XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

HUYỆN HOẰNG HÓA


(Viết trước ngày giải thể huyện)
Trước khi tìm hiểu về huyện ta hãy giải nghĩa từ Hoằng Hóa để hiểu nghĩa của địa danh Hoằng Hóa. Chữ HOẰNG, mà nhiều người nhầm là HOÀNG, và chữ HÓA có nghĩa gì?
Trong “Từ điển Hán Việt” học giả Đào Duy Anh giải nghĩa: HOẰNG là RỘNG LỚN, còn HÓA là: THAY ĐỔI MỘT CÁCH TỰ NHIÊN – TRỜI ĐẤT SINH THÀNH VẠN VẬT – DẠY DỖ SỬA ĐỔI PHONG TỤC (Giáo hóa).
Sách Kinh Thư, cổ văn Trung Hoa, thiên Chu quan viết: “Nhị công hoằng hóa, dần lượng thiên địa, bật vu nhất nhân” (Hai bậc thánh vương (Chu vương và Vũ vương) ra sức truyền bá phong tục để giáo hóa, cùng sáng soi đất trời, giúp đỡ con người).
Vậy, Hoằng Hóa có thể hiểu là: RA SỨC MỞ RỘNG VIỆC TRUYỀN BÁ ĐỂ GIÁO HÓA.
I. Khái quát về vùng đất Hoằng Hóa
Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển, phía bắc giáp huyện Hậu Lộc, phía tây giáp huyện Thiệu Hóa, Yên Định và Hà Trung, phía nam giáp TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn , phía đông giáp biển. Đặc trưng địa hình Hoằng Hóa được sách “Hoằng Hóa phong vật” ghi: “Hà Trung chi nam thị Hoằng Hóa/ Bán hải bán sơn bán bình dã” (Phía nam Hà Trung là Hoằng Hóa/ Nửa biển, nửa núi, nửa đồng bằng). Đặc điểm địa lý của huyện là: “Đầu Con Nít, đít Hà Rò” (Đầu huyện là núi Con Nít, cuối huyện là núi Hà Rò - núi Con Nít tức núi Ngọc (tên khác là Hỏa Châu, Châu Phong, Châu Sơn) bờ bắc cầu Hàm Rồng- núi Hà Rò tức núi Kim Chuế (tên khác là Lạch Trường, Linh Trường, Ngọc Xuyết, Trường Lệ) nằm ở hữu ngạn sông Lạch Trường, bên bờ biển cuối huyện)
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, thời Đinh - Lê huyện Hoằng Hóa là giáp Cổ Hoằng. Đời Lý, khoảng niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy (1186-1201) đổi là giáp Cổ Đằng, khoảng niên hiệu Hưng Long (1293-1314) đời Trần Anh Tông đổi làm huyện Cổ Đằng; đời Hồ đổi làm huyện Cổ Linh. Tuy nhiên, theo “Đại Việt sử lược” và “Toàn Thư” ghi sự việc năm Thiên Thư Gia Thụy thứ 7 (1192) vẫn ghi là giáp Cổ Hoằng. Sách “An Nam chí lược”, chép trong phần Thanh Hóa phủ lộ có Cổ Hoằng giáp và Cổ Đằng giáp. Thời thuộc Minh, theo sách “Hoàng Minh thực lục”, phủ Thanh Hóa có huyện Cổ Hoằng và huyện Cổ Đằng. Đời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận 10 (1469) đặt làm huyện Hoằng Hóa thuộc phủ Hà Trung. Đến năm Minh Mạng 19 (1838) cắt 3 tổng Lỗ Hương, Dương Thủy Dương Sơn của Hoằng Hóa và tổng Đại Lý của huyện Hậu Lộc để thành lập huyện Mỹ Hóa. Năm 1924 bỏ huyện Mỹ Hóa, trả lại các tổng, xã như đời đầu Minh Mạng.
Theo “Đồng Khánh dư địa chí” Hoằng Hóa có 5 tổng, 114 xã, thôn, ấp. Đó là tổng Từ Minh: 14 xã, thôn; tổng Hàng Vi: 18 xã, thôn; tổng Bút Sơn: 26 xã, thôn; tổng Bái trạch 27 xã, thôn; tổng Ngọc Xuyết 29 xã, thôn.
Về phong tục tập quán “Người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ, đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Đất có học thì các tổng Từ Minh, Hàng Vi, Bút Sơn là trội nhất, rồi đến Bái Trạch, Ngọc Xuyết.Dân cư ở vùng ven biển, ngoài việc cày cấy còn có nghề đánh cá. Làm thợ thì ở các thôn Hà Dương, Đạt Tài. Buôn bán thành nghề thì ở các xã Từ Minh, Yên Vực, Xuân Giang. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng không hà tiện cũng không xa hoa, vừa phải theo lễ. Ba tháng mùa Xuân tế thần cầu phúc, đều có ca hát. Đền văn từ, nhà văn chỉ thì thôn ấp nào cũng có. Theo Thiên chúa giáo toàn tòng thì chỉ có một thôn Duy Cách; gián tòng có các xã Phùng Dực, Phù Lưu, Thọ Vực, Yên Vực, Thượng Thôn, Đại Tiền mà thôi”.
Với địa hình “nửa biển, nửa núi, nửa đồng bằng”, Hoằng Hóa nhìn chung bằng phẳng. Giữa không gian bao la có những ngọn núi đột khởi và các con sông bồi đắp phù sa, tạo điểm nhấn về cảnh quan cho Hoằng Hóa. Dù không nhiều núi lớn, sông dài nhưng cảnh vật Hoằng Hóa vẫn trữ tình và khả ái.
Ngày nay từ TP Thanh Hóa đi Hà Nội, qua khỏi cầu Hảm Rồng ngay mép nước bên tay phải là ngọn núi Con Nít (Nhi Phong – núi Trẻ Con), tức núi Hỏa Châu, núi Ngọc, Châu Phong. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Núi này bắt đầu từ núi Long Hạm bên huyện Đông Sơn kéo sang qua sông, có một ngọn núi đứng sững ngay ở ven nước. Thế núi tuy nhỏ, nhưng toàn là núi đá. Đỉnh tròn chân thót, những bậc đá mọc có tầng thứ, chẳng khác nào rồng nhả ngọc, và lại nhọn vót như ngọn lửa, cho nên đặt tên Hỏa Châu (Hạt châu bằng lửa). Trên phía tây núi có chùa Tiên Đồng, cùng với động Long Quang trên núi Long Hạm cùng đối với nhau. Trên đỉnh núi, trồi lên một miếng đá, trông rất hệt dáng người, gọi là miếng đá Thần Đồng; và cũng vì thế, có tên gọi là Nhi Phong (Hòn núi trẻ con). Quanh miền đó có câu Ngạn rằng:
Lạ thay cái núi Đông Sơn
Chín mươi chín ngọn, một con chưa về”.
Trên đường quốc lộ 1A, dù ra bắc hay vào nam, đến khu vực Nghĩa Trang ta thấy ngọn núi đá có nhiều ngọn trùng điệp, đó chính là núi Nghĩa Trang (còn gọi là núi Kim Trà, Sơn Trang). “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Lái buôn đi thuyền biển nói, Ái Châu các núi liền biển, duy có núi Kim Trà là cao, đường biển trông vào đấy để làm tiêu chí”. Sách “Hoằng Hóa phong vật” có thơ về núi Kim Trà:
Sông Mã, non Kim, tổng Lỗ Hương
Ngắm non sông ấy đất văn chương
Nhất cao đỉnh núi Sơn Trang biếc
Tinh túy, linh thiêng vẫn chứng tàng
(Bùi Xuân Vĩ, dịch)
Núi Linh Trường, còn gọi là núi Kim Chuế, núi Ngọc Xuyết, núi Trường Lệ, núi Lạch Trường, núi Hà Rò. “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Suốt dọc sông nổi lên 7 ngọn, men ra tới biển. Chân núi có một cái đôn đá thò ra ngoài nước, có dáng như muốn lội qua sông. Giữa nơi làn sóng cách bờ, lại nổi lên mấy ngọn to nhỏ không đều. Phía trước núi, nẩy một mỏm đá dáng như mũi giày, đó tức là Tỷ Sơn trong cửa Bích thuộc huyện Hậu Lộc. Theo trong Lê Sử, năm thứ 7 đời Hồng Đức (1476), vua Thánh Tông qua chơi chốn này, có vịnh thơ “Linh Sơn Hải Khẩu” (Cửa biển Linh Sơn), và có đề lược dịch như sau:
Biển nước kề bên, non xanh chót vót; ngọn non ngay cửa, thế núi lạ lùng. Chân non có động, sâu thẳm vô chừng, tục truyền đó là mồm rồng. Phía ngoài mồm rồng, nổi lên một khối đá to, hình thù lại càng quái lạ; tục truyền là cái mũi rồng. Dưới cái mũi đó lại có miếng đá tròn đẹp lạ lùng ; tục truyền là cái hạt châu. Ngoài đó thêm có nhiều những viên đá lởm chởm, hoặc nhỏ hoặc to, không thể đếm được; tục truyền là bộ râu rồng”.
Núi Bưng (Băng Sơn, Mộc Sơn), gồm hai ngọn núi vọt lên giữa đồng bằng, do hai đầu nhô cao, quãng giữa lõm xuống bằng phẳng nên còn có tên núi Mã Yên. Đây là quê hương của Lê Phụng Hiểu nên nhân dân thần thánh hóa thành 2 bó củi của ông, chính là nơi có sự tích “Thác đao điền”. Dưới chân núi có đền thờ Lê Phụng Hiểu, thường gọi là đền Bưng. Sát đền Bưng có đền thờ “Đức Thánh Mẫu”, thờ bà Tố Nương, mẹ Lê Phụng Hiểu. Bên phải đền Bưng là chùa Bưng thờ Phật. Sườn núi phía bắc có đền thờ Cao Sơn. Tác giả “Hoằng Hóa Phong Vật” có thơ:
Vùng núi Băng Sơn cảnh sắc thanh
Thế nhìn tinh túy hiện anh linh
Mã Yên chầu trước non quang sáng
Hương Tự chùa thơm, đá cũng vinh
Nhổ bụi tướng huân ghi cổ miếu
Quăng dao thần hóa, vẫn lưu hình
Anh hùng đi mất, thiêng còn đó
Ngàn thuở non sông được nổi danh
(Bùi Xuân Vĩ dịch).
Núi Triêng (Trinh Sơn) nằm ở xã Hoằng Giang, bên bờ sông Mã. Núi từng là căn cứ đóng quân của Dương Đình Nghệ, của nghĩa quân Lam Sơn và nghĩa quân Cần Vương chống Pháp.
Núi Đẽn, còn có tên là núi Già, vì đứng cạnh làng cổ Kẻ Già (Nghĩa Trang) và núi Bà Nga vì đứng trên địa phận làng Trinh Nga (Hoằng Trinh), còn có tên núi Cổ Điển vì làng Trinh Nga xưa có tên là Cổ Điển trang. Núi không cao lắm, các lớp đá xếp nghiêng, dáng núi giống như con ngài, trên đỉnh có tảng đá giống bàn cờ, tục gọi là bàn cờ tiên. Đây được cho là ngọn núi kết tinh linh thiêng để tạo nên các công hầu, phi tần và dòng họ Mai nổi tiếng ở làng Trinh Nga.
Là vùng đất được bồi trúc nhờ phù sa của các dòng sông, Hoằng Hóa có sông Mã, sông Ngu, sông Cung, sông Đằng và sông Trà chảy qua.
Sông Mã chảy qua Hoằng Hóa bắt đầu từ Ngã Ba Bông, địa đầu Hoằng Hóa, gặp sông Cầu Chày (Ngọc Chùy) tại thôn Hữu Khánh, gặp sông Chu (Lương Giang) tại làng Đầu (Hợp Đồng). Từ Ngã Ba Đầu (Ngã Ba Chành) chảy qua núi Triêng, Hàm Rồng, Núi Ngọc, qua các xã Hoằng Quang, Hoằng Đại, Hoằng Trạch, Hoằng Tân, Hoằng Châu … đổ ra cửa Hội Triều (cửa Lạch Trào, cửa Hới). Vùng đất Hội Triều gắn với làng Hội Triều, làng Lam Cầu, làng Bái Cầu, làng Đại Trung…với bao nhiêu người thành danh, hiển đạt. Từ xưa đã có câu: “Hoằng Hóa diệu tham thiên chi bán/ Hội Triều lưu vạn cổ chi phương” (Hoằng Hóa nổi tiếng giỏi nửa trời/ Hội Triều lưu hương thơm muôn thuở).
Là biểu tượng cho non sông gấm vóc, linh khí trời Nam, hình ảnh Mã Giang đã được nhà Nguyễn cho khắc trên Nhân Đỉnh đặt tại kinh đô Huế.
Sông Ngu (Sông Lạch Trường) trước đây là dòng chính của sông Mã. Do biến cố thiên nhiên, sông bị tắc ở ngã ba Tuần Ngu, sông Mã đổi dòng trổ về Hàm Rồng chảy ra Hội Triều. Sông Ngu chảy xuống cầu Tào Xuyên, qua Hoằng Lý, Hoằng Cát, Hoằng Xuyên đến ngã Ba Bộ Đầu gặp sông Trà Giang đổ vào rồi chảy ra Lạch Trường (cửa Y Bích).
Là huyện ven biển, Hoằng Hóa có 12km bờ biển, với những cửa biển quan trọng là Hội Triều và Lạch Trường. Biển Hoằng Hóa cũng nổi tiếng với khu du lịch biển Hải Tiến đang trở thành điểm đến cho khách du lịch những năm gần đây. Nằm giữa hai cửa biển nên vùng biển Hoằng Hóa nông, có nhiều sinh vật phù du giúp cho cư dân Hoằng Hóa kết hợp cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các con sông ở Hoằng Hóa đã cung cấp cho cư dân ven sông nhiều món ăn ngon, trong đó có những đặc sản như: phi cầu Sài, lệch sông Cung, móng tay sông Bút, lư sông Đằng.
Là huyện cơ bản lao động chính là nông ngư, nên nghề thủ công của Hoằng Hóa rất phát triển để tranh thủ lúc nông ngư nhàn, tăng thêm thu nhập. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn Hoằng Hóa có trên 30 nghề thủ công truyền thống. Vì vậy, trước đây có những năm mất mùa đói kém nhưng nhờ nghề phụ cư dân Hoằng Hóa ít phiêu tán. Các nghề thủ công nổi tiếng của Hoằng Hóa như: mộc ở Đạt Tài, Hạ Vũ, Hà Thái, Đại An… đúc lưỡi cày ở Đồng Lạc, nghề nhuộm ở Trinh Hà, nghề đan ở Đoan Vĩ, Thái Hòa…nghề ép dầu ở Đại An, Tào Xuyên, nề ở Bột Thượng, Bột Thái… xẻ ở Hà Lộ, Lương Hà, Trung Thượng… gạch ở Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Yến… làm nước mắm ở Hoằng Phụ; kéo vải ở nhiều nơi trong huyện, dệt vải ở Nghĩa Hưng, Hành Vĩ, Tào Xuyên… dâu tằm tơ lụa ở Hạ Vũ, Hà Đồ, Đằng Cao… và rất nhiều nghề khác. Riêng tổng Ngọc Chuế cũ có bài vè kể về các nghề thủ công của tổng như: “Làng Bái thì đóng cối xay/ Làng Hón làm thầy, làng Đọ kéo cưa/ Làng Thìn đóng cửa cày bừa/ Chăn tằm, cắt niệt kéo cưa giúp đời/ Đồi nhà Chẽm thì nuôi lợn dê/ Man, Nại ăn nghề những lưới nhỏ to/ Làng Hón thêm nghề buôn bò/ Làng Trung có quán những lo sự đời…/ Làng Đồi thì đi bán ngao/ Làng Mạ bán hàu, Khúc Phụ bán don/ Thỏa lòng mẹ, mát lòng con/ Làng Mườn tuế tác hãy còn câu phi…”. Trong các nghề trên, nghề mộc ở làng Đạt Tài là nức tiếng cả nước. Tổng Đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh đã có câu đối đề ở văn chỉ làng Đạt Tài: “Thiên tích thông minh Hoằng Hóa dục/ Thánh phù công dụng Đạt Tài năng” ( Trời phú thông minh, Hoằng Hóa tiến phát/ Thánh phù công dụng, Đạt Tài lừng danh).
Ảnh trên đầu: Núi Con Nít bên cầu Hàm Rồng, sông Mã.


II. Hoằng Hóa – Vùng văn hóa, đất khoa bảng.
1. Vùng văn hóa
Ngược về ngọn nguồn lịch sử, căn cứ vào dấu vết khảo cổ học, ta có thể khẳng định thời kỳ nhà nước Văn Lang của các vua Hùng đã có cư dân sinh sống trên đất Hoằng Hóa. Di chỉ văn hóa Quỳ Chữ là di chỉ cư trú và mộ táng, ở đây có nghề luyện kim, đúc đồng, chế tác sản phẩm bằng đồng như rìu, giáo, cày, lưỡi câu, dao găm… Cùng với Quỳ Chữ là các di tích đôi bờ sông Dọc Cổ đã được các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều di vật thời đại đồng, sắt, gốm thuộc văn hóa Đông Sơn muộn. Cụm di chỉ Hoằng Lý ven sông Tào được thu thập qua các đợt khảo sát có gốm, rìu, giáo, trang sức, mảnh trống đồng, mộ táng…
Trong thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia độc lập tự chủ, Hoằng Hóa là địa bàn thuộc huyện Tư Phố, với những khu vực cư trú rộng lớn như: Kẻ Đầng, Kẻ Vụt…Di chỉ văn hóa Lạch Trường với các hiện vật thu được từ mộ Hán đã cho thấy sự giao lưu người Việt và người Hán. Đặc biệt tượng người đội đèn tìm thấy ở đây mang phong cách Chăm, chứng tỏ Lạch Trường là thương cảng sầm uất, điểm giao thương quan trọng.
Suốt thời kỳ chống Bắc thuộc, những mảnh vỡ lịch sử còn lại hôm nay đã chứng minh dấu tích của cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục có sự tham gia của cư dân Hoằng Hóa. Những địa danh: “Cồn Binh”, “Bãi Binh” ở Hoằng Lý, Hoằng Hợp … tương truyền là nơi tập kết quân của Bà Triệu. Tại nghè Trinh Hà còn câu đối: “Dạ Trạch tương phù, long trảo vĩnh lưu Nam Việt sử/ Tây Hà trấn lữ, đầu mâu trực phá Bắc Lương binh” (Dạ Trạch là nơi đánh giặc, ngọn long trảo oai hùng còn lưu mãi trong sử Nam Việt/ Tây Hà là nơi đóng quân, ngọn đầu mâu thẳng tốc phá tan quân Lương bạo tàn phía Bắc).
Trong thời kỳ độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt, Hoằng Hóa đã xuất hiện những nhân vật lịch sử là trụ cột của các vương triều, bảo vệ quốc gia độc lập. Thời Lý, Lê Phụng Hiểu người Hoằng Sơn đã có công dẹp “loạn tam Vương”, đưa Lý Phật Mã (Lý Thái Tông) lên ngôi vua, đánh dẹp Chiêm Thành, để lại sự tích “Thác Đao Điền” đến ngày nay. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đất Hoằng Hóa xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử mà ngày nay còn được nhắc đến, có đền thờ hương khói quanh năm. Đó là Bà Quốc Mẫu ở Hoằng Anh, bà lão ở Quỳ Chữ nuôi dấu Lê Lợi, Nguyễn Công Duân có công phá thành Nghệ An, Xương Giang được Lê Thái Tổ phong hầu, Lê Viện người Hoằng Thành hy sinh trong trận Chúc Động được truy phong “Lê triều Quận Công”…
Thời kỳ Trung Hưng nhà Lê, Hoằng Hóa, nhất là cửa Lạch Trường trở thành chiến địa của cuộc giao tranh Lê – Mạc. Thời kỳ này có nhiều công thần nhà Lê là người Hoằng Hóa như Lê Tuấn Kiệt (Hoằng Tân), Lương Hữu Khánh (Hoằng Phong), Lê Trung Giang (Hoằng Ngọc), Lê Khủng (Hoằng Hải), Lê Tự Cường (Hoằng Đạt)…
Thời nhà Nguyễn, Hoằng Hóa có nhiều danh nhân có vị trí quan trọng trong triều đình như Nguyễn Viên người Bột Thượng, cháu Nguyễn Quỳnh (Hoằng Lộc), một người được ca ngợi học vấn uyên thâm “tâm tàng kinh sử, phúc uẩn kinh luân”, đỗ tam trường, khi mất được nhà Nguyễn phong đến Cần Chánh điện học sĩ kiêm Thái thường tự khanh, hàm Tòng nhị phẩm, tước Viên Ngọc hầu. Hà Duy Phiên người Bột Thượng (Hoằng Lộc), ông là tác giả “Đại Nam hội điển”, “Đại Nam thực lục tiền biên”, được vua Tự Đức khen là “Bề tôi tài giỏi”, khi mất được truy tặng Thiếu Bảo, Văn minh điện Đại học sĩ, tước Bút Phong hầu, được thờ ở đền Hiền Lương. Sau này đất Hoằng Hóa còn có các vị Nguyễn Hữu Thái (Hoằng Vinh), Đặng Quốc Lang (Hoằng Cát), Nguyễn Huy Lịch (Hoằng Lộc), Nguyễn Huy Khởi (Hoằng Long), …đều là rường cột của nhà Nguyễn.
Trong phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược trên đất Hoằng Hóa đã có nhiều sĩ phu tiêu biểu như Nguyễn Đôn Tiết (Hoằng Đức), Lê Trí Trực (Hoằng Trung), Cao Điển (Hoằng Giang), Nguyễn Xuân (Hoằng Lý)…
Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, Hoằng Hóa còn là vùng đất có bề dày, chiều sâu về văn chương, văn hóa dân gian, di sản văn hóa, lễ hội, trò chơi, trò diễn, sân khấu, đình, chùa, nghè, tín ngưỡng, phong tục tập quán…
Trong dân gian Thanh Hóa có câu phương ngôn: “Mẹo mực Quảng Xương, Văn chương Hoằng Hóa”, đủ để nói rằng đất Hoằng Hóa có truyền thống văn chương, cả trong văn hóa dân gian và văn học viết.
Các thể loại văn học dân gian như truyền thuyết, truyện cười, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, dân ca, hò vè…đều hết sức phong phú trên đất Hoằng Hóa. Nhiều chuyện kể dân gian về đất và người Hoằng Hóa rất độc đáo, vượt ra khỏi địa phương, trở thành tài sản chung của nhân dân cả nước như truyện Trạng Quỳnh, Xiển Bột, Tú Chung, Ông Bưng - Lê Phụng Hiểu, giai thoại của Nguyễn Đôn Tiết, bà Quốc Mẫu…
Nhiều tục ngữ, phương ngôn trong kho tàng văn hóa dân gian Hoằng Hóa rất phổ biến, được truyền qua nhiều đời: “Lạch Trào dễ vào khó ra”, “Cơn Hà Rò bỏ bò mà chạy, cơn Hà Vạy đừng chạy mất công”, “Tôm he cửa Vích, cá trích cửa Trào”, “Dừa làng Nghĩa, mía làng Tào”, “Gái giêng hai, khoai Đại Đồng”, “Chồng đánh không chừa, đi chợ cứ cùi dừa bánh tráng”, “Bánh đúc bẻ ba, tôm canh quệt ngược cửa nhà anh xiêu”, “Hậu Lộc Trương Xá, Hoằng Hóa Bút Sơn”, “Giấy làng Mơ, thơ Hoằng Hóa”, “Thí Hoằng Hóa, Khóa Đông Sơn”, “Muốn uống nước giếng Bông lấy chồng làng Trịnh/ Muốn nưng nịnh lấy chồng làng trên/ Muốn đan phên lấy chồng ngõ Giữa/ Muốn nằm ngửa, lấy chồng ngõ Chùa/ Muốn ăn canh cua lấy chồng ngõ Hảo/ Muốn ăn tôm nhảo lấy chồng kẻ Đại/ Chớ có dại lấy chồng Đông Khê”… Hoàng Hóa còn nổi tiếng với các loại hình văn hóa dân gian như chèo chải, vè, ca dao, câu đố…
Về văn học viết, Hoằng Hóa xuất hiện nhiều nhà nho để lại gia tài văn học rất phong phú. Có thể kể đến các tác gia như: Lương Hữu Khánh với tác phẩm “Tần quan văn kê phú”, “Quan Sử”, bài thơ “Nho, tăng đồng châu”; Lưu Đình Chất với tác phẩm 19 bài thơ trong “Toàn Việt thi lục”; Nguyễn Quỳnh có nhiều bài thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm; Nguyễn Đình Giản có nhiều bài thơ để lại; Ngô Cao Lãng tác giả “Lịch triều tạp kỷ”, “Ngũ man phong thổ ký”, “Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký”, “Bắc kỳ tạp biên”, “Thanh Hóa dư đồ sự tích ký”…; Nhữ Bá Sĩ để lại khá nhiều tác phẩm, tiêu biểu như “Thanh Hóa tỉnh chí”, “Đại học đồ thuyết”, “Việt hành tạp thảo”, “Nghi Am hàn hương”, “Việt sử tam bách vịnh”, “Đạm Trai thi văn tập”, “Nghi Am biệt lục”…; Nguyễn Đôn Tiết có “Văn tế Nguyễn Tri Phương”, “Khóc Phạm Bành”; Đỗ Xuân Cát để lại tác phẩm “Châu Tân thi văn tập”, “Lam hành tạp lục”, “Gia phả tự lệ”; Nguyễn Đôn Dự để lại di cảo là các bài thơ khi bị Pháp đầy đi Côn Đảo và chết ở đó. Ngoài các tác gia trên, Hoằng Hóa còn có các tác gia: Lê Tất Đắc, Thôi Hữu, Lê Mạnh Trinh…
Thời hiện đại, Hoằng Hóa có các văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực VHNT thành danh như: nhà LLPB Nam Mộc, nhà văn Nguyễn Đức Hiền, nhà văn Nguyễn Trần Thiết, PGS TS nhà Nghệ An học Ninh Viết Giao, PGS TS âm nhạc Nguyễn Xinh, nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên, nhà thơ Trần Kim Anh, NSND Lê Ngọc Cường, nhà thơ Lê Huy Hòa, nhà thơ Nguyễn Thị Kim Quy, nhà thơ Lê Minh Hoài, NĐK Lê Duy Ngoạn, NSND Nguyễn Hải Ninh, NSND Nguyễn Thanh Vân, NSND Nguyễn Văn Quang…
Trong lĩnh vực di tích, hiện nay trên đất Hoằng Hóa có các di sản văn hóa tiêu biểu như: Đình Bảng Môn ở Hoằng Lộc, đền Hà Vũ ở Hoằng Đạt, nghè Nguyệt Viên ở Hoằng Quang, đình Phú Khê ở Hoằng Phú, nghè Hà Lộ ở Hoằng Tiến, chùa Gia ở Hoằng Phượng, nghè Trinh Hà ở Hoằng Trung…
Hoạt động lễ hội, hội thi, trò chơi, trò diễn ở Hoằng Hóa hết sức phong phú hấp dẫn, hầu như làng nào cũng có, được tổ chức nhiều nhất vào đầu mùa Xuân. Tiêu biểu như lễ hội Phú Khê, lễ hội Bột Thượng, Bột Thái, lễ hội ở Khúc Phụ… Tại các lễ hội, sau phần lễ là phần hội với các trò như thi bắt lươn, thi đan lát, thi dựng cột nhà, vật cù, vật người, kéo co, cờ người, tổ tôm điếm, thi làm bánh, thi nấu cơm, thi thơ họa, trò chèo chải, trò Tú Huần…Về sân khấu, Hoằng Hóa có hát ca công (hát nhà trò, hát ca trù), hội trống quân, hát tuồng, chèo, múa nến, múa đèn, múa bài bông, múa xanh ngô, múa trống quân, múa tứ linh…
2. Đất khoa bảng
Truyền thống khoa bảng là niềm tự hào lớn nhất của cư dân Hoằng Hóa, nơi xứng danh là vùng đất học của xứ Thanh. Trong “Đại Nam nhất thống chí” có chép, ở Hoằng Hóa thôn ấp nào cũng có đền văn từ, nhà văn chỉ. Đây là nơi tôn thờ đạo học; khắc bia tôn vinh người đỗ đạt của quê hương. Trước kia, trên đỉnh núi Ngọc cạnh cầu Hàm Rồng có đền thờ Thần Đồng và Tháp Bút, cứ đến kỳ thi, các sĩ tử trong huyện và trong tỉnh đều đến dâng hương cầu khoa, mong đỗ đạt thành danh. Câu ca dao: “Một giỏ ông đồ/ Một bồ ông cống/ Một đống ông nghè/ Một bè tiến sĩ/ Một bị trạng nguyên/ Một thuyền bảng nhãn” có lẽ không sai với Hoằng Hóa. Cả nước ta có 20 làng khoa bảng với tiêu chí phải có 10 người trở lên đỗ đại khoa, Hoằng Hóa có làng Nguyệt Viên ở Hoằng Quang cùng với các làng Đông Ngạc (Từ Liêm), Tả Thanh Oai (Thanh Trì -HN), Mộ Trạch (Hải Dương), Cổ Đôi (Nông Cống - TH), Kim Đôi (Bắc Ninh), Đông Thái (Đức Thọ -HT... Ở Hoằng Hóa có nhiều làng, xã được gọi là “cái rốn khoa bảng”. Nhiều câu ca dao của Thanh Hóa đã ca ngợi đất khoa bảng Hoằng Hóa: “Thí Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn”, “Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”, “Nguyệt Viên mười tám ông Nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tàn vàng”.
Theo dòng chảy lịch sử khoa bảng, người đầu tiên của Hoằng Hóa đỗ đại khoa, mở đầu cho nền khoa bảng Hoằng Hóa là Lưu Diễm, làng Vĩnh trị, tổng Từ Minh, Hoằng Quang. Ông đỗ thứ hai đệ nhất giáp (Bảng Nhãn) khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn (1232), đời Trần Thái Tông, khi ông mới 22 tuổi. Ông làm quan tới chức Đông các đại học sĩ. Bảy năm sau, anh ông là Lưu Miễn đỗ đệ nhất giáp khoa thi Thái học sinh (Trạng Nguyên), năm Kỷ Hợi (1239) đời Trần Thái Tông. Ông làm quan tới chức Tư mã, tước Minh tự.
Từ đời Trần cho đến hết đời Hậu Lê, huyện Hoằng Hóa có 37 người đỗ Đại khoa, tức từ Tiến sĩ trở lên/ 187 người của tỉnh Thanh Hóa/2338 người của toàn cõi Việt Nam. Đời Nguyễn có 38 khoa thi, Hoằng Hóa có 11 người đỗ Tiến sĩ và phó bảng/ tổng số 558 người của cả nước. Dưới chế độ phong kiến, cả tỉnh Thanh Hóa có 204 người đỗ Đại khoa thì huyện Hoằng Hóa có 48 người. Riêng các kỳ thi hương ở đất Thanh Hóa, từ năm 1702 đến 1783, có 27 khoa thi tại trường thi Thanh Hóa (cả Ninh Bình), lấy đỗ 1.030 người, thì Hoằng Hóa đã có 294 người trúng bảng đề danh, chiếm gần 1/3. Có đến 6 khoa thi, sĩ tử Hoằng Hóa đã chiếm 1/2 số người đỗ cử nhân tại trường thi Thanh Hóa.
Trong những người bảng vàng đề danh, có nhiều người Hoằng Hóa đỗ khi còn rất trẻ. Những người dưới 18 tuổi đã đỗ kỳ thi hương như: Lê Thiều ở Từ Minh đỗ năm 1720, Lê Thúc Điền ở Hoằng Trung cũng khoa thi trên, Nguyễn Lê Dực ở Hoằng Quang và Nguyễn Đăng Doanh ở Bái Trạch đỗ năm 1732, Lê Quốc Dự ở Hoằng Long đỗ năm 1738, Ngô Nguyễn Nhã đỗ năm 1755, Nguyễn Danh Dự ở Hoằng Anh đỗ năm 1768…
Có nhiều gia đình anh em ruột đỗ cử nhân cùng khoa như Vũ Duy Hoàn và Vũ Duy Đoàn ở Cự Đà ( Hoằng Minh) đỗ khoa Đinh Dậu 1717; Lưu Chất và Lưu Đề ở Vĩnh Trị (Hoằng Quang) đỗ khoa Quý Mão 1723; Nguyễn Bá Khải và Nguyễn Trọng Hoành ở Bột Thái (Hoằng Lộc) đỗ khoa Ất Mão 1735; Lê Thì Trác và Lê Thì Trứ ở Hoằng Sơn đỗ khoa Ất Dậu 1765; Lê Thì Tập và Lê Thì Bảo ở Hoằng Sơn đỗ khoa Tân Mão 1771…
Trong một khoa thi cũng xuất hiện cùng lúc hai người là người Hoằng Hóa cùng đỗ. Kỳ thi Tân Sửu 1481, Hoằng Hóa có Nguyễn Nhân Lễ ở Bột Thượng, Hoằng Lộc và Lê Duy Hàn ở Hoằng Tân cùng đỗ Tiến sĩ. Khoa Nhâm Tuất 1502, Trương Đức Quang ở Hoằng Yến và Lê Nhân Tế ở Hoằng Thắng cùng đỗ tiến sĩ đồng khoa. Khoa Kỉ Sửu 1589, Lê Nhữ Bật ở Vĩnh Trị (Hoằng Quang) và Lương Khiêm Hanh ở Hội Triều (Hoằng Phong) đỗ Tiến sĩ cùng khoa. Khoa Đinh Sửu 1637 Lương Đạt ở Hoằng Khánh và Nguyễn Vị ở Nguyệt Viên (Hoằng Quang) đỗ Tiến sĩ đồng khoa. Khoa Kỷ Mùi 1919, khoa thi Hội cuối cùng triều Khải Định thứ 4, Nguyễn Phong Di và Lê Viết Tạo đều ở làng Nguyệt Viên đỗ Phó bảng. Đặc biệt, ở Bột Thái (Hoằng Lộc) có 2 cha con cùng đỗ Đại khoa là Nguyễn Sư Lộ đỗ tiến sĩ khoa Giáp dần 1554 và con là Nguyễn Thứ đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Thân, 1598. Người cùng xã đỗ đại khoa như 2 tiến sĩ Lê Duy Hàn và Lê Kiêm, người xã Bái Cầu (Hoằng Trạch); Nguyễn Tác Dĩnh và Nguyễn Vĩnh cùng làng Lam Cầu (Hoàng Đại).
Có nhiều làng Hoằng Hóa nổi tiếng là đất học như Bột Thượng, Bột Thái (Hoằng Lộc), Nguyệt Viên, Vĩnh Trị, Phù Quang (Hoằng Quang), Quỳ Chữ, Đông Khê (Hoằng Quỳ), Hội Triều (Hoằng Phong), Cát Xuyên (Hoằng Cát), Phượng đình, Cự Đà, Từ Quang, Phượng Trì, … Làng Hội Triều, làng có thế đất: “Song long đáo hải/ Lưỡng phượng trình tường”, nên phát 3 Tiến sĩ là cha: Lương Đắc Bằng, con: Lương Hữu Khánh và Lương Khiêm Hanh. Các làng đỗ Đại khoa nhiều nhất là: Nguyệt Viên: 11 người, Vĩnh Trị: 7 người; Bột Thái: 7 người; Bột Thượng: 5 người, Phù Quang: 3 người.
Không chỉ cùng huyện, cùng làng xã đỗ đại khoa, nhiều gia đình cha con, ông cháu, anh em cùng thi đậu, tạo ra truyền thống kế thế đăng khoa. Họ Nhữ ở Cát thôn (Hoằng Cát) có anh: Nhữ Đình An đỗ khoa Kỷ Mão (1819), em Nhữ Bá Sĩ đỗ khoa Tân Tỵ (1821), con Nhữ Bá Sĩ là Nhữ Dĩ Huyên đỗ khoa Ất Mão (!855), con thứ là Nhữ Trí Thuật đỗ khoa Canh Ngọ (1870), con của Nhữ Dĩ Huyên là Nhữ Duy Cơ đỗ khoa Giáp Ngọ (1894). Tại Hoằng Cát, gia đình họ Đặng ở thôn Cát Mao, cha Đặng Quốc Lang đỗ khoa Tân Mão (1831), con Đặng Huy Hoán đỗ khoa Kỷ Mão (1867). Gia đình họ Nguyễn ở Phượng Đình (Hoằng Anh), anh Nguyễn Đình Văn đỗ cử nhân khoa Mậu Tí (1888), sau đó thi Hội (1892) đậu Phó bảng, em Nguyễn Hữu Đan đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1903), con Nguyễn Đình Văn là Nguyễn Đình Ngân đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý (1912). Ở Bột Thượng, Hoằng Lộc, cha Nguyễn Thận Tuyển đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), con Nguyễn Bá Nhạ đỗ cử nhân khoa Tân Sửu (1841), sau đó năm 22 tuổi, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Quý Mão (1843).v.v…Riêng xã Hoằng Lộc, theo thống kê chưa đủ, số người đỗ tiến sĩ là 12, số người đỗ hương cống, hương tiến, giám sinh quốc tử giám, nho sinh là 149 trong thời Lê (1428 – 1884), thời Nguyễn (1802 – 19190 có 37 người đỗ cử nhân, 140 người đỗ tú tài.
Không chỉ hiếu học, khổ học, thông minh, trí tuệ , có tài kinh bang tế thế, ở cái đất “trọng khoa, khinh hoạn”, phải là người có khí tiết, mới được dân tôn trọng. Câu đối ở nhà thờ Nguyễn Đăng Lương và Nguyễn Đăng Sĩ ở Liên Châu (Hoằng Châu) đã nói lên phẩm cách đó: “Đức độ an dân văn tiến sĩ/ Phất cờ trừ bạo võ quận công”. Chính vì thế nhiều người đỗ đạt được dân lập đền thờ vì có công với dân, với nước. Đó là tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương được thờ ở làng Tự Nhiên, tiến sĩ Lê Duy Hàn được thờ ở Đồng Lòng, tiến sĩ Nguyễn Đăng Sĩ được thờ ở Liên Châu, hoàng giáp Bùi Khắc Nhất được thờ ở Hoằng Nghĩa, bảng nhãn Lương Đắc Bằng được thờ ở Hội Triều.v.v…
Để có truyền thống hiếu học, khoa bảng, Hoằng Hóa cũng là đất có nhiều thầy giáo giỏi, danh sư xuất cao đồ là lẽ tất nhiên. Thầy giáo Lương Đắc Bằng là thầy dạy trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thái bảo Khê Quận công Đinh Bạt Tụy, thám hoa Nguyễn Thừa Hưu… Thầy giáo Lê Bặt Triệu người Hoằng Phong là thầy của cử nhân Hiệp biện đại học sĩ Hộ Bộ thượng thư Hà Duy Phiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Thố, cử nhân Nguyễn Hữu Thái… Thầy giáo Nhữ Bá Sĩ ở Hoằng Cát có học trò Thám Hoa Mai Anh Tuấn, bảng nhãn Phạm Thanh… Ngoài những vị thầy dạy học trên, Hoằng Hóa còn có những danh sư là người Hoằng Lộc có nhiều học trò đỗ đạt như Nguyễn Sư Lộ, Lê Huy Du, Nguyễn Khắc Tráng, Nguyễn Hiệu, Nguyễn Năng Nhượng…
Là một vùng đất mở, có sông, lạch, biển, có đường thiên lý đi qua, gần tỉnh lỵ, lại có bề dày lịch sử văn hóa, đây là môi trường tự nhiên và văn hóa cho tinh thần hiếu học, chuộng tri thức, khổ luyện vượt qua khó khăn để thành tài, giúp dân giúp nước của kẻ sĩ đất Hoằng Hóa. Từ khát vọng đó đã hình thành nên những phẩm cách, khí tiết của đội ngũ trí thức nho học trên đất Hoằng Hóa. Một thế đất “Hình thể có núi Châu Phong làm án, có dòng sông Mã uốn quanh. Non sông đúc nên khí thiêng, sinh nhiều nhân tài anh tuấn, rõ ràng là địa linh nhân kiệt. Cho nên kẻ sĩ nhiều người đỗ đạt, tiếng thơm lừng lẫy, không chỉ đứng hàng đầu châu Ái mà sánh hàng chung cả nước”. (Trích bia văn chỉ hàng huyện ở xã Hoằng Lộc do cử nhân Nguyễn Huy Lịch soạn năm Tự Đức 14 (1860).
Và, tôi thiết nghĩ, một vùng đất cũng giống như con người vậy, nhiều khi cái tên cứ vận vào số phận. HOẰNG HÓA – RA SỨC MỞ RỘNG VIỆC TRUYỀN BÁ ĐỂ GIÁO HÓA. Phải chăng đỗ đạt, thành danh để đem tài đức ra kinh bang tế thế, đóng góp cho quê hương, cống hiến cho đất nước cũng là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi nhân sĩ ở vùng đất này.
Ảnh: Nghè Nguyệt Viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét