XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Lịch sử Làng Phi Bình xã Vĩnh Ninh huyện Vĩnh Lộc

Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất cổ, nơi phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, đỉnh cao nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 đến 2.500 năm.
Theo các tài liệu nghiên cứu, từ trong lịch sử vùng đất Vĩnh Ninh luôn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Theo tiến trình lịch sử, huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần thay đổi tên địa danh: Thời Hùng Vương, Vĩnh Lộc thuộc bộ Cửu Chân; thời Tần thuộc Tượng Quận; thời Triệu thuộc quận Cửu Chân; thời Hán – Đường thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân; đời nhà Tùy thuộc huyện Nhật Nam, châu Ái; thời Lý – Trần vùng đất này mang tên Vĩnh Ninh thuộc phủ (trại, lộ, trấn) Thanh Hóa, Thanh Đô (từ 1397 – 1407); thời thuộc Minh vẫn theo như thế và thuộc phủ Thanh Hóa; đời Lê Quang Thuận (1460-1470) thuộc phủ Thiệu Thiên; đời Lê Trung Hưng vì tránh tên húy vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) nên đổi tên Vĩnh Ninh thành Vĩnh Phúc; thời Tây Sơn đổi thành Vĩnh Lộc [2; tr 224 – 232].
Thời Gia Long năm 1802, huyện Vĩnh Lộc thuộc phủ Thiệu Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) lấy 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Địa lập ra phủ Quảng Hóa (đến đời vua Tự Đức phủ Quảng Hóa mở rộng thêm châu Quan Hóa, nhưng về sau còn lại 3 huyện cũ là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và thêm Yên Định).
Vào thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) tổ chức bộ máy hành chính rất chặt chẽ, dưới huyện có các tổng, dưới tổng có các thôn, trang, vạn (sau đổi là xã, có lúc là thôn). Đến đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840), đơn vị hành chính huyện Vĩnh Lộc có 7 tổng: Nam Cai, Cao Mật, Ngọ Xá, Hoàng xá, Biện Thượng, Sóc Sơn, Bỉnh Bút. Trong đó tổng Nam Cai có 5 xã: Nam Cai, Hữu Cơ, Thiên Vực, Kỳ Thù, Bất Một. Đến đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) tổng Hoàng Xá được đổi tên thành tổng Thanh Xá. Xã Thiên Vực đổi thành Thọ Vực, xã Hữu Cơ đổi thành xã Hữu Chấp.
Đầu thế kỷ XX, xã Nam Cai đổi tên thành xã Hồ Nam, xã Bất Một đổi tên thành Phi Bình, xã Kỳ Thù đổi thành xã Kỳ Ngãi, tổng Nam Cai đổi thành tổng Hồ Nam. Do đó các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Hồ Nam, Hữu Chấp đều thuộc tổng Hồ Nam. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đã giải thể các tổng và lập ra 15 đơn vị hành chính xã. Trong đó các làng ở tổng Hồ Nam được lập ra 2 xã: xã Quốc Tuấn (gồm các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Yên Lạc), xã Hạnh Phúc (gồm toàn bộ làng Hồ Nam).

Năm 1947, xã Hạnh Phúc và xã Quốc Tuấn nhập lại thành xã mới có tên là Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh có tên từ đó). Năm 1954, xã Vĩnh Ninh lại chia ra hai xã là Vĩnh Ninh và Vĩnh Khang. Xã Vĩnh Ninh mới gồm các làng Thọ Vực, làng Yên Lạc, làng Phi Bình, làng Kỳ Ngãi. Xã Vĩnh Khang gồm làng Hồ Nam.

Làng Phi Bình khi mới hình thành có tên là Bất Một; Theo truyền lại lúc đầu làng đã có khoảng bốn năm chục nọc nhà nằm ở Ngõ Đá dưới chân núi đất hiện nay; Do sông Mã đổi dòng chảy đã cắt đôi làng Bất Một (tức là làng mất một nửa); Theo sách Đồng Khánh Địa Dư chí viết thời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) tên làng Bất Một vẫn còn;

Theo Hưong Ước xã Phi Bình viết năm 1901 (niên hiệu Thành Thái thứ 13) đã đề là Phi Bình; Như vậy tên của làng Phi Bình ra đời vào những năm cuối thế kỷ thứ XIX (tức từ 1889 – 1900). Dân làng Phi Bình còn lưu truyền câu ca:

Bất Một làng cũ quê tôi

Ở Vùng Ngõ đá, sườn đồi tựa lưng

Làng Phi Bình xưa có đủ: Đình, chùa, Nghè, Đền, Văn Chỉ, Võ chỉ…Nhưng hiện nay chỉ còn ngôi đình 5 gian 2 dãy thuộc loại đình cổ đang bị xuống cấp nghiêm trọng rất càn phải bảo vệ.

Hiện tại trong làng có 10 dòng họ. Dòng họ đến trước, dòng họ đến sau đang cùng nhau xây dựng làng xóm ấm no, đó là các dòng họ: Vũ, Lê, Mai, Trịnh, Nguyễn, Bùi, Dương….Trong đó họ Lê có tới 7 dòng, họ Trịnh 2 dòng, họ Nguyễn 2 dòng. Hầu hết các dòng họ lớn đều có gia phả để lại nhưng cũng có một số gia phả chép sau này;

        Theo truyền lại làng Phi Bình được hình thành cách đây gần 400 năm. Dòng Họ Lê, họ Vũ, họ Trịnh là những dòng họ đến đây sinh cơ, lập nghiệp sớm hơn. Căn cứ vào gia phả các đời truyền lại thì họ Lê của ông Lê Văn Quang là trưởng tộc đã có mặt ở làng Phi Bình cách ngày nay ít nhất là 375 năm. Họ Lê ông Lê Văn Vĩnh trưởng tộc là họ lớn trong làng hiện có trên 200 hộ. Họ có nhà thờ riêng được xây dựng từ lâu đời.

          Ngoài ra các dòng họ Lê như họ Lê ông Lê Văn Hiên là trưởng tộc. Họ Lê ông Lê Văn Tưởng là trưởng tộc; Họ Lê ông Lê Văn Nhiệm là trưởng tộc, họ Lê ông Lê Văn Dũng là trưởng tộc, họ Lê ông Lê Văn Nhai trưởng tộc có khoảng vài chục hộ.

       Dòng họ Vũ của ông Vũ Văn Tong là trưởng tộc gốc từ làng Mộ Trạch, huyện Đường An tỉnh Hải Dương; Từ cuối thế kỷ thứ XVII rồi sang thế kỷ thứ XVIII tỉnh Hải Dương là trung tâm của phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại những quan lại, cường hào gian ác và chính quyền phong kiến ở địa phương. Nhiều người phải chạy loạn và tìm nơi an toàn để cư trú và sinh sống. Cụ tổ dòng họ Vũ ở làng Phi Bình này tên tự là Phúc Thiên đã từ Hải Dương bước đầu vào Thanh Hoá ở làng Bàn Thạch (huyện Thọ Xuân) làm nghề buôn bán và làm ăn cũng rất phát đạt, nhưng lại vất vả về đường con cái. Vào năm 1760 cụ tổ đã chuyển từ Bàn Thạch đến làng Bất Một và lấy ở đây rồi sinh được hai người con trai có tên là Phúc Thiện và Phúc Đức, từ đó họ Vũ này đã truyền đến nay được 10 đời.

          Họ Trịnh của ông Trịnh Văn Chương là trưởng tộc (vốn họ Trịnh không có chữ lót) gốc từ làng Biện Thượng nay thuộc xã Vĩnh Hùng (quê hương của chúa Trịnh Kiểm), cụ tổ họ này là Trịnh Tôn vào năm 1784 cụ đã chuyển vợ, con từ Biện thượng có đem theo nếp nhà bếp 2 gian đến sinh cơ, lập nghiệp ở đất Phi Bình này, hiện nay dòng họ này có ba chi và sáu, bảy chục đinh.

          Dòng họ Trịnh của ông Trịnh Hùng Chính làm tộc trưởng (ông Chính đi công tác xa), ông Trịnh Xuân Thục đại tá về hưu nay đã 69 tuổi cho biết cụ tổ của dòng họ này từ Lưu Khê (nay thuộc Yên Trường – Yên Định) là con út của gia đình có 4 anh em trai, cụ sang đất Phi Bình lấy vợ và sinh con đẻ cái lập nên dòng họ Trịnh này cách ngày nay khoảng 150 năm.

         Rồi Họ Mai của ông Mai Văn Dỹ là trưởng tộc có cụ tổ là ông Mai Hữu Dực cùng vợ từ Thọ Xuân sang Phi Bình sinh cơ, lập nghiệp và truyền cho đến nay khoảng 175 năm. Từ đất Phi Bình cụ tổ Mai Hữu Dực đã chăm chỉ học tập và thi đậu cử nhân, cụ được bổ đi làm đốc học ở tỉnh Phú Yên;

          Ở làng Phi Bình có trường hợp dòng họ Lê của ông Lê Văn Vĩnh là trưởng tộc gốc lại là Họ Nguyễn từ Hải Dương vào. Theo ông Lê Văn Thơ năm nay 75 tuổi, người trong họ cho biết, bấy giờ có hai mẹ con từ Hải Dương dắt nhau vào đất Phi Bình và đi ở cho một gia đình họ Lê (Dòng họ Lê của ông Lê Văn Quang làm trưởng tộc); Người con trai tên là Khoa được gia đình Họ Lê nhận làm con nuôi nên đã đổi từ họ Nguyễn sang họ Lê. Khi Lê Văn Khoa trưởng thành đã xây dựng gia đình riêng và lập nên dòng họ Lê của ông Lê Văn Vĩnh là trưởng tộc đến nay đã truyền được trên 8 đời (khoảng 200 năm).

          Làng Phi Binh sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, bông, lạc, đậu, vừng; Chăn nuôi thì có con lợn, con bò, con gà; Ngoài ra ở đây còn có nghề trồng dâu nuôi tằm, một số gia đình có nghề làm áo tơi bằng lá cây móc (có nơi gọi là cây núc nác, cây đùng đình) loại áo khoác mặc để che mưa;

      Làng Phi bình có diện tích tự nhiên 164,08ha, trong đó đất canh tác là 62,74ha, đất thổ cư 13,5 ha

Địa giới Hành chính:

+ Phía Bắc giáp làng Kỳ Ngãi

+ Phía Đông giáp làng Hồ Nam (Vĩnh Khang)

+ Phía Nam giáp sông Mã (bên kia sông là Yên Trường – Yên Định)

+ Phía Tây cũng giáp sông Mã (bên kia sông là xã Yên Thọ - Yên Định)

Theo điều tra dân số và nhà ở ngày 1/4/2009 làng Phi Bình có 1.645 khẩu. Trong đó có tới 10 xóm. Thực hiện Quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tháng 4 năm 2009 làng Phi Bình chia ra làng Phi Bình 1 và Làng Phi Bình 2

+Phi Bình 1 ông Lê Văn Trung làm trưởng thôn (làng)

+Phi Bình 2 ông Nguyễn Văn Bình làm trưởng thôn (làng)

Cả hai thôn cùng chung một chi bộ lãnh đạo, hiện đồng chí Vũ Thanh Bình là bí thư Chi bộ kiêm trưởng Thôn (làng) Phi Bình Lớn

Nguồn: Lịch sử xã Vĩnh Ninh năm 2010 và sử liệu tổng hợp từ nhiều nguồn

Thông tin bài viết đã cách nay 15 năm, độc giả nếu thấy cần bổ sung sai lệch thì cho ý kiến để chỉnh sửa phù hợp

 .....................................

TỔ CHỨC CAI TRỊ XƯA

          Về tổ chức cai trị ở cấp làng “cấp chính quyền cơ sở” dưới chế độ thực dân phong kiến trước tháng 8/1945 có các chức danh: Lý trưởng, phó Lý, Hương bạ, Hương kiểm, Hương bản, Hương mục và Hương dịch làm nhiệm vụ thay mặt chính quyền các cấp Phủ, huyện, tỉnh cai trị địa phương (gọi là hội đồng Lý Dịch)

         Lý trưởng: Chịu trách nhiệm mọi mặt “nội gia cư” “ngoại đồng điền” và giữ đồng triện; (Làng lớn có Phó lý giúp việc lưới trưởng)

+Hương mục: giữ các công việc công cộng

+Hương bản: giữ quỹ tiền nong, lúa gạo

+Hương bạ: giữ sổ sách, giấy tờ                                                    +Hương kiểm: giữ đồng điền, trật tự, trị an.

+Hương dịch: phụ trách lễ nghi cúng bái.

          Ngoài hội đồng Lý Dịch (từ Lý đến Dịch) trong làng còn có Hội đồng Kỳ mục Hội đồng kỳ mục không trực tiếp điều hành công việc trong làng nó tồn tại như một Hội đồng tư vấn nhưng trong thực tế Hội đồng kỳ mục quyết định thì Lý trưởng, Phó lý và các chức dịch phải thực hiện;

          Hội đồng Kỳ mục có nhiệm vụ góp ý kiến với chính quyền về các công việc có tính chất kinh tế, xã hội ở trong làng.

         Về kết cấu làng xã lúc bấy giờ còn có “phe”, “giáp”, như làng Thọ Vực có phe Phú, phe Thọ; làng Kỳ Ngãi có giáp Đông giáp Đoài… Phe, Giáp chủ yếu là trong quan hệ thờ cúng Thành Hoàng và công việc tế lễ trong làng. Có làng Văn, làng Võ làng Nhiêu….

         Các làng đều có Hương ước là luật trong làng do mọi người trong làng đề ra có quan viên, trùm lão, Lý trưởng ký và áp triện (Đóng dâu).

          Hương ước của các làng xưa giống như 1 tín ngưỡng nằm trong hệ thống tín ngưỡng Thành Hoàng được cả làng kính sợ và chấp hành. Hầu hết các bản Hương ước của các làng đã bị thất lạc, hiện nay chúng tôi chỉ sưu tầm được bản hướng ước của xã (làng) Phi Bình lập năm Thành Thái thứ 13 (tức là vào năm 1901), mà người thừa sao là Cửu phẩm Lý trưởng Lê Huy. Bản Hương ước bằng chữ Hán đã được dịch ra chữ Quốc ngữ. Bản Hương ước xã Phi Bình có lời nói đầu, có 6 điều; Lời nói đầu ghi rõ: “các bậc chức sắc, kỳ lão, Lý dịch cùng toàn thể trên dưới xã (làng) Phi Bình, tổng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc lại họp bàn định ra các điều lệ, khoán ước; Bản xã ước trước đây cũng có định ra các điều lệ từ đó đến năm nay đã lâu đời, kim cổ khác biệt, nghi lễ có những điều không thể hòa hợp .. Nay tham cứu trong các điển tích cũ, phối hợp với nhau các tục mà đời ưa chuộng, định ra làm 6 điều để ngày nay và mai sau có cái thống nhất, hợp thành quy phạm cho nhân tâm mà lại làm đẹp cho phong tục”;

          Cụ thể các điều trong Hương ước như sau:

- Điều thứ nhất: Phép các thờ cúng. Điều này có 21 khoản;

- Điều thứ 2:  Về các biện chức. Điều này cũng 19 khoản;

- Điều thứ 3: Định về dân trí. Điều này có 1 khoản;

- Điều thứ tư: Trọng danh khí. Điều này có 10 khoản;

- Điều thứ 5: Thánh lễ tục. Điều này có 21 khoản;

- Điều thứ 6: Phòng nhân dân. Điều này có 31 khoản;

         Hương ước của xã Phi Bình ra đời cách đây trên 100 năm mà nhiều điều khoản hiện nay vẫn còn áp dụng được.

          Thí dụ điều 6 nói về phòng nhân dân (phòng ngừa những việc xấu xảy ra trong làng xã) như các khoản:

- Phàm người nào họp uống rượu đến thất lễ phạt 1 quan 1 mạch;

- Ban ngày mà ăn trộm sản vật, hoa lợi trên đồng ruộng, đồ vật trong gia đình, súc vật nuôi bị bắt được quả tang, kẻ đó bị phạt 3 quan; Ban đêm đi ăn trộm các thứ trên đồng ruộng và sản vật ở trong nhà người khác mà bắt được quả tang kẻ đó bị phạt 3 quan truất xuống 1 bản. Ban đêm khoét tường, đục vách, lấy cắp trâu, bò các vật trong vườn mà bắt được quả tang, kẻ đó bị phạt 6 quan, truất xuống 3 bản; - Người nào cho bọn trộm cắp gửi các đồ vật phạt 6 quan;

- Đánh cờ bạc chỉ trong những người lễ tiết (từ nay về sau đều cấm) có kẻ nào làm trái lại lời đoan ước, người có đất chứa chấp cờ bạc phạt 6 quan, con bạc phạt đều 3 quan, số tiền tháng bạc đem sung công, văn khế bị thua đem đốt cháy.

           Các làng ở Vĩnh Ninh xưa đều có đình là nơi làm việc của chức sắc trong làng, nơi hội họp, mở hội tế, lễ của dân làng…. Ở đình thường có hậu cung làm nơi thờ Thành Hoàng làng, Ngoài ra còn có chùa thờ phật, có các đền thờ thần các Văn chỉ thờ đức Khổng Tử….

Nguồn Lịch sử xã Vĩnh Ninh và tư liêu sử liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét