Ở cuối lịch niên hiệu Duy Tân năm thứ mười, bia vàng nhòe
nét son sấy kim ấn toà Khâm Thiên Gián, thấy tiết thu phân và ngày lập thu qua
đã lâu rồi.
Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt than vãn triền miên
của kỳ Ngâu còn kéo dài mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam hạ đã biến
thành một vùng nước rộng nhấp nhô những con đò đồng li ti. Síong đồng hỗn loạn
vỗ vào mép những con đường đất thó nhuyễn và những bờ luỹ tre già ướt át. Làng
mạc vùng quê Nam
Định nhói lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo xanh một màu hoang
vu.
Nước mùa mưa hợp các xứ đồng chiêm lại thành một khối lớn và
trên nước đồng mông quạnh, những con thuyền thúng đi về nhiều như tre rụng lá
mùa thu. Đêm mưa gió, mặt nước bình rộng âm hưởng rất xa cái tiếng kêu đánh
cướp nhóm lên từ những làng cù lao lẻ loi.
Bên bờ đường cái quan, hoa hòe nở vàng ối. Dậm hòa đất Sơn Nam hạ
trổ bông đã từ lâu. Hoè đã rầu cánh, vàng úa tối mãi xuống.
“Hòe hoa vàng, cử tử mang”. Thấy dậm hòe ngả màu vàng, lòng
những người có chữ bắt đầu bận bịu. Dưới mảnh trời sụt sùi, hòe vàng nở đều,
làm ấm lại lòng người sĩ tơ tưởng đến sự hiển đạt về sau này. Màu vàng của sắc
hoa nơi dậm hò đã nhắc bao nhiêu học trò vùng Sơn Nam hạ phải nghĩ đến cái màu vàng
một tấm giấy cáo trục phong tặng hoặc là phần hoàng mai sau cho hai đấng sinh
thành.
Một hôm kinh truyện sũng ướt nước mưa, ôm khư khư mà ngồi
trong lòng một chiếc đò đầy đang tìm lại bến cũ, ông Đầu Xứ Em nghĩ xem giờ
xuống tỉnh, nên trọ nhà ai cho tiện trong suốt một kỳ thi. Cái nhà bà Phùng
quen kia đã chật hết chỗ rồi.
Hoa hòe lả tả đánh rớt những cách vàng nâu cuối cùng lên bả
vai bao nhiêu học trò các vùng đổ về tỉnh Nam. Năm nay nhà nước lại mở khoa
thi. Một khoa thi cuối cùng. Có những ông đồ già tóc râu đã ngả bạc màu vì sự
đùa nhả của công danh đánh lừa suốt mấy phen, chuyến này cũng cố chen ra hồ vớt
lấy một chút phấn hương cuối chầu của triều đình.
Trường Hà Nam
hợp thi khoa Mậu Ngọ có ông Đầu Xứ Em dự, còn nhộn nhịp gấp mấy khoa Ất Mão
trước.
Khoa Ất Mão trước, ông Đầu Xứ Anh bị loại ngay vòng đầu, bay
kỳ kinh nghĩa. Khoa Mậu Ngọ này, ông Đầu Xứ Anh nhất định không đi nữa, mặc dầu
đây là khoa cuối cùng, rồi đây bãi hẳn sự thi cử. Ở vào buổi giao thời, nếu
người ta còn cái lòng công danh thì khoa thi Mậu Ngọ là một chuyến thuyền vượt
biển cuối cùng. Từ Mậu Ngọ về sau, sẽ mở một thời khác, chữ Hán chỉ còn là một
thứ xa xỉ phẩm trong học vấn của một lớp người. Từ sau khoa này, cái lều chõng
chỉ là những vật cổ tích mỗi khi nhắc tới lại gợi một chút nhớ tiếc trong lòng
một đám người còn sống thêm một ngày là càng chỉ thêm một ngày bỡ ngỡ với phong
hội mới.
Ông Đầu Xứ Anh nhất định không nộp quyển khoa này, tuy bao
nhiêu người, từ Quan Đốc tỉnh cho đến anh em đồng song, thảy đều gởi hy vọng
vào ông. Thơ phú làm rất nhanh: sách nhớ có thể vạch ra từng chương từng tiết
một. Tính người lại điềm đạm hồn hậu; ai nấy đều khen nhà ông có đất học. Khen
rồi lại lấy làm lạ cho ông. Có một ông tam trường khoa trước lại ngờ hay là
khoa này, tại nhà nước bắt đám sĩ tử phải chụp ảnh dán vào quyển nộp mà ông Đầu
Xứ Anh không đi chăng... Có một hôm, đang cùng mấy người dạo chơi ở phố Hàng
Thao, nhận được tin này, chính ông Đầu Xứ Anh đã kêu: “Từ trước tới nay, có bao
giờ như thế. Nhà nước Bảo hộ, đãi đám sĩ phu trong nước, thật không ra quái gì.
Chụp hết ảnh ông Thám, ông Đề, chụp đến nhà pha, nay lại chụp nốt học trò”.
Hôm người em là ông Đầu Xứ Em xuôi tỉnh để soạn sửa đi thi;
ông Đầu Xứ Anh đưa ra khỏi cái dốc đầu làng và lúc ông Đầu Xứ Em đã ngồi lọn
trong lòng đò đồng, ông dặn:
- Xuống tỉnh, nhà bà Phùng đã đông người ở trọ rồi, có phải
ở chỗ khác, chú có ở đâu, cũng cứ tạt lại đấy mà nhắn hộ cho tôi. Đến hôm các
quan tiến trường, cữ hạ tuần tháng này, thế nào tôi cũng có mặt dưới tỉnh.
Người em đứng dậy, nói với lại, làm chiềng con đò đầy.
- Cô Trinh, con gái út bà Phùng, hình như vẫn chưa lấy chồng
phải không anh... Khoa Tý năm trước anh cũng trọ ở đấy phải không...
Người em cũng muốn tiết nỗi vui ra ngoài một cách quá đáng để
trấn tỉnh cái rối ren trong bụng một người đi thi. Ông Đầu Xứ Anh nói lảng ra
ngoài câu hỏi:
- Cứ quanh quẩn ở phố Cửa Trường ấy thôi nhé. Đi về nó tiện
hơn. Ở đây dễ gặp anh em các nơi về thi.
Mấy đám hàng xáo người làng trên qua đây ghé đò xuôi chợ, không
nhao nhao lên nữa như lúc mới nghiêng mạn đò vừa rồi. Họ ra vẻ nể nang, ngồi
thu hình lại, quơ lại một góc mấy lũ tay nải và bì cói, cốt để dọn cho người
học trò xuống tỉnh đi thi kia một chỗ ngồi rộng rãi. Đáy con đò, dính chắc vào
đất sét lòng bến nông. Cô hàng gạo, buộc lại múi khăn mỏ quạ, nhìn cậu khóa
không mỏi mắt, mỗi lúc ngượng nghịu lại nhổ cốt trầu xuống đồng nước. Gió đồng
hôm nay không thổi. Bãi quết trầu đỏ lặng im giữa làn nước nhợt nhạt, rồi chậm
chạp tan hòa vào nước cánh đồng chiêm, mỗi khi nhìn rộng ra, chỉ rặt một màu
bao la nhờ nhờ. Người lái đò mặc áo tơi kín phủ thân, chụp nón mê lấp cả mặt,
đã rút đầu sào khỏi mặt nước. Con đò đầy cựa quậy, bốc nhẹ, rồi trườn mình ra
xa. Trời bắt đầu nổi gió rét. Mưa thu lộp độp gõ xuống áo tơi nón lá của một
chuyến đò đồng. Dưới gốc cây hòe già chỗ dốc đê làng, ông Đầu Xứ Anh vẫn đứng
nhìn theo.
Tinh mơ ngày hai mươi nhăm tháng chín, tại khu trường thi Nam
Định, các quan làm lễ tiến trường. Hai chiếc lọng vàng nghiêng phủ xuống lá cờ
và tấm biển có chữ “phụng chỉ”, “khâm sai”, bốn cây lọng xanh ghé thấp tịt
xuống một cái đầu bạc đại khoa. Mùi nghi vệ mới phảng phất ít hôm trước thì sớm
nay đã nổi dậy trên khắp một mảnh đất mà mọi khi chỉ có gió chạy trên hoa cỏ
may hiu hắt từng cơn.
Ánh sáng ban ngày vắng đi mãi đến những đâu mà đến bây giờ
vẫn chưa thấy trở về. Từ hôm có gió vàng pha mùi cơn bấc đến nay, chưa bao giờ
thấy cái âm u tẻ lạnh đến nhường ấy. Gần giữa giờ thìn rồi mà tối và sáng chưa
phân tách hẳn được ra. Người đứng bao quanh đàn cúng, vẫn chỉ thấy ánh sáng mấy
chục ngọn nến bạch lạp rọi vào đàn tế, trên đàn phủ phục ba cỗ tam sinh còng
queo: một con trâu và một con dê đen thui kèm con lợn cạo trắng mở to cặp mắt
chết.
Mặt đất sáng hơn nền trời. Cuộc tế tiến trường như đang lắng
chờ một sự biến gì. Gió cũng không muốn thổi. Mấy ngọn sáp không lung lay, vệt
khói xám nơi bình hương bốc lên thẳng thắn trên bàn tam sinh. Nền trời phương
Đông đáng lẽ đã phải hửng lên rồi. Thế mà ở đấy cứ rặt một thứ mây đục đùn lên
những hình quỷ Đông. Phía Tây, một cái cầy vồng cụt một chân, tô lên tạo vật
những màu xanh đỏ dại dại và nghịch mắt. Trong cảnh âm dương không chia biệt
rõ, quan Chánh Chủ khảo trường Hà Nam hợp thi khoa Mậu Ngọ, đang tế cáo giời,
đất, vua, thần và thánh; xuýt xoa khai xong tên, tuổi, quê, quán, ngài khấn to:
“…Báo oán giả, tiên nhập; báo ân giả, thứ nhập…”
Có lẽ đọan khấn này là khoản chú trọng nhất của lễ tam sinh
và đã được quỷ thần chứng giám. Người lính tuần mặc áo nẹp đỏ vừa được lệnh đổ
chén rượu cúng xuống tàn lửa đống vàng đang hóa dở thì những đầu ngọn cỏ may im
lìm nơi bãi trường thi đều rung lên một nhịp và rung theo một chiều. Người ta,
hồi nãy sống một cơn mơ giữa khoảng ban ngày u uất, bây giờ trông thấy một cơn
mơ đang tàn dần. Một thứ gió u hiền thổi thốc vào bãi trường, nghe lào xào như
có tiếng các hồn oan hồn lành chen chúc và ùa vào choán chỗ. Những cây nến cháy
vạt ngọn bỗng tắt phụt hết. không gì xa vắng bằng cái động đậy trong đìu hiu
của muôn loài.
Trời đất trong sáng lại dần dần.
Hai anh em ông Đầu Xứ Ngoạt - lấy tên tục của làng nguyên
quán Cổ Nguyệt - lững thững ra về. Ông Đầu Xứ Anh bụng buồn lắm mà không dám
nói ra.
Ba năm trước, cũng ngày tế tiến trường. Năm Tý, cảnh trời
đất cũng âm thầm giông giống như ngày này. Quan Chánh Chủ khảo khoa ấy, theo
tục lệ quen của mỗi khoa thi, cũng cúng tam sinh khấn mời những oan hồn nên
nhập vào trường trước hết để mà báo oán trả thù. Rồi ông Đầu Xứ vào trường, rồi
oan hồn hiện ngay dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu khóc giữ rịt lấy tay không
cho viết quyển nữa. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc xõa quấn vào mặt
ông cứ bỏng rát lên. Lại cười sằng sặc, lấy nghiên mực hắt vào quyển của ông.
Lần ấy ông xin đổi quyển đến hai ba lần. Vẫn người đàn bà ấy quấy nhiễu không
tha để quyển ông cứ tỳ ố mãi. Lúc gần chiều, ông nổi một cơn đau bụng hoắc
loạn, phải bỏ dở kỳ thi, nhờ người dìu về nhà trọ. Thế là ông bay ngay kỳ kinh
nghĩa. Một người đầu xứ hay chữ và được quan Đốc khen ngợi luôn mà hỏng ngay
nhất trường thì có thảm thương không. Cũng may mà còn có người lấy được cái bản
thảo nháp bài của ông đem về, ông còn giữ được đến giờ, nếu không thì nhục cho
gia sáo biết là chừng nào. Ông cụ thân sinh ra ông, cụ Huấn là người nổi tiếng
một vùng, đem xem lại bản nháp và đưa cho các bạn đọc, ai cũng lấy làm tiếc.
Hơi văn đi mạnh như thế, có vào đến kỳ hội thì cũng cứ lọt. Mọi người đều chặc
lưỡi tiếc rẻ. Cái người bạn cùng ngồi một vi với ông, sau khi đem trả ông cái
bản nháp đó, đã tìm đến phòng trọ đưa tạ ông ba chục quan tiền kẽm: “Đại huynh
lúc không may lâm bệnh mà rời bãi trường, phải bỏ lại trên cỏ bản nháp bài kinh
nghĩa. Là một người tự biết là bất tài, tiểu đệ đã mạn phép hiền huynh điền vào
quyển của đệ những lời gấm hoa đanh thép bị bỏ phí kia. Nay được vào kỳ đệ nhị,
gọi là có món quà mọn gửi lại, xin đại huynh nhận cho”.
Biết là có oan hồn hiện lên cố phá không cho mình mở mặt với
thiên hạ, ông Đầu Xứ Anh để tâm tra cứu lại chuyện nhà. Thì ra, lúc sinh thời,
cụ Huấn đẻ ra ông đã phạm vào một việc thất đức. Hồi còn mồ ma cụ Huấn, cụ đã
mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một nàng hầu tài hoa nổi tiếng
một thời. Người thiếp đó lúc tự ải, có mang được sáu bảy tháng. Cái âm oán ấy
còn theo đuổi ông mãi, nếu ông còn cứ lều chiếu ở cửa trường thi. Đấy là lời
người thiếp đó lúc ốp vào con đồng khi phụ lên. Nàng xưng là cô và gọi ông Đầu
Xứ Anh là nó, cười sặc sụa và giọng nói the thé. “Nó còn đi thi, cô còn báo
mãi. Các người hỏi cô muốn những gì ấy à! Cô muốn, cô muốn nó phạm huý, cho nó
bị tội cả nhà kia. Nhưng nhà nó cũng có một ông mãnh thiêng lắm, cô không tàn hại
nó được như lòng cô muốn. Nên nó chưa viết phạm đến tên các vua”. Con đồng lắc
lư nói có thế. Có gặng hỏi thêm chỉ khóc hu hu rồi phá ra mà cười như bị ma ếm,
ông Đầu Xứ Anh thấy lạnh đến tuỷ xương sống. Và đâm ra lo nghĩ từ ấy.
Khoa thi này, ông đành nhẽ không ra nữa, để ông Đầu Xứ Em
nộp quyển thôi, thử xem hồn oan có còn đòi báo nữa không... Ông tin ở học lực
người em ruột, sao cũng lấy về cho làng Ngoạt, có hèn ra cũng được cái cử nhân.
Khoa cuối cùng, thêm phần luận quốc ngữ và phép đo lường tính theo lối học mới,
nhưng chú nó thông minh vốn thiên bẩm và gần đây tân thư và toán học cũng
nhiều, cũng không lấy gì làm ngại lắm. Nhưng mà phúc phận con người ta, ở một
người thi chữ Hán, biết sao mà định trước được.
Còn năm hôm nữa mới nhập trường. Mãi đến ngày sóc tháng mạnh
đông mới gọi tên bốn năm ngàn người vào kỳ đệ nhất. Cơm nhà trọ, luôn mấy ngày
nay, bữa nào cũng hết một bình rượu. Hai anh em ông Đầu Xứ, những lúc trời ngớt
hột mưa, vào mấy ngày mong chờ, thường nhẩn nha ở phố Hàng Giấy, chọn một thỏi
mực, thử lông một cây bút thỏ hay là soi một tờ giấy bản lên ánh sáng. Ông Đầu
Xứ Anh cố quên chuyện cũ, hết sức vui vẻ trong khi đi lục lọi giấy bút cho em ở
các cửa hàng sách phố Hàng Giấy. Những con người văn nhân lượn lên lượn xuống
nơi phố này nhiều đến nỗi không thể nào mà nhớ được mặt, ví có gặp lại ngay đó
một lần thứ nhì.
Cái cửa hàng sách gọn ghẽ xinh xắn được nhiều thầy khóa lui
tới nhất là cửa hàng cô Phương. Đám học trò vào cửa hàng cô để mua hàng, và để
nghỉ chân và giải trí cũng có. Cô Phương ở phố Hàng Giấy, ngày trước là một
người đanh đá chua ngoa có tiếng. Có một lần, một cậu học trò vào hàng cô chọn
bút. Cô đưa bút Song Lan, Thanh Chi, Nhất Chi, rồi Kiều Lan, rồi đến Trúc Lan;
người thư sinh mặt trắng rút tháp bút, cho bút vào miệng, ấn tòe đầu bút vào
lòng bàn tay xòe, để thử soi lông bút lên ánh sáng có đến mấy mươi lần rồi mà
cứ lắc đầu hoài, chê xấu. Anh chàng nhất định hỏi cho được cái thứ bút Tảo
Thiên Quân mới chịu lấy. Thấy thầy khóa ăn mặc đồ vải xuềnh xoàng, cô Phương ra
giọng bỉ thử: “Có Tảo Thiên Quân lông trắng nhưng mà những hai quan một chiếc”.
tiếp cái nguýt dài của cô hàng sách càng ngồi dãi thẻ thêm ra, người thư sinh
mặt trắng chỉ tay lên tít trên đầu tủ: “Phải Tảo Thiên Quân lông trắng; có còn
thứ nào những năm sáu quan một quản, cô lấy cho tôi chọn”. Lúc nói câu này,
thầy khóa cố dằn giọng vào chữ những có ý bảo thầm cho nhà hàng biết rằng nên
khinh người vừa vừa chứ. Co Phương bẽn lẽn, nhưng cũng cố đứng dậy lấy thứ bút
quý cất mãi trên cùng tột lớp tủ, đưa cho thầy khóa, chỉ đợi nếu anh chàng
không mua nổi chiếc nào thì sẽ mắng một trận như tát nước vào mặt cho bõ ghét.
Lấy luôn một lúc bốn chiếc Tảo Thiên Quân, trả tiền xong xuôi, người thư sinh
mặt trắng dúng một ngòi bút mới vào nghiên mực, vờ thử ngòi bút vào một mảnh
giấy nơi mặt hàng. Những dòng chữ viết rất tốt kia, sự thật chỉ là một bài thơ
chữ nói mát mẻ cô hàng có tính chỏng lỏn. Từ đấy, cô Phương đâm ra gờm những
thầy khóa có tính ỡm ờ và trở nên rất ngoan ngoãn đối với bạn hàng, bất cứ là
ai. Sau cô hỏi thêm, mới biết người thư sinh rất khó tính trong sự lựa bút và
tác giả bài thơ bóng gió ấy là cậu Đầu Xứ Ngoạt. Năm Mão, phong thanh người
thiếu niên tài hoa ấy thụ bệnh trong trường và bỏ dở khoa thi, cô Phương đã ra
mặt ái ngại tiếc than với những người chung quanh. Trong tâm một cô hàng sách
nho phố Hàng Giấy, đang nhú lên cái mầm sơ đầu của yêu thương gắn bó và đợi
chờ.
Cho đến mãi năm Ngọ năm nay, ông Đầu Xứ Ngoạt mới trở lại
cửa hàng cô Phương. Ông Đầu Xứ Em còn lần lữa ngoài mặt hàng, chưa bước vào nhà.
Trên mấy tấm cửa lùa ngả xuống hai cái mễ gỗ nhô hẳn ra vỉa hè, một cuốn Chinh
Phụ Ngâm diễn Nôm đã ghìm bước ông Đầu Xứ Em lại. Thấy có bóng khách vào hàng,
cô Phương đặt cuốn truyện Lục Vân Tiên xuống, lấy móng tay đánh dấu vào cái
đoạn nàng Kim Liên đang “đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”, sắp cất tiếng chào
khách, bỗng cô ngờ ngợ, tủm tỉm muốn bật như cười. Cô nhìn không chớp mắt, đôi
má lúm đồng tiền phơn phớt nhuộm đào – cái màu đào một ngày năm nọ.
Ông Đầu Xứ Anh hơi luống cuống, chưa biết hỏi món hàng gì
thì may mắn quá, ông Đầu Xứ Em đã tiến theo vào phá hộ cái yên lặng:
- Này anh, lấy một cuốn Chinh Phụ bản Nôm, về nhà trọ, ta
ngâm nga chơi cho nó hết mấy ngày đợi bảng nhập trường.
- Ờ thích được ngâm nga thì cứ lấy về. Có gì mà phải bàn.
Cô Phương hết nhìn người anh, lại nhìn sang người em. Cô
đoán họ phải là anh em ruột thì mới giống nhau như tạc đến thế. Vả chăng hồi
gần đây, cô có nghe đồn ông Đầu Xứ Anh cũng có người em đỗ Đầu Xứ và tài hoa đã
làm trôi cả một vùng tỉnh Nam.
Chắc là người mua truyện này đây. Chưa biết câu chuyện ông Đầu Xứ Anh không nộp
quyển thi khoa này, cô Phương tự nói với mình: “Huynh đệ đồng khoa! Cái làng Cổ
Nguyệt chuyến này tha hồ mà rước xách. Trong hai anh em, chả biết ai sẽ Tú Tài,
ai Cử Nhân. Mọi năm hai trường Hà Nội và Nam Định hợp lại, lấy sáu mươi tư
Cử Nhân. Năm nay khoa rốt, Nhà nước đặc cách lấy những chín mươi Cử Nhân và
cũng như mấy lần thi trước, cứ một Cử Nhân thì ba Tú Tài. Lọt sao được hai cậu
Đầu Xứ này”. Cô kéo cái ấm giỏ trong bục ra, giở nắp ấm thăm cái nóng chiếc ấm
sứ, rót hai chén, cô hạ thấp vòi ấm xuống để nước không nổi bọt.
- Mời hai thầy quá bộ vào trong này xơi nước. Nước trà nụ
ướp sói vừa pha đấy, nên mới dám mời hai thầy tân khoa.
Cô Phương đưa tay che miệng cười, tự cho câu chúc sớm sủa đó
là có duyên lắm, hẳn là phải hay và anh em ông Đầu Xứ Cổ Nguyệt phải thưởng
thức. Thấy họ cứ đứng trân trân ra đấy, cô Phương thu dần nét mặt xởi lởi lại
và ngồi ngẫm, càng nhận thấy cái vô duyên và vô lý của câu nói vừa rồi. Ai
người ta đã thi cử được một kỳ nào, mà đã chúc với tụng. Cho đỡ ngượng, cô lại
mời:
- Hai thầy xơi chén nước.
Ông Đầu Xứ Em chẳng biết cái gì cả, cầm chén, uống luôn,
tưởng hễ cứ vào mua hàng người ta là mình có quyền xơi ngay nước mời. Khốn nạn,
nào từ trước tới giờ anh mình có bao giờ nói cho nghe cái đoạn tình duyên thầm
kín đã mấy năm nay giữa anh với cô hàng sách đâu mà biết. Ông Đầu Xứ Em thấy
anh còn trùng trình chưa chịu ngồi xuống cầm lấy một chén nước mà đầu lưỡi rất
tinh của ông phải nhận là thơm ngon, ông càng chèo kéo ồn maĩ lên.
Cô Phương, cũng phải phì cười và làm cho ông Đầu Xứ Anh cười
luôn thể. Con người nào đã biết e dè với cuộc sống, những lúc cảnh ngộ tinh
thần sớm không cho mình phỉ sức hưởng thụ khi ở vào một cái tuổi ăn và ngủ đáng
lẽ phải nhiều mỗi lần được vui cười trên mặt thì cái cười ấy thật là thoả đáng,
thật đầy đủ và lại xinh đẹp là khác nữa. Nhân một cái vui tươi thế chỗ nét mặt
trang nghiêm luôn luôn của ông Đầu Xứ Anh, cô Phương nói một câu mà sự thân mật
riêng tây đó đã không cần thầm kín nữa:
- Khoa Ngọ này là khoa cuối cùng. Ông Đầu Xứ nên giữ mình
làm trọng, chớ có đau bụng như kỳ năm Mão mà để thiệt thòi nhiều cho vùng Sơn Nam hạ lắm đấy,
ông ạ.
Đến chữ “ông ạ” ở cuối một câu nói, giọng rất thành thật và
cảm động, cô hàng sách cố làm ra giọng bông lơn cho nó nhẹ bớt sự tha thiết của
một câu nói đã lỡ nhời, đã thốt ra từ đáy một tấm lòng để đi sâu vào một tấm
lòng khác bấy lâu nay cũng vẫn chờ lúc được đãi đằng. Sự rất hữu tình mà cố làm
ra vô tình bằng một cái giọng cố gò lấy, làm sao cho tránh khỏi sự nhận xét
thông minh của ông Đầu Xứ Anh được. Ông biết lắm. Ông hiểu cô Phương để ý đến
ông lắm. Không cần các bạn nói cho hay, không cần gặp gỡ, không cần âm tín tiêu
hao, ba năm nay rồi, linh tính bảo ông biết thế. Nhưng từ ngày vấp ngay khoa thi
đầu tiên, ở một kỳ đệ nhất, ông buồn uất vô hạn khi nhận thấy mình ra có còn
lều chõng nữa cũng là chỉ để làm sống dậy, trong vòng oan trái, một cái oán cừu
xưa cũ của ông cha di lại. Một cái oán hồn đã hiện lên, đã ốp đồng vào miệng
người sống mà thốt ra toàn những lời hằn học, cái oan hồn ấy hẳn không chịu
buông tha ông nữa rồi. Hóa cho nên, rớt khoa Ất Mão ngay kỳ kinh nghĩa, ông
nhận luôn cho nó là khoa cuối cùng, chẳng cần phải đợi đến khoa Mậu Ngọ cuối
cùng này. Ngay dạo ấy, ông đã tuyên bố rất to rằng ông là thí sinh của một khoa
thi thôi. Cô hàng sách không rõ, vẫn tưởng ông còn có bụng với sự lều chõng.
Ngắm kỹ cô Phương, ông thấy cái đẹp của cô già dặn hơn ngày
năm trước. Còn muốn nói thêm vài ý nghĩ vui tươi nữa vào việc đánh giá cái đẹp,
nhưng ông Đầu Xứ Anh bỗng ngừng lại. Bởi vì – quái, sao mãi đến giờ, ông mới
nhận ra – khuôn mặt cô Phương đã hao hao tợ như diện mạo người đàn bà ẵm con
xõa tóc ngồi rù than khóc nơi đầu chiếc chõng che trong trường thi khoa nọ. Tự
nhiên ông thấy cô Phương không còn hiền hậu nữa. ông nghĩ đến những cái ghê sợ
mà một sắc đẹp có thể giấu dưới nụ cười. Ông nghĩ đến những truyện ma quái lúc
thay hình biến thể khi muốn hãm hại học trò. Ông nhớ lại cái cười gằn của oan
hồn khi hiện thành người, quất đuôi tóc trần vào mặt ông cho ông hồn mê đi và
cầm nghiên mực đổ chan hòa xuống quyển thi. Cái oan hồn ấy đã lên tiếng nói,
thề quyết làm cho người sống phải lụn bại mới nghe. Biết đến lúc nào cái người
nàng hầu cụ Huấn mới nguôi giận và cái âm oán kia hết đi theo ông... Chuyện cũ
của cha, hồi sinh thời đi lại với người ta thật ông cũng chưa rõ hẳn đầu đuôi
như thế nào.
- Vâng, nhà có thứ mực Kiêu kỵ đấy ạ - cô Phương nhanh nhẩu
trả lời ông Đầu Xứ Em.
Choàng tỉnh cơn suy nghĩ, ông đã vội bắt lấy việc mua mực,
khuyên em không nên lấy mực Kiêu kỵ:
- Đi thi không ai dùng mực Kiêu kỵ. Mực của xã Kiêu kỵ chế
rất tốt, chỉ hiềm mỗi khi viết xuống giấy, nó cắn xuống giấy chắc quá khó tẩy
đi lắm. Cô lấy cho mấy thỏi Hoàng tam xương – vàng, nếu hết thứ chữ vàng rồi,
cô có thứ chữ bạc cũng được. Cái thứ mực hiệu Diệu tự “nhà ta” bán có được chạy
lắm không hả cô...
Chà, người ta ăn nói sao mà xuôi tai, dễ nghe đến thế. Cô
Phương nhìn ông Đầu Xứ Anh, nhẩm trong óc mấy chữ “nhà ta”. tưởng đến cái lạc
thú ngây thơ của một đôi vợ chồng son kia trong lúc đầu gối tay ấp ngửa mặt lên
trần giời cao mà bảo nhau rằng trước khi làm bạn với nhau, mỗi người có một ông
giăng, và nay thì mảnh giăng của cả thiên hạ kia cũng chỉ là vầng giăng của
riêng của “nhà ta”. Cô vui lòng quá, xuýt quên cả việc soạn thoi mực cho khách.
- Luôn thể cô cho tôi ít chục tờ giấy lịch nữa.
- Mấy chục tờ ạ...
- Cô đợi cho tôi tính xem dùng hết độ ngần nào thì không là
thừa phí.
Làm ra bộ thông thạo thì ít, mà muốn tỏ sự thân mật thì
nhiều – bao giờ được nên thân tình nữa nhỉ! – cô Phương co tay tính nhẩm những
cái gì gì, rồi cô ngấc đầu, vuốt mái tóc, nói với ông Đầu Xứ Em, giọng nhẻ nhót
mà tự nhiên:
- Nộp ba quyển: kỳ đệ nhất, kinh nghĩa một quyển bảy tờ, kỳ
đệ nhị, thơ phú, một quyển sáu tờ và kỳ đệ tam, văn sách một quyển mười hai tờ
nữa, có dày lắm cũng chỉ đến mười bốn tờ là cùng. Ông định mua trữ giấy mang
vào trường đề phòng những lúc phải cánh quyển hoặc đổi trang hư hỏng, chỉ nên
trữ lấy từng kỳ một.
Ông Đầu Xứ Anh, vừa soi giấy lịch, vừa hỏi:
- Tại sao thế hở cô...
- Thưa, tại…tại là giấy chuyến này, thú thật với hai ông
rằng không được mịn lắm. Chuyến sau, có thuyền hàng phường neo về, thế nào cũng
có giấy tốt hơn nhiều. Có lẽ kịp kỳ đệ nhị của các ông đấy. Để tôi xem nào.
Cô hàng sách, bán giấy bút cho học trò trường Nam đã
mười năm có lẻ, đã không phụ cái tiếng là một người thông thuộc những phong tục
nơi trường ốc. Cô Phương lại co tay tính nhẩm một hồi.
- Được rồi. Mùng một tháng mười là ngày vào kỳ đệ nhất. Có
chóng thì cũng phải hết cữ thượng tuần tháng mười mới có bảng vào kỳ đệ nhị.
Phường giấy của tôi thể nào cũng có thuyền về bên trên mom sông trước ngày mùng
mười. Đúng cái hôm tết trùng thập cúng cơm mới, các ông lại đây mua mở hàng cho
kiện giấy lịch Bưởi. Giờ các ông lấy tạm ít chục tờ dùng đỡ trong kỳ đệ nhất
vậy.
Cô đếm giấy, thổi những tờ giấy chập đôi, nâng tờ giấy lên
với cái nâng niu nhẹ nhàng của một người chị cả săn sóc em thơ lúc mẹ già đi
chợ xa. Chỉ có những người đàn bà đẹp và phúc hậu thì mới thổi được giấy như
thế thôi. Cô đếm thành hai xấp, mỗi xấp đâu hai chục tờ, đùn một xấp vào phía
ông Đầu Xứ Em, còn cái xấp thứ nhì là lấy sau ở trong ruột tệp khác, cô trao
tận tay ông Đầu Xứ Anh, cặp mắt tình tứ linh động như muốn nhắc thầm ông rằng
cái xấp sau đây tốt hơn xấp trước, và sự đối xử chênh lệch này trong lúc soạn
giấy không phải là do ngẫu nhiên. Ra chiều tin chắc vào cái tài và cái may của
hai anh em ông Đầu Xứ thi khoa này, cô hàng sách vẫn lấy cái cười duyên dọn
đường cho một câu nói mà ở một cái miệng khác thì không khỏi thành ra thiếu lễ phép:
- Cánh quyển mà dùng bấy nhiêu giấy là nhiều quá lắm rồi.
Phải thay quyển, đổi quyển đến quá ngữ giấy này, thì chỉ còn có ngồi mà lắng ba
hồi chín tiếng trống ngoại hạn…
Lúc ra về, ông Đầu Xứ Anh, trong một phút sầu hận, đã muốn
trả lại cô Phương tập giấy, để thầm bảo cô hay rằng cô đã làm một việc thừa,
riêng đối với ông, Khoa Ngọ này, ông có đi thi đâu.
… Mấy bữa nay mưa to gió nặng. Nước trên trút xuống, nước ở
dưới dâng lên, người thiu và cảnh ướt át sống trong một bầu không khí nồm ê ẩm
và lo lắng. Trăm nhà vùng Sơn Nam
hạ lại mới nhận được thêm cái tin đê vỡ đường trên vùng Kinh Bắc.
Nằm nghe mưa rơi trên quán trọ xóm Cửa Trường, một đêm
nguyệt tận năm Ngọ, ông Đầu Xứ Anh những hết lo xa rồi lại nghĩ gần. “Mình
không đi. Chú nó đi khoa này, hay dở sao đây…”. Trong một lúc mơ hoảng ông lại
trông thấy bóng người đàn bà mặc đồ trắng, xõa tóc, kiểng gót, thu một đứa trẻ
con vào tà áo sổ gấu, đi tuột vào phía nhà ngang. Ông ú ớ như người bị ma mộc
đè, cố gắng mà không quẫy mình dậy được. Cái người đàn bà mặc đồ trắng, chân
không sát đất, lại lẻn trở ra, và, khi lướt qua mặt ông, cười gằn mà không nghe
thấy tiếng, tà áo quất vào má ông, nhức nhối và buốt lạnh như chưa bao giờ cảm
thấy.
- Anh nói mê những gì thế...
Ông Đầu Xứ Em lắc mãi, ông mới hoàn hồn, nhìn em một lúc lâu
rồi hỏi:
- Chú đã sửa soạn lều chõng đủ cả rồi...
Trống đêm cuối thu và đông non điểm bốn tiếng dục. Uống hết
một nai rượu để chống lạnh và trừ gió mà nhà trọ đã dọn sẵn từ khuya, ông Đầu
Xứ Anh bỏ thêm một đinh vàng vào tráp của em.
- Khi nào thấy “khang khác” trong trường thi, chú đốt vàng
cho nhiều vào. Thôi ta đi đi. Anh đưa chú vào đến cửa trường. Đưa tôi cái bộ
gọng lều và chõng. Chú đeo lấy ống quyển và tráp, Đi đôi tất vào cho nó ấm.
Đêm mưa dầm vẫn tối như bưng lấy mắt. Hai cái tài hoa anh em
kia, cộng lại không được bốn mươi nhăm tuổi đầu, bì bõm dắt nhau đi về phía cửa
trường thi. Có tẩm mưa gió và đi đêm như thế này, người ta mới thấy bứơc công
danh là một con đường chật vật, nên xét lại xem có nên tiếp tục đi nốt hay
không! Giá cô Phương Hàng Giấy có đứng đây mà nhìn này! Ông Đầu Xứ Anh cắn vào
môi mà bước. Trong tối tăm, tiếng hơi thở người anh dẫn lối cho người em lặng
thinh từng bước một.
Bãi trường thi thấp hơn mặt nền tỉnh. Nước mưa lụt dồn về,
cỏ mây chôn ngập lút cả ngọn. Đứng xa trông những cây đình liệu rọi trên bãi cỏ
xâm xấp nước, người không có chữ tưởng đâu như dân cả một làng chài nào đó đốt
đuốc làm nghề trên bãi nước. Càng tiến gần lại trường, người ta có những cảm
tưởng rùng rợn như khi chịu bó tay đứng nhìn một đám cướp lớn bật lửa hồng phá
nhà lấy của trên xóm trên, trong những ngày lụt lội ở xứ bị thuỷ tai, quân cướp
toàn đi bằng thuyền. Cái tiếng mắt nứa nổ to ở cây đình liệu cháy sáng, có khác
gì cái tiếng quân hồi vô lệnh đốt ống lệnh bật hồng của phường đạo tặc.
… Ông Đề Điệu đã leo lên ghế chéo. Một người lính thể sát
bắc ống loa, lia ống loa qua lại. Giọng loa hô:
“ - Báo oán giả tiên nhập;
“- Báo ân giả thứ nhập;
“- Sĩ tử thứ thứ nhậ…ập”
(“Những oan hồn báo oán vào trước;
“Những oan hồn báo ân vào sau;
“Các thầy khóa vào sau rốt”)
Tiếng loa đồng xoáy sâu vào màn mưa lạnh. Trời còn tối đất.
Ông Đầu Xứ Anh nghe tiếng hô, nhợt nhạt, luôn luôn nhìn trộm em. Người em bây
giờ chỉ là một thân cây cột cứng đờ mà sự thi cử đã mắc vào đấy biết đến bao
nhiêu là thứ múi dây lòng thòng: dây lều, dây chõng, dây buộc bộ gọng, ống
quyển v. v… Cùng với ngàn ngàn người khác, hai anh em đứng nghểnh mãi cổ lên,
kiểng mãi người lên như muốn nhìn rõ mặt người lại phòng xướng danh. Đã lâu
chôn chân xuống bãi sũng nước, lòng dạ người người đều bàng hoàng. Bỗng ông Đầu
Xứ Anh dun mạnh người em:
- Kia… làng Cổ Nguyệt! Tên chú! Vào đi.
Trời sáng tỏ đã từ lâu. Cái hàng rào sĩ tử có đủ các hạng
tuổi từ một cái đầu xanh mặt trắng cho đến một chòm tóc bạc, một lớp da mồi, đã
bị xé thủng. Ông Đầu Xứ Em lách mình qua rồi, nhưng lều chõng còn vướng mắc lại
sau lưng, gỡ mãi mới ra. Nhốn nháo một lúc lâu, cái bể người, đã lấp được chỗ
trống của một con sóng người tràn đi, lại bằng phẳng như cũ để chờ đợi một cái
đổi dời khác. Ông Đầu Xứ Anh ra về, chỉ hận rằng, lúc tới tấp, quên không dặn
lại em nên đốt một lúc cho hết đinh vàng lá trong tráp nếu ở trong trường có
thấy “cái gì khang khác”. Dọc đường, ông gặp một toán lính khố xanh đội nón
đĩa, nai nịt súng ống gọn ghẽ. Người ta bảo đấy là bọn lính nhà nước phái thêm
vào trường giữ trật tự.
… Ông Đầu Xứ Em dựng lều, dọn chỗ ngồi dự thi giữa sự giằn
dỗi của trời đất. Mưa to gió lớn trên một trường thi. Cứ thế mãi mãi, cho đến
qua giờ ngọ, cho đến quá giờ mùi. Vậy mà xưa nay người ta vẫn bảo mưa không qua
ngọ gió không qua mùi. Sĩ tử khắp bốn vị ất giáp tả hữu, co ro trong lều dột,
thật đã coi tính mạng mình không quý bằng quyển thi chỉ luôn muốn những chuyện
tì ố. Chốc chốc cái loa đồng ngoài cửa trường lại kêu inh ỏi gọi các tư gia ai
có thùng gỗ hay thùng sắt tây thì cho đem vào trường bán cho học trò kê quyển
viết và độn thêm lều chõng ngồi.
Cái bản nháp viết xong lâu rồi mà quái lạ, hễ cứ động ngòi
bút lên mặt quyển là ông Đầu Xứ Em lại thấy đau bụng, đau quằn quại tựa chứng
hoắc loạn cứ như giùi vào từng miếng tì vị. Ông cựa quậy nhiều lắm, vừa ôm
bụng, vừa giữ ống quyển. Cái chõng tre đặt trên bãi cỏ ngập lún xuống lần lần.
Giữa hai cơn đau bụng, những lúc trời ngớt mưa, từ khu nhà thập đạo, vẳng về
lều ông những tiếng sĩ tử kêu nài: “Lạy các quan, còn chỉ có một khoa thi này,
xin các quan thương cho anh em được đổi quyển. Trời mưa ướt lấm, anh em có muốn
như thế làm gì…”
Thấy ở một vài lều chung quanh có khói lửa và tàn vàng bay
ra, ông Đầu Xứ Em sực nhớ đến đinh vàng cất trong tráp, bèn lấy ra gỡ từng tờ
một xếp ngay ở đầu mép chõng, một tay chận cơn đau nơi bụng dưới, một tay châm
mồi lửa bùi nhùi. Gió thổi vào đống lửa vàng hóa bùng bùng, lửa kêu vù vù.
Trong tiếng ngọn lửa reo, lại như có tiếng người nói cười lanh lảnh. Khói bốc
lên, khói trụt toả xuống soai soải, những vệt nước thời gian trượt từ đầu ngọn
tường xuống vách gạch những đền chùa xưa cũ có mốc vẽ hình có rêu phong dấu.
Những vờn khói nhẹ đổ xuống nhanh, đổi màu rất nhanh chóng. Trước mắt ông Đầu
Xứ Em mê mệt và hoảng hốt, những vờn khói - thoảng mùi gây gây, khen khét, và
tanh lợm - bỗng sẫm hẳn lại thành một mớ tóc xõa u hiển đóng khung lấy một
khuôn mặt người. Lửa vàng gần lụn, vụt bùng lên. Trời đất tối sầm xuống. Ông
Đầu Xứ Em thấy bãi trường thi hình như nó rộng lớn hơn cả cái kiếp người.
Trường thi âm u và không quạnh. Gió thổi bay quyển thi xuống làn cỏ dầm nước.
Ông Đầu Xứ Em gắng nhoài người ra, muốn vớ lấy quyển bị gió vừa thổi bốc khỏi
mặt tráp. Ông hụt tay, chỉ đủ giữ mình khỏi ngã. Cơn đau bụng trở nên dữ dội.
Ông gụt xuống tráp, thiếp dần. Ông Đầu Xứ Em tỉnh giấc, thấy trong người nhẹ
hẳn, tưởng chừng như cơn đau dữ dội ban nãy chỉ là một cơn ác mộng. Ông bỡ ngỡ,
mất hết cả ý thức về thời gian và không gian. Ông ngơ ngác trước hoàng hôn như
một người còn ngái ngủ ngày. Từ một chòi cao, người ta đã điểm mau hồi trống
ngoại hạn.
Ông Đầu Xứ Anh đã đón ở cửa trường. Bỏ lại cả lều và chõng,
cầm chỉ vỏn vẹn có một bản nháp, ông Đầu Xứ Em đã rời bước trong một giấc thẩn
thờ. Hai anh em gặp nhau không nói một câu nào suốt từ cửa trường về đến nhà
trọ.
Tại nhà bà Phùng, ở mâm cơm tay đôi ấy, có một người hỏng
thi khoa thi chữ Hán cuối cùng đã uống cạn ba bình rượu cúc, vào một đêm dài
nhất trong đời người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét