XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

TỐNG SƠN XƯA – HÀ TRUNG NAY

(Viết trước ngày giải thể huyện)
(Cảnh báo: Bài dài, khô khan không dành cho người ngại đọc)
Nói đến huyện Hà Trung (xưa là Tống Sơn) tôi nhớ ngay đến câu mở đầu trong bài tham luận tại Hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam – từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 - (được tổ chức 18-19/10/2008 tại Thanh Hóa) của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ: “Huyện Tống Sơn xưa chỉ là một dải đất nhỏ hẹp, càng thêm chật hẹp bởi núi liên chi, đồi bát úp. Đây là hình ảnh đặc trưng nhất của Thanh Hóa, cả ba miền rừng núi, trung du và đồng chiêm trũng cùng hòa hợp trên một vùng đất cổ”. Chỉ trong 50 chữ đã gói gọn đặc trưng nổi bật địa hình của huyện Hà Trung cũng như của tỉnh Thanh Hóa. Không có chữ nào đắt hơn, lột tả đúng hơn hình thể của Hà Trung: “núi liên chi, đồi bát úp, đồng chiêm trũng”.
Nhà bác học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” khi viết địa chí Thanh Hóa có nhận xét về Tống Sơn: “Kể về núi sông sầm uất, chỉ có huyện Tống Sơn là có nhiều hơn… Vì là đất phát phúc to, khí tốt chung đúc còn lâu dài mãi”.
Hà Trung còn là đất tổ của nhà Nguyễn. Năm 1805, năm Gia Long thứ 3, vua Gia Long đã phong cho làng Gia Miêu là Quý hương, Tống Sơn là Quý huyện và được hưởng các đặc ân của triều đình.
Hà Trung vốn là tên phủ, Phủ Hà Trung. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, chép: “Thời cổ là đất thuộc quận Cửu Chân. Đời Trần về trước gọi là huyện Hà Trung. Hồi Minh thuộc cho phụ vào phủ Thanh Hóa thuộc Ái Châu. Đời Quang Thuận triều Lê (1460), thăng làm phủ, thuộc Thanh Hóa thừa tuyên, lãnh 4 huyện. Triều Nguyễn để nguyên cũ, kiêm lý huyện Hậu Lộc, và thống hạt cả Tống Sơn, Nga Sơn và Hoằng Hóa. Năm Minh Mạng 19 đặt thêm Hà Trung phân phủ, lấy huyện Hoằng Hóa làm kiêm lý, lại đặt huyện Mỹ Hóa cho vào thống hạt. Còn phủ Hà Trung thì kiêm lý huyện Tống Sơn và thống hạt huyện Nga Sơn cùng huyện Hậu Lộc. Năm Tự Đức thứ 3(1850) bớt phân phủ, lại đổi kiêm lý Tống Sơn và Nga Sơn, thống hạt các huyện Hoằng Hóa, Mỹ Hóa và Hậu Lộc. Năm Thành Thái 12 (1900), Nga Sơn lại đổi ra thống hạt. Hiện nay lãnh 5 huyện”.
Huyện Tống Sơn thuộc phủ Hà Trung thời Trần về trước là huyện Tống Giang. Thời thuộc Minh cũng là huyện Tống Giang thuộc Ái Châu, phủ Thanh Hóa. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận 10 (1469) đặt huyện Tống Giang thuộc Thanh Hóa thừa tuyên (sau đổi là xứ). Đời Lê Trung hưng kiêng húy chúa Trịnh Giang, đổi tên gọi là huyện Tống Sơn. Sau 1945, bỏ cấp phủ, lấy tên phủ Hà Trung đặt cho huyện Tống Sơn.
Theo “Đồng Khánh địa dư chí”, huyện Tống Sơn có 4 tổng gồm 67 xã, thôn, phường, trang, giáp. Tổng Thượng Bạn có 16 trang, giáp. Tổng Đông Bạn có 11 xã, thôn, trang, phường. Tổng Nam Bạn có 15 xã, thôn. Tổng Trung Bạn 25 xã, thôn.
Về phong tục “Đồng Khánh địa dư chí” chép: “Trong huyện nhiều người có học hành, nhân dân thuần phác, không hay gây sự tranh chấp, cũng không kiêng hoang xa xỉ. Ruộng đồng màu mỡ, các khu dân cư vừa gần núi vừa gần sông suối, cho nên người thì chăm cấy cày, người thì siêng đốn củi, ai chuyên nghề nấy. Rải rác cũng có người làm nghề săn bắn. Những nhà văn thân hào trưởng mỗi khi có khách đến thường mời họ hàng, láng giềng cùng đi săn bắn để vui khách. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng cũng như các huyện khác. Riêng lễ tế thần cầu phúc thì hàng năm lấy tháng 6 làm thường lệ, mở hội ca hát 1, 2 ngày, hoặc 2, 3 ngày tùy theo mùa màng khá giả của từng năm. Mỗi xã đều có một ngôi đình, cốt làm sao thật cao to cho đẹp mắt quan chiêm. Đó là tục riêng trong huyện, có khác so với huyện khác. Cho nên tục ngữ có câu: “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”, có lẽ là nói về sự cao to của các đình làng ở huyện Tống Sơn vậy”.
“Về sản vật, nhiều lúa hè, ít lúa thu. Đất trồng dâu, bông có ít, đất núi rừng hơi nhiều. Các cây lương thực ngô, khoai cũng như các huyện khác. Riêng tổng Thượng Bạn có giống mía trắng thơm ngọt”.
Đúng như tên gọi, huyện Tống Sơn nên có nhiều danh sơn, trong đó tiêu biểu là núi Tam Điệp, núi Triệu Tường, núi Thần Đầu, núi Chiếu Bạch, núi Kim Âu, núi Ngưỡng Sơn. Trong sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”, Binh bộ thượng thư thời Gia Long Lê Quang Định khi chép về Trấn Thanh Hoa đã ghi: “Địa thế có sông Lương, sông Mã như bâu áo, có Thanh Bình (Ninh Bình) che chắn, hiểm yếu như Tam Điệp, hội tụ linh khí như Tống Sơn”.
Núi Tam Điệp trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn, chép: “Ở địa phận tổng Trung Bạn, phía bắc huyện Tống Sơn. Núi bắt đầu nổi từ huyện Thạch Thành chạy lại, cao thấp trùng trùng, nối liền từng ngọn, dọc theo đường trạm, chia làm 3 đợt nối nhau…Đứng trên đỉnh núi quay về phía đông, ngó ra miền biển, tầm mắt thoáng rộng bao la, thực là một nơi yết hầu của 2 miền Nam Bắc vậy. Gần nơi chót núi, hai bên vách đá cheo leo, giữa có một lối hẻm, tục truyền là miệng đó của Không Lộ Thiền Sư. Văn gia Ngô Thì Sĩ đã có câu thơ vịnh cảnh này : “Đoạn tục quần sơn nhãn giới khoan/ Ngư thuyền thiên khống Cửu Chân quan” (Dãy núi đứt liền trông bát ngát/ Như đó của trời chắn Cửu Chân). Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), khi ra Bắc tuần, vua Thiệu Trị có ngự chế bài thơ cho khắc vào đá và lập nhà dựng lên ở giữa ngọn cao”. Nội dung bài thơ như sau:
Giữa lối xanh om chót vót chồng
Tầng tầng phóng bước cưỡi cầu long
Chẳng như Vương ốc chừa nơi tắt
Còn giống La phù biệt lối thông
Đón tiếp thẳm xa xuôi một ngọn
Với vin cao ngất lại bao trùng
Thanh - Ninh hai cõi nhờ đây trấn
Linh tú quanh co lượn khắp vùng
Trong sách “Thanh Hóa tỉnh chí”, tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh đã khảo tả về núi Tam Điệp: “Núi Tam Điệp phía nam chạy mãi đến Nga Sơn, Tống Sơn phía bắc gối vào Ninh Bình. Mạch núi từ huyện Lạc Hóa ( Cẩm Thủy) chuyển sang Thạch Thành, bắt đầu là núi Bái Trang ở quý hương (làng Gia Miêu), ngọn thì cao um tùm, trông mạnh mẽ như con chim hộc đứng, rồi thấp xuống thành ra núi ấy, ngọn nhiều và rậm rạp dẫy dẫy tiếp nhau, đá xanh bên suối biếc, khí thế rợn người. Cảnh ấy như cảnh Hoa Lư đời Đinh – Lê trông nhưn con đường hổ dữ vậy. Thực là cảnh rồng cuộn, là đất quý của tỉnh nhà đủ để thống lĩnh các ngọn núi Bắc Kỳ làm đất trấn trị cổ của Cửu Chân vậy”.
Núi Triệu Tường, “Đại Nam nhất thống chí” chép: “núi này từ huyện Thạch Thành bỏ xuống, liên tiếp 12 ngọn, cỏ cây xanh tốt, nhác trông như gấm. Tam Điệp và Thần Phù quanh lượn bên tả; Trạch Lâm và Trang Chư uốn quanh phía hữu; nước theo Long Khê đi xuống Tống Giang vùng bao phía trước. Trước đây nguyên tên là núi Am, cũng có tên gọi là núi Thiên Tôn. Năm Mimh Mạng thứ 2 (1821) mới phong cho tên này (Triệu Tường) và cho thờ theo vào đàn Nam Giao. Năm thứ 17, đem tượng hình của núi khắc vào Cao đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), liệt vào hàng danh sơn ghi vào tự điển (Điển lệ bắt buộc phải cúng tế)”.
Núi Thần Đầu (còn có tên nữa là Thần Phù), vốn trước kia thuộc huyện Tống Sơn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi từ núi Tam Điệp huyện Tống Sơn liên tiếp như bức tường theo ven sông kéo đến, quanh co khuất khúc, đứng sừng sững trên biển Thần Phù, phía tả núi có động Bạch Ác, cao ráo rộng rãi, bên trong có chùa Phật, hai bên cửa chùa bia thác và cây đá chen nhau; động có nhiều giống dơi trắng. Cách chỗ này chừng 2, 3 dặm lại có hang đá cao nhô ra mặt sông, thuyền đi phải luồn phía dưới. Vách đá có một chữ Thần rất lớn, tương truyền do vua Lê Thánh Tông đề, tục gọi núi bia Thần”. Trong sách “Thanh Hóa tỉnh chí”, Vương Duy Trinh có ghi lại Nguyễn Trung Ngạn, An phủ sứ Thanh Hóa dưới triều Trần đã đến đây đề thơ: “Nhất thủy bạch tòng Thiên thượng lạc/ Quân sơn thanh đáo hải môn không” (Trắng xóa từ trời rơi nước xuống/ Xanh rì bể vắng núi lần đi).
Cụ Ức Trai Nguyễn Trãi trong một lần quan chiêm cảnh đẹp nơi đây đã có thơ vịnh:
Núi xếp hai bên măng mọc tủa
Nước xuôi một giải rắn xanh rờn
Dòng sông nguyên cũ, anh hùng hết
Kim cổ khôn lường, sự biến luôn
Bốn biển đã im, trần đã lắng
Từ nay đâu thấy bóng kình tuôn.
Vua Lê Thánh Tông khi kinh lý qua đây trên đường vào Nam chinh phạt Chiêm Thành cũng để lại thơ:
Len mây lách hẻm lối quanh co
Chinh chiến xa xôi lại phất cờ
Đất mở sông kia vào nước thượng
Trời đem cột đó chắn dòng to
Hồ Vương công cốc khuân bao đá
La Viện tênh tênh cưỡi chiếc đò
Cửa bể còn qua ba chín nữa
Ngày nào bấm nốt tới châu Ô?
Núi Chiếu Bạch thuộc xã Bình Lâm, lị sở phủ Hà Trung thời Nguyễn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi Chiếu Bạch, có tên nữa là núi Yến Sơn, ở cách huyện Nga Sơn 15 dặm về phía nam, đằng trước trông ra sông Chiếu Bạch, non nước thanh u, trên núi có đền thờ Lê Phụng Hiểu, những thơ đề vịnh của văn nhân đời trước vẫn còn dấu vết”. Vua Lê Hiến Tông đã tức cảnh đề thơ “Ngự chế đề Chiếu Bạch sơn” ca ngợi cảnh sơn kỳ thủy tú của núi Chiếu Bạch:
Vua về quê cũ dặm trường
Bờ sông thuyền buộc, lên sườn núi cao
Gió im, mây lặng, hoa chào
Sông yên, trời rộng, én chao lưng trời
Tùng reo nhạc núi chơi vơi
Nước luồn khe nhỏ, đá ngồi buông câu
Non thiêng sắc báu muôn màu
Bụi mưa rơi khắp trước sau trướng màn
. (Hương Nao dịch).
Vua Lê Tương Dực cũng đã đến và đề thơ tại đây:
Dào dạt triều dâng nước lẫn trời
Nguy nga đá cũ chặn dòng trôi
Lung linh cây cổ dung trang tuyệt
Rực rỡ hoa cười điểm xuyết tươi
Khoan bước bồi hồi thi tứ nhã
Nhẹ ngâm sảng khoái đạo tâm vui
Trong hang chứa cả bầu trời sáng
Mải ngắm dáng non đẹp vạn đời!
(Hồng Phi – Hương Nao dịch)
Núi Kim Âu nằm ở phía tây bắc xã Hà Đông, “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi Kim Âu ở cách huyện Vĩnh Lộc 30 dặm về phía đông, sông núi quanh co, cao ngất tầng mây, dưới núi có suối trong, bốn mùa không cạn, xưa gọi là núi Đại Lại, lại có một tên nữa là núi Ông Lâu, Hồ Hán Thương đổi gọi là Kim Âu”. Còn Vương Duy Trinh trong sách “Thanh Hoá tỉnh chí” ca ngợi: “Núi ấy chung quanh đồi gò. Khí thế tốt đẹp như bốc lên mây xanh. Phía dưới có suối trong bốn mùa không bao giờ cạn”. Đây là ngọn núi quê hương của Hồ Quý Ly, ông đã buộc vua Trần Thuận Tông và triều đình về tại hành cung Bảo Thanh (Ly Cung) dựng tại núi này để chuẩn bị cho việc phế bỏ nhà Trần, lập nên nhà Hồ.
Núi Ngưỡng Sơn đột khởi giữa vùng đồng bằng ven sông Lèn ở xã Hà Ngọc. “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Núi Ngưỡng Sơn ở xã Ngọ Xá, cách Vĩnh Lộc 30 dặm về phía đông, một ngọn nổi vọt giữa đất bằng, tròn trĩnh đẹp đẽ, trong núi có chùa Linh Xứng”. Núi Ngưỡng Sơn nổi tiếng gắn với danh lam chùa Linh Xứng, một trong những ngôi chùa có sớm nhất ở Thanh Hóa và đền thờ Lý Thường Kiệt đã trở thành di sản về triều Lý và danh nhân Lý Thường Kiệt cách đây gần một ngàn năm.
Vốn là vùng đất chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng nên thành phần dân cư Hà Trung là người Kinh và người Mường. Dấu ấn Kinh Mường còn khá rõ trên đất Hà Trung trong ngôn ngữ, cách đặt tên làng là “Bái”, núi là “Cò”…Về đặc sản trong ẩm thực, do đồng đất thổ nhưỡng nên Hà Trung nổi tiếng về gạo nếp, bánh lá, cá, lươn, ốc, tép… “Ốc Đồng Quan, đam Đồng Chùa, cua Đồng Bể” ở Hà Lâm; mắm tép tiến vua ở Hà Yên, mía Đường Trèo tiến vua ở Hà Long, Hà Bắc …là những sản vật chỉ Hà Trung mới có. Một điều khá đặc biệt, là vùng đồng chiêm trũng, từ các loại thủy sản quen thuộc hàng ngày người dân Hà Trung đã sáng tạo ra những vị thuốc dân gian độc đáo như: thuốc từ ốc nhồi, ốc quắn, từ cua đồng, từ cá chép, cá diếc, cá trắm, cá chuối cá mè, tép đồng …
Hà Trung là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, là vùng đất còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa đặc sắc như ca dao, tục ngữ, hò, vè, hát lót cửa đình, hát đúm, hát ghẹo, hò sông Mã, các lễ hội, kết chạ…Có những câu tục ngữ được truyền tụng vượt khỏi địa bàn huyện như: “Gái Phi Lai, trai Tây Mỗ”, “Mạ đồng Sao Đông, đàn ông Chánh Lộc”, ‘Bị chợ Nghè, chè Mỹ Hiệu”, “ Trai Trung Nại, gái Cụ Thôn”, Giắng Vân Cô, khoai khô Nhân Lý”, “Lắm vàng chợ Phủ, lắm củ chợ Ngò, lắm bò Boi, Chóp, lắm cọp Bế, Hiệu”, “Đình huyện Tống, trống huyện Nga”, “Nhất Quy, nhì Mỹ, tam Vĩ, tứ Bồng”, …
Là vùng đất trũng nên canh tác nông nghiệp Hà Trung ngày xưa cũng phải “thuận thiên”, vụ chiêm là chính. Vì vậy, phong tục tập quán của Hà Trung có những khác lạ so với các vùng khác. Như lễ thượng điền, hạ điền, cơm mới đều diễn ra trong chu kỳ vụ chiêm chứ không phải mùa Xuân. Mùa cưới thường diễn ra sau vụ gặt chiêm, giữa hè nóng bức chứ không phải mùa heo may rét ngọt.
Theo số liệu thống kê năm 2024, Hà Trung có 72 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp tỉnh và 342 di tích thuộc các loại hình đã được kiểm kê. Trong đó có những di tích nổi tiếng như Di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa, Ly Cung, Khu lăng miếu Triệu Tường, đình Gia Miêu, đình Động Bồng, chùa Long Cảm, đền thờ Lý Thường Kiệt, đền thờ Trần Hưng Đạo, thắng tích Hà Sơn.
Địa linh sinh nhân kiệt, Hà Trung có nhiều nhân vật để lại những dấu ấn nổi bật trong lịch sử đất nước như Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim, Lại Thế Khanh, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dật…
Thời hiện đại Hà Trung không có nhiều văn nghệ sĩ thành danh nhưng những người con của Hà Trung hoạt động trong lĩnh vực này rất xuất sắc. Đó là Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, một tượng đài trong ngành điêu khắc Việt Nam, giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT. Đó là NSND Hoàng Hải, cây đại thụ trong ngành sân khấu Thanh Hóa, giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đó là nhà văn Nguyễn Thế Phương với những tác phẩm được bạn đọc và thời gian xác nhận như : Đi bước nữa, Nắng..Đó là nhà thơ Trịnh Anh Đạt với bài thơ Rau má, bài thơ mang hồn vía xứ Thanh được nhiều người yêu thích…
Theo Nghị quyết 648/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, sau sắp xếp tinh gọn tổ chức, huyện Hà Trung sẽ thành 5 xã. Đó là xã Hà Trung, xã Tống Sơn, xã Hà Long, xã Hoạt Giang và xã Lĩnh Toại. Như vậy, sau 80 năm vắng bóng, cái tên Tống Sơn lại xuất hiện trên mảnh đất lắm danh sơn, nhiều sông ngòi, liên chi đồng trũng này. Tôi nghĩ, nếu có xã được đặt tên là Tống Giang nữa thì sẽ đẹp biết bao.
Là vùng đất bản triều, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, cửa ngõ của xứ Thanh mở ra Bắc Hà, có đồng bằng phì nhiêu, có núi sông hùng khí, Tống Sơn xưa – Hà Trung nay đã sinh ra nhiều võ tướng khai cơ và mưu thần trị quốc. Những dòng họ nổi tiếng của đất Tống Sơn như họ Lại, họ Nguyễn, họ Tống, họ Trương, họ Phan.. . đã gắn bó số phận mình với số phận đất nước, vượt ra ngoài sử sách sống mãi với quê hương đất nước.
Mặc dù huyện Hà Trung không còn nhưng linh khí của vùng đất quý huyện, quý hương sẽ như mạch nguồn âm thầm chảy mãi trong huyết quản của mỗi con dân Hà Trung. Và, như nhà bác học nổi tiếng Phan Huy Chú đã nói, “Đất phát phúc to, khí tốt chung đúc còn lâu dài mãi” với Tống Sơn – Hà Trung.
Ps: Bản đồ huyện Tống Sơn trong Đồng Khánh địa dư chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét