(Viết trước ngày giải thể huyện)
Đến ngày 15/11 năm nay là tròn 25 năm tôi trở thành công dân huyện Ngọc Lặc. Đó là ngày theo quyết định của BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa tôi về nhận nhiệm vụ tại huyện Ngọc Lặc. Bắt đầu từ ngày đó, tôi cùng ăn ở, cùng chia sẻ với mọi vui buồn của huyện, mà với tôi là huyện nhà. Và từ 15/11/2000 đến 1/2/2002 tôi có chế độ “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” tại căn phòng của cơ quan Huyện ủy, nửa ngoài để làm việc, nửa trong là phòng nghỉ. Ngày đó 39 tuổi, gọi là có chút chức sắc nhưng tôi còn mải vui lắm, bỗng nhiên phải gánh trách nhiệm rất nặng nề. Từ ngày đó, những buổi đi làm việc với các xã, tranh thủ ngày nghỉ và các buổi tối đến thăm hỏi, gặp gỡ những người có uy tín của huyện để tìm hiểu tình hình của dân, những buổi họp Đảng bộ, họp HĐND huyện, làm việc với lãnh đạo Tỉnh và Trung ương là “chuyện thường ngày ở huyện”. Dẫu thời gian luân chuyển ngắn ngủi, do yêu cầu của tổ chức, tôi phải quay về tỉnh nhận nhiệm vụ ở Sở VHTT, nhưng Ngọc Lặc là quãng đời với nhiều mảng mầu tươi sáng, để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.
Tên Ngọc Lặc xuất hiện lần đầu tiên tại “Đồng Khánh địa dư chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới thời vua Đồng Khánh (1886 – 1888). Huyện Thụy Nguyên lúc bấy giờ có 8 tổng, tổng Ngọc Lặc là một trong 8 tổng đó. Tổng Ngọc Lặc có 9 xã, thôn, trang, đó là: xã Ngọc Lặc, xã Ngọc Khê, xã Cao Trĩ, xã Thúy Sơn, xã Thạch Yến, xã Ngọc Lập, xã Mộng Sơn, thôn Ti Ti, trang Trúc.
Đến “Đại Nam nhất thống chí” thời vua Duy Tân, năm thứ 3, 1909, tại tập thượng có ghi: “Châu Ngọc Lặc ở phía tây bắc tỉnh , cách 99 dặm. Phía đông tới huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa; phía tây tới châu Lang Chánh; phía nam giáp châu Thường Xuân; phía bắc liền huyện Cẩm Thủy phủ Quảng Hóa. Nguyên trước là đất của hai huyện Thụy Nguyên và Cẩm Thủy. Năm Thành Thái thứ 12, tách tổng Ngọc Lặc của huyện Thụy Nguyên và 18 xã trong 2 tổng Quảng Thi, An Trường lập ra 3 tổng Ngọc Khê, Vân Am và Cốc Xá. Lại trích thêm 5 xã của 2 tổng Vân Trại, Quan Hoàng, lập thành ra tổng Hạc Cao, đặt ra tên châu bây giờ. Hiện lãnh 4 tổng, 32 xã thôn”.
Tại “Địa chí Thanh Hóa, tập I, Địa lý và lịch sử” ghi cụ thể hơn quá trình hình thành và tên gọi của huyện Ngọc Lặc. Thời thuộc Hán, Ngọc Lặc là miền đất thuộc huyện Vô Biên. Đến thời Tùy là miền đất thuộc huyện Di Phong. Thời Đường, rồi đến thời Đinh – Lê - Lý là đất thuộc huyện Trường Lâm. Thời Trần – Hồ thành lập đơn vị hành chính lấy tên là huyện Nga Lạc thuộc châu Thanh Hóa, bao gồm đất Ngọc Lặc và một phần đất huyện Thọ Xuân bây giờ. Thời thuộc Minh nhập huyện Lỗi Giang vào huyện Nga Lạc, như vậy huyện Nga Lạc bao gồm cả huyện Cẩm Thủy ngày nay. Thời Lê – Nguyễn, tên Nga Lạc không còn, tổng Ngọc Lặc được thành lập thuộc huyện Thụy Nguyên. Năm Thành Thái thứ 12 (1900) cắt tổng Ngọc Lặc (Mường Rặc) và các xã Mường thuộc tổng Yên Trường và tổng Quảng Thi (huyện Thụy Nguyên) lập ra châu mới là châu Ngọc Lặc. Châu Ngọc Lặc gồm 4 tổng là Tổng Ngọc (Ngọc Khê), tổng Vân (Vân Am), tổng Cốc (Cốc Xá) và tổng Hạt (Hạt Cao).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi là huyện Ngọc Lặc. Đến năm 1963 cắt xã Lương Ngọc của Ngọc Lặc nhập vào huyện Thường Xuân. Năm 1977, sáp nhập Ngọc Lặc với Lang Chánh thành huyện Lương Ngọc, đến năm 1982 lại tách ra như trước. Năm 1989, cắt phố Cống thuộc xã Ngọc Khê để lập ra thị trấn Ngọc Lặc. Thời thuộc Pháp, huyện lỵ châu Ngọc Lặc đặt ở phố Châu (Minh Sơn). Từ sau cách mạng tháng Tám 1945, huyện lỵ đặt ở phố Cống (Ngọc Khê), nay là thị trấn Ngọc Lặc.
Nếu nhìn trên bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc nằm ở vị trí giữa tỉnh, là trung tâm giao lưu giữa hai miền Thượng du và Đồng bằng Thanh Hóa. Và, lạ thay, hình thể Ngọc Lặc giống như trái tim con người. Với vị trí như vậy, đồi núi của Ngọc Lặc cơ bản là đồi núi thấp, thuận lợi cho việc cư trú, canh tác và đi lại. Tuy nhiên, Ngọc Lặc có nhiều khu vực có độ đốc lớn, sông suối chia cắt phức tạp, dễ gây sạt lở và xói mòn đất. Giống như địa hình Thanh Hóa, cơ bản các dãy núi Ngọc Lặc đều chạy theo hướng tây bắc – đông nam. Đó các dãy núi đá vôi Thúy Sơn – Ngọc Khê, dãy Thạch Lập – Quang Trung, dãy Ba Hùng – Cống Khê, dãy núi đá vôi Ngọc Sơn...
Do địa hình như vậy, Ngọc Lặc hầu như không có những danh sơn hùng vĩ, những dòng sông kỳ tú như một số huyện láng giềng. Tuy nhiên, là huyện miền núi, gắn với địa bàn hoạt động chủ yếu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Ngọc Lặc có một số ngọn núi, dòng sông đã đi vào lịch sử.
Núi Miềng , còn có tên núi Hàm Long, là ngọn núi đặt tên theo địa danh làng Miềng (Phúc Thịnh, giáp Kiên Thọ). Đây là ngọn núi không lớn nhưng nằm ở vị trí ngã ba, nơi hợp lưu của sông Chu và sông Âm, nơi giáp ranh giữa huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân và Thọ Xuân. Núi còn có tên khác là núi Hàm Long vì có hình dáng như con rồng đang trườn ra uống nước sông Chu. Núi có 3 ngọn được đặt tên là Hàm Rồng, Bù Hương và Ngọc Quân. Đầu ngọn núi như con rồng đang chầu về Lam Kinh. Núi không quá cao nhưng mỏm đầu rồng chìa ra sông Chu tạo ghềnh nước hiểm trở cho thuyền bè đi lại. Ca dao cổ vùng này đã chép về khó khăn khi qua nơi đây: “Đi bộ thì sợ Nổ Nghèo/ Đi chống đi chèo thì sợ Hàm Long”. Làng Miềng nằm sát chân núi, giữa một thung lũng bằng phẳng, được che chắn kín đáo. Tại cánh đồng của làng có cồn đất, nay đã thành ruộng có tên là ruộng Bàn Thề, nơi hướng lên đỉnh Bù Hương, còn có tên núi Bàn Thề. Nhân dân địa phương và một số nhà sử học tỉnh Thanh Hóa khẳng định, đây chính là vị trí Hội thề Lũng Nhai huyền thoại chứ không phải bên Lũng Mi, thuộc Ngọc Phụng, Thường Xuân(?).
Cụm núi gắn liền mạch với núi Bù Rinh (Chí Linh sơn) của huyện Lang Chánh gồm có núi Bù Trèm, núi Ba Hùng, Mỏ Vọ, đồi Dụn. Là dãy núi cao nhất huyện, án ngữ phía tây thị trấn Ngọc Lặc. Theo quốc lộ 15 A từ Ngọc Lặc lên Lang Chánh để đi miền Tây Thanh Hóa phải vượt qua đoạn dốc hiểm trở có tên là dốc Nán (còn gọi là dốc Ngán), con dốc ‘Voi phục ngựa quỳ”. Dưới chân dốc Nán là hang Bàn Bù và chùa Nán (Thiền Tự Trúc Lâm Bàn Bù), tương truyền là nơi nuôi dấu nghĩa quân Lam Sơn, là địa điểm phục kích quân Minh khi chúng tiến đánh căn cứ Chí Linh của cuộc khởi nghĩa. Cạnh dốc Nán và hang Bàn Bù là làng Ngán, ngôi làng gắn liền với con dốc và lịch sử chống giặc Minh xưa.
Trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có nhiều sông suối lớn nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất là sông Âm và sông Cầu Chày.
Sông Âm bắt nguồn từ Lào, chảy theo thế núi tây bắc - đông nam về huyện Lang Chánh rồi đổ vào phía nam đất Ngọc Lặc ở các xã Vân Am, Phùng Giáo, Phùng Minh, Phúc Thịnh rồi nhập vào vào sông Chu tại cửa Hàm Rồng, núi Miềng. Sông Âm là nhánh sông lớn nhất của sông Chu, chiếm khoảng 14% tổng lưu lượng nước sông Chu. Sông Âm có chiều dài 33km trong địa phận Ngọc Lặc. Sông Âm có dòng chảy thất thường, vào mùa mưa lũ nước hay dâng cao. Ngày trước, sông Âm là đường thủy quan trọng đưa lâm thổ sản từ Lang Chánh, Ngọc Lặc về xuôi. Dân gian đã có câu ca: “Trai sông Cái, gái sông Đằn/ Muốn gỡ nợ nần thì đến sông Âm” để nói việc lưu thông hàng hóa theo đường sông nước này.
Sông Cầu Chày, còn gọi là Chùy Giang, bắt nguồn từ Bá Thước chảy qua Ngọc Lặc ở xã Thạch Lập, qua huyện Thọ Xuân về xuôi và nhập vào sông Mã ở ngã Ba Bông. Cầu Chày là “vết nứt địa chất” nên sông hẹp, sâu, nước chảy xiết. Vì vậy, sông Cầu Chày gắn với câu chuyện ông lão người Ngọc Lặc năm xưa chặt đứt đuôi chó để doạ quân Minh, cứu Lê Lợi bị truy đuổi lúc qua sông. Từ đó trong dân gian có câu: “Sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi/ Ngựa lội đứt vó trôi xuôi vực Vàng”.
Trong không gian gắn với các huyện làng giềng là vùng đất phát hiện nhiều di tích khảo cổ như Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, tại huyện Ngọc Lặc cũng xuất lộ các di chỉ khảo cổ, dấu tích của người nguyên thủy. Tại hang Mộc Thạch, Lộc Thịnh I, Lộc Thịnh II, mái đá Thạch Sơn … có nhiều di vật là di chỉ cư trú thuộc Văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Bắc Sơn. Tại Ngọc Lặc đã phát hiện được trống đồng, đó là trống Thúy Sơn, trống Ngọc Lặc, trống Ngọc Liên hiện vật tiêu biểu của giai đoạn Hùng Vương dựng nước Văn Lang. Ngày tôi còn làm ở huyện ủy Ngọc Lặc đã được Đại tá Bồi, trưởng công an huyện, báo cáo và cho xem trống đồng thu được từ đối tượng buôn cổ vật trên đất Ngọc Lặc, lưu giữ tại công an huyện.
Trên đất Ngọc Lặc có 4 dân tộc cùng sinh sống là Mường, Kinh, Dao và Thái, trong đó chủ yếu là người Mường. Theo các con số thống kê, hiện nay người Mường chiếm khoảng 70% dân số, người Kinh khoảng 29%, còn lại người Dao và người Thái. Trong 11 huyện miền núi Thanh Hóa có 337.933 người Mường sinh sống, thì người Mường Ngọc Lặc có 94.676 người, chiếm gần 30% tổng số người Mường của tỉnh (Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, 2009). Người Ngọc Lặc xưa sống chủ yếu ở các mường, trong đó có những mường cổ tiêu biểu như mường Rặc, mường Ứn, mường Ngòn, mường Mèn, mường Tạ, mường Lập. Người Mường Ngọc Lặc là những người Mường bản địa, thường gọi là người Mường Trong để phân biệt với người Mường từ Hòa Bình di cư vào, gọi là người Mường Ngoài, thường cư trú ở các huyện Thạch Thành, Như Thanh và số ít ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc..
Là vùng đất núi đồi thấp, thung lũng nhiều, gần sông suối tự nhiên, nên không có gì ngạc nhiên khi Ngọc Lặc là vùng đất cư trú chủ yếu của người Mường. Theo tập quán và lối sống, canh tác từ xa xưa, người Mường thường chọn các vùng đất có đặc điểm trên để dựa vào môi trường tự nhiên, thuận lợi cho sinh sống, canh tác. Người Mường sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp lúa nước, chăn nuôi và nghề thủ công, rất ít làm nương rẫy. Nơi lập làng, dựng bản của người Mường thường là đồi thấp nhưng cao ráo, dưới chân bìa rừng, cạnh mó nước hoặc trong các thung lũng.
Tên làng xóm của người Mường rất phong phú, thường gắn với tên núi, sông, đồi núi. Nhiều làng xóm lấy đặc điểm tự nhiên, đặc sản địa phương hoặc gắn với sự kiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để đặt tên làng. Ví dụ như: làng Âm (cạnh sông Âm), làng Ủng (hay bị ngập nước), làng Ngã Hón (nơi có hón nước), làng Hép (sông Hép), làng Lim, làng Bương, làng Bứa (các loại cây đặc sản), làng Ba Nhà, làng Năm Khe, làng Tép, làng Như Áng…
Người Kinh đã có mặt ở Ngọc Lặc từ lâu đời và gắn với sự phát triển của vùng đất này. Theo các nhà dân tộc học, dân tộc Việt – Mường có chung nguồn gốc. Do những biến động của lịch sử nên cư dân Việt cổ thuộc dòng Lạc Việt tách ra thành hai dân tộc, Kinh và Mường. Phải chăng đây là mật mã di truyền để có câu chuyện con rồng cháu tiên, Âu Cơ và Lạc Long Quân chia con, lên rừng là người Mường, xuống biển là người Kinh? Ngoài người Kinh có mặt từ rất sớm nơi đây, còn có người Kinh từ các địa phương khác nhập cư về Ngọc Lặc, sống ở gần khắp các xã trong huyện. Họ là những người di cư đến do chính sách phát triển kinh tế miền núi, dân công, bộ đội, giáo viên…các gia đình từ khu 3 di cư nhỏ lẻ đến làm ăn buôn bán, Việt kiều từ Thái Lan về nước…Sự có mặt của người Kinh đã đưa các nghề mới, tạo ra các trung tâm buôn bán, giao lưu kinh tế, các chợ khá sầm uất của Ngọc Lặc như phố Châu, phố Cống, Vực Lồi, Ba Si..
Người Dao ở Ngọc Lặc, theo học giả người Pháp C. Roberquain, trong cuốn “Le Thanh Hoa” (xứ Thanh Hóa), là người Dao quần chẹt, di cư từ các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc vào Thanh Hóa hồi đầu thế kỷ XX. Hiện nay, người Dao ở Ngọc Lặc cư trú tại 3 làng: Hạ Sơn (Ngọc Khê), Phùng Sơn (Phùng Giáo) và Tân Thành (Thạch Lập). Người Dao Ngọc Lặc có 6 họ chính là: Bàn, Triệu, Dương, Phùng, Lý, Tăng. Mỗi dòng họ người Dao lại có nhiều dòng tộc. Mỗi dòng tộc có một tộc trưởng với vai trò rất lớn. Họ có trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần, tín ngưỡng cho các thành viên trong tộc như lễ cấp sắc, thờ tổ, ma chay, cưới xin…
Người Thái ở Ngọc Lặc chỉ chiếm 0,3% dân số của huyện, cư trú chủ yếu ở các xã Phùng Minh, Phúc Thịnh và Phùng Giáo.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nói đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chấm dứt 20 năm Minh thuộc, thì Ngọc Lặc có vị trí đặc biệt quan trọng. Hiện nay trên địa bàn Ngọc Lặc còn nhiều địa danh, truyền thuyết, cổ tích gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Quê hương Lam Sơn của anh hùng áo vải Lê Lợi nằm trong không gian văn hóa Việt Mường, do đó vai trò của đồng bào Mường Ngọc Lặc với cuộc khởi nghĩa là rất to lớn. Ngày nay, qua những mảnh vỡ của lịch sử như truyền thuyết, tên đất, tên làng, tên người.. đều in đậm dấu ấn người Ngọc Lặc đối với cuộc khởi nghĩa. Tiêu biểu cho người Ngọc Lặc tham gia cuộc khởi nghĩa là Trung Túc Vương Lê Lai, dân tộc Mường, người làng Tép, Kiên Thọ. Ông tham gia khởi nghĩa từ rất sớm, là một trong 18 nghĩa sĩ tham gia Hội thề Lũng Nhai. Ông đã thế thân cho Lê Lợi, hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa. Ngày nay tại làng Tép có đền thờ Ông hương khói quanh năm..
Từ lịch sử sinh tồn gắn bó với vùng đất này, cư dân Ngọc Lặc qua bao đời đã sáng tạo, bảo tồn những sắc thái văn hóa Mường hết sức độc đáo. Ngọc Lặc là đất gốc người Mường, văn hóa người Mường là dòng chính, vì vậy trong tút này tôi chỉ nêu tóm tắt những nét đặc sắc những giá trị văn hóa của dân tộc Mường, xin không nêu của các dân tộc khác cùng sống trên địa bàn.
Trong lĩnh vực văn hóa vật chất, từ tập quán ẩm thực, trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở… của người Mường rất độc đáo .
Đối với người Mường, ẩm thực truyền thống không thể thiếu được là rượu cần, canh đắng, canh uôi, canh loóng, cá đồ, canh môn da trâu, chả lá bưởi, cá ướp chua, măng đắng… Không chỉ các món ăn mà cách ăn, cách uống của người Mường cũng rất khuôn phép lễ nghi. Từ cách đặt mâm cơm, xếp chỗ ngồi ăn cho các thành viên trong gia đình hoặc cho khách khi nhà có khách; thủ tục khi ăn, nếp ăn; những điều kiêng kỵ trong bữa ăn…đều được người Mường tôn trọng và trở thành phong tục của dân tộc mình. Trong trang phục của người Mường, đối với nam giới khá đơn giản, nhưng nữ giới rất đẹp và tinh tế từ áo cóm, váy, thắt lưng, khăn đội đầu, bộ trang sức như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích. Trang phục phụ nữ Mường ở Ngọc Lặc khác cơ bản với người Mường Ngoài ở áo ngắn, khăn đội đầu, hoa văn, màu đậm của bộ trang phục. Về kiến trúc nhà ở người Mường rõ nhất trong câu tục ngữ: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, trâu đeo mõ, chó leo thang”. Trong bộ Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” đồ sộ, đã nói lên tín ngưỡng thờ Rùa Vàng vì rùa bày cho người Mường cách dựng nhà gác mô phỏng theo hình dáng con Rùa. Trong ngôi nhà sàn Mường, việc bố trí công năng, sắp đặt nơi ăn ở, sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ; đặc biệt là vị trí bàn thờ, bếp lửa, cửa sổ, chỗ ngồi của người cao tuổi, của khách, những điều kiêng kỵ.v.v..đều phải theo đúng tập tục.
Trong đời sống tinh thần, mặc dù không có chữ viết, nhưng người Mường Ngọc Lặc đã để lại kho tàng đồ sộ về văn hóa dân gian thông qua truyền khẩu. Đó là tiếng nói, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, tục thờ cúng, lễ tục, lễ hội, trò diễn dân gian, văn học dân gian, âm nhạc dân gian.v.v…Có thể nói pho sử thi “Đẻ đất đẻ nước” dài hàng vạn câu nói về quá trình hình thành trời đất, tạo lập thế giới, có giá trị về nhiều mặt đã gói gọn toàn bộ kho tàng tri thức văn hóa dân gian của người Mường. Những câu chuyện của Nàng Nga – Đạo Hai Mối, Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Ờm – Chàng Bông Hương…đã nói lên sự phong phú và trong sáng của ngôn ngữ Mường. Những phong tục tập quán quan trọng của đời người như cưới xin, tang ma vẫn được người Mường bảo tồn một cách sống động đến ngày nay. Trong tục thờ cúng như thờ cúng tổ tiên, thờ thần nhà, thờ cúng các hiện tượng tự nhiên như: thờ cây si, cây mía, thờ vía lúa, thờ đá, thờ mó nước, tục làm vía, tục lễ nạ mụ… vẫn được lưu giữ. Một trong những niềm tự hào và thực hành thường xuyên của người Mường vào ngày lễ tết, đón khách quý, các sự kiện trọng đại là các lễ tục, trò diễn dân gian Pồn pôông, Xéc bùa. Các hình thức trình diễn này vừa có yếu tố tâm linh vừa là sinh hoạt nghệ thuật, vừa là lễ tục vừa là trò diễn. Một lễ Pồn pôông bao giờ cũng có cây bông, được làm rất đẹp và cầu kỳ. Ông Ậu, bà Máy vừa là bạn diễn đồng thời là người dẫn dắc cuộc lễ. Xéc bùa là hình thức nghệ thuật dân gian biểu diễn lưu động vào dịp đầu Xuân, còn gọi là phường bùa, sử dụng cồng chiêng để trình diễn, giao lưu.
Người Mường Ngọc Lặc có cả kho tàng văn học dân gian, từ sử thi, truyện kể, truyện thơ, dân ca xường, hát đúm, hát ru, đồng dao, tục ngữ, phương ngôn… Một số câu tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn của Ngọc Lặc như: “Thương nhau, mọi thứ mọi cho/ Ghét nhau, cành cây vo cũng lấp”, “Cơm nếp, đùi gà, nhà ta có ngọc”, “Con nít đùi lợn, đùi gà/ Ông già mâm cơm, chén rượu”, “Cha chết còn có chú/ Cha lú có chú nó khôn”, “Đừng gửi mèo vào tổ cú vọ/ Chớ gửi chồng vào nhà có gái tơ”, “Có cây mới có hoa, có cành mới có quả”, “Ăn lúa giống, sống cũng như chết”, “Đừng đốn luồng đang non/ Đừng ăn gà con mới nở/ Đừng hăm hở bẻ ngô đang ngậm sữa/ Đừng đào sắn vừa mới giâm hom”, “Đan sọt người làng Vìn/ Bắn chim người làng Trọc/ Chuyện vặt người làng Pan/ Bẫy hoẵng người làng Lú”.v.v..
Là vùng đất trung tâm của tỉnh Thanh Hóa, cửa ngõ giao thương giữa miền núi và miền xuôi, Ngọc Lặc có những thắng cảnh, di tích quan trọng. Đó là thắng cảnh Đồi Tô, suối Rùa gắn với huyền thoại Đẻ đất đẻ nước ở xã Quang Trung, hang Nàng Ả Còm ở Thúy Sơn, Hồ Cống Khê, đồi cò Xuân Liên.
Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (đền Tép), là di tích nằm trong không gian của Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Đền được dựng thời vua Lê Thái Tổ lên ngôi để ghi nhớ công ơn của người “thế bào dịch quốc” đối với đất nước. Ngôi đền ở vị trí rất đẹp, thế rồng chầu hổ phục, trên sườn đồi thoai thoải rợp bóng cây cổ thụ, quay mặt về hướng đông có đồng lúa mênh mang, phía trước là hồ bán nguyệt. Tại ngôi đền có những câu đối ca ngợi Trung Túc Vương: “Sinh bất hư sinh, sinh nghĩa đẳng/ Tử nhi bất tử, tử trung can” (Sống không uổng, sống vì nghĩa lớn/ chết như không, chết vẫn kiên trung), “Lê triều hiển hách trung lương tướng/ Nam quốc phương danh thượng đẳng thần” (Triều Lê nổi bật trung lương tướng/ Nước Nam danh thơm thượng đẳng thần), “Đế tứ long chương khai thái vận/ Thiên sinh thần vũ dự hồng đồ” (Vua khoác áo bào khai vận nước/ Trời ban thần võ giữ cơ đồ)…
Ngọc Lặc còn có đền Bà Chúa Trầm ở Phùng Giáo, đền Tả bộc xạ Binh bộ Thượng thư Lê Lâm ở Phùng Giáo, đền Chẹ ở Quang Trung, đền Mỹ Lâm ở Minh Tiến, đền Cọn ở xã Cao Ngọc, hang Bàn Bù xã Ngọc Khê, hang Cộng Sản ở xã Lộc Thịnh, hang Ngân hàng ở Lộc Thịnh, nhà bia tưởng niệm chi bộ Bắc Sơn nơi vào ngày 27/8/1949 chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ngọc Lặc được thành lập, là tiền thân của Đảng bộ huyện Ngọc Lặc ngày nay.
Ngọc Lặc có 65 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 người là Đại biểu quốc hội các khóa, 6 người là NGUT và TTUT. Trong những người con của Ngọc Lặc có anh Phạm Văn Tích giữ cương vị cao nhất là Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trong số văn nghệ sĩ, nhà thơ Vương Anh (Phạm Vương Túc) là người có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị. . Có thể nói Vương Anh là tâm hồn Mường, con chim hót sử thi Mường và nhà thơ Mường thuần mường nhất. Ông là đồng tác giả biên soạn, dịch bộ sử thi vĩ đại Đẻ đất đẻ nước ra tiếng Việt. Nhà thơ Vương Anh đã được Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Khi tôi về Sở VHTT, anh Vương Anh đang giữ cương vị Phó GĐ thường trực. Anh là người nhân ái, chân thành và sống luôn khiêm tốn, nhường nhịn.
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với dân số khoảng 1 triệu người nhưng chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh. Người Mường sống rải rác ở 11 huyện miền núi và một số xã miền xuôi của tỉnh. Nếu so sánh với các huyện có người dân tộc Mường sinh sống, theo tôi, Ngọc Lặc hoàn toàn xứng đáng là huyện đại diện cho Mường Trong. Là vùng đất hình thành những mường lớn, mường cổ, Ngọc Lặc đã bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường, làm phong phú, giàu có thêm các sắc thái và sự đa dạng văn hóa xứ Thanh. Với vị trí địa lý, tài nguyên vật chất và nhân văn, Ngọc Lặc được kỳ vọng là đô thị trung tâm của miền tây Thanh Hóa trong tương lai. Trong quá khứ, với vị trí là trung tâm của miền núi TH, Ngọc Lặc đã là địa bàn đứng chân của các cơ quan của Tỉnh như: Ban dân tộc, Ban định canh định cư, Trường TH nghề miền núi, Trường SP 7+3, Trường TN dân tộc, Trường Bổ túc công nông
Giờ đây, trước yêu cầu của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, huyện Ngọc Lặc không còn nữa. Thay vào 22 xã, thị trấn của huyện là 6 xã: Ngọc Lặc, Thạch Lập, Ngọc Liên, Minh Sơn, Nguyệt Ấn và Kiên Thọ. Như vậy, cái tên Ngọc Lặc xuất hiện từ thời là một tổng của huyện Thụy Nguyên, đến đời Thành Thái thứ 12 (1900) thành Châu Ngọc Lặc, sau cách mạng tháng 8/1945 là huyện Ngọc Lặc và đến 1/7/2025 này là xã Ngọc Lặc.
Cũng không khác được, bất cứ một sự thay đổi lớn nào cũng để lại dư chấn “thương hải tang điền”, lòng người ngậm ngùi khôn xiết, huống hồ đây là đại cuộc sắp xếp lại giang sơn. Nhà thơ tài hoa Hy Văn Nguyễn Công Trứ, vị quan “ngông” thời nhà Nguyễn đã cảm thán: “Chẳng trăm năm cũng một ngày là nghĩa/ Lúc phân kỳ ai nấy ngẩn ngơ/ Để ai tháng đợi năm chờ”. Với tôi, dẫu ngắn ngủi nhưng đã gắn bó với Ngọc Lặc một thời, cũng không thể không tránh khỏi tâm trạng cảm hoài ấy.
Dẫu không còn huyện Ngọc Lặc nhưng cái tên Ngọc Lặc vẫn còn đó, văn hóa Mường vẫn nở hoa, kết trái, ở đó vẫn còn những người anh, người chị mà tôi yêu mến, kính trọng. Với hình thể của một trái tim, Ngọc Lặc luôn luôn là trái tim địa lý của tỉnh nhà. Và, Ngọc Lặc cũng mãi mãi ở trong trái tim tôi.
Ps: Ảnh 1: Bản đồ Hành chính huyện Ngọc Lặc
Ảnh 2: Chủ tút tháp tùng TBT Lê Khả Phiêu thăm Ngọc Lặc năm 2001.
Nguồn Ngo Hoai Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét