XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Lịch sử đình làng Kênh xã Định Tiến huyện Thiệu Yên Thanh Hoá

          Căn cứ vào các nguồn tư liệu thành văn như: sách Thanh Hoá chư thần lục; văn bia; Thần tích hiện còn và truyền thuyết cho biết: Đình làng Kênh được xây dựng từ năm 1534, thời Lê Trang Tông. Đình làng Kênh mang chức năng là đình làng - là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của nhân dân trong làng ; đồng thời, đình còn thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước làm Thành Hoàng làng là Quản gia Đô Bác Đại Vương, Nguyệt Nga công chúa; phối thờ Tả Tư mã ; Thái phó Nguyên Quận Công Trịnh Tướng Công, tên thụy là Tuyên Hoà và bà Quận phu nhân Trịnh Thị Ngọc Kiến.

        Về nhân vật Quản Gia Đô Bác: Thần tích hiện đang được lưu giữ tại đình Làng Kênh, Định Tiến, Yên Định, Thanh Hoá có nội dung như sau:

Tôn thần Đương giang Quản gia Đô bác đại vương Trịnh Tuấn Lương, triều Nguyễn gia phong Trác Vĩ Thượng đẳng tôn thần.

Thần nguyên quán người xã Thiên Vực (Thọ Vực ngày nay), lộ Vĩnh Ninh (nay đổi thành huyện Vĩnh Lộc), họ Trịnh tên là Ra. Người thông minh, mẫn tiệp, trung tín, hình trạng khác người. Vào thời gian vua Đường ý Tông, niên hiệu Hàm Thông và Hàm Bình (Trung Quốc). Thời gian đó vua sai Cao Biền giữ chức Đô Hộ sứ trấn giữ nước Nam ta. Cao Biền mệnh danh là Cao Vương đi kinh lý xem xét những vùng sơn kỳ thuỷ tú qua đất lộ Vĩnh Ninh, Tôn thần (Trịnh Ra) theo ông. Cao Biền nhất mực yêu quý và giao cho đảm nhiệm công việc gia đình. Tôn thần (Trịnh Ra) không quản mệt nhọc, một lòng theo hầu và chuyên tâm lo chu tất mọi việc. Cao Vương nhất mực tin tưởng mới giao cho ông đảm nhiệm chức Gia phủ nội ngoại chư quân, cần lao lo toan công việc được mệnh danh là Khố (kho), sau này cáo xin trở về được Cao Vương tặng cho tiền 500 quan. Tôn thần nhân đó mà được giầu có. Khi trở về quê hương ông đem cứu tế cho những gia đình nghèo túng, nhờ vậy mà mọi người trong huyện ai nấy đều được ngài ban phát mang nhiều ơn huệ.

          Đời cha của Tôn thần (Trịnh Ra) vốn có thù oán với người làng Thuỷ Thanh lâu năm mà chưa phân giải được, nên họ ngầm có âm mưu sinh lòng báo thù và sinh ra kế đến gia đình ông chơi, đồng thời có nhã ý xin cầu hôn và xin cưới Thị Ba (em gái thần). Vì không nghi ngờ gì nên ông đã đồng ý gã em gái mình, thế là mưu kế của người làng Thuỷ Thanh bước đầu đã được thự hiện, vợ chồng em gái Thần cầm sắc được không lâu thì bất hoà, Thị Ba bị đuổi về nhà mẹ đẻ; trong đêm, Thị Ba một mình trở về, khi  đến bến sông thì lúc ấy trời tối không có thuyền  để vượt sông, Thị Ba bèn trầm mình xuống sông la lớn cho hai anh em đến cứu. Tôn thần (Trịnh Ra) nghe tiếng la thất thanh khẩn thiết của em gái mình bèn cùng em trai là Tú dùng thuyền đi ra cứu em mà không biết mưu kế của người làng Thuỷ Thanh đang chứa chấp binh khí mai phục bên bờ để đợi anh em Tôn thần (Trịnh Ra).

Khi về gần bờ, cả ba anh em đều bị hại (hôm ấy là ngày 14 tháng 11), thời gian đó là mùa đông thời tiết rét đậm, trời lại quá sớm nên không người nào biết. Do vậy xác cứ từ bến sông trôi đi. Thi thể của Tôn thần (Trịnh Ra) trôi từ ngã ba sông đến bến Chiêu Đức (nay là xã Nhật Chiêu) thì không trôi nữa. Xác trôi đi, trôi lại ở đó 5 ngày, người nhà hoảng hốt báo tin cho Cao Biền, Cao Biền thương tiếc cho mai táng ở núi Chiêu Đức theo kiểu thượng sàng hạ mộ, nhân đó lập miếu ở trên mộ tặng phong là: Quản Gia Đô Bác Thần Vương, mãi mãi sùng bái hương hoả. Nhân việc đó, nhân dân các vùng ven sông lập đền thờ cúng, mỗi khi cầu đảo lại thấy có linh thiêng ứng nghiệm.

Đến cuối triều Trần, Hồ Quý Ly xây thành Tây Đô (nay là thành Tây Đô, huyện Vĩnh Lộc) khi đang xây bỗng gặp một người hình mạo khôi ngô, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội mũ đen đứng trước mặt vua Hồ nói rằng: Nay thiên hạ đã đại định, triều nhà Trần vua uy đức không đủ toả sáng để cứu vớt sinh dân lầm than khổ cực. Nói xong thì không thấy đâu nữa. Vua Hồ sợ hãi liền chiêu gọi dân trong thôn bản hỏi rõ sự việc. Vua Hồ ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho mỹ tự. Đến triều Lê mở vận, thảo bình giặc Ngô, diệt trừ giặc Mạc lập nên triều Lê Trung Hưng, thần đều âm phù trợ giúp rất nhiều, công tích nổi khắp trần gian, được gia phong mỹ tự.

Sắc phong cho dương thần (Trịnh Ra) có 12 đạo được ban hành vào các năm (nay đã bị thất lạc), đó là:

                       Ngày 02 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741);

                       Ngày 08 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767);

                       Ngày 24 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771);

                       Ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783);

                       Ngày 16 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783);

                       Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783);

                       Ngày 22 tháng 3 niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 (1787);

                       Ngày 11 tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1653);

                       Ngày 24 tháng 11 niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880);

                       Ngày 11 tháng 7 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887);

                       Ngày 18 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1908);

                       Ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).

Nguồn: Trang thông tin điện tử xã Định Tân – Yên Định – Thanh Hoá

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét