XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

HUYỆN YÊN ĐỊNH

(Viết trước ngày giải thể huyện)

Trong quãng thời gian gần 10 năm (2002 – 2011) công tác ở ngành Văn Hóa Thanh Hóa tôi có nhiều kỷ niệm với huyện Yên Định, trong đó có những sự kiện như một cái duyên thủy chung, nơi bắt đầu và khi kết thúc.
Từ huyện Ngọc Lặc, tôi về nhận nhiệm vụ tại Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa vào tháng 2/2002, ngay trước Tết Nhâm Ngọ. Sau tết, chuyến công tác đầu tiên của tôi trên cương vị mới là về huyện Yên Định để trao quyết định của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Núi và Đền Đồng Cổ là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Và, vào cuối năm 2010, trước khi chuyển công tác ra Hà Nội, tôi về huyện Yên Định cắt băng khánh thành tôn tạo di tích Đền Đồng Cổ. Đây là công trình tôn tạo từ nguồn vốn 1000 năm Thăng Long Hà Nội, công trình cuối cùng tôi có trách nhiệm là chủ đầu tư, quản lý về di sản trên đất Thanh Hóa.
Huyện Yên Định xưa thuộc phủ Thiệu Hóa. “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về phủ Thiệu Hóa: “Nguyên xưa là đất của quận Cửu Chân. Hồi Minh thuộc (1414) là đất thuộc phủ Thanh Hóa. Đời Quang Thuận triều Lê mới đặt ra phủ Thiệu Thiên, thuộc vào Thanh Hóa thừa tuyên, vì đó là đất phát tích của nhà Lê cho nên mới đặt tên ấy. Năm 14 đời Gia Long triều Nguyễn (1815) mới đổi ra tên bây giờ ( phủ Thiệu Hóa)”.
Cũng “Đại Nam nhất thống chí”, chép: “Huyện Yên Định ở phía tây bắc Phủ. Đông sang tây dài 47 dặm, nam sang bắc rộng 20 dặm. Phía đông giáp huyện Thụy Nguyên và huyện Mỹ Hóa thuộc phủ Hà Trung; phía tây giáp huyện Cẩm Thủy thuộc phủ Quảng Hóa; phía nam tiếp huyện Thụy Nguyên; phía bắc liền huyện Vĩnh Lộc thuộc phủ Quảng Hóa. Thời thuộc Tùy gọi là huyện Quân An. Năm Chí Đức đời Đường (700) đổi thành Quân Ninh thuộc vào Cửu Chân. Hồi Minh thuộc đổi tên này và cho thuộc vào phủ Thanh Hóa. Năm Quang Thuận triều Lê cho sang thuộc phủ bây giờ (Thiệu Hóa). Đến triều Nguyễn vẫn để tên như cũ. Hiện lãnh 8 tổng, 108 xã thôn”.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí” về cơ bản ghi chép về huyện Yên Định như trong “Đại Nam nhất thống chí”. Chỉ có khác là tên Yên Định được đặt vào cuối đời Trần, đến thời thuộc Minh vẫn giữ nguyên (có lẽ điều này phù hợp hơn). Trong “Địa chí Thanh Hóa” có ghi: “Thời Trần, Hồ, huyện Quân Ninh chia làm hai huyện lấy tên là huyện Lương Giang và huyện Yên Định nằm trong trấn Thanh Đô. Tên huyện Yên Định (hay An Định) có từ đây... Từ năm Thành Thái thứ 12 (1900), cấp phủ bị xóa, huyện Yên Định trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Thanh Hóa”. Huyện Yên Định có 8 tổng, đó là: tổng Yên Định có 8 xã, thôn; tổng Đan Nê có 17 xã, thôn, trang; tổng Đa Lộc có 10 xã, thôn, trang; tổng Trịnh Xá có 12 xã, thôn, phường; tổng Bái Châu có 16 xã, thôn, trang; tổng Khoái Lạc có 9 xã, thôn; tổng Đông Lý có 25 xã, thôn, trang, làng; tổng Hải Quật có 11 xã, thôn.
Như vậy, so với các huyện của tỉnh Thanh Hóa, danh xưng Yên Định (An Định) xuất hiện rất sớm và hầu như không thay đổi là đơn vị hành chính cấp huyện.
Về phong tục của huyện, “Đồng Khánh địa dư chí”, chép: “Người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ và đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Các tổng Yên Định, Đa Lộc, Đan Nê, Hải Quật hơi có học, các nơi khác có phần quê mùa chất phác. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng không xa hoa, nhưng cũng không quá hà tiện. Văn từ, văn chỉ, đền thờ thần, chùa thờ Phật thì các hương ấp đều có. Dân phần lớn theo đạo Phật, còn theo Thiên chúa giáo chỉ có ở Bạch Đa, Ngọc Vực, Đan Nê mấy xã gián tòng mà thôi”.
Yên Định là huyện bán sơn địa, địa thế chuyển tiếp từ miền núi xuống đồng bằng, vì vậy Yên Định có núi đá vôi đồ sộ, đồi gò chen chân và đồng bằng trải rộng. Yên Định xưa có 4 con sông chảy qua là sông Mã, sông Cầu Chày (Ngọc Chùy), sông Hép, sông Mạn Định. Sông Mạn Định nay đã lấp, chỉ để lại câu nói “Thượng chí Hón Kiểu, hạ chí Bằng Trình” là nói bắt nguồn từ Kiểu, kết thúc ở làng Bằng Trình (Thiệu Hóa). Yên Định nằm bên hữu ngạn sông Mã, con sông lớn nhất Thanh Hóa, trở thành ranh giới tự nhiên với huyện Vĩnh Lộc, chạy suốt từ đầu đến cuối huyện, kết thúc ở Ngã Ba Bông, nơi sơn quần thủy tụ, “một con gà gáy 6 huyện cùng nghe, 6 làng cùng thức”.
Yên Định là địa bàn cư trú của người tiền sử. Các kết quả khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều công cụ thời đại đá cũ tại núi Nuông (Định Thành), núi Quan Yên (Định Công, Định Tiến) đã cho thấy người Việt cổ đã cư trú ở đây 30 – 40 vạn năm. Rồi các dấu vết và hiện vật phát hiện tại các xã phía tây huyện Yên Định đã khẳng định những chủ nhân của văn hóa Sơn Vi từng chọn Yên Định làm địa bàn cư trú.
So với một số huyện lân cận, Yên Định không nhiều núi cao hùng vĩ, sơn kỳ thủy tú nhưng các danh sơn đều gắn liền với những nhân vật và danh thắng nổi tiếng.
Núi Đồng Cổ và đền Đồng Cổ thuộc thôn Khả Lao, xã Đan Nê, tổng Đan Nê (nay là xã Yên Thọ) nằm bên bờ sông Mã, vừa là thắng tích vừa là di tích. Theo “Tam Thai sơn linh tích”: thần núi Khả Lao nhờ có công giúp vua Hùng Vương dẹp loạn Hồ Tôn nên phong cho thần núi là “Đồng Cổ Đại Vương”. Năm 956, Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành được thần Đồng Cổ báo mộng giúp sức thắng giặc. Khi lên ngôi Hoàng Đế ông đã về đền Đồng Cổ làm lễ tạ thần và để lại câu đối: “Long đình tích hiển Tam Thai lĩnh/ Mã thủy tham lai bán nguyệt hồ (Sông Mã in dấu hồ bán nguyệt/ Đền rồng vết hiện đỉnh Tam Thai). Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi Đồng Cổ có tên nữa là núi Khả Lao…núi nổi lên ba ngọn đá cao thấp liền nhau như hình dáng ba vì sao, nên gọi là núi Tam Thai. Phía tả núi có đền thờ thần, trong đền có một cái trống bằng đồng nặng chừng 100 cân, đường kính khoảng 2 thước, 1 tấc, chiều cao khoảng 1 thước, 5 tấc, một mặt trống rỗng, một mặt có 9 vành tròn, ở giữa mặt trống có cái rốn tròn, xunng quanh lưng trống là hoa văn hình chữ “Vạn”, cạnh có chữ như hình văn tự khoa đẩu. Tương truyền cái trống này chế từ thời Hùng Vương”. Còn Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” ghi : “Núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, có thần núi rất thiêng, thời Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đưa thuyền nghỉ tại bến Trường Châu, thần núi báo mộng xin theo để lập công. Đến khi đánh được nước Chiêm về, Thánh Tông sai dân lập miếu thờ ở kinh sư”.
Núi Đồng Cổ có 3 ngọn là núi Xuân, núi Nghễ và núi Đổng, ở giữa thung lũng núi là Đền Đồng Cổ với Nghi môn cổ kính và hồ Bán nguyệt soi bóng núi và mây trời. Trên sườn núi có quán Triều Thiên, tương truyền là nơi các vị thần về chầu trời. Gần quán Triều Thiên có hang động tự nhiên, trong hang có bệ thờ thần núi, thần sông. Phía bắc sườn núi Xuân có ngôi chùa cổ tương truyền được xây từ thời vua Lý Thái Tổ là chùa Thanh Nguyên (tên nôm là chùa Đông). Phía đông nam của núi Xuân, trên vách núi có 2 tấm bia khắc, một tấm chữ Hán, một tấm chữ Pháp. Dưới núi Nghễ, ngọn núi được sông Mã uốn khúc bao quanh cả mặt bắc và mặt đông có động Trung Vân (còn gọi là hang Mây). Cửa động từ hồ bán nguyệt ăn qua lòng núi thông với sông Mã. Núi Đổng đối diện với núi Xuân và núi Nghễ có động Ích Minh, nơi trở thành xưởng sản xuất vũ khí của công binh xưởng trong kháng chiến chống Pháp. Cùng với cảnh Tam Thai, Đồng Cổ sơn thủy hữu tình là bến Trường Châu, còn gọi là bến Ngự, nơi Hoàng tử Lý Phật Mã neo thuyền ( năm 1020) trên đường chinh phạt Chiêm Thành.
“Đại Nam nhất thống chí’ ghi lại 10 cảnh đẹp của núi Tam Thai là:
1. Xuân sơn tiên động ( Động tiên núi xuân)
2. Ngực lích vân nham (Chòm mây núi thẳm)
3. Cổ miếu lâu đài (Lâu đài miếu cổ)
4. Phạm lâm chung cổ (Chuông trống rừng chùa)
5. San lộc nguyệt trì (Hồ trăng bên núi)
6. Thôn tiền cổ độ (Bến cũ trước làng)
7. Hoành giang mục phố (Thuyền ngư cách bờ)
8. Cách ngạn ngư châu (Thuyền chài cách bến)
9. Thướng há thương phàm (Mành buôn cao thấp)
10.Hiểu tịch thôn thị (Chợ xóm sớm chiều)
Núi và đền Đồng Cổ là thắng cảnh nổi tiếng và di tích thiêng. Do có công giúp bình Chiêm và báo mộng loạn tam vương nên khi lên ngôi vua Lý Thái Tông (tức hoàng tử Lý Phật Mã) đã xuống chiếu phong thần Đồng Cổ là “Thiên hạ minh chủ”, cho lập đền thờ vọng tại kinh thành Thăng Long (nay là phố Thụy Khê, phường Bưởi), hàng năm tổ chức lễ Minh thệ tại đây. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 3 phong tước vương cho thần núi đền Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề…lấy ngày 25 tháng 3, đắp đàn tế ở trong miếu, cắm cờ xí, chỉnh đốn đội ngũ, treo gươm giáo ở trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin các thần linh giết chết!”.
Các thời nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn đều có sắc phong cho thần Đồng Cổ. Nguyễn Quang Bàn, con vua Quang Trung trong một lần nghỉ tại Đan Nê, cầu khấn tại đền Đồng Cổ ứng nghiệm đã cho lập bia cho rằng núi và đền Đồng Cổ là “một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.
Để phục vụ cho việc lập dự án tôn tạo đền Đồng Cổ, năm 2007, Sở Văn Hóa thông tin đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di tích đền Đồng Cổ. Tại đây đã phát lộ lớp văn hóa và mộ táng niên đại Đông Sơn cách ngày nay 2.000 – 2.500 năm. Qua nhiều biến cố thăng trầm, đền Đồng Cổ chỉ hiện còn như một phế tích. Năm 2009 - 2010, Ban Chỉ đạo chương trình 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí để tôn tạo lại đền do có mối liên hệ mật thiết với đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay.
Núi Quan Yên thuộc địa phận xã Định Công, Định Tiến, Định Thành. Thời nhà Tùy, lị sở của huyện Quân An đóng ở nơi này. Núi Quan Yên là quê hương của Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim có ghi: “Triệu Quốc Đạt (anh trai Triệu Thị Trinh) bây giờ là một hào trưởng lớn ở vùng đất Quan Yên mới khởi binnh đánh chiếm Tư Phố, là quận lỵ của quận Cửu Chân (Thanh Hóa). Bà ấy (Bà Triệu) đem quân đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy Bà ấy làm tướng có can đảm tôn lên làm Chủ, khi Bà ấy ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng xưnng là Nhụy Kiều tướng quân”.
Quan Yên còn là quê hương của Khương Công Phụ, người Việt Nam duy nhất đỗ Trạng Nguyên rồi làm Tể tướng Trung Hoa dưới thời nhà Đường. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Giữa nơi nội phẳng , dội lên một cái núi đất, xen lẫn những đá lởm chởm. Sông Mã ôm phía sau, sông Chùy (sông Cầu Chày) quanh phía trước. Là một ngọn núi trấn riêng cho cả huyện và là nơi chôn rau cắt rốn của Trạng nguyên Khương Công Phụ ngày xưa”. Ông quê ở Cẩm Cầu (Hoa Cầu) xã Sơn Ôi, đất Ái Châu xưa, nay là đất Tường Vân, xã Định Thành, “một người có tài lỗi lạc” (Đại Nam nhất thống chí). Mặc dù đất nước đang bị nhà Đường thống trị, ông nuôi chí lớn, chịu khó học hành, vượt biển tới kinh đô Trường An ứng thí. Ông và em trai Khương Công Phục trong kỳ thi của nhà Đường đều đỗ đại khoa năm Canh Tý (784) làm chấn động cả đất Trường An. Dưới thời Đường Đức Tông, do tài năng và có công can gián vua, ông đã được thăng tới chức Gián nghị đại phu, Đồng trung thư môn hạ, Bình chương sự, Tể tướng đương triều. Em ông là Khương Công Phục cũng làm tới chức Lễ bộ Thượng thư nhà Đường. Người đời sau truyền tụng câu đối về anh em ông: “Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa/ Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính” (Trong một triều anh em đỗ cùng khoa/ Sau nghìn năm Trung Quốc – Việt Nam đều kính trọng). Tác phẩm ông để lại đời sau là bài phú “Bạch Vân chiếu xuân hải” (Mây trắng soi biển xuân). Đây là tác phẩm văn chương được coi là mở đầu cho văn học viết nước ta. Năm Cảnh Hưng triều Lê (1740) ông được Triều đình phong làm Thượng đẳng phúc thần và lập đền thờ tại quê nhà. Hiện nay đền thờ ông là di tích cấp Quốc gia, có tấm bia “Khương Tướng công từ bi”, được dựng thời Tự Đức ghi lại việc tu bổ đền thờ ông.
Núi Quan Yên còn gắn với một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Lý là Đào Cam Mộc, người có công lớn đặt nền móng xây dựng vương triều Lý, chấn hưng đất nước. Đào Cam Mộc quê ở làng Lang Thôn, xã Định Tiến. Ông được tuyển dụng làm quan dưới triều Tiền Lê của Lê Hoàn. Về sau do có công cùng sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý, ông trở thành đệ nhất công thần, được phong tước Nghĩa tín hầu, Thái sư trong triều và được vua gả con gái trưởng là Công chúa An Quốc cho. Khi ông mất được vua Lý Thái Tổ phong cho tước Á Vương. Ngô Thì Sĩ trong “Việt sử tiêu án” đánh giá công lao của ông: “Trong quần thần có Đào Cam Mộc giúp cho hưng quốc, yên nhà có Lê Phụng Hiểu, giúp cho mở cõi có Lý Thường Kiệt”. Ở làng Lang Thôn, Định Tiến quê ông có chùa Hưng Phúc, nơi có tượng thờ Đào Cam Mộc với tôn hiệu: “Bản tự Nghĩa tín hầu, già lam chân tể thánh chúng, chân quan Đào công vị tiền”.
Một di tích gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi tiếng của huyện Yên Định không thể không nhắc đến là Điện Thừa Hoa (Phúc Quang Từ Đường), đền thờ Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, thân mẫu của minh quân Lê Thánh Tông. Điện Thừa Hoa, còn gọi là Phủ Nhì hay đền Thánh Mẫu, thuộc xã Đồng Phang, tổng Đông Lý, nay là xã Định Hòa. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” biên soạn năm Thành Thái thứ 15 (1903) ghi: “Lê Triều Hoàng Thái hậu tôn thần – xã Động Bàng (Đồng Phang), huyện Yên Định thờ”. Đất Đồng Phang xưa là “tứ giáp 6 làng, phía trước có đỉnh Non Biền, phía sau có cồn Yên Ngựa, hai bên có cồn Bút, cồn Nghiên”.
Ông nội của của Ngô Thị Ngọc Dao là Thái phó, Thượng trí tự, Hưng Quốc công Ngô Kinh, cha Thái hậu là Thái Bảo Ngô Từ, hai vị khai quốc công thần đã theo Lê Lợi trong suốt cuộc kháng chiến chống Minh. Quang Thục Hoàng Thái hậu sinh ra Lê Tư Thành năm 1442, đến năm 1460 sau nhiều loạn lạc, Lê Tư Thành được Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Nhân Quý tôn lên làm vua, tức Lê Thánh Tông. Ngô Thị Ngọc Dao mất năm 1496, được truy tôn Quang Thục Hoàng Thái Hậu và đưa về táng ở Lam Kinh. Khôn Nguyên Chí Đức Chi BI ở Lam Kinh ca ngợi công lao đức hạnh của Quang Thục Hoàng Thái Hậu “Tư chất cao quý thuần hóa, thiên tư cẩn thận… Dùng lễ để thờ người trên, lấy ân để tiếp kẻ dưới, lấy đức cần kiệm để giáo hóa thiên hạ, dùng điều khoan hậu để khuyên bảo quan gia, cung kính tông miếu, thờ phụng quỷ thần, điều không đúng lý không làm, việc mà bất chính không đoái’. Tại Đồng Phang quê nhà, nhà Lê cho xây nhiều điện, phủ… trong đó có điện Thừa Hoa. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, đến nay chỉ có điện Thừa Hoa được phục dựng năm 1994 trên nền cũ. Hiện tại điện có câu đối: “Uy chấn cửu châu thiên hạ mẫu/ Danh đằng tứ hải địa trung thiên” (Nổi tiếng chín châu là mẹ thiên hạ/ Vang lừng bốn biển lầ tiên đất trời).
Yên Định còn là đất cử nghiệp, có nhiều danh sĩ đỗ đại khoa, quê hương của nhiều danh nho, võ tướng nổi tiếng. Trong mấy trăm năm thi cử Hán học, Yên Định có 11 vị đỗ đại khoa. Thời Nguyễn, Yên Định có 20 vị đỗ cử nhân. Ngay từ năm Minh Mạng thứ 7 (1827), Yên Định đã có trường học. Nhiều thầy giỏi như Trần Ân Triêm, thày dạy của 3 học trò đỗ đại khoa. Các danh nhân nổi tiếng làm rạng danh đất Yên Định như: Đại vương Lê Đình Kiên, người Định Tường, có công trong việc đưa Phố Hiến thành nơi đô hội chỉ sau kinh kỳ; Liệt đại phu Quốc tử giám tế tửu Trần Ân Triêm, quê Yên Lâm; Hàn lâm thị giảng học sĩ quyền Công bộ hữu thị lang Trịnh Thiết Trường, người Định Bình; Thượng thư bộ binh, Thiếu bảo, Huy Quận Công Hà Tông Huân, quê Yên Thịnh, Hoàng Hối Khanh, quê Định Tăng có công mở cõi lập ra huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), …
Theo số liệu thống kê năm 2025, huyện Yên Định có 49 di tích đã xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh. Cùng với những di tích đã nêu, Yên Định còn có những di tích nổi tiếng khác như Nghè Hổ Bái (Yên Bái), Trịnh Điện (Định Hải), Quần thể lăng mộ các chúa Trịnh như Trịnh Sâm (Yên Phú), Trịnh Doanh (Yên Thịnh), Trịnh Giang (Yên Giang), Trịnh Sâm (Quý Lộc), Đền Thờ Lê Quốc Thực (Định Công), căn cứ chống Pháp Mã Cao (Yên Giang), tượng đài Bác Hồ ở Yên Trường ghi nhớ địa điểm Bác về thăm….
Là vùng đất căn bản của châu thổ sông Mã, Yên Định có vốn văn hóa dân gian độc đáo. Đó là các lễ hội, trò chơi, trò diễn, lễ tục, ca dao tục ngữ hết sức phong phú. Yên Định có 21 lễ hội, trong đó có 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đó là lễ hội Trò Triềng (Trịnh Xá, Yên Ninh) và lễ hội đền Đồng Cổ (Yên Thọ). Nhiều câu ca dao, tục ngữ, phương ngôn đến nay vẫn được lưu truyền: “Trò Triềng, vật Bộc, rối Si/ Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào”. “AI về nhớ bưởi Đông Hòa/ Nhớ cam Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê”, “Chợ Sổ là tổ hàng quà/ Bỏ cửa bỏ nhà mà đi chợ Sổ”, “Trai Hổ Bái. Gái Đan Nê”, “Bánh đúc Kẻ Go, bánh tày to Quán Lào”, “Chè Đồng Sông, bông Đồng Ải”, “Làng Bốc đi tát, làng Cát đi câu, làng Châu đan thúng”, “Đất Đào Ngang khoai lang thơm ngọt”, “Thuốc cam Thác Nghè, thuốc què làng Kênh”… Trong các trò chơi dân gian tiêu biểu của xứ Thanh, Yên Định có trò Chụt (Thiết Đanh, Định Tường), trò Triềng (Yên Ninh), trò Rối Si (Định Bình); hát ca công ở làng Bái Thủy (Định Liên) , tục kéo chòa rào làng Đền Thượng, tục săn cuốc làng Lào Trong…là những trò diễn, trò chơi, tập tục rất độc đáo, đậm đặc tính bản địa.
Sản vật của Yên Định khá phong phú do đồng đất đa dạng mang lại. Bông Yên Định xưa được Lê Quý Đôn trong “Vân Đài loại ngữ” ví “bông Yên Định như chiếc chén vàng tựa những con tằm chín óng ánh”. Gạch Cẩm Trướng là thương hiệu nổi tiếng cả nước. Dưa Lê, dưa Dọi nổi tiếng trong tỉnh là giòn, thơm, chua, món ăn của nhà nghèo nay thành đặc sản khó kiếm. Cam Hổ Bái, vỏ mỏng, chất ngọt, khi chín đỏ rực cả vườn…
Yên Định là huyện được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ. Xã Định Tường và Xã Quý Lộc được tặng danh hiệu anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Năm 2024, huyện Yên Định đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sau sắp xếp huyện Yên Định từ 26 xã, thị trấn sẽ còn lại 7 xã. Đó là xã Yên Định, xã Yên Trường, xã Yên Phú, xã Quý Lộc, xã Yên Ninh, xã Định Tân và xã Định Hòa.
Với truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, được sông Mẹ (sông Mã) ôm ấp, là quê hương của hai người phụ nữ nổi tiếng, Bà Triệu và Ngô Thị Ngọc Dao, Yên Định sẽ sớm ổn định và no ấm. Với tên gọi An Định, Yên Định xưa, nay là Định, Lộc, Phú, Trường, Ninh, Tân, Hòa, toàn mỹ tự và ý nghĩa, vừa truyền thống vừa hiện đại khi bước vào thời kỳ mới. Dẫu huyện Yên Định không còn nhưng chắc chắn sẽ YÊN khi đã ĐỊNH.
Ảnh: Nghi môn đền Đồng Cổ, Yên Thọ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét