XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

HUYỆN CẨM THỦY

(Viết trước ngày giải thể huyện)
Nếu dùng một từ để nói lên đặc trưng nổi bật của huyện Cẩm Thủy, theo tôi không có từ nào đắt hơn từ giao thoa (hoặc kết nối). Cẩm Thủy là huyện rất điển hình cho sự chuyển tiếp về địa hình, kết nối về giao thông, cửa ngõ về lãnh thổ, chuyển dòng của sông Mã, “hợp chủng” về cư dân và giao thoa về văn hóa... Chính đặc điểm bao trùm này đã chi phối đậm nét lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống…của người Cẩm Thủy.
Về địa hình, là huyện miền núi bán sơn địa, Cẩm Thủy là vùng chuyển tiếp giữa miền núi cao và đồng bằng Thanh Hóa. Từ xuôi đi ngược lên miền tây Cẩm Thủy ta sẽ thấy sự chuyển tiếp từ các bình địa bằng phẳng với những cánh đồng, bãi màu rộng lớn, làng xóm trù phú sẽ dần dần tiếp nối núi non ngày càng dày hơn, cao hơn rồi rừng núi nối liền nhau, nhiều nhất là các núi đá vôi dốc đứng bề thế.
Sông Mã, dòng sông lớn nhất Thanh Hóa chảy từ đầu đến cuối huyện Cẩm Thủy theo hướng tây bắc đến đông nam, dài 40km. Khi nhập vào đất Cẩm Thủy, sông Mã đã thoát khỏi những ngọn núi hiểm trở cao ngất trời mây từ Bá Thước trở lên Quan Hóa, với những thác ghềnh chảy xiết nguy hiểm và hung dữ. Từ Hồi Xuân (Quan Hóa) trở xuống đến Cẩm Thủy có tới 31 thác lớn nhỏ, trong đó có 4 thác nguy hiểm, thì chỉ có thác “Ngốc” nằm trên đất Cẩm Thủy, phía trên Cửa Hà khoảng 200m. Câu ca dao của dân đi bè diễn tả: “Nhất “Suội”, nhị “Cả”, ba “Long”/ Lòng còn ái ngại “Ngốc” cùng mà thôi”, chính là cách nói hình ảnh cho sự chuyển dòng của sông Mã trên đất Cẩm Thủy. Suội, Cả, Long là những ngọn thác lớn nguy hiểm phía thượng lưu sông Mã, Ngốc là ngọn thác cuối của sông Mã trên đất Cẩm Thủy. Về đến Cẩm Thủy sông đã bớt hung dữ, quanh co uốn khúc, qua Cửa Hà là lòng sông thoáng rộng, hiền hòa xuôi theo bờ bãi với làng mạc ruộng đồng trù mật hai bờ. Với sông Mã, Cẩm Thủy chính là vùng đất chuyển tiếp từ hung dữ thành hiền hòa, từ chảy xiết thành lững lờ, từ nguy hiểm thành thơ mộng, để từ đó trôi xuôi bồi đắp phù sa cho đồng bằng tỉnh Thanh.
Về giao thông, Cẩm Thủy có đường Hồ Chí Minh dài 17km chạy theo hướng bắc nam từ đầu đến cuối huyện giao nhau với quốc lộ 217 dài 38km chạy theo hướng đông tây cũng từ đầu đến cuối huyện. Hai con đường này cắt nhau vuông góc ngay thị trấn huyện lỵ, nằm ở trung tâm huyện, chia huyện thành 4 phần gần như bằng nhau. Hai trục lộ giao thông lớn này đã kết nối bắc vào, nam ra; tây xuống, đông lên tại địa bàn Cẩm Thủy, để huyện trở thành đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.
Về lãnh thổ, đường Hồ Chí Minh bắc nam chỉ đi qua một thẻo đất hẹp của xã Thạch Quảng (Thạch Thành), rồi vượt dốc Eo Trăn là chạm đất Cẩm Thủy. Như vậy, có thể coi Cẩm Thủy là vùng đất chuyển tiếp giữa các tỉnh Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam với miền Trung của nước ta. Nếu coi Thanh Hóa là cửa ngõ của Bắc Bộ để vào Nam, thì Cẩm Thủy trở thành địa bàn đầu cầu cho sự chuyển tiếp đó trên miền tây, đường Hồ Chí Minh.
Về cư dân và nguồn gốc dân cư, quá trình hình thành tộc người sống trên đất Cẩm Thủy là bằng chứng sống động cho tính chất “hợp chủng huyện” rất điển hình của cộng đồng người Việt trên đất Thanh Hóa. Là vùng đất cổ của Việt Nam, các phát hiện khảo cổ tại Núi Một (Cẩm Giang), hang Trống (Cẩm Tú), mái đá chòm Đồng Đông, Chòm Bét, Chòm Đồng Tây (Cẩm Thạch), ; dấu tích văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Bắc Sơn; trống đồng Herger loại I phát hiện tại Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Bình…đã khẳng định đây là những cư dân bản địa trong quá trình hình thành tộc người ở Cẩm Thủy. Không chỉ là địa bàn có người Việt cổ sinh sống, Cẩm Thủy với cảnh quan tươi đẹp, giao lưu thuận lợi đã hấp dẫn con người ở các vùng đất khác đến khai phá, lập nghiệp dựng làng, lập bản nơi đây. Trong cuốn “Le Thanh Hoa” (Tỉnh Thanh Hóa), Charles Robequain đã cho rằng người Mường Hòa Bình đã di cư vào Cẩm Thủy từ Thạch Bi, Lạc Thổ, thuộc châu Lạc Sơn và cộng cư tại đây là các dòng họ: Trương, Bùi, Quách, Đinh…
Vào những năm 1960, thực hiện chính sách xây dựng kinh tế miền núi, một bộ phận người miền xuôi từ các huyện đông dân của Thanh Hóa như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định…đã đến Cẩm Thủy định cư. Họ xen cư, định canh cạnh những bản người Mường và trở thành bộ phận quan trọng của cư dân nơi đây, Cẩm Thủy trở thành quê hương thứ 2 của họ. Năm 1963, trong số những người đến Cẩm Thủy từ huyện Hậu Lộc định cư tại Cẩm Phong có gia đình họ Phạm, trong đó có cậu bé 5 tuổi mà bây giờ là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Không chỉ có người Mường, người Kinh, Cẩm Thủy còn có người Dao quần chẹt di cư từ Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ…vào Thanh Hóa, họ cũng chọn nơi đây sinh cơ lập nghiệp. Như vậy, sự hình thành tộc người trên đất Cẩm Thủy khá đa dạng, đến từ nhiều nơi, vào nhiều thời gian khác nhau, điều đó đã tạo nên tính đa dạng về văn hóa tộc người của Cẩm Thủy.
Cẩm Thủy dưới thời Đồng Khánh nhà Nguyễn có 9 tổng, 78 xã thôn. Đó là tổng Quan Hoàng, 14 xã thôn; tổng Cự Lữ, 9 xã; tổng Vân Trai, 10 xã; tổng Mông Sơn, 10 xã; tổng Gia Dụ , 8 xã; tổng Điền Lư, 7 xã; tổng Sa Lung , 5 xã; tổng Cổ Lũng, 9 xã và tổng Thiết Ống 6 xã.
“Phong tục trong huyện, số người Kinh, người Mường xấp xỉ bằng nhau. Người Kinh ở miền dưới hơi có học, coi trọng phong tục của người Kinh. Người Mường, ở miền trên, ở nhà sàn, làm nghề nuôi gia súc. Đàn ông cày ruộng đốn củi, đàn bà dệt vải thô. Thức ăn thì rất thich mắm muối, không biết điều hòa 5 vị ấy là tục của người Mường như thế. Sản vật lúa hè ít lúa thu nhiều. Ngô, khoai, kê, đậu thì các nơi đều có. Gỗ màu, gỗ lim, xuyên luyện mộc, tre, nứa, tre gai có nhiều loại. Lại có loại tre đồi mồi có đốm hoa văn, có thể làm cáng võng” (Đồng Khánh địa dư chí).
Đến thời Tự Đức, “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Cẩm Thủy thuộc phủ Quảng Hóa: “Ở phía đông bắc phủ, cách 63 dặm. Đông sang tây dài 63 dặm, nam sang bắc rộng 23 dặm. Phía đông giáp hai huyện Vĩnh Lộc và Quảng Tế; phía tây giáp châu Quan Hóa; phía nam tới châu Ngọc Lặc và châu Lang Chánh; phía bắc tiếp huyện Quảng Tế và huyện An Lạc thuộc tỉnh Ninh Bình. Đời Đinh, Lý và Lê là Cử - Long man (xét trong huyện hạt có làng Cự Lữ, vậy Cự Lữ và Cử Long hai tiếng gần giống với nhau). Đầu triều Lê là huyện Lạc Thủy. Khoảng Năm Thiệu Bình và Duyên Ninh (1434 – 1435), đổi ra huyện Ba Long, rồi lại gọi Đa Cẩm. Đời Quang Thuận mới đổi tên này, để thuộc vào phủ Thiệu Hóa và trao cho viên thổ tù họ Hà nối đời cai quản. Triều Nguyễn vẫn để như cũ. Tới năm Thành Thái 16 mới đổi cho sang thuộc phủ bây giờ và mới cho đặt quan cai trị. Trước đây lãnh 9 tổng. Năm Thành Thái 12, tách 4 xã của tổng Vân Tập (Vân Trai) và 1 xã của tổng Quan Hoàng cho thuộc vào châu Ngọc Lặc. Năm 14 lại tách tổng Cổ Lũng cho thuộc vào châu Quan Hóa và tổng Thiết Ống cho thuộc vào châu Lang Chánh. Năm 16 lại tách thêm 2 tổng Sa Lung và Điền Lư cho sang châu Quan Hóa. Hiện nay lãnh 5 tổng, 52 xã thôn. Huyện này rừng cây man mác, đường đất hiểm trở, dân cư rời rạc không liền sát với nhau. Phong tục đối với trung châu có khác”.
Sách “Địa chí Thanh Hóa” tập I, phần Địa lý và Lịch sử có ghi từ thời thuộc Hán về trước đây là vùng đất rừng núi đại ngàn, dân thưa, việc quản lý hành chính chưa vươn tới. Thời thuộc Hán, miền đất này thuộc huyện Đô Lung, sau ghép và Vô Biên, sau đến thời Tề đổi thành Cát Lung. Thời Đinh – Lê – Lý gọi chung miền đất này là Cử Long Man. Thời Trần – Hồ, đất Cử long Man thuộc huyện Lỗi Giang của châu Thanh Hóa. Thời Minh thuộc ghép Lỗi Giang và Nga Lạc của châu Thanh Hóa, sau lại tách Lỗi Giang khỏi Nga Lạc và đổi tên là huyện Lạc Thủy. Thời Lê Sơ vẫn gọi là Lạc Thủy, đến năm Thiệu Bình 1434, và Diên Ninh 1454, đổi tên là huyện Ba Long, rồi huyện Đa Cẩm. Đến thời Quang Thuận (1460 – 1469), đổi tên là huyện Cẩm Thủy. Thời Nguyễn Minh Mạng, huyện Cẩm Thủy bao gồm cả huyện Bá Thước ngày nay. Năm Thành Thái thứ 14 (1902) tách tổng Cổ Lũng ghép vào châu Quan Hóa, tổng Thiết Ống ghép vào châu Lang Chánh. Năm Thành Thái thứ 16 (1904), lại trích thêm 2 tổng Sa Lung và Điền Lư ghép vào châu Quan Hóa. Năm Khải Định thứ 10 (1925), trích lại 4 tổng là Cổ Lũng, Thiết Ống, Sa Lung, Điền Lư để lập ra châu Tân Hóa (Bá Thước ngày nay). Từ năm Minh Mạng thứ 16 về trước Cẩm Thủy thuộc phủ Thiệu Thiên do thổ tù họ Hà quản lý. Từ năm Minh Mạng 16 về sau, Cẩm Thủy thuộc phủ Quảng Hóa, việc quản lý theo chế độ lưu quan.
Là huyện miền núi bán sơn địa, Cẩm Thủy có nhiều danh sơn được ghi trong sử sách. “Đại Nam nhất thống chí” tập thượng, do Quốc sử quán triều Nguyễn, thời Tự Đức 18 (1865) biên soạn có ghi về 3 ngọn núi nổi tiếng của Cẩm Thủy là Diệu San (Núi Diệu), Tặng San (núi Tặng) và Lê San (Núi Lê).
Diệu Sơn, (tức núi Màu) thuộc xã Cẩm Vân là danh thắng nổi tiếng của Thanh Hóa. Ca dao cổ về núi Màu có ghi: “Không đi thì nhớ thì thương/ Đi thì cách trở cầu Suông, núi Màu/ Không đi thì nhớ thì sầu/ Đi thì cách trở núi Màu, cầu Suông” để nói lên nỗi nhớ day dứt phong cảnh nơi đây. “Diệu San (núi Diệu) ở xã Quan Bằng, phía nam huyện Cẩm Thủy, cũng có tên gọi là Lao San. Thế núi như hình con sư tử, phía trước tới sông Mã Giang. Dưới chân núi có thác nước quanh quất 9 vòng, là một cảnh núi đứng đầu các hàng núi trong huyện hạt. Trên núi có động có chùa” (Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, tập thượng).
Tại tập hạ “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép về Chùa Diệu San như sau: “Ở trên núi Diệu Sơn, xã Quan Bằng, huyện Cẩm Thủy. Phía trên núi có động, sau nhân động dựng nên chùa. Trong chùa có tượng đá, có bản khắc Kinh, có chuông treo trước cửa và có cái thác nước lượn quanh 9 khúc. Nơi đây non nước thanh u, cũng là một cảnh thú vị trong chốn lâm tuyền. Ngày trước Trịnh Sâm có viết 4 chữ Cẩm Vân Diệu Trí rất to và có bài thơ như sau:
Phiên âm
Thiên tương hư thất sưởng toàn ngoan
Diệu tích nhưng truyền tại thử gian
Nhất khiếu tà xuyên thiên cổ nguyệt
Bán song phủ hám cửu hồi tham
Hoa kình mộng giác vân trung hưởng
Thạch tượng an bài tuyết hậu ban
Hải vũ chính phùng thanh thiếp hội
Hào đoan thu thập cẩm giang san.
Tạm dịch Việt văn:
Nhà xếp đá, thợ trời khen thật khéo
Giữa nơi đây, huyền diệu vết còn trơ
Một hang sâu xuyên bóng nguyệt tự ngàn xưa
Chín ngọn thác thấp tho ngoài cửa sổ
Chuông tỉnh mộng, tiếng vang mây gió
Tuyết in màu tượng đá vẫn nguyên bầy
Bể trong lặng sóng hội này
Nước non gấm vóc riêng tay vẽ vời.
Bài này tức là những thắng cảnh trong động vậy”.
Ngọn danh sơn thứ hai của huyện Cẩm Thủy là núi Chặng (xã Cẩm Sơn) mà người Mường nói biến âm từ núi Tặng (Tặng sơn). Núi Chặng có hang động là chùa thờ Phật, miếu thờ thần và thờ Mẫu. “Đại Nam nhất thống chí” tập thượng, chép: “Tặng San (núi Tặng) ở xã Gia Dụ, phía bắc huyện Cẩm Thủy. Trên núi có các động, trong có mấy pho tượng đá, hình dáng cũ kỹ thô lỗ, không biết tác từ đời nào? Cảnh trí rất vẻ thanh u. Trong động lại có một cái nhũ đá, gõ vào kêu như tiếng chuông to. Hai bên tả và hữu động đều có lỗ hang, quanh co tới 27, 28 trượng, có rất nhiều nhũ đá rủ xuống, hoặc như chuông úp hoặc như vẩy gấm, trông nghiêng thì thấy lấp lánh như rắc hạt vàng. Phía vách bên hữu có một tấm bia ghi chữ “Thịnh Đức nhị niên” (năm thứ hai đời Thịnh Đức tức niên hiệu vua Lê Thần Tông 1654, vách bên tả cũng có một cái bia, song chữ cổ rêu mờ, không thể nhận rõ. Khoảng đời Tự Đức, có ông cử nhân ở Hoằng Hóa là Lê Hữu Quang qua chơi núi đó, có vịnh một bài thi đọc ngược đọc xuôi, dùng vần San và vần Trầm bằng chữ Hán như sau:
Tạm dịch Việt văn, thể đọc xuôi, dùng vần Xa
Lối quanh vào cõi vắng
Hang xa lại núi xa
Cảnh đẹp ưa tầm mắt
Càng vui bước kiếm hoa
Tọa thuyền ngay đá dựng
Vang ngâm nước réo hòa
Ngọc nẩy trong làn suối
Vàng trôi lạnh nhũ sa
Lượn khe thông điểm biếc
Đường hẻm trúc sằn da
Tới bắc chiều hây gió
Sang tây úa bóng tà
Hạc lão cây cao đậu
Hoang rừng mây kéo qua
Việc trải theo ròng nước
Tàng tàng ánh nguyệt xa.
Thể đọc ngược, dùng vần Ràng
Vắng cõi vào quanh lối
Xa ánh nguyệt tàng tàng
Đậu cao cây lão hạc
Qua kéo mây rừng hoang
Gió hây chiều bắc tới
Da sằn trúc hẻm đàng
Biếc điểm trông khe lượn
Sa nhũ lạnh trôi vàng
Suối làn trong nẩy ngọc
Hòa réo nước ngâm vang
Dựng đá ngay thuyền tọa
Hoa kiếm bước vui càng
Mắt tầm ưa đẹp cảnh
Xa núi lại xa hang…”.
Núi Lê (Lê San) “Ở xã Vân Trai, phía nam huyện Cẩm Thủy. Hình như núi xương ngựa, tụm năm túm ba, thành như một đàn đá ghềnh lỗ nhỗ, cây cối um tùm, trong có miếu cổ thờ thần Độc Cước (một chân)”.
Cửa Hà là danh thắng nổi tiếng của Cẩm Thủy với phong cảnh hữu tình, bóng núi dựng đứng, có nhiều mỏm nhấp nhô như sóng lượn, soi mình nên thơ bên sông Mã. Dưới chân núi, trên ghềnh đá sát bờ sông có đền cửa Hà. Cửa Hà với vẻ đẹp kỳ vĩ trở thành hình ảnh định vị cho huyện Cẩm Thủy trên báo chí cũng như quảng bá cho huyện.
Một đặc sản thiên nhiên đã ban tặng cho đất Cẩm Thủy là suối cá thần làng Ngọc (Cẩm Lương). Trong lòng dãy núi Trường Sinh có dòng suối ngầm chảy qua hang đá, được gọi là suối Ngọc. Tại đây có hàng ngàn con cá chen nhau dày đặc cả con suối, với đủ loại to nhỏ, màu sắc khác nhau nhởn nhơ bơi lội ở suối Ngọc. Có con cá chúa theo ước tính nặng tới 30kg. Theo tập quán ở đây người dân không bắt cá để ăn, trừ khi làm lễ tế thần linh thờ trong đền Ngọc bên bờ suối. Điều lạ là cá thần không bao giờ bỏ đi khỏi suối Ngọc, dù có năm lụt to, nước sông Mã tràn lên ngập suối.
Là vùng đất cổ với tộc người bản địa là dân tộc Mường chiếm hơn 50% dân số, do đó văn hóa người Mường rất đậm đặc ở Cẩm Thủy. Tuy nhiên, như nói ở trên, là vùng đất “hợp chủng” nên sự giao thoa, tiếp thu và bổ sung cho nhau về văn hóa của người Mường, người Kinh và người Dao là tất yếu. Vì vậy, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của Cẩm Thủy vừa bản sắc vừa đa dạng. Về văn hóa vật chất, người Cẩm Thủy rất tự hào về ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà ở, âm nhạc đa dạng của các dân tộc cư trú trên địa bàn. Về ẩm thực có thể kể đến cơm lam, canh đắng, món táp, cá đồ lá đu đủ, ốc đá, canh loóng, canh phắc, canh phẹ, thịt trâu gác bếp, măng chua nấu nhái.v.v.. Về y phục, trang phục mỗi dân tộc Mường, Dao, Kinh đều có trang phục dân tộc mình. Tuy nhiên, do quá trình hiện đại hóa, sự mai một về trang phục là rất lớn. Ngày nay trang phục dân tộc chỉ được mặc ở người già hoặc dịp lễ tết, hội hè quan trọng. Về kiến trúc nhà ở có nhà sàn đồng bào Mường, tuy nhiên từ sau 1945 do thay đổi tập quán sinh hoạt người Mường đã làm nhà dưới đất theo kiểu người Kinh. Người Dao cũng thay đổi tập quán, làm nhà theo kiểu người Kinh. Về âm nhạc, ngoài những nhạc cụ của người Mường như trống đồng, chuông khánh, thanh la, sáo ôi, kèn tàu…thì bộ dàn cồng chiêng là quý nhất, thường được dùng cho các phường Séc bùa, phường săn, phường trò ma..
Về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, phản ánh tập quán được lưu giữ qua bao đời do tổ tiên truyền lại. Do môi trường sống và điều kiện kinh tế thay đổi nên mai một. Một trong những tập tục của người miền núi, trong đó có người Mường Cẩm Thủy là “Cơm xôi, nước vác, nhà gác, lợn thui, trâu gõ mõ, chó leo thang”, thì nay hầu như biến mất. Chỉ có phong tục đặc biệt quan trọng của đời người như cưới xin, tang ma, kiêng kỵ của người Mường, người Dao và người Kinh Cẩm Thủy là được lưu giữ khá tốt. Có những tập tục kiêng kỵ đối từng dòng họ như: “Họ Trương (Cẩm Liên) kiêng ăn thịt khỉ”, “Họ Phạm (Cẩm Liên) kiêng ăn thịt chó, kỳ đà”, “Họ Hà không ăn thịt chim cuốc”, kiêng trải chiếu nằm ngang vì quan niệm “Khỏe nằm dọc, nhọc nằm ngang”.v.v..
Các lễ tục, trò diễn dân gian qua thực hành thì yếu tố tổng hợp giữa các trò diễn, dân ca với các lễ tiết, lễ thức cúng bái hòa quyện với nhau, không tách biệt rạch ròi. Tiêu biểu có: lễ tục làm vía kéo xi của người Mường, trò Ma, Poồn Poông, lễ tục cấp sắc của người Dao…
Phương ngôn, tục ngữ, thành ngữ của các tộc người Cẩm Thủy khá đặc biệt, tính giao thoa văn hóa giữa người Mường, người Dao và người Kinh khá rõ nét. Những câu tục ngữ, thành ngữ điển hình của người Kinh đều được Mường hóa, thành tục ngữ Mường như: “Không ai giàu ba họ/ Không ai khó ba đời”, “Sông có khúc, người có lúc”.v.v..Những câu phương ngôn, tục ngữ của người Cẩm Thủy như: “Trống Vân Lộng/ Cồng Vân Trai/ Gái Đồng Trình/ Đình Quan Phác”, “Thứ nhất là động Hồ Công/ Thứ nhì động Thức, thứ ba động Màu”, “Đi hết mường Phấm còn lành/ Đi đến mường Danh thì rụng hết váy”,”Mường Phấm nói thêm/ Mường Khô nói phét”, “Nước Song Nga/ Ma Đồng Lão/ Thà ở không/ Còn hơn lấy chồng Đồng Lão”, “Muốn ăn mít thì đến làng Đồn/ muốn xem… thì đến làng Khuên”, “Làm rể đừng thái thịt trâu/ Làm dâu chớ đồ cơm nguội”, “Chưa đui đừng vội khoe/ Chưa què đừng vội nói”.v.v..
Trong lĩnh vực văn hóa vật thể, Cẩm Thủy có thế tự hào là “quê hương” của những nền văn hóa lớn, những di tích di sản nổi bật phát hiện, bảo tồn trên địa bàn. Với kết quả khai quật KCH, trên đất Cẩm Thủy đã phát hiện dấu tích văn hóa Sơn Vi, rồi khu vực phân bố nổi bật của Văn hóa Hòa Bình, lớp Văn hóa Bắc Sơn đều xuất hiện. Trong thời đại Hùng Vương, Cẩm Thủy có thể tự hào là “cái rốn” của trống đồng Đông Sơn. Tại Cẩm Thủy, đã phát hiện ra 5 trống đồng Đông Sơn loại I đã được TTg có Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013, hiện đang lưu giữ trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa. Cùng với đó là 26 trống đồng loại II. Các di tích tiêu biểu của Cẩm Thủy có: đình làng Tường Yên (Cẩm Vân), chùa Diệu Sơn (Cẩm Vân), động chùa Mổng (Cẩm Tú), đền Cùng (Cẩm Tú), đình làng Én (Cẩm Quý), chùa Chặng (Cẩm Sơn), đình làng Muốt (Cẩm Thành), chùa Vọng (Cẩm Giang), chùa Rồng (Cẩm Thạch)…
Đất Cẩm Thủy thời phong kiến có những nhân vật có công với dân với nước như Tả dực phấn tướng quân Phạm Ngưu Tất người Cẩm Thạch, vị tướng thời Trần có công đánh Chiêm Thành; Lê triều Thái Bảo tả Đô Đốc Phạm Phúc Lộc ở Thạch Lẫm, có công Trung hưng nhà Lê; Lãnh binh Cao Đình Độ thời Tây Sơn; Quận công Hà Công Luận quê Cẩm Thủy làm quan thời nhà Nguyễn…
Thời hiện tại, huyện Cẩm Thủy có anh hùng LLVT Trương Công Man quê Cẩm Phú, có 50 Mẹ Việt Nam anh hùng, 1658 liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp Bảo vệ tổ quốc.
Mặc dù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, giáo dục còn khó khăn, nhưng Cẩm Thủy là huyện có nhiều con em thành danh so với nhiều huyện khác của tỉnh Thanh Hóa. Những con em Cẩm Thủy giữ trọng trách ở TW và Tỉnh có Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Cố Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Nguyên Phó CT UBTW Mặt trận TQ Việt Nam Hà Thị Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Nguyên PCN UB Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức, Trung tướng Chính ủy Viện KHQS Hoàng Bằng, Phó BT Tỉnh uỷ TH Đinh Tiên Phong...
Trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, Cẩm Thủy cũng có nhiều con em thành đạt. Cẩm Thủy có 11 vị có học hàm, học vị giáo sư, phó GS, TS. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế có NGND Phạm Ngọc Quang, nguyên PGĐ Sở GD ĐT Thanh Hóa, PGĐ Sở GD và ĐT, nhà giáo Phạm Văn Công, và 4 NGUT, TTUT. Trong hoạt động văn học nghệ thuật có nhà văn Cao Sơn Hải, nguyên CVP Tỉnh ủy Thanh Hóa, giải thưởng nhà nước về VHNT; nhà thơ Mai Thanh, nhà văn Hà Cẩm Anh, nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh, nhạc sĩ Đồng Tâm. Cách đây mấy hôm nhạc sĩ Đồng Tâm, nguyên CT Hội VHNT Thanh Hóa qua đời. Anh là người giản dị, hòa đồng và khiêm tốn, được nhiều người yêu mến. Anh đã để lại nhiều tác phẩm hay, trong đó có ca khúc: Về Làm dâu sông Mã, đã chạm đến trái tim nhiều người, trong đó có tôi..
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, huyện Cẩm Thủy từ 17 xã, thị trấn còn 5 xã. Đó là các xã: Cẩm Thủy, Cẩm Thạch, Cẩm Tú, Cẩm Vân, Cẩm Tân. Tên các xã mới sau sắp xếp này được đặt theo nguyên tắc chọn tên xã đại diện trong các xã về chung một nhà. Tuy nhiên 5 cái tên được chọn rất đẹp, rất ý nghĩa, tin rằng các xã không được chọn tên cũng sẽ hài lòng.
Tôi có kỷ niệm rất đẹp thuở đầu đời bước vào nghề giáo với Cẩm Thủy. Kết thúc năm học 1982 – 1983, tôi cùng giáo viên trường THPT Sầm Sơn được phân công coi thi tốt nghiệp tại trường THPT nông trường Phúc Do. Cả ngày đạp xe từ Sầm Sơn lên đến Cẩm Thủy vào lúc đã cuối chiều. Sau khi thu xếp nơi nghỉ, tôi ra ngồi ngắm cảnh ở thảm cỏ dưới tán rừng cao su. Phía trước là sông Mã lấp lóa nắng chiều ẩn hiện giữa bãi ngô xanh hút tầm mắt. Cẩm Thủy đối với tôi lúc ấy bỡ ngỡ, tinh khiết, thanh bình và cẩm tú xiết bao. Trong cảm xúc của chàng trai 22 tuổi ấy, Cẩm Thủy là vùng đất đại diện của cái đẹp nguyên sơ và thánh thiện. Bây giờ tôi vẫn thấy như thế, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Ảnh Cửa Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét