Nói đến Thọ Xuân (Thanh Hóa), người ta nghĩ ngay đến sự khác biệt với các huyện của cả nước. Thọ Xuân là đất phát tích của hai triều đại phong kiến hiển hách: Tiền Lê (Lê Hoàn) và Hậu Lê (Lê Lợi); là nơi có 2 kinh: Lam Kinh (Tây Kinh, Tây Đô) và Nghi Kinh (Vạn Lại – Yên Trường).
Là huyện đồng bằng nhưng ở vị trí chuyển tiếp với miền núi rộng lớn của Thanh Hóa, Thọ Xuân vừa có nhiều đồi núi vừa có đồng bằng rộng lớn vào loại bậc nhất xứ Thanh. Thọ Xuân có sông Chu (Lương Giang), con sông lớn thứ 2 của Thanh Hóa, chảy suốt từ đầu đến cuối huyện, vừa là dòng sông bồi đắp nên đồng bằng trù phú, vừa là chứng nhân của bao sự kiện lịch sử lẫy lừng trên đất Thọ Xuân.
Có lẽ do có vị trí địa lý và chỗ đứng lịch sử như vậy nên quá trình hình thành đơn vị hành chính với tên gọi Thọ Xuân rất phức tạp, nhiều lần thay đổi, chia tách sáp nhập. Đổi lại, Thọ Xuân có kho tàng di sản văn hóa rất đa dạng và độc đáo. Dấu ấn văn hóa Mường -Việt được lưu giữ trong đời sống tinh thần của người dân Thọ Xuân khá đậm nét. Văn hóa dân gian và cung đình hòa lẫn với nhau trong thực hành lễ hội và trò diễn.
Sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Thanh Hóa, tập thượng, ở phần Phủ Thọ Xuân có ghi: “Nguyên trước là đất của Ai Lao. Đời Lý, đời Trần mới mở mang thêm. Cuối đời Trần đặt vào trong trấn Thanh Đô. Hồi Minh thuộc, tức là đất biên viễn của Quỳ Châu thuộc Thanh Hóa phủ. Năm Quang Thuận triều Lê mới đặt làm phủ Thanh Đô , thuộc vào Thanh Hóa thừa tuyên, lãnh một huyện là Thọ Xuân và 4 châu là Quan Da, Lương Chánh, Tàm Châu và Sầm Châu. Đời Gia Long triều Nguyễn (1802) để nguyên tên phủ, lãnh một huyện, 3 châu (bỏ bớt Sầm Châu). Năm Minh Mạng thứ 2, nhân tên huyện đổi làm tên phủ, bây giờ. Năm thứ 7, trích huyện Lôi Dương của phủ Thiệu Hóa cho thuộc phủ này kiêm lý. Năm 16, lại gồm cả Tàm Châu và Quan Da làm châu Quan Hóa, và cho gồm cả huyện Thọ Xuân vào châu Lương Chánh. Năm thứ 18 lại tách nguyên đất của huyện Thọ Xuân trước và những đất về mé tây của hai huyện Nông Cống, Lôi Dương, lấy mỗi huyện một tổng đặt thêm ra châu Thường Xuân, cũng thuộc vào phủ thống hạt”.
Sách Đồng Khánh địa dư chí có ghi về phủ Thọ Xuân: “Phủ kiêm lý huyện Lôi Dương, kiêm nhiếp hai châu Thường Xuân và Lương Chánh. Phủ lỵ đóng tại xã Kiên Phố, tổng Kiên Thạch, huyện Lôi Dương. Huyện Lôi Dương có 9 tổng: tổng Lôi Dương, tổng Kiên Thạch, tổng Nam Cai, tổng Thượng Cốc, tổng Bất Náo, tổng Tam Luận, tổng Diên Hào, tổng Mục Sơn và tổng Bái Đô”.
Như vậy, theo Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh địa dư chí, phủ Thọ Xuân cuối đời Trần là đất trấn Thanh Đô. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận 7 (1466) đặt làm phủ Thanh Đô thuộc Thanh Hóa thừa tuyên gồm huyện Thọ Xuân và 4 châu, Quan Da, Lương Chánh, Tàm Châu và Sầm Châu. Đầu đời Gia Long vẫn gọi là phủ Thanh Đô gồm huyện Thọ Xuân và 3 châu (bớt Sầm Châu – trước là tỉnh Sầm Nưa, nay là tỉnh Hủa Phăn, CHDCND Lào). Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đổi tên là phủ Thọ Xuân, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tách huyện Lôi Dương, trước thuộc phủ Thiệu Hóa, nhập vào phủ Thọ Xuân. Năm Minh Mạng 16 (1835), hợp Tàm Châu và Quan Da làm châu Quan Hóa, bỏ huyện Thọ Xuân hợp vào châu Lương Chánh. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), trích đất huyện Thọ Xuân cũ cùng đất phía tây hai huyện Lôi Dương và Nông Cống để đặt thêm châu Thường Xuân. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) tách châu Quan Hóa sang phủ Quảng Hóa. Như vậy, đất phủ Thọ Xuân đời vua Đồng Khánh (1885 – 1889) thuộc các huyện Thường Xuân, Lang Chánh và Thọ Xuân ngày nay.
Huyện Thọ Xuân ngày nay chính là huyện Lôi Dương xưa. Thời Trần huyện này có tên là huyện Cổ Lôi. Đến đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (1469), định lại bản đồ cả nước, đổi tên là huyện Lôi Dương. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), trích tổng Luận Khê sang châu Thường Xuân. Năm 1945, bỏ cấp phủ, phủ Thọ Xuân (tức huyện Lôi Dương cũ) thành huyện Thọ Xuân.
Trên bản đồ Thọ Xuân ngày nay, về cương vực lãnh thổ, cơ bản thuộc đất của huyện Lôi Dương thuộc phủ Thọ Xuân và một phần đất huyện Lương Giang (sau đổi thành Thụy Nguyên), bao gồm 4 tổng Phú Hà, Quảng Thi, An Trường và Thử Cốc của phủ Thiệu Hóa (một phần đất Yên Định và Ngọc Lặc ngày nay). Quê của nhà văn Chu Giang ở làng Ngọc Quang Hạ; nhà báo Chu Linh Ngoại , làng Long Linh Ngoại, đều thuộc xã Trường Xuân chính là Tổng Thử Cốc của huyện Thụy Nguyên xưa. Còn làng Mía (Thịnh Mỹ) của anh Lê Hữu Đình là thuộc tổng Diên Hào, huyện Lôi Dương. Làng Mía tương truyền trồng mía để nộp lên triều đình cho voi ăn. Khi Lê Thái Tổ đưa thi hài bà Phạm Thị Ngọc Trần từ Nghệ An ra, chôn cất tại đây, ban cho tên làng là Thịnh Mỹ.
Về tên Thọ Xuân, thấy xuất hiện vào năm Quang Thuận thứ 7 (1466), thời vua Lê Thánh Tông, chia Thanh Hóa thừa tuyên làm 4 phủ, trong đó có phủ Thanh Đô gồm huyện Thọ Xuân, Quan Da, Lương Chánh, Tàm châu và Sầm Châu như ở Đại Nam nhất thống chí đã nêu.
Theo Đồng Khánh địa dư chí, huyện có phong tục : “Người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ và đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Các tổng Kiên Thạch, Nam Cai, Lôi Dương, Thượng Cốc, Bất Náo, Diên Hào gần với nho nhã. Các tổng Tam Lộng, Mục Sơn, Bái Đô gần với chất phác. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng theo đúng lễ nghĩa. Văn chỉ, văn từ, đền thần, chùa Phật thì các xã đều có. Theo Thiên chúa giáo toàn tòng có xã Mục Sơn, gián tòng chỉ mấy xã Bích Phương, Ngọc Lập, Xuân Phố mà thôi”.
Trên địa bàn huyện Thọ Xuân, người Mường – Việt là cộng đồng dân cư xuất hiện sớm nhất, như sách Địa chí huyện Thọ Xuân đã nêu. Làng Trung Lập, quê hương của Lê Hoàn là sách Khả Lập, có tên cổ là Kẻ Sập từ ngàn năm trước. Thọ Xuân có hai vùng đất nổi tiếng: Láng và Neo, được khái quát thành câu: “Mười hai xứ Láng, mười tám xứ Neo”. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, Láng (lãng, sáng) là từ cổ chỉ vùng đất sáng, yên bình. Neo (nêu) là cây nêu, cọc tiêu, để cắm chia đất (Tục ngữ: Đi qua đồng Neo nheo mắt lại”.
Phong vị ẩm thực làng quê đất Thọ Xuân trộn lẫn phong vị Kinh và phong vị Mường rất độc đáo như bánh chưng nung, bánh dày thước, xôi nén, nem thính nướng, tương tời, bánh trứng kiến…
Thọ Xuân cũng là vùng đất của ca dao, tục ngữ, trò chơi, trò diễn, hát đúm, hát cửa đình… rất phong phú và độc đáo: “Bán khám (cám) chợ Neo, bán bèo chợ Vực”, “Trai phố Bái, gái chợ Đầm”, “Đường Vạn Lại, Bưởi Luận Văn, chè xanh Sánh Lược”, Mạnh Chư lắm chữ. Đại Lữ lắm điền”, “Đình Bồi, xôi Vạy, bánh dày Căng”, “Lụa nái Phong Lai, kén ngài Trung Vực”, “Bồ làng Căng, năng làng Chè”…
Trong các trò dân gian của tỉnh Thanh Hóa thì trò Xuân Phả có vị trí đặc biệt, là độc nhất vô nhị. Trò Xuân Phả gồm có “ngũ trò”: Trò Hoa Lang, trò Ai Lao, trò Tú Huần, trò Xiêm Thành, trò Ngô Quốc. Đây là trò đã được công nhận là văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trò Xuân Phả mô tả, tái hiện cảnh năm phương (5 trò) đến chầu, “ngũ quốc lân bang đồ tiến cống”, ta có thể thấy nó xuất phát từ cung đình đã được dân gian hóa, vì thế được bảo tồn đến ngày nay.
Là đất phát tích của hai triều vua, Thọ Xuân cũng là nơi xuất hiện nhiều nhân vật vì dân vì nước lưu danh trong sử sách, sáng mãi ngàn thu. Nhiều nhân vật đã được thời gian và lịch sử đánh giá ghi ơn như Lê Hoàn, Lê Lợi, Lê Tư Thành, Trịnh Thị Ngọc Thương, Phạm Thị Ngọc Trần, Phạm Vấn (Lê Vấn), Lê Ngân, Trần Văn Linh (Lê Văn Linh), Nguyễn Văn An (Lê Văn An), Nguyễn Thận, Lê Thạch, Lê Khôi, Lý Triện, Nguyễn Nhữ Lãm, Trịnh Khắc Phục…
Ngày nay, trên đất Thọ Xuân có 2 Di tích Quốc gia đặc biệt là Di tích Lam Kinh và đền thờ Lê Hoàn. Các di tích này đang trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, được nhiều du khách tìm về chiêm bái, tham quan.
Vào năm 1964, huyện Thọ Xuân cắt 13 xã để thành lập mới huyện Triệu Sơn. Đến những năm 2005, huyện Thọ Xuân có 38 xã và 3 thị trấn. Đến năm 2019, với NQ số 786 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Thọ Xuân có 27 xã, 3 thị trấn. Hiện nay, dự kiến sau sắp xếp sẽ thành 8 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 22 đơn vị hành chính cấp xã. Điều đáng mừng là sau khi dự kiến sẽ đặt tên Thọ Xuân từ 1 đến 8 cho các xã nhưng lắng nghe nguyện vọng của dân, lãnh đạo huyện đã nhạy bén thay đổi, đặt tên 8 xã là những danh xưng gắn với lịch sử văn hóa nổi tiếng của huyện nhà. Như vậy, cái tên Thọ Xuân từ khi xuất hiện với vị thế là một huyện đến nay đã 559 năm. XUÂN nhưng chỉ THỌ được hơn 500 năm từ Huyện thành Phủ, rồi trở lại Huyện và bây giờ là Xã. Chỉ còn không đầy 60 ngày nữa là xã Thọ Xuân, nghe thật “thương hải tang điền” ngậm ngùi khôn xiết!
Có thời gian công tác ở quê nhà Thanh Hóa 30 năm, tôi có nhiều người anh, người bạn, người em là người Thọ Xuân, trong đó có những người tài giỏi đáng bậc thầy của mình. Quãng thời gian đó tôi có gần 10 năm (2002 – 2011) làm “thủ từ” của tỉnh ở Di tích Lam Kinh. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, xin được tri ân vùng đất đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời. Mặc dù huyện Thọ Xuân không còn, nhưng vùng đất Thọ Xuân, lịch sử - văn hóa Thọ Xuân mãi mãi là hành trang vô giá mà người Thọ Xuân mang theo trong hành trình vươn mình cùng dân tộc Việt Nam.
Nguồn Ngo Hoai Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét