XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

HUYỆN ĐÔNG SƠN


Đông Sơn không chỉ là danh xưng nhằm định vị huyện Đông Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Đông Sơn còn là một thuật ngữ Khảo cổ học quốc tế để định danh cho một nền văn hóa lớn của nhân loại - nền Văn hóa Đông Sơn. Nhưng tên huyện Đông Sơn không phải là địa danh được lấy để đặt tên cho nền Văn hóa Đông Sơn. Đông Sơn là tên ngôi làng cổ nhỏ bé bên bờ sông Mã, ngôi làng có tên trùng với tên huyện. Năm 1924, một người nông dân của làng ra bờ sông Mã câu cá đã ngẫu nhiên tìm thấy những đồ đồng nơi đây. Người Pháp tiến hành khai quật khu di tích, dựa trên những phát hiện có giá trị đặc biệt quan trọng, giới Khảo cổ học quốc tế đã lấy tên ngôi làng đặt cho nền Văn hóa đồng thau là Văn hóa Đông Sơn.
Đông Sơn, theo nghĩa Hán Việt là núi ở phía đông. Theo như địa hình của huyện thì quả là huyện có nhiều ngọn núi ở phía đông, khác hẳn địa hình thông thường của nước ta và của tỉnh Thanh Hóa là núi ở phía tây. Có lẽ vì lý do này mà nhà Trần đã lấy từ Đông Sơn để gọi tên huyện. Huyện Đông Sơn có thân phận long đong giống như số phận của người đàn bà mẫn tiệp, tài hoa nên nhiều nỗi truân chuyên vậy. Cái tên huyện Đông Sơn được đặt rất sớm, từ thời Trần, thuộc vào trấn Thanh Đô, tên của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Năm 1804, vua Gia Long cắt làng Thọ Hạc, Phủ Cốc và Mật Sơn thuộc huyện Đông Sơn để lập ra trấn lỵ Thanh Hóa. Đến năm 1977, lại tách 3 xã Đông Hưng, Đông Hải, Đông Cương và một số làng của các xã Đông Vinh, Đông Tân thuộc huyện Đông Sơn để nhập vào Thị xã Thanh Hóa. Lại tách 16 xã của huyện Thiệu Hóa bên hữu ngạn sông Chu, để lập ra huyện Đông Thiệu. Nghe nói có giai thoại, khi GS Trần Quốc Vượng về đây khảo cổ đã thốt lên, có một thằng Thiệu đã khổ, nay lại Đông Thiệu thì sống sao nổi. Đến năm 1982 đổi tên huyện Đông Thiệu lại tên cũ là huyện Đông Sơn. Đến năm 2012, với Nghị quyết 05/NQ-CP Chính phủ quyết định điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, nhân khẩu của các xã Đông Lĩnh, Đông Tân, Đông Hưng, Đông Vinh và Thị trấn Nhồi của huyện Đông Sơn về thành phố Thanh Hóa. Đến ngày 1/1/2025, với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào Thành phố Thanh Hóa. Tên Đông Sơn với vị trí là đơn vị hành chính cấp huyện bị mất sau 700 năm tồn tại. 6 tháng sau, ngày 1/7/2025, thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, không tổ chức cấp huyện, Thành phố Thanh Hóa bị giải thể, huyện Đông Sơn đương nhiên cũng không còn. Bởi vậy, chép về huyện Đông Sơn xin được tính từ năm 2000 trở về trước để tiện cho việc theo dõi.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí” chép: “Đông Sơn là huyện thống hạt của phủ Thiệu Hóa, là vùng phụ quách của thành tỉnh. Huyện lỵ đóng ở xã Thọ Hạc, tổng Thọ Hạc. Lũy đá chu vi 49 trượng 2 thước, cao 5 thước, rộng 3 thước; mở một cửa trước, cao 10 thước. Huyện hạt phía đông giáp 2 huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương; phía tây giáp 2 huyện Lôi Dương, Nông Cống; phía nam giáp 3 huyện Nông Cống, Ngọc Sơn, Quảng Xương; phía bắc giáp 2 huyện Mỹ Hóa, Thụy Nguyên. Đông tây cách nhau 50 dặm. Nam bắc cách nhau 29 dặm. Huyện có 9 tổng, gồm 147 xã, thôn, sở, phường, giáp, vạn”.
Đó là các tổng, tổng Thọ Hạc, tổng Bố Đức, tổng Đại Bối, tổng Vận Quy, tổng Thạch Khê, tổng Thanh Khê, tổng Tuân Hóa, tổng Quang Chiếu và tổng Quảng Chiếu.
“Phong tục: Người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ, đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Đất học có tiếng thì các tổng Đại Bối, Vận Quy, Thanh Khê, Tuân Hóa, Quang Chiếu, Quảng Chiếu là trội hơn cả. Làm thợ thì ở An Hoạch chuyên nghề đẽo đá, Trà Đông chuyên nghề đúc đồng. Buôn bán thì phần lớn là dân các xã Phú Cốc, Đại Bối, Dương Xá, Thanh Dương. Việc cưới xin, ma chay, thờ cúng không xa hoa mà cũng không hà tiện, ăn mặc nói năng không thật văn nhã nhưng cũng không quê mùa. Văn chỉ, văn miếu, đền thờ, chùa Phật hương ấp nào cũng có. Theo Thiên chúa giáo chỉ mấy nơi gián tòng như ở giáp Đông Phố, các xã Thanh Dương, Phù Chẩn, Quảng Xá mà thôi”.
“Sản vật: Lúa thu nhiều, lúa hè ít. Dâu tằm, khoai đậu thì các tổng đều có, chất vị ngon tốt hơn nơi khác. Riêng tổng An Hoạch có đá xanh, Dương Xá có cam sành mà thôi”.
Theo “Đại Nam nhất thống chí” tỉnh Thanh Hóa, tập thượng, huyện Đông Sơn thuộc phủ Thiệu Hóa, chép về quá trình lập huyện Đông Sơn như sau: “Đời Hán gọi là huyện Vô Biên; thời Vương Mãng gọi Cửu Chân dinh; đời Tùy Đường gọi là huyện Cửu Chân. Đời Trần mới đặt tên huyện bây giờ, hồi Minh thuộc cho thuộc vào phủ Thanh Hóa. Năm Quang Thuận triều Lê (1460) đổi sang thuộc vào phủ này thống hạt. Triều Nguyễn vẫn để nguyên tên cũ. Trước đây lãnh 6 tổng. Năm Minh Mạng 19, chia 2 tổng Thọ Hạc, Quang Chiếu ra làm 4 tổng và chia 2 tổng Tuân Hóa, Thạch Khê ra làm 3, tất cả là 9 tổng. Đến năm Thành Thái 12 lại trích 2 tổng Vân Quy và Đại Bối cho thuộc vào huyện Thụy Nguyên. Hiện lãnh 7 tổng, 113 xã thôn”.
Sách “Địa chí Thanh Hóa” tập I, phần Địa lý và Lịch sử chép về quá trình hình thành và tên gọi huyện Đông Sơn: “Thời thuộc Hán – Tam Quốc – Lưỡng Tấn là miền đất thuộc huyện Tư Phố và một phần (phía nam) thuộc huyện Cư Phong. Thời Tùy – Đường là miền đất thuộc huyện Cửu Chân. Theo sách Di Biên (của Cao Biền) thì bấy giờ có huyện Đông Dương, sau lại gọi là Đông Cương tức là Đông Sơn sau này. Thời Đinh – Lê – Lý thuộc huyện Cửu Chân giữ nguyên như thời Tùy Đường. Thời Trần đặt tên huyện là Đông Sơn thuộc trấn Thanh Đô. Tên huyện Đông Sơn có từ đây. Thời thuộc Minh, huyện Đông Sơn lệ vào phủ Thanh Hoa. Thời Lê Quang Thuận huyện Đông Sơn lệ vào phủ Thiệu Thiên, sau Gia Long đổi tên Thiệu Thiên thành Thiệu Hóa. Huyện Đông Sơn lệ vào phủ Thiệu Hóa. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 tên huyện Đông Sơn vẫn giữ nguyên”.
Đông Sơn có nhiều núi nằm ở phía đông của huyện. Tuy nhiên, do đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa được tách ra từ đất Đông Sơn và ngày càng mở rộng nên những ngọn núi nổi tiếng sau này thuộc đất thành phố Thanh Hóa. Dãy núi nổi tiếng nhất của huyện Đông Sơn là núi Nhồi, còn có tên là núi Khế, Nhuệ Sơn, An Hoạch. “Đại Nam nhất thống chí” chép về núi này như sau: “Núi An Hoạch, về phía tây nam huyện Đông Sơn. Thế núi cao mà thoải, sắc đá trắng mà mượt, tiếng kêu mà trong, có thể dùng làm khánh, làm bia cùng các vận dụng khác. Sách Quảng Dư chí đời Minh có nói: “Đời Tấn bên Trung Quốc, quan Thái thú Dự Châu họ Ninh thường sai người lấy đá ở đây đem về làm khánh” tức là nơi này. Hiện nay trong ấp đó còn có dòng họ Bạt thạch (làm nghề chạm đá)”.
Đá núi Nhồi có giá trị cao như vậy nên ngay tại Khiêm Lăng (Huế) nơi an táng vua Tự Đức có tấm bia đồ sộ cao tới 4m, rộng 2m, dày 0,5m nặng hàng chục tấn được làm bằng đá núi Nhồi. Đá núi Nhồi cũng được dùng để thi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Năm 2002, khi dựng tượng đài Lê Lợi tại thành phố Thanh Hóa, mặc dù đã có lệnh cấm khai thác đá tại núi Nhồi, nhưng vì là công trình đặc biệt nên Chủ tịch Tỉnh Thanh Hóa đã cho dỡ bỏ lệnh cấm để khai thác đá tại đây làm tượng. Là chủ đầu tư xây dựng tượng đài Lê Lợi nên tôi có may mắn nhiều dịp đến núi Nhồi để giám sát việc khai thác đá và thi công tượng. Do đá quý hiếm, lại bị khai thác đã hàng ngàn năm nên trữ lượng đá tại núi Nhồi còn lại không lớn, việc bảo tồn để giữ gìn cảnh quan là rất cần thiết, dù có muộn.
Tại dãy núi Nhồi theo “Đại Nam nhất thống chí” có “ngọn La Hán, còn có tên gọi là Khế Sơn, dưới núi có động, rộng chừng mấy trượng. Người trước nhân động làm chùa gọi là Tiên Sơn tự”.
Trong dãy núi Nhồi còn có núi Hinh “Trong núi có cái động nhỏ, có ngôi chùa cổ Hinh Sơn. Về phía đỉnh núi bên tả, đá núi đã lấy gần hết, chỉ còn một cái cột đá cao chừng 100 thước. Cách đó chừng 50, 60 bước có một cái hang đá sâu hàng hơn 10 trượng. Người xưa đã có câu: “Đao phủ nhược phi nhân tích đáo/ Lô hồng thủy biện hóa công huyền” (Dao búa nếu không chân tục đến/ Lô đồng sao biết hóa công ghê). Năm Thành Thái thứ 7, quan Đốc bộ là Hà Đình Nguyễn Thuật đề vào cột 4 chữ Hán: Kiệt Nhiên Trung Trĩ (Sừng sững giữa trời)”. Cái “cột đá cao chừng 100 thước” đó chính là Đá Vọng phu (đá trông chồng). Từ xa, nhìn về núi Nhồi ta sẽ thấy nổi bật trên nền trời hình người phụ nữ bế con nhìn ra biển đông đã trơ gan cùng tuế nguyệt không biết tự bao giờ. Dân gian Thanh Hóa đã có câu ca: “Vọng Phu trẻ mãi không già/ Thủy chung đứng đó biết là chờ ai”. Hình ảnh đó cũng đã lay động biết bao tao nhân, mặc khách dừng bước đề thơ. Đại thi hào Nguyễn Du đã có bài thơ:
"Đá chăng? Người đó? Chi đây?
Một mình trên ngọn núi này ngàn năm
Bạn đời không chút mộng rằng
Điều trinh giữ vẹn tấm thân muôn đời
Mưa thu lệ cũng tuôn rơi
Dấu rêu lấp triện, phi lời văn chương
Núi đồi lớp lớp khói sương
Để riêng bạn gái luân thường nêu cao”.
Núi Chiểu ở làng Thọ Sơn, xã Đông Tiến còn có tên là núi Nhuận Thạch. Sách “Đại Nam nhất thống chí” gọi là Bạch Thạch sơn (núi Đá Trắng), “ Núi có hai ngọn, chất đá rất cứng, đục lấy ra thì sắc nhuận mà trắng. Phía dưới núi có đền thờ Thiều Công, có tiếng là nơi linh ứng đã lâu, nên đá núi rất đẹp mà không ai dám lấy. Tương truyền đời Lê có Đăng Quận công bắt dân ra đó đục đá để đem về làm sinh từ ở Ngọc Bôi, nhưng tựa như có thần linh ở núi giữ nên không sao đem đi được. Hiện nay những miếng đá ấy vẫn còn bỏ quanh ở các ruộng gần đó”.
Trên đất Đông Sơn có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với quá trình hình thành quốc gia độc lập tự chủ trong ngàn năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến và cách mạng kháng chiến của đất nước. Trong hệ thống di tích của Đông Sơn, tiêu biểu là các di tích Đông Phố, Trường Xuân, quần thể di tích lăng mộ Thiều Thốn, đền và lăng Nguyễn Văn Nghi, đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn, đền thờ Nguyễn Chích, đền thờ Lê Hy, làng Hàm Hạ nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Thanh Hóa, địa điểm lịch sử Rừng Thông nơi Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân Thanh Hóa năm 1947. Đông Sơn còn có cả một rừng bia với 300 bia đá ở các thời kỳ khác nhau…
Làng Đồng Pho là địa danh thuộc xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, chính là Đông Phố, trị sở của quận Cửu Chân xưa. Cách đây hơn 1.600 năm, vào năm 420 thời tiền Tống đã chuyển quận trị Cửu Chân từ thành Tư Phố (làng Giàng, Thiệu Dương) về Đông Phố. Tại đây qua kết quả khai quật khảo cổ đã phát hiện ra nhiều hiện vật như trống đồng, đồ gốm thời Hán. Đông Phố là trung tâm quận Cửu Chân qua nhiều thế kỷ, đến cuối thế kỷ XI dưới thời nhà Lý, trấn thủ Thanh Hóa Thái úy Lý Thường Kiệt mới chuyển lỵ sở về làng Duy Tinh (Thuần Lộc, Hậu Lộc).
Làng Trường Xuân, xã Đông Ninh lại là nơi Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc (còn gọi là Lê Cốc), một vị quan của nhà Tùy chống lại nhà Đường xưng là Hoàng Đế lập ra kinh đô Trường Xuân. Tại đây đã phát hiện ra tấm bia “Đại Tùy Bảo an đạo trường chi bi văn”, dựng năm 618, được coi là một trong những tấm bia cổ nhất Việt Nam, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Thiều Thốn là người kẻ Chiểu, tổng Thanh Khê xưa, nay là thôn Nhuận Trạch, xã Đông Tiến. Ông sinh năm 1326, cha ông là Thiều Kim Tình được phong là Trung hậu Quận công chẳng may mất sớm, thân mẫu ông là Nguyễn Thị Ngọc Nga ở vậy nuôi ông ăn học. Lớn lên ông chăm lo rèn luyện võ nghệ, dốc lòng phò vua Trần Dụ Tông, được bổ dụng làm quan với chức cao nhất là Khai quốc công thần, phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng tể kiêm trưởng Kim Ngô vệ và được vua gả con gái cho. Sách “Đại Nam nhất thống chí”, tập hạ, tỉnh Thanh Hóa chép về ông: “Ông là người huyện Đông Sơn, làm chức Phòng ngự sử vào thời Dụ Tông triều Trần (1341 – 1369). Thiều Thốn rất khéo vỗ về sĩ tốt, nhiều người mến mộ ông, chẳng may vì có người em kiêu bạc gian ngoan nên mắc tội lây, phải cách chức đuổi về. Trong quân sĩ nghe thấy tin đó, cùng nhau hát vang lên mấy câu: “Thiên bất tri oan, Thiều Công thất quan” (Trời chẳng biết oan, ông Thiều mất quan). Khi ông dọn đồ đạc ra đi, họ lại hát một câu nữa: “Thiều Công chi qui, sử ngã tâm bi” (Ông Thiều ra đi, lòng ta thương bi”. Sau triều đình nghe thấy quân lính hát như vậy, lại cho ông được phục chức. Bấy giờ quân lính hát một câu: “Thiên tri kỳ oan, Thiều Công đắc quan” (Trời đã biết oan, ông Thiều được quan”. Được ít lâu thì mất, làm đền để thờ”. Thiều Thốn mất năm Canh Thìn (1380), thọ 54 tuổi, mộ táng tại núi Nhuận Thạch quê nhà. Vua ban sắc phong cho ông là Thượng đẳng phúc thần đại vương và cho dân lập đền thờ phụng. Tại văn bia “Đông Sơn huyện Thiều Thốn từ bi” được dựng tại đền thờ ông ghi công lao của ông: “Bậc đại vương công thần mở nước, đặc biệt tiến phong thượng tướng quân, bậc trụ cột lớn của nước, cứu đời, yên dân, nhân đạo hết mực, đức lớn, dũng cảm trung thành treo cao như vầng nhật. Nổi tiếng là thanh liêm, công danh trùm thiên hạ, trung dũng khắp triều đình”. (Văn bia “Đông Sơn huyện Thiều Thốn từ bi”, dựng năm 1650, niên hiệu Khánh Đức năm thứ 2, đời vua Lê Thần Tông (1649 – 1662). Văn bia do Phủ liêu Bồi tụng tham hộ quốc gia sự vụ, dực vận tán trị công thần đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tả thị lang bộ Hình, Lộc Diên hầu Nguyễn Trừng soạn, Bùi Xuân Vĩ dịch).
Đền thờ và lăng Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi ở làng Cổ Bôn, nay là thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh là di tích cấp Quốc gia. Theo Đại Nam nhất thống chí Nguyễn Văn Nghi sinh năm 1515 trong gia đình danh gia vọng tộc, các đời tằng tổ, hiển tổ của ông là là những nhân vật có công, giữ các chức vụ quan trọng của triều đình. Thân phụ ông là Tham nghị Thái Nguyên Nguyễn Tứ được phong Thái Bảo. Ông đỗ nhất giáp chế khoa năm 1554, làm quan với nhiều chức vụ khác nhau dưới 3 triều vua Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, trực tiếp là thầy của vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã nhận xét : “Ông là bậc danh nho đỗ cao, được 3 vua tri ngộ, sự nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”. Ông được phong chức Thượng thư Bộ Lại, nhập thị Kinh diên kiêm Đông các đại học sĩ. Khi ông mất được gia phong Thượng thư Bộ Công, tước Thái Bảo, được ban thụy hiệu là Phúc Khê tướng công. Nhà vua cho lập đền thờ và 30 mẫu công điền ở quê để thờ cúng ông. Đền thờ ông được xây dựng là một quần thể kiến trúc đặc biệt với 2 vòng thành khép kín nằm trên khu đất cao giữa cánh đồng lúa. Thành ngoài bằng đất, thành trong được ghép bằng đá, ở trong thành nội là đền thờ với kiến trúc gỗ. Cổng thành nội là mái vòm cuốn được xếp bằng những khối đá lớn, trên có xây gạch, trên nóc cổng có điêu khắc đá rồng nằm ổ cuộn tròn, đầu rồng hướng vào điện thờ. Mặt trước cổng có khắc chữ “Tướng công môn”, hai bên lối vào sân chầu là các tượng người, voi, ngựa, chó đá, giếng đá, rồng vân hóa, bia đá. Bên trong thành nội hiện còn ngôi điện thờ, lợp ngói mũi hài có kích thước lớn. Tại đền vẫn còn dấu vết nền móng của hai chục dãy nhà lớn bé bao quanh như khu đền thờ, khu hậu viện, nhà sắp lễ, khu nhà tổ, khu thờ chính. Hai bên lăng mộ có hai bia đá là bia “Phúc Khê tướng công từ” ghi về thân thế, sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi và bia “Thượng thư lệnh công ký” do Tiến sĩ Lê Khả Trù biên soạn ghi công đức và cung tiến. Là đền thờ và lăng của cá nhân nhưng có quy mô lớn, kiến trúc đá đồ sộ, sử dụng biểu tượng Rồng của Thiên tử, không chỉ chứng tỏ sự giàu có, uy thế của dòng họ Nguyễn Văn Nghi, mà còn là chỉ dấu cho sự thất thế, suy giảm uy quyền của nhà vua thời vua Lê chúa Trịnh. Đền thờ và lăng do Đăng Quận công Nguyễn Khải, con trai thứ của Nguyễn Văn Nghi xây dựng để tôn vinh cha mình. Chất liệu xây dựng bằng đá xanh núi Nhồi, một vùng có nghề chế tác đá nổi tiếng xứ Thanh, nên việc vận chuyển thi công một công trình lớn như vậy rất nhọc nhằn. Câu ca dân gian để lại đã phản ánh nỗi gian khổ này:
“ Làng Vạc ăn cỗ ông nghè
Làng Vận, làng Chè kéo đá ông Đăng
Cơm ăn mỗi bữa một năng
Bao giờ kéo đá ông Đăng cho rồi
Cơm ăn mỗi bữa một nồi
Bao giờ kéo đá núi Nhồi cho xong”.
Đông Sơn là mảnh đất đã sinh thành và nuôi dưỡng nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Ngoài những nhân vật kể trên còn có Lê Trắc (Lê Tắc) là quan lại nhà Trần đầu hàng nhà Nguyên, người đã viết “An Nam chí lược” vào năm 1335, bộ sử xưa nhất của nước ta do một cá nhân viết; Nguyễn Chích, làng Vạn Lộc, Đông Ninh, Khai quốc công thần nhà Lê trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Nguyễn Mộng Tuân, làng Viên Khê, Đông Anh đậu Thái học sinh đời Trần, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, về sau giữ chức Tả nạp ngôn tước Vinh Lộc đại phu; Lê Hy, làng Thạch Khê đậu Tiến sĩ, giữ chức Tham tụng tước Sách Quận công, ông còn là nhà sử học tác giả “Đại Việt Sử ký toàn thư” đời vua Lê Gia Tông (1692).
Đông Sơn còn là vùng đất học nổi tiếng, nơi xuất hiện nhiều bậc đại nho lừng lẫy của nho học nước nhà. Dân gian Thanh Hóa vẫn lưu truyền câu; “Thi Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”, “Đông Sơn tứ Bôn, Hoằng Hóa lưỡng Bột” để ca ngợi vùng đất khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt. Tứ Bôn là 4 làng thuộc Cổ Bôn xưa: Ngọc Tích, Phúc Triền, Kim Bôi, Quỳnh Bôi nơi có nhiều vị đại khoa. Bia văn chỉ huyện Đông Sơn dựng thời Thành Thái 1904 tại làng Vèn (Viện Giang), Đông Tân đã ghi lại các vị hiền tài Đông Sơn tại 27 khoa thi từ khoa Đinh Tỵ thời Trần Thái Tông (năm 1247) đến khoa Giáp Thìn thời Thiệu Trị (năm 1844) có 47 vị đỗ đại khoa. Có những khoa thi có tới 6 vị là người Đông Sơn đỗ đại khoa như khoa thi Bính Thìn thời vua Lê Hy Tông (năm 1676). Có thể kể đến các bậc khoa bảng đỗ đạt cao người Đông Sơn được giới nho học cả nước biết đến như: Nguyễn Mộng Tuân, Lưu Ngạn Quang, Thiều Quý Linh, Ngô Văn Thông, Nguyễn Nghi, Nguyễn Văn Lễ, Lê Khả Trù, Nguyễn Thế Khanh, Cao Cử, Lê Vinh, Lại Đăng Tiến, Lê Liêu, Lê Hy, Thiều Sĩ Lâm, Lê Khả Trinh, Lê Dị Tài, Trần Bá Tân, Lê Thế Thứ…
Nếu Hoằng Hóa có làng khoa bảng Hoằng Lộc là lưỡng Bột (Bột Thượng, Bột Thái), thì Đông Sơn có làng khoa bảng Đông Thanh, Cổ Bôn xưa. Cổ Bôn là làng cổ, tên gọi thời xa xưa là Bồ Lồ trang, sau gọi là Kẻ Bôn. Đến thời Nguyễn gọi là Tứ xã Bôn gồm 4 xã là Phúc Thọ (Phúc Triền), Ngọc Bôi (Kim Bôi), Ngọc Đôi ( Ngọc Tích) và Quỳnh Đôi. Là làng cổ thuộc đồng bằng sông Mã, sông Chu, làng Cổ Bôn được người dân nơi đây tự hào: “Có đâu bằng phong cảnh Cổ Bôn ta/Trải bốn mùa đàn độc xướng ca/ Kể trong trấn Thanh Hoa là đệ nhất”. Nơi đây còn lưu lại những câu ca ca ngợi vùng dất trù phú này;
"Đất Trang Bôn hữu tình sơn thủy
Núi Quỳnh Đôi như lũy trường thành
Bốn mùa hoa trái tươi xanh
Sông Bôn uốn khúc vây quanh trước làng
Cảnh đẹp nhất dưới giang, trên chợ
Việc giao thông thủy lợi trên đường
Người trông cảnh cũng yêu thương
Cảnh trông người cũng vấn vương tơ lòng”
(Khảo sát văn hóa truyền thống làng Cổ Bôn,
Trần Thị Liên – Phạm Minh Trị, NXB KHXH, HN 2005, tr12).
Không chỉ là làng quê phong cảnh hữu tình, giao thương phát triển, xóm làng trù mật, phong tục thuần hậu, Cổ Bôn còn coi trọng việc học, có nhiều phong tục tốt đẹp đề cao việc học và tôn vinh người đỗ đạt. Trong lễ hội làng tổ chức hàng năm có lễ Triều quan, vào ngày 2 tết Nguyên đán. Tại lễ này các vị trong Hội Tư văn tứ xã Bôn làm lễ đức Khổng Tử và Thất thập nhị hiền sau đó đến các gia đình các vị khoa bảng, các vị được phong tước và những người có tài đức để làm lễ tưởng niệm. Cổ Bôn còn có lễ khảo học trò vào ngày 16 tháng giêng hàng năm. Những học trò tham dự góp tiền gạo ăn “cỗ đồng môn” tại nhà thầy dạy học và làm bài khảo thí do Hội Tư văn ra đề thi. Nếu học trò nào đủ 18 tuổi và đỗ đầu lễ khảo sẽ được vào Hội Tư văn của làng trong năm đó. Trong những dịp lễ lớn của làng, ngay việc xếp ngồi tại đình làng cũng đề cao việc học, coi trọng người đỗ đạt. Hương ước của làng quy định: người đỗ đại khoa và các cụ trên 80 tuổi trở lên, mỗi người ngồi một chiếu; người đỗ cử nhân và các cụ 70 tuổi trở lên, ba người ngồi một chiếu; người đỗ tú tài và các cụ 60 tuổi trở lên bốn người ngồi một chiếu. Theo sử ghi chép lại và tên tuổi ghi tại bia Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cổ Bôn có 8/ 18 người của huyện Đông Sơn đỗ Đại khoa. Đó là Nguyễn Văn Nghi đỗ Nhất giáp chế khoa (Bảng Nhãn) năm 1554, Nguyễn Văn Lễ đỗ Hoàng Giáp năm 1602, Lưu Ngạn Quang đỗ Hoàng Giáp năm 1481, Lê Khả Trù đỗ Tiến sĩ năm 1628, Cao Cử đỗ Tiến sĩ năm 1646, Thiều Sĩ Lâm đỗ Thám Hoa năm 1670, Lê Khả Trinh đỗ Tiến sĩ năm 1676 và Lê Thế Thứ đỗ Phó Bảng năm 1844.
Không chỉ là tiểu vùng văn hoá xứ Thanh, Đông Sơn còn là mảnh đất cách mạng. Tại làng Hàm Hạ, ngày 25/6/1930 Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ Thanh Hoá được thành lập. Đông Sơn còn là vùng đất sinh ra và nuôi dưỡng người con ưu tú của đất nước ta, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đứng đầu Đảng ta. Những ai có dịp gần gũi tiếp chuyện ông có thể thấy ông là con người tình cảm, giản dị, nhân ái và tầm văn hoá cao. Phải chăng từ vùng đất Đông Sơn giàu có về văn hoá đã hun đúc tâm hồn và tình cảm để có một TBT Đảng nhưng chân chất lão thực như vậy!
Là vùng đất cổ nằm trong lưu vực đồng bằng sông Mã, sông Chu, qua hàng ngàn năm chống chọi với thiên nhiên và giặc dã để tồn tại, Đông Sơn có bề dày văn hóa làng xã với sự sáng tạo rất phong phú và đa dạng của cư dân nông nghiệp nơi đây. Nói đến Đông Sơn là nói đến vùng đất có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất là Trò Rủn, Trò Bôn và Dân ca Đông Anh, những đặc sản văn hóa hết sức độc đáo trong bức tranh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh.
Trò Rủn ở 9 làng của Kẻ Rủn xưa là: Viên Khê, Đoài Xá, Xuân Lưu, Cao Thôn, Phúc Hậu, Phù Lưu, Viễn Dương, Mao Xá, Đại Nẫm (thuộc các xã Đông Thịnh, Đông Xuân và Đông Anh ngày nay). Trò Rủn thường được tổ chức diễn xướng 3 năm một lần tại các kỳ hội tế ở nghè Sâm thuộc xã Đông Xuân. Trò Rủn gồm 11 trò độc lập, đó là trò Xiêm Thành, trò Múa đèn, trò Tô Vũ, trò Tiên Cuội, trò Trống mõ, trò Hà Lan, trò Thiếp, trò Thủy, trò Ngô, trò Hùm (trò Văn Vương) và trò Tú Huần. Đã thành lệ, 9 làng thuộc Kẻ Rủn cứ 1 năm luyện trò, một năm tuyển trò và vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì kéo về Hội tế. Cuộc thi trò diễn ra sôi nổi giữa 9 làng để chọn ra trò nào giải nhất thì làng đó là chủ lễ trong lễ hội nghè Sâm năm đó. Nhân dân trong vùng có câu ca nói về tục lệ diễn trò:
Ba năm một khóa trò lề
Lấy chồng hàng tổng thì về mà coi
Ba năm một khóa trò chơi
Đông, Tây, Nam, Bắc cũng mời về quê”.
Xứ Thanh có câu phương ngữ “Pháo Ngò – Trò Bôn” là nói về trò Bôn gồm trò Tiên Cuội (Tiên Phường), trò Ngô (Ngô Phường), trò Thủy (Thủy Phường), trò Hòa Lan (Lan Phường), trò Lăng Ba Khúc và Đấu cờ người. Kẻ Bôn rất gần Kẻ Rủn nên hệ thống trò giống nhau về tên trò, tích trò nhưng nội dung diễn xướng lại hoàn toàn khác nhau. Việc diễn trò tổ chức vào dịp hội làng, được quy định trong hương ước của làng rất chặt chẽ. Hội đồng Hương lão của làng xem xét đề nghị của làng sau khi nghe nha môn trình báo sẽ quyết định cho diễn trò hay không. Trò Bôn là những trò diễn dân gian được tổ chức vào dịp hội làng vừa làm phong phú đời sống tinh thần của người dân vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đa dạng của cư dân làng xã trên đất Đông Sơn.
Dân ca Đông Anh là 5 loại hình diễn xướng dân gian của cư dân nông nghiệp dưới hình thức dân ca, dân vũ của thôn Viên Khê, xã Đông Anh nên còn gọi là Ngũ trò Viên Khê. Ngũ trò này đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 11/9/2017. Ngũ trò Viên Khê so với các hệ thống trò chơi, trò diễn dân gian ở các địa phương khác đã có bước phát triển, tiếp cận với hình thức nghệ thuật sân khấu, có tích trò và kịch bản nên được gọi phổ biến là dân ca, dân vũ Đông Anh. Trong ngũ trò Viên Khê thì tổ khúc múa đèn (còn gọi là trò múa đèn) gồm 10 bài là diễn xướng hết sức độc đáo phản ánh sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Hình thức diễn và xướng (múa và hát) với đạo cụ là các đĩa đèn dầu lạc đội trên đầu của các cô gái có ngoại hình đẹp, giọng hát hay, múa khéo léo để không tắt đèn hoặc đổ đèn đã thực sự là hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian đỉnh cao nơi đây. Với 10 bài hát múa phản ánh lịch tiết nông nghiệp, mô phỏng cảnh sinh hoạt, lao động hàng ngày của người nông dân một cách đầy màu sắc vừa dung dị vừa lãng mạn. Đó là các tiết mục: thắp đèn, luống bông luống đậu, vãi mạ, chẻ lạt đan lờ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt cửi, xe chỉ vá may, đi gặt. Có thể nói múa đèn Đông Anh là khúc ca lao động, khúc hát giao tình, điệu múa giao hòa với thiên nhiên nói lên khát vọng yêu đương, sinh sôi nảy nở, đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp.
Như một điềm báo trước, khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xóa bỏ cấp huyện của cả nước, huyện Đông Sơn đã không còn trước đó 6 tháng, sau khi sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa. Năm 2000 huyện Đông Sơn có 20 xã và thị trấn, đến nay còn lại 3 phường Đông Sơn, Đông Quang và Đông Tiến. Dẫu không còn huyện Đông Sơn nhưng vẫn còn đó những tên đất, tên làng như làng Rủn, Bôn, Đông Phố, Viên Khê…, vẫn còn đó hồn đất, hồn người của vùng đất nhiều danh nhân, lắm di sản này. Và, số phận huyện Đông Sơn có long đong như người phụ nữ mẫn tiệp, tài hoa dẫu "thác là thể phách, còn là tinh anh”, vẫn còn đó những giá trị văn hóa để lại cho muôn đời. Văn hóa còn, dân tộc còn, quê hương làng xóm sẽ còn. Huyện Đông Sơn không còn nhưng những giá trị văn hoá của vùng đất này mãi trường tồn. Như nàng Vọng Phu ngóng chồng vò võ trên đỉnh núi Nhồi đã hàng bao nhiêu năm vẫn còn đó để chúng ta hy vọng về ngày mai tươi sáng.
PS: Vọng Phu trên Núi Nhồi (núi An Hoạch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét