Hôm nay, 1/7/2025 sẽ đi vào lịch sử nước nhà là ngày khởi đầu cho cuộc cải cách hành chính của đất nước ta, một cuộc cải cách hành chính thực hiện trong thế kỷ 21 với nhiều mục tiêu và tham vọng to lớn.
Trong hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, Việt Nam đã nhiều lần thay đổi cơ cấu hành chính để phù hợp với từng thời kỳ chính trị, xã hội và nhu cầu quản lý đất nước. Tuy nhiên, xét về tính chất, quy mô, ý nghĩa thì cuộc cải cách hành chính thời vua Lê Thánh Tông, thời vua Minh Mạng và của TBT Tô Lâm là ba cuộc cải cách hành chính có quy mô và sức ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất trong lịch sử nước nhà.
Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) là vị vua kiệt xuất. Để củng cố quyền lực Trung ương, giảm cát cứ của các thế lực địa phương, ông đã thực hiện cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong thời phong kiến Việt Nam cho đến lúc bấy giờ. Vua Lê Thánh Tông đã tổ chức bộ máy hành chính cai trị theo mô thức Trung ương tập quyền. Ông chia đất nước thành 13 đạo thừa tuyên, mỗi thừa tuyên gồm phủ, châu, huyện, xã. Bãi bỏ các tước phong thế tập lớn, tập trung quyền lực vào tay nhà vua. Ông thiết lập hệ thống Lục bộ ở Trung ương. Mỗi thừa tuyên có 3 cơ quan (tam ty) là Đô ty (quân sự), Thừa ty (hành chính) và Hiến ty (tư pháp). Quan lại tuyển chọn qua khoa cử, loại bỏ chế độ thế tập (cha truyền con nối). Ông cho ban hành bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật), một bộ luật hành chính và hình sự hoàn chỉnh. Cuộc cải cách này đã đặt nền móng xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh, đưa xã hội vào trật tự kỷ cương, thúc đẩy văn hóa – giáo dục – nông nghiệp phát triển, đưa quốc gia Đại Việt đến cực thịnh.
Cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1841) diễn ra trong bối cảnh cần thống nhất mô hình hành chính ba miền Bắc – Trung – Nam đã hình thành do quá trình chia cắt đất nước lâu dài. Nhà vua đã thay thế các Trấn - Dinh – Doanh bằng Tỉnh. Đây là lần đầu tiên, mô hình cấp Tỉnh được thống nhất trong cả nước. Ông chia đất nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên (Kinh đô Huế). Hệ thống hành chính địa phương được chia thành 5 cấp: Tỉnh – Phủ - Huyện/Châu – Tổng – Xã. Để củng cố chế độ Trung ương tập quyền, nhà vua đã thống nhất cách quản lý ba miền, các quan tỉnh đều do triều đình cử từ Trung ương về, thực hiện chế độ Hồi tỵ, chấm dứt tính cục bộ địa phương. Đồng thời để nâng cao hiệu quả của các cơ quan Trung ương, nhà vua đã củng cố Lục bộ, các Viện như Đô sát viện, Ngự sử đài. Ông đã thực hiện chế độ Tuần phủ - Tổng đốc để kiềm chế giám sát tại các Tỉnh. Thực hiện nghiêm ngặt chế độ khoa cử, khuyến khích Nho học. Cuộc cải cách của vua Minh Mạng đã xây dựng bộ máy hành chính thống nhất trên toàn quốc sau nhiều năm chia cắt đất nước thời Lê – Trịnh – Nguyễn. Mô hình của vua Minh Mạng về cấp hành chính Tỉnh – Huyện – Xã cơ bản được duy trì đến trước 1/7/2025. Qua cải cách đã củng cố quyền lực của nhà Nguyễn, góp phần ổn định chính trị, xây dựng quốc gia Đại Nam độc lập, hùng mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.
Cuộc cải cách hành chính được Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng từ 5/2024 với tầm vóc là cuộc cải cách thay đổi căn bản, toàn diện, triệt để cả về tư duy, thể chế và đội ngũ cán bộ, hơn bất cứ cuộc cải cách hành chính nào đã có trong lịch sử, nên nó thực sự là một cuộc cách mạng. Đây là cuộc cải cách sâu về chính trị, mạnh về hành chính, thay đổi căn bản tư duy quản trị đất nước. Đây là công cuộc tái cấu trúc quyền lực quản lý gắn với chống tham nhũng, xóa bỏ cơ chế xin cho và chuyển đổi số hành chính công.
Có thể nói trong lịch sử nước nhà chưa từng có cuộc cải cách hành chính nào có quy mô sâu rộng như vậy. Đó là xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là cấp Tỉnh và cấp Xã, bỏ cấp huyện. Sáp nhập các tỉnh thành và các xã để từ 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh thành; 10.035 đơn vị cấp xã còn 3.321 đơn vị cấp xã. Tiến hành sắp xếp giảm 2 Ban của các cơ quan Đảng ở Trung ương, giảm 5 Bộ và 4 Cơ quan cơ quan thuộc khối Chính phủ, 2 Ủy ban thuộc Quốc Hội. Sắp xếp 5 tổ chức chính trị - xã hội và 30 hội quần chúng. Không chỉ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, để năng cao hiệu quả, hiệu lực, hiệu năng của hệ thống, việc số hóa và đơn giản thủ tục hành chính cũng được thực hiện rốt ráo đồng bộ. Qua sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp nhằm xác định các tiềm lực tài nguyên, bố trí lại dân cư và lao động, mở ra không gian tăng trưởng mới, giảm các lực cản để huy động cao nhất các nguồn lực cho phát triển.
Cuộc cải cách hành chính lần này nhằm mục tiêu làm cho bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực quản trị được nâng lên, giảm chồng chéo gắn với công cuộc chống tham nhũng suy thoái, làm sạch hệ thống chính trị. Thông qua cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy tạo nền tảng xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả; tiệm cận với mô hình chính phủ điện tử. Nếu thành công đây sẽ là công cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong lịch sử nước nhà, thực sự là bước ngoặc để đất nước vươn mình phát triển và thịnh vượng, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Để cuộc cách mạng này mang lại hiệu quả và thành công, suy cho cùng yếu tố con người mang tính quyết định. Bộ máy hành chính và công nghệ, dù có khoa học và ưu việt bao nhiêu cũng được vận hành bởi những con người cụ thể. Trong bố trí sắp xếp nhân sự lần này phải tương xứng với yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng cải cách hành chính. Trong rất nhiều việc phải làm thì việc không bố trí cán bộ người địa phương làm lãnh đạo tại chính quê hương của mình cần phải được xác định thành chủ trương mang tính nguyên tắc. Việc thực hiện chủ trương này nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và hiệu quả trong công tác lãnh đạo và quản lý.
Như ta đã biết, do xuất phát từ lối sống và văn hóa của một đất nước kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, quan hệ thân tộc, bạn bè, làng xóm chi phối rất lớn đến cách sống và ứng xử của người Việt Nam. Tâm lý nể nang, thiên vị, cục bộ, bản vị, tư tưởng bè phái, tạo môi trường khép kín, lợi ích nhóm, cạnh tranh không công bằng luôn làm cho việc đưa ra các quyết định quản lý bị bóp méo, suy giảm tính công minh, công bằng, ảnh hưởng đến kỷ cương, uy tín của cơ quan công quyền. Tình trạng một người làm quan cả họ, thậm chí cả huyện, cả tỉnh được nhờ là một thực tế. Không ít trường hợp công tác cán bộ bị méo mó, thiếu công bằng do trong tập thể lãnh đạo có thẩm quyền quyết định có đến một phần ba, thậm chí một nửa là người cùng một địa phương. Để đảm bảo khách quan trong đánh giá, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ; dám xử lý và xử lý nghiêm người sai phạm, bất kể người đó là ai, thì việc bố trí cán bộ chủ chốt không ở quê hương, không cùng quê quán vừa thể hiện nguyên tắc khách quan trong công tác cán bộ vừa tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện trong môi trường mới là rất cần thiết. Ông cha ta trong quá khứ đã thực hiện rất tốt việc này thông qua luật Hồi tỵ.
Hồi tỵ, hiểu nôm na là tránh đi. Trong một nha môn hay một hạt, cha con anh em hay thân thích không được cùng làm việc. Nếu triều đình không biết mà bổ thì các đương sự phải khai ra để đổi một người đi nơi khác. Trong các khoa thi, người được bổ làm khảo quan, nếu có anh em con cháu dự kỳ thi đó thì phải khai ra để xin hồi tỵ chứ không được nhận làm khảo quan.
Dưới thời nhà Nguyễn, từ đời Minh Mạng đã đề ra luật Hồi tỵ. Đến các đời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh đều bổ sung ngày càng hoàn chỉnh luật này. Xin được trích để chúng ta được biết:
“Lệ năm Minh Mạng thứ 12 định rằng, từ trước tới giờ, các chức thông phán kinh lịch ở các trấn, phần nhiều lấy những người ở các hạt bổ vào; vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại. Vậy từ nay, phàm là người ở bản hạt, đều phải cải bổ đi hạt khác.
Lệ năm Minh Mạng thứ 17 định rằng phàm là các chức lại mục , thông lại ở một phủ huyện nào, mà là người cùng một làng, cùng là viên nào làm việc ở một nha môn đã được ba năm trở lên, tức thì phải chuyển bổ đi nha khác. Những viên chức nào nguyên quán ở phủ huyện ấy, tức thì phải dời bổ đi nơi khác.
Lệ năm Thiệu Trị thứ tư định rằng như trong một nha môn, họ thân có tang phục từ ty ma (3 tháng) trở lên, cùng là bố vợ, anh em ruột của vợ, chồng chị chồng em của vợ, mà tình ý hơi thân, đều cho được hồi tỵ. Ngoài ra họ hàng không có phục, và họ hàng nhà vợ, quyến thuộc nhà thông gia; anh em trai của nàng hầu, và người cùng thuê một nhà, cùng ở một làng, thì đều miễn không phải hồi tỵ.
Thiệu Trị năm thứ sáu định rằng cùng tại chức ở một tỉnh, hay một nha môn, ai là người cùng một hạt, hay là thầy dạy học tư thục, từ nhỏ đến lớn, tình nghĩa rất mật thiết, đều cho cứ tình thực trình lên, sẽ xem trong khi tại chức, không có thiếu số binh lương, lại không can liên án tích gì, phải trình bày cho rõ mới cho hồi tỵ.
Lệ năm Tự Đức thứ hai mươi bảy phụng ngự phê rằng, các bát cửu phẩm thư lại ở các tỉnh và thông phán kinh lịch đều phải bổ người hạt khác. Nếu cách nhau hai ba tỉnh, thì vẫn cứ chiểu lệ thi hành. Chỉ có ngạch vị nhập lưu thư lại, cùng là các tỉnh biên thùy, thì vẫn như cũ.
Lệ năm Đồng Khánh thứ hai định rằng từ nay phàm các ấn quan văn vũ ở trong một tỉnh, hay một nha môn, người nào nguyên quán là cùng một huyện, mà ngày thường lại vốn có giao tình thân thiết, thì cho được hồi tỵ. Lại trong cùng một Bộ hay cùng một Tỉnh, đều là người quê quán cùng một hạt, hoặc là nơi có bốn người cùng làm việc, mà đến ba người là quê quán cùng một hạt, thì cũng cho hồi tỵ. Nếu nơi cùng làm việc nguyên có ba người, trong đó đã có một người quê ở hạt khác; hay nguyên có bốn người, trong đó đã có hai người quê ở hạt khác, thì miễn cho không phải hồi tỵ. Đến như người cùng làng với vợ với mẹ, thì lâm thời trình rõ sự tình, nên cho cứ nhận chức, hay nên phải dời bổ nơi khác, sẽ đợi chỉ định đoạt. Còn ngoài trường hợp nói trên đều y theo lệ năm Thiệu Trị thứ tư mà biện lý”.
Như vậy, việc không bố trí cán bộ chủ chốt là người địa phương làm lãnh đạo ngay chính địa phương mình xuất phát từ tư duy công tác tổ chức và yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và sự trong sạch của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Để cuộc cách mạng cải cách hành chính lần này đúng thực chất, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra, ngoài cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian thì công tác cán bộ có vai trò quyết định. Việc không bố trí cán bộ lãnh đạo là người quê hương là một bước đi đúng đắn trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong thực hiện cải cách hành chính hiện nay, nếu thực hiện tốt chủ trương này sẽ là một bước đi quan trọng, có chiều sâu chính trị, tầm nhìn dài hạn và đảm bảo cho cuộc cách mạng này thành công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét