XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

Thần linh và đền thờ xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt

 

            Những đền thờ thần ở Thanh Hóa, do biến động của lịch sử mà đến nay không còn đầy đủ. Tuy nhiên, qua tư liệu có thể thấy sự phong phú, đa dạng của loại hình di tích này. Cuốn Thanh Hóa chư thần lục (năm 1903) đã cho biết đến đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh Thanh Hóa có có 3.561 phủ, nghè, đền, miếu là cơ sở thờ tự, với 804 dương thần và 171 âm thần. Song, đó chỉ là số thần linh cùng nơi thờ tự được làng, xã kê khai và triều đình công nhận, trên thực tế, số lượng thần linh được thờ trong các làng, xã có thể vượt xa con số thống kê, bởi, triều đình đã gạt bỏ rất nhiều vị bị coi là “dâm thần”, “tà thần”, dù cho Nhân dân vẫn kính sợ hoặc ngưỡng vọng mà thờ phụng

            Ở xứ Thanh không lưu truyền tích truyện các thần khổng lồ của thời khai thiên lập địa như bà Nữ Oa hay ông Tát Bể, ông Kể Sao, ông Đào Sông,... nhưng lại có rất nhiều truyền thuyết về những anh hùng văn hóa - những người khổng lồ có công tạo lập nên núi non, sông ngòi, đồng ruộng, giúp dân sản xuất nông nghiệp, như ông Cõng đá vùng Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn); ông Lau vùng Quảng Xương; ông Nưa vùng Nông Cống; ông Vồm, ông Go vùng Đông Sơn; ông Nuông vùng Thiệu Hóa, Yên Định; ông Đẻn, ông Hà Rò, ông Bưng vùng Hoằng Hóa.... “Dấu vết” cho câu chuyện thách đấu giữa ông Tu Vồm với ông Tu Nưa, giữa ông Tu Vồm với Thánh Bưng/Thánh Tến liên quan tới hình dạng những ngọn núi sót nằm rải rác khắp vùng Hàm Rồng. Trong một loạt mô-típ về sự sáng tạo tự nhiên buổi ban sơ này, vai trò ông Vồm nổi lên như một nhân vật trung tâm. Dấu chân của ông in trên triền núi Đọ được dân gọi là dấu “bàn chân tiên”, như một sự tương đồng với dấu chân người khổng lồ trong truyện Thánh Gióng và nhiều truyện kể dân gian khác. Ông là người có tầm vóc kỳ vĩ, có công gánh núi lấp biển, tạo lập nên đồng bằng sông Mã, hai ngọn núi Bằng Trình và Đại Khánh ở Ngã Ba Đầu nơi sông Chu và sông Mã hợp lưu là dấu tích do đòn gánh của ông bị gãy. Về thực chất, nhân vật ông Vồm là một sản phẩm văn hóa được sáng tạo bằng tâm thức dân gian, vay mượn với tư duy mở đất buổi ban đầu của lịch sử dân tộc, là sự phản ánh quá trình đấu tranh của con người trong việc chinh phục tự nhiên để chuyển dịch bền bỉ từ miền núi cao, trung du xuống chiếm lĩnh miền châu thổ rộng lớn. Trong đó, các dòng sông (chủ yếu là sông Mã) là con đường quan trọng nhất giúp cho sự chuyển dịch này.

           Bên cạnh đó, nhiều vị thần không phải xuất hiện từ thời khai thiên lập địa nhưng vẫn có yếu tố nào đó của anh hùng văn hóa, mà ở châu thổ sông Hồng có thể kể đến Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ở Thanh Hóa, việc thờ Liễu Hạnh công chúa có nhiều dấu ấn đậm nét. Sách Thanh Hóa chư thần lục cho biết, ở Thanh Hóa có 48 làng thờ Liễu Hạnh công chúa ở 11 huyện. Nhưng sách Địa chí Thanh Hóa ghi nhận đến năm 1920, việc thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã phát triển mở ra nhiều phủ, đền khắp tỉnh Thanh Hóa.

             Đền Sòng thuộc phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), là một trung tâm thờ Mẫu nổi tiếng. Theo truyền thuyết, đền Sòng là nơi Liễu Hạnh công chúa hiển Thánh sau lần giáng trần thứ ba ở Phố Cát (Thạch Thành). Thời Nguyễn, thánh Mẫu Liễu Hạnh chính thức được triều đình ban sắc là “mẫu nghi thiên hạ”. Hai trung tâm thờ Mẫu lớn nhất và nổi tiếng nhất là Phủ Dầy (Nam Định) và đền Sòng - Phố Cát (Thanh Hóa). Tuy nhiên, trong tâm thức dân gian, đôi khi đền Sòng xứ Thanh đã được coi “thiêng” nhất.

Nhất vui là hội Phủ Dầy

Vui thì vui vậy chưa tày Sòng Sơn

(Lời hát văn cổ)

             Ở Thanh Hóa, còn gặp nhiều ngôi đền gắn với các nhân vật, sự kiện thời dựng nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Thần tích ở đền Hổ Bái (Yên Định) có nội dung Hùng Trinh Vương, con trai thứ 11 của Lạc Long Quân, đến vùng hạ lưu sông Mã để chọn đất lập bộ, một vùng phên dậu của nhà nước Văn Lang ở phía Nam. Cũng ở Yên Định, có ngôi đền Đồng Cổ thờ vị thần đã giúp Vua Hùng và nhiều vị vua đời sau đánh giặc. Nhiều nhà nghiên cứu của xứ Thanh, gần đây, đã tìm ra ở Hà Trung dấu tích đền thờ Phan Tây Nhạc (một bộ tướng của Vua Hùng). Nhiều đền thờ khác của các vị thần thời kỳ dựng nước cũng xuất hiện ở Thanh Hóa như: đền thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn), Nguyệt Nga công chúa (Hà Trung), Tướng quân Cao Lỗ (Hoằng Hóa), đền Cổ Ninh thờ Phù Đổng Thiên Vương (Yên Định), An Dương Vương (thị xã Nghi Sơn)... Những ngôi đền này một mặt khẳng định vị thế của vùng đất Thanh Hóa trong lịch sử, một mặt có thể phản ánh quá trình di cư của người Việt từ phía Bắc vào Thanh Hóa, hoặc từ Thanh Hóa đi nơi khác, mà đi đến đâu họ cũng mang theo vị thần của cộng đồng mình để thờ phụng.

         Là mảnh đất nhiều chiến tranh loạn lạc, gắn bó với sự thịnh suy của các triều đại phong kiến, nên đã nảy sinh một dạng đền thờ nhân thần. Trước hết là các vua chúa: đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Lê Hoàn (Thọ Xuân), Đinh Tiên Hoàng (Nông Cống), Lê Thái tổ, lăng mộ các vua và hoàng hậu nhà Lê Sơ ở Lam Kinh, đền, phủ thờ các vua Lê, chúa Trịnh, vua chúa Nguyễn... Được nhân dân ngưỡng vọng hơn cả là đền thờ các vị anh hùng dân tộc - những con người gắn với sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc, như đền thờ Triệu Việt Vương (Hoằng Hóa), Dương Đình Nghệ (TP Thanh Hóa), Lý Thường Kiệt (Hà Trung), Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo (ở nhiều địa phương), Quang Trung (thị xã Nghi Sơn),... hay các nhân vật lịch sử có công lao lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm như: đền thờ Lê Phụng Hiểu (Hà Trung, Hoằng Hóa), Trần Khát Chân (ở nhiều địa phương), Cao Bá Điển (Hoằng Hóa)..., rồi của những người học rộng, tài cao, đỗ đạt, được dân trọng vọng, như đền thờ Khương Công Phụ (Yên Định), Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Quán Nho (Hoằng Hóa), Hoàng giáp Lê Bật Tứ (Triệu Sơn)...; đền của những tổ nghề, người có công giúp dân lập làng, phát triển sản xuất, như: đền Trà Đông thờ tổ nghề đúc đồng (Thiệu Hóa), đền Bà Triều thờ tổ nghề dệt săm xúc (TP Sầm Sơn), đền thờ Đào Duy Từ (thị xã Nghi Sơn), miếu Nhị thờ hai nhân vật có công lập ra làng Đông Sơn (TP Thanh Hóa)...

        Nhiều đền thờ gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa và công cuộc xây dựng đất nước ở thế kỷ XV, như: đền thờ Lê Lợi (Thọ Xuân), Lê Lai (Ngọc Lặc), Nguyễn Chích (Đông Sơn), Đinh Lễ, Lê Liễu (Thiệu Hóa), Lê Lộng (Triệu Sơn), Lê Thành (TP Thanh Hóa), Lê Trương Lôi - Lê Trương Chiến (thị xã Nghi Sơn), Lê Viện (Hoằng Hóa), Ngọc Lan (Thọ Xuân), Nguyễn Thiện (Quảng Xương), Nguyễn Trừng (Đông Sơn), Nguyễn Trung Nghĩa (Đông Sơn), Phạm Vấn - Phạm Cuống (Hoằng Hóa)...

         Vào thế kỷ XVI - XVIII, trong xã hội Việt xuất hiện một số quận công, có uy thế khá lớn mạnh, khi công trạng đã viên mãn, họ thường xây dựng lăng mộ, đền thờ ở quê hương nhằm báo hiếu tổ tiên và cũng để vinh danh cho chính họ. Ở Thanh Hóa có đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (Đông Sơn), đền thờ Lê Thì Hiến, lăng Hai Út (Triệu Sơn), lăng Trịnh Thị Ngọc Lung (Thọ Xuân), đền thờ Vệ quốc công Hoàng Bùi Hoàn (Quảng Xương), Bái Lăng (Yên Định), Khu Tán Vọng Đường và hệ thống tượng đá ở Đa Bút (Vĩnh Lộc), lăng Lê Đình Châu (thị xã Nghi Sơn), lăng Mãn Quận công (TP Thanh Hóa)... Trong loại hình đền thờ này thường có nhiều hiện vật bằng đá khá lớn và tinh xảo.

          Vài nét thoáng qua trong bài viết này không thể đề cập đầy đủ các phương diện của đền thờ ở Thanh Hóa, nhưng chỉ như vậy đã thấy sự phong phú và phức tạp trong việc thờ thần của người dân xứ Thanh nói riêng, người Việt nói chung. Tuy nhiên, khi đặt những đền thờ cùng các vị thần linh trong một không gian, thời gian lịch sử xác định, quy chiếu bằng những điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể, chúng ta sẽ thấy được những mối liên hệ biện chứng, từ đó có thể nhận diện được phần nào nét kết tinh trí tuệ dân dã của ông cha ở thời quá khứ.

Thảo Lê (Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét