(Viết trước ngày giải thế huyện)
Tĩnh Gia quê tôi và huyện Quảng Xương có nhiều cái chung. Hai huyện là láng giềng, chung dòng sông Yên, đến với nhau bằng chiếc cầu Ghép. Thời trước, hai huyện chung Phủ Tĩnh Gia, mới ra ở riêng sau năm 1945. Hai huyện lại có chung câu: “Nhất Xương, nhì Gia”, một câu phương ngôn lâu lắm rồi, còn lưu truyền đến ngày nay.
Năm 1982, tốt nghiệp đại học rồi đi dạy ở Sầm Sơn, đến bây giờ đã hơn 40 năm, mỗi lần về quê tôi đều phải đi qua Quảng Xương. Cũng chỉ đi qua như mọi người, không mấy chú ý. Rồi đi làm ở ngành Văn hóa, có điều kiện đi đây đó, hiểu hơn về quê mình, trong đó có huyện Quảng Xương.
Huyện Quảng Xương thuộc vùng đồng bằng ven biển của Thanh Hóa. Đường quốc lộ 1A chạy từ đầu đến cuối huyện, chia huyện làm hai nửa, nửa phía tây là vùng đồng, nửa phía đông là vùng biển. Theo số liệu thống kê năm 2024, Quảng Xương đứng thứ 5 về dân số, thứ 19 về diện tích / 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa.
Theo “Đồng Khánh dư địa chí” huyện Quảng Xương có 4 tổng, 133 xã thôn sở, đó là tổng Cung Thượng 27 xã, thôn, sở; tổng Thủ Hộ 28 xã, thôn, sở; tổng Lưu Vệ 44 xã, thôn; tổng Thái Lai 34 xã, thôn. Về phong tục: “Người đi học và người cày ruộng nhiều, người làm thợ, đi buôn cũng có nhưng không nhiều mấy. Huyện gần biển nên dân phần nhiều làm nghề đánh cá, lại có nghề giật lưới bắt chim đem bán kiếm tiền. Việc cưới xin, tang ma, thờ cúng đơn giản tiết kiệm. Xưa thì phong tục ở đây có phần điêu toa, cho nên tục ngữ có câu: “Nhất Xương, nhì Gia” (Xương là Quảng Xương, Gia là Tĩnh Gia), ý nói dân nghèo mà hay kiện tụng. Nay cũng đều thuần nhã cả. Theo thiên chúa giáo chỉ có ở Cự Nham, Triều Công mà thôi”.
Về sản vật: “Đất miền ven biển, phần nhiều là ruộng cát. Lúa hè ít, lúa thu nhiều. Dâu tằm cũng có nhưng không nhiều mấy. Lương thực trong dân thì thóc lúa một phần, còn ba phần là khoai đậu. Các xã ven biển trồng nhiều dưa hấu. Các xã Văn Phượng, Phạm Xá, Dụ Côn đất hợp với cây cói, dân phần nhiều làm nghề dệt chiếu. Xưa nay có lệ cống nạp chiếu trắng.”
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép về huyện Quảng Xương: “Ở phía đông bắc Phủ, đông sang tây dài 60 dặm, nam sang bắc rộng 31 dặm. Phía đông giáp biển; phía tây gần huyện Đông Sơn thuộc phủ Thiệu Hóa; phía nam tới huyện Ngọc Sơn; phía bắc liền huyện Hoằng Hóa thuộc phủ Hà Trung và huyện Đông Sơn thuộc phủ Thiệu Hóa. Triều Lê trở về trước cũng gọi là huyện Vĩnh Xương. Khoảng năm Quang Thuận mới đặt ra tên huyện bây giờ, thuộc vào phủ thống hạt. Triều Nguyễn vẫn nguyên như trước, và lãnh 4 tổng. Tới năm Thành Thái 13 (1905), chia tổng Lưu Vệ làm 2 tổng là Lưu Thanh và Vệ An, lại lấy 2 tổng của huyện Ngọc Sơn cho thuộc thêm vào. Hiện nay lãnh 7 tổng 188 xã thôn”.
Như vậy, đến năm Thành Thái thứ 13 (1905), huyện Quảng Xương có 7 tổng là: Cung Thượng, Thủ Hộ, Lưu Thanh, Thái Lai và 2 tổng của huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) cho vào là Văn Trinh và Ngọc Đới.
Theo Địa chí Thanh Hóa, tập I, phần Địa lý và Lịch sử, thời thuộc Hán huyện Quảng Xương là miền đất thuộc huyện Cư Phong; thời Tam Quốc thuộc huyện Trạm Ngô; đến thời Tùy thuộc huyện Long An; thời Đường là miền đất thuộc huyện Sùng Bình. Đến thời Đinh – Lê – Lý vẫn giữ nguyên như thời Đường. Thời Trần - Hồ là miền đất thuộc huyện Kết Thuế (còn gọi là Kết Duyệt) và huyện Duyên Giác của châu Cửu Chân. Thời Lê, năm Quang Thuận thứ 10 (1459) đổi tên là huyện Quảng Xương, tên Quảng Xương có từ đây, là huyện thuộc phủ Tĩnh Gia. Từ 1945, bỏ cấp Phủ, huyện Quảng Xương vẫn giữ tên đến ngày nay. Sau 1/7/2025, tên huyện Quảng Xương sẽ đi vào quá khứ do bỏ cấp huyện theo yêu cầu cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức hiện nay.
Là huyện đồng bằng ven biển, Quảng Xương không có nhiều núi và núi cũng không cao. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép Quảng Xương có 4 ngọn núi là: Núi Ngọc, Núi Voi, núi Sầm Sơn và núi Thạch Giáp. Ngày nay núi Voi thuộc phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) và núi Sầm Sơn (núi Trường Lệ) thuộc TP Sầm Sơn. Quảng Xương cũng không nhiều sông, có hai sông lớn là ranh giới tự nhiên phía bắc và phía nam huyện là sông Mã và sông Yên.
Núi Văn Trinh (tên cũ là Ngọc Sơn) ở xã Quảng Hợp, là ngọn núi cao nhất của vùng đất Quảng Xương, “nằm ở xã Văn Trinh, phía tây nam huyện Quảng Xương (Trước đây thuộc huyện Ngọc Sơn, sau mới đổi sang huyện này), trên đỉnh núi thường có tinh ngọc, đêm đêm hiện ra, lưng chừng núi có một ngôi chùa, lại có đền thờ ông Trần Chiêu Văn”. Cũng theo “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Đền thờ này ở xã Văn Trinh trong huyện Ngọc Sơn, thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, ngài là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Trần Nhật Duật có công giúp rập 4 triều, hai lần cai trị trấn to, thọ 76 tuổi mới mất. Ngài tới nơi đâu cũng có chính sự khoan hồng, dân đều mến đức, nên lập đền để thờ”.
“Núi Thạch Giáp (Thạch Hiệp, núi đá Chẹt), ở xã Ngọc Giáp phía tây nam huyện Quảng Xương, có hai ngọn đối trĩ với nhau, giữa có đường cái chính xứ, gọi là đường đá Chẹt”. Núi đá Chẹt hiện nay thuộc địa phận xã Quảng Khê và Quảng Chính, hiện có đường quốc lộ đi qua sát chân núi phía tây. Thời nhà Nguyễn núi Chẹt còn là ngọn núi tương đối cao lớn, cây cối um tùm, còn có cọp beo. Dân gian gọi là núi Chẹt vì đường thiên lý xưa không đi qua xã Quảng Chính như hiện nay mà đi qua núi Bộc xã Quảng Thạch, len qua một rãnh núi, đông là núi Lau, tây là núi Thạch Giáp, thuộc địa phận xã Quảng Lĩnh, vì con đường bị chẹt vào giữa hai núi nên gọi núi Thạch Giáp là núi Chẹt.
Sông Yên (Ngọc Giáp, Ghép), ở phía cực nam làm ranh giới tự nhiên huyện Quảng Xương và huyện Tĩnh Gia. “Đại Nam nhất thống chí chép về sông này như sau: “Sông này ở về hai huyện, Ngọc Sơn và Quảng Xương, có 4 nơi bắt nguồn khác nhau là: Hoàng Giang, Châu Giang, Chung Giang và Mặc Giang. Bốn con sông trên đây đều từ ba huyện Lôi Dương, Nông Cống và Ngọc Sơn chảy lại, dồn vào bến Hòa Trường, quay sang phía đông đi suốt hai huyện. Khoảng năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua Nguyễn ra Bắc tuần, có ngự chế bài ngũ ngôn bằng Hán văn như sau:
Bờ cong cát bãi lấp
Cửa biển tiếng trào yên
Phóng khoáng buông tầm mắt
Ung dung đậu chiếc thuyền
Con sào đo nước ngập
Ngàn dặm khách mời quen
Chẳng đợi đông phong giúp
Bến cũ thẳng trèo lên
(Á Nam Trần Tuấn Khải dịch thơ)
Bài thơ này khắc vào bia đá và cất ngôi nhà dựng bia ở ngay ven sông”.
Huyện Quảng Xương có nhiều danh thắng và di tích lịch sử văn hóa từ lâu đời, với những hiện vật lịch sử có giá trị. Tuy nhiên, do sự biến động về đơn vị hành chính của huyện, một số di tích hiện nay nằm trên địa bàn các địa phương khác. Đó là chùa Hưng Phúc (Quảng Hùng – Sầm Sơn) có cổ vật là bia “Hưng Phúc tự bi minh” ghi lại cuộc chiến chống quân Nguyên của hương Yên Duyên (Quảng Hùng nay) xưa từ thế kỷ 13. Đó là đền thờ An Dương Vương (Quảng Châu – Sầm Sơn), nơi có pho tượng đá cụt đầu, truyền rằng đó là pho tượng Mỵ Châu, “mỗi khi đền rung trống tế An Dương Vương thì tượng toát mồ hôi (!)”. Đó là núi Voi (Quảng Thịnh – TP Thanh Hóa), nơi được Tổng đốc Vương Duy Trinh ca ngợi: “khoe sắc màu nâu ở chân núi, phơn phớt hồng ở trên cao, nham thạch đá vôi găm kết cùng nhâm thạch khác tạo nên những khối đá độc đáo lạ kỳ. Núi Voi là cả đàn voi, mỗi con mỗi vẻ, dáng voi phục nhưng không cúi đầu, sẵn sàng tư thế vùng lên” (Thanh Hóa tỉnh chí). Chân núi Voi có chùa Voi (Phúc Lâm tự) được xây dựng vào thời Lê Trung hưng do Quận công Hoàng Bùi Hoàn, người thôn Câu Đồng Nội, xã Lưu Vệ (làng Câu Đồng, xã Quảng Trạch) dựng lên. Bên trong chùa có hệ thống tượng thờ, hoành phi, câu đối, đặc biệt là sự hiện hữu của hai pho tượng đá. Theo người dân, hai pho tượng đá chính là tượng Quận công Hoàng Bùi Hoàn và vợ ông, Quận phu nhân. Ngoài hai pho tượng đá, tại chùa Voi hiện còn có một giá treo khánh bằng đá, trên giá có khắc đôi câu đối chữ Hán cũng mang ý nghĩa ngợi ca, khắc ghi công đức của Quận công Hoàng Bùi Hoàn. Quần thể danh thắng di tích núi Voi còn có các di tích như đền thờ Trạng nguyên Trịnh Tuệ, người từng giữ chức Tham tụng (Tể tướng) trong phủ chúa Trịnh; đền Mẫu, phủ, văn chỉ.. Đó là làng Đồn Điền (Quảng Thái – Sầm Sơn), dấu tích của chính sách “ngụ binh ư nông” khai khẩn đồn điền dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nơi đây, Dinh điền phó sứ Tô Chính Đạo, các vị Uông Ngọc Châu, Trịnh Hồng Vân là những người chỉ huy công cuộc khai khẩn này và con cháu họ trở thành những cư dân đầu tiên khai cơ lập ấp của làng Đồn Điền. Chắc ông anh Uông Ngọc Dậu là hậu duệ của thế hệ khai sơn phá thạch này ở làng Đồn Điền.
Đền thờ Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật ở núi Văn Trinh (Quảng Hợp) là di tích quan trọng của Quảng Xương. Năm 1905, tổng Văn Trinh rộng lớn được chia thành 2 tổng là Văn Trinh và Ngọc Đới, được cắt từ Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) về Quảng Xương. Địa danh Văn Trinh có nguồn gốc được ghép từ chữ Văn trong tước hiệu Chiêu Văn đại vương của Trần Nhật Duật và chữ Trinh trong Trinh túc phu nhân, là người Thanh Hóa, vợ của ông. Hương Ngọc Sơn xưa (nay là hai xã Quảng Hợp, Quảng Hòa) là thái ấp của Trần Nhật Duật, phủ đệ của ông ngay dưới chân Ngọc Sơn, từ khi hương Ngọc Sơn thành tổng Văn Trinh, núi Ngọc cũng mang tên núi Văn Trinh. Trần Nhật Duật là con thứ 6 vua Trần Thái Tông, là người thông minh tài trí khác thường. Ông không chỉ làu thông kinh sử mà còn đặc biệt có tài thao lược, giỏi về võ nghệ, ngoại ngữ, tài thơ phú, sành âm nhạc. Năm 1270 ông về làm Trấn thủ Thanh Hóa và Thanh Hóa trở thành đất phong của Chiêu Văn Đại vương. Do lừng lẫy chiến công, “tứ triều tam lĩnh trấn” , “cửu tích lũy truy phong”, ông được phong làm Tá thánh Thái sư. Năm 1330, Trần Nhật Duật qua đời, thọ 77 tuổi, an táng tại núi Văn Trinh, được triều đình cho lập đền thờ tại nơi ông mất. Đền Văn Trinh thờ Trần Nhật Duật bao gồm đền Thượng và đền Trung, xây dựng thời Hậu Lê, là ngôi đền lớn nhất của tổng Văn Trinh và tổng Ngọc Đới, đã bị tháo dỡ năm 1962 để lấy gỗ làm trường học. Năm 2004, đền thờ Trần Nhật Duật được phục dựng, đền dựa lưng vào núi Văn Trinh. Là người tài hoa, giỏi nhạc lí, mỗi khi thắng trận hay lúc hội hè, Trần Nhật Duật lại sáng tác các bài ca, dạy cho người dân ca hát để 700 năm sau, năm 2024, hát nhà trò Văn Trinh được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhà Nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, người Quảng Hòa, đất thái ấp xưa của Chiêu Văn Đại vương đã khảo cứu, sưu tầm và viết sách “Hát nhà trò Văn Trinh” từ năm 2003. Từ công trình nghiên cứu quan trọng của ông để hôm nay Quảng Xương – Thanh Hóa có một Di sản văn hóa phi vật thể ở cấp Quốc gia.
Trong đời sống tín ngưỡng của cư dân Quảng Xương có một hiện tượng độc đáo, không bất cứ nơi nào có, đó là sự xuất hiện của Nội Đạo An Đông ( Đạo Đông, đạo Nội, đạo Phù Thủy) gắn với di tích hiện còn là chùa Yên Đông (Quảng Hải) nơi ra đời của đạo và chùa Mậu Xương (Tuyết Sơn tự - Quảng Lưu), nơi họ Trần cầu tự được Phật tổ giáng sinh. Đạo này xuất hiện khi chú bé Trần Ngọc Lành sinh ra được cho là thế thân của Phật tổ “Phật tổ giáng hạ Yên Đông”. Đạo Đông cũng có giáo lý, nơi tu luyện, học tập của môn đồ gọi là nội đạo tràng, các môn đồ gọi nhau là đạo hữu. Các môn đồ khi được phong pháp sư có quyền mở tĩnh riêng. Tĩnh là nơi thờ cúng biệt lập của pháp sư, có giá trị như chùa nhỏ để pháp sư hành nghề. Có nhà nghiên cứu cho rằng đạo mẫu không phát triển trên đất Quảng Xương, như một số địa phương khác, là do có sự lấn át của Đạo Đông. Có những giai đoạn đạo Đông phát triển mạnh, nhất là vùng biển Quảng Xương. Đạo Đông thực chất là đạo Lão của Việt Nam, đến nay đã suy tàn, chỉ còn dấu vết ở chùa Yên Đông và chùa Mậu Xương.
Quảng Xương là đất lúa, đất cá, đất khoai, nhưng để chống đói và tận dụng lúc nông nhàn, các ngành nghề phụ khá phát triển. Những ngành nghề truyền thống nổi tiếng của Quảng Xương có nghề trồng thuốc lào, nổi tiếng là thuốc lào Thượng Đình ở Quảng Định; nghề dệt chiếu cói trắng ở 3 làng Dụ Côn, Đa Cai, Phạm Lĩnh của xã Văn Phương xưa, loại chiếu quý phải cống nạp cho triều đình; nghề đan thúng mủng ở Quảng Đức, Quảng Phong; nghề làm quạt giấy ở Lưu Vệ, thôn Bùi; nghề võng lác làng Sòng (Quảng Long), nghề đánh chim như Đồng Khánh địa dư chí đã nêu…
Là huyện ven biển, sông ngòi tự nhiên bao bọc ba mặt, đồng chiêm trũng vô số đầm ao, lại có kênh đào qua huyện do đó Quảng Xương là đất cá. ‘Cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa” là câu ca dao nói lên điều này. Ngoài đánh bắt cá biển với thuyền mảng kéo lưới, câu, bắt ngao, sò, ốc… cư dân Quảng Xương rất thạo trong đánh bắt tôm cá sông, bằng các dụng cụ như lưới, vó, đánh câu, te, lưới đăng, đóng đáy, man cá, đánh khăm, câu cặm, … Quảng Xương còn có nghề muối ở làng Ngọc Giáp, bên bờ sông Ngọc Giáp (sông Yên), từ thời Hậu Lê đã đóng thuế cho triều đình bằng muối. Nói về vất vả nghề muối, dân Ngọc Giáp có vè: “Trưa nắng thiên hạ đi nằm/ Có làng Ngọc Giáp ằm ằm ra đi/ Già lão cho đến thiếu nhi/ Chồng đâu, vợ đó tới thì đồng diêm”.
Trong các di sản văn hóa của Quảng Xương, ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói mang dấu ấn làng xã cổ truyền đậm nét. Nhiều phương ngữ Quảng Xương, Thanh Hóa được bảo tồn đến ngày nay. Những thổ âm, thổ ngữ, tiếng Việt cổ được dân Quảng Xương bảo tồn khá nhiều. Về phát âm, tiếng Quảng Xương và Thanh Hóa khác hẳn tiếng phổ thông Bắc Bộ như: nón mẩu/ nón mũ, người mầu/ người mù, tầu tội/ tù tội/ con tru/ con trâu, áo cẩu/ áo cũ, lanh lẹn/ nhanh nhẹn. Một số thổ ngữ Quảng Xương là tiếng Việt cổ như: bọng đái/ bàng quang, con hầm/ con hổ; con kha/ con gà, bọng thểnh/ dạ dày, trấy cẳng/ bắp chân, trốc/ đầu…
Quảng Xương cũng là vùng đất bảo lưu được nhiều di sản văn hóa phi vật thể như cổ tích, thần thoại, lễ hội, hát nhà trò Văn Trinh, ca dao, tục ngữ, vè.. “Tay cầm dao mác, nắm nan/ Em nức rổ, rá, anh đan giần, sàng/ Bên nhau miệng nói, tay làm/ Mồng năm đầu tháng bày hàng chợ hôm/ Khéo tay Đa Lộc, Đông thôn/ Người mua khen nức tiếng đồn gần xa…”, “Mời anh xơi điếu thuốc lào/ Thượng Đình thuốc ấy, hút vào là say”, “Rằng đây có xã tam thôn/ có đất làm chiếu tiếng đồn đã xa/ Cảm ơn trời đất sinh ra/ Thứ nhất cây cói, nhì là sợi đay”, “Thúng ken ba xã Quang Tiền/ Đan lừ Thần Cốc, làng Tiên giần sàng”, “Thái Lai công việc bộn bề/ Đan gàu, đan vảy.. nhiều nghề đủ ăn”, “Em về Lưu vệ làm dâu/ Cùng anh phất quạt. hát câu chung tình”, “Lạch Ghép khó vào, lạch Trào khó ra”, “Sống mặc vải Bùi, chết vùi vàng tâm”, “Nếp Hòa Chúng, thúng Cung Bịch”…
Trên đất Quảng Xương, di sản tư liệu là bia đá Hán Nôm trước năm 1945 hầu như làng nào cũng có. Các loại bia rất phong phú như bia đình, bia nghè, bia chùa, bia cầu, bia nhà thờ họ, bia văn miếu, văn chỉ, văn từ…Hiện nay còn lại các bia có giá trị như Bia Chùa Kênh thời Trần ở chùa Hưng Phúc (Quảng Hùng), bia ký về tướng công Hoàng Bùi Hoàn ở làng Câu Đồng (Quảng Trạch), bia đá phủ Cảnh ở làng Mỹ Cảnh bên bờ sông Lý. Trong hệ thống dày đặc văn bia, văn miếu bi ký của huyện, nơi thờ đạo học, đặt ở núi Voi đã bị nung vôi. May thay văn bia đã được nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ dịch là văn bản duy nhất của tấm bia còn lại.
Đất Quảng Xương mặc dù không phải là quê hương của Trần Nhật Duật, nhưng ông được phong điền trang, lập thái ấp ở đây, lấy đất phân phong làm quê hương, khi ông mất an táng tại núi Văn Trinh và được nhân dân lập đền thờ cúng, nên có thể coi ông là người Quảng Xương. Trần Nhật Duật là nhân vật kiệt xuất, nhiều người đã biết qua sách vở, xin không nhắc lại. Sau đây xin nêu ngắn gọn về một số danh nhân của Quảng Xương.
Nhạc Quận công Bùi Sĩ Lâm là người xã Lưu Vệ (Quảng Tân), là vị tướng tài danh dưới trướng chúa Trịnh. Ông có công khôi phục sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, rước Lê Thế Tông từ kinh đô kháng chiến Vạn Lại về Thăng Long, đượ phong Phụ quốc Thuần Đức công thần, tước Triều Lộc Hầu. Sau nhiều cuộc chiến với nhà Mạc, đặc biệt tiến đánh Cao Bằng, tiễu trừ tàn quân Mạc, ông được thăng tước Nhạc Quận công, giữ chức Trưởng giám phủ Chúa. Ông nổi tiếng là người công minh chính trực, được chúa Trịnh Tùng tin cậy nghe theo, giúp chúa qua nhiều lần thoát khỏi loạn phản nghịch. Ông cũng là người tôn phò Trịnh Tráng lên ngôi Chúa. Cuối đời ông được phong tặng tới ‘Phụ quốc Thuần Tín Hiệp mưu Tá lý, Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu Tư lễ giám Tổng thái giám Chưởng giám kiêm Các giám ty trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thự phủ sự Phó tướng Thiếu phó Nhạc Quận công, Thượng trụ quốc Bùi Sĩ Lâm, tự là Quảng Thành tướng công”. Ông mất năm 1643, hiện còn văn bia tại đền thờ ông. Bạn tôi, PCN Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi chính là hậu duệ của Nhạc Quận công Bui Sĩ Lâm.
Vệ Quận công Hoàng Bùi Hoàn, tự Phúc Linh, thường gọi là Hoàng Bùi Tướng công hoặc Quận vệ Câu Đồng. Ông là người làng Câu Đồng, xã Lưu Vệ, tổng Lưu Vệ, nay là xã Quảng Trạch. Tổ họ ông gốc ở Hải Dương, chạy loạn nhà Mạc vào Thanh Hóa, đến đời ông là thứ 5. Văn bia tại đền thờ ông cho biết, ông “sớm có chí hướng, làm quan xuyên suốt 3 triều vua, trải 4 kỷ tận tâm phục vụ”. Từ khi 16 tuổi ông đã theo hầu trong cung của Hoằng tổ Dương vương Trịnh Tạc, luôn hết lòng phụng mệnh, hoàn thành trọng trách, luôn được nhà Chúa ngợi khen. Sự nghiệp của ông được thăng tiến liên tục, năm 1720 thăng chức Đô Thái Giám, đến 1721 vì nỗ lực diệt trừ gian đảng, được ban chế thăng chức Tổng Thái Giám Đô hiệu điểm tư Hữu hiệu điểm, tước Quận công. Năm 1723, ông phụng chỉ làm Trấn thủ xứ Thanh Hoa, Tri An Trường phủ, Cai cơ chưởng ấn. Trong 10 năm làm trấn thủ Thanh Hoa ông đã khiến toàn cõi bình yên, do phép tắc nghiêm minh, gian tà quy phục. Trong thời gian lưu thủ Thanh Hoa ông cho xây dựng chùa Đồng Đăng, dựng chùa, mở chợ bên núi Voi ở xã Bất Quần (Quảng Thịnh). Ông là người hết lòng trung quân, phò chúa: “Tướng công đối với quốc gia như con ngựa kéo cỗ đại xa, khó nhọc gò lưng, gian lao vì nước, được ncoi là bầy tôi thân tín của chúa”. Công đức của ông rạng rỡ, được nhân dân truyền tụng qua câu ca: “Quận Vệ Câu Đồng thật có công/ Dựng chùa mở chợ rộng mênh mông”. Khi ông mất được được phong Thừa đức trung liệt trung đẳng phúc thần, gia tặng Dực bảo trung hưng tôn thần linh phù, Tôn thần linh thông Đại vương. Mộ và đền thờ của ông được dựng tại xã Quảng Trạch. Đây là Di sản lịch sử có giá trị kiến trúc nghệ thuật được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia năm 2014. Tại đền thờ còn câu đối: “Lệnh đức khung lung thiên cổ ngưỡng/ Phương danh trường viễn ức niên thùy” (Đức lớn như bầu trời ngàn năm còn ngưỡng vọng/ Danh thơm trong thiên hạ muôn thuở vẫn trường tồn). Hoàng Bùi Hoàn được gia phong Thái Bảo, truy tặng Thái phó, tước Vệ Quốc công. Hậu duệ của ông hiện nay tôi biết có PGS TS Hoàng Bùi Hải, Chủ nhiệm khoa cấp cứu tích cực, bệnh viện ĐH Y Hà Nội, một bác sĩ nhân đức, tài giỏi, người làm vẻ vang thêm danh tiếng của Vệ Quận công.
Ngoài hai vị đại quan người Quảng Xương tiếng tăm lừng lẫy trên, đất Quảng Xương danh thần có công với dân với nước còn có: Trạng nguyên Trịnh Huệ ở làng Bất Quần (Quảng Thịnh); Ngự y Nguyễn Hoành người tổng Văn Trinh; Tán tương Đỗ Đức Mậu người Quảng Phong; Lãnh binh Vũ Đình Phiên người Quảng Châu…
Đất Quảng Xương cũng là quê hương của nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu thành danh như nhà thơ Hồ Zếnh, nhà thơ Mai Ngọc Thanh , nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, nhà văn Kiều Vượng, nhà thơ Xuân Long, nhà thơ Mai Linh,nhà thơ Hoàng Phong, nhà văn Trần Hiệp, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, nhà văn Lê Ngọc Minh, họa sĩ Lê Mai, nhà thơ Tô Nhuần, nhà thơ Nguyễn Anh Nông, nhà thơ Viên Lan Anh, nhà thơ Đào Phụng, nhà thơ Hữu Kim…
Thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, huyện Quảng Xương từ 25 xã thị trấn sẽ còn 7 xã, đó là xã: Lưu Vệ, xã Quảng Yên, xã Quảng Ngọc, xã Quảng Ninh, xã Quảng Bình, xã Tiên Trang và xã Quảng Chính. Cái tên Quảng Xương vốn là địa danh của huyện đã không còn được hiện diện cho xã mới. Những tên xã mới cơ bản tuân thủ giữ chữ Quảng truyền thống trong địa danh Quảng Xương, chỉ có 2 xã Lưu Vệ, Tiên Trang khác biệt, nhưng hay. Tuy nhiên, tôi chỉ tiếc là tên Văn Trinh không được chọn đặt tên cho xã mới. Văn nghĩa là học vấn, là đẹp; Trinh là chính trực, một cái tên ý nghĩa, mỹ tự như hoa gấm, gắn với lịch sử lẫy lừng của Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật. Nếu có xã Quảng Xương và xã Quảng Ngọc, nơi có núi Văn Trinh, tổng Văn Trinh xưa, được đặt tên xã Văn Trinh thì trọn vẹn xiết bao.
Huyện Quảng Xương, nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, một bên biển, một bên lúa như hai vế đối của màu xanh rất tuyệt. Hay nói như ý một bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Quảng Xương biển một bên và lúa một bên. Dù có chia tách, sáp nhập qua những cuộc cách mạng, những biến thiên của lịch sử thế nào chăng nữa, tôi nghĩ Quảng Xương vẫn thế, lúa và biển, đất và người, hôm qua và hôm nay sẽ không bao giờ chia tách.
Ảnh: Đền thờ Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật ở núi Văn Trinh, Tác giả: Hoàng Đông
Nguồn Ngo Hoai Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét