Trần Việt Anh
Hạ nguồn sông Mã, nơi hội tụ của các
dòng sông chính của xứ Thanh để tạo nên một châu thổ màu mỡ, cũng là nơi hội tụ
của nhiều dòng văn hóa xuôi - ngược, Bắc - Nam… để nảy sinh vùng văn hóa Hàm
Rồng có nhiều nét riêng trên nền tảng chung của văn hóa dân tộc. Một trong
những hoa trái của vùng văn hóa này là sản phẩm của văn hóa truyền thống, là
nền nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn, là các kiến trúc cổ (cả đá và gỗ) đậm đà bản
sắc dân tộc.
Nếu chỉ nói tới một dòng sông chở
nặng phù sa để bồi đắp cho miền châu thổ, làm nên những cánh đồng lúa và hoa
mầu tốt tươi thì chưa đủ. Qua lịch sử, sông Mã còn cõng trên lưng nó những giá
trị văn hóa, để rồi đem ánh sáng trí tuệ của tổ tiên lan tỏa đi muôn phương.
Qua địa phận Thanh Hóa, sông Mã đã tạo nên một nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, sức
mạnh lan tỏa của nó được chảy suốt theo dòng thời gian và không gian, làm cho
xứ Thanh ít nhiều mang dấu ấn riêng trong văn hóa chung của dân tộc.
Bằng vào các di sản văn hóa để lại
chúng ta có thể nghĩ không gian văn hóa Hàm Rồng là một điểm sáng điển hình của
văn hóa xứ Thanh, một điểm hội tụ của các dòng chảy văn hóa xuôi, ngược tứ
phương mà dệt thành truyền thống rực rỡ.
Dòng
thứ nhất là đi theo hướng từ núi ra biển, dòng sông bắt đầu từ Điện Biên
đến Sơn La vòng qua Sầm Nưa (Lào) và quay trở lại chảy vào huyện Mường Lát,
Thanh Hóa xuôi dòng chảy hợp với sông Chu ở cuối nguồn, rồi chảy ra biển. Đây
là một dòng sông có độ dốc cao, chảy siết, hay đổi dòng, có nhiều thác ghềnh
(tính từ Phong Ý - Cẩm Thủy ngược lên đã có 54 thác lớn nhỏ)1, ngoài thác còn
có vực là những xoáy nước lớn hết sức nguy hiểm có thể nhấn chìm cả những chiếc
thuyền hay tấm mảng lớn. Con sông chở nặng phù sa nhưng khó cho việc giao thông
mà tổ tiên đã nói tới với tinh thần vượt thác ghềnh một cách rất anh dũng, để
lại cho chúng ta những gì mà trên dòng sông khác rất hiếm, có thể thấy hầu như
chỉ một dòng sông Mã trước đây mới có hò đò dọc. Đò dọc là đò di chuyển xuôi,
ngược, trong các chuyến đi, những người lái đò cần sự đồng tâm hợp lực để quên
đi mệt nhọc và điệu Hò rời bến, Hò đò ngược như hiệu lệnh cho những người chèo
đò đưa con thuyền đi nhanh hơn, đến khi gặp thác ghềnh câu hò lại trở nên khỏe
khoắn và quyết tâm hơn như Hò mắc cạn. Khi con đò lướt qua những thác ghềnh để
trở về với dòng sông êm dịu, điệu hò lại trở nên nhẹ nhàng êm dịu như Hò suôi
dòng, Hò làn ai..., tất cả diễn trình trên dòng sông đã được sáng tạo thành
những làn điệu mà ở mỗi không gian khác nhau làm nên sự sáng tạo hò khác nhau.
Qua những dấu tích hò, mới thấy sức
lao động của người xưa đối với sông Mã chuyển hóa thành nghệ thuật lớn như thế
nào, và một giả thiết để làm việc được đặt ra với chúng tôi là, ngay từ thời
nguyên thủy, người đương thời đã sử dụng con sông để vận chuyển hàng hóa, buôn
bán, lưu thông. Con sông sớm được mang tính giao thương bởi theo dòng sông Mã,
có thể những con thuyền của cư dân ven biển đã đến tận Sơn La thuộc Tây Bắc, gần
với mỏ đồng Tụ Long, nơi cung cấp cho họ nguyên liệu cơ bản, từ đó đưa về vùng
đất tụ cư của mình mà thúc đẩy cho văn hóa đồ đồng Đông Sơn phát triển. Mặt
khác, chúng ta luôn ngờ rằng, từ thời khá sớm quan họ Bắc Ninh đã có sự tham
gia của người ngoài Biển (Malayô - Đản)/Nam Đảo, và việc so sánh với cư dân
biển ở xứ Thanh đã có phần đồng nhất; lời trong bài hát “đò đưa” - dân ca Thanh
Hóa - một bài hát mà giai điệu gần với “xe chỉ luồn kim” của Quan họ Bắc Ninh,
trong khi đó dân ca Quan họ với lời ca và âm nhạc ít nhiều có ảnh hưởng từ âm
nhạc Malayô2. Trong thời gian tiếp cận với tư bản phương Tây thì dòng sông Mã
cũng mở cửa cho người ngoại quốc buôn bán, họ đã đưa vào đây dòng văn hóa mà
nay dấu tích là múa Tú Huần, múa Hoa Lan (Hà Lan), mà những điệu múa ấy còn cho
chúng ta thấy cách phục trang của người lính châu Âu. Các nhà khảo cổ học còn
cho thấy, đương thời đã có một sự giao lưu “công cụ” giữa người Thanh Hóa với
cư dân nhiều vùng khác ở những thời điểm bản lề ấy3.
Dòng
thứ hai là đi từ biển vào: Nhìn xa hơn về quá khứ cách đây khoảng 2500 năm,
vùng Hoa BắcTrung Quốc có nạn bùng nổ dân số, người Hán đã tràn về phía Đông và
phía Nam, đẩy một bộ phận người Tày - Thái và người Đản phải thiên di, họ đến
Việt Nam, Lào, Thái Lan, đặc biệt người Đản ở gần ven biển rất giỏi nghề sông
nước, họ đã tìm xuống những vùng phi Hán như Việt Nam, rồi Malayxia, Inđônêxia.
Với Việt Nam, họ đã qua cửa Bạch Đằng, cửa sông Hồng, cửa sông Đáy, một dấu
tích là họ đã đưa văn hóa biển vào, ở mặt kinh tế trước đây như giáo sư Từ Chi
đã nói, đó là những bãi mía dọc dài ven sông. Ngoài ra, họ cũng ít nhiều để lại
những làn điệu gần gũi với nhạc Chăm (ngoài vùng phân bố của tù binh Chăm dưới
thời Lý, Trần, Lê). Ở xứ Thanh thì sự thâm nhập của người Đản (Malayô) có phần
dễ dàng hơn, họ đã vào từ cửa sông Mã, chúng ta hiểu thành phần Malayô như cố
GS. Từ Chi và Trần Quốc Vượng đã chỉ cho chúng tôi đó là một thành phần cơ bản
để hình thành hệ Việt Mường.
Những
người Đản này đã đem văn hóa biển cùng với đức tính đặc biệt về văn hóa của
họ là ăn sóng nói gió, linh hoạt và giỏi về nghề đi thuyền, họ thâm nhập vào
một địa điểm vô cùng thuận lợi cho việc định cư và phát triển đó là vùng Hàm
Rồng, họ đã góp phần tích cực phát triển nền kinh tế và văn hóa Đông Sơn với kỹ
thuật đúc đồng điển hình. Có một nhà nghiên cứu, mấy chục năm trước đây đã nhìn
thấy Đông Sơn và sông Mã là một điểm sáng văn hóa chung của dân tộc với câu nói
“Văn minh sông Hồng mà không tính đến sông Mã thì nền văn minh ấy trở nên khập
khiễng”. Điều đó càng được chúng tôi tin là chính xác khi cố GS. Từ Chi đã dạy
các học trò của ông, văn hóa Bắc Bộ là thống nhất cho tới tận sông Gianh (ranh
giới của Hà Tĩnh và Quảnh Bình). Chính vì thế, suốt chiều dài của sông Mã ở
trên đất Thanh Hóa, di chỉ cồn Chân Tiên, tiêu biểu cho giai đoạn sớm nhất của
thời đại đồng thau ở ven đôi bờ sông Mã; làng cổ Đông Sơn,... có giá trị đặc
biệt quan trọng trong việc góp phần làm sáng tỏ nhiều quan điểm lịch sử mới, đã
chứng minh có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển, một tổ chức nhà nước sơ
khai thời các vua Hùng.
Trên
tinh thần đó chúng tôi đi sâu vào di sản văn hóa, và chúng tôi đã tìm được
một số giếng vuông ở xã đảo Nghi Sơn, (Tĩnh Gia), xã Hoằng Lộc ( Hoằng Hóa) ở
gần cửa Đình Bảng Môn; đây là mô típ giếng khác hẳn với giếng của người Việt
nói chung, giếng Chăm thường được xây dựng với nguyên liệu chính là gạch và đá,
giếng thường có “miệng tròn đáy vuông” hoặc “miệng vuông đáy tròn”. Trong
phương ngữ giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày ở bản làng Kênh Thủy, xã Vĩnh thịnh,
Huyện Vĩnh Lộc (nơi đây cũng tại chùa Hoa Long vẫn còn nhang án đá với nhiều
hình tượng chạm khắc có ảnh hưởng văn hóa Malayô), một số làng thuộc xã Hà
Đông, Hà Lĩnh, huyện Hà Trung vẫn tồn tại sự khác biệt trong phương ngữ đối với
các làng cổ ở tỉnh Thanh Hóa4. Và, chúng ta thấy tiếng của người xứ Thanh bắt
đầu nặng hơn của người Bắc Bộ (biểu hiện rõ hơn có lẽ là của cư dân Hoa Lộc -
Hậu Lộc). Có phải không gian ngăn cách giữa Bắc Bộ và Thanh Hóa đó là vùng Đồng
Giao (phía Nam Tam Điệp, Ninh Bình) “lắm hổ nhiều ma” để cho ít nhiều giữa hai
vùng có khác nhau. Đó là suy luận của những người nhìn nhận lịch sử theo cảm
tính, còn chúng ta đã thấy có như một lý do khác đó là tỷ lệ Malayô ở Xứ Thanh
nhiều hơn ở Bắc Bắc Bộ. Sinh thời cố GS. Từ Chi và một vài người cộng sự của
ông đã từng ngờ rằng tiếng nói từ Thanh Hóa đi vào sâu so với Bắc Bộ ngày trở
nên nặng, ông và cộng sự đã kể rằng, một lần đi vào một làng bãi, nơi trước đây
tập trung gốc của tù bình Chăm ở ven sông Đáy thì tiếng nói của người địa phương
này như người Nghệ Tĩnh. Giả thiết đặt ra, tỉ lệ giữa người Malayô và bản địa
càng cao thì tiếng nói càng nặng. Trở lại với xứ Thanh chúng ta không thể cãi
được rằng, điều kiện lịch sử xã hội đã xây dựng nền kinh tế biển, đồng bằng,
miền núi đan xen mà trục trung tâm giao lưu là dòng sông Mã với Hàm Rồng là
điểm sáng khởi đầu, từ đó hội nhập và cũng từ đó tỏa ra. Từ nơi đây, chúng ta
nhìn sang lĩnh vực khác thuộc di sản văn hóa và nghệ thuật, bắt đầu từ giai
đoạn cồn Chân Tiên, các nhà khảo cổ học đã nhận thấy gốm nơi ấy có sự gần gũi
với gốm Phùng Nguyên và cả với gốm đền Đồi ở sông Lam (Nghệ An). Tính đa dạng
cũng như sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ vào buổi đầu thời kim khí trên đất Thanh
Hóa chứng tỏ có những bộ tộc cùng tồn tại bên nhau trong thể hòa đồng. Nghề gốm
làng Vồm (Thiệu Khánh, Thiệu Hóa), thời thuộc Hán đến đầu tiền Tống, làng Vồm
cận lân với thành Tư Phố - trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa lúc
bấy giờ. Gốm làng Vồm với men ngọc độc đáo không chỉ nổi tiếng trong nước mà
trên cả thế giới.
Một
điểm đáng quan tâm mà nay chưa giải mã được, đó là trong một dịp khảo sát
gần đây chúng tôi đã tìm được đôi rồng 5 móng bằng đá ở đền thờ Đức Ông (phía
sau chùa Vồm, Thiệu Khánh, Thiệu Hóa), nhỏ hơn đôi rồng ở bậc điện Lam Kinh.
Nhận thức đầu tiên của chúng tôi dưới góc độ tạo hình là rồng 5 móng gắn với
vua, rồng của dân là dưới 5 móng. Phải chăng nơi đây đã từng là một điểm dừng
thuyền của các vua thời Lê Trung hưng từ ngoài biển vào, trước khi ngược dòng
sông Mã sang sông Chu về cáo yết tổ tiên. Nếu quả đúng như vậy, địa điểm này
không đơn giản chỉ gắn với kinh tế, mà rất có thể nơi đây đã từng có một hành
cung thuộc thế kỷ XVII (ở ngã ba sông Lèn, ngã ba Bông và ngã ba Đầu, nơi sông
Chu gặp sông Mã, những dòng nước “lang thang” gần như khắp mọi miền dồn về con
sông cái (sông Mã) của xứ Thanh). Người xưa thường nghĩ mọi ngã ba là nơi “quằn
quại” trong sự giao phối của hai con sông khác nhau để dồn sinh lực về nhành
chính, đem phù sa, tức nguồn sống vô bờ bến xuống những cánh đồng phì nhiêu ven
biển.
Chuyển sang lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật, từ thời Đông Sơn với trung tâm là Hàm Rồng, hình tượng con
người chiếm vị trí chủ đạo trong thế giới của muôn loài, được thể hiện trên
trống đồng. Con người luôn hòa với thiên nhiên, với mọi vật nhưng luôn là trung
tâm của thế giới (hình ảnh con người đánh trống, thổi kèn, đánh cá chèo thuyền
ở trên trống đồng). Còn đối với nghệ thuật chạm khắc đá, gỗ truyền thống trong
các di tích (đình, đền, chùa) còn lại hiện nay ở Thanh Hóa, đa phần hạn chế hơn
so với di tích cùng thời ở Bắc Bộ. Riêng về nghệ thuật chạm khắc đá, mà nghệ
nhân là những người thợ làng An Hoạch - Đông Sơn, Thanh Hóa đã để lại cho chúng
ta những kiến trúc có quy mô khá lớn như thành nhà Hồ (cuối thế kỷ XIV); tới
thời Lê với bia Vĩnh Lăng mang giá trị nghệ thuật cao, nhiều nhà nghệ thuật đã
đánh giá phong cách nghệ thuật bia thời Lê sơ, đặc biệt nhóm bia Lam Kinh (thế
kỷ XV) đã đạt đến mức chuẩn mực trong nghệ thuật bia ký Việt Nam, đa dạng trong
kỹ thuật chạm khắc. Tới đầu thế kỷ XVII, đặc biệt như bia ở đền thờ Lê Hoàn -
Thọ Xuân, có chạm hình tượng rồng phủ trùm cả bầu trời... đến thời Lê Trung
hưng, các quận công là công thần của triều Lê đã trở về xây dựng quê hương,
chuẩn bị cho việc thờ cúng và nơi yên nghỉ của mình, như đền thờ Nguyễn Văn
Nghi (Đông Sơn) được xây dựng vào khoảng 1629 - 1632, ở đây di tích còn lại chủ
yếu là hệ thống tượng thờ bằng đá (tượng người, ngựa, voi, chó và 03 tấm bia)
về tạo hình và quy mô cho thấy vẻ bề thế của đền thờ, tượng và bia đã đạt được
giá trị điển hình của đương thời. Đến khu đền lăng Mãn Quận Công (An Hoạch,
Đông Sơn), số lượng tượng quan hầu và ngựa được bố trí nhiều hơn tạo nên một
phong cách mới trong hệ thống lăng quận công ở thế kỷ XVIII, với những mảng
chạm trau chuốt (chúng tôi cho rằng, việc phá lệ của triều đình về qui định số
tượng chầu đối với lăng Mãn Quận Công có lẽ là biểu hiện sự suy giảm quyền lực
của vua Lê - chúa Trịnh đối với các ông quận ở vùng xa)5.
Với
chất liệu gỗ, nghệ thuật tạo hình được thể hiện dễ dàng hơn mà một tiêu biểu là
di tích chùa Hoa Long (Vĩnh Thịnh - Vĩnh Lộc), ở đây chúng ta bắt gặp hình
tượng cô tiên dang rộng cánh, làm theo hình thức nửa tượng, nửa phù điêu, được
gắn trên xà của gian giữa, rồi hiện tượng rồng chầu mặt trời, có lồng chữ Phúc
hoặc chữ Lộc trong tâm, đó là hình tượng rất hiếm thấy trên các di tích cùng
thời khác. Nằm trong quần thể của di tích chùa Hoa Long, ngay phía trái chùa,
cùng khuôn viên là đền thờ Trần Khát Chân (ông được nhiều nơi thờ). Ở ngôi đền
này, chúng ta tìm thấy nghệ thuật kiến trúc của thế kỷ XVII mà ít ngôi đền khác
có được, đó là kiểu “tứ thủy quy đường”, với tòa tiền bái, hành lang và nhà hậu
ôm lấy nơi thờ tự chính. Đặc biệt trong kiến trúc này có “ khu đĩ” của mái hành
lang nhô cao hơn mái của tòa tiền bái, ở đây có mảng chạm với hình tượng tiên
nữ cưỡi rồng, đó là đặc điểm riêng mà hầu như chỉ ở ngôi đền này mới có. Chúng
ta cũng thấy một thành phần kiến trúc được coi là sớm nhất trong hệ thống kiến
trúc của người Việt là chiếc xà lòng ở hai đầu hồi, chúng hợp cùng xà đai tạo
nên một bộ khung kiến trúc vững chắc. Ngoài ra trên cấu kiện kiến trúc còn dày
đặc những hình chạm trau chốt với nhiều đề tài khác tương đồng với đền vua
Đinh, vua Lê, đền Điềm Giang ở Ninh Bình.
Một di tích nổi tiếng khác là đền Cả/Đế Thích (Đông Thanh, Đông Sơn) mà ở đó phần nào nổi lên ý chí “giải
Hoa” về mặt tư tưởng của người xưa bởi Đế Thích là một vị thần tối thượng từ
thời khai thiên lập địa thuộc văn hóa Ấn Độ (Bà-la-mon/Ấn Độ giáo), sau này có
lẽ đến tận đầu thế kỷ XX, đền Đế Thích mới liên quan đến ông vua cờ do những
nhà Nho bất đắc trí chở văn hóa Trung Hoa thâm nhập vào ngôi đền. Đối với ngôi
đền ấy có những mảng chạm đầy yếu tố dân dã, nói lên ước vọng cầu mưa, cầu mùa,
cầu phúc của cư dân.
Về
với vùng cửa sông Mã (cửa Hới) có đền thờ Độc Cước (làng Núi, Sầm Sơn), một
ngôi đền nằm trên mõm núi Trường Lệ, ở đây yếu tố Malayô, thể hiện rất rõ và
gần như duy nhất là ở thần Độc Cước. Trên nước ta không nơi nào thần Độc cước
lại được thờ phụng nhiều như ở Thanh Hóa. Sầm Sơn là nơi hình thành huyền thoại
vị thần này (còn gọi là thánh Độc/Độc Cước), thần Độc Cước được đưa vào thần
điện Phật giáo với tư cách như là đệ tử của Quan Thế Âm Bồ Tát. Đồng thời thần
điện Đạo giáo Việt Nam còn coi Độc Cước như là một vị thần cùng Ngộ Không, làm
trợ thủ cho Huyền Đàn (một tổ phù Thủy). Do vậy có thể coi đây như là một hình
thức tôn giáo tín ngưỡng, pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo và
Đạo giáo. Theo như Hoàng Minh Tường, sưu tầm của ông đã cho chúng ta hiểu thần
Độc Cước phân thân lấy một nửa để bảo vệ ngư dân ngoài biển, nửa kia bảo vệ
nhân dân đồng ruộng trong đất liền.
Song, đối với chúng tôi, những người làm nghệ thuật, đều hiểu rằng hầu như mọi hình tượng mỹ thuật (các linh
vật, mọi biểu tượng) được thể hiện thiếu như hổ phù, thần Độc Cước (hình người
chỉ có một phần trên)... là biểu tượng của mặt trăng hoặc ít nhiều có liên quan
đến mặt trăng, vì trong một tháng mặt trăng khuyết nhiều hơn tròn, vì thế hổ
phù cũng có lúc tự nó là biểu trượng của mặt trăng (trường hợp đôi rồng chầu hổ
phù) và mặt trăng thì liên quan đến thủy triều ảnh hưởng tới những con thuyền
ra khơi. Mặt trăng được nhân cách hóa đó là thần Độc Cước có nghĩa con người
muốn đồng nhất với tinh cầu này để hòa vào thiên nhiên vũ trụ, mong được yên ổn
khi ra biển và ít nhiều cầu cho thủy triều đỡ hung dữ. Ở lĩnh vực nông nghiệp
người xưa từng coi mặt trăng gắn bó rất nhiều với sự sinh sôi nảy nở, ánh trăng
vàng làm cho trai gái yêu nhau, cho âm dương hòa hợp để muôn loài và nhất là
cây trồng phát sinh phát triển, rõ ràng mặt trăng vừa có tác động đến cư dân
nông nghiệp, cư dân biển cả. Và có lẽ thần Độc Cước, phân thân là một sáng tạo
khá riêng của cư dân xứ Thanh ở vùng cửa sông Mã này, và sự phân làm hai nửa
chỉ là sản phẩm muộn khi huyền thoại gốc bị tàn phai.
Như vậy, con sông Mã đã chở những giá trị văn hóa góp phần cơ bản làm
nên một xứ Thanh giàu truyền thống, nhà địa
lý học Lê Bá Thảo đã nói, châu thổ Sông Mã, như là sự lặp lại của châu thổ Bắc
Bộ (châu thổ sông Hồng). Chính vì vậy, có thể coi châu thổ sông Mã là hệ thống
châu thổ đứng thứ ba sau châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và Cửu Long ở phía Nam.
Những giá trị văn hóa được chuyên chở trên dòng sông Mã làm nên văn hóa Đông
Sơn mà trung tâm là Hàm Rồng, và Hàm Rồng còn là một danh thắng, nơi dừng chân
của các danh nhân lịch sử, như: Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nghệ
Tông, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Sĩ, Ninh
Tốn... với một số bài thơ bất hủ vẫn còn khắc trên những vách đá của núi Hàm
Rồng./.
T.V.A
Chú thích:
1- Địa
chí Thanh Hóa (2002), Tập II, Văn hóa xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 154.
2- Lê
Ngọc Tạo (2007), “Khảo cổ học xứ Thanh - Một vài thành tựu”, Tạp chí Di sản văn
hóa, số 2 (19), tr. 71.
3- Hoàng
Minh Tường (2007), Văn hóa dân gian Thanh Hóa, bước đầu tìm hiểu, Nxb. Văn hóa
Dân tộc, tr. 241.
4- Hoàng
Minh Tường (2007), Văn hóa dân gian Thanh Hóa, bước đầu tìm hiểu, Nxb. Văn Hóa
Dân tộc, tr. 242.
5- Lê
Văn Tạo (2008), Một số đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống ở
Thanh Hóa, Nxb. Thanh Hóa, tr. 88.
Tài liệu tham khảo:
1- Trần
Việt Anh (2012), “Vài đặc điểm về chạm khắc gỗ trên di sản văn hóa xứ Thanh”,
Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (39).
2- Địa
chí Thanh Hóa (2002), Tập II, Văn hóa xã hội, Nxb. Khoa học xã hội.
3- Kỷ
yếu Hội thảo khoa học (2014), Hàm rồng - Địa danh lịch sử văn hóa đặc biệt của
xứ Thanh, Nxb. Thanh Hóa.
4- Lê
Văn Tạo (2008), Một số đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống ở
Thanh Hóa, Nxb. Thanh Hóa.
5- Lê
Ngọc Tạo (2007), “Khảo cổ học Xứ Thanh - Một vài thành tựu”, Tạp chí Di sản văn
hóa, số 2 (19), trang 71.
6- Hoàng
Minh Tường (2005), Tục thờ thần Độc Cước ở làng Núi, Sầm Sơn,
Thanh
Hóa, Nxb. Văn hóa - Dân tộc. (Ngày nhận bài: 15/6/2014; Ngày phản biện đánh
giá: 7/8/2014; Ngày duyệt đăng bài: 21/8/2014).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét