worship of the Hung Kings in Viet Nam). Có thể nhìn thấy chủ ý hướng dẫn
trong đề tài hội thảo: ghép một tục lệ phổ biến trong dân chúng với một
sinh hoạt tín ngưỡng thần thuyết của một vùng riêng biệt mà với thời
gian được nâng cấp thành quốc gia — dồn dập trong thời hiện tại với một
quyền lực có vẻ là cường ngạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Dụng ý hướng
dẫn ghép nối được khoả lấp màu sắc chính trị bằng sự áp dụng một phương
pháp nghiên cứu có phần chắc là mang từ các trường Ðại học Mĩ về.
Tất nhiên không thể cột những người của một cuộc Hội thảo quốc tế vào
chung một nhóm cùng ý tưởng, hướng theo chủ đích được sắp đặt, vì lẽ
giản dị là không ai đủ sức và đủ can đảm làm chuyện dại dột ấy. Hội thảo
trong nước ngày trước, ví dụ về Quang Trung thì không thể nào nói hết
sự oai hùng của ông ta, chẳng ai dám moi chuyện ông đào mả các chúa
Nguyễn để, dù là phản bác gián tiếp tội đào mả Tây Sơn của tên rước voi
về giầy mả tổ Nguyễn Ánh. Nhưng hội thảo quốc tế về vua Hùng và bàn thờ
tổ tiên thì không thể bắt người ta gom hai/ba làm một như khi bán cà phê
bột: “Two/Three in One”. Người ta tha hồ bàn chuyện Tây Tàu thế giới,
miễn là về một/các ông, bà Tổ nào đó, về một cung cách xử trí nào đó với
người đã khuất trong tộc họ. Người-nước-ngoài thì hoặc thẳng thừng,
hoặc ý tứ chê chuyện ông vua Hùng của học giả Việt, cho rằng ít nhiều là
bịa từ sử sách Tàu theo cách cầu cạnh “leo cao” (Chung Tông Hiến, Ðài
Bắc 2011, tội nghiệp! chữ của bản dịch) để học giả Việt né tránh phụ hoạ
mà khỏi làm mất lòng… Có lạ lùng là “dẫn chứng” đỡ đần của GSTS. Triệu
Minh Long (dân tộc Choang 2011) cho biết (từ đâu?) 50 người con theo mẹ
đã chết chỉ còn 4 người, nhập chung với 50 người theo cha để thành 54
dân tộc lập thành dân nước Việt Nam ngày nay – làm như lối phân chia của
các nhà dân tộc học Việt Nam là tuyệt đối chính xác, không hề trải qua
sửa chữa, vì họ đã nắm bắt thấu hiểu qua sự tiền định của những cái gen
thời khởi thuỷ của ông Lạc, bà Âu vậy.
Hầu hết các tham dự viên Việt Nam trong nước đều chỉ làm công việc
quảng diễn đề tài đưa ra từ những người chủ trì cuộc hội thảo. Cũng thật
dễ hiểu, họ và những người kia đều cùng chung một tâm ý thời đại, tạo
dựng bởi quá khứ lâu dài đã không có cơ hội dứt bỏ, lại còn được củng cố
trong một khuôn khổ chính trị không khuyến khích sự sáng tạo để vượt
thoát, chưa nói đến sự đe doạ đàn áp trên một số trí thức hiếm hoi vốn
không có quá khứ và phương tiện vượt khó khăn, tìm tòi cái mới. Các bản
tham luận kia đều không thắc mắc về sự liên kết phải chứng minh giữa sự
thờ cúng tổ tiên mang tính chất bản xứ ở khởi điểm và ảnh hưởng văn hoá
Trung Hoa trong thế phát triển, với hình ảnh ông thần Hùng của (dân
chúng, là lãnh tụ) địa phương được nâng cấp lên vị thế trung ương, nâng
cấp không phải chỉ một mà nhiều lần bởi những quyền lực khác nhau, đun
đẩy đến tầng cao chưa thấy điểm đến trong nền chính trị bây giờ, để có
sự kết hợp đúng đắn với luận đề hội thảo. Coi sự kết hợp là đương nhiên,
họ chỉ làm mỗi một việc là dùng văn từ tán tụng sự kết hợp ấy, xác định
chắc nịch: “Người Việt Nam từ dân gian đến các quý tộc đều coi vua Hùng là tổ tiên của mình
(Lê Ðức Hạnh, Viện Văn hoá Dân gian 2011)”. Họ cứ dựa trên những tin
tưởng thường tục, không quan tâm đến cả những thứ đã bị bài bác hay có
thể dễ dàng kiểm chứng đúng sai, nếu chịu khó theo một ít nguyên tắc về
sự trung thực trí thức.
Không chịu giở sách đã in bây giờ để thấy các tấm bia nói chuyện thời
Khải Ðịnh kia, không chịu lục lọi báo chí quốc ngữ tất còn nằm trong
thư viện Hà Nội về các việc tu bổ đền Hùng kia… cứ coi “ngày Giỗ Tổ” là
của truyền thống nhân dân có từ lâu đời nên tha hồ viện dẫn câu “ca
dao”: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” trong đó có cả các tay mang bằng
cấp Tây (Nguyễn Phương Hùng, Pháp, 2011), để không cần nhờ đến Giáo sư
Kim Ðịnh bừa bãi quảng diễn thêm: “‘Ba’ là (tộc, rợ) Tam Miêu, ‘Mười’ là
Bách Việt, trăm cũng như mười (!?)” Cái dễ dãi của những người nghiên
cứu trong nước, phần lớn là do họ được đào tạo để phục vụ mà mớ bằng cấp
ban phát đã khiến cho họ có thêm nhiều tự tín để bàn thảo.
Nhìn lại những tham dự viên hội thảo gồm những cán bộ địa phương,
nhân viên có kèm danh xưng “văn hoá” để nâng cấp “du lịch”, ta thấy họ
dễ dàng nghiêng về việc ca tụng một di tích thắng cảnh, khiến họ không
cách xa với người ở những ban ngành của các Viện Văn hoá Nghệ thuật,
Nghiên cứu Văn hoá đã có sẵn khuynh hướng bàn thảo theo đề tài mở đường.
Rõ rệt nhất là trường hợp của GSTS Ngô Văn Thịnh, chức sắc cũ của Viện
Văn hoá Dân gian, thời của Hội thảo 2011 được ghi là Chủ tịch Hội Di sản
Văn hoá Việt Nam (thấy có một Hội đồng Di sản Quốc gia khác nữa), đăng
bài cổ động trên báo chí về trường hợp UNESCO công nhận văn bằng, rồi
tiếp tục nghiên cứu thêm, theo dõi dịch bản Ngọc phả Phú Thọ với các chú
thích, bàn luận của riêng mình. Chính trong các loại “công trình” phô
trương này mà ta thấy sự hào nhoáng của danh vị, chức vụ được đưa ra đã
nằm không đúng chỗ phải có của nó. Con người suýt bị đám cung văn, đồng
cốt hút hồn trong các chuyến “đi thực địa”, dù có nghe loáng thoáng đến
các lối nghiên cứu khác để làm việc copy&paste, kê cứu văn bản học
qua loa, cũng không thể nào đủ tâm trí bình tĩnh để thắc mắc về các sự
kiện vô lí nằm trong bản văn kia, khiến phải bị lôi cuốn theo đà hấp dẫn
của chuyện, để rồi lấy hoang đường làm cơ sở cho sử kí, con người như
thế cũng thật dễ dàng ôm ấp Hùng Vương làm ông Tổ của dân tộc Việt, rồi
bao chiếm thành của Việt Nam.
Ðiều đáng nói hơn, là cái không khí làng nhàng “dân tộc” xuất phát từ
sự thu hút của các hội lễ trước mắt cũng đã đánh bạt tinh thần khách
quan của người nghiên cứu, có ý uốn nắn những suy nghĩ đi ra ngoài sự
lặp lại tầm thường của số đông. Nguyễn Thị Hiền (2011) dựa vào lí thuyết
“sáng tạo truyền thống” (sẽ bàn sau), nên không cần thắc mắc về vai trò
của Ðảng và Nhà nước đương đại về sự tạo dựng một hình ảnh hội lễ mới
về Hùng Vương, thế mà trong ngôn từ diễn gỉảng, vẫn mượn các hình ảnh
khuôn khổ thường nhật, đầy cảm tính, mang tính siêu hình khó thuyết
phục: “…Sự can thiệp của vương triều và nhà nước ngày nay đã làm tăng ý
nghĩa và đạo lí uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam… Con người chung
một tổ tiên không chỉ trong một gia đình, dòng họ mà cùng trong một dân
tộc…” Nghe vẫn giống như một bài thuyết giảng ở một buổi mitting nào đó!
Bàn về một vấn đề dính dấp đến thời gian lâu dài mà ngưòi ta lại
không tính đến yếu tố lịch sử, hay đúng hơn, chỉ dựa qua loa vào lịch
sử. Thế là có thể nói “áp lực quần chúng” đã chen vào dẫn dắt sự yếu kém
nọ. Bị định kiến ráp nối Hùng Vương và tục thờ cúng tổ tiên, tác giả
viện dẫn sách xưa cho rằng ở đấy đã có chứng cớ về một sự thờ cúng Hùng
Vương, trong khi thật ra, chúng chỉ đưa ra những danh xưng, một hệ thống
sơ sài về tập họp chính trị, sản xuất. Nguyễn Thị Hiền cũng nhắc đến
chuyện thời điểm 10-3 chỉ mới có vào năm 1917 thôi nhưng không thắc mắc
thêm nên sa vào suy nghĩ khuôn khổ chung: “Ngày giỗ Hùng Vương 10-3 trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng trọng đại đối với cả dân tộc”.
Các văn từ được tạo dáng thời đại khoa học ngày nay, tuy đã đem lại một
chừng mực uy thế đối với quần chúng về sự gán ghép mang tính cách học
thuật nhưng vẫn có thể dễ dàng tan rã từ bất cứ sự xét nét nghiêm chỉnh
nào.
Tập đoàn nào, dân tộc nào cũng đặt vấn đề liên hệ giữa người sống và
người chết, nơi trần tục và cõi thiêng liêng. Mối nối kết dài hay ngắn,
sâu đậm hay sơ sài không phải là dấu hiệu của văn minh hay lạc hậu. Lập
bàn thờ trong nhà, có nghĩa địa chôn cất lâu dài không phải là niềm hãnh
diện, như trong một bài báo của (người Kinh) Bình Ðịnh ngầm ý chê trách
lễ Bỏ mả của người Bana. Tục lệ này của các dân tộc Tây Nguyên chỉ được
biết rõ trong thế kỉ XX nhưng có vẻ cũng là chung cho các tộc đoàn bản
xứ Ðông Dương, bởi vì với các tập đoàn bên lề rừng núi đồng bằng chúng
ta cũng thấy dấu vết xưa hơn, như được ghi lại hay có thể gợi giải thích
nơi gia phả họ Ðặng sui gia với họ Trịnh, hay với trường hợp Nguyễn
Kim, ông tổ chúa Nguyễn. Cũng có thể thấy thấp thoáng tục lệ ấy dưới
đổng bằng, ẩn giấu sau các câu chuyện về “thiên táng”, bào chữa cho sự
bất lực của các thầy địa lí. Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt với
dạng hình như trước mắt, không phải là một đặc điểm riêng biệt của dân
tộc này mà chỉ là phần chia sẻ tính chất văn hoá của các nước Á Ðông
theo thói tục Trung Hoa, thói tục được gìn giữ, lan rộng nhờ chữ viết
biểu hiện riêng biệt trong các ghi chép gọi là gia phả. Không biết ghi
chép, không có phương tiện ghi chép, người ta tìm ra những cách nhận họ
hàng khác, như lối cúng Việc lề khiêm tốn đã nói nơi khác. Khuôn mẫu văn
hoá được định hình nơi cõi gốc, một khi du nhập đến nơi khác, có thể
dung chứa thêm những dạng hình chi tiết đôi khi gây phản ứng nơi các đồ
đệ trung thành với “truyền thống” (sách vở). Ví dụ nhà nho uyên bác Phạm
Ðình Hổ đã gay gắt với tục cho người nữ ăn hương hoả, nghĩa là có quyền
cúng giỗ, một yếu tố mang dấu vết Việt bản xứ, thật trái với tinh thần
phụ hệ ông được thấm nhuần qua kinh sách thánh hiền (Trung Hoa) từ nhỏ.
Nhưng ngay trong khung cảnh cùng chung văn hoá thờ cúng tổ tiên, tính
chất muốn là riêng biệt của tập nhóm được gọi là “họ” cũng biểu lộ rất
rõ rệt. Chứng cớ, người ta chỉ đổi họ khi phải tránh hoạ sát thân, hay
khi muốn chối bỏ để vươn cao hơn. Ðiều đó cũng có nghĩa là sự chuyển
tiếp từ việc thờ cúng ông tổ của một dòng này qua ông tổ của một dòng
khác, cũng phải trải qua những áp lực / quyền lực, ngấm ngầm hay đe dọa,
lâu dài hay tức khắc, mới thành hiện thực. Sự gộp chung ông tổ cho các
dòng khác nhau thật không dễ dàng. Ông tổ chết đi tuy là thuộc vào
“người cõi khác” nhưng có là thần cũng chỉ là một thành phần có kế tục
của một tục lệ truyền thống khác, còn nhóm Hùng Vương ở Phú Thọ trong
một thời gian rất dài có chứng thực rõ ràng được dân chúng thờ như một
hiện tượng siêu linh vùng (như với chứng cớ Lê Quý Ðôn kể sau, hình
trạng kéo dài cả đến thế kỉ XX), không khác ông Gióng vốn không có điều
kiện phát triển bằng. Cho rằng có sự tương đồng giữa tục thờ cúng tổ
tiên với tục thờ “Quốc tổ” Hùng Vương, đã có cái sai là không thấy sự
tách biệt nói trên, bỏ lơ tính chất lịch sử trong quan niệm về Hùng
Vương đã bàn của tầng lớp vua quan, lại không thấy ra chứng cớ gần đây
của một tập nhóm dân chúng khác. Ðạo Bửu Sơn Kì Hương, cũng là của người
Việt, ở thế kỉ XIX, khi xướng suất Tứ Ân đã nhắc đến ơn Tổ tiên mà
không cần biết đến Hùng Vương.
Các ông Hùng Vương nọ rõ ràng lúc còn nằm trong các đơn vị thờ cúng
được người Minh chứng kiến, là ông Lạc hay Hùng thì cũng chỉ là thần, tổ
của một tập nhóm quanh đó. Dù các nho sĩ cuối Trần có gán cho một tước
vương, vai trò một thủ lãnh, tước vị đó cũng chỉ gói gọn trong các trang
giấy của các ông mà thôi. Trải qua bao biến chuyển có sự áp đặt của con
người, có sự thuần hoá bởi thời gian, tính chất “địa phương” riêng lẻ
đó vẫn còn ẩn khuất trong văn từ nhà nước trên bia 1923: “Tục lệ dân xã
[Hi Cương, phủ Lâm Thao] lấy ngày 11-3 kết hợp với việc thờ thổ kì [thổ
địa “Hùng Vương”], làm lễ riêng”. Và xét trên tình hình các hội mùa tổ
chức trên đất Bắc thì số lượng người tham gia ở đền Hùng hẳn cũng phải
chia cắt với các hội khác đồng thời nên không thể có dáng dấp như đã
thấy trước mắt, ngày nay.
Sự việc khác hẳn khi Ngô Sĩ Liên đưa ông Hùng vào sử triều đại (sau
sẽ thành sử nước). Ðây là dấu ấn quyền bính mở đầu cho một truyền thống
được xếp đặt tự trên cao nên có uy lực lâu dài. Cùng triều đại mà khác
thời đại, Ngô Thì Sĩ chê người xưa “hiếu sự” vơ vào “một loạt hoang
đường càn rỡ” nhưng rồi cũng phải giữ lại phần cốt cán, cũng lại viện
dẫn lời người xưa. Gốc ông vua Hùng theo thời gian, càng lúc càng bền
bên trong triều chính vậy mà ngoài dân chúng, ông thần ở đền Hùng vẫn
còn phải chật vật để ngoi lên cho đúng vị trí được ban phát. Lê Quý Ðôn
kể chuyện loan truyền hồi đầu thế kỉ (XVIII), rằng dân trùng tu đền
“Thánh tổ Hùng Vương"”chở gỗ về sửa chữa liền bị ông Ngọc Tháp Ðại Vương
(không chỉ là “vương” mà còn là “đại vương”!) gần đó giành giật, điều
đó chứng tỏ đến lúc này, uy thế ông Thánh tổ cũng không lan xa ngoài
vùng ngự trị của ông. Ông Thánh tổ — không phải Quốc tổ, chỉ có một số
dân (làng xã) tạo lệ để lấy thuế lo việc thờ cúng ông, có nhiều thì cũng
không hơn quá nhiều các dân tạo lệ trên các làng được quốc tế trong
nước. Lễ hội đền Hùng trong thời phong kiến cũng không hấp dẫn người vì
vị thế của nó giữa hàng trăm hội lễ mùa xuân xuất hiện dồn dập hàng năm
trên xứ Bắc. Cho nên chứng cớ của Lê Quý Ðôn cho thấy vẫn còn có một tập
họp không nhỏ những người quan niệm “ông đó” không phải tổ của họ. Trở
lại với tên các ông vua Hùng, ngoài ông quan Nguyễn Bính của triều Lê
thời còn long đong, người ta còn nhắc đến ông Nguyễn Hiền các năm 1736,
1737 với chức danh “Quản giám Bách thần, tri Hùng lĩnh điện Thiếu
khanh”, rõ là ông từ đền Hùng. Có nguời thật, để ta nhắc lại việc thật,
là vào quanh thời ông ta chưa có thêm được tên ông vua Hùng nào ngoài
các ông Hiền, Duệ Vương đã kể!
Họ Nguyễn cướp đất họ khác, phải chịu nhường để riêng chuyện gốc tích
“nhà ta phát xuất tự Ô Châu” vào khu vực Thái miếu, Thế miếu, lập các
miếu Lịch Ðại Ðế Vương cho các ông Kinh Dương Vương, Hùng Vương vào ngồi
chung với các tổ Tam Hoàng Ngũ Ðế loạn xạ. Minh Mạng khi hãnh diện “năm
nay ta có trăm người con” thực sự, đã cho rằng hơn “chuyện Âu Lạc của
Nam sử lấy bằng cớ từ đâu?” Ðến giữa thế kỉ XIX, các sử quan khi bàn
luận về “thời kì dựng nước”, dựa vào uy tín của quyển sử có 300 năm
tuổi, tuân theo lời ông vua đương đại, mới tấn phong ông Hùng xưa thêm
một lần nữa vào trong lịch sử nước. Mối liên hệ mới cũ cũng không có dấu
hiệu gắn bó lắm cho đến khi sự lấn át của người Pháp xô đổ thần tượng
quân vương trên đất Bắc. Việc xây (trùng tu) đền Hùng vào năm 1874 có
hiệp định về Bắc Kì hẳn là một dấu hiệu vớt vát của nhà Nguyễn về vùng
đất sắp tuột khỏi tay mình kia.
Sự kiện này không lọt qua đôi mắt tinh ranh của người chủ mới, nhất
là khi đám dân mất nước không còn ngườì cầm đầu thế tục, phải viện dẫn
đến thần linh, tiên tổ, nối kết đám con Hồng cháu Lạc. Thế là nguời Pháp
cũng nói chuyện rồng, nhưng chỉ sử dụng “rồng Nam (để) phun bạc đánh đổ
Ðức tặc”. Chuyện Lạc chỉ bàn trong hội Viễn Ðông Bác Cổ, còn đền Hùng
thì khuyến khích vua quan bản xứ săn sóc tuy vua thì ở xa, không quyền,
còn quan chỉ là quan của ông Thống sứ Bắc Kì. Nhưng vẫn phải cần xây
cất, vì cần chút phỉnh nịnh dân bản xứ trong khi Mẫu quốc bận cuống quýt
đánh giữ ở trời Tây, chỉ lưu lại có vài ngàn lính để giữ an ninh trên
một khối dân mươi lăm triệu người. Hiệu quả đó thật bất ngờ với người
cai trị nhưng là bình thường với lớp dân vốn có tập quán chờ đón các ân
sủng từ trên cao ban phát xuống. “Vào thập kỉ 10, 20 của thế kỉ XX, vấn
đề cúng tế đền Hùng được dấy lên rất mạnh” (Trịnh Sinh 2011). Những năm
1917-1922, những năm ghi việc trùng tu ở các tấm bia kia, Mười tám tỉnh
Bắc Kì cúng 6000 bạc Ðông Dương xây đền Thượng, Lăng, đền Giếng, 1000
đồng xây 539 bậc xi măng nối các đền. Ngày 10 tháng Ba âm lịch trở thành
ngày Giỗ Tổ như đã nói. Và vẫn mới chỉ là tổ của xứ Bắc Kì / Tonkin
thôi. Có mở rộng ra thì cũng chỉ bao quát phần đất nhà Lê cũ, nên chớ có
hỏi tên ông ta trên hai phần đất nước còn lại. Tò mò một chút có thể
tìm ra vết tích, hay dù thất bại cũng có thể phỏng đoán, là bản Ngọc phả
kia đã được thành hình trong thời kì này, của một bộ phận nho sĩ Cần
Vương lạc loài, như một tiếp nhận gián tiếp không khí Tây học mà vẫn
chống đối nền ngoại trị.
Vấn đề lợi dụng truyền thống để phục vụ cho mình của người Pháp cũng
không phải chỉ đem lại thuận lợi cho họ.Với thời đại hình thành những
quan niệm về dân nước đưa từ phương Tây qua, nội dung “nước” (quốc) đã
có biến đổi khác. “Nước” xưa là cương vực dưới quyền cai trị của một
người được tôn xưng là “vua”, với thời đại mới, người ta phải nhấn mạnh
thêm “đất” cho “nước”. Nhưng với Lê Thánh Tông, nước là chính ông ta:
“quốc hoàng” (đầu 1468). Bởi vậy ông mới kể tội Trần Phong “phản quốc”
vì chê trách ông, mới mắng Ngô Sĩ Liên là “gian thần bán nước” chỉ vì
ông này từng phục vụ Nghi Dân vừa bị lật đổ đã quay sang làm quan của
ông! Dưới sự thúc đẩy của tình thế ngoại trị, các thần dân Phan Châu
Trinh, Ngô Ðức Kế nhờ được người Pháp tách biệt với vua, đã lên tiếng
mắng chửi nặng nề Hoàng đế Ðại Nam Khải Ðịnh nên ông ta khó có thể là
điểm tập họp uy tín toàn vẹn, càng không xứng là ông “vua”, chủ của
nước. Thế là có dịp để nguời ta mượn ý niệm dân-nước của phương Tây, gợi
lại ý của ông Mạnh Tử bị bỏ quên từ lâu. Chủ nước không còn nữa thì
người ta vọng về một ông tổ xa xưa, nhất là với những người “tại chỗ”
thuộc làu kinh sách.
Hãy nghe Phan Bội Châu than thở về con Hồng cháu Lạc trước khi Hồ Chí
Minh nằm ở biên giới Việt Trung tin tưởng làm vè Hùng Vương dựng nước.
Cả hai đều được nuôi dưỡng trong sách vở về thời dựng nước, đồng thời
cũng có trước mắt trong khu vực về một đền đài như là bằng cớ lịch sử
không thể chối cãi. Kiến thức sách vở khiến họ vượt qua được giới hạn
chật hẹp của các nhóm thờ kính riêng biệt trong vùng, đưa quan niệm Hùng
Vương của đất Việt Trì lên tầm mức quốc gia lãnh thổ đang trong vòng
tay người Pháp. Trong tình thế đó, các đền đài của Hùng Vương lan rộng
nhờ sự khuyến khích của người Pháp, vốn chỉ định tạo danh nghĩa cho vua
Nguyễn lại gợi mơ mộng xa vào quá khứ, gây sự nối kết với những những
vùng miền khác. Vào thời gian cuối của quyền uy thuộc địa, thấy có những
cổ động đi hội đền Hùng từ đất Sài Gòn, Nam Kì, nơi mà trước đó chỉ
thấy những ông xưng con cháu, xác thân Minh Mạng, Hàm Nghi. Nếu có thể
kết hợp sự thờ cúng tổ tiên với thờ cúng Hùng Vương, theo ý nghĩa mở
rộng tính chất biến động từ một hệ thống nhỏ: “gia” ra đến hệ thống lớn:
“quốc” thì lập luận nối kết chỉ hữu lí với thời đại này, thời đại công
nhận nước là của dân chứ không phải là của vua nữa. Tuy nhiên, dù mượn
danh nghĩa khoa học nào, thay thế bằng phương pháp làm việc nào thì thấp
thoáng trong việc “ghép đôi” tổ Họ và tổ Nước này cũng cho thấy đây là
một cách vực dậy quan điểm tổ sinh học của vua Hùng (hay Kinh Dương
Vương, Lạc Long Quân tuỳ ý) trong tin tưởng làng nhàng của dân chúng đã
phổ biến sâu rộng, để điều chỉnh nâng cấp lên thành một chủ nghĩa huyết
thống tập thể của dân (Kinh) Việt.
Dân lúc này được nhà cầm quyền (Pháp) mở lối “trở về nguồn” theo
đường hướng hồi cố thấp thỏi nên càng dễ bị thu hút vào các kiến giải từ
huyền thoại mà cao trào giành độc lập tiếp theo đã bám vào đó để lấy tự
tín chiến đấu. Những biến động dữ dội mang đến những thành tích tưởng
không ở tầm mức của một dân tộc vừa lệ thuộc đã khiến phát sinh niềm
kiêu hãnh tột cùng, lấy hiện tại chứng minh cho quá khứ. Do đó có tin
tưởng huyền thoại là sự thật, quá khứ “Bốn ngàn năm với vua Hùng dựng
nước” là chân lí không thể nào thay đổi. Có người coi đó là điều tự
nhiên không cần bàn cãi, nhưng có người vướng víu chút màu mè khoa học
lại đẩy ra thành lí thuyết về “huyền sử”, cho rằng đã giải quyết được
điều mà các sử gia bận tâm với chuyên môn học được, đã không thể giải
quyết nổi. Xuất phát từ đất Sài Gòn, phía bại trận, đáng lẽ lí thuyết
này phải bị tiêu diệt nhưng với căn cơ “truyền thống” đã có, nó được nhà
cầm quyền mới khai thác mà không nêu tên, khiến có sự đồng loã của
những người khác chính kiến, với nhà cầm quyền thì như một kẻ thừa hưởng
chính thống, còn với kẻ chống đối thì như một sự chịu đựng tước đoạt mà
nỗi ấm ức dễ bùng ra trong một cơ hội trái ý nào đó…
Giả học thuật và Chính trị: đẩy đưa “Sáng tạo truyền thống” và lấn lướt chiếm đoạt
Lịch sử là của con người làm ra nên dễ có sự biện minh cho sự can
thiệp của con người, nhất là người có quyền lực, để lái theo hướng họ
muốn. (Thành công hay không lại là chuyện khác). Ngày nay người ta vượt
qua những mù mờ của lịch sử, những bất tương hợp của quá khứ với các
chứng cứ rối rắm để ghép nối tục thờ cúng tổ tiên với truyền thống Hùng
Vương bằng cách viện dẫn đến tính chất “sáng tạo truyền thống” của người
cầm quyền. Nhưng cho dù có sự can thiệp của con người, cái gọi là
truyền thống cũng phải cần đến một yếu tố thời gian dài, một sự thấm
đượm tục lệ sâu xa ở những con người cùng chia sẻ truyền thống. Những
người của Hội thảo 2011 vẫn liệt kê những sự can thiệp vừa qua của nhà
cầm quyền vào lễ hội Hùng Vương đang diễn ra trước mắt. Nhưng họ coi
những xuất hiện ngắn hạn đó có căn bản đã được kết nối từ xa xưa mà quên
cái dạng mới trùm khắp của hội lễ, chỉ mới vừa thoát xác không lâu từ
những gì không to lớn như người ta đang thấy. “Sáng tạo truyền thống” ở
đây, có dấu vết chấp nhận phục vụ mà sự dẫn chứng về Hobsbawn và Ranger
cũng như cả cuộc hội thảo 2011, là để đem tính chất trí thức phụ hoạ với
cảnh xây cất đền đài hoành tráng, có quần chúng hò reo thuyết phục.
Nhưng ở căn bản, đó là ý định quyết liệt, muốn thực hiện không tranh cãi
của một tập đoàn chính trị thừa hưởng được quyền lực tóm thâu chật vật
trong quá khứ vừa mới đây. Cho nên không thể đặt nội dung chính trị thời
đại của sự đăng quang Hùng Vương thấy trước mắt ra ngoài cái công trình
“sáng tạo truyền thống” kia được.
Quyền lực đó đã đến, sừng sững sau tháng Tư 1975. Ðã nói, khoảng đầu
thế kỉ XVIII, ông Hùng Vương vẫn còn loanh quanh, tạm khoanh lại ở vùng
Việt Trì, và nằm trong bản sách Toàn thư vừa mới in (1697) ở kinh
thành Lê Trịnh. Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm vè về vua Hùng dựng
nước… thì không phải chỉ có xứ Nam Kì thuộc Pháp không biết đến ông Hùng
Vương mà ông ta cũng chỉ nằm trong cái đền Lịch Ðại Ðế Vương đâu đó của
kinh thành Huế mà thôi. Ở cuối đường đất nước, ông chỉ là tiếng vọng
của mơ mộng, lời thơ tiếng nhạc. Hùng Vương được mang vào Sài Gòn (vùng
Phú Nhuận?) có dáng một điện phủ hơn là một đền thờ Tổ. Và muốn lên tột
đỉnh làm Tổ Nước thì phải đợi qua “trào” Ngô Ðình Diệm, mới có lễ Tổ
10-3, vì ông Diệm không muốn nhận ông Tổ này. Cái đền Tưởng niệm Tử sĩ
Âu chiến trong sở Thú Sài Gòn được mong muốn làm Ðền Tổ mà chỉ mới loáng
thoáng có bóng vua Hùng (dễ hiểu với những rối loạn đương thời) vì khó
đổi thay quá khứ của nó, ví dụ với tượng con voi, tượng ông vua Thái Lan
sừng sững được biếu tặng trong một dịp thăm viếng. Trong cái thế tranh
giành chính nghĩa, Miền Bắc đã hết sức đề cao sự kiện 4000 năm lịch sử
khiến cho phía Nam cũng cho chen các ông Hùng Vương phụ hoạ với những
lời tuyên truyền trong các phát biểu chính trị, trên làn sóng phát thanh
dù không có mấy ảnh hưởng đến tinh thần dân chúng trong vùng.
Ông vua Hùng sau tháng 4-1975 đi theo các nhà khảo cổ, các sử gia Hà
Nội, Vinh vào Nam viện trợ kiến thức sử học cho các sinh viên mê muội,
cho họ biết rằng trong nền văn Ðông Sơn có người Việt cổ hiển hiện bằng
trống đồng ở tận phía nam, bao hàm ý nghĩa có một sự thống nhất thời xa
xưa. Sự áp đặt về “thống nhất dân tộc” tuy có thuận lợi với các sự kiện
hợp nhất chính trị đang gấp rút tiến hành nhưng vẫn còn phải chia sẻ
hình ảnh thu hút với ông Quang Trung cụ thể hơn, oai vũ, gần gũi hơn với
thực thể quân đội chiến thắng trước mắt. Huống chi ngay ở xứ Bắc ông
vua Hùng cũng mắc kẹt với ảnh hưởng phong trào bài phong ở Trung Quốc.
Hội thảo 2011 có người hai bên biên giới nhắc nhở chuyện ‘Phá tứ cữu”
(đập tan 4 điều thủ cựu) ở Trung Quốc, chuyện ở Miền Bắc, vào thời gian
khoảng 1956-86, “nhiều từ đường dòng họ bị hạ giải, gia phả thất lạc, hư
hao…”, “thậm chí, người dân nào mà thờ cúng thì bị quy là mê tín dị
đoan, tàn dư chế độ cũ, bị công an, chính quyền mời lên kiểm điểm răn
đe, giáo dục…” Hòn đá Thạch Quang Phật có mẫu hình được vua quan Lí Trần
Lê cầu cúng cũng trải qua quá trình chui nhủi giấu diếm. Sự chuyển
hướng tập trung vào vua Hùng chỉ phát triển khi Ðảng và Nhà nước Việt
Nam mất hướng chính trị xã hội chủ nghĩa, buông thả cho mê tín dị đoan
tràn đầy, bị lôi cuốn vào dòng phản ứng hồi cố này để lại thấy ra đây
cũng là một cung cách giữ gìn và phát triển quyền lực.
Thập niên 1990 Nhà nước bắt đầu nói đến sự phục hồi có chọn lọc các
giá trị truyền thống. Ðến cuối thế kỉ thì có Quyết định BCT 26-7-1999 về
việc tổ chức các ngảy lễ lớn trong năm 2000, trong đó có lễ Hùng Vương.
Nguyễn Phương Ngọc, Pháp (2011), Oscar Salemink, Copenhagen (2011) nhận
thấy lễ hội đền Hùng đến lúc đó vẫn chủ yếu mang tính địa phương, mới
được nâng cấp thành lễ hội quốc gia, chính thức trở thành biểu tượng cho
nguồn gốc và sự độc lập của quốc gia, dân tộc. Và thế là có sự bùng
phát xây cất ở vùng quanh đền với sự yểm trợ tích cực của nhà nước. Có
quyết định 2004 về việc “đầu tư Khu Di tích lịch sử đền Hùng đến năm
2015” mà danh xưng phóng đại là “Khu Di tích Ðặc biệt Quốc gia đền
Hùng”. Thế là năm 2005, khánh thành đền Tổ mẫu Âu Cơ ở núi Vạn (2013:
khai hội 17-2), năm 2009 khánh thành đền Quốc tổ Lạc Long Quân ở đồi Sim
trên khoảnh đất 140000m2, với bức tượng đồng nặng 8 tấn, thêm hai tướng
hầu như trong tuồng hát bội, không biết có phải là Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
không. Không rõ công trình được gọi là Tháp Hùng Vương xây theo ý tưởng
của Tổng bí thư Lê Duẩn phác hoạ cao 8 tầng, với khối tròn trăm trứng và
các thành phần tượng trưng các khu vực địa lí Việt Nam đã được khởi
công chưa. Kết cục lễ hội ngày 10-3 được mang thêm tính chính thống từ
năm 2007 theo quyết định đồng loạt bấm nút của Quốc hội.
Cho nên ngày 13-2-2011 TT Nguyễn Tấn Dũng thăm Khu Di tích thúc đẩy:
“trùng tu tôn tạo, xây dựng những công trình mới, mở mang khang trang,
hoành tráng xứng đáng là đền thờ tổ tiên cả nước” (Nguyễn Khắc Xương
2011). Có thể nghĩ rằng sự hứng khởi này là nhằm vào việc tạo ra một bề
thế vật chất cho lễ hội để góp phần vào việc xin cấp bằng UNESCO. Thật
ra thì sự hoành tráng của lễ hội ở Phú Thọ cũng có phần tự phát riêng
biệt, là nương theo tình hình phát triển chung của đất nước mà sự dồi
dào tiền bạc, thay vì là dịp để đầu tư theo chiều phát triển của thế
giới lại đổ vào việc cất đền, xây chùa hành lễ cúng bái… theo đúng tâm
thức của tầng lớp lãnh đạo (tận cấp bực Trung ương) phát xuất từ xóm
làng đất Bắc, giờ có dịp quay trở về với “truyền thống”. Không phải là
vô tình mà các chuyện tồi tệ kiểu dựng đứng thần thánh như Lễ Khai ấn ở
đền Trần, nhét tiền hối lộ vào miệng Phật ở các chùa miếu… lại đồng dạng
với sự xuất hiện của hòn đá trấn yểm và cái ấn ở đền Hùng, thấp thoáng
có hình bóng nhiều viên chức cấp cao…
Sự phát triển của đền Hùng và lễ hội của nó còn lan tràn về phía nam
theo hậu quả của cuộc chiến dẫn đến ngày 30-4-1975. Cuộc chiến mang ý
nghĩa đòi hỏi thống nhất đất nước, phát động và dẫn đạo từ phía Bắc đã
ngầm chứa sự đồng thuận quy tụ về phía Bắc — gần như là một hiệu quả của
mê tín đồng bóng trong cơn say máu ngà chiến tranh. Ước mơ “Thăm lại
non sông giống Lạc Hồng” vào thời đầu kháng chiến “vó ngựa sa trường”,
chuyển thành thực tế của những cán bộ tập kết được đào tạo hai mươi năm ở
đó, với sự quỵ luỵ của tầng lớp thần hạ ngày xưa được tân trang bằng
nguyên tắc “dân chủ tập trung” gắt gao của Ðảng hội kín mác xít. Tâm
tình lãng mạn khiến các cán bộ hồi kết mang cây hoa sữa về trồng ớ các
tỉnh Miền Trung, xuống đến Trà Vinh, lên tận Kontum, ở những tên địa
phương nổi bật đi theo với mùi hoa sữa nồng nặc hôi thúi gây phản ứng
muộn màng của dân chúng tại chỗ — muộn màng vì cũng phải đợi thời gian
làm cho bớt sợ, và chờ uy thế của cán bộ sụt bớt đi. Một hiện tượng
không lạ đối với thế giới, bởi vì thấy có nhóm từ “colonisation
végétative”, không biết dịch thế nào cho gọn.
Tính kỉ luật nằm trong nguyên tắc dân chủ tập trung khiến các cấp uỷ
tỉnh Nam Bộ chống đối gắt gao với sự cổ động “xét lại” của cựu Thủ tướng
Võ Văn Kiệt về trường hợp các nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, Trương
Vĩnh Ký bị phê phán gay gắt từ những năm 1960 ở Hà Nội. Bến Tre với uy
thế Ðồng Khởi nhưng chứa chấp cái mả Phan Thanh Giản bề thế của chính
quyền cũ, có vẻ cũng không dám bày tỏ công khai, phải nhờ đến một nhà
văn để phân trần, trước áp lực chống đối mang nhãn hiệu pháp lệnh sử học
yêu nước của những người ở xứ Bắc Kì xa lạ kia. Họ vướng víu với vùng
đất nguỵ mà họ tạo nên sự nghiệp nên dễ sa chân vào đó, với muôn vàn tội
lỗi của nguỵ được gán cho họ để che lấp sự tranh chấp bên trên, cho dù
có minh oan bằng lối cắt lưỡi, mổ bụng, chặt tay theo lối truyện Tàu như
trong vụ án Cimexcol (Minh Hải 1987) cũng không thể nào động lòng lãnh
tụ để rửa được nỗi oan khuất, ít nhiều gì cũng là phải chia sẻ với đám
nguỵ bại vong kia.
Sài Gòn / Tp. Hồ Chí Minh vẫn được coi là cái ổ khác biệt phải kềm
kẹp nên dự trữ các phần tử chính thống, đủ tự tin để sẵn sàng tung ra
các chiến dịch ngăn chận “sự lệch lạc” về tư tưởng, văn hoá ở tận trung
ương. Cho nên mới có vụ án luận văn Thạc sĩ tận Hà Nội của Ðỗ Thị Thoan
(6, 7-2013) mà gốc gác bị moi móc chỉ điểm, là nhóm Mở Miệng phản động
của Tp. Hồ Chí Minh, để có sự chen lấn tội nghiệp của ông Vũ Hạnh nhắc
nhở chuyện bảy, tám năm trước mắng mỏ, chửi bới các nhân vật nhà Nguyễn,
thời thuộc địa — lúc đó cũng dai dẳng trên tờ Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh
nhưng ít nhiều gì cũng đã bị thụt lùi vì uy tín của Võ Văn Kiệt và một
chừng mực tinh thần địa phương Nam Kì trỗi dậy. Rồi cũng vẫn rơi rớt từ
những bài học cũ là những phản ứng của các cấp uỷ (hay có khi chỉ là cán
bộ về hưu giữ vững lập trường) đã xảy ra với Nguyễn Ngọc Tư, với tác
giả bài thơ Trăng nghẹn… tất cả ồn ào hơn vô số chuyện văn nghệ có định
hướng ngớ ngẩn ở Bình Ðịnh (vụ luận án Trịnh Công Sơn của Ban Mai), ở
Phú Yên khuất lấp, may mắn không kinh hoàng bằng hình phạt tù hơn một
thế kỉ cho nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn của các tu sĩ có dáng
dấp ảnh hưởng lạc loài từ Trạng Trình xưa và Bửu Sơn Kì Hương xa, nói
cách khác, đó là dạng hình một Pháp Luân Công Việt Nam! Trong tinh thần
Thuộc hạ, các cấp ủy Nam Bộ muốn Ðổi mới cũng phải làm “chui” trong thấp
thỏm bị khai trừ “mất tuổi Ðảng”, chờ khi cùng đường mới cầm tay dắt
dẫn Lãnh tụ lớn đến xem một vài thành quả, mà cuối cùng khi tình hình
sáng sủa ra cũng phải nhường công tích cho sự sáng suốt của Lãnh đạo nơi
xa — cả hệ thống đều không nhắc đến công tích của anh du kích Miền Tây,
bị kết án 20 năm tù khi kéo lên Tp. Hồ Chí Minh đòi lại ruộng đất buộc
vào hợp tác xã (1985?), với cung cách biểu tình nhân dân không khác thời
Sài Gòn xưa. Cho nên lại thấy chuyện ngược đời nhưng “thuận chiều lịch
sử”, là những cuộc chống đối mạnh bạo gần đây lại nổi lên từ phía Bắc,
nơi không bị cái kim cô nguỵ tròng lên đầu.
Tâm tình “thương nhớ Thăng Long” cũng được viện dẫn để che khuất một chính sách Thực dân văn hoá khu vực
có sự yểm trợ bằng binh lực sừng sững, với tổ chức Ðảng sít sao, bằng
cuộc di dân khổng lồ theo chính sách nhà nước, mang áp lực quần chúng
chiến thắng phục vụ cho những quan điểm văn hoá gọi là “truyền thống”,
thừa hưởng từ lịch sử vương triều. Từ chiến thắng xa xưa đến thời “giải
phóng” trước mắt, sự kiêu ngạo địa phương cứ theo đà kết tụ của thời
gian mà củng cố thành kiến vững chắc. Cho nên ông Nguyễn Ðăng Mạnh, một
Nhà giáo Nhân dân, một nhà phê bình văn hoá có tầm cỡ, được trí óc mở
rộng theo thời cổ động đoàn kết, đại đoàn kết, đã thấy rõ sự nhơ nhớp
của phe phái mình để theo phong trào “đặt cục gạch giữ vị trí sau khi
chết”, thế mà cũng vẫn hãnh diện thốt lên: “Ði từ Bắc vào Nam là đi từ
nơi có văn hoá cao đến nơi có văn hoá thấp”. “Ðó là khẩu khí của một bậc
đại trí thức ở đất Kinh kì ngàn năm văn vật nhìn về miền đất tuổi đời
non nớt (?)… một cách bao dung và rộng lượng, như một hoàng đế ở Trung
nguyên nhìn ra man di bốn cõi” (Thiếu Khanh, nhà thơ). Và sử gia, nhà
nghiên cứu ngày nay chỉ ngồi ở Thăng Long, là “nhìn ra”, thấy hết đất
nước Bốn ngàn năm!
Nhìn sự phân bố nhân lực lãnh đạo theo tính cách vùng, miền, tạo cảm
giác chia đều – tuy thô thiển nhưng ít ra cũng có vẻ công bình trên bề
mặt, một tay sành sõi đã trả lời cho người viên chức Việt kiều đã từng
biết chuyện phân chia nghiên cứu dành cho phía Nam các mẩu xương xẩu:
“Chỉ là hoa lá cành mà thôi… thật ra vẫn là Bắc Kì làm hết!” Ðúng vậy,
cứ nhìn các ông Chủ tịch nước gốc Nam Kì đọc diễn văn theo các tay cò
thư kí Bắc về nguồn gốc dân tộc, về tinh thần giữ nước, dựng nước mấy
ngàn năm từ cả các ông thần đá, thần cây, thần nước… cứ nhìn ông Thủ
tướng của thời Mạnh vì gạo Bạo vì tiền tung bạc xây cất trung tâm đền
Hùng, cho ông Phó dự lễ khởi công Dự án tiền tỉ tôn tạo Khu di tích Kinh
Dương Vương… thì đủ rõ gốc gác mớ kiến thức thời đại của các ông là từ
tâm tình tập thể được nhào nặn từ làng xóm, tập họp tỉnh lẻ đất Bắc,
không sai chạy. Quan điểm Nam tiến thoảng qua trong tâm tình lãng mạn,
trong học thuật trước 1945, chuyển qua hình tượng cụ thể là các đoàn
quân Nam tiến trong chiến tranh, với chiến thắng đã trở thành chứng minh
của “quy luật lịch sử” được tiếp nối trong thời bình. Ba trăm năm của
Tp. Hồ Chí Minh (thật ra phải là của Sài Gòn) được quảng bá rầm rộ, lấy
uy thế chiến thắng phỉnh phờ tự ái của các lãnh tụ địa phương để bỏ qua
những xác nhận trung gian thua kém tội nghiệp: 500 năm Quy Nhơn, 600 năm
Quảng Nam, 700 năm Huế… mà lần tới Ngàn năm Thăng Long huy hoàng với
tiền tỉ phô trương. Như một thông báo của lịch sử, ngọt ngào tình anh
trước em sau mà mang quy tắc trật tự trên dưới nghiêm khắc không cho
phép chối cãi. Thế vẫn còn là chưa đủ, cho nên phải có Phú Thọ nữa một khi Thăng Long đã mở đường.
Thống kê (2011?) cho biết trong nước có 1417 đền Hùng (Từ Thị Loan
2011). Trong lúc đó cả tỉnh Bắc Giang đến lúc này vẫn không có một đền
nào, chỉ độc một đền Âu Cơ, lại nhỏ (Hoàng Thị Hoa 2011). Hùng Vương của
xứ Huế gượng gạo trong các phát biểu, tham luận có vẻ vì dù triều đình
nhà Nguyễn bị xô đổ đã lâu nhưng đây cũng là nơi có một họ từng chiếm
đất của vua Hùng! Sự phát triển có chủ ý dồn dập là ở phía Nam, đặc biệt
Nam Bộ. Không rõ “đền Hùng Phú Thọ” thu nhỏ được khoe khoang nằm ở Ðà
Lạt, được khánh thành lúc nào nhưng đền tưởng niệm các vua Hùng của Tp.
Hồ Chí Minh được chăm chút, trao giải thưởng như đã nói, sau khi chính
quyền thấy dựa vào đền Tưởng niệm ở sở Thú và cáí miễu nhỏ ở Công viên
Tao Ðàn chưa là đủ. Ở các tỉnh, theo với các chòi lá thờ Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã trở thành đền ngói sau chiến thắng thì Hùng Vương được nằm
trong các ngôi đền mới xây, hay chiếm đoạt địa vị các ông thành hoàng ở
các ngôi đỉnh cũ, giống như trường hợp một miếu Bà (Thiên Hậu) nào đó ở
Cà Mâu đã trở thành đền Tổ Mẫu Âu Cơ. Còn trên đất hoang dã terra incognito Tây Nguyên, thì tha hồ tạc tượng, đưa dòng tộc Hùng lên thành bia xi măng cho Mọi chiêm ngưỡng.
Vấn đề cho thấy có cả một chiến dịch dự tính lâu dài, có bài bản, chủ
trương “phủ sóng” đền Hùng trên phần đất phía Nam. Ở đây mới thấy rõ
rệt tính tạo dựng lịch sử, tính “sáng tạo truyền thống” rất “quyết liệt”
của chính quyền mới.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Giám đốc sở Văn hoá và Du lịch Bến Tre thì
“sau 30-4-1975, một số đình thuộc các huyện Mỏ Cày, Chợ Lách lập bàn thờ
Quốc Tổ, tổ chức lễ 10-3”. Phong trào trở thành chính thức cho toàn
tỉnh sau khi Quốc Hội công nhận ngày Giỗ Tổ năm 2007. Người ta thực hiện
theo cung cách tổ chức chính trị quần chúng quen thuộc. Ban đầu trong
năm 2008, mỗi huyện tổ chức chọn một ngôi đình tiêu biểu để làm lễ, làm
để rút kinh nghiệm cho những năm sau. Từ huyện đến xã, phường, người ta
thỉnh linh vị Quốc Tổ từ UBND xã về đình, tổ chức theo nghi lễ cổ
truyền. Xã mới (không có đình) thì làm theo truyền thanh, căng panô, vẽ
khẩu hiệu. Chúc văn có lời đại khái: “Việt Nam ta 4000 năm văn hiến…
thời đại vua Hùng mở đường dựng nên tổ quốc, từ Hùng Quốc Vương đến
Diệp, Hi… (chỉ có 15 tên)… từ Ðinh Lê Lí Trần Lê đến Hồ Chí Minh thời
đại…” Chú ý là vẫn không thấy nhắc đến nhà Nguyễn, điều đó chứng minh sự
trung thành với mô thức lịch sử được đào tạo từ Hà Nội những năm 1960,
chưa có cái gì khác chen vào để có thể gỡ bỏ.
Sự đồng dạng ý thức hệ với Bắc Triều Tiên cũng khiến ta nhìn ra một
chút gì giông giống với Bình Nhưỡng khi họ áp đặt quan niệm ông quốc tổ
của họ lên toàn thể đất nước. Sử xưa, “truyền thống” cũ thì cho biết ông
tổ của người Triều Tiên / Ðại Hàn là Ðàn Quân Vương Kiệm (Tan gun Wang
geom), có dòng dõi trị nuớc đến 1500 năm trên một địa điểm ở khu vực
phía Bắc, gần giống như “đền Hùng”. Hán Thành chỉ mới dám chuyển qua là
nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa. Vậy mà Bình Nhưỡng quả quyết là
đã tìm thấy xương cốt của nhân vật này, và xây dựng lăng mộ đồ sộ làm
chứng cớ tuởng niệm đời đời. Họ chưa chiếm được Ðại Hàn nên không giống
như Việt Nam đã có đền vua Hùng, đã “tìm được lăng mộ thuỷ tổ” Kinh
Dương Vương (Kiến thức Ngày nay 819:7), còn đòi phải lập đền thờ
“các vợ, con (?) vua Hùng, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương
trong cả nước” nữa! Ðòi hỏi đó đã mở đầu cho lễ hội ngày 25-2-2013, tổ
chức kỉ niệm 4892 năm Ðức Thuỷ tổ khai sinh mở nước, “ông nội vua Hùng”
(!) với dự án mở rộng di tích trị giá gần 500 tỉ đồng!
Sự việc Việt Nam chuyển đình làng thành đền Quốc tổ cho thấy manh nha
một chủ trương tập trung thần thánh của nhà nước phong kiến vào một
“Quốc giáo Hùng Vương”, như muốn thực hiện trên phần đất phía nam để
thêm phần tóm thâu quyền lực ở một nơi còn nhiều dạng sắc tộc “không
Kinh Việt”. Bến Tre nằm bên cạnh Trà Vinh nhiều dân Khmer Krom, qua Sa
Ðec, Sóc Trăng đẩy tới Bạc Liêu lẫn lộn thêm người Hoa đang trở thành
bản thổ… sự tổ chức có bài bản như thế có phần nào là tiếp nối Minh Mạng
xưa làm việc “cải hoá man di”? Chưa nói đến loại ảnh hưởng Dương di
trên nhóm Việt ở đất này, qua 80 năm thuộc Pháp, 20 năm theo Mĩ, cũng
tạo thành một chừng mực tập tính “ngoài vòng cương toả” đối với quyền
bính Hà Nội, dẫn họ đến phủ nhận kềm thúc ràng buộc, ấm ức với sự quỵ
luỵ được tuyên xưng là đạo đức truyền thống.
Có điều hơi khác với thời xưa, dù nhà nước ngày nay siết chặt dân
chúng mạnh tay hơn, khiến sự tuân hành được triệt để hơn phần nào thì
tính chất nhiều thành phần dân chúng cũng đưa ra những mẫu hình có xê
dịch về nền quốc giáo nọ. Trong 20 đền Hùng ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ có 3
cái là của nhà nước (số liệu của Trần Chánh Nghĩa 2007), phần còn lại
hẳn là của thành phần di dân mới sau 1975, những người giàu có nhờ tư
thế chiến thắng cất đền cho riêng mình, theo tâm ý của mình, tâm ý chung
mang từ đất Bắc, tất là phải có dạng của những điện phủ của một thế lực
thần thánh chở che trên đất lạ. Chắc là không cần ai bắt buộc, nhưng
theo xu thế thời đại, chủ nhân khu Giải trí Ðại Nam Văn Hiến ở Bình
Dương đã dành một phần xây cất đồ sộ, hoành tráng phổ biến tư tưởng thờ
Quốc tổ trong thời mới. Tượng ông Lạc, bà Âu thếp vàng lộng lẫy dưới ánh
nắng, building Kim Ðiện sừng sững thu hút từ bên ngoài, oai nghiêm bên
trong với hàng dãy lẵng hoa mượt mà mang bảng tên thếp vàng của các chức
quyền Ðảng, Nhà nước cao cấp, có ông Ðại sứ Michael Michalak chen vào…
Ai bỏ tiền ra người đó cũng có phần, cho nên khung thành khu Giải trí có
dáng từ một phim của Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu, Hồng Kông, Ðài Loan
lộn xạo, có ông bà tiên tổ đội mũ Ðường tăng với đàn con Hùng, Lang lau
nhau bám chân. Ở đây ông Hùng Vương không chễm chệ một mình trong điện
mà phải chia phần với Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói làm gì, lại còn
phải chừa chỗ khá lớn cho các bà Mẫu Thuỷ, Liễu Hạnh, cho ông Trạng
Trình có thơ của chủ nhân diễn ý ưu thời mẫn thế khắc đầy trên tường
vách.
Cạnh tranh với ông Ðại gia doạ sẽ xây cho mỗi tỉnh một khu Ðại Nam
Văn hiến này, chắc là Công ti Cổ phần Gia Lai CTC (?) với Công viên Ðồng
Xanh xây ở xã An Phú cách Pleiku khoảng 10km trên đường xuống Quy Nhơn.
Theo lời giới thiệu thì Công viên được bắt đầu năm 1998, dự tính hoàn
thành năm 2015, với đền Quốc tổ có mái nhà Rông cao 18m. Trong điện có
tượng vua Hùng cao 6m bằng gỗ mít, do nghệ nhân Hà Nội (?!) thực hiện,
trước điện có thêm 18 tượng vua Hùng (lại 18 vua Hùng!) với chi tiết, ví
dụ: “Hùng Triêu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286
tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai & 16 con gái, có 56 chi sinh 399
cháu chắt”, cứ y như thật! Trong quần thể đó có thêm chùa Một Cột, lầu
Thần Tài, tượng Quan Âm… nói tóm lại, là thêm một kiến trúc bát nháo của
một thời (tiền) quay về “cội nguồn truyền thống”, ngang ngạnh đem dốt
nát in dấu lên bia bê tông muốn vững bền ngàn thu.
Tuy nhiên sự thờ cúng “phàm tục” như thế cũng là một minh chứng trước
mắt về lí thuyết phổ cập, bành trướng văn hoá. Trên đất Bắc, nơi cỗi
gốc, người ta trẫy hội dâng hương lễ bái. Tính chất thiêng liêng thấm
đượm đến mức người cầm quyền đang vướng víu tính chất thần thánh của
quyền lực, cũng thấy phải đòi hỏi chia sẻ nên cố chen lách tìm chỗ đứng
trên cao, đẩy Tổ đi chứng nhận quyền chiếm hữu trên các vùng đất mới.
Người bình thường, dù có khi không bằng lòng với chính quyền, khi nghe
nói “động” tới (các) ông Tổ, dù với các chứng thực chuyên ngành (trường
hợp Trần Trọng Dương viết về Kinh Dương Vương) cũng thấy như bị xúc phạm
để phải lộ ra những lời mỉa mai, gầm gừ… khó cho người khác biện minh.
Thế mà (các) ông Tổ đi vào Nam trên đất của “tiền bạc” Thần Tài, muốn có
thu nhập phải qua các cửa bán vé – không phải các hòm công đức. Cái
thiêng liêng phải chia phần với ông Trạng Trình (đúng ra là phận con
cháu!) và khu Tâm linh của Tổ vẫn phải nằm trong một địa điểm vui chơi,
phải nương vào đó để sống còn…
Chính trị, lịch sử và tính nhân văn không mong đợi từ “truyền thống” mới
Rốt lại thì ông Hùng Vương cũng đã chễm chệ khắp mọi vùng bên trong
đất nước, theo cả bước chân người di tản lấy niềm tin “truyền thống” che
đỡ khuất nhục, nay ông lại có thêm bằng cấp quốc tế chứng minh tính
chính thống với thế giới. Nhìn chung thì có thể coi sự tôn xưng Hùng
Vương ngày nay là bước tiếp nối của truyền thống Hùng Vương khởi đầu ở
thế kỉ XIV, cả hai như một hành động xác định bản thân sau thời kì vùng
đất thoát khỏi tay người ngoại quốc. Thời thế có khác nhưng ý định nổi
trội vẫn cho thấy chung một tính chất.
Sau thời kì Bắc thuộc, các vương triều củng cố địa vị của mình trên
cái xác tan rã của phủ Ðô hộ An Nam, đã cố tìm cho mình một sự chính
danh nhưng vẫn phải loay hoay với quá khứ “nội thuộc” mà bằng chứng là
vị trí của nhà Triệu trong quyển sử đầu tiên của triều đại Trần. Lí Trần
là những tông tộc trị nước nên dù kiến thức có nâng cao theo đà nắm
quyền vẫn phải vuớng víu với tông tộc của mình, với tính tông tộc nói
chung. Chỉ có những nhà nho tuy mang địa vị thuộc hạ, gia thần nhưng thu
nhận kinh sách Trung Hoa mới thấu hiểu được tính chất bao quát của
quyền bính, mới đặt vấn đề đi sâu vào quá khứ để tìm hiểu nguồn gốc bản
thân, nguồn gốc tập đoàn của mình đang chung sống. Nhưng với kinh sách
đã học thì họ không thể tìm được cái gì khác hơn là những điều đã ghi
trong ấy. Vì thế mà ông tổ nước của họ, của những người nối tiếp là một
CON NGƯỜI, tuy có dính líu với quá khứ mù mờ, thần bí nhưng vẫn là của
một dòng tộc NGƯỜI chứ không phải một thần nhân, như của các dân tộc
khác có sự xuyên suốt vào trong mịt mù của thời gian không phương tiện
ghi chép. Thế rồi bây giờ lại cũng một thời hậu thuộc địa khác, sau sự
tuỳ thuộc vào một nền văn minh khác để có chất lượng gây tự tín nâng cấp
dòng tổ trong quá khứ. Ðất nước tiến lên một mức độ phát triển chưa
từng thấy, đem lại cho những người lãnh đạo một quyền lực vượt trội quá
khứ để gom góp tất cả vào trong tay. Nhưng phản ứng giải thực đồng thời
lại cũng mang ý nghĩa hướng về quá khứ, cho nên ẩn khuất bên trong tiếng
kêu gào giải phóng, là cả một lực lượng bảo thủ không phải chỉ riêng
biệt của quốc gia mà là của cả khu vực văn hoá phương Ðông, khiến cho
đất nước mang một bộ mặt hỗn độn trong tiến trình xây dựng tiếp theo.
Ở đây, trong vấn đề đang bàn, là tầm mức quyết định sắp xếp quá khứ
và vẽ vời tương lai đã không dành cho một sự phản biện nào. Trí thức tuy
không còn là gia thần nhưng đã được chuyển đổi lớp vỏ bọc qua vai trò
phục vụ “giai cấp” – không cần nói rõ, là phục vụ Lãnh tụ, Ðảng cầm
quyền. Vậy mà họ cũng không còn giữ được cả vai trò tích cực trong việc
tuyên xưng truyền thống mới như lớp người của họ ở thế kỉ XIV, XV. Ở
đây, họ chỉ làm việc phụ hoạ. Tất nhiên cũng vẫn có những cấp độ tuỳ
thời thế. Ông Phạm Huy Thông của thế kỉ XX, mang bằng cấp Tây thời không
có bao nhiêu người như ông, trong thế phụ họa vẫn nuôi chút kiêu ngạo
nên “không cho phép ai lấy danh nghĩa khoa học mà phát ngôn tuỳ tiện” về
các vấn đề, như Hùng Vương, theo ông, vốn “nhờ những công trình khoa
học (?) mà đã trở thành di sản thiêng liêng của dân tộc”. Người của các
thế hệ tiếp nối biết nhũn nhặn hơn.
Không cần phải biện minh đỡ gạt cho những người sử dụng thuyết “sáng
tạo truyền thống” để minh hoạ hành động phủ sóng Hùng Vương trên khắp
đất nước gom vào một quyền hành từ 1975. Không cần phải bới móc những
người sử dụng nhóm từ “case study” thu thập từ trường Ðại học Mĩ để lập
một cuộc hội thảo làm bài diễn tập trí thức cao cấp dẫn đến tấm bằng của
UNESCO. Sử học Việt Nam là bắt nguồn từ Ban Khoa giáo Trung ương Ðảng,
tập họp không phải chỉ dẫn dắt tạo dựng truyền thống Hùng Vương mới mà
còn xuyên suốt điều chỉnh truyền thống cũ, để luồn uy thế mình vào tận
cõi thiêng liêng. Vai trò thuộc hạ của người trí thức dưới chế độ xã hội
chủ nghĩa không hề được né tránh từ những người cầm quyền đến tầng lớp
phục vụ. Từ những năm 1980, Viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo đã nói rõ
trước một hội nghị quốc tế, rằng các nhà sử học Việt Nam làm việc là để
phục vụ cho chế độ. Nếu sử gia có lúc nào quên vai trò phục vụ của mình,
để đi theo chuyên môn, tìm cách mở lối bế tắc cho ngành thì vẫn có
những người bên ngoài, kiên cường rơi rớt từ thời Hồng hơn Chuyên, tự
cho mình có nhiệm vụ bảo trì chính thống, nặng nhẹ nhắc nhở, mạnh bạo
công kích “những giáo sư đầu ngành (sử học) chao đảo, bấn loạn”. Như trở
lại trường hợp các tay “văn học” của nhóm Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Hồn Việt lớn
tiếng vào những năm 2006… 2009… từng khoe có ảnh hưởng đến Chỉ thị điều
chỉnh lệch lạc của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (16-4-2009) mà đến năm
nay (2013) họ còn hãnh diện trưng dẫn, khi ông Chu Giang Nguyễn Văn Lưu
móc thêm trường hợp nhà Nguyễn vào chuyện luận văn Hà Nội. Hay khi ông
“bác sĩ nhà văn” Nguyễn Văn Hinh bỏ nghề bắt mạch, đăng kí thêm trong
tập nhóm dốt nát ăn theo nói leo, kết tội Phan Thanh Giản theo một sự
bướng bỉnh chỉ có thể biện minh bằng nhiệm vụ chỉ điềm bảo vệ chính trị
trên một vùng đất còn phải canh chừng mà thôi. Tại sao? Bởi vì đồng thời
kí kết năm 1862 còn có một ông Lâm Duy Hiệp của một vùng khác (Bình
Ðịnh), chưa bao giờ được “nồng nhiệt” nhắc nhở đến như vậy.
Qua bao “đổi mới”, nhà nước Việt Nam cũng vẫn không buông bỏ nguyên
tắc lãnh đạo đó. Mới nhất, là trong nghị định thành lập Viện Hàn lâm
Khoa học Xã hội Việt Nam : “Viện… là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức
năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về Khoa học xã hội, cung cấp luận cứ
khoa học cho Ðảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững theo định hướng Xã hội chủ nghĩa;
thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa
học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.” Ở
một cơ quan mang tầm mức tinh hoa của đất nước như thế mà cũng chỉ có
những người làm nghiên cứu minh hoạ những chính sách và luận cứ của Ðảng mà thôi. Ðảng và chính quyền đủ tự tin đến mức không ngại gặp chút phản ứng bất lợi nào khi cho xuất bản các loại sách như Trại súc vật của
H.G. Wells, hay trực tiếp hơn, cho in hồi kí của Nam Ðình (2011) mà
không cắt bỏ những đoạn “nhạy cảm” về khía cạnh thổ phỉ, man dã trong
cuộc chiến chống Pháp của Thành đồng Nam Bộ. (Và cũng để không ngạc
nhiên như những người lo sợ cho số phận của tác giả Bên thắng cuộc khi về nước).
Sự phối hợp thành công của người cầm quyền và nhà trí thức thời đại
trong vấn đề đạt bằng cấp quốc tế như trong vụ Hùng Vương này đã khiến
họ thấy có thể phát huy khả năng “biết cách thi đậu” với lối dạy kèm
trong nền khoa cử Nho học cũ, mà dự tính cho sự thành công mới trong hồ
sơ di sản lắp ghép “Tràng An – Ninh Bình”, phối hợp cảnh quan thiên
nhiên vùng Hoa Lư Ninh Bình và hơi hám mấy cái đền Ðinh Lê từng bị thất
bại vì không đủ tầm mức phải có. Tất nhiên trong tình thế đó, dân chúng
cũng được lợi, có khi khá lớn mà không thấy, từ sự khoe mẻ, cầu cạnh của
Ðảng khi họ muốn tạo dựng cho mình một bộ mặt quốc tế đi kèm với sự
củng cố quyền lực. Ít ai chú ý rằng một số dân quyền, nhân quyền bình
thường của nhân loại ngày nay đang hưởng thụ, chỉ đến với người dân Việt
Nam qua các sự nhượng bộ của Ðảng và nhà nước trong những hiệp ước quốc
tế liên can đến sự tồn vong của họ. Trước mắt, tuy cũng có vẫn những
ứng phó cứng rắn như từ bản chất của chế độ nhưng cũng nổi bật là sự
buông bỏ khá bất ngờ trong vài vụ án, vài sự kiện (như vụ người tù thế
kỉ Nguyễn Hữu Cầu cô đơn vì ở phía “nguỵ”), và nổi bật trong việc đối
phó với lớp thanh niên thời @ ra ngoài nước cổ động cho dân chủ, nhân
quyền lần mò vào tận Quốc hội Mĩ… giữa lúc Ðảng vận động xin, và được
vào Hội đồng Nhân quyền mà sự vụ được hãnh diện loan truyền trong nước
dẫn đến sự dễ dãi cần thiết cho bộ mặt mới.
Cho nên ghép ông Hùng Vương làm Quốc Tổ, nếu có nhà sử học nào thực
sự không bằng lòng cũng vẫn phải né tránh để cho các tay gần-như-sử-gia
vung vẩy theo ý Ban Khoa giáo, với trình độ ngang với tầm mức xuất thân
của họ. Không khí hội kín của đảng phái, ước vọng hướng về tương lai
trong chủ nghĩa xã hội đại đồng của những người cộng sản Việt Nam có
những yếu tố thần bí sâu kín khiến cho, một khi thất vọng với đại cục đổ
vỡ, họ dễ quay về tìm trong quá khứ những hào quang cũng là tưởng tượng
trên một đất nước họ đã bỏ công xây đắp quyền hành. Mười bốn thiếu nữ
trong buổi lễ 19-4 đã nói kia là hiện thân của tâm lí ngưỡng vọng thần
thánh của những người đang lãnh đạo đất nước, cố chứng minh sự nối kết
tính chính thống của Ðảng Cộng Sản với quá khứ xa xưa. Họ không màng đến
lời phản bác họ “lấy truyền thuyết biến thành quốc sử”.
Tuy nhiên dù có thế nào thì nhà nước cũng gặp phải phản kháng. Không
thể mạnh để có loa kèn, báo chí, nên chỉ có những tiếng nói ngoài luồng,
cũng là dấu vết may mắn từ thời thế internet. Dài dài suốt trong thời
gian nhà nước “sáng tạo truyền thống mới” cho Việt Nam thời WTO, đã
tiếng nói nhạo báng của những người dù không chuyên môn nhưng tâm trí đủ
bình thường để nhận ra những áp đặt ngang ngược, ràng ràng dễ thấy
nhất. Blogger Le Minh Khai, chuyên viên mang nhiều kiến thức bao quát về
Ðông Nam Á thường chen vào chỉnh sửa các định kiến về sử Việt theo ngẫu
hứng, trong trường hợp này thấy có cách nhạo báng là mong muốn người ta
lập một Khu giải trí Con Rồng Cháu Tiên để cạnh tranh với Walt Disney.
Vì ở xa, ông không biết người ta đã thực hiện rồi, có điều chúng mang
tính cách “dung hợp” xuề xoà theo truyền thống dân tộc, nên các ông tổ
lại được dựng lên bát nháo trong Kim Ðiện hoành tráng, trong khu gọi là
Văn hoá Tâm linh nằm giữa khuôn viên giải trí có cọp beo, kịch nghệ
thiên đường địa ngục, có ăn uống nhà hàng tiệc cưới…
Trong nước, người phản bác (Nguyễn Trần Sâm 2013) thẳng thắn cho thấy
sự ngang ngược của nhà cầm quyền: “Người ta đang muốn dùng bộ máy nhà
nước để áp đặt… bảo chúng ta, con cháu chúng ta… rằng chúng ta, bắt đầu
từ vua Hùng, chính là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ… Một vị lãnh
đạo rất cao cấp còn đăng đàn ‘dạy’ cả nước rằng cả 87 triệu người Việt
Nam ở trong nước hiện nay và mấy triệu Việt kiều ở nước ngoài đều sinh
ra từ một cái bọc, rằng chúng ta phải tự hào vì ‘ít nơi nào trên thế
giới có cái đó lắm’. Và không chỉ nói, họ còn bày ra những trò ‘giỗ Quốc
tổ’, một nghi lễ quốc gia chính thức, cứ y như thật!”
Và cũng với tâm thức lên đồng đó trong tình trạng nắm vững quyền lực,
các lãnh tụ kia dễ chia sẻ tính lấn lướt cá nhân với tập nhóm quen
thuộc. Họ không màng đến thắc mắc của Lại Nguyên Ân (3-12-2012): “Vua
Hùng là ông tổ của một trong 54 dân tộc hay của cả 54 dân tộc ở Việt
Nam?” Ông này nhận thấy: “Ở Việt Nam ta (?) đang dùng cách mở rộng các
thần tượng của một dân tộc đa số (dân tộc Kinh) thành ra thần tượng cho
các dân tộc thiểu số khác cùng sống trên đất Việt. Cái dụng ý biến lễ
giỗ của vua Hùng từ giỗ tổ của người Kinh thành quốc lễ của mọi người
dân có quốc tịch Việt là ví dụ rất rõ. Đây hiển nhiên là sự áp đặt văn
hoá của tộc người đa số cho các tộc người còn lại”. Ông đã quá lí tưởng
khi cho rằng: “Phải từ chỗ tôn trọng cội nguồn riêng mỗi dân tộc… cùng sinh tồn trên đất Việt hiện tại để xây dựng ý thức cộng đồng”.
Quan điểm nhân văn bình thường như thế của ông đưa ra thật là lạc lõng
trong tình thế chung như đã thấy. Về mặt sĩ diện người ta vẫn né tránh
không dùng chữ “Mọi” chẳng hạn, vẫn tha thiết về tinh thần đoàn kết với
những người “anh em” thiểu số nhưng thực tế là khinh thường, lấn lướt họ
không còn đất sống, dẫn đến tình trạng tự huỷ diệt, khuất lấp im lìm.
Ta chỉ lấy làm lạ là ông đã ngạc nhiên thấy “không ít chuyên gia am
hiểu, không ít quan chức, không ít nhà khoa học, thậm chí nhà sử học
hàng đầu, lại tán thưởng, thậm chí góp sức luận chứng cho cách làm này, —
cách làm mà trên thực tế, nó chính là một thứ sô vanh văn hoá…” Có vẻ
ông còn nhiều lạc quan về những người trí thức trong nước, chưa phân
biệt rõ giữa kiến thức và ý thức phục vụ. Nếu ông biết rằng có Giáo sư
Tiến sĩ người Choang cố ép “lịch sử” cho giống với ý định của nhà cầm
quyền Việt Nam (để cầu cạnh hay phỉnh phờ?), bịa chuyện có 46 ông Lang
thuộc phần của Bà Âu (thật ra phải là của ông Lạc) bị chết chìm cho số
còn lại đủ 54 người, toả ra đủ số 54 dân tộc gộp thành Việt Nam hiện
tại, thì ông còn bi quan về trí thức xã hội chủ nghĩa tới đâu! Và có lúc
ông cũng đã nhận thấy sự lấn lướt không phải chỉ diễn ra giữa dân tộc
lớn và các dân tộc nhỏ.
Kết quả, chủ nghĩa xã hội style Việt Nam rộng lớn, giàu có, ngày nay
ít ra cũng cho thấy sự đồng nhất trong hiện tại có tương lai gần gũi nơi
đám người tuổi teen, thanh niên làm fan cho nhà văn tỉ phú đầu tiên của
xứ sở, không chỉ khoả lấp câu than vãn xưa cũ “… An Nam khổ như chó”
(Nguyễn Vỹ) mà còn góp phần tạo lạc quan cho đời mới trước mắt. Cho nên
cũng chỉ là thoảng qua của người cùng thời, nhắc nhở chuyện bình thường
của một ngôi trường danh tiếng bị đánh mất truyền thống (Mùa hè năm Petrus 2013),
qua dáng vẻ bình thản mà khêu gợi cho người đọc sự nuối tiếc dằn nén,
như một ẩn ức phản kháng của một danh vị bị soán đoạt vẫn còn phải chịu
đựng sự canh chừng rình mò đe nẹt không mệt mỏi của những người nhân
danh sự thống nhất, không chừa chỗ nào cho sự khác biệt, muốn xoá sạch
quá khứ của một địa phương, một vùng…
Những người cầm quyền như thế vốn biết tự mình có thể làm lịch sử, có
thể tạo ra truyền thống không gặp tranh cãi, đã thấy kết quả hình
thành, bên trong thì trống cờ tở mở, tuyên xưng thành tích trường trị
nhất thống giang hồ, người ngoài cứ nhìn theo đó mà ban phát ân huệ, sự
việc thuận chiều thời thế lịch sử đến thế, việc gì họ phải dừng tay vì
những lí do hoa hoè bay bổng, để đi tìm một nguồn nhân văn hợp với một
thời đại văn minh không có trong đầu óc của họ?
2-1-2014
*Dẫn từ bài và tác giả trong cuộc Hội thảo Phú Thọ 2013. Tuy có đọc
những dòng chữ kiểu “All Rights Reserved” nhưng vì lẩm cẩm nên đã quên
mất. Và dù sao cũng thấy phải cảm ơn (những) người giúp tác giả gây tội.
Và cũng nhờ đọc Pro & Contra mà biết Lê Ðức Thọ đã an ủi những nạn nhân của ông ta, là “Ði tù cũng là tham gia chống Mĩ cứu nước”.
TẠ TRÍ ĐẠI TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét