XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2025

HUYỆN TĨNH GIA

Cách đây gần 5 năm, sáng ngày 1/6/2020, sau một đêm ngủ dậy, tất cả dân huyện Tĩnh Gia bỗng trở thành dân Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bởi Nghị quyết số: 933/NQ-UBTVQH14, ngày 22/4/2020 của Uy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn.
Cùng với nỗi luyến tiếc, hoài niệm cái tên Tĩnh Gia đã gắn bó bao năm không còn nữa, thì niềm hãnh diện âm ỉ thành dân phố, dân phường cũng làm cho bao người mát mặt, tự hào.
Sinh ra, lớn lên ở đất Tĩnh Gia, không biết do quán tính của thói quen hay là người hoài cổ, mỗi khi được hỏi về quê quán, bao giờ tôi cũng buộc miệng, Tĩnh Gia, rồi sau đó nói thêm, bây giờ là thị xã Nghi Sơn. Thậm chí khi có việc phải kê khai giấy tờ cũng hay ghi nhầm nơi sinh là Tĩnh Gia.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang! Công cuộc “cách mạng về tinh gọn bộ máy”, trong đó có việc “không tổ chức cấp huyện” đã kết thúc vai trò của thị xã, đơn vị tương đương cấp huyện. Cả nước đang hừng hực không khí tinh và gọn long trời lở đất “sắp xếp lại giang sơn”. Không chỉ cái tên Tĩnh Gia bị xóa sổ, ngay thị xã Nghi Sơn cũng thành yểu mệnh.
Để cho cái tên Tĩnh Gia không trở thành vô tăm tích, xin lưu lại đây những thông tin về quê hương bản quán, nơi chôn rau cắt rốn, vùng đất nghèo khó Nam Thanh - Bắc Nghệ, quê mình.
1. Phủ Tĩnh Gia
Địa danh Tĩnh Gia có từ bao giờ, do ai đặt cho, đến nay chưa tìm được sử liệu nào tin cậy. Theo sử cũ, năm Thiệu Bình thứ 2 (đời vua Lê Thái Tông - 1435) nhà Hậu Lê, Tĩnh Gia là một trong sáu phủ (Tĩnh Gia, Thiệu Thiên, Hà Trung, Thanh Đô, Trường Yên, Thiên Quan) của đạo Hải Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa).
Đến năm Quang Thuận thứ 10 (đời vua Lê Thánh Tông - 1469), Thanh Hóa được đổi thành Thanh Hoa thừa tuyên (sau đổi thành Xứ), trong đó có phủ Thanh Ninh bao gồm 3 huyện Ngọc Sơn, Nông Cống và Quảng Xương.
Đến thời Lê Trung hưng, vì kiêng húy Trang Tông Lê Duy Ninh (1533-1548), đổi là phủ Tĩnh Giang. Sau lại kiêng húy chúa Trịnh Giang (1729-1740), đổi thành Tĩnh Gia.
Đến năm 1838, dưới thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng đã lập phủ Tĩnh Gia gồm 3 huyện Ngọc Sơn, Quảng Xương và Nông Cống (bao gồm một phần Như Xuân).
Đến tháng 3/1948, cấp hành chính Phủ được bãi bỏ, phủ Tĩnh Gia được chia thành các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Như Xuân và sau này thêm Như Thanh (1996).
Về địa giới hành chính, theo Đồng Khánh địa dư chí, phủ Tĩnh Gia phía đông giáp biển, phía tây giáp huyện Lôi Dương -phủ Thọ Xuân và huyện Nghĩa Đường (Nghĩa Đàn) tỉnh Nghệ An, phía nam giáp huyện Quỳnh Lưu -tỉnh Nghệ An, phía bắc giáp huyện Đông Sơn -phủ Thiệu Hóa và huyện Hoằng Hóa -phủ Hà Trung.
Về đơn vị hành chính, dưới thời nhà Nguyễn, phủ Tĩnh Gia có 3 huyện được chia thành 23 Tổng. Huyện Ngọc Sơn 7 tổng, huyện Quảng Xương 4 tổng, huyện Nông Cống 12 tổng.
Theo Đồng Khánh địa dư chí “ Trong phủ người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ, đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Hai huyện Ngọc Sơn, Quảng Xương gần biển, huyện Nông Cống gần rừng. Dân gần biển phần nhiều sống bằng nghề đánh cá. Dân gần rừng phần nhiều làm nghề đốn củi. Việc cưới xin tang ma, thờ cúng không xa hoa cũng không hà tiện quá. Dân chúng phần nhiều quê mùa chất phác, ít có nơi được văn nhã phồn hoa.”
2. Huyện Ngọc Sơn
Ngọc Sơn là một trong 3 huyện thuộc phủ Tĩnh Gia, là nơi đặt trung tâm phủ lỵ. Huyện có 7 tổng, gồm 251 xã, thôn, phường, giáp, trang. Đó là tổng Liên Trì có 39 xã, thôn; tổng Văn Trinh có 27 xã, thôn; tổng Ngọc Đới có 30 xã, thôn; tổng Yên Thái có 47 xã, thôn, trang; tổng Vân Trai có 31 xã, thôn, giáp, tộc; tổng Tuần La có 34 xã, thôn, phường, giáp; tổng Văn Trường có có 43 xã, thôn, giáp.
Theo Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, huyện Ngọc Sơn “Đời cổ gọi là Cổ Chiến huyện (theo Thủy Kinh chú: Người Giao Châu cùng người Lâm Âp đánh nhau to ở vụng Cổ Chiến, thuộc về Cửu Chân, tức nơi này)”. Lâm Âp là vương quốc cổ, tồn tại khoảng từ năm 192 đến năm 605 với lãnh thổ là vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Như vậy, từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên cho đến thời Trần, tên huyện là Cổ Chiến.
Đến thời thuộc Minh đổi tên thành huyện Cổ Bình, thuộc châu Cửu Chân. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đổi là huyện Ngọc Sơn thuộc phủ Thanh Ninh (sau đổi thành phủ Tĩnh Gia). Đến năm 1948 bỏ cấp phủ, huyện Ngọc Sơn đổi thành huyện Tĩnh Gia.
Về tên huyện là Ngọc Sơn có truyền thuyết như sau. Tại xã Liên Xá, phía tây huyện hạt có núi Biếm Sơn. Tương truyền dưới núi có tảng đá tròn nhô lên bờ nước. Xưa có thuyền buôn nước ngoài tới đây, ban đêm thấy trên tảng đá có ánh sáng lóe lên như ánh ngọc, bèn lấy viên ngọc của mình ra để dụ, không ngờ chính viên ngọc ấy bị hút mất luôn. Từ đó, ban đêm dân làng thường thấy đôi ngọc lóe sáng, trông như dáng con chim bay từ núi Biếm Sơn ra núi My Sơn ở ngoài biển, đến sáng mới bay về. Người trong làng thấy ngọc bay được nên gọi là Ngọc Cưu.
(Ngọc Cưu là ngọc hình con chim cưu, loài chim trong tác phẩm Kinh Thi của Trung Quốc. “Quan quan thư cưu/Tại hà chi châu/Yiểu điệu thục nữ/Quân tử hảo cầu”. (Đôi chim thư cưu (uyên ương) hót họa nghe quan quan/ ở trên cồn bên sông/Người thục nữ u nhàn/Người quân tử mong cầu duyên).
Khoảng năm Quang Thuận (1460-1469), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây, ban đêm thấy ngọc bay lên, bèn lập đàn cầu thỉnh, rồi sai thợ ngọc mài sửa. Nhưng do ngọc quá cứng bèn sai châm lửa đốt thì nghe âm vang văng vẳng phát ra, không có đao búa nào chặt xuống làm vỡ ngọc được. Vua cho rằng đó là do linh khí núi sông chung đúc nên, bèn cho đổi tên huyện là Ngọc Sơn.
Về phong tục huyện Ngọc Sơn, người làm ruộng và đi học nhiều, người làm thợ và đi buôn không nhiều mấy. Người dân ở gần núi thì làm nghề đốn củi, gần biển thì làm nghề đánh cá. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng vừa phảI, không xa xỉ, không hà tiện. Quần áo ăn mặc thì có phần tiết kiệm. Có lẽ vì vùng đất này cằn cỗi, dân nghèo cho nên tục ở đây còn quê mùa chất phác. Về sản vật thì nhiều lúa mùa, ít lúa chiêm. Gần núi dân trồng nhiều chè xanh, gần biển có tôm cá mắm muối.
Huyện Ngọc Sơn có núi Long Cương gắn với vị công thần bậc nhất của triều Nguyễn là Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ. Thuở còn hàn vi Đào Duy Từ dựng lều, đọc sách trên núi này, nhân đó làm bài Long Cương khúc để nói lên cái chí của mình. Người đời sau gọi đó là bài Ngọa Long Cương vãn nổi tiếng. Trong đó có những câu nói lên cảnh cơ hàn thuở bất đắc chí: “Tri âm những đấng khách hằng/ Trúc tùng bầu bạn, mây dăng láng giềng/ Đất lành cấu khí linh thiêng/ Một bầu thế giới thiên nhiên hữu tình/ Lâm tuyền trong có thị thành/ Phàm trần tựa ít, cảnh thanh thêm nhiều/ Thú vui bốn thú thêm yêu/ Kìa ngư, nọ mục, ấy tiều, này canh”.
Huyện Ngọc Sơn còn có địa danh mà hầu như mọi giáo dân Thiên chúa giáo đều biết đó là Cửa Bạng. Trong cuốn Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của giáo sĩ Alexandre De Rhodes đã ghi ngày đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam là 19/3/1627 tại Cửa Bạng (cửa Lạch Bạng - Ba làng -Hải Thanh -Tĩnh Gia). Ngày 19/3/1627 chính là ngày thánh Giuse. Do đó, thánh Giuse đã được Giáo hội Việt Nam nhận làm Đấng bảo trợ cho mình và nhà thờ Chính tòa Hà Nội là nhà thờ kính thánh Giuse bổn mạng Giáo hội Việt Nam.
Theo Đồng Khánh địa dư chí thì vào thời nhà Nguyễn quê hương của người viết tút này thuộc thôn Đại Thủy, xã Tuần La Thái, Tổng Tuần La. (nay là tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm). Quê Ngoại là thôn An Lạc, xã Phấn Tỉnh, tổng Tuần La (nay là tổ dân phố Giảng Tín, phường Trúc Lâm).

PS: Quyết định của triều đình do Tổng đốc TH bổ nhiệm ông cố bên ngoại làm Bổ thụ dịch thừa trạm Thanh Khoa

Theo fb của bác Giang Chu, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh đã đưa ra “công thức vàng” để tiến hành các bước nghiên cứu Sử học là: “ Tầm tư liệu - Lọc sử liệu -Hạch sử liệu -Dựng lại toàn bích -Đưa ra phán đoán”. Đối với bậc sư biểu nghiêm cẩn như cụ Thượng Chi thì tuân thủ nghiêm ngặt như vậy. Còn mình viết fb kiểu amater, biết đâu nói đấy tùy thông tin có được, chủ yếu là tầm và lọc thôi, còn chưa đạt đến tầm hạch, dựng và phán đoán.
Vì vậy, ở phần huyện Ngọc Sơn trong tút TĨNH GIA tưởng là kết thúc để chuyển sang phần huyện Tĩnh Gia, nhưng lại phải dừng lại bổ sung thêm nội dung về huyện Ngọc Sơn.
Về tên huyện, theo sách Việt Nam thế kỷ X -Những mảnh vỡ lịch sử của Trần Trọng Dương và Địa chí Thanh Hóa, tập I, thời thuộc Hán là phần đất đông nam huyện Cư Phong; đến thời Tam Quốc là huyện Thường Lạc; thời Tùy Đường là huyện An Thuận; rồi mới đến Cổ Chiến, “thời thuộc Minh là Cổ Bình, về sau là huyện Kết Thuế thuộc châu Cửu Chân, lệ vào phủ Thanh Hóa. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông mới đặt tên là huyện Ngọc Sơn do phủ Tĩnh Ninh kiêm lý” (Đại Nam nhất thống chí). Như vậy, TX Nghi Sơn ngày nay là đơn vị hành chính cấp huyện được xác định danh xưng rất sớm và khá nhiều lần đổi tên.
Về tên huyện Ngọc Sơn do vua Lê Thánh Tông đặt cho từ truyền thuyết tìm thấy ngọc quý tại núi Biếm (Biếm Sơn). Biếm Sơn (Đại Nam nhất thống chí gọi là núi Liên Xá), nay gọi là núi Bợm, nằm trên địa bàn hai phường Tân Dân và Hải An (TX Nghi Sơn). Tên dân gian gọi là núi Bợm xuất phát từ truyền thuyết núi có hòn ngọc mái đã dụ được hòn ngọc trống (!) của khách buôn nước ngoài, nên được khen là bợm (giỏi, tinh quái).
Ngoài núi Bợm gắn với tên huyện Ngọc Sơn, núi Long Cương gắn với danh nhân Đào Duy Từ, TX Nghi Sơn còn có một ngọn núi khác cũng nổi tiếng, đó là núi Am Các, trên núi có chùa Am Các gắn với vị Tăng thống đầu tiên của nước ta -Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933-1011). Tên gọi Am Các lần đầu xuất hiện trong Vân Đài loại ngữ (1773) của Lê Quý Đôn: “Chè ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay nóng, tên là chè đắng. Nay xét mấy ngọn núi Am Thiền, Am Giới, Am Các ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa đều sản xuất thứ chè ấy, mọc xanh um đầy rừng. Thổ dân háI lá chè, đem về giã nát ra, phơI trong sân, khi khô, đun nấu nước uống, tính hàn, uống vào mát tim, phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhụy chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên. Có một làng mang tên Vân Trai, giáp Bạng thượng chuyên nghề làm chè giã nát để bán, gọi là chè bạng”. Ngay trong dân gian còn truyền tụng câu ca dao: “Bồng Lai Am Các chè tiên/Trai xa được vợ, gái quen được chồng”. Núi Am Các có hình thế quanh co gồm 9 ngọn, trên núi có bàn cờ tiên, đặc biệt còn dấu tích nền móng ngôi chùa rất lớn từng tọa lạc ở đây. Nhà báo Xuân Ba đã có bài viết “Vọng quốc sư-tăng thống đầu tiên của Việt Nam” đã cho rằng chùa Am Các chính là nơi trụ trì và sau này là nơi thờ Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu. Núi Am Các hiện nay nằm ở xã Định Hải, TX Nghi Sơn. Qua kết quả khai quật KCH năm 2018 đã khẳng định chùa Am Các đã hình thành và phát triển từ thời Trần đến Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn. Với chùa Am Các trên đỉnh núi Am các chứng tỏ Phật Giáo đã xuất hiện ở vùng đất này khá sớm, và chùa Am Các là một trong những trung tâm Phật giáo của vùng Nam Thanh -Bắc Nghệ. Qua kết quả khai quật KCH, chùa Am Các được xem là quần thể công trình Phật giáo lớn và cổ xưa bậc nhất xứ Thanh.
Ngoài các ngọn núi, huyện Ngọc Sơn có các con sông chảy qua như sông Lạch Bạng, sông Yên làm ranh giới với huyện Quảng Xương, sông cầu Đáy.
Về các danh nhân nổi tiếng có Ngô Chân Lưu, Đào Duy Từ, Lương Chí…
PS: Hình tượng Phật tọa trên tòa sen khắc trên đá tại núi Am Các.


3. Huyện Tĩnh Gia
Nằm ở cực Nam tỉnh Thanh Hoá, là vùng đất Nam Thanh - Bắc Nghệ, Tĩnh Gia như hình ảnh của tỉnh Thanh Hoá thu nhỏ. Tĩnh Gia có miền núi, đồng bằng, vùng bán sơn địa, miền biển và hải đảo. Ngoài các xã đồng bằng, ven biển, bãi ngang, Tĩnh Gia còn có 4 xã miền núi có đồng bào Thái, Thổ cư trú.
Tháng 3/1948, Chủ tịch Nước ban hành Sắc lệnh 148/SL bãi bỏ Phủ, Châu, Quận, huyện Ngọc Sơn kiêm lý Phủ Tĩnh Gia được đổi thành huyện Tĩnh Gia.
Đến năm 1965 cắt tam Tượng, tứ Trường (Tượng Văn, Tượng Lĩnh, Tượng Sơn, Trường Giang, Trường Minh, Trường, Trường Trung, Trường Sơn) nhập vào huyện Nông Cống.
Từ ngày thành lập (1948) đến lúc nâng đời thành Thị xã Nghi Sơn (2020), tên huyện Tĩnh Gia có thời gian tồn tại là 72 năm. Thị xã Nghi Sơn thành lập năm 2020. Với chủ trương “xóa bỏ cấp huyện”, chắc chắn tuổi đời của Thị xã Nghi Sơn chỉ còn được tính bằng tháng.
Do điều kiện tự nhiên khá đặc biệt nên thiên nhiên ban tặng cho Tĩnh Gia nhiều sản vật có giá trị, cả dưới biển, trong đồng, trên rừng .
Về hải sản, có thể nói cá, tôm, mực, cua Tĩnh Gia thuộc loại ngon nhất của Việt Nam. Có lẽ do bờ biển nông, lưu vực sông Bạng, sông Ghép thủy sinh nhiều nên hải sản Tĩnh Gia thơm và béo. Không chỉ hải sản có giá trị cao, ngay những loại “bình dân” cũng có hương vị đặc biệt. Những năm bao cấp, cả nước khó khăn, từng chai nước mắm phải mua bằng tem phiếu nhưng dân Tĩnh Gia không bao giờ thiếu cá. Tuổi thơ tôi vẫn nhớ, hàng ngày “dân kẻ bể” vẫn đi vào các làng vùng đồng bán rong cá, mắm, ruốc… Nhà nào không có tiền thì đổi lúa, ngô, khoai. Không có thì mua chịu, đến mùa sẽ trả. Nhiều nhà nghèo không có gạo, phải ăn khoai với cá là thường. Bây giờ Thị xã có lễ lạt mời khách quý thì trong mâm tiệc đón khách không thiếu món “đặc sản” là cá trích rán vàng, cắn ngang nhai vừa giòn vừa thơm. Tôi có những bạn là dân gốc Hà Nội sành ăn, đã món bún đậu thì cứ phải mắm tôm Ba Làng chính gốc mới chịu. Nước mắm Ba Làng bây giờ cũng là thương hiệu nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa thích.
Tĩnh Gia còn nổi tiếng về đất khoai, lạc. Ông anh đồng hương Hồ Đình Chinh còm bài về huyện Ngọc Sơn đã ngẫu hứng, “huyện Tĩnh Khoai, nhiều khoai và lạc lắm”
. Có lẽ cái đất cát pha ven biển gần núi của Tĩnh Gia đã tạo nên hương vị thơm, bở, bùi của củ khoai, hạt lạc nơi đây. Tôi đã có dịp đi nhiều vùng đất, ăn khoai, lạc của cả Bắc - Nam, nhưng với tất cả sự khiêm tốn của người Tĩnh Gia, tôi có thể khẳng định, Khoai và Lạc Tĩnh Gia thứ hai thì không ai là chủ nhật
Ngày tôi còn nhỏ ngay sau nhà tôi là những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, quanh năm thâm u, thác nước ồ ồ vọng về không dứt. Mẹ tôi kể, khi về làm dâu nhà ông bà tôi còn phải giúp nhau gặt lúa sớm để voi, khỉ không xuống đồng phá lúa. Khi lớn lên đi học thì tuổi thơ tôi gắn liền với rừng núi. Đi lên núi thồ gọc, lấy vầu nứa, lấy củi, … là những công việc thường xuyên. Tất nhiên, đó là những hình ảnh trong quá khứ. Việc khai thác vô tội vạ đã làm cho rừng chỉ còn núi trọc. Những năm gần đây rừng tái sinh đã lên xanh do thay đổi thói quen dùng cây củi làm chất đốt.
Do địa hình Tĩnh Gia có các dãy núi chạy ra sát biển nên tuyến quốc lộ 1A và đường sắt gần nhau. Vì vậy, trong chiến tranh phá hoại miền Băc, Tĩnh Gia trở thành vùng “cán xoong”, là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Những cầu, phà như phà Ghép, cầu Hổ, cầu Vằng, cầu Lau, cầu Tây… hầu như không ngày nào không có bom rơi. Tuổi thơ tôi đêm nằm hầm nghe pháo kích từ hạm đội 7 bắn vào đất liền rít qua đầu là cơm bữa. Làng tôi thường xuyên cháy nhà, chết người vì bom tọa độ bắn phá cầu đường rơi vào làng. Có gia đình sáng sớm mẹ dậy nấu cơm bom rơi trúng hầm. Mẹ sống nhưng mấy đứa con ngủ trong hầm không còn gì. Anh em tôi có tối ngồi ăn cơm bỗng nghe tiếng rít chói tai của máy bay phản lực, chưa kịp đứng lên chạy vào hầm thì bom đã nổ, mảnh bom cắm phầm phập và mái nhà và rơi chát chúa xuống sân gạch, chỉ cách chõng cơm vài m.
Tĩnh Gia trước đây, thị xã Nghi Sơn ngày nay, dù có khoác bộ cánh thị xã hoặc mai kia chỉ còn các xã, thị trấn nhưng vẫn còn đất ấy, người ấy. Những đứa con xa quê, lớn lên nhờ củ khoai hạt lạc, vẫn đau đáu nỗi niềm thương nhớ. Bởi vì Tĩnh Gia không chỉ là một cái tên, một địa danh để xác định trên bản đồ hành chính. Tĩnh Gia là quê hương, là một phần đời đẹp nhất của tôi cũng như của nhiều người cùng quê.
Mỗi lần về quê người cứ như say
Ta chợt nhận ra một điều mới lạ
Dẫu có già chốn thị thành phố xá
Về quê mình bỗng hóa trẻ thơ!

Ngo Hoai Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét