XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

LỊCH SỬ LÀNG THỌ VỰC (THIÊN VỰC XƯA)

 

              Xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất cổ, nơi phát hiện ra trống đồng Đông Sơn, đỉnh cao nền văn minh Đông Sơn của người Việt cổ, có niên đại cách ngày nay hơn 2.000 đến 2.500 năm.

        Theo các tài liệu nghiên cứu, từ trong lịch sử vùng đất Vĩnh Ninh luôn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Theo tiến trình lịch sử, huyện Vĩnh Lộc đã nhiều lần thay đổi tên địa danh: Thời Hùng Vương, Vĩnh Lộc thuộc bộ Cửu Chân; thời Tần thuộc Tượng Quận; thời Triệu thuộc quận Cửu Chân; thời Hán – Đường thuộc huyện Tư Phố, quận Cửu Chân; đời nhà Tùy thuộc huyện Nhật Nam, châu Ái; thời Lý – Trần vùng đất này mang tên Vĩnh Ninh thuộc phủ (trại, lộ, trấn) Thanh Hóa, Thanh Đô (từ 1397 – 1407); thời thuộc Minh vẫn theo như thế và thuộc phủ Thanh Hóa; đời Lê Quang Thuận (1460-1470) thuộc phủ Thiệu Thiên; đời Lê Trung Hưng vì tránh tên húy vua Lê Trang Tông (1533 – 1548) nên đổi tên Vĩnh Ninh thành Vĩnh Phúc; thời Tây Sơn đổi thành Vĩnh Lộc [2; tr 224 – 232].

      Thời Gia Long năm 1802, huyện Vĩnh Lộc thuộc phủ Thiệu Hóa. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) lấy 4 huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quảng Địa lập ra phủ Quảng Hóa (đến đời vua Tự Đức phủ Quảng Hóa mở rộng thêm châu Quan Hóa, nhưng về sau còn lại 3 huyện cũ là Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy và thêm Yên Định).

      Vào thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) tổ chức bộ máy hành chính rất chặt chẽ, dưới huyện có các tổng, dưới tổng có các thôn, trang, vạn (sau đổi là xã, có lúc là thôn). Đến đời vua Minh Mệnh (1820 – 1840), đơn vị hành chính huyện Vĩnh Lộc có 7 tổng: Nam Cai, Cao Mật, Ngọ Xá, Hoàng xá, Biện Thượng, Sóc Sơn, Bỉnh Bút. Trong đó tổng Nam Cai có 5 xã: Nam Cai, Hữu Cơ, Thiên Vực, Kỳ Thù, Bất Một. Đến đời vua Đồng Khánh (1886 – 1888) tổng Hoàng Xá được đổi tên thành tổng Thanh Xá. Xã Thiên Vực đổi thành Thọ Vực, xã Hữu Cơ đổi thành xã Hữu Chấp.

     Đầu thế kỷ XX, xã Nam Cai đổi tên thành xã Hồ Nam, xã Bất Một đổi tên thành Phi Bình, xã Kỳ Thù đổi thành xã Kỳ Ngãi, tổng Nam Cai đổi thành tổng Hồ Nam. Do đó các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Hồ Nam, Hữu Chấp đều thuộc tổng Hồ Nam. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng đã giải thể các tổng và lập ra 15 đơn vị hành chính xã. Trong đó các làng ở tổng Hồ Nam được lập ra 2 xã: xã Quốc Tuấn (gồm các làng Thọ Vực, Kỳ Ngãi, Phi Bình, Yên Lạc), xã Hạnh Phúc (gồm toàn bộ làng Hồ Nam).

     Năm 1947, xã Hạnh Phúc và xã Quốc Tuấn nhập lại thành xã mới có tên là Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Ninh có tên từ đó). Năm 1954, xã Vĩnh Ninh lại chia ra hai xã là Vĩnh Ninh và Vĩnh Khang. Xã Vĩnh Ninh mới gồm các làng Thọ Vực, làng Yên Lạc, làng Phi Bình, làng Kỳ Ngãi. Xã Vĩnh Khang gồm làng Hồ Nam.

         Làng Thọ Vực là nơi có dấu tích của người Việt Cổ sinh sống. Theo người già nhiều thế hệ truyền lại trên mảnh đất này trước đây chỉ có núi đá và rừng cây rậm rạp; Có một bộ tộc sinh sống nên gọi là đất Mường Rồng. Đến thời Bắc Thuộc đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên làng có tên là Thiên vực, đến thế kỷ XIX có tên là Thọ Vực;

         Làng Thọ Vực trước cách mạng tháng 8 năm 1945 bao gồm cả đất của làng Yên Lạc ngày nay. Thọ vực được coi là “nhất xã tứ thôn” (Một xã với 4 thôn) gồm có thôn Vực Đồng xóm giáp Hà Lương Vĩnh Thành, Thôn Vực núi là trung tâm làng Thọ Vực ngày nay, thôn Vực giữa là các xóm ven đê của làng Yên Lạc, Thôn Vực đò là xóm Long Vân của làng Yên Lạc hiện nay (Có bến đò sang làng Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định bên kia sông); Hầu hết các núi đá của xã Vĩnh Ninh đều nằm trên đất làng Thọ Vực. Thọ Vực nổi tiếng có động Hồ Công, có chùa Thông (tên chữ là Du Anh Tự); Ngoài ra trong làng còn có đình, có chùa Bụt Mọc, có Nghè Đông, Nghè Đoài, có Văn Chỉ, Võ Chỉ,….tất cả các công trình trên đều không còn chỉ có Động Chùa Thông được trùng tu lại theo kiến trúc đời mới giai đoạn 1993 – 2009, và ngôi chùa cổ trên 700 năm tuổi tên là chùa Bụt Mọc, chùa bị tàn phá bởi cải cách ruộng đất và chiến tranh phá hoại Chùa Bụt mọc có vị trí kế bên núi Thần, trên đỉnh núi có hình tượng ông Tiến sỹ nằm trong quần thể chùa Du Anh tự (Công chúa Du Anh Triều Trần) với động Hồ Công; Chùa mới được xây dựng lại năm 2019, ngoài ra Nghè Đoài cũng được xây mới lại ba gian nhưng không đúng trên nền đất cũ của nghè xưa.

          Hiện nay ở làng Thọ Vực có trên 10 dòng họ đang cùng nhau sinh sống tại làng đó là các dòng họ: Trịnh, Đặng, Hoàng, Nguyễn, Lê, Vũ, Ngô, Trần, Phùng, Trương, Đinh, Lưu…Trong số các dòng họ trên Họ Trịnh có đến 7 dòng, Họ Nguyễn và Họ Lê 3 dòng, Họ Hoàng 2 dòng,…các cụ tổ các dòng đều có chữ lót khác nhau; Theo truyền thuyết truyền lại từ lâu đời dòng họ Trịnh Đình có ông tổ là Trịnh Gia (có sách viết là La, Ra) chính gốc Thiên Vực và làm tù trưởng Thiên Vực lấy vợ người làng Nhật Chiêu (nay là làng Nhật Quang xã Vĩnh Hoà huyện Vĩnh Lộc); Dòng họ Trịnh này truyền lại cho đến nay là dòng họ Trịnh Đình ở làng Thọ Vực, tuy nhiên ở dòng họ Trịnh này nhiều nhánh nhiều chi có chữ tên lót đã khác nhau như là Văn là Đình, là Trịnh không tên lót;

          Theo sách Thanh Hoá Chư Thần Lục do Bộ Lễ Triều Nguyễn soạn, biên tập năm Thành Thái thứ 5 (1903) bản chữ hán chép tay (đã được dịch sang chữ Quốc ngữ) có ghi về một ông thần Họ Trịnh tên Gia (Ra) người Thiên Vực lộ Vĩnh Ninh; Khi Cao Biền đời nhà Đường Trung Hoa đem quân sang đánh quân Nam Chiếu xâm lược nước ta (khi đó đang thuộc Đường) ông Trịnh Gia đã theo giúp Cao Biền sau được làm quản gia và trở nên giàu có, ông biết thương người nghèo đói, đem của cải chu cấp cho nhân dân trong cả một huyện; Sau ông bị người làng Thủy Thanh hiềm thù giết chết rồi bỏ xác xuống sông Mã. Cao Biền cho vớt xác và làm lễ chôn cất rất trọng thể; Đối chiếu với chính sử nước nhà Thì Cao Biền đem quân sang dẹp giặc Nam Chiếu vào năm 865 thì dòng Họ Trịnh Đình sinh sống ở Thiên Vực cách ngày nay ít nhất cũng là 1.159 năm;

          Theo Gia phả của dòng Họ Nguyễn Văn của ông Nguyễn Ngọc Trinh là trưởng tộc thì ông tổ của dòng họ này tên là Nguyễn Văn Dinh làm nghề đúc đồng quê ở Phủ Thuận Thiên tỉnh Hải Dương nay thuộc đất Hưng Yên khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cụ Nguyễn Văn Dinh đã theo Nguyễn Kim Phù Lê – Diệt Mạc. Năm 1530 Nguyễn Kim về Thanh Hoá cụ Nguyễn Văn Dinh theo về làm nghề đúc binh khí cho Nguyễn Kim tại huyện Lôi Dương nay thuộc Thọ Xuân Thanh Hoá, Năm 1545 Nguyễn Kim bị giết hại cụ Nguyễn Văn Dinh đưa hai người con trai về Thiên vực sinh sống; Người con cả sống ở đất Thiên Vực và truyền dòng họ Nguyễn Văn cho đến ngày nay; Người con thứ hai chuyển xuống ở làng Nam Cai (nay là làng Hồ Nam xã Vĩnh Khang) lập ra một dòng họ Nguyễn Văn khác chi Thiên Vực ở đó; Tính đến nay dòng  họ Nguyễn Văn này đã sinh cơ lập nghiệp ở làng Thọ Vực được 479 năm, số hộ và số đinh của dòng họ này hiện nay ở Thọ Vực rất đông.

          Họ Hoàng Đình của ông Hoàng Văn Lý là trưởng tộc gốc ở làng Biện Thượng (nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) dòng dõi Thái Tể Vinh Quốc Công Hoàn Đình Ái dưới thời Vua Lê – Chúa Trịnh dòng họ này có cụ Hoàng Đình Thái cũng kà quan võ dưới thời Lê – Trịnh năm về già cụ nghỉ hưu thường đi du ngoạn xem phong cảnh cụ yêu thắng cảnh Thiên Vực nên bốc quể chọn Thiên vực làm nơi định cư, người con trai của cụ là Hoàng Đình Hội đã đến Thiên vực khoảng năm 1575 cách ngày nay 449 năm; Hiện nay họ này có chi cả ở Thọ Vực chi hai và chi ba ở Yên Lạc.

          Họ Đặng của Ông Đặng Sinh Hoan là trưởng tộc hiện có 70 hộ với hơn 100 đinh có cụ tổ là ông Đặng Quang Lân gốc người Hải Dương là quan cận thần triều Lê Trịnh đi làm nhiệm vụ trấn ải biên cương, cụ đóng binh tại tổng hành dinh của Nhà Trịnh ở Biện Thượng (Nay thuộc xã Vĩnh Hùng) tháng 7 năm 1786 phong trào Tây Sơn phát triển ra đàng ngoài (ra Bắc Phù Lê Diệt Trịnh) cụ Đặng Quang Lân rời binh về Thiên Vực rồi lấy vợ Họ Trịnh (họ Trịnh của ông Trịnh Tân làm trưởng tộc) và phát triển ra dòng họ Đặng ở Thọ Vực ngày nay.

Họ Trịnh của ông Trịnh Cới là trưởng tộc có cụ Trịnh Tư là người của Nhà Trịnh khi anh em Tây Sơn ra Bắc Phù Lê diệt Trịnh năm 1787 chúa Trịnh Bồng phải chạy lên Lạng Sơn, cụ Trịnh Tư chạy về thiên Vực (Thọ Vực) sinh sống bằng nghề làm thuốc Bắc, cụ Trịnh Tư là cụ tổ của dòng họ Trịnh này.

          Họ Nguyễn của ông Nguyễn Hữu Lân làm trưởng tộc có gia phả chép lại năm Kỷ Mão – Tự Đức thứ 32 tức năm 1879 cho biết: “nghe nói rằng tổ ta có thúc, bá truyền lại nguyên quán ở Hải Dương người thôn Gia Hộ” Cụ tổ tên là Nguyễn Công Ải tự Phúc Tính, mộ ở bản xã Mang Mang xứ (Tức mộ đặt tại Thiên Vực thuộc xứ Mang Mang); Cụ tổ họ Nguyễn này hiện đã truyền đến đời thứ 14 tức đã đến đất Thọ Vực khoảng năm 1660.

          Họ Trịnh của ông Trịnh Xuân Khang làm trưởng tộc hiện có 93 đinh vốn gốc dòng Trịnh Thế ở Biện Thượng (Vĩnh Hùng), dòng họ này có ba chi, chi cả ở Biện Thượng, chi hai ở Quang Biểu Vĩnh Hoà, Thọ Vực là chi thứ ba. Cụ Tổ của họ này ở chi 3 làng Thọ Vực là Trịnh Vĩnh Vỹ chức Thiếu Khanh là quan chức hàng thứ hai ở Hồng Lê chuyên lo bảo vệ xe vua và Hoàng tử. Cụ tổ về đất Thọ Vực cách đây khoảng 350 năm,…

          Nhìn chung các dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Thọ Vực đều phát triển tốt, nhiều dòng họ đông đúc đẻ ra các chi, các phái; Nhưng cũng có dòng họ ở đất Thọ Vực đã mấy trăm năm nhưng cho đến nay số đinh, số hộ còn lại trong làng rất ít. Họ Hoàng của ông Hoàng Văn Hùng là một ví dụ: Họ này đã ở đất Thọ Vực gần 300 năm nhưng hiện nay chỉ còn 2 hộ ở tại làng. Trong thời kỳ đất nước đổi mới cùng với nền kinh tế thị trường ở làng Thọ Vực cũng như nhiều làng khác trong huyện, trong tỉnh số người rời quê hương bỏ đi lập nghiệp ở trong miền Nam rất nhiều; Họ Lê có tới ba dòng nhưng chỉ có dòng họ Lê của ông Lê Văn Lan là có 25 hộ, còn lại họ Lê của ông Lê Văn Long và họ Lê của ông Lê Văn Hãng có rất ít hộ trong làng;

         Ở Thọ Vực có dòng họ Trịnh của ông Trịnh Minh là trưởng tộc thờ cụ tổ có tên là Trịnh Phát Giác; Nhưng ở Thọ Vực có truyện dân gian kể chuyện ông Trịnh Phát Giác là nhân vật Thần thoại. Tóm tắt câu chuyện như sau:

          “Ngày xưa ở Làng Thọ Vực có một gia đình nghèo sinh được mấy đứa con, đứa con thứ hai đặt tên là Trịnh Phát Giác. Giác là một chú bé kháu khỉnh và thông minh ngày ngày chú thường chăn bò ở ven núi đầu làng với chúng bạn. Bấy giờ có một ông già không biết từ đâu đến, tay xách bị, tay cầm gậy thường đi qua bãi cỏ bọn trẻ chăn bò lên chợ Giáng bán thuốc. Một hôm cụ cho Trịnh Phát Giác gánh giup chiếc bị và theo lên chợ. Ngày hôm sau cũng vậy Trịnh Phát Giác lại theo cụ lên chợ nhưng hôm ấy về muộn, ông cụ bảo Trịnh Phát Giác ở lại với cụ và ông cụ đã mở bị lấy quả bầu ra bảo Phát Giác nhìn vào trong ấy. Trong quả bầu là cả một thế giới thần tiên, ông cụ dắt phát giác bước vào quả bầu.

          Ở trong quả bầu được ít lấu, Trịnh Phát Giác nhớ nhà quá nói với ông cụ xin về thăm bố mẹ và các em. Ông cụ đồng ý và đưa cho Trịnh Phát Giác chiếc gậy và dặn “Nơi nào không đi được thì cứ cầm gậy trỏ xuống đất thì sẽ vượt qua mau chóng” Nhờ chiếc gậy tiên để rút đất nên chỉ trong chớp mắt Trịnh Phát Giác đã về đứng ở đầu làng Thọ Vực Phát Giác lần theo lối cũ đi vào làng, về nhà mình nhưng lạ thây không thấy một ai quen thuộc. Một cụ già ra đón chú và trả lời mộ cách kinh ngạc: Trước đây hàng trăm năm tôi có nghe nói cụ tổ nhà tôi có một người con trai thất lạc từ thuở bé tên tuổi đúng như cậu bây giờ đã gần ba đời rồi kia mà;

          Cả họ hàng kéo đến Phát giác hỏi những người bạn chăn bò thuở trước thì biết họ đã mất cả rồi; Phát Giác kể lại chuyện trong chiếc bầu tiên, ai nấy đều lấy làm kinh ngạc;

          Một ông lão nói: - thôi thế chính là cậu đã được đi vào cõi tiên rồi tôi nghe nói một ngày trên trời bằng cả năm dưới hạ giới. Chúng tôi đây chỉ là hạng con em, cháu, chắt của cậu thôi…

          Trịnh Phát Giác hoang không biết xử trí ra sao cả, cậu móc túi lấy mấy viên sỏi đem theo về vừa đặt lên tay thì sỏi đã thành những cánh hoa bay đi mất; Buồn rầu cậu cầm chiếc gậy ra bãi cỏ xưa, Phát Giác cắm chiếc gậy xuống đất, chiếc gậy bỗng hoá ra một con rồng, Phát Giác trèo lên lưng rồng và bay đi, nơi cắm chiếc gậy nổi lên một dãy núi đá có cửa hang mở rộng”./.

         Việc Họ Trịnh của ông Trịnh Minh là trưởng tộc thờ cụ tổ là Trịnh Phát Giác cói thể là trùng tên với nhân vật Trịnh Phát Giác trong truyện thần thoại hoặc nhân vật Trịnh Phát Giác đúng là ông tổ của dòng họ này mà mọi người trong dòng tộc đều tự hào mình là hậu duệ của Trịnh Phát Giác thì đó cũng là muốn nói lên sự ra đời dòng họ Trịnh của ông Trịnh Minh làng Thọ Vực từ rất sớm mãi từ rất xửa, rất xưa... từ khi mà người hạ giới còn đi lại được với người trong nơi tiên cảnh.

        Làng Thọ Vực xưa rất rộng nên trong làng có nhiều ngõ xóm, địa hình ở đây có sông, có núi có đồng ruộng thật là sơn thuỷ hữu tình. Người dân Làng Vực có cau ca:

Làng ta ba vực ba ghềnh

Núi non hội tụ mông mênh ruộng đồng

        Ở Ven bờ sông Mã khoảng cách giữa hai dãy núi, nước làm sói mòn, bờ sông lõm vào hình vòng cung tạo thành những cái vụng. Còn chân núi đá nhô ra dòng sông tạo thành ghềnh; Mỗi ghềnh là một bến tắm thuận lợi không bùn lầy áo quần dễ thay do đặt lên những phiến đá rộng rãi, cao ráo;

Hàng năm cứ đến mùa lụt nước sông mã chảy dữ dội réo ầm ầm qua ba ghềnh, nước sông quẩn vào ba vụng cuốn theo củi, gỗ, rơm rác từ trên rừng xuống. Dân làng đứng trên bờ dùng sào mấu lôi kéo vào hoặc bơi thuyền nan ra sông vớt củi. Củi lụt là nguồn lợi lớn đối với dân làng Thọ Vực;

Đồng ruộng Thọ Vực cao mưa to không bị ngập úng nhưng mưa to lụt lớn lại là tai hoạ đối với nhiều địa phương khác nên dân gian có câu: “Được mùa làng Vực thì cực mọi nơi”

          Người dân làng Thọ Vực chủ yếu sống bằng nghề nông, cây trồng chính là lúa, bông, đậu, lạc, vừng. Chăn nuôi có con lợn, con dê, con bò dùng cho cày và kéo xe. Thọ Vực có nhiều núi đá nên xưa kia đàn dê rất phát triển cả làng có đến 15 gia đình chăn nuôi dê mỗi đàn của mỗi gia đình có từ 30 đến 50 con. Riêng gia đình ông Trịnh Nhỡn có đàn dê trên 60 con. Ngoài làm ruộng dân làng còn có thêm nghề trông dâu nuôi tằm và dệt vải, trồng bông dệt vải tự túc tiêu dùng cho gia đình. Dòng Họ Nguyễn Văn của ông Nguyễn Ngọc Trinh còn có nghề đúc đồng đã đúc những nòi đồng, chậu đồng, mâm đồng, xanh đồng, các đồ thờ bằng đồng…Thọ Vực còn có nghề làm đá nổi tiếng. Thợ đá làng Thọ Vực đã đục nhiều đồ vật bằng đá như cột nhà, cối, xay, các đồ thờ bằng đá, tạc bia, mộ…

          Ngày trước dưới chân núi Thọ Vực đều có cây cối xanh tốt; Các loài chim sáo, cu gáy, cu ghì, tu hú, quạ, diều hâu đến các loài chim chích, chim sâu ở đây nhiều vô kể; Các loài thú như lon, cáo, cầy hương, khỉ đàn, khỉ độc cũng rất nhiều ở trên núi…Dưới đồng mùa nước tháng tám cá, cua, tôm, ốc cũng lắm lắm. Thọ Vực có câu tục ngữ: “Cơm gạo lốc, ốc ao sen, cá Lừ hang Khởm” đây là những sản phẩm nổi tiếng vừa béo, vừa ngon của quê hương Thọ Vực;

          Làng Thọ Vực hiện có tổng diện tích tự nhiên là 180,08ha trong đó đất canh tác là 80,46ha, đất ở 12,53ha. Dân số 1.700 người;

Địa giới hành chính: Phía Bắc giáp sông Mã (bên kia sông là xã Quý Lộc huyện Yên Định), phía Nam giáp làng Hồ Nam (xã Vĩnh Khang), Phía Đông giáp làng Hà Lương (xã Vĩnh Thành), Phía Tây giáp làng Phi Bình; Thực hiện Quyết định số 3196/QĐ-UB ngày 24 tháng 10 năm 2007 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc chia tách một số làng (Thôn) trên địa bàn tỉnh; Tháng 4 năm 2009 làng Thọ Vực chia làm hai thôn (làng) Thọ Vực 1 và Thọ Vực 2; Thọ Vực 1 do ông Trần Mạnh Hùng làm trưởng thôn, Thọ Vực 2 ông Ngô Thanh Hải làm trưởng thôn cả hai thôn 1 và 2 sinh hoạt trong một chi bộ đảng do ông (đ/c) Trịnh Hùng Sơn làm bí thư kiênm trưởng thôn Thọ Vực (làng lớn)./. 

Nguồn: Lịch sử xã Vĩnh Ninh năm 2010 và sử liệu tổng hợp từ nhiều nguồn

Thông tin bài viết đã cách nay 15 năm, độc giả nếu thấy cần bổ sung sai lệch thì cho ý kiến để chỉnh sửa phù hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét