Sáng nay, ngày 12/6/2025, với 461/ 465 phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết lịch sử sắp xếp Việt Nam còn 34 tỉnh, thành phố. Trong 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập, cùng với láng giềng “Nghệ An - Xô Viết, vẫn là Nghệ An”, thì “Xứ Thanh - Thanh Hóa, vẫn là xứ Thanh”.
Trong 64 tỉnh thành trước khi sáp nhập, Thanh Hóa đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số. Từ ngày 12/6/2025, Thanh Hóa đứng thứ 12 về diện tích và thứ 6 về dân số. Nói như vậy để thấy, không sáp nhập với các tỉnh khác, hoàn toàn không phải vì Thanh Hóa là tỉnh quá lớn.
Theo tôi, điều cốt lõi, then chốt và quyết định việc không sáp nhập Thanh Hóa với tỉnh khác là yếu tố ĐỊA - VĂN HÓA.
Về vị trí địa lý, Thanh Hóa là cầu nối, trung gian, “cổ họng” giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từ đó nối với phần phía Nam của đất nước. Về địa hình, không có bất cứ tỉnh Bắc Bộ nào giống như Thanh Hóa. Các dãy núi từ tây Thanh Hóa chạy sát ra mép biển, ở cực bắc giáp Ninh Bình, cực nam giáp Nghệ An, tạo thành tay ngai ôm toàn bộ Thanh Hóa vào một không gian biệt lập. Bắc có dãy Tam Điệp cao ngất ba tầng ngăn Ninh Bình, nam có núi Mồng Gà, núi Xước trùng trùng thành lũy tách Nghệ An. Thậm chí các dãy núi này còn chạy ra ngoài biển để thành các đảo Mê, đảo Nẹ.. trên biển xứ Thanh. Ngay từ thời ngàn năm Bắc thuộc, xứ Thanh có lúc thuộc bộ Giao Chỉ (Bắc Bộ), có lúc thuộc quận Cửu Chân (Trung Bộ). Đến thời độc lập tự chủ, tên cấp hành chính của Thanh Hóa cũng thay đổi qua nhiều lần: phủ, trấn, lộ, trại, thừa tuyên…thể hiện sự khó khăn trong quản vùng đất này. Đến cái tên: Ái Châu, Thanh Hóa, Thanh Đô, Tây Đô, Thanh Hoa rồi trở lại Thanh Hóa cũng nhuốm sự bỉ cực của phạm húy. Ngay toàn quyền Đông Dương Pasquier cũng phải thốt lên: “Thanh Hóa không chỉ là một tỉnh, đó là một XỨ”. Dân gian thì tự trào “Khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào”. Dân mạng bây giờ thì bỉ bôi: Quốc gia Thanh Hóa, mỗi khi có chuyện bất thường ở xứ Thanh.
Như vậy, yếu tố địa lý là một thực thể tự nhiên tạo ra tính chất vừa trung gian vừa biệt lập của Thanh Hóa, điều này chi phối toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của con người nơi đây.
Trong lịch sử tộc người, có thể nói, không có bất cứ tỉnh nào của Việt Nam mà các dấu mốc KCH đã khẳng định tính liên tục của con người có mặt từ tối cổ đến hiện đại, với những thời đại lớn, nổi tiếng của ngành Khảo cổ học như ở Thanh Hóa. Đó là Núi Đọ, sơ kỳ đá cũ; hang con Moong, hậu kỳ đá cũ với 3 lớp văn hóa liên tục: Văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Bắc Sơn; Văn hóa Đa Bút là dấu ấn chinh phục đồng bằng; Văn hóa Hoa Lộc của cư dân biển; Văn hóa Đông Sơn rực rỡ của văn minh lúa nước.
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, xứ Thanh luôn là “sân khấu chính trị” lớn của lịch sử Đại Việt, quyết định sự hưng vong của quốc gia dân tộc. Ngàn năm Bắc thuộc có Bà Triệu, Dương Đình Nghệ. Bước vào thời kỳ xây dựng nhà nước Độc lập Tự chủ, Thanh Hóa là đất đế vương sáng nghiệp với: Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quý Ly và nhà Nguyễn. Thanh Hóa còn là quê hương của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, dù còn nhiều đánh giá khác nhau nhưng nó là động lực lịch sử cho quá trình mở mang bờ cõi, hình thành cương vực, lãnh thổ quốc gia để chúng ta có được giang sơn gấm vóc hình chữ S ngày nay. Xứ Thanh còn là vùng đất sản sinh bao anh hùng hào kiệt, danh nho võ tướng lẫy lừng mà tên tuổi còn in đậm trong lịch sử nước nhà và tâm thức của nhân dân.
Là vùng đất cổ, trong lịch sử mở cõi của quốc gia, hình thành dân tộc, Thanh Hóa đã từng là vùng phên dậu, là trấn, là trại trong hành trình Nam tiến của dân tộc Việt Nam; khác với trung tâm đất nước là đất Kinh Kỳ, Kẻ Chợ Bắc Hà. Đây là vùng đất tiếp nhận những anh hùng sa cơ, những đầu lĩnh bất đắc chí đến đây sinh cơ lập nghiệp. Sự hòa huyết của họ với cư dân bản địa đã tạo ra những hậu duệ có tính cách cương cường, khí phách đội trời đạp đất , là đầu lĩnh, “không chịu khom lưng làm tỳ thiếp”, nên người Thanh Hóa ít khi chịu nhau, phục nhau. Đó cũng là lý do cho thấy tính cục bộ địa phương, bản vị, cố kết của người xứ Thanh không nặng như một số tỉnh khác. Nhưng mặt trái là do “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà dễ mất đoàn kết, dễ mâu thuẫn, khó hòa giải khi làm việc cùng nhau.
Nhưng cũng từ không gian sống là luỹ tre làng khép kín và địa lý biệt lập, đã tạo cho người xứ Thanh tâm lý ngại thay đổi, sợ cái mới, lo đi ra và có lối sống bảo thủ, cố chấp và tủn mủn do văn hoá làng xã hình thành.
Không chỉ là vùng đất phên dậu, bảo vệ lãnh thổ, khi sơn hà gặp cơn nguy biến, Thanh Hóa lại trở thành địa bàn hậu phương, là chiến khu nuôi dưỡng lực lượng, bảo vệ vương triều, chờ thời hoàn thành đại nghiệp. Nhà Trần lui về Hoan, Ái để tránh sức mạnh quân Nguyên; nhà Lê - Trịnh lập hành cung Vạn Lại - Yên Trường để kháng Mạc; Quang Trung Nguyễn Huệ lui về dựa vào phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn để bảo toàn lực lượng; trong kháng chiến chống Pháp Thanh Hóa trở thành khu tự do, hậu cứ, thủ đô Văn hóa cho nhà nước Cộng hòa non trẻ.
Là tỉnh có dân số đông, gần 4 triệu người, gồm 7 dân tộc, có núi rừng, trung du, đồng bằng, ven biển và hải đảo, hệ sinh thái cư trú của người Thanh Hóa rất đa dạng và trọn vẹn, “Măng, tre đưa xuống, cá chuồn đưa lên”. Đồng bằng Thanh Hóa rộng thứ ba, chỉ sau đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Mê Công, được bồi đắp phù sa văn hóa – lịch sử bởi sông Mã, sông Chu. Biển cả Thanh Hóa rộng lớn, chiều dài bờ biển hơn 100km, có nhiều cửa lạch, vùng sinh thái mặn lợ, giàu có hải sản nên nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản phát triển. Hai phần ba diện tích đất đai Thanh Hóa là miền núi, nơi có một phần ba dân số của tỉnh sinh sống, đã tạo nên bức tranh hoàn chỉnh cho một tỉnh “mặn biển, đậm rừng”. Chính vì gần rừng sát biển, núi cao, sông dữ, biển khơi, vừa phải dũng mãnh chống chọi thú dữ, vừa phải ăn sóng nói gió để khẳng định, người xứ Thanh vừa mạnh mẽ vừa hào hiệp, vừa quyết liệt vừa cả tin.
Là vùng đất có người tụ cư khai phá sớm, các làng xã Thanh Hóa cũng ra đời và trở thành địa bàn cư trú chủ yếu của con người nơi đây. Các làng cổ với những tên như: Kẻ, Xá, Trang, Vạn, Họ, Phường, Hương…Tại làng xã, với hình thức quần cư tự quản, coi trọng lệ làng, hương ước, tộc ước và người cao tuổi, phong tục tập quán của làng đã trở thành những giá trị văn hóa bền vững. Đời sống tinh thần được các cư dân làng xã sáng tạo, bảo lưu hết đời này đến đời khác và trở thành những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc. Những di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, trò diễn dân gian.. xứ Thanh vô cùng phong phú và độc đáo. Có thể kể những “viên ngọc” này mà không sợ “đụng hàng” với bất kỳ địa phương nào. Đó Nội đạo An Đông ở Quảng Xương; thờ thần Độc Cước ở 12 huyện, 53 làng nhiều nhất trong cả nước; trò Xuân Phả ở Thọ Xuân; múa đèn trong dân ca Đông Anh ở Đông Sơn, trò Bôn ở Đông Sơn; trò Chụt, trò Chiềng, trò Rủn ..ở Yên Định; trò Thủy, trò Ngô, trò Thiếp ở Đông Sơn .v.v.. Đất Thanh Hóa còn là nơi xuất phát tín ngưỡng dân gian thờ đạo Mẫu với di tích Đền Sòng phố Cát. Là vùng rừng, biển nên đời sống tâm linh của cư dân Thanh Hóa cũng thờ các nhiên thần. Đó là thờ Cao Sơn Tôn Thần vùng núi và Đông Hải Đại Vương, Tứ Vị Thánh Nương ở vùng biển. Ở Thanh Hóa việc thờ các vị thánh, nửa huyền thoại, nửa lịch sử cũng phổ biến như Thánh Bưng (Lê Phụng Hiểu), Thánh Lưỡng (Trần Khát Chân) đã đi vào đời sống tâm linh của người dân nơi đây đã bao đời. Ở các đình, miếu, đền, chùa Thanh Hóa với hệ thống các thần tích, thần phả đồ sộ đã diễn ra các nghi lễ thờ cúng, diễn xướng, lễ tục hàng năm. Các lễ hội diễn ra gắn với lễ tết, các nhân vật lịch sử, đặc biệt là lễ hội dân gian của các làng xã hết sức phong phú và đa dạng. Cũng không thể không kể đến hát bội, hát chèo, hát ca công, hát nhà trò… ở Thanh Hóa, từ diễn xướng dân gian đã tiệm cận được với nghệ thuật sân khấu. Những ông tổ như Trần Nhật Duật, Đào Duy Từ…chính là những người đã truyền dạy cho cư dân nơi đây.v.v…
Như vậy, là vùng đất chuyển tiếp giữa Bắc bộ và Trung Bộ, cửa ngõ đi vào Nam, Thanh Hóa là vùng đất có yếu tố “Bắc Cầu” lịch sử, do đó việc tiếp thu, tiếp biến văn hóa là tất yếu. Tuy nhiên, yếu tố nổi trội, chi phối xuyên suốt là tính biệt lập, không gian văn hóa hoàn chỉnh đã tạo nên tính độc đáo và bảo lưu nguyên gốc cho văn hóa xứ Thanh. Với địa hình khép kín, hệ sinh thái sinh sống toàn vẹn là “bà đỡ” cho sự sáng tạo, ra đời, nảy nở, phát triển và bảo lưu những giá trị văn hóa bản địa của xứ Thanh một cách bền vững. Yếu tố “thuần Thanh, rặt Thanh" trong văn hóa xứ Thanh là một thực tế, không thể phủ nhận.
Vì vậy, ĐỊA – VĂN HÓA chính là sự khác biệt, là yếu tố quyết định, là hòn đá tảng để Thanh Hóa vẫn là một tỉnh chưa từng chia tách trong lịch sử, và bây giờ vẫn thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét