XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

THÀNH PHỐ THANH HÓA






Vậy là hết tuần này, thứ 3 tuần sau, ngày 1 tháng 7 danh xưng các phường: Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tiến, Hàm Rồng và Nguyệt Viên trên địa bàn của thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn cũ bắt đầu có hiệu lực pháp lý và đi vào hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa cái tên Thành phố Thanh Hóa, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành “phạm trù lịch sử”, chấm dứt sau 221 năm tồn tại với vị trí là đô thị tỉnh lỵ.
Như vậy, NQ số 1238/ NQ-BTVQH15 mới ký ngày 24/10/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023 – 2025, sẽ nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa đi vào hoạt động từ 1/1/2025, cũng chỉ tồn tại đúng 6 tháng. Từ 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã, nay thu gọn lại còn 7 phường, quả đúng là sự thay đổi vĩ đại của công cuộc “sắp xếp lại giang sơn”.
Để ghi nhớ sự kiện này, bài về thành phố Thanh Hóa sẽ được đưa lên đúng thời khắc lịch sử, những ngày cuối cùng của các huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh trên đất nước này. Viết bài viết này tôi chỉ tập trung vào nội dung có liên quan đến Thành phố Thanh Hóa từ năm năm 2000 về trước, khi thành phố có 17 xã, phường (11 phường, 6 xã). Hơn nữa, sẽ chỉ viết những thông tin, theo tôi là thú vị, đối với thành phố Thanh Hóa. Sẽ dành một bài riêng cho huyện Đông Sơn trước khi sáp nhập vào TP Thanh Hóa, để tương xứng với vị trí quan trọng của huyện Đông Sơn trong góc nhìn về lịch sử văn hóa.
Năm 1802, Gia Long nguyên niên, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã quyết định dời trấn thành Thanh Hóa từ Dương Xá về làng Thọ Hạc. Năm 1804, triều đình nhà Nguyễn thành lập Trấn lỵ Thanh Hóa trên cơ sở cắt đất của làng Thọ Hạc, làng Phủ Cốc, làng Mật Sơn để chia thành 2 Giáp thuộc vào Trấn lỵ là Giáp Đông Phố và Giáp Nam Phố nằm bao quanh thành Thanh Hóa.
Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để đáp ứng yêu cầu phát triển của công cuộc cai trị, Công sứ Pháp đã lấy đất của Tổng Bố Đức (gồm các làng Cẩm Bào Nội, Cốc Hạ, Phú Cốc và Đức Thọ Vạn) để mở rộng tỉnh lỵ về phía đông.
Ngày 12/7/1899, vua Thành Thái đã ký đạo dụ thành lập Thị xã Thanh Hóa gồm Thọ Hạc, Đông Phố, Nam Phố (tổng Thọ Hạc) và tổng Bố Đức. Đến năm 1918, thành lập 10 phường thuộc thị xã Thanh Hóa là: phường Tả Môn (cửa Tả), phường Bắc Môn (cửa Hậu), phường Nam Môn (cửa Tiền), phường Đông Lạc, phường Thành Thi, phường Nam Lý, phường Phú Cốc, phường Vân Trường, phường Bào Giang và phường Đức Thọ. Đến 31/5/1929 toàn quyền Đông Dương ký nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hóa thành Thành phố Thanh Hóa và chia TP Thanh Hóa thành 6 phường: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Ngũ và Đệ Lục. Đến sau cách mạng tháng Tám 1945, thành phố Thanh Hóa được coi như là đơn vị hành chính thị xã trực thuộc Tỉnh. Đến 1/5/1994, Chính phủ có Nghị định 37/CP về việc thành lập Thành phố Thanh Hóa trên cơ sở thị xã Thanh Hóa.
Việc vua Gia Long chọn vùng đất giáp ranh của hai huyện Đông Sơn và Quảng Xương để đặt Trấn thành và Trấn lỵ đã được học giả người Pháp Charles Robequain lý giải trong bài viết: “Thành phố Thanh Hóa” như sau: “Thủ phủ của tỉnh, cùng mang tên Thanh Hóa mới chỉ được thiết lập gần đây, bắt đầu từ đời Gia Long (đầu thế kỷ 19), do con người sắp xếp chứ không chậm rãi mọc lên từ địa bàn, mà cũng không có những cội rễ sâu xa, tìm những ưu thế thiên nhiên của vị trí – địa hình chỉ là hoài công vô ích, một đầu óc toán học sẽ chỉ dễ dàng công nhận: tỉnh lỵ, đơn giản chiếm lĩnh gần như trung tâm điểm của Châu thổ…quyết định cho vị trí không cần tuân thủ sự nghiên cứu khoa học và điều kiện địa lý tí nào mà chỉ dựa vào sự tài ba của các nhà phong thủy; những ưu thế có lợi, những khả năng của thế đất chưa đủ đâu, mà cần phải có được một hiệu lực lý tưởng và tỏ ra như là có một hạo khí trời cho và vị trí phải có một hiệu lực thần diệu; diện mạo, dáng dấp những quả đồi bao quanh tạo ra thế đất có vượng khí và sẽ là những bình phong trấn giữ tà khí, dòng chảy qua tạo nên mạng lưới những long mạch phát tích và như thế là các nhà phong thủy theo hiệu triệu của vua Gia Long, sau khi đã mấy lần tới quê hương của nhà vua, đã quyết định chu vi của khu thành ở giữa các đồi vùng Hàm Rồng và các lèn đá vôi Nhuệ thôn.
Lũy thành đắp bằng đất, có hào rộng viền quanh, có dáng dấp một hình lục lăng kiểu Vauban. Đến mãi năm 1828 mới ốp gạch cho các lũy nhưng các công sở đã hoạt động từ năm 1804. Thủ phủ mới tọa lạc trên khu vực làng Phú Cốc, làng này vốn có 129 mẫu thổ nhưng phải cắt ra cho tòa thành”. (La capitale de Thanh Hóa – người dịch: Lâm Phúc Giáp, sách Thành Hạc – Xưa và Nay). Thành có 4 cửa đối xứng, đều có lầu để lính canh gác. Trong nội thành có hành cung dành riêng cho vua mỗi khi đi thị sát. Phía sau có tả hữu hành cung là nhà của 3 vị quan đầu tỉnh: Tổng đốc, Án sát, Tuần phủ. Ngoài ra còn có nhà làm việc của các cơ quan chuyên môn, kho tàng, trại lính, nhà lao.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí” có ghi rất rõ các công trình tại trấn lỵ: “Thành tỉnh ở địa phận xã Thọ Hạc huyện Đông Sơn. Thành xây bằng gạch đá, chu vi 630 trượng, cao 1 trượng, có 4 cửa, hào rộng 9 trượng, 3 thước, sâu 7 thước…Đàn Xã Tắc ở phía tây bắc thành. Đàn Tiên Nông ở phía đông nam thành. Đàn Sơn Xuyên ở phía tây nam thành. Văn Miếu ở phía đông bắc thành. Miếu Hội Đồng ở phía nam thành. Vũ Miếu ở phía tây thành. Học Xá ở phía nam thành. Trường Thi ở phía đông bắc thành”.
Như vậy, qua bài viết, ta biết vua Gia Long, vị vua đầu triều nhà Nguyễn, giao cho các nhà phong thủy “sau mấy lần tới quê hương nhà vua” đề xuất đã chọn thế đất nằm giữa vùng đồi núi Hàm Rồng và núi đá vôi ở phía tây, tây nam nằm giữa hai huyện Đông Sơn và Quảng Xương, nơi có “hạo khí trời cho”, “thế đất có vượng khí”, “có bình phong trấn giữ tà khí”, có “dòng chảy qua tạo nên mạng lưới những long mạch phát tích” để xây Trấn thành, lập Trấn lỵ ở đất “Thang Mộc”, nơi phát tích nhà Nguyễn. Và quả thật, cảnh quan không gian của tỉnh lỵ Thanh Hóa, nơi có núi Rồng, sông Mã, thế đất rồng chầu hổ phục là không phải bàn cãi. Không những thế, nói đến trung tâm tỉnh lỵ là nói đến nơi phồn hoa đô hội, nhưng tỉnh lỵ Thanh Hóa không chỉ sầm uất đông đúc mà còn là một vùng danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Bao quanh tỉnh lỵ là núi Hàm Rồng, núi Kỳ Lân, núi Voi, núi Long, núi Hổ, núi Ngọc Nữ, núi Kim Đồng, núi Vọng Phu, động Long Quang, động Tiên…
Núi Long Hạm (Hàm Rồng) xuất phát từ ngã Ba Đầu (nơi hợp lưu của sông Chu và sông Mã) trùng điệp như hình thể rồng bay, kéo dài uốn lượn nhiều khúc. Đến cầu Hàm Rồng thế núi phình to, cao lớn như đầu rồng với cái miệng khổng lồ lao tới như muốn đớp ngọn núi Ngọc (Hỏa Châu Phong) bên kia sông. Toàn bộ dãy Hàm Rồng án ngữ che chắn phía Bắc của Thành phố, tạo thành thế tay ngai tả Thanh long cho tỉnh lỵ.
Núi Kỳ Lân (núi Mật), núi Voi nằm ở phía Nam thành phố giống như con Kỳ Lân che chắn toàn bộ phía Nam, tạo thành thế tay ngai hữu Bạch hổ cho tỉnh lỵ
Tiền án cho thế đất rồng chầu hổ phục mà các nhà phong thủy đã chọn được vua Gia Long đích thân phê duyệt để lập trấn lỵ mới chính là dãy núi Trường Lệ xa xa trên đất Sầm Sơn, về phía đông.
Dãy núi Nhồi (núi An Hoạch) nằm ở phía Tây thành phố, là cụm núi đá vôi nổi tiếng, sắc đá xanh thẫm mịn màng, ít gân, to khối, lấp lóa ánh ngọc dùng để tạc tượng, làm bia, làm khánh không đâu tốt bằng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Thế núi cao mà thoải, sắc đá trắng mà mượt, tiếng kêu mà trong, có thể dùng làm khánh, làm bia, cùng các vật dụng khác. Sách “Quảng dư chí” đời Minh có nói: “Đời Tấn bên Trung Quốc, quan Thái thú Dự Châu họ Ninh thường sai người lấy đá ở đây đem về làm khánh” tức là nơi này”. Trên đỉnh núi cao nhất của núi Nhồi có hòn Vọng Phu, hình thiếu nữ bồng con, tay dắt mẹ già mắt trông ra biển. Trên núi có nhiều đền chùa như chùa Báo Ân, chùa Chân Tiên..Với vị trí ở phía Tây, ôm vòng sau lưng thành phố, núi Nhồi đảm nhiệm vai trò Hậu chẩm cho tỉnh lỵ trong thế phong thủy.
Ngoài các con sông như Sông Mã, sông Thọ Hạc, sông Lai Thành, sông Nhà Lê, nhà Nguyễn đã cho đào thêm sông Cốc. Đây là con sông chảy vắt qua phía Đông nội thành, nối sông Mã với sông Lai Thành, sông nhà Lê ở cầu Bố. Ngoài chức năng là huyết mạch giao thông, chống úng ngập, chống hạn cho thành phố, thì sông Cốc uốn lượn, hiền hòa chính là Minh đường để tụ khí, sinh tài cuộc đất quý cho đô thị tỉnh lỵ.
Thế đất thành phố Thanh Hóa còn có một điểm hết sức độc đáo, đó là từ các hướng vào nội thành đều phải qua các cầu bắc qua sông. Phía Bắc có cầu Hàm Rồng, cầu Hạc; phía Đông Bắc có cầu Sâng, cầu Bốn Voi; phía Đông có cầu Lai Thành, cầu Cốc; phía Nam có cầu Quán Nam, cầu Bố; phía Tây có cầu Cao. Chính vì tọa lạc trên thế đất rồng chầu, hổ phục, vừa thuận lợi cho giao thương thời bình, vừa khó công dễ thủ thời chiến, nên vị trí tỉnh lỵ Thanh Hóa được người đời đánh giá: “Long hổ cùng hội kiến/ Sơn hải cộng tri giao/ Xã tắc như thạch điện/ Hồng thủy bất ba đào”.
Nói về danh sơn, thắng địa của Thành phố Thanh Hóa, trước hết phải kể đến núi Hàm Rồng bên bờ sông Mã, một vùng non xanh, nước biếc, “Hàm Rồng núi nọ cao cao/ Nhác trông chốn ấy khác nào động tiên” (Dân ca cổ), “Thanh Hóa thắng địa đâu hơn/ Ngựa luồn động đá, Rồng vờn hạt châu” (thơ khuyết danh). Dãy núi Đông Sơn - Hàm Rồng theo truyền thuyết có 99 ngọn, còn ngọn thứ 100 là núi Ngọc (Hỏa Châu Phong, núi Nít) ở đất Hoằng Hóa bên kia sông, “Chín mươi chín ngọn bên Đông/ Còn một ngọn nữa sang sông chưa về/ Chín mươi chín ngọn đề huề/ Còn một ngọn nữa chưa về bên Đông”(Ca dao cổ). Dãy núi Đông Sơn – Hàm Rồng này kéo dài từ làng Dương Xá (Ngã Ba Đầu) đến đầu cầu Hàm Rồng, uốn khúc quanh co cao lớn như hình rồng. Khi đến sông Mã thì chững lại, như muốn lao sang đớp Ngọc Châu Phong, nên người xưa đặt là Long Hạm (Hàm Rồng). Dưới chân núi, sông Mã cuồn cuộn chảy về phía biển đông. Theo sử cũ, ngày trước dòng chính của sông Mã là chảy qua cầu Tào bây giờ để đổ về cửa biển Linh Trường. Do là một lạch nước nhỏ nên dưới chân núi giáp mép nước có động Hàm Rồng (Long Đại Nham). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã mô tả cảnh động: “Chiếc hang dưới chân núi ăn sâu mãi vào trong…thăm thẳm khôn lường. Tương truyền đó là miệng con rồng. Bên ngoài miệng rồng lại có tảng đá, hình thể rất lạ, tương truyền đó là mũi rồng. Ở dưới mũi rồng lại có tảng đá rất tròn, rất đẹp, tương truyền đó là hạt châu dưới Hàm Rồng, đá lớn nhô ra, lõm vào nhiều vẻ, chỗ dày, chỗ thưa, nhiều không kể xiết, tương truyền đó là bộ râu rồng”. (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, trang 468). Theo Nguyễn Trãi, với bài thơ Long Đại Nham (động lớn núi Rồng) thì động này là nơi đề thơ của Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... Do dòng chính của sông Mã đổ về sông Thanh Giang chảy ra cửa biển Linh Trường bị bồi lấp nên sông Mã đổi dòng chảy về phía Hàm Rồng để ra cửa Lạch Trào và vùi lấp động Hàm Rồng dưới làn nước kèm theo chôn vùi các bài thơ của Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Phan Huy Ích…. Trên đỉnh đầu rồng, nơi hướng ra sông Mã, có động Long Quang (Mắt Rồng) nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông. Cảnh trí vừa hùng vĩ, vừa nên thơ này đã níu chân và say lòng những bậc quân vương, thi nhân… khi qua đây, đã thủ bút đề thơ, họa thơ về Hàm Rồng.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” phần tỉnh Thanh Hóa, tập thượng có ghi về núi Hàm Rồng: “Bắt đầu từ núi Ngũ Hoa bên Dương Xá, men theo rìa sông chạy lại. Tất cả 99 ngọn núi quanh co liên tiếp, như hệt con rồng bò lượn. Cuối cùng nổi lên một ngọn rất cao như cái đầu Rồng. Ngọn bên tả có một cái động gọi là động Long Quang trong có thể dung được 40, 50 người. Xuyên qua một cái hang nữa là động đằng sau, chỉ có thể dung được 5,6 người. Tục truyền đó là 2 mắt đực, cái của Rồng. Phía hữu lại nổi lên một ngọn nữa gọi là mũi Rồng. Dưới thì đá núi từng từng, há ra làm hai, nửa trên hơi chếch mà cao, nửa dưới sa xuống nước, chẳng khác cái miệng con Rồng đang ngậm sa hớp nước. Phía dưới hàm rồng lại có những tảng đá ngầm lặn dưới sông, lồi lõm quanh co chạy tới”.
Tại đây Thiên Nam động chủ Lê Thánh Tông có bài thơ “Đề động Long Quang” như sau:
"Sườn núi xanh xanh đẹp quá chừng
Lên cao vũ trụ rộng không cùng
Báo công tế cáo cùng trời đất
Lạc lối dường như tới chốn Bồng
Không quét mây sương đầy mặt đất
Vút trời rộng mở giữa tầng không
Phong quang suốt tận ven rừng suối
Thi thoảng mời ta đến ngắm trông”
(Thơ văn Lê Thánh Tông – NXB KHXH, Hà Nội, 1977, Hải Anh dịch thơ)
Thượng Dương động chủ Lê Hiến Tông có 2 bài thơ “Thơ vua đề động Long Quang”, xin được nêu 1 bài:
"Non xanh chim đẹp rộn đua kêu
Thi khách vào thăm hứng thú nhiều
Muôn thuở núi sông còn dấu Vũ
Một bầu hoa ngọc mặc xuân thêu
Trời cao tiên giới không lần tới
Đất dưới Long cung khó lọt vào
Vận hội buổi đầu ngày tháng tốt
Non sông đổi mới sáng soi đều”.
(Những bút tích Hán Nôm hiện còn ở các hang động vách núi xứ Thanh – NXB Thanh Hóa – 2018, Võ Hồng Phi, Hương Nao).
Nói đến Hàm Rồng – Sông Mã không thể không nói đến làng cổ Đông Sơn, một ngôi làng nhỏ bé của Thanh Hóa nhưng đã lừng danh trên thế giới vì đại diện cho nền Văn hóa đồng thau của nhân loại. “Nếu Bắc Việt Nam là quê hương buổi đầu của dân tộc thì Đông Sơn là một trong những làng quê buổi đầu của dân tộc Việt Nam”, tạp chí Khảo cổ học đã phải khẳng định như vậy trước những di vật phát hiện nơi đây. Làng Đông Sơn là di chỉ cư trú và chôn cất người chết của người Việt cổ tồn tại trong thời gian khoảng 2000 năm, từ hơn 1000 năm trước Công nguyên cho đến thế kỷ 1 hoặc 2 sau Công nguyên. Làng Đông Sơn dựa lưng vào núi Cánh Tiên, hướng ra sông Mã, có đồi Lợn Vàng, đồi Ngựa, đồi Công bao quanh che chở. Nơi đây là vị trí cư trú lý tưởng, vừa có núi vừa có sông, lại gần với không gian cư trú của cộng đồng người Việt cổ như Đông Khối, Thiệu Dương, Quân Yên, Núi Nấp..thuộc Bộ Cửu Chân của nhà nước Văn Lang. Với hàng ngàn di vật bằng đồng như trống đồng, các loại vũ khí, lưỡi câu, lưỡi cày, lưỡi liềm, rìu, giáo, khuyên đeo tai, vòng ốc đeo cổ… được phát hiện là minh chứng cho văn minh Việt cổ thời Hùng Vương ở đồng bằng sông Mã đã phát triển đến đỉnh cao. Giáo sư Phạm Huy Thông đã viết: “Người Việt cổ đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống văn minh hơn Âu châu ngang thời của người Việt Cổ” (Tạp chí KCH, 1/1980, trang 2 và 3).
Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã tại vị trí hàm của rồng đã được định danh như một tất yếu. Cầu Hàm Rồng không chỉ là cây cầu sắt nối giữa hai bờ sông để đi lại như bao cây cầu khác. Chung quanh cầu Hàm Rồng là những câu chuyện kỳ lạ, bí hiểm và hào hùng. Sau khi bình định xong Việt Nam, người Pháp đã làm đường xe lửa để khai thác thuộc địa. Năm 1899 đường ray xe lửa được đặt xuất phát tại Hà Nội, đến 12/1903 đã đến chân núi Ngọc, bờ bắc sông Mã. Nhưng đến 1/1905 chuyến tầu đầu tiên mới vượt qua sông Mã. Cầu Hàm Rồng do công ty Daydé & Pillet thiết kế, dài 162m, cao 25m, rộng 10m, là cầu treo vòm 3 chốt, 29 khoang, nặng 1.200 tấn. Ngày 11/8/1903, có 99 thợ cầu người Việt leo lên để đóng chốt neo chiếc cầu treo đã bị bật tung xuống dòng sông Mã. Do quá hoảng loạn, viên kỹ sư người Pháp Pi lê đã dùng dao cán đồng tự sát ngay đầu cầu. Sau đó Pháp phải mời kỹ sư người Đức sang sửa lại thiết kế và chỉ đạo thi công. Sau 10 năm trời ròng rã, cuối cùng chiếc cầu treo Hàm Rồng hình bán nguyệt cũng xây xong. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu từ năm 1932 đã có bài thơ “Nhớ cảnh cầu Hàm Rồng”, như sau:
"Ai xui ta nhớ Hàm Rồng
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây
Từ ta trở lại Sơn Tây
Con đường Nam Bắc ít ngày vãng lai
Sơn cầu còn đỏ chưa phai?
Non xanh còn đối? Sông dài còn sâu?
Còn thuyền đánh cá buông câu?
Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?..”
Đến 2/1947, thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến, cầu Hàm Rồng đã bị phá sập để ngăn quân Pháp tiến vào vùng tự do Thanh Hóa. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, sau một năm trời khảo sát, 26/11/1962 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng lại. Ngày 19/5/1964, vào ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch, cầu Hàm Rồng chính thức khánh thành sau 16 tháng thi công, trong đó mất 13 tháng khoan cọc ống xây dựng trụ cầu.
Cầu Hàm Rồng còn đi vào lịch sử là cây cầu huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày 3 và 4/4/1965 không lực Mỹ đã chọn điểm huyết mạch giao thông này để đánh phá, chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Nhưng cũng trong 2 ngày này, 47 máy bay hiện đại của Mỹ bị bắn rơi trên đất Hàm Rồng. Cả thế giới chấn động, phương Tây bình luận: “Đây là ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Tính từ 3/4/1964 đến 10/1967 Mỹ đã ném xuống Hàm Rồng 7.000 tấn bom do 3.358 lượt máy bay đến đánh phá. Và trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ ra miền Bắc, riêng trên đất Hàm Rồng đã bắn rơi 116 máy bay Mỹ. Qua bao mưa bom khủng khiếp cây cầu vẫn sừng sững soi bóng xuống dòng sông Mã cho đến tận bây giờ. Không phải ngẫu nhiên mà ngài Bectin Xvantrom, Chủ tịch Ban liên lạc Quốc tế Hội nghi Xtockhom về Việt Nam đã phải thốt lên: “Cầu Hàm Rồng là Đài chiến thắng xây dựng ngay trong lúc còn chiến đấu và do chiến đấu”.
Trên vùng đất với diện tích không lớn, chưa đến 60ha, thành phố Thanh Hóa dày đặc các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng như làng Cổ, đền Đức Thánh Cả, nghè Đệ Nhị, chùa Bồ Đề, động Rồng, động Tiên, đồi C4 (làng Đông Sơn); đền thờ Chu Văn Lương, chùa Mật Đa, chùa Chanh, tượng đài chiến thắng Nam Ngạn (làng Nam Ngạn); Chùa Hưng Quang (làng Hương Bào Nội); chùa Thanh Hà, đền thờ tổ nghề sành, sứ, chum vại (làng Đức Thọ Vạn); đền thờ Lê Thành (làng Định Hòa); đền thờ Thủy Tinh Công Chúa (hương Thọ Giáp); đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, đền Vặng, đền thờ Tống Duy Tân (làng Phú Cốc); núi Hổ, núi Long, núi Kim Đồng, núi Ngọc Nữ, chùa Mật, chùa Đại Bi (làng Mật Sơn); đền thờ Đức Thánh Cả (làng Vệ Yên); đền thờ Tản Viên Sơn thần, chùa Bạch Hạc (làng Tạnh Xá); đình làng Quảng Xá; Thái Miếu nhà Lê, các di tích liên quan đến Chúa Chổm như: hòn đá chúa Chổm ngồi tắm ở bến sông nhà Lê, cầu Anh và cầu Em, dãy đa Bà Chị…(làng Bố Vệ). Ca dao cổ đã vẽ nên cảnh trí đặc sắc của làng Bố Vệ như sau: “Đồn rằng cầu Bố vui thay/ Bên đông có miếu, bên tây có chùa/ Ở giữa có đền thờ Vua/ Con sông nước chảy đò đưa sớm chiều”.
Trong các thắng cảnh kỳ lạ của thành phố Thanh Hóa có ngọn Kim Đồng, ngọn Ngọc Nữ. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “Núi Ngọc Nữ ở cách huyện Đông Sơn 6 dặm về phía nam; mạch núi từ núi La Hán kéo đến, mọc lên một ngọn núi nhỏ, đứng xa trông như hình người con gái đẹp nên gọi tên thế. Về phía bắc núi có một khối đá giống hình người chắp tay đứng, gọi là núi Kim Đồng”. Có bài thơ về núi Ngọc Nữ như sau:
Vịnh Núi Ngọc Nữ
Tòa núi ai đem đặt giữa đồng
Tô hình Ngọc Nữ đứng mà trông
Phau phau da đá pha màu phấn
Phơi phới hương xuân chút bụi hồng
Sớm tắm sương mai soi bóng nước
Tối kề hang thỏ ngắm trăng trong
Cho hay ướm hỏi bao chăng tá
Trinh tiết bền gan chẳng lấy chồng
(Khuyết Danh)
Nhân nói về làng Bố Vệ, đây là quê hương của “người phụ nữ Việt Nam làm vua lâu nhất” theo cách nói của nhà sử học Phan Bảo. Bà là Nguyễn Thị Anh, con dâu vua Lê Thái Tổ, vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Nhân Tông. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”: “Mùa Xuân tháng giêng ngày mùng 8 năm Quý Hợi (1443), bởi vua Nhân Tông mới 3 tuổi, quần thần mời Thái Hậu buông rèm tự mình cầm quyền quyết định việc nước”. Cầm quyền từ đầu năm 1443 đến cuối năm 1453, bà Nguyễn Thị Anh mới trao lại quyền cho vua Lê Nhân Tông trông coi chính sự. Trong 11 năm cầm quyền Thái Hậu khi ban chiếu dụ đều xưng là Trẫm. Vua Lê Thánh Tông chỉ một ngày lên ngôi đã dâng tên thụy cho bà Nguyễn Thị Anh là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng Thái Hậu để đề cao công đức và nhân cách của bà.
Là vùng đất cổ, lại là nơi có nguồn đá quý, thành phố Thanh Hóa có rất nhiều văn bia nằm trên địa bàn. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố có 173 bia với đủ thể loại, lâu nhất là Đông Sơn xã bia năm 1353, muộn nhất là bia chùa Quảng Hà năm 1941.
Vua Gia Long năm 1804 đặt tên là trấn thành Thanh Hoa, vua Minh Mạng năm 1831 đổi tên là tỉnh thành Thanh Hoa và vua Thiệu Trị năm 1841 đổi tên là tỉnh thành Thanh Hóa. Cả 3 địa danh trên đều do vương triều nhà Nguyễn đặt. Còn địa danh Hạc Thành là cách nói hình tượng do dân đặt cho đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa mà thôi. Người đầu tiên xướng chữ thành Hạc được cho là Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 – 1925) quê Hà Tây lấy vợ Thanh Hóa. Ông đã có bài thơ “Hạc Thành xuân vọng” như sau:
Ngắm cảnh mùa xuân ở Hạc thành
Quê Vua non nước ngó mênh mang
Cờ Hán nhìn xem lệ mấy hàng
Xã tắc đến nay bon ngựa đá
Gió mây nào chốn giúp xe vàng
Ngưu đẩu ngoài trời thêm xa cách
Bãi cỏ bên thành sáng tản sương
Đọc phú lên lầu sầu ngút mắt
Năm lăng cây khói tận Tràng An.
Thành phố Thanh Hóa với tuổi đời hơn 200 năm là thành phố trẻ. Nhưng thành phố lại được lập trên vùng đất cổ, có bề dày cư trú và cảnh quan sông núi tuyệt đẹp, nên thành phố mang trong mình mạch nguồn lịch sử - văn hóa đồ sộ và nên thơ. Không những thế, thành phố Thanh Hóa còn đó những tên đất, tên người giản dị, thân quen một thời gắn bó như Lò Chum, bến Ngự, Ba lít, dốc Ga, chợ Vườn Hoa, rạp Hội An, cầu Cốc, cầu Sâng, làng Quảng, làng Tạnh, Hồ Thành, chàng Sơn Tỷ… đã đi vào lòng người và nỗi nhớ của biết bao thế hệ người nơi đây.
Thành phố Thanh Hoá cũng là đô thị có nhiều sản phẩm thú vị cho những người thích khám phá, nhất là ẩm thực. Có thể kể đến các món ăn "quốc tuý quốc hồn" dễ gây nghiện của TP như cháo lươn búp, chả tôm, bánh cuốn, bánh mì Bách, bánh khoái nồi rang, bún chả... Cũng là những món ăn ấy nhưng thưởng thức ở tại nơi đây sẽ cho ta cảm xúc như ngon hơn, đậm đà hơn và hương vị khác biệt hơn.
Nhắc đến Hồ Thành bỗng nhiên tôi nhớ lại bút ký “Bộn bề thành phố trẻ” của nhà văn Kiều Vượng: “Tha thẩn quanh hồ thành trong đêm trăng gió mát mới thấy ít có thành phố nào có cái hồ thành đẹp như quê Thanh. Nước trong vắt và suốt ngày nườm nượp người bơi lội. Hồ là một vòng tròn chạy từ Cửa Tả. Nó bắt đầu từ nền nhà chính của UBND tỉnh hiện nay chạy vòng qua Ty công an dọc theo đường Dương Đình Nghệ nối với hồ Ga rồi vòng theo hướng đông đến tận sau nhà thư viện, đất Sở Lâm nghiệp bây giờ là Ty Văn hóa cũ” (Thành phố núi Rồng sông Mã, NXB Thanh Hóa, 1999) Bây giờ Hồ Thành đã bị lấp, gần đây mới khơi lại một vài đoạn, nước thì ô nhiễm chứ không “trong vắt và suốt ngày nườm nượp người bơi lội” như xưa. Phải chăng vì nuối tiếc cái quá khứ nên thơ ấy mà đất này nhỏ to câu chuyện lấp hồ, chạm vào phong thủy nên lãnh đạo xứ Thanh cứ bị “hành”, cả xưa và nay???
Tôi thành công dân TP Thanh Hóa từ tháng 8/1989 sau khi đi học ở Đức về, rồi chuyển khẩu ra Hà Nội tháng 6/2011. Dù chỉ ở thị xã, rồi thành phố Thanh Hóa 20 năm, nếu trừ đi 2 năm luân chuyển về Ngọc Lặc, thì đó là những năm tôi lập thân, trưởng thành, lấy vợ sinh con. Quãng đời 30 đến 50 tuổi luôn là những năm tháng nhiệt huyết nhất, sung sức nhất của cuộc đời đối với bất cứ ai, tôi cũng vậy. Dù không sinh ra và gắn bó trọn đời với thành phố này nhưng tôi luôn coi Thành phố Thanh Hóa như quê hương, là một cõi đi về. Ở đó tôi có người thân ruột thịt, những anh, chị, em là đồng nghiệp đã từng gắn bó với tôi trên đường đời. Mỗi con đường vẫn lưu giữ dấu chân, mỗi góc phố vẫn còn vương kỷ niệm, những nỗi buồn vui xa xưa vẫn lấp lánh trong ký ức tôi. Dẫu không còn thành phố nhưng cảnh vật dấu xưa còn đó, quá khứ còn đó, con người còn đó.
Và tất nhiên rồi, thành phố Thanh Hóa vẫn còn đó trong tôi, mãi mãi trong tôi.
Ảnh: 1. Núi Hổ
2. Núi Long
3. Núi Ngọc Nữ
4. Núi Kim Đồng
5. Cầu Hàm Rồng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét