Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất cổ, nơi phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, đỉnh cao nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 đến 2.500 năm.
Năm 1947, xã Hạnh Phúc và xã Quốc Tuấn nhập lại thành xã mới có tên là Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh có tên từ đó). Năm 1954, xã Vĩnh Ninh lại chia ra hai xã là Vĩnh Ninh và Vĩnh Khang. Xã Vĩnh Ninh mới gồm các làng Thọ Vực, làng Yên Lạc, làng Phi Bình, làng Kỳ Ngãi. Xã Vĩnh Khang gồm làng Hồ Nam.
Theo truyền lại cách đây trên 600 năm
ở đất Kỳ Ngãi này 1 bên là dòng sông Mã 1 bên là dãy núi đá vôi tạo ra 1 dải
rất hẹp, cây cối rậm rạp có nhiều muông thú trong đó có cả các loài thú dữ như:
hổ, báo, lợn loài, đường xá đi lại chưa có, nên vùng này có tên là Kẻ Nghẽn.
Từ khi các dòng họ về đây khai thác
đất đai, lập ấp, dựng làng cho đến đầu triều nguyễn (1802) địa danh Kẻ Nghẽn
này mới đổi thành Kỳ Thù (có sách viết là Kỳ Thú). Vào cuối thời vua Đồng Khánh
1886 - 1888 làng Kỳ Thù lại đổi tên là Kỳ Ngãi;
Hiện nay làng kỳ lãi có trên 10 dòng
họ đang sinh sống, đó là các dòng họ: Vũ,
Trịnh, Ngô, Nguyễn, Bùi, Lưu, Cao, Lê, Hà, Trần, Trương,…trong đó họ Trịnh, họ
Vũ, họ Nguyễn mỗi họ có 2 dòng khác nhau. Các dòng họ ở Kỳ Ngãi có họ đến trước,
có họ đến sau đang cùng nhau xây dựng xóm làng văn minh giàu đẹp;
Ngày xưa làng có tục lễ Bách Tính (lễ
cầu cho trăm họ bình an) vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm; trong dòng
văn tế bách tính có xướng tên các dòng họ trong làng những họ nào đến trước
được xếp trên, họ đến sau xếp dưới nhờ vào văn tế này mà làm Kỳ Ngãi truyền lại
rằng dòng họ Vũ của ông Vũ Văn Bích trưởng tộc là họ đến đất Kỳ Ngãi đầu tiên,
tiếp đến là họ Ngô của ông Ngô Văn Bảy là trưởng tộc, thế nhưng hai dòng họ này
hiện tại số hộ ở làng kỳ ngãi còn rất ít, như hoàng Vũ của ông Vũ Văn Bích chỉ
có 4 hộ, họ Ngô của ông Ngô Văn Bảy cũng chỉ không được mươi nhà;
Gia phả họ Vũ của ông Vũ Văn Bích
không còn, theo ông Vũ Xuân Quý trong dòng tộc cho biết cụ tổ dòng họ Vũ này
gốc Hải Dương, làm quan dưới triều Trần năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây thành An Tôn
cụ được cử vào Thanh Hóa trông coi việc xây dựng thành, cụ có đem theo vợ con
và sau đó cụ định cư tại đất Kẻ Nghẽn (tức Kỳ Ngãi ngày nay)
Dòng họ Vũ thứ 2 ở làng Kỳ Ngãi của ông Vũ Văn
Thảo là trưởng tộc cũng là dòng họ đến đất Kẻ Nghẽn rất sớm, theo văn bia ở từ
đường họ Vũ làm (năm Khải Định thứ 4) 1919 ghi gốc họ này ở làng Mộ Trạch,
huyện Đường An tỉnh Hải Dương. Do loạn lạc mà ông Thủy tổ có tên hiệu là Nhân
Chính cùng 2 người con còn nhỏ từ Hải Dương đến đất Kẻ Nghẽn (Kỳ Ngãi) này. Ông
Nhân Chính không đem theo vợ, mà chỉ đem theo 2 người con trai, từ đó lập ra họ
Vũ này, đến nay đã truyền được 14 đời (tức ông Nhân Chính đến Kỳ Ngãi cách đây
khoảng 350 năm) dòng họ này hiện có 3 chi, với 150 hộ, có nhà thờ đường bằng
ngói 3 gian làm lại năm 1913. Được sự đồng thuận và cung tiến của con cháu
trong dòng họ nay nhà thờ đã được tu sửa, chỉnh trang, mua sắm thêm đồ thờ….
Về họ
Trịnh dòng ông Trịnh Luyện là trưởng tộc hiện ở Kỳ Ngãi theo gia phả họ Trịnh
này nguồn gốc từ Biện Thượng nay thuộc xã Vĩnh Hùng là dòng dõi nhà chúa Trịnh
thời bấy giờ có đô đốc Trịnh Tộ là con của chúa Trịnh Tráng từ Biện Thượng đem
quân lên trấn thủ ở vùng Lê Xá (nay thuộc xã Yên Thái) vùng Kiểu (nay thuộc xã
Yên Trường) ông Trịnh Tộ đã ở lại và sinh cơ, lập nghiệp ở làng Thạch Quả sau
đổi thành Thạc Quả (nay thuộc xã Yên Trường,
Yên Định) đến đời ông Phúc Hiển ngang hàng với chúa Trịnh Sâm ông Phúc Hiền đã
sang lấy vợ và ở lại Kẻ Nghẽn tức Kỳ Ngãi lập nên dòng họ Trịnh này. Hiện đã
Truyền đến đời thứ 12 tức cách ngày nay khoảng 300 năm. họ Trịnh này ở làng Kỳ
Ngãi hiện có 3 chi năm 2007 họ xây từ đường mới ông Trịnh Truy đời thứ mười là
một nhà giáo Ông đã làm thơ nói về nguồn gốc họ mình như sau:
Đức tổ họ xa từ Yên Trường
Vì duyên, vì số, nên ly hương
Đất lành, chim đậu làng Kỳ Ngãi
Đã ba trăm năm phúc mãn đường;
Họ Lưu của ông Lưu Văn Gián là trưởng tộc không rõ từ đâu đến, chỉ biết
cụ tổ là Lưu Văn Đích sinh ra họ Lưu ở đây truyền lại đã được 10 đời khoảng 250
năm;
Họ Trịnh của ông Trịnh Văn Hy là
trưởng tộc, theo truyền lại họ này gốc từ Yên Định sang không biết từ làng nào (chỉ
biết có liên quan họ hàng ở làng Tu Mục xã Yên Thọ, Yên Định) cụ tổ sinh được
tới ba người con trai, nên hiện nay dòng họ này có 3 chi và đã truyển được 9
đời tương đương khoảng 225 năm;
Họ Lê của ông Lê Văn Báu là trưởng
tộc gốc từ xã Hoằng Đức (huyện Hoằng Hóa) cụ tổ lên Kỹ Ngãi buôn bán tơ tằm rồi
lấy vợ họ Vũ và ở lại đây sinh cơ, lập nghiệp đến nay đã được truyền được 5 đời
trên 100 năm.
Làng Kỳ Ngãi có Nghè ba gian, hai dãy
với chiều dài 12 m, chiều rộng 7 m làm nơi hội họp dân làng và tế lễ, có hậu
cung (chui vồ) là nơi thờ thành hoàng làng, tháng 5 năm 1950 máy bay giặc Pháp
đến ném bom làm ngôi nhà bị hư hỏng nặng, sau này Nghè được hạ giải chỉ còn hậu
cung, ngoài ra Kỳ Ngãi còn có ngôi chùa ba gian tên chữ là Dục Anh Tự, có Văn
chỉ, Võ chỉ …nhưng hiện nay đều không còn;
Kỳ Ngãi
là 1 làng thuần nông cây trồng chính là lúa, ngô, đỗ, lạc, bông, dâu tằm, chăn
nuôi có con bò, con lợn, con gà. Ngoài ra trong làng còn có nghề trồng dâu nuôi
tằm, 1 số gia đình có khung cửi đạp chân, dệt tơ, dệt sồi và đi dệt thuê. Người
dân trong làng lập ra các hội tranh (cỏ tranh, đánh tranh lợp nhà) để giúp nhau
làm nhà, họ góp tiền giúp nhau công việc,….
Nhân dân
trong làng ở thành từng xóm, ngõ có đường đi lối lại thuận tiện như xóm Thẳng,
xóm Ao, xóm Ải, xóm Đồng, xóm Xu, xóm Cầu….
Làng Kỳ Ngãi hiện có tổng diện tích
đất tự nhiên là 160 ha trong đó đất canh tác 50,13 ha, đất thổ cư 12 ha;
Địa giới hành chính:
+Phía Bắc giáp làng Yên Lạc
+Phía Nam
giáp làng Phi Bình
+Phía Đông
là dãy núi Xuân Đài của làng thọ vực
+Phía
Tây giáp sông Mã, bên sông là huyện Yên Định
Theo cuộc tổng điều tra dân số vào
ngày 1 tháng 4 năm 2009 làng Kỳ Ngãi có 1.215 khẩu;
Thực hiện Quyết Định của Ủy ban nhân
dân tỉnh tháng 4 năm 2009 làng Kỳ Ngãi chia thành Kỳ Ngãi 1, Kỳ Ngãi 2. Kỳ Ngãi
1 do ông Nguyễn Đức Thông làm Thôn Trưởng, Kỳ Ngãi 2 ông Hà Văn Quỳ là thôn
trưởng cả 2 thôn cùng chung 1 chi bộ đảng hiện đồng chí Cao Thị Nhung là Bí Thư
kiêm trưởng làng Kỳ Ngãi lớn.
Nguồn:
Lịch sử xã Vĩnh Ninh năm 2010 và sử liệu tổng hợp từ nhiều nguồn
Thông
tin bài viết đã cách nay 15 năm, độc giả nếu thấy cần bổ sung sai lệch thì cho ý kiến để chỉnh sửa phù hợp./.
............................................
Tìm hiểu thêm: Tổ chức quản lý Thôn (Làng) Triều Nguyễn từ năm 1832 đến năm 1945
I/ Tổ chức quản lý trong làng (thôn) có hai tổ
chức
- Tổ
chức thứ nhất là Hội đồng Kỳ mục: Gồm các quan viên về hưu, cựu Lý trưởng, phó
lý, người nhiều tuổi có uy tín, có trách nhiệm cùng với tiên chỉ bàn định công
việc làng, trước khi giao cho hội đồng Lý dịch;
- Tổ
chức thứ hai là Hội đồng Ngũ vị Hương (Hội đồng Lý Dịch)
Bộ phận
Lý Dịch (Từ Lý đến Dịch) này gồm:
1 – Lý
trưởng đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý mọi việc trong làng, thu tiền sưu,
thuế, giải quyết các công việc tranh chấp, giữ đồng triện (đồng triện của Lý
trưởng hình chữ nhật); Làng lớn có thêm Phó Lý giúp việc Lý trưởng;
2 –
Hượng Bạ người giữ sổ sách, giá thú sinh tử, trích lục đất đai (Hương bạ cũng
có con dấu hình bầu dục)
3 –
Hương Mục: Giữ công việc công công trông coi các đường trong làng, kể cả đê
điều (nếu có) mỗi khi ở huyện điều người đi làm đường xá hương mục phải lo điều
này;
4 –
Hương Bản: Giữ công quỹ của làng trong đó có việc thu chi các khoản (hương bản
cũng có con dấu để đóng vào giấy tờ thu chi)
5 –
Hương Kiểm: Coi việc tuần phòng trong làng, ngoài đồng điền và miếu mạo
6 –
Hương Dịch: Coi công việc sản xuất, chăn nuôi, sổ sách hương ẩm và báo cáo các
công việc trong làng
Về sau
này còn có chức - Hương Nông coi việc khuyến nông, mương máng, tưới tiêu trên
đồng ruộng; Chức Đoàn xã là người chỉ huy Đoàn viên theo hệ thống Tổng đoàn;
Nhìn
chung Hội đồng Chức dịch có nhiệm vụ thu thuế má, đốc thúc phu phen, canh
phòng, tuần tra bảo vệ trị an xóm làng, tổ chức tế lễ, đình đám, mở Hội hàng
năm;
Dưới chế độ phong kiến trong làng còn
có phe giáp, đây là tổ chức phi hành chính; Nghĩa vụ đóng góp trong phe giáp
rất nặng nề, nhất là đóng góp cho các làng trên tế lễ; Ngoài Phe giáp trong
làng còn có tổ chức hội làng văn, hội làng võ (hương Binh), làng nhiêu,…Tổ chức
làng văn là những người có tính hạnh thuần cẩn và biết chữ;
II/ Các Hội trong làng
1-Tìm hiểu về Giáp:
Làng xã
xưa có năm dạng tập hợp người:
- Theo địa vực (ngõ, xóm);
- Theo huyết thống (họ);
- Theo tinh thần tự nguyện (phe, hội phường…);
- Theo theo bộ máy chính quyền cấp xã;
- Theo lớp tuổi.
Giáp là một tổ chức, một môi trường
đặc biệt dành cho nam giới mà trong đó họ sẽ “tiến thân” và khẳng định vị thế
bằng chính tuổi tác của mình; là một biểu hiện của truyền thống "trọng xỉ
" (trọng người già, người nhiều kinh nghiệm sống và lao động, sản xuất)
của làng xưa. Giáp là một tập hợp có tính cách tôn giáo việc gia nhập mang yếu
tố gia đình và có trung tâm là một ngôi đền…”. Tham gia giáp theo tinh thần tự
nguyện nên thường được gọi là Phe Giáp
Hành
trình “trưởng thành” của nam giới trong làng
Giáp là
môi trường đặc biệt mà trong đó nam giới tiến thân, trưởng thành và xác lập vị
thế của mình theo nguyên tắc “trọng xỉ” của làng xã. Chu kỳ trưởng thành đó
gồm: Vào giáp, lên đinh, lên lão.
Vào
giáp: Khi đứa bé trai sinh ra, người cha phải biện một lễ mọn trình giáp để
được ghi tên vào “sổ bộ” (sổ nhân danh) của giáp. Từ đó, cậu bé trở thành thành
viên của giáp. Khi lớn lên, cậu bé được quyền theo cha, anh đến dự các cuộc họp
của giáp. Thực ra vì còn nhỏ tuổi nên chủ yếu là cậu ta được ăn cỗ của giáp;
nếu vắng mặt, cậu ta được giáp gửi phần.
Lên
đinh: Sang tuổi 18, trở thành thanh niên, anh ta phải làm lễ trình làng một
lần nữa để được “lên đinh”. Đây là cột mốc chứng tỏ sự trưởng thành và đánh dấu
tư cách của anh ta trong giáp, trong làng. Với tư cách trai đinh, từ lúc này
cho đến khi lên lão, anh ta phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm với làng, với
nước.
Trước hết, các trai đinh phải nộp thuế,
đi phu và đi lính. Trong quãng thời gian này, mọi trai đinh trong giáp/làng
phải thay nhau gánh vác công việc trong các "hội đồng niên” từ việc làm
“ông lềnh” cho đến “câu đương”, “cai giáp”, cai đám”… từ lo sổ sách của giáp đến việc đóng góp tiền
của, chuẩn bị cỗ bàn cho giáp, cho làng rất vất vả và tốn kém.
Tuy nhiên, trai đinh đồng thời cũng có
những quyền lợi tinh thần và vật chất như được xác lập vị trí trong giáp, được
quyền tham gia bàn bạc việc của giáp, được phân chia ruộng công của làng.
Lên
lão: Thông thường, sang tuổi 49, có nơi là 60, các trai đinh được “lên
lão”. Kể từ lúc này, người đàn ông được ngồi chiếu trên, không còn phải làm các
công việc trực tiếp mà được tham gia “phán bảo” hoặc “tư vấn” việc làng, việc
giáp cho đám trai đinh thực hiện. Đó là con đường trưởng thành của một công dân
nam giới của làng xưa theo "xỉ tước" (tước phẩm nhờ tuổi tác).
Khác với sự thăng tiến quan tước -
theo chức vụ chính quyền, hay trưởng thành theo nghĩa giàu có, sự tích lũy tài
sản, trong môi trường này ai cũng có thể bình đẳng “trưởng thành”, miễn là sống
thọ, sống trọn vẹn cho đến các thời điểm quan trọng của sự “thăng tiến”, của
vòng đời.
Từ một tổ chức hành chính, giáp dần
trở thành một tổ chức mang tính hai mặt, vừa tổ chức theo lớp tuổi, lại vừa tổ
chức theo những người cùng làng/địa vực. Một mặt, giáp mang tính tôn ty, “sống
lâu lên lão làng”; mặt khác, cũng có tính dân chủ khi tất cả mọi thành viên
cùng lớp tuổi đều bình đẳng với nhau, cứ đến tuổi thì sẽ thành trai đinh hoặc
lên lão. Đó là một sự biến đổi sáng tạo về cấu trúc và vai trò của giáp của
tinh thần dân chủ công xã của làng Việt.
2 - Tìm hiểu về Hội đồng Kỳ mục
Hội
đồng kỳ mục: Hội đồng kì mục là cơ quan quản lí truyền thống của làng xã
người Việt ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Hội đồng được xác lập vào nửa sau thế
kỉ XV, khi Nhà nước phong kiến bỏ chế độ xã quan (quan lại do Nhà nước cử về
nắm làng xã). Hội đồng có toàn quyền đối với các vấn đề lớn trong đời sống của
làng như sửa đổi và bổ sung hương ước, chia hoặc đấu thầu công điền công thổ,
quản lý theo kỳ hạn, đấu giá tài sản và thu chi ngân sách, sửa chữa đình chùa,
mở hội, quan hệ với các làng khác... Hội đồng kỳ mục hoạt động không có nhiệm
kỳ hạn định và hoàn toàn độc lập với chính quyền nhà nước cấp trên, chính quyền
phong kiến cấp xã muốn thực thi các nhiệm vụ của mình phải nhờ sự giúp đỡ của
Hội đồng kỳ mục.
Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là một Tiên chỉ, là người có phẩm hàm hay học
vị, chức tước cao nhất trước khi về hưu. Khi có người cao hơn thì nhường chức
Tiên chỉ cho người đó để trở thành Cựu Tiên chỉ. Dưới Tiên chỉ có Thứ chỉ.
Tháng 8-1921, nhằm cải tổ cung cách
quản lý của làng xã để nắm chặt làng xã hơn nữa, chính quyền thực dân Pháp ở Bắc
Kỳ bãi bỏ Hội đồng kỳ mục, thay thế bằng Hội đồng tộc biểu. Song, Hội đồng tộc
biểu không đảm đương được nhiệm vụ nên đến năm 1927, thực dân Pháp phải lập lại
Hội đồng kỳ mục, làm nhiệm vụ tư vấn cho Hội đồng tộc biểu. Đến năm 1941, Hội
đồng tộc biểu bị bãi bỏ, Hội đồng kỳ mục làm nhiệm vụ của Hội đồng tộc biểu,
như nó từng tồn tại 20 năm trở về trước.
3 - Các hội khác trong làng xưa
3.1 - Hội Hội tư văn: là những thành viên trong một làng xã học chữ Nho, thường
được gọi là hội của những kẻ sĩ dân gian ở làng quê. Sự ra đời của hội tư văn
là kết quả của sự phát triển và tiếp thu Nho giáo cả về tư tưởng, văn hóa của
các làng xã người Việt mấy thế kỷ trước. Khi đó, trong các làng xã hình thành
nên một số đông người học chữ Nho, sau đó là các thế hệ kế tiếp nhau theo Nho
học; do nhu cầu tự nhiên của cuộc sống đã làm nảy sinh Hội Tư văn. Ở thế kỷ XVI
một số làng xã đã xuất hiện Hội Tư văn. Gốc gác của những người tham gia Hội Tư
văn đều học chữ Nho. Họ tập hợp lại cùng sinh hoạt, giống như ngày nay người ta
tập trung cùng hoạt động ở một câu lạc bộ chuyên ngành. Tôn chỉ, mục đích của
Hội Tư văn là trọng đạo học, đề cao bậc thánh hiền – Khổng Tử và 72 học trò
thành đạt của Ngài cùng những bậc tiên hiền đậu đạt ở làng quê. Với tôn chỉ,
mục đích cao cả trên, Hội Tư văn đề ra những tiêu chuẩn xét nhận và thu nạp thành viên riêng. Trước hết,
việc kết nạp thành viên nhằm vào những người đã học chữ Nho: Nho sinh, Sinh đồ,
Giám sinh, thi đỗ hoặc không thi đỗ. Với tiêu chuẩn xét chọn như vậy, ở một
làng nông nghiệp bình thường khi Nho học chưa phát triển thì số thành viên của
Hội Tư văn sẽ rất ít. Xét về hình thức, Hội Tư văn không chia lẻ như các giáp.
Một làng, một xã cụ thể chỉ có duy nhất một Hội Tư văn. Đứng đầu Hội Tư văn do
Văn trưởng hay Hội trưởng Hội Tư văn, do Hội bầu chọn. Hội trưởng là người phải
có uy tín, quy định tuổi đời phải từ 35 tuổi trở lên. Hội trưởng chịu trách
nhiệm điều khiển các hoạt động của Hội. Giúp việc đắc lực cho Hội trưởng từ
cuối thời Lê đến đầu thời Nguyễn là Điển văn, do Hội cử ra. Điển văn lo giữ các
giấy tờ, sổ sách của Hội, nhiệm vụ chính là lo văn tế trong các dịp lễ Xuân –
Thu, Kỳ an, Kỳ phúc và lễ hội làng hằng năm. Điển văn có thể tham gia soạn tế,
hoặc giao cho viên Tả văn lo soạn. Do vai trò đặc thù của Hội Tư văn nên tổ
chức nhân sự của Hội gọn nhẹ, đơn giản, gồm Hội trưởng – Điển văn – Tả văn. Khi
xem xét vai trò và hoạt động của Hội thông qua hương ước hay khoán ước riêng
của Hội sẽ thấy rõ thêm. Vai trò chính của Hội Tư văn là làm chủ tế cho các lễ,
tế hay là cầu an của làng xã, chủ tế phải là người hiểu chữ nghĩa, có hiếu
hạnh, phu phụ (chồng vợ song toàn), không vướng bụi (không có đại tang). Do
hiểu lễ nghĩa Nho giáo nên chủ tế đảm đương từ việc xét duyệt nội dung các kỳ
tế Xuân – Thu, Cầu an, Cầu phúc, hội làng và các lễ tiết khác theo nông lịch
trong một năm, đồng thời trực tiếp điều khiển hành lễ đúng theo khuôn phép Nho
giáo và tập quán truyền thống của làng xã. Các thành viên trong Hội đều được
tham dự vào lễ tế tại đình, hoặc ở Văn chỉ. Thành viên Hội Tư văn thường được
mời dự lễ hiếu, hỷ ở làng. Sự hiện diện của Hội Tư văn vừa làm hãnh diện cho
gia chủ, vừa là thành viên giám sát các lễ thức diễn ra theo đúng tập quán
truyền thống. Ngoài việc tham dự tế lễ, Hội Tư văn ở nhiều làng có thành viên
tham gia vào bộ máy quản lý làng xã, giữ chức Xã trưởng, Lý trưởng, Khán thủ,
Trương tuần hoặc cầm trịch việc hội họp đình trung, hương ẩm, tham gia vào việc
khuyến học ở làng. Ở một số làng, Hội Tư văn tham dự Hội đồng sát hạch học trò
kỳ thi đầu năm, trước khi sĩ tử tham gia thi hương. Tư văn là thành viên tích
cực nhất cỗ vũ và gìn giữ học phong ở làng xã. Những kẻ sĩ Hội Tư văn gắn bó
với cuộc sống làng quê, gần gũi dân làng. Họ đem chút kiến thức Nho học để
phụng sự đời sống văn hóa tâm linh vốn được lưu truyền ở làng. Có thể coi Hội
Tư văn là cột trụ, là chỗ dựa của đời sống tâm linh ít nhiều ảnh hưởng của Nho
giáo và ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng dân gian nông nghiệp. Tóm lại, trong
xã hội làng xã cổ truyền không thể thiếu vai trò của Nho sĩ – trí thức – Hội Tư
văn, một tổ chức xã hội khá quy củ và có mặt ở hầu khắp các làng quê với vai
trò nổi trội trong đời sống tâm linh, văn hóa nêu trên.
3.2-Hội Hương binh (Hội tư võ): tập hợp
những người cựu
chiến binh, những người lính đã giải ngũ sau một quãng
thời gian phục vụ trong quân ngũ nay trở về làng, bất kể họ là lính trơn hay đã
thăng hàm Đội trưởng, Ngũ trưởng... đều được vào hội Hương binh. Những người
lính đảo ngũ bỏ nhiệm vụ không được mời tham gia Hội. Hội hương binh cũng là
một hình thức tổ chức xã hội tự nguyện làng xã. Song, tổ chức có phần lỏng lẻo,
những cựu chiến binh có thể tham gia hoặc không tham gia Hội Hương binh. Đứng
đầu Hội Hương binh là viên đội trưởng, do cả Hội cử ra để điều hành chung công
việc của Hội. Thời hạn làm Hội trưởng kéo dài từ một đến hai năm, tùy theo từng
làng xã quy định. Hội Hương binh cũng xây dựng Vũ chỉ - một ngôi nhà giống như
Văn chỉ của Hội Tư văn, làm một nơi hội họp, ăn uống khi hữu sự. Tuy vậy, không
phải nơi nào cũng có Hội hương binh là nơi đó đều có Vũ chỉ. Hương binh cũng
tham gia vào những dịp lễ tế ở đình làng với tư cách là thành viên của các giáp
hay thành viên hay các tộc họ. Trong số những cựu chiến binh ở làng xã, nhiều
người đã từng tham gia trận mạc vào sinh ra tử, lập được chiến công hiển hách,
nên dân làng rất tin tưởng khi họ có chân trong đội tuần đinh, giữ chức Trưởng
phiên, Trương tuần. Hội Hương binh được coi là nòng cốt trong việc tuần phòng
bảo vệ làng xã. Dĩ nhiên, ngoại trừ nhiều thành viên thành viên của Hội do
thành tích phục vụ trong quân ngũ đã được miễn trừ tuần phu, tạp dịch chung
thân. Hội gắn bó với nhau không chỉ để nhớ lại những kỉ niệm quân ngũ về những
ngày tháng gian khổ và vinh quang, mà điều quan trọng là sự sẻ chia cuộc sống
đầy vơi của những thàng ngày còn lại nơi quê nhà. Đối với Hương binh cũng được
dân làng cũng được dân làng nể trọng, biểu hiện từ cách xưng hô đến việc chia
biếu phần, miễn giảm tạp dịch và vị trí chỗ ngồi xứng đáng ở đình trung. Hương
binh – hưu binh, vai trò của Hội dù sao cũng hạn chế. Song, sự góp mặt của Hội
khiến bức tranh xã hội của làng quê thêm phong phú sắc màu.
4 - Hương ước của làng xưa và nay
4.1 -Vai trò của hương ước: Hương ước được coi là thiết chế có tác dụng hỗ trợ pháp
luật khi Nhà nước chưa kịp ban hành pháp luật hoặc chưa cần thiết sử dụng pháp
luật để điều chỉnh, được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với
pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời
sống xã hội. Thực tế, hương ước đang được chính quyền và người dân địa phương
xem như một công cụ tham gia vào quá trình quản trị cộng đồng. Vì vậy, hương
ước bên cạnh việc nên được cập nhật với tình hình thực tế tại cộng đồng thì cần
nhận diện cơ chế đích thực, con người cụ thể từ cộng đồng đóng vai trò chủ chốt
để duy trì tập tục, quản trị cộng đồng cũng như hòa giải các vướng mắc.
Hương ước đã góp phần đưa pháp luật,
chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư
ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù
hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ
sở. Qua việc thực hiện hương ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn
xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động
viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân
dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nội dung của hương ước gắn với đặc
điểm về văn hóa, xã hội của địa phương. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương
ước còn nhằm điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế
hoạch hóa gia đình, giáo dục, khuyến học, y tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
(rừng, cây trồng...). Đồng thời, trong một số lĩnh vực quản lý, hương ước được
coi là một trong các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả, chất lượng, như: Công
nhận gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa; công nhận xã, phường, thị trấn đạt
chuẩn tiếp cận pháp luật. Như vậy, có thể khẳng định, hương ước là một công cụ
quản lý gián tiếp của Nhà nước trong cộng đồng dân cư. Dù đất nước ta đang ngày
một phát triển, bên cạnh công cụ pháp luật để quản lý nhà nước thì vẫn cần tiếp
tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy hương ước bởi những giá trị của
hương ước và nâng cao hiệu quả tự quản của cộng đồng dân cư tại thôn, làng.
4.2 - Những hạn chế của hương ước:
Trước
hết, là tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái và những điều khoản của hương
ước chỉ liên quan đến công việc, tới tập tục làng xã do vậy nó góp phần tạo ra
tâm lý chỉ quan tâm đến lợi ích của làng mình “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Trống
làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” ít quan tâm đến quyền lợi
của làng khác. Làng với kinh tế tiểu nông tự cung, tự cấp và các tổ chức xã hội
riêng, tập tục riêng đã được hương ước thể chế hóa do đó làng xã trong tâm thức
của người nông dân là nhất. Thành viên nào cũng mang trong mình và tự hào về
điều này. Điều này giải thích tại sao có người nông dân vì danh dự của làng dẫn
đến hành động “quá tả” lao vào các cuộc tranh chấp đất đai, cãi vã, ẩu đả tập
thể,... thực chất chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp chức sắc, chức
dịch trong làng.
Thứ
hai, việc quản lý làng xã bằng hương ước là một trong những cơ sở để hình
thành lối sống theo lệ làng không quen sống với pháp luật, thậm chí còn coi
thường pháp luật (phép vua thua lệ làng). Nhìn chung người nông dân trong làng
ít được trang bị kiến thức về pháp luật và cho đến nay thì điều này vẫn còn,
đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa miền núi dân tộc. Đây là vật cản lớn trên con
đường xây dựng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi những nhà quản lý phải có những biện
pháp tích cực trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho mọi người dân để
nâng cao trình độ dân trí.
Thứ ba, mặt hạn chế của hương ước
xưa phải kể đến là việc góp phần làm tăng các hủ tục nặng nề trong đám cưới,
đám tang, khao vọng, hội lễ. Một tác động tiêu cực khác từ hậu quả của những hủ
tục trong cưới, tang, khao vọng, hội lễ đã tạo ra óc mê tín dị đoan, quá tin
vào tôn thờ thế lực siêu tự nhiên; cưới xin chọn ngày chọn giờ, cô dâu chú rể
phải so tuổi, tang ma cũng phải xem giờ để nhập quan mai táng, con cái báo hiếu
cha mẹ phải coi trọng phần mộ (đến nay tình trạng đô thị hóa nghĩa trang ngày
càng phát triển, mọi người đều xây mộ to lấn chiếm cả đất canh tác).
Từ việc nghiên cứu hương ước xưa,
biết được những mặt tích cực của hương ước và những mặt còn hạn chế của nó để
vận dụng trong việc xây dựng quy ước văn hoá đó là hướng đi đúng trong việc kế
thừa di sản truyền thống của cha ông để lại, biết “gạn đục khơi trong” trong
cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đặc biệt trong
việc xây dựng nông thôn mới. Hiện nay việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn
với việc xây dựng nông thôn mới và văn hóa nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề
cho người nông dân chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều mối quan hệ
không chỉ trong ứng xử mà còn là việc thực hiện quy định chung về môi trường,
cảnh quan, mùa màng, không gian thoáng của hội hè , đình đám, trong các di tích
đình, chùa, đền, miếu của làng, bản. Vì vậy từ hương ước xưa, chúng ta học được
nhiều điều khi xây dựng quy ước văn hóa hiện nay. Bên cạnh đó, sau khi hoàn
chỉnh khâu dự thảo, hương ước, hay các quy ước, lệ tục của làng xã, xóm, bản,
thôn cần phải được trình lên cấp chính quyền có thẩm quyền để xem xét và phê
duyệt; để từ đó tránh tình trạng “Lệ làng to hơn phép nước”.
Tóm
lại: “Hương ước của các làng xã người
Việt để lại là nguồn tư liệu gốc rất quý giá đẻ qua đó tìm hiểu xã hội Việt Nam
qua từng thời kỳ lịch sử, nhất là ở nông thôn trong quá khứ cũng như hiện tại,
là vốn trí thức dân gian về quản lý cộng đồng, về sử dụng và quản lý các nguồn
tài nguyên thiên nhiên của cha ông để lại mà ngày nay nhiều điều chúng ta cần
học hỏi, kế thừa; Là di sản văn hoá mà trong đó chứa đựng các giá trị nhân văn,
giá trị văn hoá, nghệ thuật…Việc học tập, kế thừa hương ước cổ truyền xưa để
xây dựng quy ước nông thôn mới hiện nay đã và đang là phong trào quần chúng ở
các địa phương, được Đảng, nhà nước ủng hộ và chỉ đạo thực hiện”
Quy
định xưa: Từ cách mạng tháng tám năm 1945 trở về trước tụ điểm dân cư nào
muốn được nhà nước công nhận là đơn vị hành chính (tưc là thành một làng riêng)
phải có đủ những quy định đó là:
1- Có sổ
địa bạ
2- Có sổ
hương ẩm
3- Có bản
hương ước
4- Có
đình làng
5- Có
Nghè (đền) thờ Thành hoàng
6- Có
Hội đồng Kỳ mục (Hội đồng bô lão)
7- Có
Hội đồng Ngũ vị Hương (Hội đồng Lý Dịch, Hội đồng của Lý trưởng và 5 ông Hương)
8- Có
đồng triện (con dấu bằng đồng)
Sưu tầm
từ nhiều nguồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét