XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

THỊ XÃ SẦM SƠN




(Viết trước ngày giải thể TP)
Khi bắt tay vào viết tút về Sầm Sơn, tràn ngập trong tôi cảm xúc bồi hồi, nhớ lại quá vãng gắn bó của mình với Sầm Sơn, từ ngày ra trường đi làm và đến lúc nghỉ hưu. Viết về Sầm Sơn cũng chính là hành hương về quá khứ của mình, sống lại những ngày gắn bó với Sầm Sơn, dẫu đã hơn 40 năm qua
Ngày 19/12/1981, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 157/QĐ/HĐBT thành lập Thị xã Sầm Sơn. Cùng với việc ra đời bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, trường THPT Sầm Sơn được thành lập. Tháng 10/ 1982, sau ngày khai giảng năm học đầu tiên được 1 tháng, tôi cầm Quyết định phân công của Ty Giáo dục Thanh Hóa về Sầm Sơn dạy học.
Tôi chỉ ở Sầm Sơn đến tháng 8/ 1989, sau khi đi học ở DDR về, tôi chuyển công tác về Thị xã Thanh Hóa. Sau này, quãng thời gian công tác ở ngành VHTTDL Thanh Hóa, rồi ở Tổng cục Du lịch, tôi thường xuyên về Sầm Sơn lúc thì làm việc, khi thì dự sự kiện của Sầm Sơn…
Vì vậy, từ khi vào đời đến lúc nghỉ hưu, do tính chất công việc, tôi luôn gắn bó với Sầm Sơn, coi Sầm Sơn thân thuộc như quê hương mình vậy.
Sầm Sơn đã quá nổi tiếng, chắc chắn việc giới thiệu về thắng tích Sầm Sơn, giá trị của khu du lịch biển mà người Pháp đã phát hiện rồi trở thành nơi nghỉ mát của các công chức người Pháp là không cần thiết. Tôi chỉ nêu những chuyện để bổ sung, làm rõ hơn những thông tin tràn ngập trên các nền tảng truyền thông về Khu du lịch biển Sầm Sơn. Hơn nữa, tôi chỉ viết về Sầm Sơn thời chưa sáp nhập thêm 6 xã của huyện Quảng Xương để thành Thành phố như bây giờ.
Trước hết, tôi xin trích lại dòng mở đầu của cuốn tiểu thuyết đã viết từ trước năm 1945 của tác giả người làng Si, xã Ngọc Giáp, tổng Thủ Chính (Quảng Chính, Quảng Xương), ông là TchyA ( Đái Đức Tuấn) trong cuốn “Kho vàng Sầm Sơn”:
“Bãi Sầm Sơn là một hòn ngọc châu đặt trong địa giới một tỉnh đã làm trường thí nghiệm cho muôn ngàn cuộc hưng vong ghi chép trong lịch sử.
Một con đường đá trắng, một bãi cát mênh mông, hai dãy phi lao đêm ngày vi vút dưới ngọn gió biển ào ào, một tấm thảm kim cương lóng lánh chiếu ánh nắng buổi tà dương… Với ai đã biết Sầm Sơn, cảnh rực rỡ tươi vui của bờ bể kia tất đã để lại một kỷ niệm sâu xa, mà ngọn sóng quên của thời gian khó lòng chìm lấp đi được…”.
Vâng, cách đây đã hơn 40 năm, khi tôi về Sầm Sơn, những “kỷ niệm sâu xa” của vùng đất này dù “ngọn sóng quên của thời gian khó lòng chìm lấp đi được”. Sầm Sơn thuở ấy vẫn chỉ có một con đường nhỏ, không lát “đá trắng” mà trải nhựa, chạy suốt chiều dài thị xã, từ ngã tư lối xuống bãi tắm A ra đến nhà thờ Thiên chúa giáo xã Quảng Tường. Bãi cát mênh mông với rừng phi lao ngày đêm vi vút. Con đường đất nhỏ bé, cỏ mọc chen lối đi, từ ngã tư Hiệu sách Thị xã dẫn lối xuống bãi biển. Từ ngày nhà văn TchyA viết tiểu thuyết “Kho vàng Sầm Sơn” đến những năm cuối thế kỷ 20, xem ra Sầm Sơn chẳng thay đổi bao nhiêu, dù cho từ thời làng núi Sầm thôn ngày ấy đến thị xã Sầm Sơn bấy giờ.
Sầm Sơn được người Pháp phát hiện và xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng vào năm 1907, cách đây 118 năm. Trước thế kỷ 20 chưa có địa danh Sầm Sơn, lúc ấy Sầm Sơn là vùng đất thuộc huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia. Tuy nhiên, núi sông vùng đất này đã được sử nhà Nguyễn ghi lại.
Sách “Đại Nam nhất thống chí’ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới thời vua Tự Đức (1848-1883) nêu: “Núi Trường Lệ ở địa phận 3 xã Trường Lệ, Du Vịnh và Lương Niệm thuộc huyện Quảng Xương, 11 ngọn núi nổi lên ở chỗ đất bằng, trên núi có đền thờ thần Độc Cước sơn, đằng trước đền có vết chân người to lớn, cầu đảo nắng mưa, thường được linh ứng, dưới chân núi có đàn Kỳ Phong”.
Sách “Đồng Khánh dư địa chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, biên soạn thời vua Đồng Khánh (1886-1888), chép: “Núi Trường Lệ ở địa phận xã Trường Lệ. Núi nổi lên giữa đồng bằng, phía đông trông ra biển, đá nước tranh hùng, là trấn sơn của cửa biển Triều Tấn. Trên núi có đàn cầu phong. Mỗi khi quan thuyền ra khơi đều làm lễ cầu phong ở đây”.
Đến thời vua Duy Tân (1907-1916), “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép: “Sầm Sơn (núi Sầm) ở khoảng cách 2 xã Trường Lệ và Lương Niệm, phía đông huyện Quảng Xương. Núi đất lẫn đá, thế núi nổi tròn tất cả có 16 ngọn. Phía đông bắc là biển nước, phía tây nam là ruộng cát, phía đông nam có một ngọn gọi là Tượng Đầu và phía đông bắc có một ngọn gọi là Ngao Cảnh. Các nơi này có thờ thần Độc Cước. Hiện nay, Công sứ người Pháp đóng ở tỉnh Thanh có làm nhà nghỉ mát ở bên cạnh núi. Những khi lên xuống xem ngắm khí biển ngụt trời, gió trong đầy áo, cũng là thắng cảnh trong miền bể vậy”.
Ca dao cổ của người dân Sầm Sơn đã ca ngợi cảnh đẹp của núi Trường Lệ như sau:
"Sầm Sơn phong cảnh hữu tình
Hòn Kèo cao nhất, hòn Ngành thứ hai
Thứ ba hòn núi Phù Thai
Thứ tư Cổ Giải nằm ngoài Đầu Voi…”
Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh trong sách “Thanh Hóa kỷ thắng” viết năm 1903, đã ca ngợi thắng cảnh nơi đây: “Núi đất lẫn đá. Đông bắc là biển, tây nam là ruộng cát. Nơi ấy khởi nên 16 ngọn núi, cao nhất 300 thước, trên dưới một vòng, dài đến bảy tám ngàn thước, đông nam là ngọn núi Đầu Voi thuộc xã Trường Lệ, đông bắc là ngọn núi Giải Miết (hòn Cổ Giải) thuộc xóm núi (Sầm thôn), có Độc Cước Sơn Tiệu linh từ. Nơi ấy núi non kỳ tú, cây cối tốt tươi như rừng. Lên cao nhìn ngắm thấy quần đảo gần xa, khí biển phong nhiên, gió mát đong đầy tay áo… Sớm chiều thuyền đánh cá ẩn hiện giữa khói sóng. Quả là một thắng cảnh giữa biển trời…”. Tại sách Thanh Hóa kỷ thắng, tác giả Vương Duy Trinh còn trích dẫn nhiều bài thơ ca ngợi Sầm Sơn của các tác giả, trong đó có bài thất ngôn bát cú của tác giả Vương Tứ Đại, như sau:
"Bể rộng ai đào để đắp non
Vết chân Thầy Độc đến nay còn
Lô xô sườn núi, nhà thưa mái
Khấp khểnh chân mây, đá mấy hòn
Mặt hải trong veo dòng nước biếc
Đầu thềm sáng vặc bóng trăng tròn
Lân la trong cõi non cùng nước
Mà tấm lòng riêng vẫn sắt son”.
H. LeBreton, học giả người Pháp, trong cuốn “Thanh Hóa tươi đẹp”, xuất bản năm 1922, đã nói về Sầm Sơn: “Đến km 16, đi qua làng Sầm Sơn, giữa hai hàng lũy tre và bụi xương rồng che lấp các nhà dân bản xứ. Đến km 17 là bãi bể, nơi nghỉ mát tuyệt vời nhất để phục hồi sức khỏe, vì nơi đây cho phép nghỉ ngơi hoàn toàn chứ không phải là một bãi tắm ở đấy người ta còn muốn tiếp tục lối sống xô bồ của Hà Nội; hơn nữa nước biển ở đây lại trong hơn nhiều. Ngủ không cần phải mắc màn, cứ việc mở toang; điều đáng quý nhất ở đây là không có muỗi và đạo chích”.
Tác giả Ưng Quả, Hiệu trưởng trường Collège Thanh Hóa, trong bài viết in trên Tuần san Đông Dương năm 1944, đã viết về Sầm Sơn: “Chúng tôi đi dọc dãy núi đá granit dài khoảng 2 cây số với những hình thù thật vui mắt. Cả dãy núi và nơi nghỉ mát cùng mang tên Sầm Sơn (thật ra dãy núi mang tên Trường Lệ), những tòa biệt thự màu hồng hay trắng ngà xinh xắn hiện ra, cái đậu chót vót trên đỉnh núi xa, nhất là những ngôi nhà nép mình trong rừng phi lao phía dưới, từ chỗ có mũi đá nhô ra biển kéo dài lên phía bắc, ngay ven bờ. Chúng tôi đã đến biên giới của hai trung tâm nghỉ mát: Bên phải là Sầm Sơn Thượng, bên trái là Sầm Sơn Hạ”.
Chỗ “biên giới của hai trung tâm nghỉ mát” này chính là vị trí Cột Đỏ, nơi mà năm 1982 khi về Sầm Sơn dạy học tôi vẫn còn thấy đầu cửa ngõ Sầm Sơn, trên địa phận phường Trường Sơn. Gọi là Cột Đỏ vì có 2 cột sơn màu đỏ, nằm hai bên đường như hai trụ biểu chào đón du khách. Theo hướng ra biển, phía tay phải về phía núi Trường Lệ là cột có dòng chữ “Sam Sơn Lehaut” (Sầm Sơn Thượng), bên trái phía bãi tắm là “Sam Sơn Lebas” (Sầm Sơn Hạ). Rất tiếc, chứng nhân lịch sử và là di tích này của Sầm Sơn đã bị đập bỏ, nay không còn dấu vết. Dù cho tên chợ Cột Đỏ vẫn còn, nhưng vị trí họp không phải cạnh Cột Đỏ năm xưa. Lãnh thổ của Sầm Sơn khi được công nhận Thị xã năm 1981 chỉ từ dòng sông Đơ hắt về phía đông, còn lại phía tây sông là đất của huyện Quảng Xương. Từ 2 phường, 3 xã: phường Trường Sơn, phường Bắc Sơn, xã Quảng Tiến, xã Quảng Tường và xã Quảng Cư năm 1981, đến năm 2015, Sầm Sơn được Quốc Hội đồng ý mở rộng địa giới thêm 6 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại, thuộc huyện Quảng Xương. Đến năm 2017, thị xã Sầm Sơn được nâng cấp lên Thành phố với diện tích 44,94km2 và gần 151 ngàn dân.
Quá trình hình thành, tên gọi Sầm Sơn đã được Địa chí Thanh Hóa, tập I, phần Địa lý và Lịch sử chép: “Trước thế kỷ 20 chưa có tên địa danh Sầm Sơn, chỉ có dãy núi Gầm án ngữ phía nam vùng đất này, dân đi biển quen gọi là Mũi Gầm, sau dần đổi thành núi Sầm – Sầm Sơn. Núi còn có tên là núi Trường Lệ, làng dưới chân núi gọi là Làng Núi, hay làng Trường Lệ.
Trước cách mạng tháng Tám 1945, vùng Sầm Sơn thuộc tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương, được gọi là “Tam xã bát thôn”. Đó là xã Lương Niệm, 4 thôn: Sầm Thôn (làng Núi), Lương Trung (làng Giữa), Cá Lập (làng Trấp), Hải Thôn (làng Hới); xã Triều Thanh Lộc, 3 thôn: Triều Dương (làng Triều), Thanh Khê (làng Vạn), Lộc Trung (làng Trung) và xã Bình Tân, 1 thôn: Bình Tân (làng Bến). Cuối năm 1946, Sầm Sơn được chia thành 2 xã thuộc huyện Quảng Xương: Xã Sầm Sơn (làng Núi, làng Giữa) và xã Bắc Sơn (làng Trấp, làng Hới, làng Trung, làng Triều, làng Vạn, làng Bến). Cuối năm 1947, hai xã Sầm Sơn và Bắc Sơn gộp lại thành xã Quảng Tiến, thuộc huyện Quảng Xương. Đầu năm 1956, xã Quảng Tiến chia thành 4 xã: Quảng Sơn, Quảng Tường, Quảng Cư và Quảng Tiến. Đến năm 1962, xã Quảng Sơn được nâng cấp lên thành thị trấn Sầm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa với 3 tiểu khu: Ngọc Sơn, Tân Thành và Lập Công. Và, như nêu ở trên, 18/12/1981 HĐBT thành lập thị xã Sầm Sơn bao gồm thị trấn Sầm Sơn (phường Trường Sơn và phường Bắc Sơn), xã Quảng Tiến, xã Quảng Tường, xã Quảng Cư và xóm Vinh Sơn (Quảng Vinh – Quảng Xương).
Có thể nói, Sầm Sơn có cảnh sắc nên thơ, non nước hữu tình, khí hậu mát mẻ, bãi biển thoải dài, sóng vừa nước ấm, núi xanh miếu cổ, cá lắm tôm nhiều…tất cả là những biệt đãi của thiên nhiên dành cho vùng đất này.
Chí sĩ Phan Bội Châu, năm 1902 khi về Thanh Hóa đến thăm Sầm Sơn đã cảm xúc làm nên bài thơ, vừa ca ngợi cảnh đẹp vừa chất chứa nỗi niềm đau cảnh mất nước:
"Qua cảnh Sầm Sơn chẳng nỡ rời
Bồng Lai kia cũng thế mà thôi
Non xanh bát ngát cây chen đất
Bể bạc mênh mông sóng lẫn trời
Chú lái đầu thuyền hì hục chở
Cô Đầm bãi bể nhởn nhơ chơi
Non sông dáng cũ non sông cũ
Chạnh mối tang thương khóc dở cười”.
Sầm Sơn không chỉ là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời, mà còn là vùng đất của cả quần thể di tích danh lam hấp dẫn. Mặc dù diện tích không lớn nhưng ở đây dày đặc các di tích đền, chùa, thắng cảnh độc đáo. Trên đất Sầm Sơn hiện có 5 di tích cấp Quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh. Trong đó phải kể đến: Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên, Hòn Trống Mái, Đền Thờ Tô Hiến Thành (đền Đệ Nhị), đền thờ Hoàng Minh Tự (đền Đệ Tam, thành hoàng làng Núi), đền Bà Triều (tổ sư nghề dệt xăm, súc, tơ lụa ở làng Triều Dương), đền Cá Lập, đền Đề Lĩnh (thờ Đề Lĩnh, tổ sư nghề vật làng Lương Trung), đền Đô Đốc (thờ Đô đốc Nguyễn Sĩ Dũng thời Quang Trung), chùa Khải Minh, chùa Khải Nam, địa điểm Bác Hồ về thăm và kéo lưới, nơi anh hùng tình báo Nguyễn Thị Lợi đánh đắm thông báo hạm của Pháp, khu lưu niệm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại cảng Hới…
Đền Độc Cước được xây dựng từ thời Lý – Trần, cách đây 700 năm, đã qua nhiều lần trùng tu. Theo truyền thuyết dân gian, vua Trần trong chuyến chinh phạt Chiêm Thành, khi đi qua biển Sầm Sơn trời đất vần vũ, sóng to gió lớn làm thuyền không thể cập bến. Đêm nhà vua nằm mộng có thần nhân một chân xưng là Độc Cước Chân Nhân xin theo phù hộ nhà vua đánh giặc. Quả nhiên trận ấy thắng giặc. Khi trở về qua chốn cũ, nhà vua cho lập đền trên hòn Cổ Giải, nơi có dấu chân khổng lồ trên đá, để thờ Độc Cước Chân Nhân. Đền nằm trên hòn Cổ Giải, mỏm núi nhô ra phía cực đông dãy núi Trường Lệ. Bố cục kiến trúc đền Độc Cước lưng quay ra biển, mặt hướng về tây. Cùng với đền có tháp Nghinh Phong, tam quan, phủ Mẫu, miếu Thổ thần, miếu Sơn Thần. Tại đền có nhiều đại tự, câu đối bằng chữ Hán, trong đó có những câu đố như: “Tứ chung anh dục tham thiên địa/ Đức trọng ân thâm quán cổ kim” (Khí thiêng hun đúc trùm trời đất/ Đức nặng ơn dày suốt cổ kim). Tại đền còn có tấm bia đá khắc bài thơ của Giải nguyên Đặng Huy Trứ, làm năm 1860:
"Năm nao gót ngọc đến Đông môn
Hương hỏa ngàn thu chẳng lạnh lùng
Khí bẩm tự nhiên duy chính trực
Chân đà bước đến ắt anh linh
Nguy nga miếu cổ cao tày núi
Hiển hách công thần khắc đá xanh
Trấn giữ cõi nam nơi hiểm yếu
Khắp vùng kình ngạc tất mai danh"
Thần Độc Cước được các làng Sơn
Thôn, Cá Lập, Lương Trung, Làng Hới thờ làm Thành Hoàng Làng. Lễ hội đền Độc Cước được tổ chức quanh năm nhưng lớn nhất là lễ hội cầu Phúc diễn ra vào 16/2 âm lịch. Từ huyền thoại theo tín ngưỡng dân gian “Độc Cước là cha, phủ Na là mẹ”, người dân Thanh Hóa có tục “lên rừng xuống biển”, lên Cửa Đặt, đến Am Tiên, về phủ Na và kết thúc ở Sầm Sơn vào đầu năm mới, để cầu may mắn hanh thông cho một năm .
Đền Cô Tiên là nơi thờ Liễu Hạnh công Chúa. Đền được xây dựng trên ngọn Đầu Voi, dưới chân là Vụng Ngọc và Hòn Câu. Đền không rõ dựng từ bao giờ, nhưng niên đại còn ghi trong đền là Thành Thái nhị niên (1890). Trong đền có khá nhiều câu đối, đại tự bằng chữ Hán. Nơi đây, vào ngày 17 và 18/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, gặp gỡ, kéo lưới với ngư dân làng chài Vinh Sơn và nghỉ tại đền này.
Hòn Trống Mái là hai hòn đá thiên tạo, nằm chênh vênh trên bệ đá lớn, có hình tượng giống như cặp uyên ương đang gù nhau, được đặt cho là Trống – Mái. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa có chàng trai làng biển cứu được cô gái bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Hai người yêu nhau, nguyện kết làm vợ chồng. Cô gái thề nguyền: “Dù cho mưa gió bão bùng/ Thiếp tôi vẫn giữ thủy chung với chàng”. Nhưng cô gái là người tiên giới, vì mắc tội nên bị đày xuống trần gian, hết hạn phải trở về trời. Cô gái kiên quyết chống lại, quyết ở lại cùng chồng dưới hạ giới. Khi Ngọc Hoàng sai Thiên lôi xuống hỏi tội thì vợ chồng họ đã hóa đá thành Trống Mái để mãi mãi bên nhau. Ngày nay, hòn Trống Mái là điểm đến thu hút du khách, nhất là nam thanh nữ tú cảm động về tình yêu vĩnh cửu của đôi trai gái. Thành phố Sầm Sơn cũng từ câu chuyện này đã tổ chức Lễ hội Tình yêu để lan tỏa giá trị của Trống Mái.
Đền Hoàng Minh Tự là ngôi đền cổ nhưng đã bị tàn phá thành phế tích, mới được dựng lại gần đây. Các hiện vật còn lại là hai tượng võ quan cầm gươm đứng hầu, chiếc kiệu song loan, hai đạo sắc thời Thành Thái thứ 13 (1902) và Khải Định thứ 6 (1922). Theo dân gian lưu truyền, Hoàng Minh Tự là người xóm núi Vinh Sơn, nhà nghèo phải đi làm đầy tớ cho nhà giàu. Là người sáng dạ, khi chủ nhà thuê thầy đến dạy cho con, ông học lỏm đều hiểu biết và nhớ hết. Về sau ông đi thi đỗ Hoàng Giáp. Nhưng khi vinh quy bái tổ, do thân phận trước kia nghèo hèn nên dân làng coi thường, đón tiếp nhạt nhẽo. Ông bèn ném chiếc gươm đang đeo xuống biển và thề độc: “Bao giờ tát cạn biển đông/ Đất này mới được nên ông, nên bà”. Từ đó dân ở đây không có ai học hành đỗ đạt ra làm quan cả. Khi về hưu ông về đất này sống, khi mất thi hài ông được mối đùn lên thành mộ. Dân làng lập đền thờ ông, tương truyền là rất linh thiêng.
Viết đến đây tôi chợt giật mình! Sầm Sơn không thiếu những người đội trời đạp đất, nhưng đường học vấn, quan lộ hình như chẳng mấy hanh thông. Sự nghiệp cũng chỉ quanh quẩn ở mảnh đất có thế “quần ngư tranh thực” mà thôi. Chỉ cách Sầm Sơn dăm cây số, qua bên kia sông Đơ thuộc đất Quảng Xương là có PTT, chếch nam qua cống Quảng Vinh có UV BCT, nhưng lịch sử Sầm Sơn không có đến Tỉnh ủy viên, quân sự không có tướng lĩnh. Phải chăng lời nguyền độc kia lại linh ứng với mảnh đất này?
Không chỉ có cảnh quan làm say lòng người, Sầm Sơn còn là vùng đất của biết bao huyền thoại, truyền thuyết, lễ hội, ca dao, tục ngữ.. Đó là truyền thuyết về Thần Độc Cước, truyền thuyết về Bà Triều, truyền thuyết về hòn Trống mái, lễ hội Cầu ngư, lễ hội cầu Phúc, lễ hội bánh chưng bánh dày,… Những câu ca dao, tục ngữ, phương ngôn được người dân hay dùng như: “ Chồng chài, vợ lưới, con câu/ Chàng rể thả bóng, con dâu ngoắc mồi”, “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì cười, con cá bắc ngang”, “Bao giờ cho đến tháng mười/ Để con đi lộng ra khơi mặc lòng”, “Nhà ta nghề lộng nghề khơi/ Lấy nường khuya sớm vác bơi, vác chèo”, “Cá căng, cá đối, cá kìm/ Để cho văng sẻo đi tìm cả đêm”, “Lấy chồng kẻ bể chớ nể nồi khoai”…
Nói về Khu du lịch biển Sầm Sơn sẽ là thiếu sót nếu không nói về ẩm thực vùng đất này. Vốn từ những làng chài xa xưa, ẩm thực của Sầm Sơn mang phong cách biển rất độc đáo. Đặc sản ẩm thực của Sầm Sơn rất phong phú, các loại hải sản có nơi đây với thịt chắc, ngon, vị đậm do là vùng cửa sông Mã, có nhiều loại thủy sinh làm thức ăn cho hải sản. Các món ngon của Sầm Sơn có thể kể đến như: gỏi cá, lẩu rắn biển, cá trích kẹp bánh đa, hàu thuôn, mực hấp, tôm cua ghẹ, nước mắm, cá khô, mắm tôm…
Không chỉ có thế, Sầm Sơn không chỉ đẹp và lãng mạn, không chỉ đậm đặc huyền tích và hiện đại, Sầm Sơn còn anh dũng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lập được nhiều chiến công, đánh chìm tàu chiến giặc. Người dân Sầm Sơn sống bộc trực, chân tình và cởi mở với bạn bè. Tôi hạnh phúc có những năm dạy học ở Sầm Sơn, bây giờ tình cảm thầy trò vẫn trân quý, mỗi dịp hội khóa các em vẫn nhớ mời về.
Sầm Sơn ngày nay so với những năm tôi về dạy học có thể nói là khác một trời một vực. Một Sầm Sơn hiện đại và đẹp hơn rất nhiều, cả về cảnh quan và văn hóa du lịch. Một thời Sầm Sơn tai tiếng vì chặt chém, vì nhếch nhác xô bồ, vì du lịch bình dân thiếu bản sắc. Giờ đây Sầm Sơn đã được đầu tư cả về hạ tầng, văn hóa giao tiếp, quản lý điểm đến và chất lượng dịch vụ. Với danh tiếng thương hiệu đã có hơn trăm năm, với lợi thế so sánh với các khu du lịch biển gần kề, với hệ thống hạ tầng du lịch, khách sạn, Resort, sân golf, công viên nước, quảng trường biển được đầu tư, với tư duy mới trong quản lý điểm đến du lịch , với yêu cầu “vươn mình” của thời đại mới, hy vọng Sầm Sơn sẽ thực sự trở thành “hòn ngọc châu, kho vàng” của tỉnh Thanh Hóa.
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, thành phố Sầm Sơn chuyển đổi thành 2 phường, Sầm Sơn và Nam Sầm Sơn. Nếu như phường Nam Sầm Sơn được đặt tên là Sầm Sơn Nam sẽ đẹp và thuận hơn nhiều, như tôi đã có tút bàn về việc này trên trang của mình. Nhưng dù sao mọi chuyện đã được quyết, hy vọng việc tinh gọn này sẽ giúp cho Sầm Sơn gọn nhẹ để cất cánh nhanh hơn, cao hơn, vươn tầm quốc tế thương hiệu du lịch biển.
Nhớ lại thời đầu những năm 80 của thế kỷ trước ở Sầm Sơn chúng tôi hay gọi đùa là “thị xã Sầm Sập”. Sầm Sập vì nơi đây dân “cả bể” ăn sóng nói gió, nói chuyện mà như cãi nhau. Sầm Sập vì “chữ nghĩa văn chương không bằng xương cá lẹp”. Sầm Sập vì nghe nói phong thủy thế đất này “quần ngư tranh thực”, hay đấu đá, mất đoàn kết… Nhưng đó là chuyện của hơn 40 năm trước, từ làng chài, làng núi trở thành thị xã. Còn giờ đây Sầm Sơn thực sự đã lột xác, đã là khu du lịch biển Quốc gia và điểm đến mong muốn của nhiều khách du lịch. Cùng với những ấn tượng về một Sầm Sơn hiện đại và văn minh, trong tôi vẫn còn đó một Sầm Sơn êm đềm và thơ mộng, sâu lắng và thanh bình. Một Sầm Sơn của ngày xưa!
Ảnh: Sầm Sơn
Ảnh 1: Hoàng Cao Đại
Ảnh 2: Trang fb Cao Ngọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét