(Viết trước ngày giải thể huyện)
Đồng bằng châu thổ Thanh Hóa do phù sa các con sông bồi đắp, trong đó lớn nhất là sông Mã và sông Chu. Là nơi hội tụ gặp gỡ của hai dòng sông, huyện Thiệu Hoá trở thành trái tim của đồng bằng Thanh Hóa. Qua bao thế kỷ lắng đọng phù sa văn hóa và lịch sử, Thiệu Hóa trở thành cái nôi văn minh sông Mã, vùng lõi văn hóa xứ Thanh, với núi Đọ của thời tiền sử, đất cổ Giàng, đất Bối Lý thuở xa xưa.
Thiệu Hóa là tên của phủ Thiệu Hóa xưa, phủ kiêm lý huyện Thụy Nguyên và thống hạt hai huyện Đông Sơn và Yên Định. Huyện Thụy Nguyên xưa chủ yếu là đất của huyện Thiệu Hóa bây giờ, sau khi bỏ cấp phủ. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” chép về Thụy Nguyên như sau: “ Huyện Thụy Nguyên thuộc phủ Thiệu Hóa, do phủ kiêm lý; phủ lỵ đóng tại huyện hạt. Huyện hạt phía đông giáp huyện Mỹ Hóa, phía tây giáp châu Lang Chánh; phía nam giáp huyện Lôi Dương, lại giáp liền huyện Đông Sơn; phía bắc giáp huyện Yên Định. Đông tây cách nhau 89 dặm. Nam bắc cách nhau 110 dặm. Huyện có 8 tổng, gồm 131 xã thôn”.
Đó là các tổng Mật Vật: 26 xã, thôn, trang, giáp; tổng: Phù Chẩn: 13 xã, thôn; tổng Yên Trường: 10 xã, thôn, phường; tổng Phú Hà: 11 xã, thôn, trại; tổng Thử Cốc: 22 xã, thôn, trang; tổng Ngọc Lặc: 9 xã, thôn, trang; tổng Phùng Thịnh: 14 xã, thôn, trang, giáp; tổng Quảng Thi: 26 xã, thôn. Qua các tổng và địa bàn dân cư trên, huyện Thụy Nguyên thời Đồng Khánh rất rộng lớn, bao gồm huyện Thiệu Hóa, huyện Ngọc Lặc, một phần huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Yên Định bây giờ. Vì thế tính chất địa bàn dân cư rất đa dạng, ngoài xã, thôn, xóm ở đồng bằng, còn có cả các trang, giáp, trại, phường ở khu vực miền núi.
“Phong tục của huyện, người đi học và cày ruộng nhiều, người làm thợ, đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Mật Vật, Phù Chẩn, An Trường, Thử Cốc, Phùng Thịnh gần với văn nhã. Phú Hà, Ngọc Lặc, Quảng Thi gần được với chất phác. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng không hà tiện, nhưng cũng không xa hoa. Đền thờ thần, chùa thờ Phật, Văn chỉ, Văn từ thì các xã thôn đều có. Theo Thiên chúa giáo chỉ 1 xã Lam Vĩ” (Đồng Khánh địa dư chí).
“Sản vật: Lúa thu nhiều, lúa hè ít. Dâu, tằm, bông, vải, khoai, đậu, dứa, quả vải, chuối, mít, trầu cau khá nhiều. Dệt lụa xã Lai Duệ có tiếng. Gỗ lim và các loại gỗ mầu có nhiều ở các tổng gần núi như Yên Trường, Ngọc Lặc, Quảng Thi. Tổng Ngọc Lặc còn có loại tre hoa có thể làm võng cáng” (Đồng Khánh địa dư chí)
Đến sách “Đại Nam nhất thống chí” chép về huyện Thụy Nguyên như sau: “Đời Trần về trước gọi là huyện Lương Giang, vì có sông Lương (Lường) ở đó. Hồi Minh thuộc vẫn để tên cũ cho thuộc vào phủ Thanh Hóa. Đời Thuận Thiên triều Lê (1428) mới đặt Tây Kinh tại đó và đổi tên là huyện Ứng Thụy. Khoảng năm Quang Thuận triều Lê lại lấy tên cũ là huyện Lương Giang cho thuộc vào phủ bây giờ. Đầu năm Đoan Khánh (1505) triều Lê, lại cho đổi tên này và thuộc vào phủ bây giờ kiêm lý. Triều nhà Nguyễn bắt đầu để nguyên như cũ, lãnh 8 tổng. Năm Thành Thái 12 trích 1 tổng Ngọc Lặc và mấy xã dân Thổ trong 2 tổng Yên Trường, Quảng Thi đặt ra châu Ngọc Lặc, còn các xã dân Kinh thì hợp vào đặt ra tổng Yên Quảng. Lại trích thêm 2 tổng Vân Quy, Đại Bối trong huyện Đông Sơn cho thuộc vào. Hiện nay lãnh 8 tổng, 133 xã thôn”.
Đến “Địa chí Thanh Hóa’ tập I, Địa lý và Lịch sử, ghi rõ tiến trình hình thành và tên gọi huyện Thiệu Hóa. Huyện Thiệu Hóa thời thuộc Hán là miền đất huyện Tư Phố. Thời thuộc Tùy là miền đất của huyện Quân An, được tách từ huyện Tư Phố. Thời thuộc Đường đổi tên huyện Quân An thành huyện Quân Ninh. Thời Trần – Hồ tách Quân Ninh thành 2 huyện, Yên Định và Lương Giang thuộc trấn Thanh Đô. Thời kỳ này Thiệu Hóa thuộc huyện Lương Giang. Thời Lê Quang Thuận, huyện Lương Giang thuộc vào phủ Thiệu Thiên trong Thanh Hóa thừa tuyên. Đến thời Đoan Khánh (1505 – 1509), đổi tên huyện Lương Giang thành huyện Thụy Nguyên, do phủ Thiệu Hóa kiêm lý. Thời Gia Long đổi phủ Thiệu Thiên thành phủ Thiệu Hóa vào năm 1815, tên Thiệu Hóa bắt đầu có từ đây, huyện Thụy Nguyên vẫn do phủ Thiệu Hóa kiêm lý. Năm Thành Thái thứ 12 (1900) cắt một phần đất huyện Thụy Nguyên nhập sang huyện Đông Sơn và huyện Ngọc Lặc, bỏ tên Thụy Nguyên mà gọi là phủ Thiệu Hóa, lúc bấy giờ cấp phủ không còn nên Thiệu Hóa tương đương cấp huyện. Từ năm 1945, phủ Thiệu Hóa chuyển thành huyện Thiệu Hóa. Năm 1977, tách phần hữu ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa nhập với Đông Sơn thành huyện Đông Thiệu, sau đổi thành Đông Sơn. Phần tả ngạn sông Chu nhập với Yên Định để thành huyện Thiệu Yên. Đến năm 1996, tách hai nửa huyện Đông Sơn và Thiệu Yên để nhập lại huyện Thiệu Hóa như trước 1977. Và theo tinh thần cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy hiện nay, từ 1/7/2025, huyện Thiệu Hóa sẽ chính thức không còn nữa. Như vậy, vê cương vực lãnh thổ, huyện Thiệu Hóa ngày nay là do đất đai của nhiều huyện hợp thành, đó là huyện Lương Giang cũ, một phần đất của huyện Lôi Dương (Thọ Xuân), một phần đất của tổng Đại Bối (Đông Sơn), tổng Đa Lộc, tổng Hải Quật (Yên Định)
Như đã nêu ở trên, Thiệu Hóa là huyện đồng bằng tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, là hạt nhân của châu thổ sông Mã, sông Chu. Tuy nhiên, khác với đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long, không gian và địa hình Thiệu Hóa bị chia cắt, các ngọn núi đột khởi rải rác khắp huyện, tạo thành điểm nhấn cảnh quan độc đáo. Ngoài các ngọn núi nhỏ như núi Nuông (Thiệu Long) với di chỉ khảo cổ học đá cũ và đồ đồng Đông Sơn; núi Go (Thiệu Châu) cũng phát hiện được hiện vật bằng đá, bằng đồng; núi Đông (Thiệu Dương); núi Là (Thiệu Tiến) nơi có hang động tương truyền là căn cứ đánh Pháp thời Cần Vương; núi Mấu, núi Đoài (Thiệu Thành) có dấu tích về ông Thần Cụt đánh cờ….thì nổi tiếng nhất là núi Đọ, núi Bàn A và núi Bằng Trình.
Ngày nay, theo cao tốc từ Mai Sơn đi Thanh Hóa, đến cầu Núi Đọ - cây cầu được lấy tên núi đặt tên - ta sẽ thấy bên kia cầu, sát bờ sông Chu về phía hữu ngạn là núi Đọ. Núi Đọ còn gọi là Quy Sơn vì giống hình con rùa đang vươn cổ về phía sông Chu uống nước nên người xưa gọi là “Linh quy hí thủy” ( Rùa thiêng rỡn nước), một trong 10 cảnh đẹp của “Bàn A thập cảnh”. Là ngọn núi lớn nằm giữa đồng bằng trù mật nên núi Đọ dược các nhà phong thủy coi như là ngọn núi Chủ của Thiệu Hóa. Đứng trên đỉnh cao bằng phẳng của lưng rùa mắt ta thỏa sức bao quát cảnh quan của ngàn Nưa mây phủ, Hàm Rồng thơ mộng, Vọng Phu huyền bí … của tỉnh Thanh. Không chỉ là thắng cảnh, năm 1960 tại núi Nưa đã phát hiện di chỉ KCH thuộc nền văn hóa sơ kỳ đá cũ; lần đầu tiên phát hiện văn hóa tối cổ của loài người trên đất Việt Nam, làm chấn động giới khoa học. Không chỉ có các hiện vật bằng đá, ở dưới chân núi còn phát hiện ra di chỉ văn hóa Đông Sơn với các hiện vật bằng đồng như trống, thạp, rìu, kiếm, mác, chì lưới, đồ trang sức… đến mộ Hán, chứng tỏ nơi đây là di chỉ cư trú của văn minh từ thấp đến cao của con người. Tại khu vực núi Đọ còn có các dấu tích của “bàn chân tiên”; lăng mộ và miếu thờ vua Lê Hy Tông; “khu ruộng lăng Bà Chúa” vốn của bà Trần Thị, nguyên phi của chúa Trịnh Giang…
Núi Bàn A (Bàn A Sơn) tại Kẻ Vồm (làng Đại Khánh), còn gọi là núi Vồm, xã Thiệu Khánh là danh thắng nổi tiếng của cả nước, nơi còn in dấu biết bao tao nhân mặc khách thăm thú, thưởng ngoạn và đề thơ. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Bàn A Sơn ở xã Đại Khánh phía nam huyện Thụy Nguyên, vào giữa cửa sông Lương Giang. Nửa ngọn bên tả qua bên kia hẻm là núi Bằng Trình, nửa ngọn bên hữu đứng chặn ngay bờ sông. Đá chồng ven nước, sóng dục chân non, đỉnh trên chót vót, cách đất hơn trượng, có miếng đá vuông, vừa một người ngồi. Vua Lê Thánh Tông tới đó du ngoạn, cho là một nơi yên ổn của cảnh Lâm Tuyền và có câu thơ chữ Hán như sau: “Cử bộ cao phong khan nhật dục/ Hoành chu trung chỉ thích viên đề’ (Đỉnh non cất bước xem trời tắm/ Mặt nước ngừng chèo lắng vượn kêu).
Về cuối triều Lê, tiến sĩ Ngô Thì Sĩ người Hà Nội khi làm Án sát tỉnh Thanh có khắc 3 chữ “Bàn A Sơn” rất to để ghi tên núi. Ở nơi sườn núi đối thẳng với sông , có một chỗ vách đá có thể ngồi tựa để xem nước, nhân đặt tên gọi là “Quan an sào” (cái tổ ngồi xem sóng nước) và có vịnh 10 bài tức cảnh là :
1. Khánh Bằng liệt chướng (Bằng Trình - Bàn A dăng hàng)
2. Lương Mã song phàm (Hai cánh buồm Lương Mã)
3. Thạch tượng dục hà (Voi đá tắm sông)
4. Linh quy hí thủy (Rùa thiêng rỡn nước)
5. Cổ độ kỳ đình (Đình cờ bến cũ)
6. Viễn sơn yên thụ (Cây mờ rừng xa)
7. Cô thôn mao xá (Xóm lẻ nhà tranh)
8. Cách ngạn thiền lâm (Bóng chùa bên sông)
9. San hạ ngư ki (Mỏm đá dưới núi)
10. Giang trung mục phố (Trâu tắm trong sông)”.
Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, sử gia Phan Huy Chú viết về núi Bàn A “Núi Bàn A ở xã Đại Khánh, huyện Đông Sơn (thời thuộc Đông Sơn) núi rất cao mà quanh co uốn éo, thâm nghiêm và rộng thoáng đáng ưa. Trông xuống thì sông Lương ở liền chân núi. Một dải núi từ bên hữu chạy ra là núi Na Sơn (núi Nưa), Một dải núi từ huyện Thụy Nguyên chạy xuống là núi Thái Bình (núi Trịnh); sông Mã chảy đến đấy hợp lại. Hai sông chầu ở phía trước, hai núi ôm lại, cảnh trí rất thoáng rộng”. Các văn nhân như Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Trịnh Sâm, Ngô Thì Sĩ, Nhữ Bá Sĩ, Lê Quang Định, Bùi Dị…đến đây du ngoạn đều ca ngợi hết lời về cảnh đẹp nơi đây.
Không chỉ là nơi sơn kỳ thủy tú, Bàn A Sơn còn là chứng tích cho tiến trình lịch sử của văn minh sông Chu, sông Mã rực rỡ trên đất Thanh Hóa. Xung quanh Bàn A Sơn là hàng loạt các di tích nổi tiếng: Núi Đọ, Cồn Chân Tiên, Đông Khối, Thiệu Dương, Đông Sơn… Dưới chân núi có chùa Đại Hùng (chùa Vồm), bắt nguồn từ câu chuyện dân gian ông Vồm, người có sức khỏe phi thường đấu với ông Bưng (Lê Phụng Hiểu) bị thua và chết hóa thành núi Vồm. Vùng đất núi Vồm này còn nổi tiếng với nghề làm gốm, danh xưng gốm Vồm đã xuôi ngược bắc nam được tiêu thụ ở khắp nơi.
Núi Bằng Trình (núi Thái Bình, núi Trịnh) là 1 trong 10 danh thắng được thi nhân Ngô Thì Sĩ gọi là “Khánh Bằng liệt chướng’’ (Bằng Trình - Bàn A dăng hàng). Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của sử gia Phan Huy Chú chép: “Núi Bằng Trình thuộc làng Bằng Trình, huyện Thụy Nguyên, trên núi có chùa Thái Bình; cửa chùa trên đỉnh núi đối diện với núi Bàn A. Tĩnh vương Trịnh Sâm có đề bài thơ:
“Sơn thủy hồi hoan giác hữu tình
Luân huân thụy khí ủng Bằng Trình
Nhất điều thạch khiếu thông tà kính
Cửu phẩm kim đài ỷ tiểu bình
Thôn thị nhân quy sơ nguyệt thướng
Ngư san khích độ vãn trào sinh
Thử lai chính nghĩ tường phong thủy
Thiều bạch tùy xa tụng thái bình”
( Núi sông quanh co thật hữu tình
Khí lành quấn quýt bọc Bằng Trình
Ô kìa hang đá thông sang lối
Chín tầng kim tháp cũng thật xinh
Dân bước chợ về trăng đã mọc
Đò ngang bến cá nước trào sinh
Ta ghé nơi đây xem phong thủy
Già trẻ theo xe tụng thái bình)
(Ngô Hoài Chung dịch thơ)
Sách ‘Đồng Khánh địa dư chí “ chép: “Núi Bằng Trình ở xã Bằng Trình, phía đông huyện hạt, còn có tên gọi là núi Thái Bình. Một ngọn đứng riêng, bên phải dựa vào núi Bàn A, phía trước nhìn xuống dòng sông Mã, hình thù kỳ lạ đẹp đẽ, phong cảnh thật thanh nhã”. Tác giả Lê Quang Định trong “Hoàng Việt nhất thống chí” chép: “Phía bắc sông này (tức Lương Giang) thuộc xã Bằng Trình, huyện Thụy Nguyên, bên bờ sông có ngọn núi đứng đối diện với núi Bàn A, dưới chân núi ấy cũng có ngôi chùa cổ đẹp có tiếng, có cửu phẩm liên đài, phong cảnh tuyệt đẹp. Nhật Nam Nguyên Chủ (Trịnh Sâm) có thơ khắc vào đá”.
Nếu xem núi Đọ là xương sống neo giữ toàn bộ đồng bằng của huyện thì sông Chu (còn có tên sông sông Lam, sông Phủ, sông Lỗ, sông Lường, sông Sủ) với chiều dài 25 km chạy suốt từ đầu đến cuối huyện, là mạch máu cho sự sống của Thiệu Hóa . Không chỉ là con sông tự nhiên, sông Chu còn là dòng sông văn hóa lịch sử. Vì thế, thời Trần – Hồ đã lấy tên Lương Giang đặt tên cho huyện. Dọc theo sông Chu là những tên đất, tên người gắn với tiến trình lịch sử của dân tộc Việt từ Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa rồi nhập vào sông Mã ở ngã Ba Đầu (Ngã Ba Giàng). Tên sông Chu bây giờ do người Pháp phiên âm từ sông Sủ mà ra. Học giả người Pháp H. Le Breton trong cuốn “ La provin de Thanh Hoa” (tỉnh Thanh Hóa) đã viết: “Về hữu ngạn (sông Mã), thì có sông Hương, hay là sông Sủ, người Tây gọi là sông Chu. Sông Hương (sông Chu) phát nguyên ở miền Sầm Nưa chảy qua Bái Thượng, tới phủ lỵ Thọ Xuân và Thiệu Hóa”. Dọc theo sông Chu đã bao đời nay người dân Thiệu Hóa khai khẩn đất hoang, khai phá bờ bãi, lập ấp, dựng làng. Trên đồng bãi phù sa mầu mỡ, những bãi dâu, đồng ngô, ruộng đậu đã trở thành hình ảnh quen thuộc của bao con dân Thiệu Hóa. Những cảnh trồng khoai, tỉa ngô, hái đậu trên bờ, đánh cá kéo lưới dưới sông thanh bình đã in trong tâm trí và nỗi nhớ khôn nguôi của những người con Thiệu Hóa xa quê.
Sông Mã chỉ đi qua Thiệu Hóa 14km, trên địa bàn xã Thiệu Quang, Thiệu Thịnh và Thiệu Dương, là biên giới tự nhiên với huyện Hoàng Hóa, gặp sông Chu tại Ngã Ba Đầu (Ngã Ba Giàng). ‘Làng Giàng trên chợ, dưới sông/ Vui người, vui cảnh đến không muốn về”. Câu ca dao cổ đã nói lên cảnh trên bến dưới thuyền buôn bán sầm uất nhộn nhịp nơi đây. Vì vậy không ngẫu nhiên mà thời thuộc Hán, thành Tư Phố, nơi đặt huyện trị Tư Phố và quận trị Cửu Chân lại trên đất Dương Xá
Trên đất Thiệu Hóa còn sông Mậu Khê, vốn là sự tiếp nối của con sông cổ Mạn Định từ Đồng Cổ nhập với sông Chu ở Bằng Trình; sông Cầu Chày ( Ngọc Chùy) đoạn qua Thiệu Hóa dài 22 km.
Do điều kiện tự nhiên lắm ruộng, nhiều bãi, kinh tế Thiệu Hóa ngoài cây lúa là chính, thì nghề trồng màu rất phát triển như ngô, khoai lang, lạc, đậu, cây bông, trồng dâu nuôi tằm, trồng mía…
Thiệu Hóa là vùng đất có nhiều nghề cổ truyền nổi tiếng như nghề đúc đồng làng Chè, “Đất họ Lê – nghề họ Vũ”, “Đồng nát thì về Chè Đông/ May váy đánh cồng mua vải Phù Nguyên”; nghề dệt vải, dệt nhiễu ở nhiều làng nhưng đặc sắc nhất là làng Hồng Đô “Đẹp nhất là lụa Cổ Đô/ Các bà thích mặc, các cô ưa dùng”, “Đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô/ Mênh mông bể sở bãi ngô Kẻ Phùng”; nghề gốm làng Chành (Thiệu Khánh) “Chè Đông nổi tiếng đúc đồng/ Nồi Chành đi khắp tỉnh trong tỉnh ngoài”; nghề đúc lưỡi cày ở làng Ngò (Ngô Xá Hạ); nghề rèn bừa ở làng Vạc (Thiệu Phúc); nghề đan cót ở làng Giàng “Thợ Tòng Tân xây cửa xây nhà/ Bằng Trình đục đá để mà nung vôi/ Đinh Xá vắt đất nặn nồi/ làng Giàng đan cót cho người ta mua”; nghề nấu mật mía ở làng Dương Hòa (Thiệu Hưng) ‘Muống Đông Hương/ Tương Trí Cẩn/ nồi Vồm, đá Cẩm/ Mật ngọt Dương Hòa”,…
Là vùng đất trung tâm đồng bằng châu thổ sông Chu và sông Mã, Thiệu Hóa trở thành nơi sinh tụ rất sớm của người cổ đại. Di chỉ khảo cổ núi Đọ được các nhà KCH xếp loại thuộc văn hóa sơ kỳ đá cũ. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn trên đất Thiệu Hóa như di chỉ Cồn Chân Tiên (Thiệu Tân), núi Trịnh (Thiệu Hợp), Thiệu Dương.
Trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc, huyện Thiệu Hóa cũng là địa bàn xảy ra nhiều cuộc chiến của nhân dân ta chống ách đô hộ. Theo thư tịch cổ, Đô Dương, Chu Bá người Cửu Chân đã kháng cự mãnh liệt đội quân của Mã Viện tại Tư Phố . Cuộc khởi nghĩa của Chu Đạt ở đất Cư Phong (Triệu Sơn) chống lại nhà Hán đã chiếm được quận trị Tư Phố và sau đó bị đàn áp. Khởi nghĩa bà Triệu từ ngàn Nưa đã đánh chiếm thành Tư phố, triệt hạ thành lũy của nhà Ngô về sau bị Lục Dận đàn áp.
Trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ độc lập tự chủ từ thế kỷ thứ 10, Thiệu Hóa trở thành vùng đất phát triển sôi động nhất của Thanh Hóa, đặc biệt là vùng đất Kẻ Giàng và giáp Bối Lý. Kẻ Giàng (Dương Xá) là vùng đất Ngã Ba Đầu, nơi hợp lưu của sông Chu và sông Mã, vừa có cảnh quan tươi đẹp, vừa thuận lợi giao thông thủy bộ, vừa nằm ở trung tâm đồng bằng giàu có, nhanh chóng trở thành nơi đô hội bậc nhất của Thanh Hóa. Tại đây, Dương Đình Nghệ, người con của Dương Xá đã đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại quyền độc lập tự chủ cho đất nước. Giáp Bối Lý (Thiệu Trung), vùng đất Kẻ Rỵ, Kẻ Chè, quê hương của Lê Lương, một cự tộc châu Ái, “giàu thế giàu thịnh”, được Đinh Tiên Hoàng phong chức Trấn Quốc bộc xạ. Ông đã cho lập nên phường đúc đồng ở Trà Đông (Kẻ Chè), cho ông Vũ Đạo truyền nghề, biến nơi đây thành trung tâm đúc đồng nổi tiếng. Ông đã cho xây chùa Hương Nghiêm, nơi hiện nay còn văn bia ca ngợi công đức: “Lớn thay, ngài Bộc xạ/ Vững một chí không rời/ Chùa Hương Nghiêm dựng đặt/ Nền cũ vẫn chưa phai”.
Đất Thiệu Hóa cũng là quê hương của nhiều danh nhân xuất chúng như Dương Đình Nghệ ( Thiệu Dương), Bình Vương Dương Tam Kha (Thiệu Dương), Thái Hậu Dương Vân Nga (Thiệu Dương), Trạng nguyên Đào Tiêu (Thiệu Trung), Thái học sinh Vinh Lộc Đại phu Nguyễn Mộng Tuân (Thiệu Trung), Trạng nguyên Lê Quát (Thiệu Trung), Hoàng giáp Lê Giốc (Thiệu Trung), Đinh Đàm (Thiệu Đô), Lê Khắc Tháo (Thiệu Giao)… nhưng nổi tiếng nhất là nhà sử học Lê Văn Hưu và Tham tụng Nguyễn Quán Nho. Thiệu Hóa cũng là vùng đất học, có nhiều người đỗ đạt làm quan trong các triều vua. Theo nhà nghiên cứu VHDG Tạ Quang, quê làng Hồng Đô, thời phong kiến Thanh Hóa có 210 vị đỗ đại khoa thì Thiệu Hóa có 30 vị, trong đó riêng Thiệu Trung có 8 vị; thời Nguyễn có 35 vị đỗ cử nhân.
Lê Văn Hưu quê ở Thiệu Trung, nhà sử học thời trần, được coi là nhà sử học đầu tiên của nước ta với bộ “Sử Đại Việt sử ký”. Ông đậu Bảng Nhãn năm 1247, khi mới 17 tuổi. Ông từng giữ chức Binh bộ Thượng thư và là thầy dạy Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Bộ “Đại Việt sử ký” do ông biên soạn có 30 quyển, là cơ sở cho nhà sử học Ngô Sỹ Liên biên soạn bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư”. Ngô Sỹ Liên khi đánh giá về ông đã phải thốt lên: “Lê Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần”. Ông mất năm 1322, thọ 92 tuổi, an táng tại xứ Mã Giòm, Thiệu Trung, hiện nay vẫn còn lăng mộ ông với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 ca tụng tài đức sự nghiệp của ông.
Nguyễn Quán Nho là người làng Vạn Hòa (thị trấn Vạn Hà) sinh năm 1638. Khoa thi 1667, ông đỗ Đình nguyên Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Trạng Nguyên). Trải qua làm quan 5 triều vua, từng giữ nhiều chức vụ, 4 lần đi sứ bên Trung Quốc, được sử cũ ca ngợi; “Kỷ cương được chấn hưng, thưởng phạt nghiêm minh, các công khanh phần nhiều được xứng chức, các quan lại tuân theo pháp luật, dân chúng yên ổn làm ăn, xứng đáng được gọi là đứng đầu thời Trung hưng”. (Đại Việt sử ký toàn thư). Ông từng giữ chức Thượng thư của bộ Lại, bộ Lễ, bộ Binh, Ngự sử đài và 10 năm giữ chức Tham tụng (Tể Tướng). Câu ca dân gian “Tham tụng Vạn Hà, bách tính âu ca” đã nói lên lòng dân về ông. Khi ông mất được phong Quận công và phúc thần, được dân lập đền thờ phụng ở quê nhà.
Là vùng đất cổ, Thiệu Hóa còn bảo lưu được nhiều địa danh cổ mang tên Kẻ, Cổ, Chiềng, Chạ. Tiêu biểu như Kẻ Ngò, kẻ Chỗ, kẻ Khoai, kẻ Rỵ, kẻ Hồng, kẻ Vạc, kẻ Chòm, Cổ Ninh, kẻ Dàng, kẻ Bái, kẻ Chuộc, kẻ Mấu, chiềng Nồi, kẻ Trịnh. Nhiều làng cổ nổi tiếng cả nước như giáp Bối Lý, làng Giàng, làng Vồm, làng Hồng Đô, làng Vạn Hà, làng Lỗ Hiền…
Đất Thiệu Hóa là cả một kho tàng đồ sộ và phong phú các di sản văn hóa phi vật thể như chuyện kể dân gian, phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, lễ tục, lễ hội, trò diễn dân gian. Chỉ xin nêu ngắn gọn một số nội dung tiêu biểu trong vốn cổ hết sức đặc sắc này.
Về chuyện kể dân gian, Thiệu Hóa có Truyện ông Vồm, truyện chàng Go, sự tích Linh quang Đại vương, truyện ông Châu Cam, truyện bà Lang Đòng, sự tích ông Cù, truyền thuyết về Lê Lợi. Về phương ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ ca dao, dân ca: “Kiệu làng Lòng/ Cồng làng Bái/ Gái làng Tra/ Ma làng Vạc/ Bạc Phú Lai/ Trai Vạn Hà/ Trai Đại Bái/ Gái Tra Thôn/ Cổ làng Vồm/ Mồm làng Trịnh”, “Gái Hậu Hiền/ Sen làng Hổ/ Bông làng Vạc/ Lạc làng Khoai/ Pháo làng Ngò/ Trò làng Chuộc/ Cá mau Trôi/ Xôi Lỗ Thượng/ Đình Phù Nguyên/ Điền Yên Xá/ Tranh Đông Xá/ Mã Đông Hồ/ Nhiễu Hồng Đô/ Ngô Kẻ Phùng”. “Lấy chồng Yên Xá ăn cơm/ Lấy chồng Phùng Thịnh quai mồm nhai ngô”, “Cót làng Giàng/ Chè lam Đại Khánh/ Cà Vạn, cam Dàng/ Dưa gang làng Cỗ”, “Đáng lý em là vợ vua/ Nhưng vì em thích con cua làng Chè/ Đáng lý em vợ ông nghè/ nhưng vì em thích làng Chè lắm cua”, “Trà Thượng có gốc cây đề/ Có chùa Di Lặc, có nghề thần linh/ Có quan Thái phó họ Đinh/ Bình Ngô khai quốc hiển vinh đời đời”, “Chợ Vạn một tháng chín phiên/ Trên bến dưới thuyền cũng lắm cá song/ Chợ Lăng lắm vải nhiều bông/ Chợ Đu thóc gạo bán cùng chuối xanh/ Chợ Là lươn ếch vây quanh/ chợ Trỗ bún, bánh, chè xanh tha hồ/ Chợ Vạc lắm lạc, nhiều ngô/ Bước vô chợ Rỵ phải lo mua thừng”, “Nhiễu Hồng Đô kẻ vồ, người vập”, …”.
Các tục, lệ, trò diễn dân gian truyền thống của Thiệu Hóa có tục kết chạ, tục khảo rể (Trai tứ xứ lấy gái Hồng Đô/ Gắng chịu ba vồ khảo rể), tục khảo thí, tục săn cuốc, tục đánh chuột, lệ nấu cơm thi, lệ làm bánh ú, trò múa rối, trò Tú Huần, trò vật cù (Mùng 8 vào lệ vật cù/ 12 vào lệ đánh đu, bơi thuyền), trò đánh bài điếm, tế nữ quan, trò tiên cuội, trò bơi thuyền, trò đánh cờ người, trò chèo chải…
Không chỉ là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, Thiệu Hóa còn là vùng đất cách mạng của Thanh Hóa trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Tại làng Phúc Lộc (Thiệu Tiến), đã thành lập chi bộ Đảng, chi bộ thứ 2 của tỉnh Thanh Hóa, sau chi bộ đầu tiên ở làng Hàm Hạ (Đông Sơn), đã thúc đẩy sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Những chiến sĩ cộng sản tiền bối của Thiệu Hóa có vai trò quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa như Lê Công Thanh, Vương Xuân Cát, Lê Chủ, Ngô Ngọc Toản, Lê Huy Toán, Ngô Đức, Ngô Thuyền, Ngô Ngọc Vũ…
Thời hiện đại Thiệu Hóa cũng có nhiều người con thành danh, có những đóng góp cho đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ Thiệu Hóa có 6 anh hùng LLVT; 2 anh hùng LĐ; 115 mẹ Việt Nam anh hùng; 9 tướng lĩnh LLVT; 12 GS, PGS các lĩnh vực. Những văn nghệ sĩ thành danh quê Thiệu Hóa có thế kể đến nhà văn Thành Duy, nhà nghiên cứu VHDG Tạ Quang, nhà thơ Mạnh Lê, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Đàm, họa sĩ Lê Hàn, họa sĩ Lê Huyên, nhà văn dịch giả Lê Bá Thự, nhà thơ Đinh Ngọc Diệp…
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, đến ngày 1/7/2025 huyện Thiệu Hóa sẽ giải thể với vị trí là đơn vị hành chính cấp huyện. Từ 24 xã, thị trấn, huyện Thiệu Hóa sẽ thành 5 xã: Thiệu Hóa, Thiệu Quang, Thiệu Tiến, Thiệu Toán, Thiệu Trung. Về cơ bản việc định danh tên xã là lấy tên một xã để đại diện cho nhóm xã thành tên xã mới. Thật tiếc, những cái tên rất hay của vùng đất sông Chu – núi Đọ như Thụy Nguyên, Lương Giang đã không được chọn.
Là một người khác quê, lại viết về vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng như Thiệu Hóa là việc làm quá sức của người viết. Với nội lực từ truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương và động lực từ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy lần này, dù huyện Thiệu Hóa không còn nhưng chắc chắn mảnh đất Thiệu Hóa sẽ phát triển mạnh mẽ khi bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.
Ảnh: Sông Chu, núi Đọ.
Nguồn Ngo Hoai Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét