(Viết trước ngày giải thể huyện)
Trong 22 huyện của tỉnh Thanh Hóa (trừ 2 TP và 2 TX), huyện Vĩnh Lộc có diện tích 157,7km2, đứng thứ 2 từ dưới lên, chỉ lớn hơn huyện Hậu Lộc (143,67km2); dân số của huyện là 100.033 người, đứng thứ 17 trong hàng huyện của Thanh Hóa; có 13 đơn vị hành chính (1 thị trấn, 12 xã). So với diện tích 11.120,6km2 của tỉnh Thanh Hóa, diện tích huyện Vĩnh Lộc chỉ chiếm 1,4% diện tích của toàn tỉnh.
Với số liệu như vậy, có thể nói, Vĩnh Lộc là một huyện nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Tuy nhiên, Vĩnh Lộc có nhiều giá trị độc đáo, khác lạ so với các địa phương khác. Trên núi Xuân Đài của huyện có đại tự “Thanh Kỳ Khả Ái” ( xứ Thanh kỳ lạ, đáng yêu) khắc trên tảng đá là thủ bút của Nhật Nam Nguyên Chủ Trịnh Sâm. Nếu vận vào huyện Vĩnh Lộc, thì rất hợp với chữ Kỳ.
Kỳ, vì là huyện đã từng là Kinh đô của nước Đại Ngu từ 1400 – 1407, hiện nay còn Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc “độc nhất vô nhị” khu vực Đông Nam Á và Đông Á, với giá trị nổi bật toàn cầu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
Kỳ, vì nơi đây có Đàn Tế Nam Giao, nơi tế trời đất, cầu cho quốc thái dân an, đất nước thịnh vượng, triều đại trường tồn. Đây là Đàn tế được coi là cổ nhất, nguyên vẹn nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam còn lại đến ngày nay.
Về lễ tế Giao, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Nhâm Ngọ (1402), Hán Thương, năm Thiệu Thành thứ 2. Tháng 8. Mùa thu, Hán Thương cử hành tế Giao. Theo phép cũ, nghi vệ lễ tế Giao rất long trọng, chia ra 3 hạng lễ là: lễ lớn, lễ trung bình và lễ nhỏ. Lễ tế Giao này suốt đời nhà Trần chưa cử hành lần nào, đến nay Hán Thương mới đắp đàn Giao ở Đốn Sơn, chọn ngày lành, đi xe Vân Long, ra cửa nam thành, trăm quan và cung tần, mạng phụ theo thứ tự đi sau…”.
Kỳ, vì huyện chỉ có 13 xã thị trấn, 131 thôn làng mà có tới 147 di tích đủ mọi loại hình, cấp độ từ tỉnh đến quốc gia và thế giới. Đó là di tích khảo cổ học Đa Bút - Văn hóa Đa Bút - dấu tích của cư dân bản địa di chuyển từ vùng trung du miền núi xuống đồng bằng ven biển. Đó là phủ Trịnh, nghè Vẹt nơi lưu giữ dấu tích vàng son gắn liền với dòng họ Trịnh hiển hách. Đó là hệ thống các chùa rất nổi tiếng, có giá trị về nhiều mặt như chùa Giáng, chùa Thông, chùa Báo Ân…Đó là hệ thống tín ngưỡng thờ cúng, dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Đó là đền thờ nàng Bình Khương dưới chân tường phía Đông Thành Nhà Hồ, “nơi có phiến đá lõm xuống in hình cái đầu và cả hai vết bàn tay”. Quan Đốc học Nhữ Bá Sĩ thời Tự Đức đã có bài thơ cảm khái:
Khảng khái liều mình với đá trơ
Theo chồng thề trỏ Đốn Sơn xưa
Tấm lòng thiết thạch bao giờ chết
Mảnh tiết băng sương chẳng sống thừa…
Kỳ, vì là huyện có động Hồ Công, danh thắng được sách “Đại Nam nhất thống chí” chép “Vua Thánh Tông triều Lê đã nói là trong 36 động của nước ta, thì động này là động thứ nhất”. Hiện lưu lại tới 17 bút tích Hán Nôm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20. Trong đó có những vị tao nhân mặc khách nổi tiếng như: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Trịnh Sâm, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ, Trương Đăng Quế, Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du), Lưu Công Đạo…Động Hồ Công còn là danh thắng lưu lại dấu tích của các tôn giáo như Đạo Giáo, Phật Giáo và Nho Giáo qua nhiều thế kỷ hết sức độc đáo. Lại có động Kim Sơn – danh thắng cấp Quốc gia – được ví là chốn bồng lai tiên cảnh, “Tràng An thu nhỏ của xứ Thanh”.
Kỳ, vì huyện có nhiều ngọn núi được tạo hóa đẽo gọt, sắp xếp thành tầng tầng, lớp lớp với dáng vẻ muôn hình vạn trạng, đến vua Lê Thánh Tông phải kinh ngạc thốt lên: “Thần đào, quỷ đẽo núi muôn trùng”. Những ngọn núi này có những cái tên thanh tao như núi Tiến Sĩ, núi Trác Phong, núi Xuân Đài, núi Hí Mã, núi Mông Cù, núi Đa Bút, núi Kim Sơn…
Kỳ, vì trong sách “Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo, Tri huyện Vĩnh Lộc thời vua Gia Long (1816) trong lời dẫn có ghi: “Ôi! Thanh Hóa là một châu huyện của các bậc vua chúa, Vĩnh Lộc là một danh ấp trong châu ấy. Núi sông, danh thắng, hiền tài, khôi khoa, hào kiệt cùng với sản vật quý, là nơi tốt nhất trong châu”. Kham Dư – Dã Bằng ghi trong lời tựa: “Vĩnh Lộc là một huyện của tỉnh Thanh Hóa, là nơi đất đai được đất trời chung đúc lên khí linh, các vương hầu, khanh tướng không thể kể hết”. Phải vậy chăng nên huyện Vĩnh Lộc đã sinh ra những nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Khát Chân, Trịnh Khả, Trịnh Kiểm, Hoàng Đình Ái, Phạm Đốc, Tống Duy Tân... xưa, ngày nay có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh...
Kỳ, vì Vĩnh Lộc có những đặc sản văn hóa khác lạ, mang thương hiệu của Vĩnh Lộc. Đó là vùng đất cổ Bồng, với 3 làng Bồng Trung, Bồng Thượng, Bồng Hạ nằm bên tả ngạn sông Mã. Nơi đây từ thế kỷ 17 đã nổi tiếng với câu “Ngựa xe chầu về Bồng Báo” để nói về vùng đất khoa bảng, nô nức bảng vàng đề danh, vinh quy bái tổ. Đó là thổ ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, vè.. của huyện rất phong phú. Đặc biệt thổ âm trong giọng nói một số làng ở Đa Bút, Vĩnh Thịnh…cũng rất khác lạ so với phương ngữ Thanh Hóa. Đó là sản vật của huyện cũng nổi tiếng với chè lam Phủ Quảng, sâm Báo, ốc nhồi Đa Bút, cá ké, mía đen, bánh đa phố Bồng, củ ấu, ổi núi Đa Bút…Đó là chùa Hoa Long, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, ngôi chùa giữa lòng xứ Thanh nhưng bệ đá Tam thế lại chạm khắc hình tiên nữ mang phong cách Chăm, một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá rất có giá trị. Nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán, cùng với tiếng nói “như chim” của mấy làng quanh chùa và dấu tích Chăm tại chùa, có lẽ nơi đây đã từng là nơi cư trú của tù binh, nghệ nhân Chăm mà Hồ Quý Ly đưa về khi xây thành đá Tây Đô chăng?. Thôi, việc khó này xin để cho PGS TS Ngôn ngữ Phạm Văn Hảo, người con của quê hương Vĩnh Lộc giải đáp giúp.
Kỳ, vì “Văn chương nết đất, thông minh tính trời” nên có nhiều con em Vĩnh Lộc thành danh, nổi tiếng trong văn học nghệ thuật như NSND tuồng Lê Tiến Thọ. NSND tuồng Nguyễn Thị Thơm (Hương Thơm), NSND tuồng Nguyễn Ngọc Quyền, NSND chèo Hoàng Quốc Anh (Quốc Anh), các nhà văn Thanh Châu, Nguyễn Bảo, Hà Minh Đức, Phạm Hoa, Xuân Ba, Lê Quang Sinh…
Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi về quá trình thành lập huyện Vĩnh Lộc: “Triều Trần về trước gọi là huyện Vĩnh Ninh. Đời Minh thuộc giữ tên ấy cho thuộc vào phủ Thanh Hóa. Năm Quang Thuận triều Lê đổi sang thuộc phủ Thiệu Thiên. Sau đời Lê Trung Hưng kiêng húy Lê Trang Tông (tức Lê Duy Ninh) đổi ra là Vĩnh Phúc. Đời Tây Sơn đổi ra tên này (tức Vĩnh Lộc do đời Tây Sơn kiêng húy cha Nguyễn Huệ là Hồ Phi Phúc). Triều Nguyễn vẫn theo tên ấy cho thuộc thống hạt của phủ Thiệu Hóa. Năm Minh mạng 16 tách ra cho vào phủ này (phủ Quảng Hóa) kiêm lý. Hiện nay lãnh 6 tổng, 50 xã thôn”.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí” trong phần huyện Vĩnh Lộc có ghi: “Vĩnh Lộc là huyện thuộc phủ Quảng Hóa, do phủ kiêm lý. Phủ lỵ đóng tại huyện hạt”. Vĩnh Lộc có 7 tổng, 63 xã thôn, gồm các tổng Cao Mật, 13 xã thôn; Ngọ Xá 15 xã thôn; Thanh Xá 7 xã thôn trang; Nam Cai 5 xã; Bỉnh Bút: 9 xã, thôn, trang; Sóc Sơn: 6 xã, thôn trang; Biện Thượng: 8 xã, thôn.
Phong tục của huyện: “Phần nhiều là người đi học và cày ruộng, rải rác cũng có người làm thợ hoặc đi buôn. Học hành thì tổng Biện Thượng đứng đầu huyện, thứ nữa đến Nam Cai, Ngọ Xá. Các xã miền núi như Cao Mật, Thọ Đồn dân phần nhiều quê mùa chất phác. Ở hạ du thì các xã Đông Biện, Biện Thượng, Biện Hạ khá có văn nhã. Các việc cưới xin, tang ma, thờ cúng theo đúng lễ. Văn từ, văn chỉ, đền thờ thần, chùa thờ Phật thì hương ấp nào cũng có”.
Trong “Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí” của Tri huyện Lưu Công Đạo có ghi về Tổng Biện Thượng, quê của ông anh nhà văn, nhà báo Xuân Ba – Trịnh Huyên, “Đất ấy làm đẹp phong tục, cũng có người chơi bời khoác loác, có người tính tình dũng mãnh, hung hãn, người hùng tráng, người thì nho nhã, có ít nhiều chất văn đều phụ thuộc vào phong thổ. Do hấp thụ giáo hóa cho nên văn học khoa mục thời nào cũng phát”.
Sản vật của huyện: “Lúa thu nhiều, lúa hè ít. Dâu tằm, khoai đậu, bông vải các nơi trong huyện đều có. Ở núi Đa Bút, núi Biện Thượng có sâm (tục gọi là sâm Báo chất nhỏ mà trắng, vị đắng. tính mát, có thể giải khát). Lại có Long Cốt (dân sở tại thường đào lấy làm thuốc), so với long cốt của Trung Quốc khí vị có phần kém hơn. Các xã Ngọ Xá, Ngọc Âu , Thăng Đường có trám đen, vị thơm bùi”.
Nói đến Vĩnh Lộc không thể không nhăc đến dòng họ Trịnh nổi tiếng với 2 nhân vật lẫy lừng, đó là Trịnh Khả và Trịnh Kiểm.
Trịnh Khả là vị Công thần khai quốc của nhà Hậu Lê, làm quan dưới 3 triều vua: Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, “công lao rực rỡ”. Ông không chỉ có công lớn trong kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, trấn áp giặc Chiêm, mà còn bảo vệ Tiệp Dư họ Ngô (Ngô Thị Ngọc Giao) để sau này đất nước có vị Hoàng đế anh minh lỗi lạc, Lê Thánh Tông. Lưu Công Đạo trong sách “Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí có ghi: “Đến khi mãn kỳ, sinh ra Thánh Tông, bà Tiệp Dư cảm ơn ông nói rằng: “Không có công cứu mạng của ông thì mẹ con tôi không có ngày hôm nay”.
Mặc dù ông bị hại vì oan khuất, khi được minh oan nhà vua Lê Thánh Tông đã gia phong ông tước Hiển Ứng Vương. Các bậc danh nho như Nguyễn Mộng Tuân, Thân Nhân Trung đều soạn bia ca ngợi ông. Ông được nhà vua cho lập miếu thờ, gia tặng theo lễ quốc tế, gia phong Thượng đẳng phúc thần. Đền thờ ông được các triều ban cho 150 mỹ tự, hương khói không dứt. Vua Lê Thánh Tông đề thơ ở miếu ông như sau:
"Tay trái quay Càn, phải chuyển Khôn
Lồng lộng miếu đền ngưỡng vọng tôn
Công danh cái thế còn lưu mãi
Trung hiếu truyền gia tước mãi còn
Quanh chốn lâu đài vui miếu thịnh
Gió mát viện đình rộng Trịnh môn
Tài danh đã báo điềm lành tốt
Rực rỡ công hầu cháu và con”.
Trịnh Kiểm là vị tổ khởi phát của nhà Trịnh, một dòng họ “Phi vương phi bá, quyền khuynh thiên hạ”. Nhà Trịnh cẩm quyền Đàng Ngoài 242 năm (1545 – 1787) với 11 đời Chúa, tạo ra thể chế chính trị lưỡng đầu chế, vua trị vì - chúa cầm quyền, rất độc đáo trong chế độ phong kiến nước ta suốt hơn 2 thế kỷ.
Tương truyền Trịnh Kiểm sinh ra “mặt vuông, tai to, lên 6 tuổi thì mồ côi cha, mẹ con nghèo túng, làng xóm coi thường”. Khi lớn lên “làm người chăn trâu, lúc ở Lộc Sơn tập cho bọn trẻ con chăn trâu ăn trộm vịt gà làm thịt ăn, rồi lấy trâu bò giả làm voi ngựa, bẻ hoa lau làm cờ, bày thành hàng ngũ, tập luyện chiến trận” (Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí).
Về sau ông theo Nguyễn Kim phò vua Lê Trang Tông lập được nhiều công lớn. Khi Nguyễn Kim mất ông nắm lấy binh quyền và trở thành trụ cột trong công cuộc Trung hưng nhà Lê. Vua Anh Tông phong cho ông là Thượng tướng Thái Quốc công, tôn làm Thượng phụ. Ông mất được truy tôn Minh Khang Thái Vương , miếu hiệu là Thế Tổ.
Trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức hiện nay, Vĩnh Lộc từ 13 đơn vị hành chính cơ sở sẽ sắp xếp lại còn 3 xã với 3 cái tên rất đẹp, rất truyền thống: xã Vĩnh Lộc, xã Tây Đô và xã Biện Thượng.
Viết đến đây tôi nhớ lại, năm 2011 trong chuyến công tác sang Pháp làm việc với tổ chức UNESCO bảo vệ hồ sơ Thành Nhà Hồ để được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, chúng tôi có niềm tin cái tên Vĩnh Lộc sẽ được cả thế giới biết đến từ Di sản này. Giờ đây, mặc dù huyện Vĩnh Lộc không còn nhưng còn đó ngôi thành đá Di sản Văn hóa Thế giới, sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt đã hơn 600 năm; còn đó vùng đất Vĩnh Lộc đẹp như tranh phong thủy, kỳ lạ bí ẩn đến bất tận; còn đó những con người Vĩnh Lộc hào hoa, khảng khái. Chắc chắn vùng đất này sẽ như cái tên của nó, PHÚC LỘC sẽ may mắn, tốt lành và thịnh vượng VĨNH HẰNG.
Nguồn Ngo Hoai Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét